CHƯƠNG II
Cha
Hoà làm tài xế xe vận tải. Ông luôn luôn khoe với mọi người rằng trong
đời cầm tay bánh của ông, ông chưa hề cán chết một con chó hay một con
gà. Ông hết sức cẩn thận. Quả vậy, ông là tài xế giỏi được chủ xe rất
mực quí mến, tin dùng. Ông cưng dưỡng cái xe không khác chi các con ông.
Mẹ Hoà thường nửa đùa nửa thật nói rằng không biết con ông với cái xe,
ông quí cái nào hơn. Cha Hoà cười xoà, vui vẻ :
-
Làm sao lại thương cái xe hơn con mình được, nhưng mà chủ người ta đã
tin mình, giao xe cho mình, mình phải giữ gìn cẩn thận, khỏi phụ lòng
tin cẩn của người ta.
Dạo
trước xe chạy đường Lục Tỉnh. Mỗi lần về đến nhà, người đầy bụi bặm,
mệt phờ, song ông vẫn lục xách tay lôi quà ra cho vợ con rồi mới chịu
nằm nghỉ trên cái võng trước hiên.
Cha
Hoà mua nhiều thứ : chuối khô, cam, ổi, ốc, cua, bánh phồng tôm v.v…
thổ sản địa phương có gì, ông mua về thứ ấy. Nằm nghỉ một lát, ông ngồi
dậy, ra săm soi cái xe cả đỗi nữa rồi mới đi tắm. Có khi ông rửa xe, có
khi chỉ lau qua trước khi đi tắm. Tắm xong, lại lên võng nằm ngâm nga
mấy đoạn thơ Lục Vân Tiên :
- Khoan khoan ngồi đó chớ ra.
Đó là phận gái đây (ta) là phận trai.
Tiểu thơ con gái nhà ai ?
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kỳ ?
Ông ngừng lại đột ngột, rồi tấm tắc khen :
- Đời xưa có khác, người ta giữ gìn ý tứ như vậy thiệt là hay ! Tao ưa như vậy ! Đúng là (lại ngâm) :
Trai thời trung hiếu làm đầu.
Gái thời tiết hạnh là câu trao mình…
Hoà
với chị Mai cười khúc khích. Nghe tiếng con cười, người cha chợt nhớ ra
quà mình mua về chưa được các con thưởng thức, liền thôi ngâm, giục vợ :
- Mẹ nó coi luộc ốc cho trẻ ăn đi !
Hay :
- Mẹ nó chiên bánh phồng tôm cho trẻ ăn đi !
Mẹ Hoà không ngừng tay làm việc, bà đang nấu cơm hay giặt gịa chi đó, bà nói vọng lên :
-
Ông làm như tụi con ông chết đói tới nơi rồi vậy. Đi đâu mà lật đật ?
Ăn uống phải có giờ giấc, chừng mực chớ. Gần tới bữa ăn rồi…
Cha Hoà ngắt lời vợ :
-
Biết rồi, người ta có nói chưa tới giờ cơm đâu ? Mà người ta muốn cho
con người ta ăn trước mặt người ta, ăn liền cho nó mát con mắt một chút,
có sao không ?
- Chẳng có sao hết, trước mặt hay sau lưng gì rồi cũng là ăn, hối hả cái gì ? Ông sợ tôi đem bán, không cho tụi nó ăn chắc ?
- Ai sợ ? Người ta đã nói người ta muốn nhìn con người ta ăn… đàn bà lắm chuyện.
Thật vậy, cha Hoà có thói quen thích nhìn con ăn. Ông nói rằng nhìn các con ăn, ông ngon mắt lắm,
muốn no luôn ! Hễ trong túi rủng rỉnh chút tiền là ông lén vợ chở con
đi ăn tiệm liền. Lén, nhưng rồi chỉ một buổi, chậm lắm là một ngày sau,
chuyện đổ bể ra. Mẹ Hoà không bằng lòng, bà nói :
- Cha con muốn ăn gì, nói, rồi người ta mua làm cho mà ăn, ăn tiệm tốn tiền, mắc mà không ngon.
Mai cũng theo phe mẹ, chê ăn tiệm. Chỉ Hoà với em Bé theo phe cha. Rốt cuộc, ông chê đàn bà con gái hà tiện, ưng khổ thân, không biết chuyện !
Không
biết chuyện ? Đó là ba tiếng ông năng dùng để chỉ những ai mà ông có ý
chê. Hà tiện, xấu bụng, gian giảo, ích kỷ v.v… đều là không biết chuyện
tất !
Từ
khi xe chạy ra Trung, ông hay vắng nhà hơn trước. Chừng như để bù vào
chỗ thiếu sót đó, mỗi bận về ông đem cho vợ con nhiều quà quí giá hơn :
tơ tằm tận Quảng Nam, võng gai ngoài Bình Định, mạch nha của Quảng Ngãi,
mực khô ở Nha Trang, nón bài thơ xứ Huế… và ông ở nhà nghỉ cũng lâu
hơn. Nhà vui như Tết !
*
Theo
lời mẹ kể thì Hoà được biết cha mình vốn quê ở miền Trung. Ông bà nội
hiếm hoi sinh có mình ông thôi. Nhà có nhiều ruộng đất, nhưng cha Hoà
không ra tỉnh học, cha Hoà được học qua quít chữ quốc ngữ ở trường làng,
còn chữ nho thì nhiều hơn, ông bà nội rước thầy về dạy trong nhà. Không
phải ông bà nội hà tiện, mà ông bà nói rằng chữ thánh hiền tốt hơn chữ
tụi tây u. Mà cần gì phải học nhiều ? Học, theo quan niệm của ông
bà, là để biết đạo làm người, xử thế, chớ không phải để kiếm cơm, hay
làm quan.
Nối
nghiệp nhà, cha Hoà cũng làm ruộng như ông nội. Nhưng phong trào Kháng
chiến với những lời kêu gọi đầu tiên vừa hùng hồn vừa thống thiết làm
xúc động sâu xa tâm hồn người thanh niên con một, quê mùa và chất phác
kia. Người thanh niên hiền lành ấy nhất định ra đi trong sự bằng lòng
của cha và rất nhiều nước mắt của mẹ. Anh buông cày, cầm súng, tham dự
nhiều trận giao tranh một cách hăng say, tin tưởng. Anh không phải là
người được nhồi nhét nhiều kiến thức mới như thanh niên thành phố, anh
không quan tâm đến những danh từ lớn. Lòng yêu nước trong anh được bộc
lộ một cách tự nhiên, giản dị nhưng không kém nồng nhiệt khi được thức
tỉnh, kêu gọi
đúng lúc.
Đó là lòng yêu nước của một nông dân, bắt nguồn từ luống cày, bó mạ, từ đồng lúa, vườn rau.
Họ
là những kẻ thực thà, nhút nhát, không hề tính toán đến những điều khác
lạ, cao xa, người ta có thể cho rằng suốt đời họ không bao giờ rời được
lũy tre, đồng ruộng, nhưng bỗng chốc, cảm thấy mình cần phải chiến đấu,
thế là họ lăn mình vào chiến đấu. Giản dị thế thôi.
Thỉnh
thoảng, cha Hoà ghé về thăm nhà, lại thấy cha vui và mẹ khóc. Tuy chưa
biết ai nhiều bằng mẹ anh, anh cũng kết luận rằng “đàn bà rất nhiều nước
mắt.”
Cuộc Kháng chiến kéo dài, dài hơn anh tưởng, nó kéo anh đi xa lắc, hết còn dịp nào trở về thăm cha mẹ như buổi ban đầu.
Chính
quyền thân Pháp tại địa phương được tái lập và họ kết tội cha mẹ anh,
tịch thu hết gia sản, ruộng vườn. Ông bà già quá rồi, không chịu đựng
được nỗi thảm nhục và cũng không còn sức lực để lao tác nuôi thân. Nhiều
người thương xót nhưng không dám giúp đỡ và sau cùng, song thân anh lần
lượt nằm xuống, không có mặt người con trai độc nhất theo sau linh cữu
cũng như vuốt mặt cho, hai điều mà họ hết lòng ao ước.
Hay
tin dữ, cha Hoà khóc lặng. Từng đêm, từng đêm dài anh băn khoăn tự hỏi
mình : “Yêu nước là một tội ư ? Mà tội lây đến cả mẹ cha ư ?” và anh
không thể nào tìm được câu giải đáp. Sự việc xảy ra trên sức tưởng tượng
của anh. Cha Hoà không mấy tiếc những đất ruộng nay thuộc về tay kẻ
khác mà anh xót đau cho cha mẹ, xót đau dai dẳng không nguôi.
Nếu
ngay lúc đó mà anh được trở về thì anh sẽ chĩa mũi súng vào ngực kẻ đã
làm tan nát gia đình anh rồi nhắm mắt bóp cò, rồi anh mở mắt ra nhìn kẻ
ấy quằn quại trên vũng máu mới hả lòng căm tức. Anh sẽ không biết thương
hại là gì đâu, trời ạ ! Nhưng anh không về được, phải nén lòng chờ. “Ta
sẽ về ! Ta sẽ về, tụi bây phải đền tội, rồi coi !” Anh hậm hực giơ quả
đấm về phía trước, thì thào trong bóng tối.
Song, than ôi ! Đó chỉ là lời doạ suông thôi. Kể từ sau gia biến, anh không bao giờ còn được trở lại gia hương.
Trong
một trận giao tranh, anh bị thương, bị bắt, bị giam giữ suốt hai năm
ròng. Khi được thả ra, anh lạc lõng giữa một đô thị xa lạ và xa hoa đáng
sợ : Sài Gòn ! Sài Gòn mà từ thuở bé anh chỉ nghe thoang thoáng như một
địa danh xa lạ, không ngờ rằng có ngày mình lại có mặt ở đây. Một thân
đau ốm, quanh mình không một ai là thân thuộc họ hàng.
May
sao, anh gặp ông ngoại của Hoà. Trong con mắt ông thì cha Hoà là hình
ảnh của người con trai ông, người con trai đã xả thân vì yêu nước năm
nào.
Ông
đưa anh về nhà, tận tình thuốc men chạy chữa. Mỗi lần nhìn cha Hoà, ông
lại mang máng nhớ đến cánh thư cuối cùng của con trai ông, anh viết
rằng : “…Cha hãy coi như không có con, như con không còn trên
đời nữa, vì con không biết chắc có ngày về không. Nếu con được trở về
thì vui, còn không thì em con sẽ thay con mà phụng dưỡng cha. Con cam
tội bất hiếu. Trên đời này có những mối tình lớn, những nghĩa vụ lớn hơn
tình nghĩa gia đình. Con không thể nào một mình hoàn tất cùng một lượt
nhiều nghĩa vụ. Con mong cha hiểu mà tha tội cho…”
Không
! Ông không thể hiểu và cũng chẳng cần tìm hiểu. Ông cảm thấy rằng ông
sắp mất con ông, đứa con trai ông chắt chiu từ khi còn tấm bé, một mình
ông còm cọm gà trống nuôi hai con – nhưng mẹ Hoà là gái rồi sẽ theo
chồng -- từ khi mẹ chúng nằm yên vào lòng đất. Ông không nuôi con cho nước.
Tại sao đến lúc con ông trưởng thành thì nước lại cướp mất con ông ?
Mặc con ông nói gì thì nói, ông không cần biết, ông chỉ biết một điều
ghê gớm : ông sắp mất nó, thế thôi !
Quả
như ông nơm nớp lo sợ : đó là cánh thư chót mà người con ông có thể gửi
về. Sau đó, ông không nhận được chữ nào. Ông nhớ con quay quắt thiết
tha nhưng ông ngụy trang lòng nhớ thương sâu đậm đó, phủ nhận niềm mất
mát lớn lao đó bằng cách không bao giờ giở cánh thư cũ ra đọc lại, cũng
không bao giờ nhắc đến tên con. Nào nó có thương ông mà ông thương nó ?
“Con bạc bẽo thì thôi” ông thốt câu trên bằng giọng hờn dỗi, buồn rầu.
Rồi
tin dữ đến. Ông đón nó một cách trầm tĩnh, thản nhiên đến độ làm cho mẹ
Hoà hoảng sợ, cô gái vừa lau nước mắt, vừa nghẹn ngào van xin cha tha
thứ cho anh cô vì anh cô đã chết rồi.
Ông quay đi, giọng chìm xuống, mơ hồ như từ cõi xa xăm nào vọng lại :
- Không, cha có giận nó đâu, cha thương nó lắm… nhưng mà…
Đôi
vài gầy run run qua lần lụa mỏng, ông che mặt khóc, khóc thảm thiết,
khóc tức tưởi, tưởng như bao nhiêu khổ sở, nhớ thương, mong đợi, dồn nén
lâu nay tan hoà trong nước mắt ông.
Đó là lần đầu mà cũng là lần cuối, mẹ Hoà thấy ông nhắc đến anh mình, tỏ lòng nhớ tiếc anh mình.
Ông
thu gói tình thương đó lại, kín đáo, lặng lẽ cũng như ông lặng lẽ kín
đáo thu thập di vật của người con trai ngắn số cất vào một chỗ, một chỗ
sâu kín của lòng ông.
*
Năm
ấy mẹ Hoà mười chín tuổi. Cô từ chối những lời cầu thân của nhiều người
vì cô chưa nghĩ đến tình yêu, song có lẽ phần lớn cô do dự bởi ngại nỗi
về nhà chồng thì cha già hiu quạnh một mình. Cứ lần lữa đến đâu hay đó.
Mỗi bận cha cô bàn đến chuyện chồng con thì cô lại thưa cha hãy thong
thả, rằng cô muốn được gần cha ngày nào hay ngày ấy, rằng sớm muộn gì mà
cô không phải lấy chồng ?
Cô
rất cảm tình với người thanh niên nghèo khổ xa lạ mà cha cô đưa về. Từ
cảm tình đến tình yêu thật không xa cách mấy, nhưng mỗi lúc nghĩ đến
miền Trung xa tít tắp nào đó mà mình sẽ phải đi theo, để cha già còm
cọm, thui thủi lẻ loi sớm chiều trong gian nhà vắng lặng thì lửa tình cô
tắt biến. Mãi cho đến khi cô thú thật điều lo ngại của mình, thì cha
Hoà thổ lộ hết chuyện gia đình và bằng giọng xót xa, anh nói :
- Tôi còn về đó làm chi ? Đau lòng quá lắm ! Tôi sẽ lấy quê em làm quê tôi, cha em làm cha tôi…
Trầm ngâm một lát, anh tiếp :
- Mà dù có tính đến chuyện về cũng còn lâu lắm, chừng nào cha em…
Thế
là họ thành hôn. Ông ngoại Hoà vui vẻ, vuốt râu chờ bế cháu. Ông chờ có
hơi lâu, vì mẹ Hoà chậm sinh, mãi đến ba năm mới có tin mừng.
Ông nhắc đi nhắc lại một câu ông đã nói nhiều lần, mỗi lần bế cháu trên tay :
- Vậy mà ông cứ lo cháu đợi ông chết rồi mới ra đời chứ !
Hết sức mãn nguyện vì rể tốt, cháu ngoan, ông ngoại Hoà nói rằng ông sẵn sàng chờ chết. Và ông mất trong một giấc ngủ yên lành.
*
Khi
cái cớ duy nhất ngăn cản ý định về quê của cha Hoà không còn nữa, thì
chiến tranh lại tái diễn đến mức không ngờ. Tái diễn một cách khốc liệt,
dữ dội. Riêng đối với cha Hoà thì càng vô lý, khó hiểu. Ông tưởng rằng
cởi bỏ ách thống trị, dân tộc mình có thể sống trong sự tương thân…
Dù
không muốn, gia đình cha Hoà đã mặc nhiên trở thành thị dân và nghề tài
xế dù không phải là một nghề ông vừa ý, song ít nhất nó cũng là một
nghề đủ nuôi sống gia đình.
Như
hoa hướng dương luôn luôn quay về hướng mặt trời, cha Hoà cũng vậy,
tình quê dào dạt trong lòng ông. Ông thường nhắc đến ước mơ được về quê
cầm lại cái cày, cán cuốc. Nhưng điều ao ước tầm thường, nhỏ nhặt đó
cũng mịt mùng, xa xôi, cũng thăm thẳm khó đạt, khó với tới như cái hy
vọng được thấy hoà bình vãn hồi trên mảnh đất thân yêu.
Cha
Hoà ngạc nhiên thấy thù hận bây giờ nhạt nhoà hẳn trong trí nhớ, mối
thù mà ông từng nghiến răng thề sẽ trả cho bằng được, ngày đêm ôm ấp đợi
chờ từng phút từng giờ đó, sao bây giờ tan biến như sương buổi sớm, như
khói lam chiều, không để lại dấu vết nào. Thù oán làm chi nữa ? Cha mẹ
mình có sống lại được đâu ? Mà chắc gì kẻ gây tội ác được sung sướng ?
Chưa biết chừng ruộng đất đó đã đổi chủ cũng nên ? Chao ! Cuộc đời dâu
bể…
Cha
Hoà không mong muốn được làm giàu. Giàu có thì sung sướng chi ? Ông cho
rằng dù giàu có đến bao nhiêu đi nữa, người ta vẫn ngủ một đêm bảy hay
tám giờ, mỗi lần chỉ mặc một bộ quần áo và ban đêm không thể choán chỗ
trên hai chiếc giường. Ông tỏ ý thương hại những người giàu có khư khư
khổ sở chắt bóp để có thêm mà không dám tiêu dùng chuyện đáng tiêu, như
vậy có sung sướng chi đâu ? Mình làm chủ của cải chớ của cải sao làm chủ
được mình ?
- Chuyện gì gọi là chuyện đáng tiêu đâu ? Làm sao anh biết ?
Mẹ Hoà cười, gặng hỏi. Cha Hoà nghiêm trang :
-
Sao tôi lại không biết chuyện đáng tiêu ? Như tôi đây này, tôi mà có
tiền nhiều thì tôi cất trường học, xây nhà thương, làm những việc có
ích…
-
Nhưng anh thì làm gì có nhiều tiền để làm nổi những chuyện có ích ? Còn
nói thí dụ như anh có tiền, biết chừng đâu lúc ấy anh lại đổi tính nghĩ
khác cũng nên…
- Khác làm sao đâu ?
- Nghĩa là anh cũng nghĩ như những người mà anh chê hiện nay đó : khư khư ky cóp kiếm thêm…
Cha Hoà kêu lên, vẻ phật ý :
- Trời ơi ! Mẹ thằng Hoà ! Mình cho tôi là hạng người gì chớ ? Tôi này, cha thằng Hoà, cha con Mai này mà lại không biết chuyện như vậy hay sao ? Không đời nào !
Hai người cười vang lên. Các con cũng cười theo. Chúng vui vì thấy cha mẹ vui.
Những lúc vắng nhà lâu, cha Hoà gửi thư về. Ông cũng là tay văn chương có hạng.
Ông viết như sau : “…
Anh nhớ mình với các con lắm, cho đến nỗi nhiều khi anh muốn từ bỏ
quách cái nghề tài xế này đi. Anh biết là mình cũng muốn vậy, song nghĩ
lại anh thấy không thể nào ngồi không, chờ mình chạy gạo cho cả nhà
được.
Mình
đáng được sung sướng hơn. Các con cần học hành tới nơi, tới chốn.
Chuyện con Mai thôi học tôi buồn lắm đó, tôi không muốn vậy, nhưng bởi
mình nghèo, phải chịu thôi. Con Mai nay học may đã khá chưa ? Chừng nào
thì ba khỏi đem vải ra cho thợ ? Còn Hoà, con mà đậu tiểu học thì ba sẽ
cho con cái xe đạp. Gắng lên ! Con Mai sẽ có máy may. Chịu không ? Còn
Bé nữa, ba không quên đứa nào đâu. Kỳ này ba đi xa, khó nhọc nên ba có
nhiều tiền hơn.
Mưa dữ quá, lại lạnh nữa. May nhờ mẹ con phòng xa bỏ trong xách ba cái áo len chớ không thì phải biết. Mẹ con là người biết chuyện. Ba cảm ơn mẹ con nhiều lắm đó. Chắc vài tuần nữa ba về. Chỉ tại cái xe nó già rồi,
hay làm nũng, nằm vạ luôn, thật khó chìu, khó dỗ. Tức cười không ? Ba
cũng già mà không làm nũng, cái xe thì trái lại. Đi xa thì dỗ xe, về nhà
thì dỗ các con. Coi chừng kẻo mẹ đánh, không có ba, không ai dỗ đâu,
nghe không ?
Thôi, ba ngừng nơi đây. Thăm các con với mẹ, nghe không…”
Buồn
cười thay : mẹ con Hoà ít khi có dịp thưởng thức được cái tài văn
chương của ông trong khi ông vắng mặt vì một điều giản dị là thư luôn
luôn về đến sau người viết ! Mẹ Hoà phàn nàn dữ lắm, nhưng Hoà thì
không. Thằng con trai ưng đọc thư cha trước mặt cha : nó có dịp thấy cha
đỏ mặt lên ngượng nghịu vì những lời lẽ âu yếm do chính tay mình viết,
do ý nghĩ thành thực của mình. Nó làm sao ấy… nó kỳ cục… nó tiểu thuyết,
chịu không được.
Người cha nhoài tới, giằng lấy lá thư, song Hoà nhanh chân chạy biến ra đường. Khi Hoà trở vô, ông làm bộ giận, kêu lên :
- Đưa cái thơ đây, thằng nhỏ !
- Ủa, ba gởi cho mẹ với tụi con thì để con đọc chớ, ba gởi làm chi mà không cho con đọc ?
Ông chịu thua, xuống giọng :
- Thì đọc đi, mà đừng có đọc to, thằng nhỏ rắn mắt !
Nhưng thằng nhỏ rắn mắt không đọc nhỏ như lời cha bảo, nó đọc to cốt để trêu cha, sau cùng mẹ nó can thiệp, đòi phết cho mấy roi vào mông, nó mới thôi.
Sau những chuyến đi xa và lâu, cha Hoà trở về với rất nhiều quà, có nhiều chuyện kể cho các con nghe và cũng nghỉ ngơi lâu hơn.
Nằm trên võng, ông nghêu ngao cất giọng ngâm một đoạn Lục Vân Tiên – vì ông không biết gì khác hơn :
- Làm con đâu dám cãi cha,
Dẫu cho muôn dặm đường xa cũng đành.
Chẳng qua là sự bất (ớ ớ… ớ) bình.
Hay vầy (ơ ơ… ơ) tôi chẳng (có) đăng trình làm chi.
Lâm nguy chẳng gặp giải (ơ… ơ ơ) nguy,
Tiết trăm năm cũng (a a… a) bỏ đi…
Thình lình, ông ngồi bật dậy như cái lò xo, gọi mẹ Hoà giật giọng :
- Mẹ nó đâu ? Mẹ nó ơi !
- Chuyện gì vậy ?
- Mình nướng bánh chưa ?
- Chưa, chi gấp vậy ?
- Thì nướng để kéo mạch nha cho lũ nhỏ ăn chớ chi gấp ? Người ta mua về mà không cho con người ta ăn…
Và
rồi, ông nói hoài, lằng nhằng dai dẳng cho đến chừng mẹ Hoà phải ngừng
công việc khác, bỏ dở đó đi nướng bánh, ông mới bằng lòng.
Nằm
xuống võng, ông quên béng đoạn tiếp theo. Cũng chẳng hại gì. Ông bắt
sang đoạn khác, giọng ông trầm xuống cho hợp với tâm tình người trong
truyện :
- Đã đành đá nát vàng phai.
Đã đành xuống chốn tuyền đài gặp (á á… á) nhau…
Ngồi thì tim lụn dầu hao.
Hỡi (a a) người trong tượng trầu cau đây này !
Cách nhau đã mấy năm chầy.
Không ai hơn thiệt cho khuây…
Đang nằm trong lòng cha, lim dim mắt, bỗng Bé ngồi lên, vùng vằng :
- Con không chịu, con không chịu ba hát cái đó.
- Mày quyền thế dữ há ? Ba muốn hát cái nào ba hát chớ, ăn thua gì mày mà không chịu ? Làm trời hả ? Muốn đòn không ?
Mai quát em. Người cha vội vàng ngăn :
- Thôi, kệ em, con ! (Ông dịu dàng hỏi Bé) Sao con không chịu ? Tại cái đó buồn quá phải không ?
- Con không biết (Bé càng phụng phịu) con không ưng ba hát cái đó…
- Thôi, ba hát cái hay hơn nghe không ? Ba hát hay lắm chớ không phải thứ hát rên rên như chị Mai với anh Hoà con đâu.
Và ông dặng hắng lấy giọng, hát to :
- Thanh niên Việt-nam mau bồng súng ra sa trường. Thanh niên Việt-nam không lùi bước trước làn gươm. Tay phất cao lá cờ…
- Hay ghê ! Ba hát hay ghê !
Bé
vỗ tay tán thưởng, nhưng đúng lúc ấy người cha lại quên đoạn tiếp. Ông
quên mất cái bài hát mà năm 45, 46 ông thuộc nằm lòng, bài hát đã lôi
cuốn ông cùng vô số người trẻ tuổi. Trí nhớ mình tệ thật, ông nghĩ thầm.
Bé giục :
- Hát đi ba ! Con ưng ba hát cái đó !
Để con vừa ý, ông xoay qua điệu cải lương :
-
Nối ngôi trời sửa trị, Trẫm tước hiệu Minh Vương, ra oai phong bủa khắp
bốn phương, rưới nước đức thấm nhuần muôn họ, nhưng mà, Trẫm nghĩ lại
Trẫm giận thay cho (ca lớn lên) các loài Tây phiên, chẳng nể, không
kiêng, rất…
Lại bí. Bé dãy lên, oà khóc. Chị Mai trừng mắt một cái, xông lại bên em :
- Đi chỗ khác cho ba nằm. Đừng có làm rộn…
-
Thôi, Mai ! Con sao có được cái tài ăn hiếp em là nhứt. Để nó nằm với
ba. Cha con tao làm gì mặc kệ cha con tao. Mày lo theo mẹ mày đi ! Lôi
thôi, tháng tới tao không mua máy may cho đâu.
Mai lườm em một cái, doạ :
- Còn làm rầy ba, coi chừng đó !
Rồi Mai xuống bếp. Tiếng võng lại kẽo kẹt, cha Hoà nằm xuống, trở lại đoạn thơ Lục Vân Tiên dang dở vừa chợt nhớ ra.
Cha Hoà như thế đó : cưng con, quí vợ, vui vẻ, hiền lành, tận tâm, chăm việc.
Cho đến nỗi bà Năm bán quán vẫn nói với mẹ Hoà :
-
Mày thiệt là có phước ! Có thằng chồng sao mà tốt nết quá chừng ! Từ
hồi về đây tới nay hai năm, tao chưa bán cho nó được một đồng bạc rượu,
gói thuốc lá cũng không.
_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III