Tết
lại đến rồi. Miền duyên hải này không có cái lạnh hắt hiu để em được
mặc áo nhung đỏ dầy cộm như ngày nào ngoài Hà Nội đã quá xa xưa. Nơi đây
gió biển chỉ thổi mát hơn thường lệ, và không khí mua sắm cũng nhộn
nhịp hẳn lên.
Buổi chiều đi học về, em sà đến bên mẹ. Mẹ cắm cúi ngồi khâu, mái tóc vấn trần thoáng long lanh vài sợi bạc.
- Mẹ, năm nay mẹ có mua xăng đan mới cho con không ?
- Để xem đã, con ạ !
Để
xem đã ! Em muốn òa lên khóc. Áo dài cũng để xem đã, dép cũng để xem
đã, Tết đến nơi rồi mẹ có biết không ? Em lặng lẽ bỏ vào nhà, mẹ ngước
nhìn theo không nói.
Qua
khung cửa sổ em nhìn dõi bên ngoài. Khung trời dần sẫm lại, tối rồi.
Quay nhìn ra cửa hàng mẹ và chị Liên vẫn cắm cúi ngồi khâu. Hàng Tết mà !
Một cái áo dài may có khi gần hai trăm bạc, mà đôi xăng đan của em đâu
có tới hai trăm ? Mẹ tiếc với em ư ? Còn áo dài, mẹ may cho người ta
không biết bao nhiêu mà một manh áo mới đến giờ em chưa có ! Ấy là một
năm chỉ có Tết một lần.
Em
đâu đòi hỏi gì nhiều ? Em chỉ muốn có áo dài mặc trong buổi thi văn
nghệ, với lại chẳng lẽ mà kéo luôn đôi dép cao su lệt xệt cho bao nhiêu
người ngắm nghía ? Em tủi thân, em muốn khóc quá chừng. Em khóc đây này,
em không có nhịn nữa đâu. Vùi đầu vào gối em mặc cho nước mắt chảy ra
ướt đẫm, bao tủi hờn ấm ức theo với nước mắt cũng vơi dần. Em mệt mỏi
thiếp luôn vào giấc ngủ, quên bữa cơm tối chưa ăn.
Hôm
nay là buổi thi văn nghệ. Lớp Nhất B của em thôi khỏi nói, mục nào cũng
hấp dẫn ghê hồn. Nhỏ Trưng Vương bày ra màn múa mọi. Có khi em ngẫm
nghĩ thấy tức cười, con nhỏ đen gần như mọi con, tóc uốn xoăn tít thả
xuống hai vai mà múa mọi thì thật là hết xẩy. Tuy thế cái miệng nó cười
sao mà dễ thương chi lạ.
Em
giữ vai trò quan trọng là hát cho tụi nó múa. Ngoạc mồm gân cổ ra mà
hát đến gần như khan cả tiếng. Mười hai đứa xoa lọ nồi trên mặt mũi tay
chân đen kịt, lá dừa tước nhỏ quấn quanh người mỗi lần ngoáy theo điệu
vũ là kêu xào xạc, trên mình mặc áo cánh có dán trăng sao xanh đỏ.
“Đáy nhinh, xính phinh, lâm vôn…”
Chúng
nó nhịp nhàng lên xuống, tay chân dẻo như keo. Tiếng hát em càng lảnh
lót cất lên. Lẽ ra em đã thi hát rồi cơ, em mà hát là giải đơn ca nắm
chắc về phần lớp em. Nhưng em không có áo, tại mẹ cả đó.
Mục
cuối cùng là vở kịch “Gia đình Táo”, em là đạo diễn đấy nhé. Tên Mỹ
đóng vai bà vợ dữ như cọp cái. Má hồng, môi son, áo dài đỏ mượn của chị
Nga, đi đôi guốc cao gót cồm cộp. Nó bước vào “nhà” ngồi tréo ngoảy trên
ghế, thở ra một hơi dài rồi dõng dạc :
- Nhà cửa gì vắng ngắt thế này ? Thày nó đâu ?
Em
khúm núm chạy ra run như cầy sấy. Cái quần tây mượn của anh Chất vừa bị
móc rách một mảnh đằng sau làm cho khán giả cười rộ. Hai bên cánh gà,
Táo bà Táo ông thập thò cũng đưa bộ mặt nhăn nhở cười em. Em đóng vai
anh chồng sợ vợ tuyệt trần đời.
Kết
quả, giải thưởng vũ và kịch đều lọt vào tay lớp Nhất B. Cô Nhung cười
tươi như hoa giơ cao hai túi kẹo to tướng khiến cả lớp hò reo muốn vỡ cả
sân trường. Em mang niềm vui sướng hãnh diện ấy về đến tận nhà. Mẹ em
kia, vẫn đang gò lưng sau cái máy may cắm cúi đạp.
- Mẹ, tụi con giật giải thưởng văn nghệ rồi này !
Mẹ ngước lên cười :
- Giỏi nhỉ ! Thôi con vào rửa mặt ăn cơm.
Suốt bữa cơm em ba hoa kể chuyện, mấy ông con trai cũng tranh nhau nói ồn ào, riêng mẹ có vẻ trầm ngâm nghĩ ngợi.
Trưa ngày 29 Tết, mẹ gọi em :
- Con thay áo, để chị Liên dẫn ra chợ mua guốc mới !
Sao
lại guốc ? À, phải rồi năm nay em lớn đi guốc cao gót cho oai. Em hớn
hở nắm tay chị Liên, len lỏi đi tìm hàng guốc. “Đôi guốc xanh này chị
ơi, em thích cái màu này đó”. Chị Liên chiều lòng mặc cả, những bốn mươi
lăm đồng. Dễ sợ chưa ? Em đi xi nê tốn có 7 đồng một vé, mà thôi kệ, em
chỉ thích đôi guốc này thôi.
Trên
đường về em say sưa ôm siết đôi guốc mới vào người, sớ gỗ như còn phảng
phất thơm mùi nhựa. Màu xanh bạc óng ả sơn theo gót guốc lượn vòng
duyên dáng, em sung sướng quá vậy thôi.
Đến nhà, mẹ ngạc nhiên nhìn đôi guốc gót cao :
- Bao nhiêu hở con ?
- Dạ… bốn mươi lăm đồng.
Mẹ
hơi sững sờ người rồi nhẹ thở dài cúi xuống, luôn tiếp tà áo màu xanh.
Cái áo be bé xinh xinh, màu thiên thanh mát dịu cầm nhẹ như mây trời.
Một thoáng sửng sốt vui mừng đến với em thật nhanh nhưng em vẫn sờ sợ
không dám tin là thật. Em hơi ngập ngừng :
- Mẹ…
- Gì con ?
Mẹ ngước nhìn em, mỉm cười nói tiếp :
- Áo con đó, mẹ may đến chiều là xong. Con vẫn thích màu xanh phải không ?
Em muốn khóc. Em lại muốn khóc quá chừng !
Lê thị Thái Bình