CHƯƠNG III
LIỆU BÀI MỞ CỬA
Trưa Saigon nắng như đổ lửa.
Mỗi lều sửa xe là một ốc đảo mát rượi rải rác bên hông Trường Đua nóng bỏng.
Vắng khách, thợ nằm dài trong lều nghỉ mệt. Riêng chú Có Honda đang lúi húi
giải bài toán trên một chiếc thùng ván cũ. Rõ ra phong thái của một cậu học trò
nghèo ham học hơn là một chú thợ cam phận suốt đời xa lạ với sách vở. Bao nhiêu
tâm trí để cả vào mấy cái hình vẽ và mấy con số đến nỗi một chiếc xe từ đâu tới
đậu sát chiếc lều mà không hay.
- Chà! Chú bé học chi mà
chăm chỉ thế?
Giật mình, Có quay đầu lại,
đứng phắt dậy, chạy a tới, reo vui:
- Ồ, anh Cường! Anh mới đi
cắm trại về? Mấy hôm anh đi vắng, em nhớ anh ghê! Quà em đâu?
Cường dựng xe, bước vào lề,
hai tay ôm vai Có, mắt nhìn trong mắt, tươi cười nói:
- Anh vừa về tối qua. Sáng
nay đi học. Trưa cơm xong lại với em ngay đó. Quà đây, thích không?
Cường móc túi lấy ra chục
mận, quả nào quả nấy vàng rực và mọng bóng, trông thực ngon mắt.
- Cảm ơn anh – Có cảm động
nói – cảm ơn anh lúc nào cũng nghĩ đến em. Mận Đà Lạt dòn và ngọt lắm phải
không anh?
- Ờ, Có ngồi xuống đi, vừa
ăn vừa nói chuyện.
- Dạ, anh đi Đà Lạt có
chuyện gì vui không?
- Có chứ, nhiều chuyện vui
lắm, để dần dần anh kể cho Có nghe.
Cắn miếng mận dòn tan, cơm
dầy và ngọt lịm, hạt nhỏ xíu, Có khen ngon luôn miệng.
Cường chăm chú ngó người bạn
nhỏ, sửa soạn thử lại bài toán mà cậu chắc là đúng hoàn toàn vì càng ngắm kỹ
càng thấy khuôn mặt của Có, từ vầng trán đến cặp mắt, nét nào cũng y hệt Thiện
Căn như được đúc cùng một khuôn.
- Có à – Cường ôn tồn hỏi –
Có có nhận thấy anh có rất nhiều thiện cảm với Có không?
- Thưa anh, có chứ. Em có
thể nói bây giờ ở trên đời này chỉ có anh là người duy nhất thương em mà thôi.
- Còn ba má em nữa chứ?
Có thở dài:
- Anh đã có nhiều dịp mắt
thấy tai nghe những cử chỉ và lời ăn tiếng nói của những người mà em phải gọi
bằng ba má, chắc anh thừa rõ ông bà ấy không phải là ba má ruột của em rồi.
- Chính vì thế mà từ trước
đến nay, anh không muốn gợi chuyện gia đình ra hỏi em sợ em buồn. Nhưng bây
giờ…
- Bây giờ sao anh? – Có trố
mắt hỏi vồn vã.
- Bây giờ anh cần biết nhiều
điều về em, càng rõ càng tốt.
- Chi vậy anh?
- Rồi sẽ rõ. Giờ hãy biết là
chuyện đó có lợi cho em. Hoàn toàn có lợi không những trong lúc này mà còn cho
tương lai của em nữa. vậy em có thể hứa trả lời thành thực tất cả những điều
anh cần biết không?
- Em hứa – Có trả lời rắn
rỏi và tin tưởng.
- Tốt lắm – Cường vỗ vai
khen bạn – vậy Có có phải là tên thật của em không?
- Thưa không.
- Vậy tên thật của em là gì?
- Tên thật em là Cơ, Nguyễn
Thiện Cơ, năm nay 14 tuổi.
- Nơi sanh, em có nhớ không?
- Dạ có, em sanh ở Kiến Hòa.
- Tên ba má?
- Ba em là Nguyễn Thiện Căn,
má em là Phạm thị Kim.
Mặt Cường mỗi lúc mỗi tươi
thêm. Đáp số bài toán hoàn toàn trúng.
- Em có giữ được một bản
khai sanh của em chứ?
- Thưa anh, không. Em thuộc
nằm lòng tên, họ, ngày sanh, nơi sanh, và họ tên cha mẹ vì từ năm lên sáu đi
học, năm nào cũng phải khai đầy đủ ở nhà trường. Còn khai sanh thì em không
được giữ bản nào.
- Tại sao em không ở cùng ba
má?
- Em cũng không biết tại sao
nữa. Em chỉ nhớ mang máng ngày em còn thật nhỏ, ba má em cưng em lắm. Rồi má em
mất lúc em lên năm, ba em buồn… Rồi em lên sáu, ba em giao em cho cậu mợ em
mang lên Saigon cho ăn học.
- Cậu mợ em tên chi? – Cường
ngắt lời hỏi.
- Cậu em tên là Phạm văn
Khánh, em vẫn gọi là cậu ba. Còn mợ, em không biết tên, chỉ biết gọi là mợ ba
thôi.
- Hiện giờ cậu mợ em đâu?
- Anh để em kể từ từ cho có
đầu có đuôi – Có vừa trả lời vừa cau mày suy nghĩ – Em ở Saigon
với cậu mợ được chừng hai năm. Cậu mợ cũng thương nhưng có bao giờ bằng ba má
được. Cậu mợ cho em theo chương trình Pháp. Em học ngoại ngữ ấy cũng thấy hay
hay nên bây giờ hãy còn nhớ được lõm bõm. Cậu mợ em buôn bán thua lỗ sao đó,
phải bỏ Saigon ra mãi Huế làm ăn. Ở đó, em học
chương trình Việt đến lớp nhì, bây giờ kêu là lớp bốn đó anh.
- Sao không học tiếp?
- Học sao được mà học. Tết
Mậu Thân, loạn lạc quá trời. Cả thành phố Huế phải bỏ hết nhà cửa, xe cộ, của
cải, chỉ cốt chạy lấy cái mạng sống. Cậu mợ em bị thương nặng trong cuộc chạy
loạn ấy. Máu ra nhiều, kiệt sức, chết dọc đường, giao em cho vợ chồng người em
bà con của mợ em…
- Tên chi? Có phải là hai
người đang nuôi em không?
- Không phải. Em không biết
tên, chỉ thấy kêu là ông Hai, bà Hai. Vợ chồng ông bà này sau cũng bị nạn chết
sau khi chưa ra khỏi thành phố Huế. Trong khi hấp hối, ông bà ấy giao em cho
ông bà Mười là người đang nuôi em hiện tại. Em không được biết tên thật, chỉ
thấy ông bà Hai gọi là dì Mười, dượng Mười. Vào trong này, hàng xóm gọi ổng là
ông Mười Cá Ngựa, còn bả là bà Mười Đậu Chến…
- Sau vụ Mậu Thân, sao ba em
không kiếm em?
Có rưng rưng nước mắt:
- Trước Tết Mậu Thân ít
ngày, em nghe cậu mợ em bàn chuyện với nhau là thế nào ba em cũng mang tiền ra
Huế giúp đỡ cậu mợ em và tiện dịp rước em vào Nam, về Kiến Hòa. Sau nhận được dây
thép báo tin không vào kịp trước Tết vì không mua được vé máy bay. Ba em hẹn ra
riêng… Em sợ ba em mất rồi, chứ nếu ba em còn sống, chắc không khi nào để em bơ
vơ mãi thế này.
Cường mủi lòng nhìn hai giọt
nước mắt của chú bé lăn dài trên má. Một lúc sau hỏi tiếp:
- Em có nhớ họ hàng về bên
nội em không?
- Có, em có một ông chú ruột
tên là Nguyễn Thiện Sỹ. Em vẫn gọi là chú ba. Thím, em không biết tên, chỉ gọi
là thím ba mà thôi.
Ngửng mặt nhìn cụm mây trắng
bay lãng đãng trên nền trời Phú Thọ, Có thả hồn về quá khứ để cố nhớ lại trong
trí những hình ảnh đẹp tuyệt vời đã qua.
- Em cũng có một người anh
ruột, hơn em hai tuổi, tên là Nguyễn Thiện Căn. Ai cũng bảo em với anh Căn
giống nhau như hai giọt nước. Chú thím em cũng có một đứa con trai kém em hai
tuổi, trông mũm mĩm thật dễ thương. Nó tên là… xem nào… tên là Chính, Nguyễn
Thiện Chính. Ngày em theo cậu mợ lên Saigon,
nó mới có lên ba.
Mặt Có tươi tỉnh lại khi nhớ
đến đứa em con nhà chú đang bập bẹ tập nói, gọi anh ngọng líu ngọng lô ngày
chia tay ở Kiến Hòa : ăn Cơ ơi, ăn Cơ!
Cường cũng vui lây, thân mật
vỗ vai Có:
- Đúng rồi! Anh vừa thử lại
bài toán đố, anh thấy đáp số của anh trúng phóc.
Em đúng là em của anh Nguyễn
Thiện Căn, cháu của ông Nguyễn Thiện Sỹ hiện đang sinh sống ở Đà Lạt. Chú em
đăng báo tìm em mấy tháng ròng không thấy, đã thất vọng. Ai ngờ tình cờ ngày nọ
nghe giọng nói của em, anh ngờ ngợ như là một giọng rất quen. Vì anh là bạn
thân của anh Căn nên bao giờ lên Đà Lạt anh cũng lại ở nhà Căn. Lần này, lên Đà
Lạt, gặp Căn, anh nhận thấy ngay cả gương mặt lẫn giọng nói của nó giống em in
hệt. Hỏi ra mới rõ Căn lạc mất đứa em ruột tên Cơ.
- Trời ơi! – Có ôm chầm vào
ngực Cường, kêu lên – Em sung sướng quá! Nếu quả thật em còn gặp được gia đình,
em còn có tình thương huyết nhục thì em sung sướng quá đi thôi. Anh Cường, có
thật như anh vừa nói không, anh? Anh không đùa em chứ?
Cường vỗ vỗ vào lưng Có, an
ủi:
- Thực chứ sao không? Nhưng
chuyện họ hàng nhìn nhau sẽ không dễ dàng như em tưởng đâu. Chú thím em chắc
chắn là không quá giàu, nhưng ông bà Mười lại có thể quá tham lam. Hiện giờ em
là cái máy in giấy bạc cho ổng bả mỗi tháng năm sáu chục ngàn. Họ đâu có dại
buông em ra nếu không được bồi thường thật xứng đáng!
- Vậy phải làm sao, anh? –
Có lo lắng hỏi.
- Cứ bình tĩnh và nghe anh
nói. Có một điều em phải luôn luôn ghi nhớ là : Phải làm bộ vô tâm, quên hết dĩ
vãng, chỉ biết mình là thằng Có, con ông bà Mười mà thôi. Dù có thấy báo in tên
Nguyễn Thiện Cơ cũng cứ phớt tỉnh đi coi như là chuyện của thiên hạ không dính
líu chi đến mình hết. Ngoài ra, mọi sự cứ để mặc anh tùy cơ ứng biến…
Phải nhớ cho kỹ những điều
anh dặn, và tin ở anh, thế nào cũng sẽ có kết quả tốt. Nhớ kỹ chưa nào?
- Dạ, nhớ.
- Có tin ở anh không?
- Dạ, tin. Em không tin anh
thì còn biết tin ai bây giờ nữa.
- Tốt! Chiều nay anh sẽ kiếm
cớ đến nhà làm thân với ông bà Mười.
- Chi vậy, anh?
- Khoan đừng hỏi vội. Rồi em
khắc biết.
*
- Cha! Cậu Cường tử tế quá –
bà Mười hớn hở khen và kéo ghế mời Cường ngồi – Đi cắm trại mãi tận Đà Lạt mà
cũng nhớ mua quà cho chúng tôi nữa đó. Cậu Cường chu đáo quá!
- Thưa hai bác – Cường lễ
phép nói – cháu cắm trại ở trong rừng, xa thành phố nên chẳng mua được gì cả.
Mãi đến lúc về mới tạt qua chợ được ít phút trước khi lên xe, thành thử chỉ có
chút quà mọn biếu hai bác dùng lấy thảo.
- Cám ơn cậu – ông Mười nói
– À mà cậu Cường này, cậu bận học đâu có dư mấy thì giờ, sao cậu chịu khó dậy
thằng Có nhà tôi học thêm vậy?
- Thưa bác, một là vì cháu
có thiện cảm với Có, hai là vì cháu muốn theo đúng phương châm của Hướng đạo
sinh là : Mỗi ngày làm một việc thiện. Dậy cho Có hiểu biết thêm cũng là một
việc thiện đó bác.
- Nhưng làm việc thiện như
cậu có được lợi cái gì đâu mà làm hoài vậy?
- Có chứ bác. Lợi ở chỗ đồng
bào ruột thịt của mình được giúp ích. Lợi cả ở chỗ chính mình tự bằng lòng
mình, tự quý trọng mình.
- Cái đó tôi thấy nó bông
lông quá, cậu Cường à – ông Mười cười đáp – Đã gọi là lợi thì nó phải thực tế
mới được.
Bà Mười để lọ mứt mận lên
trên mặt tủ chén, chợt thấy quyển truyện Kiều trên tập báo của Cường.
- Ủa – bà Mười hỏi – cậu
Cường đi học hay đi chơi mà mang cả truyện Kiều đi làm chi vậy?
- Thưa bác, chương trình học
năm nay của cháu không có truyện Kiều, nhưng cháu mang sách lại nhà một anh bạn
cho anh ấy bói chơi một quẻ và đoán giùm cho anh ấy.
- Ủa, cậu biết bói Kiều hả?
– Bà Mười sốt sắng hỏi – Cậu bói giùm tôi một quẻ đi.
- Dạ, cháu đoán cũng gọi là
tàm tạm được. Bác bói đi, cháu đoán cho.
- Muốn bói, phải làm sao
đây, cậu?
- Bác muốn cầu chi cũng được.
Cầu chi thì khấn nấy. Chỉ cần để sách lên trán, thành tâm và khấn vái cụ Tiên
Điền Nguyễn Du, rồi mở rộng sách ra, chỉ một ngón tay vào bất cứ đoạn nào,
trang nào trong sách, khắc thấy ứng nghiệm.
Ông Mười cao hứng nói chen
vô:
- Sao tôi thấy bói Kiều
người ta khấn vái lu bù, nào Kim Trọng, Thúc Sinh, Tú Bà, mã Giám Sinh, lung
tung cả lên cơ mà… Rồi lại phải theo lệ : trai tay trái, gái tay mặt, chứ đâu
có phép chỉ lộn xộn như cậu vừa nói.
- Đó là phép bói Kiều xưa đó
bác. Ngày xưa, người ta khấn vái kêu cầu tất cả các nhân vật trong truyện, kể
cả những vai đáng chê, đáng khinh hay đáng ghét. Bây giờ cho vậy là không được
nên người ta chỉ vái cụ Nguyễn Du là tác giả truyện Kiều tức là đấng tạo hóa
tác sinh ra tất cả các nhân vật trong truyện. Lệ “nam tả nữ hữu” cũng xưa nữa
nên phải sửa đổi. Bói cách xưa, phải đoán cả một trang, ý nghĩa bị mài loãng
ra, mất hay. Hơn nữa, không gì vô lý bằng phải phân biệt hẳn một số trang dành
riêng cho phái nam và một số trang khác dành riêng cho phái nữ.
Cường nói năng lưu loát,
dõng dạc như người lớn nên vợ chồng ông Mười phục lắm.
Bà Mười cười nói:
- Thôi, được rồi, để tôi bói
một quẻ xem sao nghe…
Nhắm mắt, lâm râm khấn khứa,
rồi mở rộng cuốn sách đưa cho Cường, tay chỉ vào một khoảng giữa trang.
Cường đỡ lấy quyển truyện,
tủm tỉm cười, ngâm:
“Liệu bài mở cửa cho ra,
“Ấy là tình nặng, ấy là ơn sâu.
- Quẻ này Thánh dậy quá rõ
ràng, thưa bác – Cường giải thích – Chắc là bác xin cụ Nguyễn Du chỉ điểm cho
có nên đi thử thời vận hay không. Cụ dậy là không nên. Cụ phá đề bằng chữ
“Liệu” ở đầu câu trên, khiến cho người ta tưởng như nghe thấy tiếng răn đe
“Liệu hồn!”. Chữ thứ hai là chữ “Bài” rõ ràng chỉ sự đánh bạc. Tiếp theo đến
những chữ “Mở cửa”, những chữ “Cho ra” toàn chỉ sự thua thiệt, sự mất tiền. Mà
đã thua là thua đậm vì câu dưới có những chữ nặng (tình nặng, chữ sâu (ơn sâu)…
Cường tiếp tục ba hoa, nhưng
mắt vẫn chăm chăm theo dõi nét mặt biến đổi của vợ chồng ông bà Mười:
- Nói tóm lại, nếu chỉ bàn
nông cạn đến một lời cầu xin tầm thường như đi đánh bài, đánh bạc, thì đây là
một quẻ xấu, rất xấu là đàng khác. Nhưng nếu bàn rộng ra như muốn xin vị Thánh
Thơ của nước Việt chỉ điểm cho một đường ngay, nẻo chánh mà noi theo trên đường
đời, thì đây lại là một quẻ rất tốt. Thánh dậy : nếu có nắm trong tay vận mạng,
hay sinh mạng, hay sự tự do của một người nào, thì nên tìm cách mở đường cho
người ấy được thoát ly. Thế nào cũng được báo đáp, báo đáp một cách rộng rãi là
đàng khác. Chẳng những người ta trả ơn một lần mà thôi đâu, cái ơn ấy còn mãi
mãi. Cứ xem những chữ “tình nặng”, “ơn sâu” thì đủ rõ…
Nói nôm na, cụ Nguyễn Du
khuyên nên làm điều lành, chẳng những để được phúc đức lại về sau mà còn được
báo đáp ngay bằng tiền bạc rất nhiều…
- Ờ, ờ – bà Mười khen – cậu
Cường đoán hay đấy. Tôi sắp đi đậu chến, vái xin được bạc, gặp phải quẻ này thà
ngồi nhà sướng hơn. Này ông, ông cũng bói một quẻ xem sao…
Ở đời, bói toán cũng là một
cái bệnh hay lây. Dù không tin cách mấy, thấy người ta bói hay, cũng muốn bói
chơi một quẻ. Nhất là không tốn tiền.
- Ừ, bói thì bói, sợ gì? –
Ông Mười đáp.
Cũng lâm râm khấn vái như
ai, rồi mở sách đưa Cường:
- Đây, cậu đoán thử có hay
không?
Cường gật gù, cất giọng ngâm
nga:
“Đùng đùng gió giật mây vần
“Một xe trong cõi hồng trần như bay.
- Quẻ này – Cường nói sau
một phút suy nghĩ – quẻ này cũng khá đây. Nếu bác muốn coi kỳ đua ngựa này nên
cá vào con nào, thì có mấy con Phong Vân (gió,
mây), Hồng Phi hay Phi Hồng (hồng, bay). Cháu không đi trường đua bao giờ nên
không thuộc tên ngựa, nhưng đại khái là như vậy. Hoặc giả có thể cá vào các
ngựa trong chuồng ông Trần Hồng, hay ông Trần Phi, nếu có những chủ ngựa tên
ấy.
Ngưng một lúc, Cường nói
tiếp:
- Đó mới là bàn chuyện tầm
thường như đánh cá ngựa. Nhưng nếu luận về việc hệ trọng để biết đường ngay nẻo
chánh mà theo thì Thánh dậy, theo quẻ này, bác có liên quan đến một biến cố quân
sự : có tiếng súng nổ (đùng đùng), ba bề bốn bên náo loạn (gió giục, mây vần)
và bác thoát nạn nhờ một chuyến máy bay (một xe trong cõi… như bay). Có đúng
không ạ?
- Đúng! Cách đây mấy năm,
dạo Tết Mậu Thân, chạy loạn suýt chết mấy lần.
- Vậy thì Thánh dậy : Thời
gian qua rất mau như bóng câu qua cửa sổ, như một chiếc xe bay vút trong cõi
hồng trần. Có việc thiện, việc nghĩa nào nên làm thì phải làm ngay đi. Trời như
thúc dục ta làm điều phải và hay đùng đùng nổi giận nếu ta trái ý.
- Cậu Cường tán truyện Kiều
cũng hay ra trò đấy – ông Mười vừa cười vừa đánh trống lảng – Thôi hãy cứ biết
vậy. Để xem chuyến cá ngựa này có đúng như lời đoán của “ông thầy” không đã
nhé!
Cường đứng dậy, lễ phép kiếu
từ.
- Kìa – ông Mười nói – cậu
còn quên mấy tờ báo.
- Dạ thôi, cháu để cho Có
đọc – Cường trả lời rồi quay lại bảo Có – Có này, xem chuyện nào hay, đọc cho
hai bác nghe nhé.
CHƯƠNG IV
NGUYỄN THIỆN CƠ
Trời Đà Lạt về chiều lành
lạnh.
Bước xuống bến xe, thả bộ
trên những con đường tươi mát, du khách khoan khoái cảm thấy chỉ trong khoảng
khắc bỗng rũ sạch hết cát bụi của Saigon oi
bức, luôn cả nỗi mệt nhọc của một chuyến di chuyển dài trên chiếc xe đò chật
chội.
Trong đám du khách buổi
chiều đẹp trời hôm ấy, có ba người vui tươi nhất. Đó là một cặp vợ chồng đứng
tuổi cùng một thiếu niên 16, 17 tuổi, con trai họ. Tất cả súng sính trong những
bộ đồ lạnh mới sắm.
Người chồng, ông Triệu văn
Khoái, một tay tuyệt phích đam mê có hạng đến độ người ta đặt tên cho là Mười
cá ngựa. Người vợ, dĩ nhiên, không ai khác hơn là bà Mười đậu chến. Duy có
người con trai, Triệu văn Tỷ, chúng ta chưa gặp lần nào vì y ít khi có mặt ở
nhà. Trong tuổi học trò, y chỉ cắp sách đến trường cho có lệ. y hãnh diện học
tập ở cái mà y bắt chước người ta mà kêu là “trường đời”. Và thời gian học tập
của y thường là trong giờ giới nghiêm. Kết quả thâu lượm được chỉ có thể đem
khoe với nhau trong đồng bọn vì toàn là những điều cấm kỵ không thể để lọt vào
tai mắt những người có trách nhiệm về an ninh trong đô thành.
Gia đình ba người ấy hớn hở,
mỗi người xây đắp một ngôi lầu mộng trong đầu. Họ càng phấn khởi khi ở trong
quán giải khát, Mười Khoái đã khéo léo gợi chuyện và dò hỏi dân địa phương về
gia thế của ông chủ hãng đồ hộp Kiến Bình.
Chà chà, y tự nhủ, mình vồ
trúng một con mòng mập ú. Mình phỏng đoán chả sai một tí nào, lão ta quả là một
kỹ nghệ gia có máu mặt của cái thị xã đẹp đẽ sang trọng này. Vậy thì moi ra
chừng một triệu đâu có phải là một việc không thực hiện được. Vợ chồng mình mặc
sức tung hoành trong cuộc đỏ đen. Còn thằng nhỏ, một khi đã lọt được vào trong
cái gia đình bề thế này thì có khác chi chuột sa chĩnh gạo, tha hồ mà ăn chơi
cho thỏa thích…
Họ bước vào văn phòng hãng
Kiến Bình đúng lúc ông chủ vừa tiễn xong mấy ông khách tỉnh xa tới đặt hàng.
- Thưa, chúng tôi muốn được
gặp ông Nguyễn Thiện Sỹ - Khoái lễ phép hỏi.
- Dạ, chính tôi đây – ông Sỹ
vui vẻ đáp – Xin mời quý vị vào.
Tất cả an tọa ở phòng khách.
Ông Sỹ tủm tỉm cười nhìn ba người khách lạ có những cặp mắt láo liên, xoi mói.
Ông ân cần mời khách dùng
trà và mở lời:
- Chắc quý vị ở xa tới đặt
hàng?
- Thưa không – Khoái vội đáp
– chúng tôi tới đây vì một lời rao trên báo. Nói cho đúng, vì lời “Nhắn tin tìm
người nhà” của ông chủ.
- Ạ! – Ông Sỹ chỉ ạ lên một
tiếng và ngồi yên chờ đợi.
Ba người khách đều lấy làm
lạ và cụt hứng vì không thấy ông chủ hãng Kiến Bình ngạc nhiên và mừng rỡ chút
nào. Bất giác, Khoái đâm ra lúng túng, một lúc sau mới ngượng ngập vào đề:
- Trong lời rao của ông chủ,
tôi thấy có một vài điều cần được minh xác trước. Ông chủ hứa đền ơn 100.000đ
cho ai chỉ dẫn hay đưa về người cháu của ông chủ mất tích đã bốn năm nay. Lại
cần có bằng chứng xác đáng nữa. Vậy điều thứ nhất, xin ông chủ cho biết thế nào
là bằng chứng xác đáng, hay cái chi được gọi là bằng chứng xác đáng.
- Thưa ông – ông Sỹ từ tốn
trả lời – bằng chứng xác đáng là những giấy tờ liên quan đếncăn cước của cháu
tôi như chứng thư hộ tịch hay chứng tích gia đình.
- Vâng, tôi hiểu. Còn điểm
thứ hai, điểm này hơi khó nói vì dính dáng đến chuyện tiền nong.
- Không sao, xin ông cứ tự
nhiên – ông Sỹ cười nói – Tài thượng phân minh là một điều rất tốt.
- Dạ, vậy tôi xin thành thật
trình bầy. Ông chủ mới hứa đền ơn cho người chỉ dẫn mà không dự liệu đến trường
hợp phải đền bồi phần nào cho người có công nuôi dưỡng cháu ông chủ trong mấy
năm ròng. Nếu trường hợp này đã thực sự xẩy ra thì ông chủ tính sao?
- Ông nói có lý. Nếu có vị
ân nhân nào đã nuôi nấng cháu tôi mấy năm nay, dậy dỗ cháu và cho cháu ăn học
đàng hoàng thì tôi mang ơn ấy rất nặng và quả tình không biết lấy chi báo đáp
cho vừa.
Nói một cách khác, ơn nghĩa
là chuyện tình cảm, nó vô giá nên không thể đo lường bằng tiền bạc được.
- Thế nhưng giả dụ có người
muốn yêu cầu ông chủ đánh giá chuyện ấy bằng tiền bạc trước khi cho cháu về với
ông chủ thì ông chủ tính sao?
- Trong trường hợp đó – ông
Sỹ đáp – tôi sẽ xin vị ấy tự ý định giá trước. Tôi tự xét mình kham được đến
đâu sẽ thưa chuyện đến đó.
Khoái thấy đã đến lúc ra một
đòn quyết liệt:
- Vâng – y nói – chúng tôi
xin lãnh ý. Và chúng tôi xin tự giới thiệu. Vợ chồng tôi chính là những người
có cơ duyên gặp cháu trong ngày chạy loạn ở Cố Đô, cái sống với cái chết chỉ
cách nhau trong gang tấc. Về Saigon, cái ăn cái uống tốn kém chẳng nói làm gì.
Chỉ tội một nỗi vì bận bịu có cháu nhỏ bên mình, vướng tay bận chân nên mấy năm
nay chúng tôi buôn bán không được hanh thông như trước. Từ chỗ túng thiếu đi
đến chỗ nợ nần thật quả không có mấy hồi. Bởi thế chúng tôi hiện cần phải có
một số tiền một triệu đồng mới đủ để trang trải. Thưa ông chủ, có được như vậy
chúng tôi mới dám đưa cháu về hầu ông bà chủ được.
Ông chủ thở dài đáp:
- À, thì ra là thế! Nhưng
trước khi bàn kỹ điểm thứ hai này, tôi xin mạn phép trở lại điểm thứ nhất của
ông trước đã. Ông có thể cho xem qua các bằng chứng được không ạ?
- Được chứ – Khoái vui vẻ
đáp trong khi mở cặp lấy một tờ giấy ra đưa cho ông Sỹ.
Đó là bản trích lục khai
sanh của Nguyễn Thiện Cơ.
Ông Sỹ chăm chú đọc từ đầu
đến cuối, mỗi giòng mỗi gật đầu. Chủ ý của ông là nhớ cho kỹ số hiệu và ngày
đăng ký khai sanh.
Xem xong, ông thong thả gập
đôi tờ giấy lại, đưa trả cho Khoái và nói:
- Thưa ông, bản khai sanh
này đúng rồi. Xin ông cho coi nốt chút chứng tích gia đình.
- Nghĩa là… – Khoái bối rối
hỏi lại – nghĩa là…, xin lỗi, ông chủ nói sao, tôi chưa được hiểu?
- Thưa ông, chứng tích gia
đình là bức tranh anh tôi giao cho cháu giữ làm dấu tích đề phòng sau này anh
em chúng nó dễ nhận ra nhau.
- À, phải – Khoái trả lời,
mắt sáng lên – Tôi nhớ ra rồi, bức tranh vẽ phong cảnh nhà quê mà tôi thấy cháu
khư khư đeo ở sau lưng cùng với bọc quần áo trong những ngày chạy loạn. Xong
rồi! Bức tranh ấy, tôi có. Tôi vẫn cho treo ở trong phòng ngủ của cháu. Tôi sẽ
cho mang lên đây giao cho ông chủ khi cần.
- Vâng – ông Sỹ tiếp lời –
điểm thứ nhất thế là tạm coi như đã giải quyết. Giờ ta qua điểm thứ hai… Chả
nói giấu gì ông, ba má thằng Cơ qua đời từ lâu, để lại hai thằng con trai nhưng
không có một chút di sản nào cho chúng nó cả. Hiện tôi đang nuôi anh thằng Cơ
là thằng Căn ở đây. Phần gia tài của riêng tôi cũng chả được bao lăm, chạy vạy
lắm mới mở được cái hãng nhỏ bé này làm kế sinh nhai. Nay ông đòi những một
triệu đồng thì thật quả không làm sao chạy được. Xin ông thông cảm và thể tình
nghĩ lại giùm cho.
- Khó lắm, thưa ông chủ –
Khoái giở giọng cứng rắn – Chúng tôi nông cạn chỉ biết nghĩ sao thì thưa đúng y
như vậy mà thôi. Còn chấp thuận hay không, cái đó hoàn toàn tùy ở như lượng của
ông chú… Nhưng theo chúng tôi thiển nghĩ, số tiền đó có to là to đối với chúng
tôi, chứ đối với ông chủ thì, xin lỗi, ăn nhằm gì…
Ông Sỹ cười lạt, điềm nhiên
đáp:
- Tôi nói thế này khí không
phải, xin ông bà Mười đừng buồn…
Vợ chồng con cái lão Khoái
giật mình đánh thót một cái, tự hỏi : Lạ quá! Mình chưa giới thiệu họ tên, sao
lão ta đã biết tỏ tường như vậy kìa?
- Cháu tôi nó cũng đã lớn –
ông Sỹ ung dung nói tiếp – khi ông đọc bài “Nhắn tin” của tôi, có thể nó cũng
đã thấy bài ấy rồi. Trước sau, nó vẫn biết nó là ai vì khi bắt đầu xa nhà, nó
đã lên sáu và đã đi học nên bắt buộc phải thuộc tất cả những gì cần thiết ghi
trong giấy khai sanh của nó. Sở dĩ nó không nỡ tự động lên đây kiếm tôi, có lẽ
vì nó muốn lưu lại một chút tình với ông bà cho có thủy có chung. Nói xin lỗi,
nếu cháu nóng lòng gặp lại những người ruột thịt mà cứ tự ý lên đây dù không
được ông thuận tình, thiết tưởng ông cũng khó có lý do vững chắc để gây rối cho
chúng tôi được. Là vì nếu ông có một bản khai sanh của cháu, – tôi xin nhấn
mạnh : ông có một bản trong khi chúng tôi có nhiều bản – thì mảnh giấy đó không
đủ để chứng minh bất cứ liên hệ huyết thống nào giữa ông bà và cháu Cơ nhà tôi.
Nói gần nói xa chẳng qua nói
thật. Cháu nó sở dĩ muốn lưu lại một chút tình với ông bà là cốt để cho chúng
tôi có dịp đền ơn ông bà đã nuôi dưỡng mấy năm nay. Nói ông bà bỏ lỗi, dù trong
thời gian ấy ông bà có đối xử với cháu nó thế nào đi chăng nữa, chúng tôi vẫn
có bổn phận phải coi nghĩa cử của ông bà thâu nhận cháu trong thời gian qua là
cái ơn trọng mà chúng tôi cần phải báo đáp.
Chúng tôi vừa thương cháu mồ
côi mồ cút, vừa nể lòng ông bà không quản ngại đường xá xa xôi mà lên đây nên
chúng tôi xin cố gắng chu biện đủ 300.000đ. đưa hầu ông bà. Quả tình, sức chúng
tôi chỉ cố được đến mức đó, xin ông bà lượng tình hiểu cho.
Mười Khoái suy nghĩ thật
nhanh : Lão ta có lý, mình giữ được một bản khai sanh thật chả đi đến đâu. Nếu
không giải quyết gấp rút, thằng nhãi con sốt ruột rông mất thì vợ chồng mình
chỉ còn có nước hút gió chứ kiện cáo gì ai bây giờ? Con dao, họ đã nắm đàng
chuôi mất rồi!
Và y cương quyết đánh một
ván bài thật liều, ván bài y đã cùng với vợ con xếp sẵn từ lúc ở nhà.
- Vâng – y nói – ông chủ đã
dậy chí tình như vậy, chúng tôi chẳng lẽ không tuân. Thôi thì một triệu là đâu,
mà ba trăm ngàn là đâu! Chúng ta lấy tình nghĩa đối xử với nhau làm trọng, há
câu nệ đồng tiền nhiều ít hay sao? Được, được, ông chủ đưa ba trăm ngàn thôi
cũng được. Hà hà…
Rồi y đứng dậy, vỗ vai thằng
con trai lúc đó đã dọn sẵn một bộ mặt ngây thơ.
- Thưa ông chủ – y trịnh trọng
nói – để tỏ lòng tin cậy nơi ông chủ tôi xin dành quyền ưu tiên cho tình huyết
mạch. Đó mới là cái chính, còn tiền nong chỉ là cái phụ… Đây, cháu ruột của ông
chủ đây, cháu Nguyễn Thiện Cơ đây!
Y đẩy thằng con trai:
- Lại mừng chú con đi, con!
Như cái máy, thằng tỷ tiến
tới, khoanh tay cúi đầu ấp úng:
- Thưa chú…
- Khoan đã – bà Sỹ đứng sau
tấm bình phong vội bước ra can thiệp – Tôi sợ cậu này…
Ông Sỹ mỉm cười, đưa mắt
ngăn lại:
- Bà gọi thằng Căn ra đây
cho tôi.
- Thưa chú, con đây.
Thằng Căn vừa chạy ra vừa
nói, khiến cả ba người khách choáng hồn tưởng đâu như thằng Có vừa ở Saigon bay tới.
Thôi thế là bao nhiêu hy
vọng tan tành, họ đắng cay tự nhủ. Trời ơi! Sao hai đứa lại giống nhau được đến
thế nhỉ?
Ông Sỹ khoan thai nói, gỡ
thẹn cho khách:
- Ý hẳn ông bà định thử
chúng tôi một chút chứ gì? Thưa, không thể lẫn được đâu, ông bà ạ.
Và ông mau mắn giới thiệu:
- Đây là cháu Nguyễn Thiện
Căn, anh ruột của cháu Nguyễn Thiện Cơ. Hai anh em nó giống nhau như đúc. Người
ta thường kêu là “trộn cũng không lẫn”. Chẳng những giống ở hình dáng, ở khuôn
mặt, tiếng nói của chúng cũng giống nhau nữa. Thành thử, nếu vạn nhất, thất lạc
hết những chứng tích gia đình, chúng vẫn có thể nhận ra nhau một cách dễ dàng
được. Tuy nhiên, nói thì nói vậy, chứ có đầy đủ những chứng tích bao giờ chả
hơn, có phải không, ông Mười?
Ngượng chín người, Mười
Khoái vội kiếm lời chống chế:
- Dạ, có chứng tích bao giờ
cũng vẫn hơn chứ ạ. Biết đâu sau này nó lại còn được dùng vào những việc khác,
hữu ích hơn.
Nói cho ngay, khi vừa tới
đây, nghe tiếng nói câu cười của ông chủ, tôi đã nhận thấy ngay là không khác
thằng cháu Thiện Cơ một chút nào. Bèn nẩy ra ý định thử xem ông chủ có thể vì
nôn nả gặp cháu mà lầm lạc trong việc nghe tiếng gọi của tình máu mủ hay chăng.
Ngưng một giây, y nói tiếp:
- Nhưng tôi cũng xin thưa
ngay để ông chủ được yên tâm. Cháu Thiện Cơ hiện ở nhà tôi và bức tranh hiện
vẫn trưng trong phòng ngủ của cháu.
Rồi y vội vã kết thúc:
- Thôi, bây giờ câu chuyện
coi như đã ngã ngũ. Chúng tôi xin phép ông chủ ra về. Mai mốt chúng tôi xin đưa
cháu Thiện Cơ lên đây cho ông bà cùng với bức tranh.
Ông Sỹ cũng niềm nở không
kém:
- Vâng, về phần chúng tôi,
cũng phải thu xếp ngay cho đủ số ba trăm ngàn như đã hứa với ông bà. Chúng tôi
không để ông bà thiệt thòi đâu mà ngại…
________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V, VI