Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

CHƯƠNG III, IV_THUNG LŨNG RẮN



CHƯƠNG III


Như lời ông Quách Tiến nói, chỉ một tuần lễ sau Bạch Liên và Tuấn đã trở thành hai tay kỵ mã thành thạo. Hai con ngựa dành cho hai người rất thuần thục, nên đôi bạn – thêm sự phụ họa sốt sắng của Đàm – tha hồ dạo chơi. Lòng thung dài rộng, như tập trung tất cả vẻ kỳ mỹ của thiên nhiên, lẫn cái hoang dã của núi rừng khiến Bạch Liên và Tuấn luôn luôn bỡ ngỡ trước cảnh đẹp. Có hôm hai người ngồi ngựa rong chơi suốt ngày mà không biết mệt.

Khu trại của ông Quách Tiến cũng không kém phần hấp dẫn. Ngôi nhà rộng lớn được cất toàn bằng cây, theo lối kiến trúc bán cổ bán kim, do thẩm mỹ riêng của chủ nhân, – một nghệ sĩ kiêm chủ trại – nằm thơ mộng giữa khu đất rộng. Trước nhà là sân, có hồ cá, nước hồ soi bóng một hòn giả sơn, với những hình tượng thanh nhàn : ông Lã Vọng ngồi buông câu trên bàn thạch, chú tiểu gánh củi dưới chân đèo, và dưới gốc tùng một nho sinh ngồi đọc sách, cạnh mấy lão ông trầm ngâm bên bàn cờ tướng… Phía trái nhà là một vườn cây ăn trái, bên phải là dãy nhà chứa hoa màu, gia súc và phụ thuộc.

Ngôi nhà ông Quách Tiến ở, có hàng hiên bao quanh,bên trong chia làm nhiều buồng, có phòng khách, phòng ăn và – điều mà Bạch Liên, Tuấn không thể ngờ tới – còn có thêm một phòng rộng dùng làm phòng sách và dạo nhạc. Ngoài chiếc dương cầm với những sách vở được nhờ chở bằng trực thăng tới, những vật dụng trong nhà từ bàn ghế, giường tủ, đều được đóng tại chỗ, tuy đơn sơ mộc mạc nhưng không kém vẻ trang nhã.

Phía sau nhà còn một sân cỏ, tiếp nối ngút ngàn với hàng mẫu nương bãi hoa màu. Xa nữa là rừng cây, ban ngày tới đó chơi, gặp đủ loại cầm điểu từ con chim sâu nhỏ bé, đến những con công to lớn, đuôi dài lượt thượt. Ban đêm từng bầy đom đóm lập loè như những đốm đèn nhấp nháy.

Còn rắn thì ẩn náu khắp nơi.

Ông Quách Tiến luôn dặn :

- Các con phải cẩn thận khi ra chơi ngoài bìa rừng; phải mở to mắt mà nhìn xuống bước chân mình đi. Giống rắn nó không làm hại mình nếu mình không đụng đến nó. Nhưng nếu đã bị nó mổ là nguy đó.

Bạch Liên rất sợ rắn, nói chung bất cứ loài bò sát nào. Kỳ hè này Bạch Liên đi chơi với Tuấn mà không đi với Khôi, Việt cũng vì Bạch Liên giận Khôi. Anh chàng này vừa thi đậu. Hôm đi xem bảng thấy tên mình, mừng quá định đi báo cho các bạn biết. Trên đường đến nhà Bạch Liên gặp một người bán các con giống bằng nhựa, liền nảy ý tinh nghịch. Khôi chọn mua một con rết bằng nhựa. Gặp Bạch Liên, Khôi vờ rút khăn tay ra lau, móc luôn cả con rết trong túi quần ra định “trộ” chơi cho vui. Nào ngờ Bạch Liên vừa thấy con rết trong nắm khăn rơi ra đã biến sắc, hét lên một tiếng kinh khiếp ! Sau tiếng hét đó Bạch Liên nhợt nhạt run rẩy cho đến khi biết chắc con vật trên tay Khôi chỉ là con giống bằng nhựa ! Khôi bị cự nự một trận, quên cả báo tin vui. Anh chàng cứ ngẩn ra, không hiểu tại sao một cô gái thông minh và can đảm như Bạch Liên lại sợ một sinh vật bé nhỏ như thế !

Nhưng cái sợ rất “đàn bà” đó Khôi làm sao hiểu được ! Và kỳ hè vừa rồi Khôi đành đi chơi với Việt mà thiếu Bạch Liên. Cô ta vẫn còn ghét cái mặt của anh chàng vô ý thức !

Nghe nói phía ven rừng có rắn, Bạch Liên ít khi bén mảng đến. Chỉ có Tuấn và Đàm hay rủ nhau đến bắn chim. Bạch Liên ở nhà ra vườn tắm nắng, đọc sách, mơ màng nhìn những cụm mây bay trên nền trời cao rộng, hoặc theo chị Dung xem chị điều hành mọi việc trong trại.

Chị Dung là một thiếu phụ còn trẻ mới chừng 25 tuổi. Lấy chồng chưa đầy một năm, chồng chị đã sớm lìa trần. Để quên mối sầu đơn chiếc chị theo ông Quách Tiến là cậu ruột của chị, về đây trông nom quán xuyến mọi việc.

Ở trại, Bạch Liên còn có dịp gây cảm tình với vợ chồng chú B’Him, đôi vợ chồng gốc Thượng giữ việc chăn nuôi gia súc; vợ chồng anh Năm, chồng làm vườn, vợ giúp việc trong nhà, và mấy người tá điền nữa.

Một hôm, ông Hùng – giám đốc sở mỏ – xuống trại ăn cơm trưa, rồi ba ông hội nhau trong phòng khách nói chuyện rất lâu. Không ai rõ ba ông nói với nhau những gì nhưng tinh ý cũng biết các ông đang bàn đến một vấn đề quan trọng. Hình như sắp có chuyện xáo trộn trong Thung lũng Rắn.

Bọn trẻ tuy cũng đoán được điều ấy song không ai muốn để tâm vì họ còn mải vui với những cái mới lạ, đang muốn tận hưởng những ngày thích thú giữa cảnh kỳ tú của thiên nhiên…

*

Mới sáng tinh mơ Đàm đã sang phòng Tuấn đánh thức dậy :

- Ê, anh Tuấn dậy đi !

Tuấn dụi mắt gắt :

- Dậy làm gì sớm thế ? Trời chưa sáng rõ mà !

- Cũng cứ dậy đi. Anh có dậy không thì bảo ?

- Không !

- À, được nhé. Tôi vừa bắt được một con kỳ nhông. Nếu anh còn nằm, tôi sẽ thả nó bò lên bụng anh chơi !

Vừa nói, Đàm vừa giả bộ vén mép chăn. Tuấn vội ngồi rột dậy, càu nhàu :

- Mấy giờ rồi ? Mà đã đòi đánh thức người ta dậy ?

Đàm cười :

- Không biết nữa vì tôi cũng mới thức giấc. Tôi định sang rủ anh đi chơi xa một chuyến.

- Ở đâu vậy ?

- Ở một nơi bí mật, mà tôi quên chưa dẫn anh tới. Chỗ này phong cảnh đẹp ác, đẹp không thể chê được !

Thấy Tuấn còn lưỡng lự, Đàm thúc đẩy trí tò mò của bạn :

- Hơn nữa, chỗ này hình như có liên quan tới một mẩu truyện thần thoại do người Thượng truyền tụng, mà chú B’Him đã kể cho tôi nghe.

Quả nhiên Tuấn hết cả ngái ngủ. Anh hỏi :

- Truyện gì thế ?

- À, truyện thần Rím đưa người Thượng qua một cái hang lên vùng cao nguyên.

- Truyện thế nào ?

Đàm cười ranh mãnh :

- Chú B’Him kể rằng : “Ngày xưa vào ngày khai sơn phá thạch, thần Tạo hoá nhận thấy người Thượng đần độn quá, đến nỗi cơm không biết thổi mà ăn, rượu không biết nấu mà uống. Hạt ngũ cốc thì chê dắn không ăn, chỉ lấy cám làm thức ăn nhật dụng. Thần Tạo hóa liền phái con là Thần Rím xuống trần để dạy bảo cho người Rhadé.

Gặp người Thượng, thần Rím nói :

- Thần Tạo hóa phái ta xuống đây để dạy các người thổi cơm và nấu rượu.

Thế rồi, ngày này sang ngày khác, Thần Rím cố gắng dạy cách thức giã gạo thổi cơm, khiến cho người Thượng biết ăn cơm chín, biết thổi xôi dẻo.

Khi đã biết thổi cơm rồi, người Thượng hỏi thần Rím cách nấu rượu.

Thần Rím bèn dẫn họ vào rừng sâu, dạy họ lấy gạo ngâm nước rồi lấy lá cây và củ gừng dại giã với nhau chế thành rượu.

Dạy xong cách làm rượu thần Rím nói :

- Khi nào các ngươi muốn hăng hái, vui vẻ, để phá rừng, làm ruộng, dựng nhà, thì các ngươi cứ uống rượu này, yếu sẽ thành khỏe buồn sẽ trở nên vui.

Người Thượng theo lời thần Rím chế ra nhiều rượu cần rồi ngày đêm rủ nhau uống, đến nỗi say túy lúy, sinh ốm. Họ nói với nhau :

- Thần Rím xuống đây bảo là dạy khôn chúng ta, nhưng chỉ làm cho ta ốm đau mệt nhọc.

Thế rồi họ nổi khùng, lấy dao quắm xông vào chém thần Rím. Nhưng nhanh chân, thần Rím chạy lẫn vào đồi cỏ tranh và đồng lầy cây cối um tùm.

Người Thượng đuổi theo, thấy thần Rím chạy vào một cái hang cũng chui theo. Ra tới cửa hang bên kia họ thấy trời đất bao la, cây cỏ tươi tốt, gặp cả hai con nai mà họ bắt dễ dàng. Họ đốt lửa thui nai ăn thịt, ra suối uống nước rồi lại tiếp tục đi. Cứ mỗi bước lại thấy những cái hay cái lạ : Dưới gốc cây mỗi tầu lá khô có một con rùa; ngẩng đầu lên trời thấy vô số con kỳ đà, nhìn xuống nước trông thấy không biết bao nhiêu là cá. Họ bắt những giống vật ấy để ăn, thấy ngon, nên sung sướng.

Sau bốn hôm đoàn người đuổi theo thần Rím trở về, đến kể đầu đuôi câu chuyện với viên tù trưởng :

- Thưa Tù Trưởng, ở trên mặt đất có những loài vật hiền lành săn bắt rất dễ, mà cây cối sông ngòi nom đẹp hơn ở dưới ta nhiều.

Tù trưởng không tin, cho là chuyện hoang đường muốn đích thân xem xét nên cùng tuỳ tùng kéo nhau ra đồng lầy, chui vào hang và lên mặt đất. Sau khi được mục kích những sự lạ, Tù trưởng trở về nhà cổ động, cho cả bộ lạc bỏ làng dưới đất, (có lẽ là các hang trong núi) di cư lên làng trên đất. Một ngày kia tù trưởng đi đầu, đến vợ con, anh chị em, họ hàng, kéo nhau lũ lượt đến hang để chui lên mặt đất, tựa như tới chốn thiên đàng. Ròng rã 100 ngày bảy bộ lạc chui qua hang và lên được mặt đất. Đến ngày 101 thì có một con trâu vì sừng quá dài nên lúc chui qua hang bị vướng làm lấp cả cửa hang, bao nhiêu các bà, các cô gái đẹp, mải ngắm vuốt chải đầu cài tóc kề cà chậm chạp quá, nên lúc ra đi thì cửa hang đã bị lấp, đành ở lại dưới địa ngục !”

Đàm nhìn Tuấn cười tiếp :

- Chú B’Him kể câu chuyện đó với một giọng thật ngây ngô. Nhưng Đàm ngờ là đã tìm ra được cái hang chú ấy nói, hang thần Rím đưa các bộ lạc người Thượng từ đồng lầy lên vùng cao nguyên. Nó nằm trên một đường đèo ở bên kia dãy núi. Anh muốn tới đó chơi không ?

Tuấn nhảy xuống đất :

- Đồng ý, nhưng cũng phải chờ mọi người trở dậy và ăn điểm tâm đã chứ.

- Khỏi cần, mình đem đồ ăn theo là đủ. Tới đó mình điểm tâm cũng vừa. Anh sửa soạn đi, tôi lo vụ này cho.

- Cũng nên báo cho Bạch Liên biết. Nhỡ cô ấy muốn theo mình chăng ?

Đàm gạt đi :

- Chị ấy còn ngủ. Đại huynh có dám đánh thức chị ấy không, chớ tiểu đệ thì hổng dám ! Với lại đường từ đây tới đó khá xa và cheo leo nữa nên để chị ấy ở nhà cho được việc !

Nói đoạn Đàm kéo Tuấn xuống nhà bếp, quơ ít thức ăn rồi ra chuồng ngựa thắng yên cương.

Cuộc sửa soạn tuy âm thầm, nhưng cũng bị bắt gặp. Giữa lúc hai người vừa dắt ngựa ra khỏi tàu thì chú B’Him đã đứng sừng sững ở giữa sân. Chú nheo mắt cười :

- Các cậu đi chơi ?

Đàm gật đầu :

- Phải. Chúng tôi đi chơi.

Và thản nhiên, Đàm thúc chân vào bụng ngựa cho nó phóng vọt đi. Tuấn bám gót theo sau. Rời khỏi trại chừng nửa cây số, đến một lùm rậm, Đàm chợt ghì dây cương cho ngựa ẩn nấp sau các thân cây. Tuấn ngạc nhiên, nhưng thấy Đàm ra dấu cũng vội ngoắt vào theo. Anh hỏi :

- Có chuyện gì thế ?

- Tôi muốn biết xem chú B’Him có theo rình tụi mình không ?

- Chú B’Him ? Chú ấy theo rình tụi mình làm gì ?

Đàm cau mày không nói, lặng lẽ đưa mắt nhìn quanh. Tuấn mỉm cười diễu cợt :

- Chú B’Him không hơi đâu đi rình tụi mình vào lúc trời còn mờ sương như thế này, trừ phi có ai ra lệnh cho chú ấy. Theo tôi, chú ấy là người rất đáng mến.

- Đã đành, bề ngoài chú ấy có vẻ là người tốt thật. Nhưng ai biết được lòng dạ chú ấy ra sao ? Mình cứ phải phòng xa, đừng để ai biết mình đi đâu là hơn.

- Bí mật thế kia à ?

- Thưa, vâng ạ ! Đại huynh nên nhớ rằng, hiện giờ ở vùng này đang có nhiều sự âm mưu rất đáng ngại…

- Âm mưu gì ?

- Những âm mưu ghê gớm, chưa thể nói ở đây được. Để lát nữa, tới nơi đệ sẽ nói cho huynh nghe.

Tuấn lại mỉm cười. Anh cho rằng nếu muốn tiết lộ một điều gì quan trọng thì không nơi nào kín đáo bằng ở đây, giữa khoảng đồi núi bao la quạnh quẽ. Đàm vốn hay làm ra vẻ ta đây, thích chơi cái trò “yên hùng hảo hớn”, rập lại những mẫu người trên màn ảnh hoặc trong các pho tiểu thuyết võ hiệp. Nhưng ngoài cái tính anh hùng rơm ấy, Đàm cũng còn cá tính của một thiếu niên đầy tự tín. Tuấn liếc nhìn Đàm. Anh có cảm tưởng là sáng nay, thật tình Đàm không có vẻ đùa cợt như mọi khi.

*

Tuấn không hỏi gì thêm nữa, và cả hai người lặng lẽ rời chỗ nấp phóng ngựa xuống đồi, vượt đồng cỏ ra bờ suối. Dòng suối vào mùa này ngựa có thể vượt qua dễ dàng không như mùa mưa nước lũ đổ xuống tràn ngập.

Vượt qua giòng nước cạn, Đàm vẫn phóng ngựa dẫn đầu, phi lên sườn núi. Tuấn chưa sang bên này bờ suối chơi bao giờ, thấy núi non đột khởi phía trước mặt, cũng tỏ vẻ thích thú hỏi :

- Cậu đưa tôi đến chỗ di tích của người Chiêm Thành phải không ?

Đàm chỉ về phía tay mặt :

- Bọn mình tới kia, chỗ dốc đèo ở gần mỏ.

- Hình như khu này cũng gần chỗ có di tích Chiêm Thành. Tôi muốn lại thăm coi cho biết.

Đàm gạt đi :

- Chẳng còn gì đáng xem, vì theo lời ba Đàm thì cách đây 300 năm một trận động đất đã làm sụp đổ tất cả khu đền đài đó thành một đống gạch đá rồi…

- Ba tôi cũng nói thế, mà ông vẫn cứ suốt ngày mải mê tìm bới ở đó. Nhiều lần tôi muốn đi theo nhưng ông đều hứa để hôm khác hoài.Hình như cả bác Quách Tiến lẫn ba tôi đều không muốn cho chúng mình đến đó chơi.

Đàm nhìn Tuấn lửng lơ nói :

- Chắc có lý do…

- Lý do gì ?

- Thì lý do bí mật. Nhưng thôi, tôi đã nói với anh là để tới nơi, tôi sẽ nói anh nghe trong lúc chúng mình ăn điểm tâm.

Hai người đã vượt hết dốc núi, tiến lên một sườn đèo đá mọc lởm chởm, cây cỏ thưa thớt. Mặt trời đã lên cao. Nhìn xuống, dưới lòng thung lũng từng khoảng hơi sương lan nhẹ trên các thửa ruộng loáng nước.

Tới một tảng đá lớn, Đàm xuống ngựa nói :

- Đây rồi.

Và hắn dắt ngựa dẫn vào một khe đá. Tuấn theo sau. Khe đá hơi hẹp, đứng dang thẳng hai tay có thể đụng vách, chạy dài như một đường hầm lộ thiên.

Đàm khoe :

- Anh thấy chưa, tôi chắc khe núi này là đường hầm xưa kia thần Rím đã đưa các sắc dân Thượng lên vùng núi cao. Qua khỏi hầm, sang bên kia, anh sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa.

Quả nhiên, chỉ mấy phút sau, vừa ra khỏi cửa hầm, Tuấn đứng sững trước một cảnh trí tưởng như chỉ thấy được trong cơn huyễn mộng. Trước mắt Tuấn là một khu đất phẳng, một dải bình nguyên thu hẹp, bao bọc chung quanh bằng những ngọn đá lởm chởm tạo nên một bức tường thành thiên nhiên do Tạo hoá vô tình sắp đặt. Giữa khu đất có một giòng suối nhỏ len lỏi qua các hốc đá, chảy nhỏ giọt vào một hồ nước. Trên mặt đất rải rác những phiến đá ong, xưa kia chắc đã được xây thành đền đài dinh thự nay nằm chồng chất ngổn ngang bên những bụi cỏ lau hoang dại.

Tuấn ngây người đứng ngắm, cảm thấy nỗi bâng khuâng len nhẹ vào hồn. Cảnh thật im vắng, chỉ thỉnh thoảng bắt gặp một vài bóng rắn mối lủi nhanh vào các hốc đá. Tuy nhiên giữa cảnh trống trải, im lặng mang đầy vẻ thê lương đó, Tuấn có cảm tưởng như bất chợt lúc nào, cũng có thể bừng sống trở lại.

Anh lẩm bẩm :

- Quả thật là một nơi không tưởng tượng được.

Đàm nhìn Tuấn hãnh diện :

- Đấy, tôi biết ngay thế nào anh cũng thích chỗ này. Tôi chưa cho ai biết cả, trừ anh ra. Tôi có đọc một pho tiểu thuyết võ hiệp, định gọi đây là “Cấm Thành” nơi để chúng mình luyện tập võ nghệ : tập phi thân lên các mỏm đá và phóng phi tiêu chơi.

Tuấn gật đầu mỉm cười :

- Hay lắm !

Anh không muốn làm Đàm cụt hứng. Tuổi thiếu niên nào cũng vậy, rất nhiều mộng ảo, và chỉ muốn trở thành siêu nhân.

Tuấn cười tiếp :

- Chúng mình sẽ trở thành hai cao thủ võ lâm.

Đàm nắm tay hăm hở :

- Và khi tái xuất giang hồ, bọn “du đãng” sẽ có nhiều thằng điêu đứng.

Có lẽ tưởng mình là hiệp khách chuyên trừ gian diệt bạo, Đàm ngửa cổ lên trời, dồn hơi vào đầy bụng cất tiếng cười “khặc khặc”. Tiếng cười “hào sảng” đó cất lên tưởng như có uy lực làm các lá cây rụng rơi lả tả.

Cười xong, Đàm khoác tay Tuấn :

- Đại huynh chưa thấy hết. Để đệ đưa huynh coi hết địa thế “Cấm Thành của chúng ta. Cứ để ngựa ở đây cho chúng tự do gặm cỏ, chúng mình lại chỗ “vọng đài” kia coi.

Vọng đài Đàm nói là một tảng đá lớn. Sau một hồi vất vả leo trèo, cả hai mới lên tới đỉnh. Trên đỉnh trũng lòng chảo nên có thể đứng ngồi thong thả. Đứng đó nhìn quanh, tầm mắt bao quát được cả lòng thung lũng Rắn, với đồn Quảng Sơn nằm trên một ngọn đồi án ngữ con đường vào thung lũng và xa hơn nữa, độ 12 cây số chim bay, trại của ông Quách Tiến ẩn hiện dưới vòm cây xanh.

Tuấn mải mê nhìn ngắm địa thế trong lúc Đàm sửa soạn các thức điểm tâm. Rồi Tuấn ngồi xuống cạnh Đàm trầm giọng hỏi :

- Bây giờ có những điều bí mật gì cậu hãy nói tôi nghe đi.




CHƯƠNG IV


Đàm khoằm ngón tay, chìa ra :

- Trước hết anh phải thề, không được tiết lộ với ai kia.

Tuấn ngoắc ngón tay mình vào ngón của Đàm, gật đầu :

- Xin thề.

- Được rồi, tụi mình ăn đã rồi tôi nói cho nghe.

Ăn xong bữa điểm tâm Đàm thở ra khoan khoái :

- Anh có biết chiều qua lúc anh và chị Bạch Liên tìm gọi tôi về ăn cơm thì tôi đang ở đâu không?

- Không.

- Tôi đang ở trên cây ổi.

- Nấp làm gì trên ấy ?

- Lúc đầu, tôi chỉ định leo lên hái vài trái ổi chín cho chị Liên thôi. Nhưng vừa trèo được nửa chừng thì ba tôi và bác Diệp từ trong nhà đi ra, tản bộ ngang phía dưới. Hai ông vừa đi vừa nói chuyện, nên những điều họ nói tôi đều nghe được.

- Hai ông bố nói những gì ?

- Tôi nghe mang máng như có người vừa khám phá ra cái gì đó ở trên mỏ, hay ở trên đền Chàm thì phải. Vì tôi nghe bác Diệp nói : “Sao không tìm cách mở thử ra coi cho biết.” Nhưng ba tôi bảo : “Ông Hùng không chịu.” Ông Hùng là Giám đốc sở mỏ. Ông đã cho niêm phong cái đó và chờ thư trả lời.

- Thư nào ?

- Không biết. Hai bố không nói rõ, nhưng chắc chắn là họ có khám phá ra được sự gì !

Tuấn trầm ngâm :

- Ở mỏ tất nhiên họ phải đào nhiều hầm hố. Biết đâu trong lúc đào họ không gặp được vàng, hoặc có thể là thứ quặng quí như quặng “uranium”…

Đàm há hốc miệng :

- Quặng uranium ? Để làm bom nguyên tử !

- Là nói ví dụ thế thôi, chứ ở vùng này chắc gì đã có. Cậu nghe hai bố nói những gì nữa ?

- Hai bố bàn bạc nhiều lắm, nghe không rõ. Ba tôi nói là vì sự khám phá đó mà tình hình trở nên nghiêm trọng, và Chính quyền phải kịp thời ngăn chặn. Với lại, theo ba tôi nhận xét, thì mấy ngày nay có nhiều người lạ đổ về thung lũng Rắn. Bác Diệp cũng công nhận như thế. Bác cho biết hôm về đây, trọ lại một buôn Thượng ở dọc đường, bác để ý hình như có sự tập họp khác thường.

Tuấn gật đầu :

- Đúng thế. Tụi tôi có gặp cả tướng cướp Hắc Xà thì phải. Hai bố có nhắc tới nhân vật này không?

- Tôi không nghe, nhưng nếu có chuyện gì xảy ra tôi đoan chắc với anh là chính “Hắc Xà đầu lĩnh” có nhúng tay vào. Hắn là hạng người rất nguy hiểm. À, mà anh có biết câu chuyện của một nhân vật Chiêm Thành tên là Trà Toàn không ?

Tuấn gật đầu :

- Có. Trà Toàn là vị vua cuối cùng của Chiêm Thành.

- Phải. Ba tôi kể rằng : ngày xưa dân Chiêm Thành đã có một thời oanh liệt, nên Trà Toàn đã đem quân ra đánh phá Mộc Châu.

Tuấn đính chính :

- Hóa Châu chứ không phải Mộc Châu.

Đàm nhún vai :

- Vâng, thì Hóa Châu ! Đại huynh thuộc sử hẳn cũng biết Trà Toàn đại bại trong trận ấy, vì bị vua ta là…

- Vua Lê Thánh tông thân chinh đánh dẹp. Trà Toàn đại bại rút lui về Đồ Bàn, nhưng bị vua Lê thúc quân đuổi đánh và bị bắt trị tội. Năm ấy là năm Canh Thìn tức là năm 1470 !

Đàm lại nhún vai. Anh thán phục trí nhớ của Tuấn và không khỏi bực mình càu nhàu :

- Thôi đủ rồi. Anh hãy để dành mà thi “Đố vui để học” của đài V.T.T.H.

Bây giờ, trở lại vấn đề Trà Toàn. Khi bị vua Lê đuổi đánh, Đồ Bàn thất thủ, Trà Toàn có đem theo vàng bạc châu báu chạy trốn. Nhưng khi ông ta bị bắt, kho châu báu ấy đã được chôn dấu đâu mất.

Tuấn ngắt lời :

- Chuyện của vị vua cuối cùng đất Chiêm Thành có liên quan gì đến bí mật ở vùng này không ?

- Có chứ. Hai ông bố của chúng mình đã bàn đến vấn đề ấy dưới gốc cây ổi. Hai bố cho rằng bọn tay sai của thực dân và C.S rất có thể đã lợi dụng câu chuyện đó để xúi bẩy tướng lạc thảo Hắc Xà nổi loạn. Ngoài ra còn chuyện kho tàng ấy nữa. Biết đâu nó chẳng được chôn dấu đâu đây ?

Tuấn vỗ tay lên trán, lẩm bẩm :

- Kho vàng của Trà Toàn ! Kho vàng…

Bất giác Tuấn đưa mắt nhìn về phía sở mỏ. Đàm theo dõi tia mắt của bạn vùng thốt :

- Trời, thôi đúng rồi… có lẽ trên mỏ họ đã tìm thấy chăng ?

- Đúng hơn, theo tôi nghĩ, nếu kho vàng ấy có thật, nó phải được chôn dấu trong đền mới phải. Khoảng cách từ mỏ tới ngôi đền Chàm có xa lắm không ?

- Chỉ độ hơn một ngàn thước. Nhưng ngôi đền, như tôi vừa nói, đã hoàn toàn sụp đổ trong một trận động đất rồi.

- Dù bị sụp đổ, thì vị trí của nó vẫn còn đó. Mà kho vàng nếu được chôn dấu, tất phải nằm dưới đất sâu. Không biết ở trên mỏ người ta có đào được những đường hầm dài cả ngàn thước không nhỉ ?

Đàm mở tròn mắt nhìn Tuấn, rồi như hiểu được ý nghĩ của bạn muốn nói gì, thốt reo :

- Dĩ nhiên là được. Đào một đường hầm đối với dân mỏ dễ ợt mà ! Tôi đã thấy họ làm rồi. Họ nổ mìn rồi cho “goòng” vào chỗ những đất đá sụp xuống chở ra bằng đường rầy. Anh nghĩ đúng đó! Có lẽ trong khi đào hầm, họ đã gặp kho tàng của Trà Toàn chôn dấu !

Tuấn mỉm cười :

- Tùy cậu, nhưng đấy chỉ là giả thuyết thôi nhé. Chưa có gì chắc cả !

Đàm hăm hở :

- Khỏi còn hồ nghi gì nữa. Ba tôi đã nói với bác Diệp là trên mỏ người ta xì xào ghê lắm. Tất nhiên khám phá ra được điều bí mật như thế họ phải dấu nhẹm đi chứ. Ai dại gì nói hở ra để mọi người xông vào tranh cướp ?

Tuấn nói :

- Nếu đúng như tụi mình nghĩ, thì ai là người đã khám phá ra kho tàng của Trà Toàn ?

- Chắc ông Hùng, ông giám đốc sở mỏ. Dĩ nhiên cả mấy ông kỹ sư trên ấy cũng biết…

- Và cả hai ông bố nhà mình nữa ! Theo như ba Đàm nói thì ông Hùng đã báo cho chính phủ biết rồi. Như thế là phải lắm.

- Phải cái khỉ khô gì ? Nói ví dụ như anh với tôi, chúng mình khám phá ra một kho tàng chôn dấu dưới đất, chúng mình cứ lặng lẽ đào lên rồi chia nhau chứ !

Tuấn cười :

- Không thể giản dị như thế được. Những tài sản vô chủ phải thuộc về Quốc gia. Ai tìm được một kho tàng chôn dấu phải khai báo với nhà chức trách để chính quyền truy nguyên xem kho tàng đó thuộc về ai. Nếu không có người thừa kế, nghĩa là vô chủ, tức nhiên của ấy thuộc về sở hữu của Quốc gia. Người tìm ra kho tàng chỉ được hưởng một phần nào theo luật định.

Đàm vỗ đùi :

- Anh vừa nói tới người thừa kế phải không ? Nếu đúng đây là kho tàng của Trà Toàn chôn dấu, nói chung của người Chiêm Thành , thì…

- Thì sao ?

Mặt Đàm ngây ra :

- Hắc Xà ! Việc này hẳn có liên quan tới tên tướng cướp ấy. Có lẽ hắn đã phong thanh biết chuyện này rồi và đang bí mật tập họp thủ hạ…

Nhưng Tuấn chợt đưa tay lên miệng :

- Xuỵt, im !

*

Tuấn dướn người, nghiêng đầu nghe ngóng. Có tiếng vó ngựa rồn rập tới gần. Đàm nói :

- Chắc chú B’Him đưa chị Bạch Liên đi tìm tụi mình. Nhất định đừng để cho họ biết mình ở đây, nghe đại huynh ? “Cấm thành” của tụi mình mà !

- Đồng ý, nhưng…

- Không nhưng gì hết. Mình dấu luôn cả chị Bạch Liên. Đàn bà họ hay phá bĩnh mình nhiều thứ lắm !

Tuấn không khỏi mỉm cười về câu nói của Đàm. Như để giải thích thêm Đàm tiếp :

- Ở nhà, lắm lúc tôi cứ bị chị Dung cự nự hoài. Chị ấy không bao giờ để mình yên làm những điều mình thích.

Tiếng vó ngựa đã tới gần. Đàm ra dấu cho Tuấn ngồi yên, bò sát ra mép đá nhìn xuống. Anh bỗng giật mình quay lại thì thào :

- Không phải họ… Anh lại đây mà coi !

Tuấn bò lại nép bên Đàm. Phía dưới, cách tảng đá hai người nấp độ một trăm thước có đường mòn lượn quanh các mô đá. Trên đường thấp thoáng ba bóng nhân mã nối đuôi nhau. Người đi đầu và cuối là người Thượng. Người thứ ba đi giữa là một thanh niên Việt Nam cao lớn, nét mặt rắn rỏi, mái tóc tung rối trên trán. Thanh niên ngồi thẳng mình trên ngựa, xem chừng không được thoải mái, hai tay quặt ra phía sau lưng.

Đoàn nhân mã đó men dưới tảng đá của Tuấn và Đàm đang nấp. Tuấn chợt nhận ra con ngựa của người thanh niên Việt do người Thượng đi đầu dắt, còn thanh niên bị trói thúc ké hai tay. Chờ cho bọn họ đi khuất Tuấn mới hỏi Đàm :

- Ai thế ?

- Tôi không biết hai người Thượng, nhưng người thanh niên kia là Phong. Anh ta là một người vui tính, tháo vát, làm đủ mọi nghề và thường qua lại vùng này.

- Anh ta bị trói, không biết họ định đưa anh ấy đi đâu ?

Đàm lắc đầu :

- Chịu… không đoán nổi.

- Hay tụi mình thử theo xem ?

- Tôi cũng định như thế.

Cả hai vơ vội lấy thức ăn còn lại cho vào túi và tuột xuống khỏi “vọng đài”. Hai con ngựa vẫn bình thản gặm cỏ trên vũng nước.

Đàm nói :

- Mình không nên đi ngựa vì sẽ bị lộ. Cứ để chúng đấy, lát nữa mình sẽ quay lại tìm sau.

Hai người chạy ngược trở lại cửa hang xuống đường mòn, đảo mắt nhìn quanh. Mặt trời lúc ấy đã lên cao, nhưng cảnh vật vẫn hoàn toàn chìm lắng vào trong hoang vắng. Theo tiếng vó ngựa gõ lóc cóc, Tuấn Đàm tới một mô đất. Đàm leo lên nằm áp bụng xuống nghe ngóng. Khá lâu Đàm xuống cho biết :

- Không thấy họ đâu cả.

Tuấn thắc mắc :

- Lạ nhỉ ! Họ chưa thể đi xa được, vì không thể phóng nhanh với một người bị trói dẫn theo. Hay họ…

Nhưng Tuấn chợt im. Một giọng nói vừa đột ngột cất lên chỉ cách chỗ hai người nấp chừng mươi bước. Giọng nói đầu lơ lớ của người Thượng, tiếp đến giọng gay gắt của Phong. Hình như Phong cưỡng lại không chịu tới một nơi mà hai người kia muốn đến.

Cuộc cãi vã kéo dài chừng ít phút : Phong vẫn nhất định phản kháng trong lúc hai người Thượng giận dữ quát tháo. Đàm và Tuấn câm nín nép sát bên nhau, băn khoăn lo sợ không biết phải làm gì.

____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V, VI