Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

CHƯƠNG V, VI_THUNG LŨNG RẮN




CHƯƠNG V


Có tiếng roi quất và tiếng hét đau đớn, giận dữ của Phong. Anh gầm lên :

- Đồ khốn, rồi tụi bây biết tay tao !

Roi lại quất xuống vun vút.

Tuấn và Đàm tái mặt nhìn nhau. Cả hai đều sôi máu, nhưng lưỡng lự chưa dám ló mặt. Phong vẫn gầm thét, ngọn roi quất xuống vẫn tiếp tục ác liệt.

Không thể chịu được nữa, Tuấn, Đàm vùng chạy đến chỗ Phong đang bị hành hạ.Một tảng đá lớn chắn ngang lối đi. Không lưỡng lự, Đàm đưa mắt cho Tuấn rồi trèo lên để nhòm xuống.

Dưới chân tảng đá là một khoảng trống khá rộng, và phía bên kia, đối diện với chỗ Đàm nấp là một vách núi thẳng đứng. Chính ở dưới vách núi này Phong đang bị bọn người kia hành hạ, trong lúc mấy con ngựa của họ thản nhiên gặm cỏ.

Hai người Thượng đè Phong nằm dưới đất, người quất roi xuống lưng anh, người cố cột chân anh lại, nhưng Phong vùng vẫy mãnh liệt.

Tuấn và Đàm sau khi quan sát tình hình, hiểu ngay tại sao Phong bị đưa tới đây. Sát chân vách núi, ngay sau lưng hai người có một lỗ hổng, có lẽ là cửa khe đưa vào hang núi. Chắc bọn hai người kia muốn trói Phong nhốt vào đó, và lấp kín cửa hang lại.

Chính vì biết như thế nên Phong cố gắng chống cự. Nhưng sức anh yếu dần. Một người Thượng đè được lên mình anh, kẹp cứng anh lại cho người kia buộc dây. Đàm, Tuấn lại đưa mắt nhìn nhau. Lần này họ quyết phải hành động. Đàm lui lại tìm được một hòn đá khá lớn, và quỳ gối nâng lên bằng hai tay. Nhác thấy cử chỉ của bạn Tuấn vội ngăn lại. Hòn đá nếu được ném xuống chưa chắc ăn nhằm gì, mà còn tố cáo sự có mặt của hai anh. Tốt hơn, theo ý Tuấn, nên chờ cho hai người kia nhốt Phong vào hang, bỏ đi rồi, hãy xuống cứu anh ta sau.

Đúng lúc ấy thì người đang trói Phong bị anh đạp một cái vào cằm. Hắn nổi khùng, vùng đứng lên đá tới tấp vào người Phong, trong lúc Phong vẫn bị bạn hắn đè bẹp dưới đất.

Tuấn không nhịn thêm được nữa. Anh buông tay và Đàm ném hòn đá xuống. Hòn đá trúng ngay lưng gã đè trên mình Phong, khiến hắn rú lên đau đớn.

Đồng thời Tuấn chợt nhớ ra Đàm có đem theo khẩu súng bắn chim. Đạn súng không thể gây thương tích cho người, nhưng viên chì nhỏ, cách 12 thước có thể hạ một con chim. Tuấn bèn vớ lấy khẩu súng, nhắm vào mông con ngựa gần nhất lảy cò. Tiếng súng nổ vọng vào vách đá, nghe khá chát chúa, và viên đạn chì đập trúng mông con ngựa đã khiến con vật giật mình, chồm vó trước lên, phóng mình bỏ chạy.

Tiếng nổ cũng làm hai người Thượng sửng sốt. Người đang đánh Phong quay lại thấy mấy con ngựa phóng chạy, vội vã đuổi theo. Người còn lại, vừa bị hòn đá của Đàm ném trúng, loạng choạng đứng dậy. Phong lợi dụng ngay cơ hội đó tung ngược một ngọn cước vào giữa bụng địch thủ. Ngọn cước quả là ác liệt đến nỗi người hắn tung lên, bật ngửa ra sau nằm bất động.

Đàm quên hết sợ hãi, nhổm người lên, reo :

- Tuyệt nghệ ! Anh Phong, cú đá của anh tài tình quá. Anh nằm yên đấy nhé, tụi tôi xuống ngay.

Phong gắng gượng chỗi dậy. Thấy Đàm và Tuấn đang tuột từ trên vách núi xuống, anh không khỏi ngạc nhiên :

- Ủa, Đàm đó hả !

Đàm rút dao cứa đứt dây trói cho Phong, nói :

- Tôi và Tuấn ra đây chơi, bắt gặp anh bị hai người kia uy hiếp dẫn đi. Tụi tôi cố theo tìm cách giải thoát cho anh. Nhưng tại sao họ lại bắt trói anh thế ?

Phong nhếch mép cười. Một vết roi hằn đỏ rướm máu trên mặt Phong, nhưng sau cuộc hành hạ vừa qua, anh vẫn có vẻ sung sức. Anh đáp :

- Bọn tôi có chuyện gây lộn với nhau thôi. Nhưng các cậu cũng đến vừa đúng lúc, không thì tôi còn bị thêm trận đòn nữa.

Vừa nói Phong vừa xoa nắn cổ tay bị trói. Bỗng anh nhỏm người, đá văng khẩu súng lục người Thượng vừa rút ra :

- Ồ thằng khốn !

Tiếp đó một cú đấm giáng mạnh vào mặt hắn khiến hắn ngất ngư và quị luôn. Phong cúi nhặt khẩu súng :

- Các cậu canh chừng tên thứ hai nhé. Để tôi trói thằng này lại.

Đàm và Tuấn leo lên mỏm đá quan sát. Ba con ngựa sợ súng phóng chạy một quãng rồi đứng lại gặm cỏ, cách đấy chừng vài trăm thước. Người Thượng kia đang chạy tới.

Đàm bảo Tuấn :

- Hắn sẽ bắt kịp mấy con ngựa, và phải mươi phút nữa mới quay trở lại.

Hai người trở về chỗ Phong. Anh ta đã trói xong địch thủ, kéo bỏ vào hốc đá, chỗ hai người Thượng định nhốt anh khi nãy. Phong vần một tảng đá chặn bên ngoài, cười ranh mãnh ;

- Để hắn nằm nghỉ tạm đây, chờ đồng bọn đến đón đi.

Anh móc túi lấy gói thuốc lá rút một điếu đã nhăn nhúm châm hút, tay mân mê khẩu súng lục :

- Các cậu thấy gì không ?

Tuấn nói :

- Mấy con ngựa vẫn đứng nguyên chỗ, và người Thượng kia đã tới nơi rồi anh ạ.

- Tốt lắm. Các cậu nấp kín đi. Hắn trở lại bây giờ. Tôi đang muốn mượn hắn một con ngựa.

Đàm thấy cần phải nhắc Phong :

- Hắn là tên đã đá anh khi nãy đó !

Mặt Phong đanh lại :

- Tôi nhớ lắm. Rồi tôi sẽ trả lễ hắn sau. Bây giờ các cậu hãy nghe tôi nói đây. Vừa rồi hai cậu đã giúp tôi được một việc khá lắm. Tôi rất cám ơn. Nhưng các cậu nên nhớ kỹ là bắt đầu từ giờ phút này đừng có bén mảng tới khu vực này nữa. Đừng hỏi tại sao vì hiện thời chưa phải lúc giải thích cho các cậu rõ được. điều cần cho các cậu biết, tôi đã nói rồi. Nếu các cậu không nghe tôi, sẽ có chuyện lôi thôi đấy… À, cậu Đàm về nói với ba cậu là tôi sẽ tới gặp ông vào khoảng tối nay hay sáng mai tùy theo biến chuyển của tình thế.

Đàm gặng hỏi :

- Hai người Thượng này định bắt anh làm gì vậy, anh Phong ?

- Việc ấy các cậu không cần biết.

Đàm khẩn khoản :

- Nhưng ít ra anh cũng cho tôi rõ là việc này có liên quan gì tới kho tàng của Trà Toàn không ?

Phong cười lặng lẽ :

- Dĩ nhiên là có ! Mớ tài liệu về vụ đó đang ở trong túi tôi đây !

Tuấn chợt quay lại, báo động :

- Người Thượng kia đang trở lại. Hắn cưỡi một ngựa, và dắt theo hai con kia.

Phong ra lệnh :

- Cúi đầu xuống và nằm im. Cứ để cho hắn tới.

Ba người im lặng chờ đợi. Phong ẩn sau mô đá với Đàm, khẩu súng cầm sẵn trong tay. Tim Tuấn đập hồi hộp. Vó ngựa tiến tới, rồi :

- Hé, S’Pieng à ? Mày đâu rồi ?

Tiếng gọi bạn của người Thượng vang vọng tiếp nối vào các vách núi.

Một tiếng nổ vọng theo. Tuấn rụt đầu vào cổ, nhưng lại nhổm người lên cố nhìn cho rõ. Anh thấy chiếc nón trên đầu hắn rớt xuống vì viên đạn của Phong.

Con ngựa hắn cưỡi, chồm lên. Phong bước ra khỏi chỗ nấp, chĩa mũi súng vào người hắn, và cứng rắn nói với hắn bằng tiếng Thượng. Theo lệnh của Phong, hắn đưa hai tay lên đầu, tiến lại gần Phong với cặp mắt căm thù. Tuấn ngăn kịp tiếng kêu kinh ngạc toan thốt ra, vì anh chợt nhận ra người đó, trên mặt có vết sẹo dài ngang gò má. Người sẹo mặt này, Tuấn đã gặp ở chợ quận Quảng Sơn, và là một thuộc hạ của tướng lạc thảo Hắc Xà. Phong lặng lẽ, đứng đợi tên mặt sẹo tới gần nhận lấy dây cương ngựa hắn trao, rồi bắt hắn quay lưng lại; bước trở lại hướng hắn vừa đến. Được độ trăm thước, Phong vẩy mũi súng nhả một viên đạn. Hình như Phong chỉ bắn dọa, nên viên đạn làm vỡ tung chiếc bầu đựng nước hắn đeo bên sườn. Hoảng hồn hắn co giò phóng chạy.

Phong quay lại bảo bọn trẻ :

- Xong rồi.

Anh nhảy lên lưng con ngựa vừa tịch thu được, nhếch mép cười :

- Cám ơn các cậu lần nữa ! Hồi nãy các cậu tới đây bằng gì ?

Đàm trả lời :

- Tụi em đi ngựa, và giấu ở gần đây. Anh khỏi lo.

- Tốt lắm. Vậy lên ngựa về nhà ngay đi. Đừng quên điều tôi dặn nhé ! Cậu Đàm nhớ nói lại với ba cậu nghe. Thôi, tôi đi đây, sẽ gặp lại sau !

Phong giơ tay chào, rồi phóng ngựa xuống thung lũng. Chỉ vài phút sau bóng anh đã khuất dạng sau các mô đá.

*

Đàm và Tuấn phải đứng thở một lát mới qua cơn xúc động. Tất cả lại rơi vào thinh lặng

Hai người trở về “Cấm thành”, với tất cả dè dặt, thận trọng. Nhưng Tuấn cũng vẫn nói :

- Anh Phong chì thật, bắn bay luôn cả nón tên sẹo mặt.

Đàm gật đầu :

- Anh ấy bắn giỏi lắm. Thật đúng là tay thiện xạ.

- Hồi nãy nghe cậu giới thiệu về anh Phong, tôi tưởng anh ta là kẻ tầm thường. Không ngờ anh ta lại giỏi như thế.

Đàm trầm ngâm :

- Ừ, tôi cũng vậy. Tôi chỉ thấy anh ta qua lại vùng này luôn. Có khi anh biệt dạng cả mấy tháng, rồi lại đột ngột xuất hiện. Hình như có sự bí mật gì bao trùm quanh con người ấy. Tôi đoán anh Phong đang mưu mô điều gì đây.

Tuấn gật đầu :

- Phải nói cho hai ông bố của tụi mình biết sự việc vừa xảy ra mới được.

- Ừa. Cả chị Bạch Liên và chị Dung nữa. Chắc họ “sùng” mình lắm. Nhưng đừng nói hở cho họ biết chỗ “Cấm thành” của tụi mình nghe đại ca.

- Yên trí. Nhưng Đàm này…

- Hả ?

- Cậu có nhớ người Thượng mà anh Phong bắn rơi nón tụi mình đã gặp ở đâu không ?

Đàm nhún vai :

- Tôi không nhớ. Người Thượng nào trông cũng như nhau hết.

- Phải rồi, nhưng người này có cái sẹo dài trên mặt. Tụi mình đã gặp hắn ở chợ quận Quảng Sơn, cậu không nhớ sao ? Tôi còn gặp hắn tháp tùng tướng cướp Hắc Xà nữa.

Đàm sửng sốt quay lại :

- Thật sao ? Nếu vậy thì hắn thuộc đảng cướp Hắc Xà rồi ! Không lẽ anh Phong cũng trong đảng này nữa ?

Tuấn lắc đầu :

- Chắc không phải, vì cậu cũng thấy đó, họ uy hiếp anh Phong tới đây và đánh anh ấy khá đau.

- Có thể trước kia anh Phong có chân trong đảng Hắc xà, nhưng bây giờ anh ấy phản lại họ… hay là… Tụi mình làm sao hiểu được !

Tuấn cũng không thể nào đoán nổi. Anh bận quan tâm đến tên mặt sẹo. Anh còn nhớ rõ ràng hôm ở chợ quận Quảng Sơn, hắn đã vờ say đụng vào ông Phát, kỹ sư sở mỏ, để ngầm trao cho ông ta vật gì. Chuyện ấy Tuấn cũng đã quên mất, và không nói cho Đàm hay. Gặp hắn lần này trong cuộc đụng độ với Phong và qua những sự việc xảy ra, Tuấn bỗng nảy ra nhiều nghi vấn. Anh bảo Đàm :

- Đàm này, tôi nghi là…

Nhưng Tuấn bỗng im bặt. Hai người vừa leo hết con đường mòn đưa vào “Cấm thành” , và đều sửng sốt kêu lên :

- Ủa ! Hai con ngựa của mình đâu rồi ?

Đàm lo lắng :

- Chết cha ! Không biết chúng chạy đâu. Thử tìm xem chúng có đứng nghỉ dưới các bóng mát không ? Chắc chỉ quanh quẩn đâu đây thôi.

Đàm và Tuấn chạy loáng một vòng tìm kiếm vẫn không thấy bóng hai con ngựa đâu cả. Hai người bồn chồn quay về chỗ cũ, nơi họ đã thả ngựa đứng gặm cỏ bên khe nước thì bỗng giật mình đứng sững người lại.

Dưới bóng râm một tảng đá lớn, một người mặc bộ đồ đen, miệng ngậm điếu thuốc lá đang lặng lẽ nhìn Đàm và Tuấn.





CHƯƠNG VI


Bạch Liên biết Đàm và Tuấn vắng nhà khi cùng chị Dung xuống thăm khu nuôi gia súc. Chú B’Him thuật lại rằng hai người ra đi từ lúc tời còn mờ sương, dự bị lương thực đầy đủ cho một cuộc đi chơi xa.

Nghe nói chị Dung cười :

- Hai ông tướng đó dám đi biệt cả ngày hôm nay lắm ! Tôi biết thằng Đàm nó định đưa Tuấn đi đâu. Nó có một chỗ bí mật ở phía dãy núi cuối thung mà giấu không cho ai biết, và thường lẻn ra đấy để tha hồ nghịch ngợm.

Bạch Liên đề nghị :

- Nhân thể bọn con trai đi vắng, còn có hai chị em mình ở nhà cũng buồn, chị xin phép bác đưa em lên mỏ chơi, và thăm ngôi đền Chàm gần đó chị nhé

Dung miễn cưỡng nhận lời. Những chỗ đó không lạ lùng gì đối với nàng. Nhưng khi gặp ông Quách Tiến và ông Diệp ở phòng khách, nghe tin Đàm và Tuấn đi chơi từ sáng sớm, hai ông tỏ vẻ vô cùng lo lắng. Ông Quách Tiến nổi giận cự Dung :

- Nhè lúc này mà đi chơi ! Ai cho phép chúng nó đi ?

Dung đáp :

- Thưa cậu, mọi ngày em Đàm vẫn tự ý muốn đi đâu thì đi, cậu không cấm vì cho rằng em ấy chỉ quanh quẩn trong thung lũng này thôi.

Ông Quách Tiến lớn tiếng :

- Mọi bữa khác. Nhưng lần này để hai đứa con nít đi chơi một mình như thế không được !

- Thưa cậu, tại sao ạ ?

Ông Quách Tiến ngồi im. Ông đưa mắt nhìn ông Diệp, nhăn trán suy nghĩ, rồi chậm rãi nói :

- Cậu cũng bậy thiệt, không nói cho cháu rõ. Nhưng bây giờ cậu cần cho cháu biết là hiện tình ở đây, trong thung lũng này, rất là nghiêm trọng. Cậu và bác Diệp hiểu rõ tình hình khẩn trương ấy, nên đang định thu xếp đưa các cháu lánh tạm lên Dalat chờ yên ổn mới trở về.

Dung và Bạch Liên ngơ ngác như vừa rớt từ cung trăng xuống. Tuy phong thanh có chuyện gì bất ổn, nhưng cả hai đều không ngờ lại nghiêm trọng đến thế.

Ông Quách Tiến nhìn Dung tiếp :

- Có lẽ cậu phải kể cho cháu nghe từ đầu câu chuyện mới dễ hiểu. Hẳn cháu còn nhớ cách đây vài tháng cậu có cho cháu biết ở trên mỏ có đào trúng một đường hầm ăn thông với huyệt đạo dưới ngôi đền Chàm. Ngoài vài bộ xương khô còn có mấy tượng đá và rải rác ít đồ sành – không có gì đặc biệt. Ông giám đốc sở mỏ thu nhặt mấy thứ đó gửi về viện bảo tàng ở Đà Nẵng. Viện có gửi thư cám ơn, đồng thời hứa sẽ gửi nhân viên khảo cổ tới quan sát và yêu cầu ông Hùng nếu có khám phá thêm điều gì mới lạ xin báo cho viện biết.

Mới đây, trong khi khơi sâu thêm ngách hầm, người ta lại vô tình tìm ra được một cửa buồng bí mật khác. Buồng này rất kiên cố xây toàn bằng đá phiến, bên trong để ba cái rương lớn bằng gỗ rất nặng, và được khóa kín bằng đai sắt.

Bạch Liên vùng kêu :

- Trời ! Một kho tàng !

Dung cũng vội hỏi :

- Phải đó là kho tàng của Trà Toàn không cậu ?

Ông Quách Tiến mỉm cười nhìn nét mặt rạng rỡ của hai cô gái, thong thả tiếp :

- Khoan đã ! Chưa ai biết rõ ba cái rương nặng đó bên trong đựng những gì. Từ năm 1470, khi Trà Toàn bị vua Lê đuổi đánh, Đồ Bàn thất thủ, phải cùng gia nhân chạy trốn rồi bị bắt trị tội, thì nhiều người vẫn thắc mắc về số vàng bạc châu báu ông ta đem theo. Liệu quan quân ta có tịch thâu được số châu báu đó ? Hay chỉ bắt được người không ? Điều ấy chẳng ai biết rõ.

Và hiện thời khi tìm được ba cái rương kia chưa ai dám quyết đoán đó là kho châu báu của Trà Toàn đã kịp thời chôn dấu dưới hầm kín ngôi đền thờ, vì chưa ai được phép mở. Lúc khám phá ra được căn buồng đá, và ba rương nặng, Ông Hùng có mời cậu lên coi, để hỏi ý kiến. Cậu đã khuyên ông Hùng hãy niêm phong căn buồng đá đó lại, cắt cử người canh gác và báo ngay cho chính quyền biết. Vì dù trong mấy rương kia chứa đựng những gì quí giá chăng nữa thì của ấy cũng thuộc về tài sản của Quốc gia, phải chờ người đại diện của chính phủ cử tới kiểm nhận, chứ không ai được quyền tự do chiếm đoạt. Nếu ông Hùng tự ý mở ra, dù ông có là người ngay thẳng ông cũng vẫn có lỗi, và bị nghi ngờ đã dấu bớt hoặc tráo đổi những quí vật tìm được, vì vậy theo lời khuyên của cậu, ông giám đốc sở mỏ đã làm đúng theo thủ tục, và trong khi chờ đợi chính quyền giải quyết, chuyện này đã được giữ kín để đề phòng mọi bất trắc. Ông Hùng đã viết thư gửi cho chính quyền địa phương, từ trước ngày bác Diệp đưa hai cháu Tuấn và Bạch Liên về đây chơi, thế mà có tới 10 hôm rồi vẫn chưa được trả lời…

Ông Diệp chợt hỏi :

- Ai đem bức thư đó đi, và gửi bằng cách nào ?

- Người thư ký tin cẩn của ông Hùng. Anh ta còn trẻ, làm việc với ông Hùng đã ba năm nay. Anh đem bức thư lên quận, gửi theo hệ thống bưu điện.

- Như vậy có sự chậm trễ là phải, và sợ có thể còn thất lạc nữa. Ở đây không còn cách nào liên lạc nhanh chóng và chắc chắn hơn sao ?

- Có chứ. Có thể nhờ máy vô tuyến, nhưng máy này chỉ ông đồn trưởng Quảng Sơn mới có, và sử dụng cho quân đội. Mà việc này, thoạt đầu, không dính dáng gì tới quân đội, nên ông Hùng chỉ làm theo thủ tục hành chính.

Trầm ngâm một lát, ông Quách Tiến nắm tay bạn :

- Tôi hiểu ý nghĩ của bác. Có lẽ chúng ta nên bàn lại với ông Hùng. Vì câu chuyện này tuy được giữ kín cũng đã lộ rồi. Tiếng đồn đã lan ra, mới đầu người ta xầm xì rằng trên mỏ đào được cổ vật; sau đó họ phóng đại lên thành một kho tàng với hàng tấn vàng thoi, sau cùng thì dân chúng đang được rỉ tai là sở mỏ đã thông đồng với các viên chức địa phương, để dấu nhẹm và chia nhau số của cải khổng lồ đó.

Giọng ông Quách Tiến trở nên bi phẫn :

- Tình thế vì vậy mà trở nên bất lợi. Dân chúng ở đây, đa số là người Thượng rất dễ bị xúc động, vì những lời xúc xiểm, nhất là lại sẵn có người muốn lợi dụng cơ hội để xách động, quấy nhiễu. Chúng ta hẳn cũng biết người ấy là ai.

Bạch Liên thốt hỏi :

- Phải tướng cướp Hắc Xà không bác ?

Sở dĩ Bạch Liên nhớ ngay đến nhân vật này, vì cũng như Tuấn, hình ảnh tên tướng lạc thảo đã ghi đậm và ám ảnh trí nhớ hai người.

Ông Quách Tiến gật đầu :

- Phải, tướng cướp Hắc Xà. Hắn mạo nhận là dòng dõi của Trà Toàn, vị vua cuối cùng của đất Chiêm Thành xưa. Nhưng theo bác thì hắn chỉ là một tên đại bợm. Đúng ra hắn là một tên thảo khấu có nhiều bản lĩnh đặc biệt về tài xách động để quấy rối. Cách đây năm năm, hắn đã được thực dân ngấm ngầm nuôi dưỡng để làm loạn. Nhưng cơ mưu chưa thành thì hắn bị bắt. Ở tù ra hắn trở về ẩn náu trong vùng rừng núi chờ thời. Bác không rõ tham vọng của hắn, nhưng chắc chắn là hắn đã bị những lực lượng đối nghịch với quốc gia lợi dụng. Bọn thực dân, cộng sản luôn luôn rình cơ hội. Chúng lợi dụng Hắc Xà, để Hắc Xà xúi dục một số người nhẹ dạ bị hắn mê hoặc bằng thủ đoạn xảo trá, coi mình là con cháu của thần Rắn và thần Rím.

Vụ khám phá trên hầm mỏ là một cơ hội tốt cho Hắc Xà tuyên truyền, xách động. Hắn phao tin có hàng chục tấn vàng của con cái thần Rím thần Rắn bị chiếm đoạt, và kêu gọi phải đòi lại kho tàng đó. Rồi một ngày kia, hắn sẽ kéo thủ hạ tới đánh phá sở mỏ. Nếu hắn cướp được mấy chiếc rương chôn dấu dưới địa đạo kia, và nếu trong rương lại có đầy vàng bạc châu báu thật, thì uy thế của hắn sẽ gia tăng và cuộc nổi loạn có cơ lan rộng.

Dung và Bạch Liên yên lặng ngồi nghe. Câu chuyện ông Quách Tiến vừa nói thật lạ lùng, tưởng như chỉ có thể có trong truyện tiểu thuyết hoang đường.

Bạch Liên nói :

- Thưa bác, có lẽ bác vừa nêu lên những giả thuyết, chứ chưa có bằng cớ nào chắc chắn ?

Ông Diệp bình thản nói :

- Không hẳn chỉ mới là giả thuyết vì đã thấy có nhiều dấu hiệu đáng ngại. Cháu có nhớ hôm chúng mình tới đây, dọc đường có gặp nhiều nhóm người phe đảng của Hắc Xà. Trong tuần này lại thấy có nhiều bóng người di chuyển trong đêm tối qua thung lũng. Hình như có một cuộc tập họp ở bên kia rặng núi do Hắc Xà triệu tập. Bác ngại rằng khi có đủ thủ hạ trong tay, cuộc âm mưu của hắn sẽ bùng nổ một ngày gần đây thôi, nếu như chính quyền không kịp thời ngăn chặn.

Ông Quách Tiến gật đầu tiếp :

- Đúng thế, chỉ cần một cuộc hành quân cảnh sát là có thể, vào giờ này, bóp vỡ ngay cuộc âm mưu đó khi còn trứng nước. Nhưng đến bây giờ mà chính quyền vẫn cứ làm ngơ. Ông Hùng đã gửi thêm một văn thư nữa, cách đây ba ngày, và chưa nhận được trả lời. Bác định sáng nay cùng bác Diệp lên Quảng Sơn gặp ông Quận trưởng trình bày cho ông rõ tình hình, rồi ghé sang sở mỏ hỏi thăm tin tức ra sao. Nếu vẫn chưa được giải quyết thì tốt hơn hết là…

Ông Quách Tiến ngừng lại đưa mắt nhìn bạn. Ông Diệp tiếp lời bạn :

- Chúng mình sẽ trở về thu xếp hành lý và rời đây nội chiều hôm nay, hoặc trễ lắm là sáng ngày mai.

Ông mỉm cười trấn an :

- Các cháu đừng lo. Hai bác sẽ cố gắng về sớm. Trong khi hai bác vắng nhà, các cháu nên ở yên trong trại, đừng ra ngoài.

Bạch Liên băn khoăn :

- Nhưng còn Tuấn và Đàm?

Cả hai ông già vừa đứng lên toan đi, bỗng dừng lại. Ông Quách Tiến cau có :

- Ừ nhỉ ! Còn hai thằng mãnh đó nữa ! Các cháu có biết chúng nó đi đâu không ?

Dung đáp :

- Thưa cậu, chắc họ sang bên kia núi chơi. Mọi khi Đàm nó hay sang đấy. Để chúng cháu đi tìm gọi họ về.

Ông Diệp suy nghĩ :

- Theo bác, các cháu nên ở nhà. Các cháu đi nữa càng thêm rắc rối.

Ông Quách Tiến tán thành :

- Phải đó. Mình đi thôi bác Diệp ạ. Dung nhớ ở nhà và đừng tiết lộ việc này với ai cả. Khi Tuấn và Đàm về, nói cho chúng biết, nhưng tuyệt đối phải giữ kín không cho mấy người làm biết trừ chú B’Him. Nếu mình phải lánh đi nơi khác, mình sẽ đi một cách âm thầm thôi.

*

Những lời căn dặn của ông Quách Tiến làm Bạch Liên thấy rõ tình thế. Nàng chợt nhận ra mình đang ở một trang trại hẻo lánh, cô lập giữa vùng núi non hiểm trở, có nhiều bất trắc đang rình rập xung quanh.

Điều làm Bạch Liên bồn chồn hơn nữa là sự vắng mặt của Tuấn và Đàm. Nàng giận Tuấn khi đi không cho nàng hay, và bây giờ làm cho nàng lo ngại. Sự lo ngại có lẽ bắt nguồn từ mối tình cảm đặc biệt nàng dành cho Tuấn. Trong đám bạn thân của Bạch Liên, biết nhau từ khi còn nhỏ, chưa bao giờ nàng có ý tưởng so sánh để đặt nặng tình cảm vào một người nào.Từ Khôi với vẻ rắn rỏi quả cảm, mơ ước trở thành một sĩ quan trong quân đội ; Việt khôn lanh, tháo vát, nhiều tài vặt, muốn trở thành một kỹ sư ; Dũng con người đã từng sớm lăn lộn giữa bụi đời, vẫn giữ được đức tính điềm đạm chất phác và chỉ ao ước trở thành một trại chủ để được sống nơi đồng ruộng. Và Tuấn, chững chạc, có hơi kiểu cách, nhưng lại đầy nghệ sĩ tính.

Từng ấy người, Bạch Liên đều thân mật cởi mở, với tình bạn ngang nhau, vui buồn chia xẻ đồng đều. Nhưng lần này nỗi lo ngại về Tuấn làm Bạch Liên chợt thấy lòng mình rung động nhẹ nhàng. Nàng bước ra ngoài vườn, để mặc Dung thu dọn trong nhà. Ánh nắng buổi sáng miền Cao nguyên thật đẹp. Hoa nở đầy vườn. Cảnh vật êm đềm tĩnh mạc.

Vào phía sân sau Bạch Liên gặp chú B’Him đang quét dọn. Để khỏi nghĩ ngợi lôi thôi, nàng nhắc một cây chổi quét giúp với chú B’Him. Chú gật đầu cười với Liên tỏ ý cám ơn.

Mặt sau trại tiếp liền với nương rẫy nên tầm mắt nhìn bao quát được cả lòng thung lẫn dãy núi mà Đàm và Tuấn đã rủ nhau đến. Bạch Liên chợt để ý một đám bụi đỏ bốc trên khúc đường đất ngoằn ngoèo đưa đến bờ suối, và nhận thấy chừng sáu bóng nhân mã đang phi về phía rặng núi. Nàng rướn mình dõi theo, thầm hỏi : đám người đó đi đâu mà có vẻ vội vã như thế ? Chú B’Him cũng ngưng tay đứng nhìn. Rồi chú lẩm bẩm :

- Không tốt ! Bọn người này xấu lắm ! Xấu lắm !

Có tiếng Dung gọi trên hiên. Bạch Liên quay lên, chỉ đám bụi nói :

- Một nhóm người ngựa đang phóng về phía bờ suối. Không biết họ đi đâu ?

Dung nhìn theo nói :

- Phía bên kia suối có một buôn nhỏ ở trong rừng. Chắc họ qua con đường này để tới đó.

- Buôn lớn hay nhỏ chị ?

- Chừng mươi lăm nhà, ở biệt lập trong một cánh rừng hẻo lánh. Chị có đi qua đấy một lần, nhưng không vào vì dân trong buôn không muốn tiếp xúc với người lạ. Hình như Hắc Xà tá túc ở đây thì phải.

Bạch Liên cau mày :

- Nếu vậy thì bọn kia đến đấy rồi.

Nàng nhớ đến lời nói của chú B’Him vừa thốt ra khi nãy : “Bọn người này xấu lắm.” Nếu họ là những thủ hạ của Hắc xà, mà dám chường mặt ra công khai như thế, thì hẳn là cuộc âm mưu đã sắp bùng dậy đến nơi.

Bạch Liên không dám nói ý nghĩ ấy ra. Nàng hỏi Dung :

- Trên mỏ có đông dân làm không chị, và họ ở đâu ?

- Họ ở rải rác quanh mỏ. Đa số ở ngay quận. Trong sở chỉ có ông giám đốc và các ông kỹ sư ở với một nhóm cảnh vệ riêng của sở, chừng độ mười người.

- Họ là người gì ?

- Người Việt, người Tàu và người Thượng. Toàn là người đáng tin cẩn cả. Họ giữ an ninh cho sở mỏ.

- Gặp lúc hữu sự mà chỉ trông cậy vào mươi người thì ăn thua gì ?

- Còn hơn là không !

Dung cười, tiếp :

- Nhưng thôi, đừng lo xa làm chi cho mệt. Chưa chắc đã có chuyện gì xảy ra đâu. Chị em mình ra vườn ngồi chơi đi.

Vừa lúc ấy, thím B’Him ở trên nhà đi xuống, mời Dung lên tiếp khách. Hỏi ai ? Thím cho biết là ông Phát, trên sở mỏ xuống chơi.

______________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VII, VIII