Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

CHƯƠNG IV_LỬA DẬY TRỜI XUÂN


CHƯƠNG IV
 
 
Hoà đang học bài để thi. Trong đầu nó hai ý kiến tương phản như hai cái mũi nhọn cứ chực đâm nhau. Ban đầu Hoà nghĩ “phải rán học để thi đậu, mẹ mừng”. Rồi nó lại nghĩ : “Đậu để chi chớ ? Cha chết rồi, ai biết công cho mình ? Mẹ cứ nói học nhờ tấm thân hoài, ghét quá !” Nghĩ đến đó, Hoà đâm chán nản, chỉ muốn buông xuôi.
 
Từ ngày cha Hoà chết mẹ nó đâm ra gắt gỏng, khó tính. Bà như mất tin tưởng ở trời phật, ở lòng người. Hừ ! Trời phật ! – Bà kêu lên trong bóng tối -- nếu có trời phật, sao trời phật lại để cho một người hiền lành, tốt bụng, tận tâm như chồng bà phải chết, chết tức tưởi giữa đường, giữa sá như vậy chớ ? Không, ông đã táng mạng vì tận tâm, vì tốt bụng : đáng lẽ bỏ mặc cái xe đó chạy thoát lấy thân như lời Miên giục, ông lại dùng dằng, do dự rồi sau cùng quay lại chỗ đang đánh nhau mà lái xe đi. Và súng đạn của đôi bên không cần biết đến việc làm của con người tốt bụng đó, đã nã vào người ông… và khi ông chết rồi, chủ xe đền công ông bằng cái áo quan gỗ tạp kèm theo một số tiền nho nhỏ, cho người mang đến chớ cũng không thèm bỏ công đến nhìn thử mặt mũi ông ra sao.
 
- Cái xe chỉ bể kính, hàng hoá còn nguyên vẹn – Miên hậm hực nói – mà họ keo kiết như vậy đó, bác thấy không ? Phải làm cho ra lẽ, chớ ?
 
- Thôi !  chẳng qua là cái số nó ngắn ngủi, ai ăn ở bất nhân phải có trời soi xét, mẹ con Mai đừng để bụng làm chi. Đừng bày đặt kiện thưa, tốn tiền vô ích. Rốt cuộc, thầy kiện họ ăn hết tiền giờ. Tao già chừng này tuổi đầu, tao đã qua cái cửa thầy cò, thầy kiện rồi, tao biết.
 
- Trời ơi ! – Miên kêu lên – bà Năm, bà nói con nghe không được. Như vậy thì chẳng lẽ không có pháp luật hay sao ? Người nghèo cứ chịu ức hiếp hoài sao ?
 
- Có chớ ! – Bà Năm cười chua chát – có pháp luật chớ, nhưng pháp luật là của kẻ có tiền, có thế lực, còn mình nghèo lại dốt nát thì đừng mong…
 
Câu đó vọng mồn một vào tai Hoà. À ! Ra vậy ? Pháp luật không ở về phía kẻ nghèo khổ ? Không ở về phía kẻ dốt nát ? Không ! Hoà không chịu như vậy. Hoà sẽ học giỏi, để không dốt nát và để làm cho pháp luật đứng về phía kẻ dốt nát, kẻ nghèo khổ mới được. Hoà sẽ nghèo ! Được ! Nhưng nghèo mà không khổ đâu (trừ cái khổ mất cha thì không thể tránh) Hoà sẽ cố học, thi lên, thi lên, thi lên…
 
Hoà tiêu tan cái hy vọng được chiếc xe đạp sau khi thi đậu rồi. Nhưng mà thôi, không có xe thì đi bộ, đã chết đâu ? Mất cái cột cái trong nhà (theo giọng bà Năm thường nói) thì quả sự chống đỡ có yếu đi, song rồi đây Hoà sẽ lớn lên thay vào chỗ đó. Hoà là con trai… Hoà mơ màng một ngày kia mình lớn lên, học hành đến nơi đến chốn (tuy không biết học đến chừng nào mới đến nơi đến chốn) mình sẽ đi làm đem tiền về cho mẹ, cho chị, cho em. Cái máy may của cha mua cho chị Mai lúc đó sẽ chỉ dùng để may áo quần cho mấy chị em và mẹ mà thôi. Chị Mai sẽ chẳng vất vả may áo cho người ngoài nữa. Hoà sẽ mua lụa tơ cho mẹ mặc. Mẹ với ông ngoại đều ưa lụa tơ tằm. Hoà, Hoà cũng ưa nữa.
 
Thầy giáo có dạy Hoà là sản phẩm của mình, mình phải quí chuộng. Mình nên dùng đồ nội hoá để nâng đỡ công kỹ nghệ nước nhà. Thầy dùng chữ gì đây này… chậc ! Chữ gì mình quên rồi, nhưng mà hay lắm (Hoà bóp trán suy nghĩ) à, à ! Vọng ngoại ! Phải ! Thầy nói : “Những kẻ vọng ngoại hay ưa chuộng thứ lạ, thứ sang, thứ đắt tiền, có khi không bền, không tốt mà cũng ham, những kẻ đó không có tinh thần dân tộc, các con đừng bắt chước”
 
Buồn cười quá, có đứa giơ tay đứng lên hỏi lại :
 
- Thưa thầy, con nghe mẹ con nói đồ nội hoá cái gì cũng xấu, cũng đắt tiền làm sao mình ưa chuộng được ?
 
Hoà chong mắt, lắng tai, trong lòng hồi hộp tợn : Hoà e thầy khó trả lời câu đó, Hoà không muốn thấy thầy mình lúng túng, mà câu hỏi thì quả là hắc búa. Hoà lo cho thầy. Thầy không chút ngập ngừng, giọng chẫm rãi, rành mạch :
 
- Mẹ con cũng có lý phần nào. Bởi xứ mình đang có chiến tranh, mọi nỗ lực đều thiên về quân sự, nhân công thiếu thốn, nguyên liệu thiếu thốn, máy móc tối tân không có cho nên hàng hoá sản xuất kém cả phẩm lẫn lượng. Giá vốn lại đắt, làm sao cạnh tranh nổi với sản phẩm nước ngoài ? Nhưng nếu mình biết yêu cái gì của mình, cứ chịu khó dùng, nâng đỡ sản phẩm nội hoá, rồi đây tình trạng sẽ được cải tiến dần dần thì sau này mình đâu có thua ai ?
 
Hoà thở phào một cái, nhẹ cả người. Thầy mình coi vậy chớ mà cũng quảng bác lắm ! Thiên hạ cứ tưởng rằng chỉ mấy thầy giáo Đại học, Trung học mới giỏi, còn thầy Tiểu học thì kiến thức lơ mơ lắm. Họ lầm to : bằng cớ là thầy Hoà biết rất nhiều điều hay ho, cao xa kia !
 
Ủa, mà thôi, lan man xa quá, mình đang nghĩ đến chuyện mua sắm cho mẹ mà ! Ờ ! Mua tơ tằm. Gì nữa đây ? Một cái nhà nhỏ ở chỗ nào mà xung quanh không có lầu cao, chỉ có nhiều cây cối và bóng mát. Có chỗ cho mẹ nuôi gà vịt. Hoà sẽ xui mẹ đừng nuôi heo, dơ lắm. Ngoài vườn, hai chị em sẽ trồng chuối, cam, mãng cầu, mận và chanh. Nếu có nhiều đất thì trồng thêm mía với khoai lang. E khó, đất ở đô thành mà làm gì có nhiều dữ vậy ? Hoà sẽ mua một cái xe gắn máy, ha ! Mình sẽ chở chị Mai với em Bé đi chơi vài tua. Mình sẽ có dịp làm cho chị Mai hết hồn, chị ấy phải van lạy mình, mình mới chậm lại, mình lao vun vút (sát lề tay mặt) cho chị chóng măt chơi.
 
Tiếc quá : thằng Tâm đi xa lắc, phải chi có nó ở đây, mình sẽ chở nó đi chơi, vui biết chừng nào ? Mà làm sao cha mẹ nó lại đi xa vậy kìa ? Tâm vẫn viết thư về cho mình kêu buồn, vì xứ tây lạnh lẽo và vì nhớ mình nữa. Được rồi, Tâm ! Nếu tao có tiền thế nào tao cũng đi thăm mày môt chuyến. Chắc còn lâu lắm, nhưng mà thế nào tao cũng đi thăm mày. Mày cứ tin tao !
 
Hoà mặc cho óc tưởng tượng phong phú của mình vẽ vời ra một tương lai rực rỡ, lấp lánh và cao vút, cao vút như quả bong bóng mầu mà nó thả vào một buổi sáng đẹp trời khi cha còn sống.
 
Thoắt cái, Hoà liên tưởng đến cha. Hoà nghe tưng tức và đau nhói trong lồng ngực. Mình mơ mộng quá rồi ! Không chắc gì mình đạt tới những điều đó. Mình sẽ đạt tới nếu còn cha. Bây giờ thì… Hoà nức lên khóc, mộng ước bị xoá nhoà đi trong nước mắt.
 
*
 
Năm rồi Hoà thi hỏng. Chắc phần lớn tại thầy đi lính. Ông thầy mới làm Hoà thêm thất vọng. Ông không chăm sóc đến học trò như thầy cũ của Hoà. Ông nói luôn miệng về ông. Ông nói lảm nhảm về thân phận con người, về nỗi buồn của tuổi trẻ và về sự phi lý của cuộc đời ! Ông lại nói đến buồn nôn (Mà Hoà hiểu là mửa : một hình thức nổi loạn của dạ dày khi nó không chấp nhận thức ăn) Ông còn nói đến hiện hữu (chắc như hồn người chết hiện lên ? Hoà ngầm đoán) Về các đào, tiếng này Hoà không hiểu nổi, sau nhờ lũ bạn kháo nhau, nó mới biết nghĩa là ý ông muốn chỉ đến những cô gái, mèo của ông. Ông còn nói nhiều nữa, miệng ông luôn phì phèo điếu thuốc lá và câu : “Chán bỏ xừ đi !” Ông thở dài sườn sượt mà rằng :
 
- Mẹ kiếp ! Ông đâu phải ưng làm cái nghề chó chết này ? Ông đâu có ưng ? Khốn khiếp ! Cơm áo trói buộc người ta như thế đấy ! Thà ông đi lính còn hơn. Chán bỏ xừ ! Chả trách tụi nó nổi loạn cũng phải.
 
Tụi nó là ai ? Nổi loạn ư ? Nổi cách nào ? Nổi làm chi ? Bọn học trò mù tịt về những lời lẽ huyênh hoang, cao siêu đó, chẳng hiểu ngô khoai gì tất nhưng mà rất mực khâm phục thầy giáo mới.
 
Không bao lâu, sau khi ông thay thầy giáo cũ, đứa nào cũng biết nói : “Chán bỏ xừ” và “Mẹ kiếp” hết. Nhưng Hoà thì không. Hoà không ưa, tiếng gì kỳ lạ quá, mất dạy quá. Phải, Hoà không ưa, đời thuở nhà ai nghề dạy học mà dám kêu là nghề chó chết bao giờ ? Cái mặt đó không đáng làm thầy giáo của Hoà đâu, trời ạ ! Khốn, nhưng Hoà đâu có quyền chọn lựa ?
 
Có điều đặc biệt này : là tuy ghét cay ông ta, cho ông ta là không đáng mặt làm thầy mình, Hoà lại lây -- từ hồi nào không biết – không phải lây tiếng nói chán của ông ta mà là chán thật sự. Hoà không muốn học nữa. Nó chỉ đến trường cho có lệ, để chơi, nghe nói tục, tán dóc, coi đánh lộn, gây gổ… Thì đã bảo : Hoà chán đời mà !
 
Hoà bắt đầu mơ mộng, bắt chước tụi bạn, la cà ngoài mấy rạp ciné. Có đồng nào, nó mua ngay những cuốn sách có bìa hoe hoét, sặc sỡ và những cái tên gớm ghiếc, anh chị như : “Quỉ Đói Hiện Về”, “Thanh Đăng so tài với Hiệp Sĩ Đầu Sắt”, “Batman đại chiến với Người Mèo”, “Mụ Béo tìm chồng”…
 
Hoà thấy tay chân mình đâm ngứa ngáy, khó chịu. Hoà quên phắt đi nhiều chuyện, cha, mẹ, thầy cũ, chị Mai, em Bé và cả thằng bạn thân nhất của nó : thằng Tâm, nó cũng quên luôn.
 
Nhưng Hoà ưa nhất là những truyện kiếm hiệp mà nó thuê ngoài tiệm. Hay quá !
 
Hoà quên tiệt, quên tất, làm sao nó nhớ được những thực tế cam go khi mà trong những trang kiếm hiệp không một nhân vật nào có liên hệ xa gần với gia đình, với xã hội xung quanh ? Trong đó toàn chuyện múa kiếm dưới trăng, phi thân trong bóng tối, các Đại Hiệp muốn đi đâu thì đi, muốn đến đâu thì đến, tha hồ tự do hành động không bị ràng buộc bởi một ước lệ phiền toái, bởi một kỷ luật nào ? Trong đó làm gì có chuyện giật mìn, nổ lốp, cầu sập, xe hư ? Trong đó các Nghĩa Muội Đại Huynh chẳng bao giờ phải thổi cơm, vo gạo, các Hành Khất Đại Hiệp không hề giặt áo, mua giày, không hề có biết đến rửa tay, tắm gội. Họ có biết đói là gì đâu ? Một viên linh dược đủ no và những bộ hồng y, hắc y hẳn là luôn luôn sạch sẽ ? Mặt mũi tay chân họ chắc luôn luôn trắng trẻo thơm tho nhờ bởi một phép mầu ? Không, người trong truyện sống thật là thanh nhàn, thoải mái. Họ không có một em Bé hay mè nheo, không có một chị gái khó tính như chị Hoà. Mải mê say, Hoà trở thành bẩn thỉu, lười biếng cho đến nỗi mẹ và chị đều kêu ca, nhiếc mắng, vẫn không bỏ được. Hoà không tĩnh tâm để làm gì hết, lúc nào cũng ngong ngóng chờ cái giây phút lật sách ra thôi. Than ôi ! Trường học, bài vở lại cũng là những thứ không có trong cuốn truyện : những nhân vật trong sách mới nứt mắt đã thông thái tuyệt vời, nào có ai phải đèn sách chi đâu ? Làm sao Hoà không ưa được, hả trời ?
 
Hoà bây giờ như thế đấy !
 
*
 
Một bữa kia đi học về, mới buông cặp, chưa kịp lục tìm cuốn kiếm hiệp thì Hoà bắt gặp vẻ hốt hoảng của chị mình. Mẹ đang rầu rĩ bên chị Mai. Hoà hơi rờn rợn, tự hỏi “có chuyện gì đây chắc ?” thì có tiếng Bé kêu :
 
- Anh Hoà ! Thầy giáo Lân bị thương đó, anh Hoà ! Mẹ đợi anh…
 
Hoà há tròn miệng như chữ o, hoang mang kinh hãi… chen hối hận. Kinh hãi vì sợ thầy chết, còn hối hận là vì tháng trước đây thầy viết thư cho nó mà nó không thèm trả lời thầy. Xin trời hiểu cho : Hoà vẫn kính quí thầy lắm chứ, vẫn thương nhớ lắm chứ, nhưng biết làm sao : xa mặt cách lòng mà ! Vả chăng, những lời khuyên bảo đâu có hấp dẫn, đâu có cám dỗ nó cho bằng những trang kiếm hiệp có nhiều nhân vật xuất quỷ nhập thần ?
 
Nó chán quá, hết muốn nghe, quên, hết muốn đọc những mệnh lệnh : con phải thế này, con nên thế nọ rồi.
 
Ai biểu thầy đi lính làm chi, bỏ người ta ở trường… cho đến nỗi này ?
 
Đứng lặng giây lâu, Hoà mới tỉnh táo, hỏi :
 
- Thầy bị thương nặng không ? Chị Mai ?
 
- Không biết, nghe em thầy qua nói lúc nãy, mẹ biểu chị đi chợ mua cam đặng chiều đem vô nhà thương cho thầy đó.
 
Hoà thở dài một cái, lấy làm hài lòng vì sự chu đáo của mẹ mình. Nó nhìn mẹ bằng hai mắt biết ơn.
 
- Mẹ đi với ai ?
 
- Con hay chị Mai cũng được.
 
- Mẹ đi với thằng Hoà, con phải ở nhà may cho xong mấy cái áo cho người ta chớ.
 
Hoà hơi ngần ngại một chút… chút xíu thôi.
 
Hoà không muốn gặp thầy ngay lúc này, nó có lỗi nhiều quá nên muốn tránh mặt, để mẹ đi một mình. Nhưng rồi lòng thương thầy mạnh hơn, lấn át được cái cảm giác xấu hổ, khó chịu, nên Hoà không cãi lại chị Mai.
 
*
 
Trời nắng dữ, đã hơn bốn giờ chiều rồi mà còn nắng. Mẹ Hoà che miệng ngáp dài, còn Hoà, nó mất cái kiên nhẫn bình tĩnh lúc đầu, khi mẹ nó tỏ ý phàn nàn sao chỗ này khó khăn, bắt bẻ, hoạnh hoẹ đủ thứ không cho vô thăm liền ; họ đòi xem thẻ căn cước, gạn hỏi người nằm trong bệnh viện tên gì, cấp bực nào, liên hệ với mẹ con Hoà ra sao v.v… Lúc đó, Hoà tỏ ra hiểu biết, nói với mẹ :
 
- Luật người ta vậy đó, mình phải chịu khó…
 
- Luật, luật con khỉ ! Bộ sợ người ta vô ăn cắp hay sao ? Mỗi chút mỗi luật, biết vầy tao để cho hai chị em mày đi, mệt lắm !
 
- Ý, sao được mẹ, thăm thầy mà tụi con đi…
 
Mẹ Hoà tức thì lừ mắt một cái :
 
- Thầy mày chớ thầy mẹ mày chắc ?
 
Rồi, mẹ đã nổi nóng lên rồi. Hoà nghĩ thầm. Giá lúc trước là Hoà đã cãi lại song bây giờ Hoà biết rõ cái nguyên do làm mẹ bẳn tính : tại cha mình chết ! Cây cột cái trong nhà đổ xuống mà lại ! Không ! Hoà không trách mẹ đâu. Hoà thương mẹ quá : mẹ gầy nhom, má hóp, mắt sâu, già đi trông thấy. Hoà thở dài, nao nao trong lòng. Chao ơi ! Mới ngày nào đây… cách nhau có vài phân ván mỏng, một lớp đất dày mà hoá ra đời đời cách biệt !
 
“Xa cách nhau muôn trùng… “ trong tiềm thức Hoà vọng lại giọng hát, cái giọng hát mới u buồn, thấm thía làm sao ? Xa cách muôn trùng ! Không bao giờ nữa, Hoà còn cái hy vọng mong manh là cha mình sẽ lừng lững trở về trong một lúc bất ngờ nhất như thể Vân Tiên trong truyện, như lòng mơ tưởng buổi đầu khi ông vừa nằm xuống nhưng chưa nằm yên vào lòng đất lạnh. Hoà chua chát nghĩ : cái thứ chuyện đời xưa làm gì có trong thời đại văn minh này nữa mà mong ?
 
Mắt cay sè… Hoà khóc ư ? Không ! Hoà không khóc, nó chỉ buồn thôi. Buồn nặng trĩu… Trong một thoáng, Hoà bỗng như ngửi được cả mùi rượu rửa xác cha ngày trước, cả mùi hương gây gấy nồng nồng toả khắp gian phòng nhỏ. Như thấy lại nét u sầu của bà Năm, của mẹ, cái nhìn thương cảm của thầy giáo, buồn bã của anh Miên. Hoà thấy cả đôi đèn sáp trắng đặt trên cái kệ giả thay bàn thờ kê trước đầu áo quan cha, đôi đèn sáp lớn, được đốt và thay luôn mỗi lần sắp cháy hết. Hoà biết thế vì trọn đêm ấy Hoà nằm ngoài cái ghế vải trước sân nhà xác, cứ mỗi lần tỉnh giấc nhìn vào thì thấy đôi đèn soi sáng một vùng, ánh sáng như muốn xoi thủng cái tăm tối, u ám bao quanh áo quan và từng giọt, từng giọt sáp nóng rưng rưng chảy dài xuống quanh cây đèn y như những giọt nước mắt, liên tục không ngừng. Hình ảnh đó làm Hoà được vững tâm, được an ủi phần nào : cây đèn sáp cũng biết cảm động, xót thương cha nó !
 
Phải ! Hoà chỉ cay cay ở mắt, nghèn nghẹn ở cổ thôi, chứ không khóc được. Vì từ khi nó lầm lũi theo sau áo quan cha đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng trong lòng đất lạnh nó đã khóc quá nhiều rồi. Nó đã nao nức, thắc thỏm biết bao nhiêu buổi sáng, bao nhiêu buổi chiều, khi trong bữa ăn, khi trên bàn học, có khi mơ mơ màng màng nửa tỉnh, nửa mê, có khi trong hoàng hôn, bóng nó chập choạng, nhập nhoè cùng bóng chiều đổ xuống… Hoà đã nín thở, thần kinh căng thẳng theo dõi từng tiếng động nhỏ, từng tiếng gió lao xao trên ngọn cây cao, lắng tai canh chừng từng tiếng… khi bước chân ai từ đâu vô tình lọt đến tai Hoà.
 
Hoà đã mỏi mòn vì ngóng đợi. Hoà vẫn nghẹn thở mỗi lần tưởng tượng đến giây phút ấy, giây phút ông sừng sững bước vào nhà. Chính Hoà phát giác ra ông còn sống cũng như nó đã chỉ cho mẹ thấy anh Miên, người mang tin ông chết đến nhà bữa chiều hôm nào vậy. Bây giờ đây, nó không còn muốn lừa dối chính mình mãi nữa. Ảo vọng kéo dài quá nhiều ngày đã trở thành vô vọng. Hoà biết rằng không bao giờ cha Hoà còn có thể trở về. Không bao giờ ! Ngay cả trong giấc mơ Hoà cũng không hề được thấy mặt ông. Ông đã đi xa, xa lắm. Mà tại sao trong mơ ông cũng không chịu trở về ? Hay là cha Hoà giận Hoà đã ham chơi hơn học mà không thèm nhìn mặt nữa ? Cha ơi ! Con có lỗi quá… không ! Không phải tại ai cả, con không đổ tại cha chết, tại thầy đi lính nữa đâu. Mọi chuyện đều tại con. Cha không muốn chết cũng như thầy vẫn muốn gần con lắm.
 
Đã lâu lắm, không bao giờ Hoà nghĩ đến cha, không hề nhớ đến những ngày xa cũ, sao bỗng nhiên chiều nay Hoà lại nhớ rành rành ? Và hối hận dày vò lòng nó ? Phải chăng vì khung cảnh bệnh viện gợi nhớ chuyện bi thảm ngày nào ?
 
Hoà quay đi, không dám nhìn mẹ, mắt đăm đăm nhìn vệt nắng dài chiếu chếch lên thềm nhà gác của bệnh viện, thuận chân nó mon men về phía bãi cỏ xanh gần đó.
 
Thỉnh thoảng, một chiếc xe Jeep có chữ thập hồng lao vút tới, nhả từng lọn khói phía sau. Bên trên tuy đã được buông “rèm” phủ kín, đôi khi Hoà nom thấy thò ra đôi giày lính chúc mũi xuống sàn xe giữa khoảng không, đung đưa, quờ quạng. Hoà nghe gây gấy lạnh, trí khôn của nó báo cho nó biết rằng người mang giày đã tắt thở rồi ! Chao ơi ! Chuyện ngoài đời thật bi thảm, khác xa trong sách !
 
Một lát sau, có tiếng kêu vói ra từ thềm nhà gác :
 
- Mẹ con bà kia ! Tới giờ thăm bịnh đó, vô đi !
 
Hoà hấp tấp chạy lại, đỡ giỏ cam trên tay mẹ và hai mẹ con cùng sóng bước bên nhau. Gió nổi lên xào xạc trong chòm cây trước mặt. Hoà nhẹ cả người.
 
*
 
Hai mẹ con loanh quanh hồi lâu. Bệnh viện này sao mà rộng quá. Trại nào cũng giống trại nào tìm đến thở dốc mà chẳng thấy chỗ muốn tìm. Khu giải phẫu, khu nội thương, khu hồi sinh, khu ngoại thương v.v… rồi lại chia ra nội thương 1, nội thương 2… ngoại thương 4, ngoại thương 5, ngoại thương A, ngoại thương B gì gì đó nữa không kể xiết, làm Hoà muốn phát khùng lên. Nếu không phải là vào thăm thầy Lân, thầy giáo mà nó quí mến chắc Hoà đã xúi mẹ trở về quách cho xong.
 
Mẹ Hoà dừng chân, kéo vạt áo lau mồ hôi đang bò ròng ròng xuống cổ, xuống trán, cao giọng hỏi con :
 
- Con có chắc thầy nằm khu ngoại thương không ?
 
- Chắc chớ, mẹ ! Thầy con đâu có đau bịnh gì ? Bị thương tức là ngoại thương đó, con biết mà.
 
Mẹ Hoà nhìn con bằng cái nhìn tin tưởng, gần như thán phục sự hiểu biết rộng rãi của con, bà nói :
 
- Vậy thì cứ chịu khó tìm, thế nào cũng tìm được. Đưa mẹ xách cho kẻo mỏi tay.
 
Hoà trao giỏ cam lại cho mẹ để rảnh tay, dễ tìm chỗ thầy nằm. Hoà đề nghị :
 
- Mẹ ngồi xuống kia nghỉ một chút. Để con chạy tìm một mình, chừng nào có con kêu mẹ chớ mẹ đi theo con mệt lắm.
 
Mẹ Hoà bằng lòng liền. Bà ngồi xuống một cái ghế bằng xi măng, dõi mắt theo bóng con tít đằng xa : Hoà nhanh nhẹn như một con sóc nhỏ trên cành cây, chỗ nào nó cũng thậm thọt chui vào rồi chỉ trong một nháy mắt là chui ra. Mỗi bận như thế, Hoà lại quay về hướng mẹ ngồi, lắc đầu ra hiệu rằng chưa tìm thấy và chỉ tay về phía trước, chỗ nó sắp vô tìm nữa.
 
Mẹ nó ngồi yên, lặng lẽ nhìn quanh, nhưng kỳ thực bà không để ý đến một cái gì cả, vì bà mải suy nghĩ bâng quơ… Cuộc đời kỳ quái thực, nhiều cái lạ lùng thực. Ai có ngờ được vậy hay không ? Một người ghét sống nơi thành phố như chồng bà mà lại phải sống nơi thành phố. Một người hiền lành, tốt bụng như chồng bà mà lại chết, chết tức tưởi không thấy mặt vợ con, không có một lời trăn trối cuối cùng, không một người thân thuộc bên cạnh để vuốt mắt cho… Một người làm cái nghề đáng quí, đáng trọng nhất trong các nghề -- nghề dạy học – thì lại phải bỏ học trò mà đi cầm súng và bây giờ bị thương, không biết tính mệnh ra sao ? cả bà nữa, cũng là một sự lạ.
 
Hồi chồng mới chết, bà tưởng mình không thể nào sống thiếu ông, nhưng bây giờ bà hiểu rằng người ta không dễ chết như mình nghĩ. Mất một người bạn đời cùng mình chia sớt niềm vui, nỗi khổ thì quả là một sự mất mát to lớn khó bù đắp và không mong gì thay thế được. Nhưng mà người còn lại phải đảm trách lấy bổn phận, không thể nằm khóc mà xong. Phải biết gạt nước mắt, phải lo cho con đủ cơm no, áo ấm. Bây giờ đây tuy không nguôi ngoai hẳn song bà chỉ còn khóc thầm khóc vụng trong đêm. Trong đêm, bà mới rảnh để ôn lại, để nhớ đến chồng. Tội nghiệp ông, cả đời vất vả, lúc nào cũng cho cuộc sống nơi đô thị là tạm bợ, sống qua ngày, chờ đợi lúc yên ổn để được trở về quê cũ cùng với vườn rau, đám ruộng. Chưa đạt được ước vọng đơn giản đó ông đã nằm xuống, vĩnh viễn xa lìa ruộng đất, ruộng đất mà ông nặng lòng yêu như đối với vợ con.
 
Nhờ ơn trên thế nào rồi một ngày sắp tới đây bà cũng cố đem ông về quê bà mới yên lòng. Phải ! Bà không thể để ông nằm lại một mình với những người xa lạ xung quanh. Người chết cũng phải gần họ hàng, thân thuộc của mình chứ ? Bà hơi lúng túng : mang ông về đâu ? Quê mình hay quê ông ? Mà thôi, hẳn khoan nghĩ đến, sẽ bàn cùng lũ nhỏ sau. Mà sao mình lại lẩn thẩn như vậy ? Quê nào chả là quê ? Ngày còn sống ông không từng nói đó hay sao : đất quê nào mà cây trái không ngon, ruộng vườn không xanh tốt, người quê nào lại không cởi mở, thật thà ? Hơn nhau là ở cái tài canh tác chứ ? Là ở sự đối xử với nhau chứ ? Phải rồi…
 
Mông lung suy nghĩ, mẹ Hoà không để ý đến con trai, nên Hoà ra hiệu mãi mà mẹ không thấy, nó phải chạy lại. Một tay đưa lên ngực nén nhịp thở hào hển, một tay xoa xoa sau lưng cho mồ hôi thấm vào áo, Hoà nói như reo lên :
 
- Con tìm ra rồi, mau mẹ !
 
Mẹ Hoà bật dậy, tay khư khư cái giỏ cam, nối bước theo sát lưng con. Ngoằn ngoèo quanh lộn cả đoạn dài nữa, hai mẹ con đặt chân lên bậc thềm một trại trong vô số trại thương binh, cất đều theo một kiểu, vuông vuông dài dài y như những cái bao diêm sắp quanh trên cái bàn trải khăn xanh là cái thảm cỏ và một ít cây cối vây quanh khu bệnh viện.
 
Hai mẹ con vào phòng rồi mà mẹ Hoà vẫn không thấy bóng dáng thầy Lân. Bà hơi nghi ngờ sự hiểu biết của con, nóng nảy hỏi :
 
- Đâu ? Thầy đâu ? Sao con nói…
 
- Thì con thấy tên thầy ghi kia rõ ràng mà. Mẹ để tìm chớ, để người ta nằm, nói to dữ vậy ?
 
Phòng này rộng, vừa rộng vừa sâu. Chắc là phòng dành riêng cho những thương binh nặng ? Hoà thoáng rùng mình khi nghĩ thế. Mùi thuốc, mùi hôi, mùi… nhà thương xông tận mũi Hoà. Bốn dãy dài giường sắt trắng, đặt thẳng song song nhau và trên mỗi giường đều có bệnh nhân.
 
Hình như họ đều ngủ cả. Hoà thoáng nhớ khi cha còn sống, ông thường nói : “Nữa tao mà có đau ốm thì mẹ con bay đừng đem tao vô nhà thương, tao ớn lắm. Thà tao chết ở nhà. Trong đó hôi không chịu nổi !” Thật ông nói đúng quá. Hoà cũng vậy, Hoà không chịu nổi. Nó muốn tháo lui ngay, song lòng thương thầy mạnh hơn nên nó phải cố gắng.
 
Quanh lộn mãi vẫn không tìm ra thầy, Hoà lại phải chịu khó cúi xuống nhìn tận mặt từng người một -- thật là một việc quá sức đối với Hoà – Có người thức giấc lầu bầu chửi thề nhưng Hoà vẫn phải nhỏ nhẹ xin lỗi và nói cái lý do tại sao mình vô đây làm phiền họ.
 
Dù sao, Hoà không phiền trách họ, nom người nào cũng ốm yếu, làm sao họ có thể vui vẻ nổi ?
 
Được một lát, Hoà đâm nản, vì đã đi suốt cả hai dãy giường mà không tìm được thầy mình. Có một bận Hoà xuýt reo lên vì cái anh tre trẻ trong góc phòng sao mà giống thầy thế, nhất là trông nghiêng, song khi nhìn thật kỹ, thật gần, Hoà biết mình lầm, anh ta quá trẻ và nét mặt buồn rầu không giống thầy mình chút nào. Không ! Thầy giáo của Hoà vui vẻ, tươi tỉnh hơn nhiều, còn anh này cái mặt cau có lắm.
 
Trong lúc Hoà lăng quăng tìm kiếm trong này thì mẹ Hoà hãi sợ, dừng lại ngoài kia, bà không dám làm như Hoà. Hoà nhìn sâu bên trong : ánh sáng từ hai cánh cửa lưới mới gắn soi rõ mặt từng người, không một ai là thầy Lân cả.
 
Hoà quay ra, nửa mừng nửa lo : mừng vì thầy không có trong số những người bị thương nặng, lo vì không hiểu thầy đâu.
 
Chợt thấy người mang cơm vào cho bệnh nhân, Hoà chận lại hỏi liền. Ông ta dừng chân, cắn môi suy nghĩ một lát, rồi hỏi lại :
 
- Mà cậu tìm Lân nào ? Đây có hai Lân, một Lân mù mắt, cụt tay, một Lân…
 
Hoà ù cả hai tai, không nghe gì nữa. Trời ơi ! Nếu mà thầy mình mù mắt, cụt tay thì… khổ biết bao nhiêu ? Thà chết như cha còn hơn… Bủn rủn cả tay chân, Hoà đứng lặng không nhích đi được một phân nào. Người kia giục :
 
- Đó, cứ qua phòng bên kia, cả hai đều nằm bển. Thế nào cũng có…
 
Hoà đã trấn tỉnh lại. Nó hỏi :
 
- Dạ, sao tên thì ở bên này mà…
 
- À ! Tại người ta chưa kịp đổi lại. Ở đây nhiều việc lắm, người ta không rảnh rang như nhà cậu đâu.
 
Hoà vội vàng cảm ơn ông ta rồi đi theo hướng ông ta chỉ, không quên kéo mẹ theo mình.
 
Trại này coi bộ khá hơn : Hoà khỏi phải tránh né những cuộn băng, những tấm bông bẩn vương vãi dưới mỗi giường. Bệnh nhân coi khoẻ hơn. Có anh nằm ngửa hát nghêu ngao, bên cạnh có một người đàn bà -- chắc là vợ -- đang cắm cúi pha sữa cho. Một chân duỗi thẳng, một chân co. Bên chân co mất hẳn đi một khúc từ ống quyển trở xuống, còn lại một khúc ngắn non tấc tây từ đầu gối trở xuống. Khúc còn lại được băng kín, trắng tinh, vuông vức y như phần đầu của chiếc chả giò. Họ không cột mà kẹp đầu mối bằng bốn cái kẹp sắt mỏng, sáng loáng, giữa thẳng, hai đầu kẹp ăn sâu vào cuộn băng, nom gọn và rất khéo. Anh ta đung đưa cái phần một tấc còn lại một cách đều đặn nom kỳ quái quá làm Hoà vừa sợ lại vừa muốn bật cười.
 
Một anh khác nằm thẳng, hai ống chân như một đôi đũa vừa so xong : thẳng băng, đều đặn, đều cho đến nỗi cả hai khúc bị mất cũng đều tăm tắp ! Cả hai ống chân đều trắng lốp, sạch sẽ, chắc cũng do một bàn tay khéo léo, lành nghề của người y sĩ đã băng cho anh bên giường kia ? Anh ta cũng mặc áo xanh của bệnh viện nhưng lại không mặc quần cùng mầu mà lại mặc cái quần đùi có sọc xanh. Sọc xanh ? Cái quần bỗng nhắc Hoà nhớ đến bạn mình, Tâm đang nóng lòng chờ đợi lá thư mà Hoà đã hẹn lần không chịu viết.
 
Trên đầu mỗi giường bệnh đều có treo một cái giỏ sắt đựng các thức lặt vặt cần dùng và quà cáp của những kẻ đến thăm. Vài tờ báo, cuốn sách, tạp chí vứt bừa ra đâu đó : trên giường, trong giỏ, trên cái kệ nhỏ kê sát bên giường.
 
Hoà vừa để ý tìm giường thầy Lân vừa ngó ngoái lại phía sau, mỗi lần quay lại Hoà đều trông thấy cái chân cụt tận đầu gối của anh thương binh kia ngo ngoe phần còn lại từ xa nom như một cái đầu của con vật lạ.
 
Chợt Hoà kêu lên một tiếng, chùn chân lại : nó vừa chạm phải một bộ mặt hết sức gớm ghê : một bộ mặt nom không còn hình dạng rõ ràng, một bên mắt sâu hoắm và cái mũi sụp xuống làm khuôn mặt bằng phẳng như cái dĩa, môi trên và môi dưới đều sưng vù. Má và trán nám đen, sưng tấy lên, ri rỉ nước vàng.
 
Tiếng kêu của Hoà bật lên trong lúc thảng thốt, không thành lời gì rõ rệt nhưng cũng đủ làm bệnh nhân trên các giường giật mình quay lại phía Hoà. Vài tiếng chửi thề nổi lên cùng một lượt với tiếng rên nho nhỏ. Trong lúc Hoà đang bối rối khổ sở chưa biết làm cách nào để thoát khỏi tình trạng khó chịu này thì ông già đưa cơm cho bệnh nhân trờ tới, ông ta cao giọng nói với Hoà :
 
- Đó, ông Lân đó, nhìn ra chưa ? Đúng không ?
 
Hoà nghẹn cứng cổ, không trả lời ông ta được câu nào. Nó bàng hoàng, nhắm chặt hai mắt lại, cố trấn tỉnh nhưng tinh thần tán loạn. Thầy Lân đây ? Làm sao nó biết chắc được ? Có lẽ mặt thầy bị biến dạng vì thương tích… Tai Hoà như văng vẳng bốn tiếng “mù mắt cụt tay” Hoà lại mở mắt ra nhìn xuống phần thân thể nạn nhân trước mặt. Phải : ông ta cụt tay thật. Hoà hoàn toàn tuyệt vọng, nó vội lùi ra. Bỗng trí khôn của Hoà nhắc nó là còn một người trùng tên với thầy nó nữa, chắc gì… ? Lần này mắt Hoà chạm phải bốn chữ “trọng nghĩa khinh tài” bằng mực xanh xăm trên cánh tay lành của nạn nhân. Hoà thở phào một cái mừng quá đỗi nhưng cố giữ không kêu lên, nó không muốn nghe chửi thề như lúc nãy. Hoà vững lòng quá !
 
- Hoà ! Lại đây ! Con tìm thầy hẳn ?
 
Nghe tiếng kêu, Hoà quay lại. Nó mừng đến ríu cả lưỡi khi nhận ra khuôn mặt quen thuộc cùng nụ cười hiền hậu, ấm áp của thầy Lân. Hoà muốn kêu mẹ mà nó không kêu được, thầy Lân cũng mừng không kém nhưng thầy tỉnh táo hơn :
 
- Con đi một mình hay đi với ai ?
 
Bấy giờ, Hoà nức lên khóc, chạy lại bên thầy toan sà vào lòng thầy như năm ngoái hôm chôn cha vậy, song xung quanh đông quá và ai cũng như chú ý đến nó nên Hoà cố sức ngăn giữ tình cảm mình lại, không cho bộc lộ quá rõ ràng.
 
Nó cắn môi, chớp mau vài cái cho nước mắt thoát ra, rụng xuống. Nó lẳng lặng chỉ tay ra cửa để thầy hiểu rằng có mẹ nó cùng đi. Thầy Lân nhìn theo tay Hoà chỉ, thì vừa vặn mẹ Hoà lấp ló ngoài cửa nhìn vô. Bà kêu lên “Trời ơi !” hai tiếng rồi đứng sững giây lâu. Nụ cười trên môi bà méo xệch như mếu. Hoà nhanh nhẩu chạy ra đỡ giỏ cam trên tay mẹ.
 
- Cảm ơn bác Hai. Trời ơi ! Xa xôi nắng nôi như vầy mà bác chịu khó tìm vô thăm là quí lắm rồi, còn bày đặt mua sắm làm chi nữa ?
 
Thầy nhìn giỏ cam trên tay học trò mình, nói. Mẹ Hoà đã qua cơn xúc động lúc đầu, giọng bà nghèn nghẹn :
 
- Thưa thầy, nghe cô Tư qua cho hay là thầy bị… tôi lật đật… dạ, thưa thầy đâu có là bao nhiêu? Cái ơn của thầy…
 
Chắc là mẹ Hoà muốn nhắc đến công thầy dạy dỗ Hoà ? Hay là bà muốn nói đến chuyện thầy chạy tới chạy lui, tất tả xin những thứ giấy tờ, phép tắc khi cha Hoà chết ? Hoà không biết được vì tới đó, mẹ Hoà ngừng lại, khóc ròng.
 
- Kìa bác Hai ! Ơn nghĩa chi đâu mà mỗi lần thấy tôi là bác nhắc hoài ? Giúp đỡ nhau là thường chớ.
 
Và như để câu chuyện được hồn nhiên, khỏi vướng víu vào vụ ơn nghĩa, thầy Lân quay sang hỏi Hoà :
 
- Sao ? Năm nay con đậu chớ ?
 
Hoà đứng lặng, đầu cúi gầm xuống. Trời ơi ! Thầy mà biết thì sẽ… ra sao ? Mẹ Hoà nghe thầy hỏi, liền chộp lấy, kể lể -- vì còn có ai đáng cho bà kể lể đâu ? Ai là người quan tâm đến chuyện đậu hỏng của con bà hơn là thầy Lân nữa ?
 
- Thôi, thầy ơi ! Nó bây giờ không như hồi thầy ở nhà đâu. Nó rồi : Tôi đã nói cả trăm lần là phải rán học đặng nữa nhờ tấm thân mà nó có thèm nghe đâu ? Con cái bây giờ… tôi buồn quá, thầy ơi ! Phần thì…
 
Hoà ngượng quá, mẹ nó sao mà kỳ hết sức, ở đâu cũng nói vung lên như ở nhà mình, không sợ người ta chê cười gì hết.
 
Một người nằm cạnh giường thầy Lân, chõ sang, hỏi :
 
- Ê, học trò toa đấy hả ?
 
- Phải, học trò tôi, anh ạ !
 
- Sướng nhỉ ? Đời bây giờ mà còn có người nhớ đến công ơn sư phụ…
 
Và anh ta phá lên cười, cười hô hố, hô hố nghe phát ghét. Hoà càng tức tợn. Nó bỏ mặc mẹ chuyện trò, lảng ra hiên đứng. Ngoài hiên cũng có bệnh nhân nằm. Một người đang duỗi dài, trên ngực một cái khay nhôm chia ra nhiều ngăn, ngăn lớn nhất đựng cơm, ngăn vừa vừa đựng canh, vài ngăn nhỏ hơn nữa thì đựng thức ăn mặn khác. Để trên ngực làm sao thở được ? Hoà nghĩ bụng. Song khi nhìn kỹ lại, Hoà biết rằng từ vai xuống gần đến bụng anh ta bị bó trong một khuôn bột cứng còng. Cạnh giường anh này, có anh nữa đang loay hoay một cách vô vọng, không thể nào với tới chai nước phía trên đầu. Không kịp nghĩ ngợi lâu hơn, Hoà nhanh chân lại gần đỡ lấy cái ca bằng nhựa mầu trong tay anh ta, rót nước vào đó, đưa anh.
 
Bệnh nhân nhìn Hoà, khe khẽ hai tiếng cảm ơn một cách mệt nhọc, đón ca nước Hoà đưa cho, xoay mình lại một chút và -- lạ lùng hết sức – anh ta không uống như Hoà tưởng, chỉ nhúng tay vào đó rồi xoa lên khắp mặt mình. Tội nghiệp… tội nghiệp họ quá ! Họ khổ quá !...
 
Bỗng Hoà chợt nhớ mình chưa kịp quan sát coi thầy bị thương ở chỗ nào, chắc là nhẹ ? Bậy quá, lúc đầu thì mừng quá không để ý, kế tới mẹ nói oang oang lên làm Hoà tức, quên luôn. Ấy, Hoà có tính xấu thế đấy : hễ tức mình là không nhớ gì hết. Phải vô coi mới được.
 
Hoà thấy thầy đang cởi áo cho mẹ coi vết thương. Chẳng biết sâu cạn ra sao, chỉ thấy một miếng ga lớn bằng cả bàn tay xoè ra, có độn bông gòn ở giữa được đắp ngay ngắn trên vai thầy, chung quanh dán kín bằng băng keo trông như cái khuôn hình. Một vết thương khác phía dưới sườn, không dán băng keo mà băng quanh bằng vải ga mỏng quanh lưng, nhìn máu bầm thấm ra ngoài, Hoà đoán biết là vết thương không nặng lắm.
 
Mẹ Hoà xuýt xoa khe khẽ :
 
- Lạy ơn trên che chở… may quá, không thôi…
 
- Phải, may quá, bác Hai à !
 
Thầy Lân nói và gài cúc áo lại như cũ. Mẹ Hoà nhác thấy con, bà du nó lại bên thầy :
 
- Lại thăm thầy đi chớ, Hoà ? Ở nhà thì đòi vô, giờ gặp thầy lại chạy ra ngoài đó làm chi ? Thằng kỳ hết sức là kỳ.
 
Thầy Lân đỡ lời :
 
- Nó không kỳ đâu, chắc vì bác kể tội nó nên nó… vậy đó. Không sao, tôi biết nó, nó không phải là đứa hư đâu, bác Hai !
 
Hoà nghe mà mát cả ruột gan. Phải, Hoà đâu có đến đỗi… hư ? Mẹ mình ưa nói quá lên ! Hoà ao ước thầy mình lành, khỏi phải ra mặt trận nữa mà được trở về trường dạy nó, để ông thầy mới đi lính, phải cách hơn. Nhưng Hoà không tiện nói ra ý mình. Nó chỉ hỏi :
 
- Chừng thầy lành, thầy được về phải không thầy ?
 
- Đâu dễ vậy ? Thầy có bị thương nặng đến tàn phế đâu ? Thầy còn đủ chân tay mà ! Chừng nào…
 
- Thôi, ai mong chi chuyện đó. Thầy nói vậy không nên.
 
Mẹ Hoà ngắt lời thầy Lân. Còn Hoà, tuy không nghe hết câu nói song nó cũng hiểu rồi. Hoà cũng như mẹ, không mong chuyện đó, cứ nghĩ đến là ngán rồi. Thầy Lân lại cười ;
 
- Phải, ai mong chuyện đó, nhưng là tôi nói ví dụ mà, bác Hai.
 
- Cũng không nên ví dụ như vậy đâu.
 
Hoà nhìn kỹ thầy mình. So với những người khác, thầy thuộc hạng nhẹ. Da thầy không xanh tái mấy, tuy thầy quả có gầy nhiều. Thầy vẫn vui vẻ, dù có kém đi một chút. Mắt thầy vẫn sáng, vẫn cái nhìn linh hoạt cũ, cái nhìn đủ sức làm ấm lòng hoà mỗi lần có chuyện bị mẹ rầy oan ức ở nhà.
 
Hoà buồn rầu nghĩ rằng những người thương yêu và hiểu mình như cha, như thầy đều lần lượt xa mình. Mình phải gần đàn bà con gái như mẹ, như chị Mai… đàn bà con gái cũng tốt, cũng thương yêu nhưng mà họ… hơi bất công. Khi họ tức chuyện gì họ có thể làm khổ lây người khác, nếu người khác đây nhỏ hơn và dưới quyền họ như Hoà ! Bằng cớ là hễ chị Mai mà may hư, cắt hỏng cái áo là ngày đó thế nào chị cũng thấy Hoà rất dễ đánh đòn. Còn mẹ : cái chốt cửa gãy, cái bóng đèn hư, cái máy kẹt chỉ mà Hoà vô ý lớ quớ gần đó thì Hoà có thể bị đòn như bỡn !
 
- Hoà, thưa thầy rồi về kẻo tối con !
 
Hoà vội vàng làm theo lời mẹ. Chục cam đã được mẹ sắp vô trong giỏ trên đầu giường, nom vàng tươi, óng ả, ngon cả mắt. Hoà cầm cái giỏ không cùng mẹ đi ra.
 
Gió phe phẩy trên mấy cành cây. Cỏ xanh mướt dưới chân hai mẹ con.
 

Nắng chiều sắp tàn, không khí dịu lại. Trời quang và mát. Mây trắng nhẹ nhàng trôi về một góc trời, góc mà mẹ Hoà vẫn chỉ tay về, nói “Quê mình ở phía đó” bằng cái giọng bùi ngùi, luyến tiếc.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V