Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

CHƯƠNG I, II_BỨC TRANH DÒNG HỌ NGUYỄN


CHƯƠNG I

NGƯỜI BẠN NHỎ


Cuối tháng chạp dương lịch, trời hết mưa, phố xá Đà Lạt đẹp như những bức tranh mầu in trên các tấm bưu thiếp.

Không khí trong như lọc. Hai hàng cây cao ngất bên vệ đường vươn những cành lá xanh tươi thâu góp tất cả cái nóng của mặt trời chiều đổ xuống. Một hơi gió thoảng qua, vòm cây xào xạc, reo vui, buông vội xuống năm ba vạt nắng vàng tươi, hòa hơi ấm mặt trời vào trong cái mát lạnh của không gian.

Vẻ đẹp thanh tao ấy đã quá quen thuộc với dân địa phương nên dường như chỉ có khách du mới tế nhận được mà thưởng thức.

Cường, một thiếu sinh Hướng Đạo, hành trang cắm trại khoác trên vai, vừa đi vừa huýt sáo trong bức tranh cậu thấy đây không phải lần đầu. Bước những bước thật chậm rãi như cố ý ngâm tắm trong bầu không khí sạch lành, trút cho hết những mệt nhọc và bụi bặm của non một ngày ngồi ru rú trên xe đò oi bức.

Mải mê nhìn cảnh đẹp, đến văn phòng xưởng đồ hộp Kiến Bình lúc nào cũng không hay. Chưa kịp bước vào đã nghe có tiếng reo vui từ trong nhà vang ra:

- A, anh Cường! Anh Cường!

Một chú bé chừng 12 tuổi chạy ra, sà vào lòng Cường. Hai anh em ôm nhau âu yếm.

- Anh Căn có nhà không Chính? – Cường hỏi, tay vỗ vỗ vào lưng chú bé.

- Thưa anh, có. Anh em đang dậy bé Trúc học trên lầu. Anh vô nhà đi, để em lên gọi.

Nói xong, Chính chạy ù lên thang lầu, vừa chạy vừa la:

- Anh Căn ơi! Có anh Cường ở Saigon lên chơi đó! 

Tiếng nói của Chính trong và ấm, có một âm thanh đặc biệt. Tiếng nói ấy, Cường đã nghe quen, nhưng lần nầy nó lại gợi cho cậu nhớ lại một kỷ niệm tuy mơ hồ nhưng mới mẻ.

Tay nhẹ nhàng gỡ túi hành trang trên vai, mắt đăm đăm ngó vào khoảng không, Cường băn khoăn suy nghĩ…

Căn từ trên lầu chạy xuống, tay bắt mặt mừng:

- Cường vừa lên tới hả? Sao không viết thư báo trước cho tao hay?

- Báo trước làm gì? Để cho mày ngạc nhiên, sướng hơn! À, hai bác đâu?

- Chú thím tao bận rộn suốt ngày bên xưởng. Nhưng chú tao cũng sắp về đây lo ít giấy tờ gì cho khách.

Cường lắng nghe bạn nói, chăm chú đến âm thanh hơn là đến ý nghĩa, lòng ngẩn ngơ suy nghĩ : Lạ thật! Sao giọng nói anh em thằng này cũng có cái âm điệu kỳ đặc ấy nhỉ?

Thấy nét mặt đăm chiêu của Cường, Căn vỗ vai bạn, cười trêu:

- Làm chi mà lo ra vậy? Thằng này kỳ quá ta! Mới xa Saigon có một ngày mà đã như người mất hồn. Nhớ ai đó bạn?

- Chuyện đứng đắn mà mày – Cường nghiêm trang đáp – Ở Saigon, tao mới quen một người bạn nhỏ có tiếng nói giống hệt tiếng nói của anh em mày nên tao mới lấy làm lạ lùng mà suy nghĩ chứ.

- Ủa! Hay là em tao đó cũng chưa biết chừng à. – Căn nói, nửa đùa, nửa thật – Nó mặt mũi thế nào, kể mau tao nghe đi.

Một giọng nói y hệt tiếng Căn cất lên khiến Cường giật mình quay lại:

- Phải đó, cậu Cường làm ơn kể cho bác và em Căn nghe đi.

Ông Sỹ, chú của Căn, đã từ xưởng trở về, vào nhà lúc nào mà không một ai hay.

Cường vội chắp tay chào:

- Lạy bác ạ! Thưa hai bác vẫn được mạnh giỏi?

- Cảm ơn cháu, hai bác nhờ trời vẫn mạnh. Cháu lên đây cắm trại hả? Cắm trại xong, ở đây chơi với các em lâu lâu nhé. Thế nào, hai bác đàng nhà vẫn được bình an cả đấy chứ?

- Thưa bác, vâng. Ba má cháu có lời lên kính thăm hai bác. Đoàn của cháu lên đây cắm trại ba hôm. Cháu lên trước một ngày chơi với anh Căn, ngày mai cháu mới họp trại.

- Vậy hả? Cháu đi đường chắc mệt nhọc, hãy vào tắm một cái cho nó mát đã rồi ra nói chuyện Saigon cho bác nghe.

. . . . . . . . . . . .

Cường ở Cư xá Lữ Gia, sáng nào cũng chạy xe Honda qua đường Nguyễn văn Thoại, dọc Trường đua Phú Thọ để đến trường Hưng Đạo.

Mấy tháng nay, cậu chú ý thấy bên hông Trường Đua mọc lên nhiều túp lều bán nước ngọt và sửa chữa xe gắn máy. Các bạn cậu thường chỉ cho cậu thấy một chiếc lều căng vuông vắn, rộng rãi và ngăn nắp nhất, và giới thiệu:

- Thằng nhỏ sửa xe giỏi số dách và cũng thực thà số dách!

Một buổi sáng trời mưa, Cường vừa ra khỏi nhà được một quãng, đến góc Trường Đua thì xe cán phải đinh không đi được nữa. Mặc dầu ngay cạnh đó có một tiệm sửa xe đang vắng khách, Cường vẫn cố đẩy xe đi mấy chục thước đến căn lều của chú bé.

Thật là “danh bất hư truyền”, mới hết giờ giới nghiêm ngót một tiếng đồng hồ mà lều chú bé đã đông khách. Một ông già vừa trả tiền dắt xe ra, một bà đang đợi chiếc ruột xe ép gần xong. Chú bé làm việc không ngơi tay, vội tháo vỏ xe Cường ra tìm chỗ thủng, loay hoay vá.

Bà khách lấy xe ra, vừa trả tiền xong đã thấy một cô ăn mặc sang trọng đẩy một chiếc PC 50 tới, năn nỉ:

- Chú em làm ơn sửa giùm gấp chút. Chả biết hư cái gì mà đạp hết hơi không thấy nổ máy. Trời ơi! Sáng nay dám trễ giờ quá!

Chú bé đạp thử mấy cái, lắng tai nghe, rồi cúi xuống mở máy lau chùi.

- Hư bu-di hả? – Cô gái hỏi – Mới thay ở đàng kia chưa được nửa tháng mà đã vậy. Thôi, cứ thay đại giùm cái khác đi cho được việc.

Chẳng nói chẳng rằng, chú bé loay hoay vài phút, đứng lên đạp, máy nổ ròn tan. Mặt cô gái đng khó đăm đăm bỗng tươi hẳn lên, nụ cười rạng rỡ.

- Bao nhiêu, chú em? – Cô gái vừa hỏi vừa lo le tấm giấy bạc hai trăm.

- Thôi, – chú bé lắc đầu đáp – có sửa chi đâu mà lấy tiền. Bu-di còn tốt, không giữ gìn, để nó dơ nên sanh chứng vậy. Lau sạch là máy chạy tốt ngay.

Tiếng nói trong và ấm, Cường nghe quen quen, nhưng nghĩ mãi không ra giống tiếng nói của ai.

Nói xong, chú bé quay vào cúi xuống lắp xe cho Cường, không nghe thấy cô gái cảm ơn trước khi tần ngần dắt xe ra, cũng không trông thấy hai người, một đàn ông, một đàn bà, sồng sộc bước vào trong lều từ lúc nào.

Người đàn bà cong cớn:

- Ngu ơi là ngu! Không đổ đâu cho hết cái ngu vậy đó! Như vậy mà không biết đập cho thẳng tay thì là ngu hết chỗ nói!

Người đàn ông quất thêm:

- Bu-di còn tốt thì càng hay chứ có làm sao! Cứ liệng mẹ nó vào một xó, lấy cái nào cũ cũ mà còn xài tạm được lắp thế vào, rồi quất thẳng cánh hai bò cho tao xem có được không nào? Đầu óc mày làm sao, tao dậy mãi mà chưa thấy khôn hơn được một chút xíu nào gọi là có!

Mắc cỡ thay cho miệng người nói cũng như cho tai người nghe, Cường bước ra khỏi lều, ngắm trời ngắm đất.

Nhưng cơn mưa quái ác ở đâu bỗng đổ sập xuống, buộc Cường phải bước trở vô lều, bất đắc dĩ phải nghe đầy tai những lời dậy khôn chú bé:

- Sao động một chút mày lại cứ vác mấy cái tiếng “lương thiện” vô duyên học được ở nhà trường ra dọa tao vậy? Mày thấy mấy người lương thiện tay làm hàm nhai có người nào đủ sống không, hay là chưa ăn bữa nay đã lo bữa mai, chứ đừng nói đến lên xe xuống ngựa? Bộ mày tưởng những người có tiền triệu, tiền tỷ, ăn sung mặc sướng đều là những người làm ăn lương thiện cả hay sao? Tao muốn dậy cho mày mở mắt ra, sau này ấm vào thân mà mày vẫn chứng nào tật nấy không chịu nghe. Sao mày ngu vậy?

Ngoài trời, mưa càng lúc càng nặng hạt. Chẳng đặng đừng, Cường phải lên tiếng bênh vực cho chú bé:

- Thưa ông, chú bé này làm việc giỏi mà thật thà. Đó là hai điều thiết yếu để thành công. Ai cũng mến chú bé, người nọ mách bảo cho người kia nên cửa hàng chú bé lúc nào cũng đông khách. Ông coi mạn này thiếu gì chỗ sửa xe mà có chỗ nào đắt khách bằng chỗ này đâu… Ông đi xe, thường đổ xăng chắc rõ vụ này. Trạm xăng nào ăn gian đổ xăng thiếu, khách chỉ mắc lận một hai lần mà thôi, rồi nổi giận bỏ đi đổ xăng chỗ khác dù không thuận đường. Còn trạm nào đàng hoàng, đong xăng đầy, thối tiền đủ thì lúc nào cũng gạt ra không hết khách. Vậy có phải là làm ăn lương thiện bao giờ cũng được tiếng tốt và thâu lợi lâu bền không? Người ta kêu là ăn ít mà no lâu là vậy đó.

Người đàn ông cứng họng, chưa biết chống chế ra sao, may chú bé lên tiếng cứu nguy:

- Xe xong rồi, anh.

Cường trả tiền, cảm ơn chú bé, gật đầu chào hai người kia, dắt xe ra.

Trời lại đổ mưa. Cơn  trước vừa dứt hạt, cơn sau lại ập xuống rào rào… Đành dựng xe lên, lấy áo mưa ra mặc.

Trong lều, tiếng người đàn bà the thé vang lên:

- Từ sáng đền giờ, được bao nhiêu? Đưa đây!

Có tiếng nhỏ nhẹ:

- Hai người sửa chút đỉnh, mỗi người một trăm. Một miếng vá ba chục. Hai người mỗi người hai miếng vá năm chục. Tất cả là ba trăm ba, kể cả năm chục vừa rồi.

Tiếng người đàn bà lại cất lên, nghe khó chịu hết sức:

- Từ sáng đến giờ, lâu ớn rồi mới kiếm được có ba trăm ba thôi hả? Trời ơi, làm ăn cái điệu này có ngày chết đói rã họng cả đám. Tao chắc thế nào mày cũng đã cho lọt lưới vài ba cái bánh bao hay một vài tô hủ tíu rồi chứ chẳng không. Có! Đứng dậy, lại đây biểu! Từ sáng đến giờ, mày đã nốc những gì rồi?

Tiếng trả lời thật khẽ, thật tội nghiệp, nghe như có trộn nước mắt:

- Thưa chưa.

- Chưa? Tao tin hổng vô… Thôi, thằng ông mãnh, đưa ba trăm đây. Còn ba chục đó, cho mua xôi mà ăn. Chiều không đủ hai ngàn mang về, mày chết mấy tao!

. . . . . . . . . . . .

- Thưa bác – Cường tiếp tục kể – chú bé thật dễ thương hết sức. Lần đầu tiên, vừa nghe tiếng nói của y có một âm thanh quen thuộc, cháu có cảm tình ngay. Sau bữa ấy, cháu lựa những lúc y vắng khách, lân la làm quen. Trước y còn ké né, sau dạn dần. Y thua cháu hai tuổi nên xưng em và kêu cháu bằng anh.

- Nó tên chi? Mặt mũi ra sao? – Ông Sỹ sốt sắng hỏi.

- Thưa bác, nó tên Có, nghe người ta quen gọi là thằng Có Honda. Có mặt mũi sáng sủa, trán cao và rộng, mặt cũng vuông chữ điền như mặt anh Căn vậy đó bác. Đôi mày vẽ đậm nét và hơi xếch trên cặp mắt tinh anh, mũi thẳng, miệng cười khá tươi, chân tay rắn rỏi, thân hình cân đối. Trông không khác gì anh Căn đây là bao. Bác cứ tưởng tượng anh Căn má hóp đi một chút, tay chân to và đen đủi thêm một chút, nét mặt cũng kém vui đi một chút là bác thấy ngay hình ảnh khá trung thực của chú bé.

- Phải rồi – ông Sỹ trầm ngâm nói – Chắc đời sống của nó khổ cực và lam lũ lắm, phải không cậu?

- Thưa bác, không hẳn vậy. Tuy quần áo không được lành lặn gì cho lắm, nhưng được cái y biết giữ gìn sạch sẽ nên trông không có vẻ lam lũ khổ sở. Rõ ràng là y làm thợ quần quật suốt ngày, thế mà dù mới thoạt trông thấy hay là đứng ngắm cho kỹ đố ai không bảo y là con nhà gia thế vì gặp bước không may nên mới ra nông nỗi.

- Anh gặp y thường hả? – Căn vồn vã hỏi.

- Ừ, thằng nhỏ ngoan vô cùng. Được học đến nửa chừng lớp nhì (bây giờ là lớp bốn) thì phải bỏ dở vì biến cố Tết Mậu Thân. Mấy năm nay không được học hành gì, nhưng khi trước, lúc sáu bẩy tuổi, được học hai năm chương trình Pháp mới ngộ chứ. Tôi mến nó lắm nên những buổi trưa rỗi rảnh thường ghé vào lều dậy cho nó năm ba chữ. Nó chăm và sáng dạ nên qua chương trình lớp năm rất nhanh. Bây giờ đang theo ngon lành chương trình lớp sáu đó…

- Lạ nhỉ! – Ông chú hãng Kiến Bình nói một mình sau mấy phút trầm tư – Lạ nhỉ! Hai năm học chương trình Pháp… Tết Mậu Thân…

Bỗng quay sang Cường, ông đột ngột bảo:

- Lạ thật đấy, cậu Cường. Thế cậu có hỏi gia thế cậu ta ra làm sao không?

- Thưa bác, không. Cháu giữ ý không gợi chuyện gia đình sợ y buồn tủi. Cháu thấy cứ để mặc cho y tự ý thố lộ mỗi ngày một chút thì hơn. Gom lại những mẩu chuyện tâm sự của y thì thấy rằng y quả thật là con nhà khá giả, trước kia sống với ông cậu ở Saigon và học trường Ta-be, sau theo ông cậu ra Trung học tiếp chương trình Việt. Ông cậu làm ăn thất bại và chết sau Tết Mậu Thân. Trước khi chết, ông cậu, bà mợ giao y cho vợ chồng một người bà con. Ít ngày sau, vợ chồng người này cũng bị thương nặng ở dọc đường chạy loạn, lại giao cho một cặp vợ chồng quen biết khác. Hai người này không có họ hàng gì với y hết và chính là cặp vợ chồng cháu gặp trong lều sửa xe bữa nọ.

Thoạt trông, cháu đã biết ngay họ không thể nào là cha mẹ ruột của thằng Có được. Vì người đàn ông thì mặt có tướng tham và dữ, còn người đàn bà thì béo phục béo phịch, ăn nói hàm hồ thô lỗ, tịnh không có một nét nào giống thằng Có hết.

- Có, có phải là tên thật của y không? Y họ gì? – Ông Sỹ hỏi dồn dập – Cha mẹ y tên gì? Cậu mợ y tên gì? Cậu có hỏi kỹ không?

- Thưa bác, không. Thằng Có không nói, cháu cũng không hỏi.

- Sao bỗng dưng hôm nay gặp thằng Căn, cậu lại liên tưởng đến thằng Có vậy?

- Thưa bác, nguyên do là ở tiếng nói, âm thanh của tiếng nói. Cháu nhận thấy Trời sinh ra con người ta thật là một công trình kỳ diệu. Không những con cái có nét mặt và dáng dấp giống cha mẹ mà còn giống cả giọng nói tiếng cười nữa. Như trong gia đình cháu, tiếng nói của mấy anh em trai của cháu giống tiếng nói của ba cháu đến độ ngay người trong nhà cũng có khi lẫn tiếng người nọ ra tiếng người kia. Ở ngoài đường, ta có thể gặp một người nào đó rất giống với một người khác, nhưng khi nghe tiếng nói thì phân biệt được ra ngay.

Ngày mới gặp Có, cháu nhớ mài mại tiếng nói của y rất ư là quen thuộc, nhưng nhất đán không nhớ được là giống tiếng ai. Hôm nay, nghe tiếng reo của em Chính, rồi tiếng nói của anh căn, sau nữa là tiếng nói của bác, cháu mới chợt nghĩ ra. Thật rõ ràng là tiếng nói của cùng một dòng họ.

Thưa bác, chuyện đầu đuôi như thế. Cháu nghĩ sao, thưa vậy, nếu có điều chi thất thố, xin bác tha thứ cho cháu.

- Không – ông Sỹ vội nói – cậu suy luận hoàn toàn hữu lý. Có thể thằng Có đó là cháu ruột của tôi, tức là em ruột thằng Căn đó, cậu Cường à.

Cường trố mắt kinh ngạc ngó ông chủ hãng đồ hộp Kiến Bình đứng nghiêm trang, chắp hai tay lên trán, mắt lim dim, khấn vái:

- Lạy Trời phù hộ cho con, lạy vong hồn anh chị sống khôn thác thiêng phù hộ cho em sớm tìm cho ra thằng Cơ để gây dựng cho nó nên người.




CHƯƠNG II

CHUYỆN NHÀ HỌ NGUYỄN THIỆN


Sắp đến giờ đóng cửa văn phòng, ông chủ hãng Kiến Bình mời Cường ngồi chơi ở chiếc ghế bành nơi phòng khách, đối diện với ông, tất cả con cháu cũng được ngồi vây quanh để nghe ông nói chuyện gia đình.

Ông nâng tách trà đượm hương thơm ngát, mời:

- Cậu Cường dùng trà đi, thử xem trà Việt Nam trồng, Việt Nam sấy, Việt Nam ướp có thua gì trà Tầu không nào.

Cường nhấp vài hớp nhỏ, đặt tách xuống thưa:

- Thưa bác, bấy lâu nay trà ở Việt Nam vẫn do Việt Nam trồng. Người Tầu chỉ có cái mánh khóe mua về để nào sấy, nào hồ, rồi ranh mãnh đặt ra những cái tên thật kêu để đánh lận con đen, làm cho những người cả tin và ưa dùng đồ ngoại hóa yên trí đó là sản phẩm chính thức của người Tầu. Còn nói về phương diện ướp hương thì từ xưa đến nay chỉ có Việt Nam là nhất. Duy có điều ta chỉ sản xuất được ít để dùng trong phạm vi gia đình mà thôi vì quá tốn công, tốn của và tốn luôn cả thì giờ nữa.

Ông chủ hãng Kiến Bình đắc ý cười ha hả:

- Phải rồi. Người Tầu bất quá ướp được lài. Thơm nhưng không nhã. Còn ướp sen, ướp sói, ướp ngâu thì phải ta mới làm được. Nhưng thôi, chuyện ấy để khi nào nhàn rỗi ta sẽ bàn sau. Giờ ta nói chuyện hệ trọng, chuyện gia đình…

Cậu Cường à! Cậu chơi với em Căn đã lâu, anh em thân thiết, tôi coi cũng như người trong một nhà. Nay tôi đem chuyện riêng trong gia đình ra nói cho cậu nghe, mong nhờ cái hồng phúc của cậu giúp thêm vào cái hồng phúc của gia đình tôi để may ra tìm được một người cháu ruột mất tích đã mấy năm nay.

Câu chuyện dài dòng, phải kể rành mạch từ gốc cho đến ngọn mới được.

Gia đình họ Nguyễn Thiện tôi là một gia đình có bề thế nhất nhỉ ở tỉnh Bến Tre, nay là Kiến Hòa. Các cụ thân sinh ra tôi có hai người con trai : anh hai tôi là ông Nguyễn Thiện Nhân, và tôi là Nguyễn Thiện Sỹ.

Anh hai tôi lấy vợ người Thừa Thiên, họ Phạm, sanh được hai con trai, đứa lớn là Nguyễn Thiện Căn, bạn của cậu đây, năm nay 16 tuổi, đứa nhỏ là Nguyễn Thiện Cơ, thua anh nó hai tuổi, tức là năm nay 14 tuổi.

Vợ chồng tôi cũng sanh được hai con như cậu đã biết, trai là thằng Nguyễn Thiện Chính, 12 tuổi, và gái là con Thanh Trúc năm nay lên 8.

Trước khi trăm tuổi, các cụ chia gia tài cho hai anh em chúng tôi. Anh tôi là con trưởng được giữ ngôi từ đường cùng 10 mẫu vừa ruộng vừa vườn quanh ngôi từ đường làm của hương hỏa. Còn bao nhiêu thì chia đều cho hai anh em.

Chị hai tôi chẳng may mất sớm, anh hai tôi thương xót lắm. Chắc là trước khi mất, chị tôi có trối trăng lại cho anh tôi nhờ đùm bọc cho người em trai là ông Phạm văn Khánh vừa nghèo vừa không có con nối dõi. Thành ra lòng thương vợ bao nhiêu, anh tôi đổ dồn vào lòng thương người em vợ bấy nhiêu.

Cứ đằng thằng mà nói thì thương thiếu gì cách thương mà giúp đỡ cũng thiếu gì cách giúp đỡ. Chỉ tức một điều là anh tôi thương và giúp đỡ không nhằm lối, khiến cho anh tôi bỗng dưng lạc mất đứa con trai.

Nói cho ngay, ông Khánh không phải là người xấu, nhưng người vợ xem ra có ý tham lam. Tôi cũng không hiểu vợ chồng Khánh nói ra nói vào thế nào mà anh tôi gọi bán hết tất cả ruộng nương về phần anh tôi, chỉ bớt lại có ngôi từ đường với mười mẫu hương hỏa mà thôi. Anh tôi có thiếu thốn gì đâu cho cam mà phải bán ruộng, bán đất. Thậm chí đến 100 mẫu ruộng được quyền giữ lại làm xuất lưu trí theo luật cải cách điền địa hồi bấy giờ, anh tôi cũng bán luôn. Chẳng qua là muốn cho có thật nhiều tiền để cung cấp cho người em vợ làm vốn kinh doanh.

Còn một điều này nữa mới thật là kỳ cục, tôi nghĩ mãi không tìm ra nguyên ủy. Đó là, thay vì để cho hai đứa con trai mồ côi mẹ hủ hỉ với mình, anh tôi chả biết nghĩ quẩn nghĩ quanh thế nào, hay là nghe ai nói ngon nói ngọt làm sao mà nỡ đem giao thằng Cơ từ khi nó mới có lên năm tuổi đầu cho vợ chồng cậu Khánh đem biệt lên Saigon nuôi và cho ăn học.

Tôi có tìm lời khuyên can nhưng anh tôi nhất định không chịu nghe.

Được vài năm, nghe đâu vợ chồng cậu Khánh làm ăn thất bại, phải bỏ đất Saigon dắt nhau ra Huế sinh sống.

Ở Huế, họ cũng không khá hơn. Tệ hại hơn là đàng khác. Họ nhiều lần thúc bách anh tôi phải gửi tiền ra chu cấp. Không hiểu anh tôi tiêu pha hay bị rút rỉa cách nào mà vào khoảng một tháng trước Tết Mậu Thân anh tôi cạn hết tiền phải hỏi mượn đỡ tôi một số khá lớn. Anh tôi bảo đây là lần sau chót giúp đỡ cho vợ chồng Khánh theo lời yêu cầu của họ để nhân dịp này họ thuận cho rước thằng Cơ vào Nam kẻo ở mãi ngoài ấy e có ngày đói khổ.

Tiền thu xếp xong, nhưng việc lại không xong vì không lấy được vé máy bay. Thôi đành vậy, anh tôi than, không ra được trước Tết thì để đến ra giêng, chứ biết làm sao bây giờ!

Ai ngờ xẩy ra biến cố Tết Mậu Thân!

Khi tình hình đã tạm yên thì tìm đâu cũng không ra tông tích vợ chồng Phạm văn Khánh và của thằng Thiện Cơ. Thế có khổ cho anh tôi không?

Anh tôi đích thân ra ngoài ấy tìm. Không thấy. Hỏi thăm mãi mới có người cho tin rằng vợ chồng Khánh đã chết trong khói lửa. Về Thiện Cơ thì bặt vô âm tín.

Còn nước còn tát, anh tôi lại thuê người lặn lội đi tìm khắp mấy tỉnh miền Trung, song vẫn hoài công vô ích.

Rốt cuộc, thua buồn quá, phần thương nhớ con, phần ân hận vì quá vụng suy và cũng quá tin người, anh tôi ngã bệnh và từ trần vào mùa thu năm Thân.

Trước khi nhắm mắt, anh tôi khóc và trối trăng mấy lời tâm huyết căn dặn tôi phải cố gắng tim cho ra cháu Thiện Cơ, nuôi dậy và gây dựng cho cháu nên người, có được vậy thì vong hồn anh tôi mới siêu thoát được.

Ma chay cho anh tôi xong, tôi cất công ra Huế một chuyến, ra sức tìm tòi, rồi nhờ cả các cơ quan công quyền điều tra giúp mà cũng chẳng thấy vân mồng gì.

Về Nam, tôi cho đăng báo “tìm người nhà” luôn mấy tháng ròng. Vẫn bặt tăm hơi. Vẫn không lóe một tia hy vọng.

Quá chán nản, tôi bán hết phần gia tài của tôi lấy tiền làm vốn lên đây sinh cơ lập nghiệp. Tuy nhiên, ngôi từ đường và đám ruộng hương hỏa của anh tôi, tôi vẫn giữ và giao cho một người tớ già trung thành trông nom.

Tôi vẫn nhớ như in trong óc, lúc sắp tắt hơi, anh tôi còn nắm chặt tay tôi và dặn đi dặn lại rằng dù có đói khổ thế nào đi nữa cũng không được bán khoảnh ruộng đất ấy, mà phải để đó làm căn bản sau này cho anh em thằng Căn, thằng Cơ.

Anh tôi nói, nước mắt ràn rụa:

“Tôi rất hối ngày trước đã không chịu nghe lời chú để đến nỗi bây giờ không được trông thấy mặt thằng Cơ trước khi nhắm mắt… Nhưng không, không… tôi trông thấy rõ ràng thằng Cơ mà… Nó bơ vơ, nó khốn khổ, nhưng nó hãy còn sống. Chú phải tìm nó cho tôi…

Tất cả những gì tôi để lại cho anh em chúng nó đều nằm ở trong mảnh đất hương hỏa này.

Hễ tìm được cháu, có bằng chứng hẳn hoi, mấy chú cháu cứ đó mà suy ra, ắt hiểu những lời tôi nói và thấy những gì tôi cất giữ.”

- Đó – ông Sỹ kết luận – câu chuyện thằng cháu Thiện Cơ tôi mất tích là như vậy.

Mấy lúc sau này, tôi đã tưởng là vô vọng. Nay tình cờ cậu Cường gặp thằng Có, tôi cảm thấy như lời nói sau cùng của anh tôi sắp đến lúc ứng nghiệm.

Thực vậy, cậu Cường à, mặt mũi anh em chúng nó giống nhau như tạc, tiếng nói chúng nó cũng giống nhau nữa. Nếu cậu đã nhận thấy thằng Có mặt mũi hao hao giống thằng căn, và giọng nói lại y hệt thì mười phần chắc đến chín phần đích nó là thằng Cơ rồi, cậu nghĩ sao?

Cường chưa kịp trả lời, Căn đã vội đưa ra ý kiến:

- Cháu lại còn thấy có một điểm này nữa rất đáng được quan tâm. Đó là : chữ Cơ viết vội vàng có thể đọc lầm thành chữ Có, và ngược lại, chữ Có đánh dấu thấp một chút cũng đọc ra chữ Cơ như thường. Cứ đó mà suy, ta có thể cho rằng thằng Có và thằng Cơ chung quy vẫn chỉ là một đứa. Người ta chỉ đọc trại tên nó đi một chút mà thôi.

- Ờ, ờ – ông Sỹ vừa nói vừa suy nghĩ – cháu có lý. Nhưng không biết người ta vô tình đọc trại tên nó ra như vậy cho có vẻ bình dân, hay là họ đã cố ý đổi tên nó chính thức bằng một tờ giấy kkhai sanh khác?

- Thưa bác – Cường tiếp lời – dù cố ý hay vô tình, việc đọc trại tên cũng chứng tỏ rằng họ vẫn giữ giấy khai sanh của chú bé Thiện Cơ. Là vì nếu họ dụng ý lập một bản khai sanh khác cho thằng nhỏ thì họ phải chọn một cái tên hoàn toàn xa lạ. Hà tất phải giữ cái tên mài mại với cái tên cũ làm chi cho thêm rắc rối. Đặt bất cứ một cái tên nào cho đứa nhỏ mà chả được.

- Phải rồi – ông Sỹ tấm tắc khen – cậu Cường luận chí lý. Bây giờ mà gặp được mặt thằng Có, lại có cả tờ giấy khai sanh của Nguyễn Thiện Cơ kèm theo, thì địch thị nó là cháu của tôi rồi. Phen này, tôi phải bỏ ra mấy ngày về Saigon điều đình ngay mới được.

- Thưa bác, cháu thấy vội quá không nên – Cường lựa lời can – Hai vợ chồng người nuôi thằng Có hiện giờ thuộc vào loại người tham lam gần như vô sỉ. Ai đời người lớn mà bóc lột hơi sức thằng bé con 14 tuổi đầu đến mức tàn tệ. Mỗi ngày phải kiếm cho ra hai ngàn đồng bạc đưa đủ cho họ mới xong. Vị chi mỗi tháng hơn bù kém phải kiếm được sáu chục ngàn đồng. Lương công chức nào bằng? Thằng Có thật là cây tiền cây bạc của người ta đó, đâu có dễ họ buông tha ra cho bác. Nếu biết bác là một nhà doanh thương kỹ nghệ, nghĩa là một nhân vật có máu mặt ở đô thị này, nhất định họ phải làm khó, nhất định họ phải bóp nặn sao cho thật đúng mức. Họ dám vòi bác bạc triệu. Làm sao có tiền mà nhét cho đầy túi tham của họ được. Một khi không được thỏa mãn, họ có thể gây rắc rối cho ta và luôn thể làm khổ thêm cho thằng bé nữa…

- Anh Cường nói phải đó chú – Căn nói – Cháu tính hãy nên nhờ anh Cường về Saigon điều tra cho kỹ lai lịch của thằng Có. Nếu đúng là em Thiện Cơ, chú sẽ về Saigon điều đình cũng chưa muộn. Như vậy công việc chú ở đây tạm thời không bị gián đoạn.

- Thế cũng được – ông Sỹ gật đầu đáp – Bác nhờ cậu Cường giúp bác việc ấy nhé. Liệu có điều gì trở ngại không?

- Thưa bác – Cường đáp – việc ấy cháu làm được dễ dàng. Ngày nào cháu cũng dậy Có học một tiếng đồng hồ, thế nào cháu cũng có thì giờ truy ra được sự thật. Biết đến đâu, cháu sẽ biên thư trình bác rõ đến đó để bác tùy nghi định liệu.

- Không tiện đâu, Cường – Căn đỡ lời cho ông Thiện Sỹ – Vì khi định liệu không có mặt và không có ý kiến của Cường, e có chỗ không thấu đáo, dám hỏng việc như chơi. Chi bằng ngay bây giờ đông đủ, ta định sẵn một kế hoạch hành động có phải hơn không?

- Kế hoạch thế nào? – Cả ông Sỹ lẫn Cường cùng hỏi.

- Trước hết, Căn nói – hãy nhờ anh Cường điều tra giùm tông tích của chú bé tên Có. Nếu y đúng là em Thiện Cơ, anh Cường hãy trổ tài làm quen với cặp vợ chồng đang nuôi dưỡng nó, liệu lời thuyết phục họ trước để họ sẵn sàng buông tha thằng nhỏ ra với một cái giá phải chăng.

Khi nào xem chừng ý họ đã xiêu xiêu, anh Cường sẽ tự động đăng báo, đứng tên chú tìm người nhà. Rồi kín đáo cho họ biết tin đó. Một là họ sẽ lên trên này điều đình, hai là họ sẽ biên thư báo cho chú xuống Saigon gặp họ. Như thế có phải là giản dị và thuận tiện không nào? Cường nghĩ sao?

- Cũng được – Cường nhanh nhẩu đáp – À, Căn có bản khai sanh nào của Cơ không?

- Không có mới chết chứ – Căn thở dài đáp – Không biết ba cất ở đâu mà tìm khắp nơi chả thấy một bản nào.

- Sao không biên thư nhờ Tòa Tỉnh hay quận Châu thành tìm cho? – Cường hỏi.

- Tại không nhớ số, không nhớ ngày khai. Không có các dữ kiện đó, e họ không chịu tìm giùm cho mình đâu.

- Thôi được – Cường bình thản nói – hãy cứ biết vậy. Rồi tùy cơ ứng biến sau.

- Cường à – Căn dặn dò – Cường chỉ nên liên lạc bằng thư trong những trường hợp không có kết quả. Thí dụ như : điều tra không ra manh mối, hay là thằng Có không phải là thằng Cơ, hay là họ tỏ ý nhất định không chịu buông tha thằng bé, hoặc giả họ đòi hỏi tiền bạc quá đáng, vân vân…

- Em Căn nó bàn như vậy, cậu Cường nghĩ có xuôi không? – Ông Thiện Sỹ hỏi.

- Thưa bác, được ạ. Căn tính vậy cũng tiện và nhặm lẹ, cháu xin cố gắng. Bác cứ yên tâm. Có điều chi bất trắc, cháu sẽ biên thư trình bác rõ ngay.

- Thế thì quý hóa lắm – ông Sỹ hân hoan nói – Thôi thì trăm sự nhờ cậu giúp cho bác và các em nhé. Nếu chú cháu, anh em họ Nguyễn Thiện được trùng phùng, một phần cũng là nhờ tài trí và lòng tốt của cậu Cường đó, gia đình bác sẽ không bao giờ quên ơn cháu.

- Thưa bác – Cường nói – bác dậy chi điều đó. Cháu là bạn của anh Căn thì cũng như là con cháu của bác.

Nãy giờ, chú bé Thiện Chính cũng như cô bé Thanh Trúc phải ngồi lặng yên nghe người lớn bàn chuyện đã thấy ê ẩm cả người. Đã không dám nói leo sợ phải mắng, lại không được chạy nhẩy la hét, chúng cảm thấy ngứa ngáy cả chân tay.

Cuộc họp vừa mãn, mọi người chưa ai kịp đứng dậy, Chính đã nhẩy dựng lên, nắm vai Thanh Trúc, lắc lắc hỏi:

- Chúng ta sắp có thêm một anh nữa, bé Trúc thích không?

- Thích chứ – bé Trúc nhanh nhẩu đáp – Có nhiều anh, chơi mới vui. Bé thích luôn cả anh Cường nữa…

________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG III, IV