• Ngày xưa, Tết mà không có pháo thì không còn gọi là
Tết.
• Có bao nhiêu loại pháo? • Nghề làm pháo cổ
truyền.
Không biết đã từ bao nhiêu lâu rồi, người Á Đông, phần đông là
người Trung Hoa và Việt Nam đều tin tưởng rằng pháo có khả năng trừ tà, đuổi ma
quỉ. Bởi vậy, đêm trừ tịch người ta đốt pháo. Riết rồi tiếng pháo trở thành
biểu hiệu của mùa xuân.
Trong bụi mưa xuân, mùi thuốc pháo thơm lừng, khói xanh bay tản
mạn, giấy hồng của xác pháo phủ kín trước hè, ngoài ngõ, hỏi lòng ai không cảm
thấy tưng bừng rộn rã. Vì thế, ngày xưa cứ mỗi năm tết đến, không đâu là không nghe
thấy có tiếng pháo. Pháo bắt đầu nổ từ chiều ba mươi, rộn rã tưng bừng nhất vào
lúc giao thừa và sáng mồng một, rồi kéo dài tới mồng bẩy hạ cây nêu. Trong
những ngày tết, khách đến thăm nhà ai đã châm ngòi pháo ngay từ ngoài ngõ. Chủ
nhà cũng đáp lễ bằng một bánh pháo treo trước cửa nhà. Khách càng quí, bánh
pháo càng dài, nổ càng lâu, rồi trong làn khói xanh mờ mịt, những câu chúc tụng
cất lên rộn rã vang lừng.
Rồi con cháu mừng tuổi ông bà cũng đốt một bánh pháo. Các cụ lúc
khai bút đầu xuân cũng khởi sự bằng một bánh pháo. Pháo nổ rền. Không có pháo,
không còn gì là hương vị ngày tết, những cái tết thanh bình của ngày xa xưa cũ.
CÁC LOẠI PHÁO
Pháo có nhiều loại, nào pháo tràng, pháo tép, pháo chuột, pháo nhị
thanh, pháo tam thanh, pháo dây, pháo xiết, pháo thăng thiên, pháo hoa cà, hoa
cải, pháo đập v.v…
PHÁO TRÀNG : là loại pháo nhỏ kết thành tràng ở ngòi pháo. Mỗi
ngòi pháo kết vào một dây ngòi ở chính giữa. Dây ngòi chạy dọc suốt bánh pháo.
Mỗi bánh dài trung bình 40 phân. Muốn có tràng dài người ta nối nhiều bánh lại
với nhau. Lúc đốt pháo, dây ngòi ở chính giữa truyền lửa vào ngòi pháo làm pháo
nổ liên tục. Thỉnh thoảng, giữa những cái pháo nhỏ người ta lại xen vào 1 chiếc
pháo đùng lớn gấp 4, gấp 5 pháo nhỏ khiến cho lúc pháo nổ gây nên những tiếng
thật vui tai : tạch tạch… đùng… tạch tạch… đùng.
PHÁO TÉP, PHÁO CHUỘT : là những pháo thật nhỏ, loại bé như con tý,
khi đốt, tràng pháo lắc lư như chuột nhẩy.
PHÁO NHỊ THANH, PHÁO TAM THANH : là loại pháo tùy theo lúc đốt có
hai hay ba tiếng nổ liền nhau và quả pháo đem dùng phải là loại pháo lớn như
pháo đùng.
Trong pháo nhị thanh, người ta dùng một chiếc ngòi pháo hơi dài
nối hai đầu pháo vào nhau, chiếc ngòi thông vào hai quả pháo. Một quả đặt trên,
một quả đặt dưới, dính liền với nhau bằng một lớp giấy bọc chung. Quả pháo ở
dưới, ngoài chiếc ngòi dọc nối liền với quả pháo trên còn có một cái ngòi ngang
ở giữa bụng, khi đốt, quả pháo đôi này được đặt đứng. Lửa được châm vào chiếc
ngòi ngang của quả pháo dưới. Pháo nổ làm bắn tung pháo lên cao, đồng thời bắt
lửa vào quả trên làm cho nó nổ theo quả pháo trước, chỉ cách nhau vài tích tắc.
Pháo tam thanh cũng làm tương tự nhưng ghép tới 3 quả pháo.
Ruột pháo được cuộn bằng giấy ngũ sắc để lúc nổ ở trên cao, giấy
bay tứ tung đủ mầu trông rất đẹp mắt.
PHÁO THĂNG THIÊN : là loại pháo khi đốt thì bắn vụt lên trời vừa
kêu một tiếng sẹt, vừa phát ra một tia sáng. Lúc lên đến độ cao nhất thì phát
ra một tiếng nổ đùng. Pháo được chế bằng ống tre hay ống nứa, một đầu bịt bằng
giấy có lỗ thủng để ngòi chui qua, đầu kia có đốt kín bưng. Thuốc pháo được
nhồi vào ống cho thật chặt. Ngang mình pháo có gắn một cái đuôi dài, khi đốt,
đuôi pháo sẽ chúc xuống đất. Khi đốt pháo, lửa cháy vào thuốc, vì thuốc bị nén
chặt nên tạo một phản lực và phản lực này đẩy bắn chiếc pháo lên trời. Cho tới
khi thuốc pháo trong ống đã giảm đi, sức nén không còn, thì nó nổ tung ra, tạo thành
tiếng nổ ở trên cao.
Pháo thăng thiên thường được đốt về đêm để thưởng thức vệt sẹt
sáng đủ mọi mầu trước khi phát ra tiếng nổ.
PHÁO DÂY : làm bằng giấy có bện thuốc và vê thành những dây dài cỡ
nửa thước. Khi đốt, pháo không nổ nhưng phát ra tia sáng chói lọi trong suốt
thời gian cháy từ ngọn cho tới chỗ tay cầm. Trong đêm tối, trẻ em đốt pháo dây,
vừa đốt vừa xoay tít đi trông rất vui mắt.
PHÁO XIẾT : là những cục nhỏ mầu nâu trông giống như miếng xi gắn ngoài
những bao thư cần niêm phong. Pháo làm bằng lân tinh pha với thuốc pháo và giấy
hồng. Chơi loại pháo này, trẻ em cầm mẩu pháo xiết to bằng đầu ngón tay xiết
vào bờ tường, hay vật cứng. Pháo kêu xẹt xẹt và phát ra ánh sáng mầu xanh biếc.
PHÁO HOA CÀ, HOA CẢI : là pháo khi đốt lên phát ra những tia đủ
mầu giống như hoa cây cà, hoa cây cải. Thuốc pháo được trộn với bụi nhọ chảo,
bụi gang, hay bụi kim khí khác, và được nhồi vào ống tre, hay ống nứa, cũng do
một phản lực từ đáy ống phát ra, thuốc pháo bốc lên cao, tỏa ra ánh sáng đủ mầu
nhờ bụi các kim loại.
PHÁO ĐẬP : còn gọi là pháo ném, không có ngòi, muốn cho nổ phải
đập hay ném mạnh vào tường. Do sự va chạm mạnh phát nổ (nhờ thuốc pháo mạnh) và
tung ra những xác giấy bay đủ mầu.
THUỐC PHÁO
Theo các nhà làm pháo cổ truyền thì thuốc pháo chế bằng 3 chất:
- Diêm trắng hay diêm tiêu (Salpêtre)
- Diêm vàng hay diêm sinh hay lưu hoàng (Soufre)
- Than (Charbon).
Ba chất trên thay đổi theo tỷ lệ để chế ngòi pháo hay thuốc pháo.
Như chế ngòi pháo thì:
- 71% diêm trắng
- 15% diêm vàng
- 14% than.
Còn chế thuốc nổ ở ruột pháo thì:
- Diêm trắng 71%
- Diêm vàng 2%
- Than 27%
Những nhà làm pháo cổ truyền ở VN trước đây nổi tiếng thì có làng
Thị Cầu, Đồng Kỵ ở Bắc Ninh, Bình Đà ở Hà Đông, Vĩnh Bảo ở Hải Dương.
Đốt pháo kể về mặt tiết kiệm thì quả thực là một sự phí phao, tài
nguyên quốc gia bị tiêu hao, lại còn vấn đề sinh hỏa hoạn.
Tuy nhiên nhìn về khía cạnh thuần túy dân tộc, đặc biệt là vào
những mùa xuân khi đất nước thanh bình, thịnh vượng, thì đốt pháo phải kể là
một biểu hiệu rộn rã và tưng bừng của ngày tết.
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.