Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

CHƯƠNG III_THÁI TỬ U SẦU


PHÁP SƯ TÙNG VĨ ÚC TRỔ TÀI


Đêm ấy ngoài trời tối đen như mực, gió thổi rì rào, bầu không khí thật là êm ả và mát dịu.

Thế mà gà gáy đến canh ba, cậu hoàng ta vẫn chưa ngủ được. Không phải cậu ta đang mơ tưởng đến những món đồ chơi đắt giá hay lạ kỳ hiện đang được bày biện dưới Đại sảnh… Cậu ta đang mải mê theo dõi hoạt động của con chim họa mi rừng. Từ khi bị thị vệ đem hai lồng chim lên phòng riêng của Thái Tử, con chim rừng đã bám sát không buông. Nó vượt qua cửa sổ, xâm nhập vào phòng, tới đậu ngay trên giá sách.

Mỗi khi cậu hoàng lên dây cho con chim máy phát âm, thì con chim rừng xà ngay xuống, châu mỏ vào lồng để hợp tấu. Có khi nó lướt qua mặt hoàng tử, có khi nó đánh bạo đậu vào vai hay cánh tay gầy yếu của cậu bé đáng thương kia. Sau vài lần như vậy, nó làm đủ cách để cậu bé chú ý đến nó và bạn nó đang bị nhốt ở trong lồng.

Dưới ánh đuốc bập bùng, nó bay đi, lượn lại, quay thành vòng to nhỏ, chao lên lộn xuống thật uyển chuyển, thật linh động. Đôi khi đang bay lượn, nó ngừng đập cánh để thân hình bé nhỏ của nó nhẹ nhàng rơi xuống, chao bên này, chao bên kia như chiếc lá vàng rơi trong gió thoảng, rồi tới đậu ngay bên gối của cậu hoàng.

Bây giờ, nó đổi trò chơi. Từ trên cao nó đáp nhẹ vào một nan lồng, thò đầu qua chấn song, khẽ kêu một tiếng thật tha thiết như mời gọi con chim bạn đang đứng im lặng trong đó. Nó tần ngần một lúc, như không hiểu tại sao bạn nó không cất giọng ngân nga như ban nãy và tại sao lại làm thinh không thèm ngoái cổ nhìn nó, mặc dầu nó tận tình mời mọc ? Có lẽ con chim rừng sẽ ngạc nhiên hơn nữa nếu nó để ý đến con tu hú; chú ta khi chiều nhảy nhót, ăn uống tưng bừng là vậy, thế mà bây giờ cũng đứng lặng trang, không khác gì bạn nó.

Con chim rừng đứng bên lồng, kêu thêm hai tiếng nhỏ rồi bay ngay đến bờ vai cậu hoàng. Nó kêu nho nhỏ và dụi đầu vào má Thần Lực, như van xin cầu khẩn điều gì.

Lần đầu nó làm thế, cậu hoàng chưa để ý, nhưng khi nó tái diễn trò chơi ấy lần thứ hai, thì cậu chợt hiểu nó muốn gì. Lấy đầu ngón tay mơn man con vật bé bỏng, cậu dịu dàng bảo nó:

- “ Mặc dầu chẳng ai dạy ta tiếng nói của chim, ta vẫn hiểu chúng và lúc nào ta cũng là bạn của loài vật có cánh. Mỗi khi ta xuống vườn Ngự Uyển, bầy chim vành khuyên, chích chòe và chim sáo vẫn lại gần ta líu lo nhảy nhót. Mi muốn ta phóng sinh cho bạn mi chớ gì? Nhưng mi có biết đâu, ta có mở cửa lồng thì bạn mi cũng vẫn đứng ì một chỗ, vì nó có phải là loại chim rừng như mi đâu… ”

Nói đến đây, cậu hoàng lắc đầu ngao ngán, thấy mình bất lực không giúp ích gì cho con họa mi bé nhỏ ấy. Từ lúc ấy, việc này không thôi day dứt cậu bé ốm yếu và có từ tâm của chúng ta. Cậu nằm im, nhắm mắt để suy nghĩ. Một chặp khá lâu, cậu ngồi nhỏm dậy, gọi giật mấy tiếng: “ A li ! A li ! ”, tức thì cánh cửa phòng bật mở. Một tên cận vệ cao lớn lực lưỡng chạy vội vào. Tới bên giường, y quỳ xuống một gối, cúi đầu chờ lệnh.

- Ngươi hãy lại gần hơn nữa và cõng ta lên đài chiêm tinh.

- Thưa Thái Tử, ngài muốn tới thăm quan Khâm Thiên Giám Đại Thần?

- Phải rồi – Mau lên. Ta có việc gấp !

*

Tùng Vĩ Úc, vì tuổi già cũng có, vì nhu cầu nghề nghiệp cũng có, rất ít ngủ. Đêm nào cũng vậy, ông dán mắt vào ống thiên lý kính, dõi theo các chòm sao và các vì sao có liên hệ xa gần đến nhà vua, đến hoàng hậu, thái tử và các thân vương, quận chúa trong hoàng tộc. Ông cũng theo dõi các vì sao chiếu mệnh của các vì vua lân quốc, các tướng súy trấn nhậm ở biên ải và các văn quan có thế lực trong triều. Nếu là một người kém thông minh, ít kinh nghiệm, thức trọn đêm cũng không thể nhìn ngắm và suy đoán được đầy đủ bấy nhiêu vì sao. Nhưng Tùng Vĩ Úc là một nhân tài xuất chúng, tất cả việc ấy chỉ chiếm lối hơn phần ba thời gian của một đêm. Ông còn dư thời giờ để đọc sách cổ thi và nghiên cứu về y học, tìm hiểu ý nghĩa bí hiểm trong các kinh thư, sách phép bí truyền. Ông có một tủ thuốc cả trăm ô kéo đựng nhiều thứ dược thảo quý giá hiếm hoi. Có rất nhiều bầu và hũ sành đựng các thứ rượu thuốc và các nước ngâm rễ cây lấy trong rừng sâu của các miền cực Nam và cực Bắc. Ông điều chế nhiều thứ thuốc đặc biệt công hiệu, trị được nhiều bệnh rất hiểm nghèo, mà các quan ngự y đã chạy mặt. Thế mà ông đành chịu phép không sao làm chuyển được cái bệnh không rõ căn nguyên nó làm cho sức khỏe Thái Tử ngày một hao mòn.

Thường thường khi gà gáy canh ba hay canh tư, ông mới đi ngủ. Giường của ông chỉ là tấm da gấu trắng ấm áp đặt ngay sàn gạch ở góc phòng. Đêm nay, sau khi nghiền ngẫm và thấu triệt được ý nghĩa sâu xa của một bí kíp, ông quyết tâm dành hết thời gian để thí nghiệm xem có linh ứng thật chăng. Ngay từ giờ Tý, ông đã soạn sẵn giấy bút, nghiên mực và hộp thuốc vẽ, đặt ngay ngắn trên chiếc bàn con kê bên cửa sổ quay về hướng đông. Sau đó ông tới nằm dài trên tấm da gấu, lấy một cuốn sách nói về dược tính của các loại thảo mộc để đọc cho qua thời giờ.

Đúng giờ Dần, ông ngồi dậy, xốc lại chiếc áo ngoài cho ngay ngắn, lấy một vuông vải đỏ bịt lên đầu làm khăn, rồi tới ngồi bên chiếc bàn con. Ông lâm râm đọc những câu thật khó hiểu có lẽ là thần chú, rồi mới vén tay áo rộng, cầm bút lông chấm mực viết nhiều chữ ngoằn ngoèo ở góc mặt tờ giấy lệnh. Kế đó, ông lấy những bút nhỏ hơn, chấm thuốc màu vẽ ra một cành đào màu nâu sậm. Ít phút sau, dưới bàn tay tài tình của ông, những búp đào, nụ đào đua nhau xuất hiện. Rồi nhiều hoa đào khác thi nhau đua nở, phô những cánh trắng phớt hồng óng ánh như thể xà cừ, chẳng khác gì hoa thật.

Ông ngừng giây lát, lẩm nhẩm ít câu rồi tiếp tục hạ bút. Lần này ông không vẽ hoa nữa, mà vẽ con ong đang chúi đầu vào hút nhụy hoa. Vẽ hoa đã tài, vẽ ong còn tài hơn. Ai được nhìn con ong đó cũng phải cho nó là con ong thật, do một người tinh nghịch giết chết và đem ghim vào bức họa coi cho lạ mắt.

Vẽ xong, ông đứng thẳng lên, ngắm nhìn bức họa rất đơn sơ nhưng thật là sống động. Nhìn đôi mắt rạng rỡ và nụ cười kín đáo trên làn môi nhăn nheo của ông, rất đắc ý với tác phẩm này. Ông đến bên kệ sách, lấy ba nén nhang châm vào ngọn đuốc kế đó rồi trở lại chiếc bàn con. Ông đứng trang nghiêm nhìn qua cửa sổ, hai tay chắp lại cầm nén nhang hướng lên vòm trời đầy sao lấp lánh. Ông khấn vái một chập, cúi xuống bức họa lấy nén nhang vẽ thành nhiều nét ngoằn ngoèo trên thinh không, cách bức họa chỉ vài ba tấc, miệng liên tục niệm chú. Vào giờ này, bốn bề im lặng, giun dế hết kêu than. Trong bầu không khí lặng trang như vậy mà thầy pháp sư Tùng Vĩ Úc, đầu đội khăn đỏ, mình mặc áo triều, lâm râm khấn vái giữa những làn khói nhang uốn éo vươn lên rồi tan dần, kể ra cũng khá rợn người…

Đang viết và vẽ rất uyển chuyển như vậy, bỗng Tùng Vĩ Úc vấn hai tay vào nhau, bắt quyết, ba nén nhang chỉ thẳng vào con ong, ông dậm chân hét lớn: “Bay ! Bay mau !”... “Bay ! Bay mau !” Thế là con ong vẽ trên giấy dường như nhô dần lên, có đủ bề dày tròn trĩnh của một con ong thật. Rồi mấy cái chân của nó máy máy dưới cặp mắt trừng trừng rất oai nghiêm của vị pháp sư. Khi sáu cái chân nó đã cựa quậy đều hòa, tới phiên mấy cái cánh trong vắt mấp máy, đập đập mỗi lúc một nhanh hơn. Pháp sư lại dậm chân hét lớn: “Bay đi ! Mau!” đồng thời hai tay cầm nhang chỉ thẳng ra ngoài cửa sổ. Lạ lùng thay ! Con ong trên giấy đã biến thành con ong thật và tuân lệnh pháp sư, nó bay vù vào đêm tối.

Quá mệt mỏi vì đã tận dụng sức mạnh tinh thần trong cuộc thí nghiệm trên, Tùng Vĩ Úc ném ba nén nhang qua cửa sổ, ngồi phịch xuống ghế, lấy tay áo lau mồ hôi toát ra đầy trán và sau cổ. Ông ngồi thừ ra một chập và tính trở lại nằm nghỉ ngơi trên chiếc da gấu. Bỗng có tiếng chân nặng nề vang lên, mỗi lúc một rõ hơn, trên chiếc cầu thang xây hình trôn ốc bằng đá hoa cương. Ông vội đứng lên, đi ra phía cửa, thì vừa gặp A-Li tiến vào. Hắn ngồi sụp xuống để cậu hoàng Thần Lực đặt chân xuống đất, đi thẳng vào chiếc ghế bỏ trống, trong khi vị lão thần gập người lại chào mừng. Cậu hoàng ra lệnh cho A-Li ra chờ ngoài cửa, khi nào gọi mới được vào…

Quan Khâm Thiên Giám lễ phép tiến đến bên cậu hoàng.

- Thưa Thái Tử, giữa đêm hôm khuya khoắt thế này, ngài đến thăm nơi ở luộm thuộm của lão thần chắc có điều gì dạy bảo.

- Quan Khâm Thiên Giám ơi, đêm nay tôi không ngủ được.

- Thưa có phải bệnh chuyển mạnh mà ngài không ngủ được chăng?

Cậu hoàng tử giơ tay ra dấu, chỉ một chiếc ghế đẩu gần đó cho vị lão thần kéo đến ngồi gần mình hơn, sau đó mới chậm rãi nói:

_ Không phải thế. Tôi hầu như đã quên căn bệnh của tôi, nhưng lại bị một niềm đau khổ ngoại lai dằn vặt khôn nguôi.

Cậu hoàng liền kể lại hoạt động của con chim rừng để cầu xin phóng thích cho con chim máy như thế nào. Cậu nói tiếp:

“Và giả dụ như con chim máy chỉ biết hót thành tiếng, mà cũng biết đau khổ như con chim rừng thì sao?”

- Thưa Thái Tử ! Tại sao ngài lại đi quá xa như vậy ? Một con chim bằng gỗ và sắt mà người ta đã dán từng chiếc lông vũ trên mình nó và đặt trong ngực nó một bộ phận phát âm thì làm sao biết cảm xúc được?

Cậu hoàng bỗng nhiên giận dữ.

- Sao? Ngươi là điển hình cho sự khôn ngoan, ngươi là người có thể đoán tương lai sau khi ngắm nhìn các tinh vân và thiên tượng, ngươi biết bấm độn để truy ra những điều thiên hạ cố che giấu, vậy mà ngươi lại đặt vấn đề với ta như thế à?

Cậu ta nổi dóa, nói một hơi dài, làm vị lão thần phát quýnh, chỉ cúi đầu năn nỉ: “ Xin Thái Tử tha lỗi. Xin Thái Tử tha lỗi.” Nhưng cậu ta hết cơn thịnh nộ lại đến cơn nức nở:

- Con chim bằng gỗ và sắt như ngươi nói, con chim máy ấy nó giống như ta đó. Phải, ta có khác gì nó bao nhiêu. Nó bị giam hãm trong lồng thếp vàng, còn ta bị giam hãm trong bệnh tật. Bệnh tật là cái lồng chim giữ ta, không cho ta vui hưởng cuộc đời vương giả, vậy mà Tùng Vĩ Úc chẳng có cách gì tháo gỡ cho ta.”

Nghe tới đây, đôi mí mắt và đôi môi của vị lão thần đều rung động cũng như hai bàn tay gầy guộc của ông. Bấy lâu ông đã khổ sở vì không có cách gì làm thuyên giảm bệnh tình của Thái Tử, bây giờ bị trách mắng như vậy ông càng đau buốt đến tâm can. Ông đành ngồi yên chịu trận. Cậu hoàng con nói đã hả hơi mới đấu dịu:

- Ta muốn ngươi làm cách nào cho Bách Thanh có một trái tim và đôi cánh bay được để nó cùng bạn nó, một con chim họa mi mái, có thể sánh đôi bạn bay lượn ngoài trời và xây tổ ấm ở nơi nào chúng thích.

- Dạ, thưa Thái Tử, điều ngài vừa truyền dạy…

- Thôi ngươi đừng nói là việc ấy khó quá, không thể làm được. Ngươi nên nhớ đó là lệnh của ta và ngươi có bổn phận phải thi hành. Ta để cho ngươi ba ngày để chuẩn bị. Ta sẽ cho A-li lên triệu thỉnh xuống phòng riêng của ta và xem ngươi bắt tay vào việc.

Nói xong, không đợi Tùng Vĩ Úc trình tấu gì nữa, cậu ta lớn tiếng gọi A-li, leo lên lưng to như tấm phản của hắn, và hai thầy trò đi ra khỏi lầu Khâm Thiên.

*

Trong mấy ngày chờ lệnh, Tùng Vĩ Úc loay hoay lục tìm thêm các tài liệu tối cổ, để tìm xem có còn bí quyết nào linh diệu hơn pháp thuật mà ông đã dùng cho con ong vẽ trên giấy bay được. Nhưng chỉ hoài công vô ích. Làm gì có phép mầu nhiệm hơn. Không đợi đến ngày thứ ba, ngay hai hôm sau, ông lò dò xuống Đông cung vào yết kiến Thái Tử và xin được làm thử vào giờ Dần của đêm hôm ấy.

Đúng hẹn, ông mặc triều phục, chít khăn đỏ, cầm nhang vào phòng cậu hoàng. Cậu ta ngồi đợi trên ghế ở giữa phòng, trên vai có con chim mái đứng im như chim giả. Gần đó là chiếc bàn, để trên hai lồng chim đoạt giải nhất nhì. Vào khỏi cửa, việc đầu tiên của Tùng Vĩ Úc là châm hương nơi ngọn đuốc gần nhất. Ông tiến thêm mấy bước, ngừng lại cách bàn lối ba bước. Ông cầm nhang, chỉ một cái vào lồng họa mi, tức thì cánh cửa lồng tự động bật tung ra. Ông chỉ cái thứ hai, con chim máy nãy giờ đứng im, tự nhiên cất tiếng hót, chẳng cần phải lên dây. Tức thì chim mái chuyển đến bên lồng và hai con lại hợp tấu.

Ông tiến thêm mấy bước, đến sát cái bàn, quay về hướng Đông và diễn lại mọi động tác như khi ông làm phép cho con ong giấy bay đi. Khi ông dậm chân, hét lớn: “Bay ra! Mau!… Bay ra! Mau!”, cậu hoàng giật nẩy mình nhưng trấn tỉnh lại ngay. Cậu định thần nhìn con chim máy và reo lên “Ồ!… ồ!…” Con chim máy đã nhấc một chân lên, bỏ xuống, nhấc chân khác, rồi nhún nhảy trên hai cái chân bé xíu màu đỏ hồng. Một lát sau, sau mấy tiếng thét của pháp sư, hai cánh chim bỗng mấp máy mỗi lúc nhanh hơn và “Vút!” nó bay vọt ra ngoài lồng, ngượng nghịu bay quanh mấy vòng. Chẳng bao lâu, hình như được con mái yểm trợ tinh thần và dạy nó cách bay theo lối chim trời, nó bay có vẻ thuần thục hơn.

Cậu hoàng, vừa kinh ngạc, vừa vui sướng há miệng nhìn trân đôi uyên ương tinh xảo ấy. Chúng bay lên, lượn xuống nhiều vòng như chào tạm biệt hai người, rồi bay vút ra ngoài trời lờ mờ ánh sao đêm. Cậu hoàng vịn ghế đứng dậy, nghiêng mình thi lễ với pháp sư và cảm động thốt lên: “ Đa tạ ! Đa tạ… ông thật là người hiền tài có phép thần thông. Nhưng xin đừng để cho chim tu hú kia cam phận thiệt thòi. Tiện đây, ông ra tay giải phóng cho nó, để nó bị nhốt mãi ở đây tội nghiệp ”.

Sau cái đêm có một không hai ấy, sáng hôm sau, cánh rừng trong Ngự Uyển, có thêm đôi họa mi làm tổ trên cây thông cao nhất. Và kể từ hôm ấy, sáng sáng, trước khi mặt trời mọc, muôn thú quanh vùng được mấy tiếng kêu sang sảng của một con tu hú báo tin mừng…

*

Sau khi nghỉ xả hơi, và uống liền ba chung rượu mỹ tửu do cậu hoàng chân thành kính tặng thưởng công, Tùng Vĩ Úc mệt mỏi, lần bước leo lên đài Khâm Thiên. Chính ông cũng hân hoan và kinh ngạc về việc làm của ông. Ông không ngờ những pháp thuật và phù chú ghi chép trong các cổ thư lại linh ứng đến như vậy. Thầm cảm phục vị tiền bối nào đã tìm kiếm ra phép lạ này, ông lại nghĩ tới điều tiên đoán đã trình với nhà vua cách đây không lâu: “ Hy vọng chữa khỏi bệnh cho Thái Tử có thể tới bằng đôi cánh…! Đôi cánh ấy là con họa mi hay là con tu hú ? Rất có thể không phải là hai con chim giả tạo mới được biến hóa thành chim trời, vì đâu phải chỉ có loài chim mới có cánh, con dơi, con chuồn hay ong, bướm cũng là những sinh vật có cánh vậy.”

Vậy sứ giả đem thần dược đến cho hoàng tử là loài chim chóc hay thuộc côn trùng ? Đó là cả một điều huyền bí ông chưa thể khám phá ra.

________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV