Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Ổ KIẾN LỬA - Nguyễn thị Mỹ Thanh


1
Cô giáo đã ngừng nói, nhưng cả lớp vẫn còn ngồi im bất động. Cái không khí bi hùng của ngày Yên Bái cơ hồ sống lại ở đây, sống lại trong ánh mắt đỏ hoe và giọng nói xúc cảm của cô giáo, sống lại trong những cặp mắt ngô nghê và hơi thở dồn dập của học trò. Cô giáo đến ngồi trên ghế của cô, hai tay khoanh lại, cô nhìn chúng tôi như muốn đoán biết ý nghĩ của học trò cô. Chúng tôi lặng lẽ liếc nhìn nhau. Đứa nào như cũng sợ tiếng cử động của mình phá tan không khí yên lặng này. Đã biết bao lần, trong giờ Việt Sử, cô giáo giảng bài cho chúng tôi nghe về các anh hùng dân tộc chống Pháp, mà chưa có lần nào chúng tôi nghe xúc động như bây giờ.

Bỗng hồi chuông reo vang phá vỡ cái yên lặng đáng quý. Chúng tôi vẫn nhìn cô giáo. Cô đứng lên, ra dấu cho chúng tôi về. Như bầy ong vỡ tổ, mấy mươi cái miệng mở ra, xôn xao. Tôi nghe rõ ràng tiếng thằng Sơn xuýt xoa:

– Hay quá mày ơi! Cô giảng bài hay quá!

Thằng Hùng bày tỏ sự khâm phục của nó:

– Thích quá! Tao nghe cô giảng bài, tao khoái môn Việt Sử nhất.

Thằng Thụy nói nghiêm trang hơn cả:

– Tớ có một cuốn Quốc Sử dày, có in hình các anh hùng Việt Nam. Hình ông Nguyễn Thái Học oai lắm! Các bồ tới nhà tớ, tớ cho xem.

Cả lũ nhao nhao, đồng ý đến nhà Thụy để chiêm ngưỡng chân dung của vị anh hùng Yên Bái trong sách. Bàn tán một hồi chúng tôi giải tán, đứa nào về nhà đứa nấy. Khi ra đến cửa lớp, tôi chợt đứng lại. Một đứa đứng choán cả lối đi: thằng Rơ-nê! Tự nhiên tôi giận cay lên. Tôi đằng hắng một tiếng. Rơ-nê quay lại. Nó vội vã đứng nép vào dãy bàn. Tôi vẫn không đi. Tôi nhìn chăm chăm vào mắt nó. Đôi mắt xanh như mắt mèo của nó quỵt xuống, ngại ngùng. Bọn thằng Sơn đi phía sau, bảo tôi:

– Ra mau đi Hải! Tụi bây đứng chắn đường chi vậy?

Tôi không nói. Thằng Hùng nhận thấy có Rơ-nê đứng đó, bèn nói to:

– À! Tại có thằng Tây lai kia tụi mày ơi! Nó muốn gây với thằng Hải mà!

Cả bọn cùng nhìn thằng Rơ-nê trừng trừng. Những bàn tay nắm lại như muốn khiêu chiến. Rơ-nê cất nhanh mấy quyển vở vào cặp, chạy vụt ra khỏi lớp. Bọn chúng tôi cười vang lên đắc chí. Thằng Sơn to miệng nhất:

– Tây lai nhát như chó cụt đuôi há!

Chúng tôi ùa chạy ra ngoài. Dưới ánh nắng chói chang buổi trưa, tôi thấy bóng thằng Rơ-nê thấp thoáng sau hàng rào bông giấy. Bọn Sơn, Hùng đã rẽ sang ngõ khác. Tôi đi cùng một đường với Rơ-nê. Nó đi trước cách tôi không xa. Dáng dấp nó to lớn dềnh dàng, mái tóc trần màu đỏ hung của nó như muốn bốc cháy với ánh nắng. Tay nó đút vào túi quần cũ kỹ, chiếc cặp bên kia lỏng lẻo như sắp rơi. Trông nó chẳng có vẻ học trò tí nào.

– Rơ-nê!

Rơ-nê đứng lại, nhìn quanh. Cô giáo đang đạp xe đi đến phía nó. Sau khi cô mỉm cười với tôi, cô ngừng xe bên cạnh Rơ-nê, dịu dàng hỏi:

– Nhà em ở đâu?

Rơ-nê ấp úng những gì tôi không nghe rõ. Cô giáo tỏ vẻ ái ngại khi nhìn nó. Cô xuống xe, dắt bộ, vừa đi vừa nói chuyện với Rơ-nê. Trong lớp, đứa nào cô cũng biết nhà, biết cả tính tình và học lực, chỉ trừ thằng Rơ-nê, vì nó mới vào học một tuần nay, mà lúc nào nó cũng len lét như sợ sệt, đi học thì rất trễ mà ra về thì chạy ù như sợ ai đuổi. Hôm nay vì nó chậm trễ nên cô mới có dịp gặp nó, hỏi thăm về nó. Cô giáo hỏi chuyện nó thật nhiều. Tôi đi đàng sau, bỗng nhiên thấy tức tối thế nào! Tại sao cô giáo lại hỏi han thằng tây lai? Cô không ghét nó ư? Cô đã dạy chúng tôi những bài Việt sử, kể những giai đoạn đầy máu và nước mắt, khiến chúng tôi căm hờn thực dân vô hạn. Thế mà sao cô lại dịu hiền với thằng Rơ-nê, thằng tây lai, thằng mà chúng tôi đã ghét ngay từ hôm đầu? Chúng tôi cay thằng Rơ-nê lắm! Cái mặt tây lai mắt xanh mũi lõ trông mà ghét. Mà lúc nào nó cũng nhìn chúng tôi như chọc giận vậy. Chúng tôi đã nói với nhau có ngày cũng sẽ đánh cho nó một trận. “Chúng tôi sẽ rửa nhục!”, cái nhục mà mỗi giờ Việt sử cô giáo mỗi nhắc lại, mỗi đè nén trong lòng chúng tôi một mối căm hờn kỳ lạ, đang chờ dịp bùng lên. Thằng Rơ-nê sẽ là cái đích cho chúng tôi “rửa nhục”.

Rơ-nê vừa chào cô giáo để rẽ vào một ngõ hẹp. Cô giáo lên xe đạp đi. Và tôi, tôi cũng trở về trong xóm nghèo của tôi. Vào đến nhà, tôi vẫn miên man suy nghĩ. Tôi đang moi óc tìm kế gây sự với thằng Rơ-nê. Cả bọn chúng tôi phải gây sự với nó, phải đánh nó để… “rửa nhục” (!)

2
Chúng tôi ở nhà Thụy đi ra. Trọn buổi chiều nay chúng tôi tụ họp tại nhà Thụy để xem cuốn Quốc sử của nó. Cuốn sách thật dày, có bài học và tranh vẽ hoặc ảnh chụp các vị anh hùng Việt Nam. Chúng tôi xem say mê, bàn tán đến ồn. Xem mỗi trang, trí tôi lại nghĩ đến thằng Rơ-nê. Tôi ghét nó quá! Gặp mặt nó tôi chỉ muốn đánh. Nhưng nó to con, tôi ngán. Tôi muốn cả bọn chúng tôi cùng đánh nó, cùng “rửa nhục” với nhau. Thế nên khi xem xong cuốn Quốc sử, tôi đề nghị cả bọn ra đầu ngõ, nơi có những xe phở, xe mì, người ăn uống tấp nập để bàn chuyện về thằng Rơ-nê. Cả bọn bằng lòng. Chỉ có Thụy từ chối. Nó còn phải phụ mẹ nó mang hàng về và phải học bài ngày mai. Chúng tôi rất phục Thụy. Nó học giỏi và đàng hoàng nhất lớp, chắc nó không dự vào việc của chúng tôi đâu. Không một ngày nào nó xao nhãng việc học hành. Cuối năm nay thế nào nó cũng đậu vào lớp sáu trường công. Từ ngày được cô giáo giúp đỡ tiền học, nó lại tỏ ra chăm hơn. Nó làm việc gì cũng cẩn thận, suy nghĩ chín chắn, được cô giáo khen luôn. Nó không thù thằng Rơ-nê như chúng tôi, nên vắng mặt nó cũng không sao. Thế là chúng tôi kéo nhau ra đầu ngõ. Trời đã gần tối. Khu đất trống lâu nay biến thành nơi ăn uống sáng lên với đèn điện giăng đầy. Chúng tôi đứng tụ tập bên xe nước mía. Cả bọn nhìn tôi, chờ đợi. Tự nhiên tôi cảm thấy mình quan trọng hẳn lên như một “lãnh tụ” trước mặt đàn em. Tôi nuốt nước bọt, làm ra vẻ bí mật, giọng tôi hạ thấp:

– Phải cho thằng Rơ-nê một trận chúng mày ạ!

Hùng tiếp lời tôi:

– Thằng Hải nói đúng. Tao ghét thằng Rơ-nê lắm cơ!

Cả bọn nhao nhao:

– Tao cũng vậy, tao căm thằng đó lắm.

– Ừ, cái mặt dễ ghét! Cái mặt thực dân!!

“Thực dân”! Tôi nghe giận sôi trong lòng. Đôi mắt xanh lè, chiếc mũi lõ và mái tóc quăn màu đỏ hung của Rơ-nê hiện ra, khiêu khích tôi. Thằng Vàng nóng ruột:

– Thế… “trị” nó bằng cách nào hở mày?

Tôi cau mày suy nghĩ. Thằng Tài đưa ý kiến:

– Nó ngồi gần tao. Nó hay xin “cọp-dê”. Để ngày mai tao giả vờ cho nó “cọp-dê” , rồi tao thưa cô, cho cô đánh nó, phạt nó quỳ.

Sơn gạt đi:

– Không được. Phải tự tay mình đánh nó mới là “rửa nhục”.

Tôi gật gù. Đúng, phải tự tay đánh nó! Phải tự tay tôi nắm lấy tai nó, nhéo một vòng, cho đến khi nó chảy nước mắt. Phải tự tay tôi nắm lấy tóc nó, giật mạnh cho nó kêu rú lên. À! Tôi sẽ lấy kềm vờ kẹp vào móng nó, dọa rút móng nó, cho nó lạy lục xin tha mới được. Tôi phải chơi trò thực dân với “thực dân”. Ôi những trò tra tấn dã man mà tôi chỉ thấy trong sách, chỉ nghe cô giáo kể cũng đã thấy rợn người, tôi sẽ mang ra dọa thằng Rơ-nê, kẻ thù số một của tôi. Mà phải gây sự thế nào, để được đánh nó một cách đường hoàng, không để cho nó kêu oan. Khó lắm! Đánh bạn học, đó là điều mà cô giáo luôn luôn ngăn cấm. Đánh kẻ yếu – chúng tôi đông mà! – lại là việc hèn hạ lắm, cô giáo vẫn bảo thế. Cô sẽ không tha chúng tôi nếu cô thấy chúng tôi uy hiếp thằng Rơ-nê. Cô lại sẽ giảm lòng yêu thương chúng tôi, nếu cô biết rằng chúng tôi lập mưu đánh thằng bạn mới.

Hết đứa này đến đứa khác đưa ra cách này, cách nọ. Tôi chẳng thấy cách nào ổn thỏa. Thù thằng Rơ-nê, nhưng chúng tôi lại không muốn mất lòng tin của cô giáo. Cô vẫn bảo rằng người Việt Nam giàu lòng nhân đạo, và cô lại tin tưởng ở lòng nhân đạo đó trong chúng tôi nhiều hơn nữa. Nhưng gác lòng nhân đạo qua một bên, chúng tôi vẫn oán thù thằng Rơ-nê lắm, hay đúng hơn, chúng tôi oán thù thực dân. Thực dân đâu có nhân đạo. Thực dân tàn ác lắm, đọa đày nước ta đến cả thế kỷ. Thực dân hủy diệt của chúng ta biết bao giá trị thiêng liêng, hủy diệt nhân tài của chúng ta, giết dân ta, làm dân ta đói. Thực dân về nước đã lâu, nên chúng tôi chỉ thấy thằng Rơ-nê trước mắt.

Nắng đã gần tắt. Chúng tôi còn đứng với nhau, chưa tìm được một kế nào. Tôi nghe tiếng mẹ thằng Sơn réo gọi nó đàng xa. Thằng Sơn tách khỏi chúng tôi, ù chạy về nhà. Tôi bảo:

– Thôi, tụi mình về cho rồi. Để tao nghĩ lại, tao tìm cách khác cho hay. Ngày mai họp lại, rồi tao chia việc cho tụi mày. Nhất định “trị” thằng Rơ-nê.

Câu nói của tôi “nhất định trị thằng Rơ-nê” được lập lại trên cửa miệng của từng đứa. Chúng tôi chia tay. Tôi rẽ vào ngõ xóm, vừa đi vừa nghĩ ngợi. Tôi dừng lại trước cây trứng cá to, dõi mắt nhìn lên tìm xem có trái không. Và khi tôi nhìn xuống, tôi chợt nghe nổi gai ốc khắp người. Mặc dầu trời gần tối, nhưng tôi cũng thấy rõ cái cảnh ghê rợn ấy. Dưới gốc cây trứng cá, cách chân tôi vài bước, một đống đất sủi lên, to bằng cả cái mâm, trên đó những chấm nhỏ đỏ hoe đi động âm thầm. Ổ kiến lửa!!! Tôi sờ cánh tay: tay tôi “nổi da gà” cả lên. Tôi nhìn ổ kiến lửa. Thật vô phúc cho ai giẫm phải chỗ ấy. Và… tôi nghĩ ra rồi! Tôi vừa thấy lóe lên một mưu kế. Ổ kiến lửa! Thằng Rơ-nê!!!..

3
Bỗng nhiên tôi nghe tim đập thật mạnh. Tôi hồi hộp quá! Lần đầu tiên tôi sắp đặt một cuộc “rửa nhục”. Kế hoạch đã xong xuôi tất cả. Chúng tôi chỉ còn đợi giờ về. Suốt bốn giờ học tôi không thấy chú ‎ý vào bài một chút nào. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn sang thằng Sơn mỉm cười. Rồi cả hai chúng tôi cùng nhìn xuống chỗ Rơ-nê. Nó vẫn vô tình chăm chú nghe giảng bài. Nó không hề biết rằng nó sắp bị “trả thù”, bị một hình phạt ghê gớm để đền tội thay cho “cha ông” của nó.

Khi tiếng chuông reo vang, đợi cô giáo vừa ra, tôi và thằng Sơn chạy trước chúng bạn. Thằng Sơn sẽ đợi ở đầu ngõ nhà tôi. Tôi đi sau, chậm rãi đợi Rơ-nê. Hôm nay Rơ-nê lại được cô giáo hỏi chuyện. Tôi phải đi thật chậm, và thỉnh thoảng giả vờ cúi xuống sửa quai giày để cô giáo khỏi nghi ngờ. Đến khi cô giáo lên xe đạp đi, tôi đứng hẳn lại, vẫy Rơ-nê:

– Này Rơ-nê! Lại đây đi với tớ cho vui.

Rơ-nê tỏ một nét ngạc nhiên trên mặt, nhưng nó vẫn đến gần tôi. Tôi khen:

– Bồ có cái mũ ngộ quá nhỉ!

Rơ-nê đỏ mặt sờ lên chiếc mũ đội trên đầu, chiếc mũ màu “nhà binh” bạc phếch, có lẽ lượm được ở đâu. Tôi giả vờ hỏi thế, chứ chiếc mũ này – chúng tôi chú ý từ sáng – đã nằm trong kế hoạch của chúng tôi rồi. Rơ-nê cười gượng:

– Của má tôi lượm ngoài chợ đấy Hải à!

Tôi đoán không sai mà! Thì ra Rơ-nê cũng chẳng giàu có gì! Mà thật, hầu hết bọn học trò chúng tôi, bọn học trò của ngôi trường nghèo, của cô giáo nghèo, cũng chẳng giàu có gì. Tôi lơ chuyện ấy, hỏi sang các chuyện khác. Tôi giả vờ khéo lắm. Tôi gắng nói với nó bằng giọng ngọt ngào thân thiết, mà kỳ thật tôi muốn tát tai nó ngay. Tôi gắng đóng kịch thêm một tí, và giây lâu tôi lại thấy bóng thằng Sơn thấp thoáng đàng xa.

Tôi hỏi Rơ-nê:

– Nhà bồ ở đâu?

Rơ-nê không đáp. Nó muốn giấu tôi chăng? Tôi lại hỏi:

– Ba má bồ làm nghề gì?

Nó đáp thật nhỏ:

– Má tôi bán rau ngoài chợ. Còn ba tôi… không biết.

Rơ-nê cúi đầu. Tôi nghe được một tiếng thở dài. Hai đứa yên lặng đi. Tôi nhìn sang nó. Dáng nó trông buồn buồn. Mái tóc quăn đỏ hung không nhét hết trong chiếc mũ lượm mót phủ xuống vầng trán nó, che tối cả đôi mắt xanh. Tôi lại nhìn đàng trước. Sắp đến ngõ nhà tôi rồi. Thằng Sơn đứng sẵn ở kia. Rơ-nê bảo tôi:

– Mai Hải cho tôi mượn vở toán nhé!

Tôi do dự rồi gật đầu đại. Rơ-nê ấp úng:

– Hải… chỉ lại bài cho tôi, tôi… không hiểu bài gì hết.

Tôi lại gật đầu. Rơ-nê nhìn tôi, đôi mắt biết ơn. Tự nhiên nó nắm tay tôi, nói:

– Thôi, tôi về nhé! Nhà tôi trong ngõ này.

Không hiểu sao tôi đứng im như tượng đá. Tôi không trả lời, cũng không tỏ vẻ gì hết. Tôi nhìn theo Rơ-nê. Nó sắp rẽ vào ngõ nhà nó…

Bỗng thằng Sơn, từ sau một chiếc xe vận tải đang dừng, chạy ra. Sơn lại sát bên Rơ-nê, giật mạnh chiếc mũ trên đầu nó, rồi chạy vụt đi. Rơ-nê kêu lên:

– Ê Sơn! Chơi gì kỳ vậy? Trả mũ đây!

Thằng Sơn nhỏ con, chạy mau như thỏ. Nó quẹo vào ngõ nhà tôi. Tôi chạy theo. Sơn chạy đến gần cây trứng cá. Nó nhắm một cành cây gãy mà tôi đã chọn, ném chiếc mũ lên. Nó ném thật hay, chiếc mũ bị móc ở đầu cành đong đưa. Mưu kế được thi hành không sai một tí. Thằng Sơn nhìn tôi, cười, và nó chạy đi – nó chạy đi gọi bọn thằng Hùng, thằng Vàng…

Tôi bỗng nhìn cây trứng cá, nhìn chiếc mũ tòn ten, nhìn ổ kiến lửa dưới gốc cây. Và tôi ngoái đầu nhìn phía sau. Rơ-nê chạy theo gần đến. Thân hình dềnh dàng của nó làm nó chạy chậm lại, thở mệt mỏi. Nó chợt nhìn thấy chiếc mũ của nó tòn ten trên cây trứng cá. Nó chạy vội đến. Tự nhiên tôi nhắm mắt lại. Cành cây cao không quá đầu người.. Rơ-nê sẽ hấp tấp đến đó, đứng dưới gốc cây với tay lên lấy mũ xuống. Chân nó sẽ giẫm vào ổ kiến lửa… Ổ kiến lửa rộng bằng một cái mâm, những chấm nhỏ đỏ hoe di động trên đó… Kiến lửa sẽ bò lên chân Rơ-nê… Rơ-nê sẽ hét lên, nó sẽ đau đớn và hãi hùng… Hình ảnh đó lóe thật nhanh trong óc tôi. Ôi kiến lửa! Kiến lửa của lũ học trò quái ác… Tôi mở mắt ra như thoát khỏi một cơn mê. Trong phút giây, tôi thấy Rơ-nê tội nghiệp quá. Thằng Tây lai, thằng “thực dân”, thằng “kẻ thù số một” của chúng tôi… tất cả không còn. Tôi chỉ thấy nó là một người, một thằng người biết đau đớn như tôi. Nó đã chạy đến gần cây trứng cá. Cành cây gãy có mang chiếc mũ của nó giơ ra như cánh tay vượn. Tôi hét lớn:

– Rơ-nê! Ngừng lại!


Không đợi nó ngừng lại, tôi phóng đến kéo lui nó ra sau. Cả hai đứa tôi ngã xuống. Rơ-nê lồm cồm ngồi dậy, ngạc nhiên. Nó nhìn tôi. Tôi nói hổn hển: 
 
– Có… có ổ kiến lửa… dưới gốc cây kìa!

Rơ-nê nhìn theo. Nó kêu lên kinh hãi. Tôi nhìn nó, rồi chợt tôi nghe buồn buồn trên mắt. Tôi nghĩ đến cô giáo. Cô giáo! Cô vẫn tin tưởng vào lòng nhân đạo ở bầy học trò của cô. Cô luôn luôn tin như thế. Ôi, chúng tôi có lỗi với cô giáo vô vàn. Chúng tôi vô lý‎, nông cạn, và suý‎t chút nữa chúng tôi làm một việc tàn nhẫn. Rơ-nê nhìn tôi như muốn cám ơn. Đáng lẽ nó phải rất oán hận tôi chứ! Tôi cúi đầu, nước mắt tôi trào ra. Rơ-nê vẫn chưa hết xúc động. Tự nhiên tôi đến gần nó, nắm chặt lấy tay nó. Rưng rưng, tôi nhìn lên cây trứng cá, cành cây gãy mang chiếc mũ của Rơ-nê giơ ra như cánh tay vượn.


Nguyễn Thị Mỹ Thanh


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 109, ra ngày 1-7-1969)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com