Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

NHỚ TỔ HÙNG VƯƠNG - Trần Quát



NGUỒN GỐC:

Tục truyền lại, Vua Đế Minh cháu ba đời của vua Thần Nông nhân một chuyến tuần thú ở phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp một tiên nương. Cả hai kết bạn, sinh ra một nam tử, đặt tên là Lộc Tục. Sau Lộc Tục được cha phong làm Vua ở phía bắc, bèn xưng là Kinh Dương Vương, đặt quốc hiệu Xích Quỷ.

Đến khoảng năm Nhâm Tuất 2879 trước tây lịch (có sách chép năm 2978 trước tây lịch) Dương Vương kết duyên cùng con gái Động Đình Quân tên Long Nữ, cho ra đời một người con trai, là Sùng Lãm. Lãm nối ngôi cha, xưng là Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lại kết bạn trăm năm với Âu Cơ. Âu Cơ thụ thai sinh ra một bọc trăm cái trứng nở ra trăm con. Sau, Lạc Long Quân mới bảo với Âu Cơ rằng : “Ta là dòng dõi Long Quân, còn nhà người là dòng giống Thần Tiên. Ở lâu với nhau không được. Nay đã được trăm con, người hãy đem 50 đứa lên núi, còn phần ta, ta sẽ đưa 50 đứa xuống bể Nam Hải”.

Năm mươi con theo mẹ lên núi tức là dân thượng bây giờ, và 50 con theo cha xuống biển là người kinh hiện tại.


NƯỚC VĂN LANG

Lạc Long Quân sau khi xuống bể Nam Hải, bèn cho con trưởng sang Văn Lang làm vua. Xưng là Hùng Vương.

Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu chia nước ra làm 15 bộ gồm : 1) Văn Lang (Bạch Hạc, thuộc tỉnh Vĩnh yên) 2), Châu Diên (Sơn Tây), 3) Phúc Lộc (Sơn Tây), 4) Tân Hưng (Hưng Hóa, Tuyên Quang), 5) Vũ Định (Thái Nguyên, Cao Bằng), 6) Vũ Ninh (Bắc Ninh), 7) Lục Hải (Lạng Sơn), 8) Ninh Hải (Quảng Yên), 9) Dương Tuyền (Hải Dương), 10) Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình), 11) Cửu Chân (Thanh Hóa), 12) Hoài Nam (Nghệ An), 13) Cửu Đức (Hà Tĩnh), 14) Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị) và 15) Bình Văn (??).

Hùng Vương đặt tướng văn là “Lạc Hầu”, tướng võ là “Lạc Tướng”, con trai vua gọi là “ Quan Lang”, con gái kêu “Mị Nương”, và các quan nhỏ là “Bố Chính”. Theo truyền thuyết, người Văn Lang sống bằng nghề chài lưới, thường bị giống thuồng luồng hại. Hùng Vương mới truyền cho dân lấy chàm khắc (xăm) lên mình cho giống thủy quái. Nhờ đó, thuồng luồng thôi không dám giết hại nữa.

Hùng Vương làm vua đến đời thứ 18 thì bị nhà Thục cướp nước, lúc ấy vào năm Quí Mão (258 trước tây lịch). Tính từ năm Nhâm Tuất (2879) đến năm Quí Mão (258 trước tây lịch) thì Hùng Vương làm vua được 2621 năm. Cứ tính trung bình thì mỗi vua trị vì được hơn 150 năm. Dẫu là thời thượng cổ đi nữa, khó ai mà sống lâu thế. Như vậy chuyện đời Hồng Bàng không thể là chuyện xác thực (theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim).

Cũng theo V.N.S.L. của Trần Trọng Kim, thì tính từ đời Kinh Dương Vương, đến đời Hùng Vương thứ 18 thì có hết thảy 20 ông vua. Nhưng có sách lại chép là 18 ông, như sau:

1. Hùng Vương thứ 1 húy là Lộc Tục hiệu Kinh Dương Vương.

2. Hùng Vương thứ 2 húy Hùng Hiển, tước Lạc Long Quân, hiệu Sùng Lãm.

3. Hùng Vương thứ 3 húy là Hùng Quốc.

4.      thứ 4      Hùng Hiệp

5.      thứ 5      Hùng Hy

6.      thứ 6      Hùng Huy

7.      thứ 7      Hùng Chiêu

8.      thứ 8      Hùng Vỹ

9.      thứ 9      Hùng Định

10.      thứ 10      Hùng Vy

11.      thứ 11      Hùng Trịnh

12.      thứ 12      Hùng Quỳ

13.      thứ 13      Hùng Việt

14.      thứ 14      Hùng Anh

15.      thứ 15      Hùng Triệu

16.      thứ 16      Hùng Tạo

17.      thứ 17      Hùng Nhi

18.      thứ 18      Hùng Duệ


NGÀY GIỖ TỔ

Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch mọi người nô nức đi “trẩy hội đền Hùng” rất đông. Đền thờ Hùng Vương được mô tả như vầy : đền thờ xây trên ngọn  “Nghĩa Lĩnh Sơn” (còn gọi là Hùng Sơn, thuộc phủ Lâm Thao tỉnh Phú Thọ) gồm có 6 gian nhà ngói, 3 gian ngoài là “Hậu Cung” để thờ các vị Hùng Vương. Trên bàn thờ có nhiều bài vị. Chung quanh đền Hùng không có tường, giậu rào che, cây cối mọc xum xuê từ đỉnh núi xuống tới chân núi. Muốn lên đền Hùng (còn gọi là đền thượng) phải trèo qua 296 (có sách chép 297) bậc thang bằng gạch. Tại đền có ghi dòng chữ Hán : “Đột ngột cao sơn Cổ Việt Hùng thị thập bát thánh Vương Vị”.

Ngày giỗ tổ, ngay dưới chân núi hương chức sở tại mở hội rất đông và vui, rồi làm một cuộc tế lễ, rước lễ vật lên đền thượng. Lễ vật gồm có : một đầu bò, một đầu dê, một đầu heo; và hoa quả. Gọi là “tam sinh”. Lễ vật tam sinh được rước từ đình làng lên tới đền thờ. Nhưng đó là thời tiền chiến người ta mới tổ chức thế. Bây giờ cũng khác đi nhiều.

Riêng ở miền Nam, thì mỗi lần đến ngày giỗ tổ, được tổ chức trọng thể ở vườn Tao Đàn. Dịp này cũng để nêu cao truyền thống tốt đẹp của nước ta.


TRẦN QUÁT            
(Viết theo các sử liệu mới cũ)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 84, ra ngày 8-4-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com