Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

CHUYỆN LỢN ĐẦU XUÂN - Minh Quân



Thuở xa xưa người ta tin rằng thoạt tiên trong các loại gia súc thường thấy quanh quẩn trong chuồng, ngoài sân và trong các trại không hề có giống lợn.

Đấng toàn năng vốn chuộng mỹ thuật nên ngài không để cho người ta trông thấy một giống gia súc cực kỳ xấu xí đến mức ấy xuất hiện trên quả đất. Điều này ta có thể tạm tin, nhất là khi ta nghe câu chuyện về sự tích giống lợn được kể lại do những sách cổ tản mác, lưu lạc cho đến sau cùng được chắp nối thành một câu chuyện cổ không đến nỗi quá hoang đường.

Thuở đó, thuở thần tiên còn ở lẫn với người trần, quỉ quái cũng tha hồ tung hoành, nhiễu hại lương dân vô tội và chỉ rút lui khi bị Nhà Trời hay được, trừng phạt xứng đáng ngang với tội lỗi chúng gây ra.

Chúng ta cũng nên biết : Nhà Trời rất mực công minh và ngài có mắt tai cùng khắp nên không một hành vi xấu hoặc tốt nào mà khỏi lọt đến tai ngài, mà mắt ngài không trông thấy, chỉ có điều một sớm một muộn mà thôi.

Trong một thôn trang kia có vị phú hộ góa vợ đã lâu nhưng không tục huyền vì ông rất mực cưng chiều con gái, mà ông lại cũng chỉ có vỏn vẹn một cô con gái thôi. Cô bé không xinh, chỉ được cái giống y như người đã khuất, nhất là khi cô vào tuổi tròn trăng.

Để bù đắp lại phần nào những thiệt thòi mà đứa con mồ côi mẹ phải chịu, phú hộ hết sức nuông con, cô muốn gì đều được cha chấp thuận. Thậm chí cô không muốn đi học, ông cũng không nỡ rầy la quá ba lần. Lần đầu, khi cô nói:

- Thưa cha, con không muốn đi học, ơi học khổ chết đi ấy! Con muốn ở nhà chơi cơ!

Người cha vuốt râu cười, dỗ dành con:

- Nói bậy bạ! Con phải đi học chứ, mẹ con xưa là một người học giỏi lắm đấy! Con giống mẹ con lắm. Lẽ nào con lại không học giỏi được.

Cô bé lắc đầu quầy quậy. Người cha tiếp:

- Cha không thể sống đời với con, mai kia cha nằm xuống, sẽ có nhiều điều khó khăn đến với con, nếu con không chịu học hành thì càng khó khăn thêm. Trong sách vở có nhiều điều hay và một người có học bao giờ cũng được người ta quí mến…

Cô bé vẫn không nhúc nhích. Người cha lại nói:

- Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Đi học là bổn phận của trẻ con cũng như đi cày là bổn phận của nông dân vậy, nếu con cãi cha sau này chớ trách…

Nếu là một đứa bé ngoan thì nghe lời cha nói như thế tất đã tỏ ra hối hận, đằng này cô bé lại òa ra khóc, dỗi làm cha cô phải dỗ dành hồi lâu, cô mới nín. Lau nước mắt xong, cô con gái quí nói với cha:

- Cha ơi! Không phải con nhác học đâu mà vì con nghĩ cha đã già rồi, cần có con bên cạnh, nếu con đi học, thì nay học gần mai học xa, chả lẽ bỏ dở nửa chừng ư? Lúc ấy, lấy ai thay con ở nhà phụng dưỡng cha khi cha trở trời, trái gió? Vả chăng, nhà ta thì thiếu gì của cải mà cần phải nhọc thân khổ trí học hành? Con vốn ốm yếu sẵn, mà con còn phải đi học nữa rồi chả mấy chốc mà gầy còm bệnh hoạn, chết sớm như mẹ con…

Phú hộ hoảng lên trước những lời biện bác của cô con gái. Suy cho cùng thì con ta cũng có lý – phú hộ nghĩ thầm – nó gầy yếu giống mẹ nó xưa kia, mà nhà mình thì cần gì nữa mà phải bắt nó học hành cho tổn thọ? Như ta đây, cũng có học hành bao nhiêu đâu, đã có làm sao? Miễn có tiền là khắc có mọi thứ. Lại nữa cho nó đi học, nó biết nhiều hiểu rộng, nó lại lên kinh rồi bắt chước thói ăn, nết ở trên đó thêm phiền ra. Ngần này gia sản, ruộng vườn nó ăn trọn đời không hết kia mà…

Ấy thế là cô gái được như ý muốn. Mỗi tuổi mỗi lớn, cô chả cần trau dồi trí dục, đức dục gì cả. Trong tứ đức, công, dung, ngôn, hạnh, cô chỉ để ý, quan tâm tới mỗi đức dung. Khốn nỗi : cô không được xinh đẹp đã đành mà năm tháng chỉ đem lại cho cô mỡ thừa nhiều thêm trong cơ thể. Cô lại lười biếng, không năng vận động, không thích ra ruộng, ra vườn như mẹ cô xưa. Suốt ngày cô chỉ soi gương ngắm bóng, sao cho môi đỏ, má hồng. Không được trời cho chút nhan sắc trung bình thì cô bỏ tiền ra để mua son phấn tô điểm vậy.

Thêm nỗi, người cha quá rộng lượng với con, không ngớt để con tẩm bổ thân xác bằng bao nhiêu thực phẩm đắt tiền, sang trọng. Ông không ngờ rằng kết quả trái với lòng mong đợi của cha con ông : càng tẩm bổ con gái ông càng béo tròn, béo trục, càng xấu thêm, càng khó coi thêm.

Vào tuổi con gái trưởng thành, phú hộ cố kén cho con một chàng rể quí : ông rêu rao khắp quận rằng chỉ cần một chàng trai hiền lành, có học, không thiết đến chuyện giàu nghèo – vì ông đã quá giàu rồi – Có rất động thanh niên lăm le làm rể ông ta. Hiềm nỗi toàn là hạng tham tiền và dốt nát, còn người có học hành, biết chữ nghĩa – thứ ông cần nhất – thì khi biết rõ tính nết và dung mạo con gái ông đều đánh bài chuồn – nghĩa là lảng xa tức khắc.

Cha con phú hộ lấy làm tức giận, càng cố tìm mai mối khắp nơi, ông không ngại tốn kém bạc tiền – đã bảo ông vốn giàu có mà ! – trong chuyện kén rể cho con gái. Ông thết tiệc đều đều, mỗi tháng dễ hơn 10 ngày có tiệc.

Gà vịt, trâu bò trong trại nhà ông chết oan không xiết kể (cho phép người kể chuyện được phép mở cái dấu ngoặc ngang ở đây : nguyên ngày xưa người ta rất ít khi giết chóc súc vật để ăn thịt, trừ khi có việc cưới xin, hay tang lễ, cúng bái. Người ta tin rằng con gà con vịt cũng có linh hồn, chúng chính là người, vì tiền kiếp đã gây nên tội lỗi nên Đấng Toàn Năng bắt chúng phải mang kiếp súc vật để đền tội. Và khi chúng bị giết vì một nguyên cớ chính đáng, máu chúng đổ ra sẽ xóa sạch tội lỗi và chúng lại được đầu thai làm người).

Nay, gia súc nhà phú hộ không được giết vì nguyên cớ chính đáng chút nào, nên chúng không hóa kiếp được, linh hồn chúng vất vưởng, lang thang, tụ họp nhau kêu ca không ngớt.

Cho đến một ngày nọ, tiếng kêu ca của chúng thấu đến tai Trời. Vốn rất công minh, tức thì Ngài không bỏ qua một việc như thế, bèn tập họp triều thần, mang việc đó ra xét xử. Và muốn cho các tiên đều được góp ý, nhà Trời cho phép các tiên được dự vào buổi họp đặc biệt này.

Nữ tiên Bác Ái kính cẩn và dõng dạc thưa:

- Kính tâu Thánh Thượng, cha con phú hộ ỷ vào của cải làm nhiều điều độc ác, sát sinh không duyên cớ, cần phải trừng phạt thích đáng để làm gương cho kẻ khác soi về sau, kẻo chúng khinh nhờn luật nhà Trời.

Nữ tiên Trí Tuệ thêm:

- Kính tâu Thánh Thượng, phàm tiên hay tục, vào tuổi lên năm, chậm lắm là lên bảy, ai nấy đều phải cắp sách đến trường học hành để mở mang trí tuệ, trau dồi đức hạnh. Nay cha con nhà phú hộ ỷ lại vào tiền bạc xúc tích, trái đạo Trời, làm những điều cuồng ngông, xin Thánh Thượng trừng phạt thẳng tay để giữ sự nghiêm minh cho cõi trời và cõi thế.

Kế đến, mỗi tiên thêm một câu, mỗi thần thêm một tiếng, tóm tắt lại, ai cũng công nhận cha con nhà phú hộ là có lỗi, không thể khoan dung. Tuy nhiên, vì nể vị phú hộ tuổi tác và xưa nay vốn cũng không làm điều gì bất nhân, thất đức, nay chỉ vì quá nuông con mà nên nỗi, nhà Trời không trừng phạt ông ta. Riêng cô con gái thì quá vô hạnh, bất nhân, toàn thể hội nghị đồng ý trừng phạt thích đáng để cảnh cáo những con người trần thế manh tâm làm điều tội lỗi.

Năm vị thần – vốn là họa sĩ nhà trời – được triệu tập tức thì để vẽ ra một con vật xấu xí nhất trong số những con vật dưới trần, đặng kể từ đây, cô gái nhà giàu mang lốt nó.

Họ vốn nhiều sáng kiến, nên chỉ trong vòng nửa ngày là nhà Trời có được một hình thù quái dị do năm vị thần họa sĩ tạo thành. Con vật trên giấy không giống bò vì lùn, không có sừng như trâu, không có bộ lông xinh đẹp như loài gà, không biết lội như loài vịt. Nó lùn tịt, béo tròn, mõm nhọn, đuôi nhỏ, mắt ti hí, mũi hếch, lông thưa. Tóm lại, nó là con vật xấu xí nhất mà dưới trần chưa từng có.

- Nó sẽ vô ích cho loài người : nó không biết cày bừa như trâu bò, không gáy sáng được như gà, không thể giữ nhà như chó, nó chỉ biết ăn, ăn và ăn như cô gái nhà phú hộ kia thôi.

Thần Công Bình nói. Thần Cần Mẫn tiếp:

- Để bù lại, loài người kể từ nay được quyền giết thịt con vật này bất cứ lúc nào họ thấy muốn ăn thịt nó, không cần phải có duyên cớ thích đáng. Tuy nó xấu xí nhưng thịt nó sẽ thơm ngon và đặc biệt, nó là giống vật có nhiều mỡ thừa nhất trong các sinh vật. Mỡ nó, người ta sẽ dùng để chiên xào các thứ thịt khác. Không một người trần tục nào bị tội vì giết nó. Đời đời, vĩnh viễn, nó là sinh vật duy nhất cung cấp thịt cho loài người. Không có lợi ích nào khác hơn…

- Nhưng nó vốn bẩn thỉu, giết xong phải nấu nước sôi cạo lông nó thật kỹ mới ăn thịt được…

Thần Sạch Sẽ thêm.

Trong giây lát, năm vị thần họa sĩ mỗi vị một tay dùng thạch cao làm ra một cái tượng y như hình vẽ.

Nhìn trong tranh, nhà Trời – Đấng Toàn Năng vốn chuộng mỹ thuật – đã thấy con vật xấu xí rồi, đến lúc nó thành tượng trông càng gớm ghiếc. Song Ngài không phản đối quần thần lấy nửa câu. Ngài không thể tỏ lòng thương hại kẻ có tội. Phải duy trì luật Trời, phép nước công minh chứ ! Nhà Trời nén lòng trắc ẩn, phán rằng:

- Tuy nhiên, cũng phải ra lệnh cho loài người đối xử với nó cho tử tế : phải cho nó ăn uống đầy đủ, không được đánh đập nó, cho nó ở riêng một chỗ…

- Xin Thánh Thượng yên lòng. Thần rất chu đáo, thần sẽ thông tri cho loài người biết cách sử dụng con vật đê tiện này đúng cách và như lòng khoan dung của nhà Trời.

Sau ba ngày liên tiếp trời làm mưa to gió lớn không ngừng, cô gái nhà phú hộ tắt thở đúng vào sáng ngày thứ tư, khi mặt trời vừa ló dạng và cơn mưa dứt hạt. Khi khâm liệm cô ta, người nhà kinh ngạc nhận thấy xác cô hóa thành một sinh vật kỳ lạ, xấu xí chưa từng có trên quả đất. Vị phú ông quá đau đớn xấu hổ lâm bệnh nặng và tắt thở sau đó có năm hôm.

Còn con vật ? Nó không có tên, nó ưa ở chỗ bẩn và chỉ hai tháng sau nó sinh ra một bầy con lúc nhúc gồm đúng mười hai con be bé giống y như mẹ. Người ta còn đang phân vân, lo ngại chưa biết nên xử trí với chúng cách nào thì từ không trung có tiếng sét nổ rền, rồi một giọng oai nghi vang lên, một thông tri của nhà Trời gửi xuống trần gian.

Giọng nói rõ ràng, rành mạch, từ cách nuôi nấng, chăm sóc con vật lạ, cho đến cách sử dụng thịt nó ra sao. Những kẻ háu ăn nghe đến đâu hởi lòng đến đó, vì kể từ nay họ có thể giết chóc bất cứ lúc nào, khỏi phải đợi lúc cúng tế, tang, hôn.

Có điều, lời cáo tri kia không nhắc đến tên con vật. Nó không có tên trong suốt trên năm năm ròng rã như thế.

Nhưng trong năm năm đó, mặc dù không có tên chính thức, nòi giống nó lan tràn sinh nở đều đặn, nhanh chóng và đức tham ăn thì vô địch, không kịp cho ăn thì nó ủi phá lung tung, đồng lúa, vườn rau, vách đất, cột nhà… không chừa kể thứ gì. Người ta trao đổi kinh nghiệm cho nhau : nhốt nó vào chuồng cẩn thận, cho ăn đầy đủ để chóng béo, chóng lớn ; người ta luộc nó, quay nó, xào nấu đủ thứ và mỡ nó rất thông dụng trong bếp : làm thứ gì cũng có chút mỡ nó để thêm ngon.

Nó hay ủi nên có người gọi nó là con Ủi. Tiếng kêu ụt ịt nên có người gọi là con Ịt. Có lúc nó đổi tiếng kêu : “Eng Éc” nên người ta còn gọi con Éc.

Và tên nó thay đổi tùy theo địa phương, theo lối phát âm của từng dân tộc, và cho đến nay, ở xứ ta, nó được gọi chính thức là LỢN (ở miền Bắc) và là HEO (ở miền Nam).



Cho đến ngày nay, con vật này đã trở thành một giống gia súc quen thuộc khắp thế giới. Ngoài con Lợn thật người ta nuôi để ăn thịt, người ta còn chế ra con lợn đất để cất dành tiền – vì xưa nó vốn là con nhà phú hộ – cũng như lợn thật : lợn đất chỉ biết ăn, cho đến khi no cành bụng ra – nhưng lợn đất không bao giờ lớn – chật bụng, người ta cũng mang giết nó đi, moi bụng lấy tiền ra chi tiêu việc gia đình, cho con cái.


Dù lợn đất hay lợn thật, ngày Tết chúng vẫn được người ta chiếu cố : giết nhiều hơn ngày thường.

Và con Lợn là loài gia súc bị giết nhiều nhất vì tiền kiếp đã ưa giết chóc, nên không một ai tiếc xót, mến thương. Người ta cũng đồn rằng ngày xưa lợn rất kiêu ngạo : Vì thấy gia chủ có vẻ nuông chìu, hễ nó vừa lưng lửng dạ, cất tiếng kêu là được ăn ngay. Nó cho nó là thứ gia súc quý nhất nên nhìn các gia súc khác bằng con mắt khinh thường.

Cho đến một hôm, cùng các gia súc trò chuyện, nó mới được biết sự thật đau đớn : Nó là sinh vật vô ích nhất, không giữ nhà, không kéo cày, không gáy sáng… Nó chỉ có ích khi người ta giết nó, lợn vỡ lẽ ra tại sao người ta không để nó đói, không bắt nó tự tìm lấy cái ăn.

Đó là lần đầu lợn khóc cho thân phận và kể từ đó, chúng bớt kiêu căng.

Nhưng số phận loài lợn không hề được cải thiện, thay đổi cho đến khi mãn kiếp…


                                                                                                                MINH QUÂN


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 145-146, xuân Tân Hợi, ra ngày 15-1 và 1-2-1971)