CHƯƠNG II
MA QUÁI XUẤT HIỆN
Tối hôm đó, ông bà Lê Dũng
ngồi đọc báo trong phòng khách. Gian phòng rộng với những hàng cột to và bài
trí theo lối xưa vì ngôi nhà này được xây cất khá lâu dưới thời Pháp thuộc.
Cuối phòng là cầu thang bằng gỗ đánh bóng dẫn lên lầu.
Phòng khách quá rộng rãi nên
ánh sáng từ chiếc đèn trên tường chỉ soi rõ một phần gian nhà, ngoài ra những
nơi khác khá xa ngọn đèn nên mù mờ tối. Trong vùng ánh sáng đó một bộ “sa lông”
được kê dùng tiếp khách. Hiện giờ ông bà chủ nhà chăm chú xem tin tức trên báo.
Ông Lê Dũng tỏ vẻ không quan tâm đến việc xảy ra hồi sáng. Riêng bà Lê Dũng có
ý chú tâm đến vụ trộm vào nhà. Vả lại những điều bàn tán ngoài chợ lúc chiều
nầy làm bà hoang mang. Bà bỏ tờ báo xuống và nói:
- Ông à! Sao tôi thấy ông
bình tĩnh quá.
Ông Lê Dũng ngước mắt nhìn
vợ hỏi:
- Bình tĩnh về vụ gì? Tôi
chưa hiểu ý bà muốn nói.
- Thì vụ trộm vào nhà đó.
Ông chẳng tỏ ra thái độ gì chứng tỏ lưu tâm đến bọn gian.
Ông Lê Dũng bật cười nói:
- Tôi lưu tâm nhiều lắm chứ?
Nhưng là hồi sáng kìa. Bây giờ thảnh thơi đọc báo cho bớt căng thẳng thần kinh.
Vả lại nhà có mất mát gì đâu. Bọn chúng chỉ dám lẻn vào khi nào nhà cửa vắng
người chứ hiện giờ mình có mặt, đố tụi nó dám đào hầm khoét vách.
- Chính ở chỗ bọn chúng
không lấy món nào tôi mới nghi.
- Bà nghi điều gì?
Bà Lê Dũng biết rằng điều
mình sắp nói ra đây sẽ làm ông ôm bụng cười và không tin. Nhưng bà có nhiều yếu
tố để chứng tỏ điều mình nghi ngờ là đúng. Những lời thiên hạ nói ở chợ còn
văng vẳng bên tai và tăng thêm sự tin chắc của bà. Tuy đã quyết định cho chồng
biết nhưng bà vẫn ngại nói ra. Bà còn đang chần chừ thì ông Lê Dũng đã lập lại
câu hỏi lần nữa:
- Bà nghi điều gì? Tại sao
lại không nói ra? Biết đâu tôi chẳng giải quyết được.
Không thể kéo dài được nữa,
bà nói:
- Tôi nghi… nhà mình… có…
ma.
Quả đúng như sự dự đoán, ông
Lê Dũng cười không tin. Ông bảo:
- Giữa thời đại này bà còn
tin ma?
Biết rằng phải giải thích
cặn kẽ mới mong làm ông Lê Dũng tin nên bà trả lời:
- Vì ông chưa thấy nên ông
chưa tin đó thôi.
- Bà đã trông thấy ma hiện
ra tại nhà mình rồi à?
- Không, tôi không thấy
nhưng người ta thấy “nó” xuất hiện ở nhà này.
- Ai đã trông thấy và nói
lại bà nghe chuyện động trời đó? Tôi với bà sống ở đây cả chục năm trời có bao
giờ thấy ma quỉ gì đâu.
- Lúc trước không có nhưng
từ khi mình bỏ nhà lên Đà Lạt chúng bắt đầu xuất hiện. Nhiều người thấy và bàn
tán ầm cả chợ. Họ bảo cách đây mấy hôm có dịp ngang nhà mình vào ban đêm họ
thấy có ánh đèn leo lét và bóng trắng hiện ở cửa sổ nhà mình.
Ông Lê Dũng vẫn chưa tin:
- Chắc họ quáng mắt trông
lầm chứ gì. Làm sao có chuyện ma quỉ. Họ thấy bà yếu bóng vía nên đặt điều dọa
chơi đó thôi.
Bà vẫn quả quyết có thật và
nêu lên yếu tố khác:
- Ông không nhớ rằng cách
đây thật lâu, trước khi mình đến ở, nhà này được dùng làm “phòng nhì” của Pháp?
- À! Tôi hiểu bà muốn nói gì
rồi. Phải bà có ý nói lúc đó mật thám Pháp bắt người về đây đánh đập, tra khảo,
chôn xác ngoài vườn nên có ma?
- Ông cho rằng không đúng?
- Tôi đoan chắc như vậy. Sự
việc chỉ là bọn gian vào nhà mình trong lúc vắng người đào xới tìm vật gì đó
nhưng không thấy. Để bà xem, vài hôm nữa ông Thanh Tra cảnh sát sẽ đem ra ánh
sáng thủ phạm.
Vừa nói dứt câu ông bỗng im
bặt nhìn về phía góc nhà khuất ánh sáng. Mắt ông mở to lên sửng sốt, miệng há
hốc không nói nên lời. Ông nhác thấy bóng một người mặc đồ tang trắng, tóc
buông xõa hiện ra. Ông kinh ngạc nhìn và ú ớ gọi:
- Kìa… bà nhìn ở… góc nhà…
Bà Lê Dũng quay lại nhìn.
Bóng ma biến mất từ lúc nào. Lúc đó ông Lê Dũng mới hoàn hồn nói lắp bắp:
- Ồ! Lạ quá… Tôi mới thấy
đó… giờ mất rồi…
Bà Lê Dũng ngạc nhiên:
- Ông nói vừa thấy gì rồi
mất? Tôi chẳng nhận ra gì cả.
- Tôi vừa thấy một bóng
người hiện ra ở góc phòng. Hình như một người đàn bà mặc bộ đồ tang trắng, tóc
xõa che kín mặt. Khi bà quay lại nó biến mất.
Bà Lê Dũng sợ hãi:
- Trời! Thấy chưa, tôi nói
có sai đâu. Ông cứ một mực không tin. Bây giờ thấy tận mắt rồi ông có chịu nghe
lời tôi không.
Như còn nghi ngờ, ông bảo:
- Có thể tôi nhìn lầm. Bà
đừng hốt hoảng thế. Tôi vẫn chưa tin có chuyện ma hiện ra tại nhà mình.
*
Ngọn đèn nhỏ nơi đầu giường
tỏa ra thứ ánh sáng yếu ớt soi mù mờ gian phòng ngủ. Ông Lê Dũng còn trằn trọc
mãi chưa ngủ. Từ sáng đến giờ ông gặp biết bao nhiêu chuyện rắc rối. Vụ trộm
cạy cửa vào nhà tưởng đâu êm xuôi giờ thêm bóng ma hiện ra ở phòng khách. Những
sự kiện xảy ra trong ngày khiến ông phân vân đến nỗi không ngủ được. Bí mật bao
trùm quanh căn nhà. Không lẽ nào có chuyện ma quái như lời thiên hạ đồn đãi?
Bọn gian nạy cửa vào nhà chính là người chứ không phải ma. Nếu ma tại sao chúng
lại phải mất công phá cửa?
Tuy không tin rằng có ma
nhưng ông còn nghi vấn về bóng trắng ban nãy. Óc ông đột nhiên lóe lên một tia
sáng để giải thích sự xuất hiện vừa rồi. Có thể bọn gian lẻn vào nhà nhưng vì
bóng tối khiến ông nhìn lầm ra bóng ma. Lúc ông gọi vợ, tên kia hoảng sợ bỏ
trốn làm tăng thêm mối phân vân.
Bên ngoài trời tối đen như
mực, gió đêm rít qua khe cửa vào phòng lạnh buốt. Tiếng chó sủa từ xa vọng lại
lanh lảnh. Lá cây xao động rì rào như có ai lay động. Một vẻ gì ghê rợn trong
nhà. Ông Lê Dũng có cảm giác rờn rợn khắp người. Lá khô bị gió thổi kéo rèn rẹt
trên con đường trải sỏi dưới sân vọng lên như tiếng chân người kéo lê trên mặt
đất. Bốn bề hoang vắng lạ thường.
Bỗng một chuỗi tiếng động từ
dưới nhà đột ngột vang lên. Ông Lê Dũng nín thở lắng nghe. Dường như tiếng chân
người nặng nề tiến từng bước chậm chạp, gót giày gõ vang động trên sàn gạch.
Đúng là tiếng chân người. Nhưng ai lại vào nhà ngang nhiên khua giày như thế?
Ông chồm người dậy bước nhẹ
nhàng ra khỏi phòng. Qua ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn treo trên thang gác, ông
lần mò bước thận trọng xuống từng nấc thang. Ông cố tránh gây tiếng động để
được chứng kiến tận mắt con người kỳ lạ kia.
Đến chỗ gắn “công tắc” ông
dừng lại nghe ngóng. Tiếng chân vẫn vang lên đều đều và theo sự ước đoán của
ông, con người kia chỉ cách ông chừng năm thước. Tự nhiên một nỗi lo sợ xâm
chiếm lấy ông. Thu hết can đảm, ông đưa tay bật đèn và hét:
- Ai đó?
Qua vùng ánh sáng tuy chói chang, lóa mắt, ông cũng nhận ra một
bóng người khuất nhanh qua cánh cửa ăn thông ra ngoài vườn. Một người dong dỏng
cao với tấm lưng rộng, dáng vóc của dân Tây phương, đôi giày cao ống da đánh
bóng, bộ y phục của quan quyền dưới thời Pháp và thắt lưng đen mang khẩu súng
ngắn.
Ông Lê Dũng vội chạy theo
chận lại. Nhưng ông vô cùng sửng sốt vì cánh cửa vẫn khóa kín. Như vậy người
kia thoát ra ngoài vườn bằng ngõ ngách nào?
Bất giác ông rùng mình. Ông
vừa nhớ lại chuyện người mật thám quốc tịch Pháp bị dân trong vùng nổi loạn
giết chết tại căn nhà này cách đây mấy mươi năm. Cũng vào một đêm thanh vắng
như đêm nay và cũng tại nơi này.
*
Trở về phòng ông không còn
buồn ngủ nữa. Dưới nhà tiếng chân im bặt. Căn nhà lại chìm trong im lặng, một
thứ im lặng rợn người và khó thở.
Trời càng về khuya, gió thêm
lạnh và lá cây ngoài vườn xao động mạnh.
Đột nhiên tiếng chân ban nãy
tiếp tục vang lên. Nhưng lần này không phải tiếng gót giày mạnh bạo gõ trên sàn
nhà mà nghe như tiếng chân của một người mệt mỏi kéo lê trên mặt đất. Tiếng
chân tiến về phía thang gác. Ông Lê Dũng hồi hộp chờ đợi. Từng bước chân chậm
chạp bước lên thang, rõ dần… và… rõ dần. Cuối cùng tiếng chân im bặt trước
phòng ngủ của ông. Thần kinh ông căng thẳng tột độ, tay chân như rã rời, không
cử động nổi.
Ông suýt hét lên khi thấy
cửa phòng được khóa cẩn thận tự động mở ra như có ai nắm kéo. Tiếng bản lề rít
lên làm rởn tóc gáy. Từ khung cửa hiện lên một người bê bết máu, quần áo tả
tơi. Ngọn bạch lạp nơi tay y lung linh thật dễ sợ, xiềng xích trói tay khua
động leng keng. Bóng người kia giương cặp mắt mệt mỏi về phía ông, môi mấp máy
như nói một câu gì. Gương mặt sưng vù, thành tích sau một cuộc tra tấn. Đôi tay
khẳng khiu trong lớp áo rộng thùng thình phất phới vẫy chào ông.
Kinh sợ, ông Lê Dũng sửng
sốt nhìn bóng người đầy vết máu. Ngọn bạch lạp lu mờ, lu mờ dần và tan biến
trong nỗi kinh hoàng. Bóng ma hiện ra và biến mất không gây một tiếng động nào
khác ngoài chiếc xiềng khua nơi tay. Nhưng ông Lê Dũng như còn thấy cánh tay
gầy ốm, xanh xao kia vẫy mãi. Và cuối cùng ông ngất đi trong cơn mơ đầy hình
ảnh quái dị.
_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III