CHƯƠNG V
BỨC TRANH
Hơn bẩy giờ sáng, ông Năm
Cầm đi đâu về, cười hề hề bảo vợ đang đứng chờ ở cửa:
- Anh chị Mười lóng rày sang
dữ. Bây giờ còn bầy đặt đi Đà Lạt nghỉ mát nữa cơ đấy. Tôi vừa gặp hai vợ chồng
với thằng con diện quần áo lạnh mới toanh bước lên xe đò đi Đà Lạt…
- Vậy hả? – Người vợ nói rồi
quay sang nhà bên cạnh, hỏi chõ vào trong – Thằng Có có ở trong nhà không đó?
Ba má và anh hai mày đi Đà Lạt rồi hả?
Có mở cửa ra thưa:
- Dạ, ba má và anh hai cháu
mới đi hồi sáng sớm, cháu không biết đi đâu.
- Họ dắt nhau đi Đà Lạt nghỉ
mát đấy – vợ Năm Cầm đáp – Sướng ghê ta! Bác Năm cháu vừa trông thấy họ ở bến
xe. Sao cháu không được đi? Phải ở nhà trông nhà hả? Tội nghiệp thằng nhỏ thế
thì thôi! Làm việc quần quật suốt ngày, quanh năm chí tối mà chẳng được đi chơi
lấy một phút. Chả bù với thằng Tỷ, rong chơi tối ngày!...
Có ậm ừ vâng dạ mấy tiếng xã
giao rồi mặc vội quần áo, lấy xe ra, lễ phép nói với vợ chồng lão Năm Cầm vẫn
còn đứng ba hoa trước cửa:
- Hai bác cho cháu gửi nhà
một lát, cháu ghé Trường Đua một chút xíu cháu về ngay.
- Ờ, ờ, cứ khóa cửa lại cho
chắc ăn. Rồi để bác trông chừng cho, không đứa nào dám phá cửa vào dọn đồ đi
mất đâu mà sợ.
Có lên xe phóng vội đến nhà
Cường báo động:
- Anh Cường ơi! Sáng sớm hôm
nay, họ kéo nhau lên Đà Lạt hết cả rồi. Anh tính sao? Em sợ họ phá vỡ kế hoạch
của mình quá!
Cường bình tĩnh trấn an bạn:
- Yên chí đi! Không có chi
phải lo ngại hết. Để mặc anh đối phó cho.
Nói xong, ngồi vào bàn hí
hoáy thảo một bức điện:
Nguyenthiencan
1782 Phandinhphung Dalat
Mười và vợ con lên tới chiều nay (.) Đề phòng mạo
nhận (.) Nhớ ghi số và ngày khai sanh (.)
BTTB (1)
Cường (./.)
Thảo xong, đưa cho Có và
dặn:
- Có lấy xe phóng lẹ tới Bưu
Điện Trung ương, bên hông nhà thờ Đức Bà, đánh bức điện tín này cho anh Căn đi.
Xong đâu đấy, cứ yên tâm về
nhà chờ anh. Sáng nay, anh được nghỉ hai giờ đầu, nhưng bận chút việc, chừng
tám giờ rưỡi mới lại Có được. Tuyệt đối không có gì đáng lo ngại đâu. Rồi anh
sẽ phân tách cho Có hiểu từng chi tiết…
*
Cường tới đúng tám giờ rưỡi,
không sai một phút. Bao nhiêu lo âu tan biến, Có nhẩy tót ra đón, dắt xe vào
trong nhà.
- Sao, đầu đuôi câu chuyện
ra sao? – Cường hỏi trước khi ngồi xuống ghế.
- Từ bữa anh bói Kiều và bắt
đầu để báo lại, rồi mỗi ngày mỗi để báo lại cho em đều đều, ông bà Mười bèn tập
được thói quen xem báo. Nhất là ông Mười, ông đọc kỹ lắm, không sót chỗ nào.
Thành thử khi anh đăng báo “Nhắn tin tìm cháu”, ổng thấy ngay và chỉ cho bả đọc
đi đọc lại.
Ban ngày, ổng bả bàn tán
những gì em đâu có biết vì còn bận suốt ngày đi làm như anh đã rõ. Ban đêm, đêm
hôm kia, ổng bả bàn soạn lâu lắm, em nghe được hết. Có cả anh Tỷ nữa.
Số là từ ngày cái lều sửa xe
của em đông khách, kiếm được bộn tiền, và nhất là từ ngày em được quen anh, –
ổng bả có vẻ nể anh lắm, – ổng bả đối xử với em có nương tay ít nhiều nên chín
mười giờ tối em đã được nằm một chỗ nghỉ ngơi cho lại sức.
Ổng bả yên trí em đang sức
ăn sức ngủ, đặt mình xuống là ngáy pho pho nên bàn chuyện riêng với nhau chỉ dè
dặt lúc ban đầu. Đến giai đoạn gay cấn, họ thảo luận hăng say quên cả giữ gìn
nên phát thanh khá lớn, em nằm nhà trong nghe rõ mồn một mặc dầu em không cố ý
nghe lỏm.
. . . . . . . . . . . . . .
. . .
- Theo tôi nghĩ – lão Mười
nói – đầu têu vụ này không ai khác hơn là thằng Cường.
- Ông nói thế nghĩa là sao?
– Mụ vợ hỏi.
- Nghĩa là đầu dây mối nhợ
là do thằng Cường chứ còn ai vào đây. Nó quen tụi ở Đà Lạt, tụi này nhờ nó điều
tra, và nó điều tra ra thằng Có nhà này chính là thằng Nguyễn Thiện Cơ. Nó mới
bầy đặt chuyện bói Kiều, đoán Kiều để xúi dục vợ chồng mình buông tha cho thằng
Có. Rồi lại bầy trò mỗi ngày để lại mấy tờ báo. Tức là nó sửa soạn để cho cái
tin đăng báo tìm người nhà đập vào mắt mình.
Người vợ vặn lý sự liền:
- Ông nói vậy khó nghe quá!
Tôi hỏi ông : cậu ấy bầy đặt mấy chuyện đó với mục đích gì? Xin mình buông tha,
mình không buông tha thì làm gì được mình nhỉ? Mách mình bản nhắn tin để làm
gì? Không lẽ để cho mình lượm được một mớ tiền? Liệu ông có chia cho cậu ấy một
đồng xu teng nào không?
- Bà luận vậy cũng có lý –
lão Mười công nhận – Nhưng sao tôi cứ nghi nghi. Nhất là cái bữa bói Kiều. Nào
là “mở cửa cho ra”, nào là “tình nặng, ơn sâu”, cái gì nó cũng cố nói vơ vào…
- Ông cứ nghĩ bậy cho người
ta hoài – người vợ cự nự liền – Thế tôi hỏi ông, kỳ cá ngựa tuần ấy con Phi
Hồng có giật giải không nào? Trúng phong phóc vậy mà ông còn nói kia nói nọ.
- Ối chào! Chẳng qua là chó
ngáp phải ruồi – lão Mười vẫn cố cãi – Bây giờ đến lượt tôi hỏi bà : thằng
Cường khôn lanh như vậy, bộ nó mù tịt không biết gì về vụ thằng Có nhà ta sao?
- Ông sao hay có tật thì
giật mình! Bàn dân thiên hạ biết bao nhiêu người thông minh sáng láng, dễ
thường họ đều bắt buộc phải tỏ tường chuyện bí mật của những người khác hay
sao?
- Nói tóm lại, theo như ý bà
thì thằng Cường không hay biết gì ráo phải không?
- Tôi không biết – người vợ
cãi và lý luận – Tôi chỉ thấy có hai điều : Một là cậu ấy không biết, tức là
cậu ấy vô tình mang một mối lợi lớn lại cho mình. Hai là cậu ấy có biết, nhưng
cậu ấy không xui thằng Có bỏ nhà đi, tức là cậu ấy cố ý tạo điều kiện cho mình
kiếm một mớ đỡ khổ. Đàng nào cậu ấy cũng là người tốt, không có làm hại gì cho
mình nếu không nói là giúp ích cho mình rất nhiều.
- Bà lý sự như vậy cũng được
đi. Nhưng…
Lão Mười bỗng hạ thấp giọng,
Có lắng tai mới nghe rõ:
- Nhưng tôi nói thật cho bà
biết, mình không thể thấp cơ thua trí một thằng bé con được. Dù sao thằng Có
bây giờ cũng là một cây tiền cây bạc của mình, mỗi tháng thâu vô được năm sáu
chục ngàn chứ phải ít ỏi gì cho cam. Dại gì buông nó ra để đổi lấy một trăm
ngàn đồng đền ơn đáp nghĩa. Chi bằng ta cứ… thằng Tỷ… được cả đơn lẫn kép… tha
hồ…
. . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . .
- Em chỉ nghe được đến đó mà
thôi – Có kể tiếp – Đoạn cuối nói nhỏ quá, có cả tiếng bàn cãi của anh Tỷ, em
nghe không rõ nên không tài nào đoán ra họ lập mưu mẹo gì. Mãi sáng sớm hôm nay
nghe ông hàng xóm cho biết tất cả ba người kéo nhau đi Đà Lạt, em mới ngờ rằng
họ định đánh tráo người, đem con ruột của họ thế vào chỗ của em để vừa được
tiền đền ơn, vừa ném được một con chuột chuyên phá phách vào trong cái chĩnh
gạo nếp thật đầy.
- Chính anh cũng liệu như
vậy nên vừa rồi mới bảo em đi đánh dây thép dặn anh Căn đề phòng gian lận đó.
Lão Mười tham lam quá. Làm sao cấy nổi thằng Tỷ vào trong gia đình ấy được. Cái
bản mặt cô hồn và cái tiếng nói khào khào như vịt đực của thằng Tỷ trộn lẫn thế
nào được vào những khuôn mặt hiền lành và giọng nói ấm áp một cách đặc biệt của
gia tộc em!
Tươi hẳn nét mặt, Cường hân
hoan nói tiếp:
- Nhưng xét cho cùng, họ đi
Đà Lạt sáng nay cũng có nhiều cái hay cho chúng ta…
- Lại có chuyện ngược đời đó
nữa sao anh? – Có ngạc nhiên hỏi lại.
- Có chứ sao không? Này nhé,
ông Sỹ, chú em, thú thật không kiếm đâu ra được một bản khai sanh của em. Muốn
nhờ Tòa Tỉnh Kiến Hòa lục giùm cũng không phải chuyện dễ vì không nhớ số và
ngày khai. Nay lão Mười lù lù dẫn xác lên Đà Lạt, nhất định phải xuất trình một
bản khai để làm bằng chứng. Anh đã dặn trong điện tín là phải ghi nhớ số và
ngày khai. Biết rõ số và ngày khai rồi, sau này muốn xin bao nhiêu bản trích
lục mà không được. Mình có khai sanh rồi thì bản khai sanh lão Mười nắm trong
tay bỗng trở nên vô dụng. Như vậy khác nào họ có con dao sắc, bỗng dưng đưa cho
ta nắm đàng chuôi. Đó là một điều lợi thấy rõ.
- Còn điều lợi nào nữa không
anh? – Có nôn nóng hỏi.
- Ờ, còn một điều lợi thứ
hai cũng quan trọng không kém. Trong thư trước, anh Căn báo cho anh biết là em
hiện đang giữ một bức tranh làm chứng tích gia đình. Chuyện
này, khi anh ở Đà lạt, chú em quên không nhắc đến. Em cũng công nhận là có,
nhưng chúng ta không có một lúc nào thật vắng vẻ, thật tự do để mang bức tranh
ấy ra mà xem xét coi có cái gì lạ không. Nay họ đi vắng, tức là họ dành cho
chúng ta một thời cơ thật thuận tiện để làm công việc ấy.
- Anh nhắc bây giờ em mới
nhớ – Có reo lên – Để em vào lấy anh coi.
Đó là một bức tranh hình chữ
nhật, tranh sơn dầu, một bề 30 phân, một bề 40 phân, dường như do một bức tranh
khổ 60x40 cắt đôi ra.
Đề tài trình bầy, không có
gì đặc sắc lắm, thường là đàng khác. Bối cảnh là một ngôi từ đường cổ kính giữa
một vườn hoa rộng mông mênh. Bình diện gần là một hàng rào ngăn cách vườn hoa
với một mảnh rộng trồng các thứ rau, có một con rạch nhỏ chạy ngang suốt từ bên
này sang bên kia bức tranh.
Có hai tay trịnh trọng nâng
bức tranh đưa cho Cường và nói:
- Cậu mợ em trước khi chết
bảo em rằng ba em căn dặn phải giữ cho kỹ bức tranh này để làm dấu tích hầu sau
này anh em ruột thịt nhận được ra nhau. Trong những ngày chạy loạn, em phải kè
kè mang nó đi theo. Ở đây, mới đầu ông Mười mắng không cho treo, sau thấy em kiếm
ra tiền, có lợi cho ổng nhiều nên ổng mặc kệ cho em máng nó ở đầu giường.
Cường ngắm nghía mãi, không
tìm ra dụng ý của những nét vẽ.
- Có bao giờ em tháo tranh
này ra khỏi khung không? – Cường hỏi.
- Dạo chạy loạn ở Huế – Có
đáp – thấy nó cồng kềnh quá, cậu em định tháo bỏ cái khung ra, chỉ cần giữ lấy
bức tranh không cuộn nó lại cho gọn, nhưng không có thì giờ mà tháo nữa. Thét
rồi quen đi. Về đến Saigon, yên rồi, cứ để vậy
treo cho tiện. Không ai có ý tháo ra làm gì nữa.
- Thế bây giờ, ta thử tháo
ra xem có gì lạ không nhé? – Cường đề nghị.
- Dạ, tùy anh.
Tấm ván mỏng ép sau bức
tranh vừa được mở ra, Cường đã vui mừng reo lên:
- Có thế chứ! Giá trị bức
tranh là ở đây này. Ha ha ha…
Có ngạc nhiên chạy lại nhìn,
thấy Cường đã nhẹ nhàng vuốt mép bức tranh phía tay mặt. Thì ra bức tranh chỉ
có ba cạnh phẳng phiu, còn một cạnh thì khúc khuỷu, chỗ nhô ra chỗ thụt vào,
phải gấp lại theo một đường thẳng mới lồng vào khung được. Chỗ gấp ấy đã thành
nếp, nhưng vì gấp ở mặt sau nên coi tranh ở mặt trước không ai để ý.
Nhìn mặt sau bức tranh, thấy
mé bên trái có hai ngón tay mầu đỏ in rõ từng vân. Dưới dấu tay, có ghi ba chữ
: Nguyễn Thiện Cơ.
Mé bên phải có bốn hàng chữ:
Long vỹ xà đ
Can qua xứ xứ
MÃ ĐẦU DƯƠNG
THÂN DẬU NIÊN
Có kinh ngạc kêu lên:
- Trời ơi! Ai ngờ lại còn
những cái kỳ lạ này nữa, thế mà mấy năm nay chả biết gì cả. Nhưng ý nghĩa ra
sao, em không hiểu, anh giảng cho em nghe đi.
- Giản dị quá mà em – Cường
nói – Này nhé, ba em có một bức tranh vẽ một cảnh quen thuộc ở quê nhà. Ông có
hai đứa con trai nên lăn tay và đề tên mỗi đứa ở một bên bức tranh. Giữa bức
tranh, ông viết một bài thơ cổ. Đoạn ông cắt bức tranh ra làm đôi bằng một
đường gẫy để sau này khi ráp hai nửa lại, hễ thấy các đường răng cưa ăn khớp
vào nhau là đúng.
Vì tranh bị cắt đôi nên bài
thơ cũng bị cắt đôi. Do đó em thấy những chữ bị cụt và những câu không có vần.
Thật ra thì bài này có vần có luật đàng hoàng…
Vẫn còn thắc mắc, Có hỏi:
- Nói vậy, đó là một bài thơ
cổ, tức là một bài thơ đã có sẵn từ xưa. Vậy chắc anh thuộc bài thơ ấy?
- Thuộc chứ – Cường đáp –
Đúng ra, đó không phải là một bài thơ thường, mà là bốn câu Sấm của Cụ Trạng
Trình. Bốn câu Sấm này quá phổ biến nên nhiều người thuộc lắm.
- Thế ý nghĩa của nó ra làm
sao anh? – Có hỏi.
- Trạng Trình thấu rõ máy
trời, biết trước những việc xẩy ra mấy trăm năm về sau nhưng không dám tiết lộ
thiên cơ. Bởi vậy Cụ phải gói ghém những điều tiên tri trong những câu thơ bí
ẩn gọi là Sấm. Chỉ khi nào việc xẩy ra rồi, người ta mới thấy là Sấm ứng
nghiệm. Không mấy ai đoán được đúng ý nghĩa của nó trước khi biến cố xẩy ra…
Có thắc mắc hỏi:
- Đã khó khăn bí hiểm như
thế, chả biết ba em còn viết vào bức tranh làm gì? Ai mà hiểu nổi?
Cường giải thích:
- Ba em chỉ mượn hình thức
mấy câu sấm để che mắt những kẻ tò mò. Nó không có ý nghĩa gì về thời thế như
những câu sấm đích thực. Trái lại, nó mang những nghĩa bóng, những nghĩa ẩn mà
người dưng không thể biết được, nhưng người thân thuộc lại có thể đoán ra dễ
dàng.
Anh tin rằng khi ráp bức
tranh của em vào bức tranh của anh Căn, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa thực sự
của toàn thể bức tranh cũng như của những câu sấm trá hình vậy.
Cường bảo Có trong khi y tần
ngần lật đi lật lại tờ tranh và khe khẽ đọc mấy đoạn thơ cụt ngủn:
- Thôi ráp tranh vào khung
đi, treo trả vào chỗ cũ. Nhớ đừng để ai chú ý đến nó nghe.
Đến giờ đi học, Cường đẩy xe
ra, sắp nhẩy lên yên bỗng sực nhớ ra một việc vội chạy vào bảo Có:
- Khoan, đừng lắp tranh vào
vội. Trưa nay, họ chưa về kịp đâu. Để tan học, anh về nhà lấy máy hình lại đây
chụp ít kiểu mặt trước, mặt sau phòng khi bức tranh vì một lý do nào đó bị thất
lạc…
---------------
(1) BTTB : bắt tay trái bạn
(lối chào thân mật giữa các Hướng Đạo Sinh.)
CHƯƠNG VI
CẢ NGƯỜI LẪN TRANH MẤT TÍCH
Đi Đà Lạt vội vàng. Về
Saigon cũng vội vàng. Vừa về tới nhà, việc đầu tiên của lão Mười là kiểm soát
xem Thiện Cơ có còn đó hay không, hay là đã rông đi đâu mất tích rồi.
- Có đâu? – Y đập tay vào cửa
sắt gọi – Có đâu, mở cửa cái coi.
Có lên tiếng thưa:
- Dạ, để con kiếm xâu chìa
khóa.
- Ở nhà hổm rầy có chi lạ
không? – Y vừa bước vào nhà vừa hỏi.
Rồi không đợi nghe Có trả
lời, y sồng sộc chạy xuống nhà dưới, đảo mắt ngó quanh, liếc thật nhanh lên
tường cạnh tấm giường của Có.
Bức tranh vẫn còn đó, y
nguyên. Thế là yên chí lớn. Có thể coi là chắc như cua gạch món ba trăm ngàn sẽ
nắm trong tay. Dù chẳng nhiều nhặn gì nhưng đó cũng chẳng phải là một món tiền
nhỏ nhoi mỗi lúc mỗi kiếm ra một cách dễ dàng.
Bây giờ y mới dám phóng tâm
nghỉ ngơi sau hai ngày đi lại vất vả.
- Có à! – Y đặt ly nước ngọt
xuống bàn, quay đầu xuống bếp gọi – Trời hãy còn sớm, mày lấy xe lại Trường Đua
căng lều lên mà làm việc, may ra còn kiếm được một mớ đỡ khổ. Mấy hôm đi tiêu
hết nhẵn cả tiền…
- Dạ! – Có ngoan ngoãn vâng
lời.
Vừa định thay đồ mát nằm
nghỉ, y sực nhớ hôm nay là chủ nhật, có những độ ngựa gay cấn mà không bao giờ
y chịu bỏ lỡ trừ những khi ốm liệt giường.
Y gọi vợ lại bảo:
- Bà với thằng Tỷ ở nhà nhé.
Tôi phải ghé Trường Đua một lát cho đỡ ghiền.
- Ờ, đi đâu thì đi, miễn sao
đừng về hạch tiền tôi là được rồi.
*
Tối mịt hôm ấy, y lần về
nhà, thất thểu như một người vừa ốm dậy. Y ngạc nhiên thấy trong nhà tối om.
Thì ra cả nhà đi vắng hết, cửa đóng có khóa trái ở ngoài.
- Ông Mười đó hả? – Bà Ba
bên hàng xóm hỏi vọng ra.
- Phải, tôi đây. Chi đó, bà
ba?
- Bà Mười đi khỏi, chắc lại
đi đậu chến. Một lát sau, cậu Tỷ cũng đi luôn. Gửi tôi chìa khóa… Chìa khóa
đây, ông Mười.
- Cám ơn bà Ba.
Y mở khóa vào nhà, bật đèn
lên, ngồi chưa nóng chỗ đã thấy mụ vợ bò về, phờ phạc như người mất hồn.
- Đen ơi là đen – mụ lau mồ
hôi than thở – thua không còn một đồng bạc dính túi!
- Tôi cũng đâu có hơn gì bà!
– Mười thở dài than – Chưa bao giờ bị ngựa đá
tới tấp và đau như kỳ này. Hết cả tiền về xe, phải năn nỉ người ta cho quá
giang đến đầu đường, rồi lết bộ về nhà đó.
Lát sau, y an ủi vợ, mà cũng
là tự an ủi mình:
- Thôi, bà nó ơi! Cờ bạc có
canh đỏ canh đen, người ta cũng có lúc lên lúc xuống. Trời sắp cho vợ chồng
mình hưởng cái hoạnh tài nên bắt vợ chồng mình phải chịu một chút thử thách đó
thôi… Thôi, chịu khổ cực vài hôm, rồi tha hồ mà phong lưu.
Mụ vợ thở dài thườn thượt,
vào trong sân rửa mặt. Bỗng kêu thất thanh:
- Chết rồi, ông ơi!
Lão Mười cuống lên, hỏi dồn
dập:
- Cái gì thế? Cái gì thế?
Mụ vợ đứng như trời trồng,
mắt thất thần ngó lên bức tường trơ trọi cạnh tấm giường xiêu vẹo của Có.
- Bức tranh… bức tranh đâu
mất rồi? – Mụ nói không ra hơi, thều thào như người sắp thở hắt ra.
Người chồng, mặt cắt không
còn hột máu, cũng thở hắt ra luôn:
- Chết tôi rồi! Chết tôi
rồi!
Một lát sau, lại hồn, cả hai
người quên cả mệt nhọc, cùng nhau lục lọi khắp nhà nhưng tốn công vô ích. Bức
tranh đã biến mất.
Lão Mười là người tự trấn
tĩnh được trước tiên. Uống một hơi hết ly nước đá lạnh, lão trầm ngâm suy nghĩ:
- Cái điệu này – lão nói –
đúng là thằng con quý tử của bà chơi vố này đây!
- Ông nói sao? Ông nghi cho
thằng Tỷ hả?
-
Thì còn ai trồng khoai đất
này? Bức tranh ấy không có giá trị gì đối với tất cả mọi người. Và ở cái
đất Saigon này chỉ có vỏn vẹn năm người biết là nó quý giá mà
thôi. Năm người đó là tôi với bà, thằng Tỷ, thằng Có và thằng Cường. Hai
đứa
này không lấy, hay nói đúng ra chúng không thèm lấy vì cả nhà mình đi
vắng mấy
hôm mà bức tranh vẫn còn cho đến khi mình về. Tôi không lấy, bà không
lấy, thì
lòi ngay ra thằng Tỷ lấy chứ còn ai vào đó nữa.
- Tôi sợ ông nghi oan cho
con – mụ Mười cố chống chế.
- Oan! Thôi được! Để tôi hỏi
kỹ lại xem cho bà biết oan hay ưng nhé!
Lão bước ra cửa, nói chõ
sang nhà bên cạnh:
- Bà Ba có ở nhà không, cho
tôi hỏi thăm một chút coi.
Có tiếng chân bước ra cùng
lúc với tiếng trả lời:
- Chi đó, ông Mười?
- Chiều nay, thằng Tỷ nhà
tôi gửi chìa khóa cho bà, có nhắn gì lại cho chúng tôi không hả bà?
- Không! Không có nhắn nhe
gì hết.
- Cháu nó đi chơi một mình
hay có bạn bè nào tới rủ?
- Cậu ấy đi một mình.
- Bà có thấy nó mang trong
tay vật gì không?
Suy nghĩ một thoáng, bà Ba
tươi cười đáp:
- Có, tôi thấy cậu ấy cắp ở
nách cái gì lớn bằng tấm lịch treo tường, ngoài có bao bằng giấy nhật trình.
- Thôi, đúng rồi! – Lão lẩm
bẩm, đứng ngây người ra, một lát sau mới ngượng ngập cúi đầu nói với bà Ba:
- Cảm ơn bà Ba, chúng tôi
làm phiền bà Ba nhiều quá.
- Dạ, không có chi.
Lão Mười quay vào nhà, ngồi
phịch xuống ghế, bảo vợ:
- Bà thấy không? Đúng là
thằng ông mãnh đã ăn cắp bức tranh. Không biết nó định giở trò ma bùn gì đây?
- Tôi thấy bức tranh có giá,
nó túng tiền đem cầm thế lấy ít nhiều xài đỡ chứ gì – người vợ rụt rè nói.
- Có chó nó mua, có chó nó
cầm – người chồng tức mình gắt – Tranh có giá là có giá với mình đây nè, chứ
đằng thằng một bức tranh phong cảnh xẻ làm đôi thì còn đẹp đẽ nỗi gì! Ai cầm,
ai mua thứ đó!
Suy nghĩ một lúc lâu, lão
nói tiếp:
- Theo tôi nghĩ thì thằng
con quý tử của bà định bắt chẹt mình đây. Nó đem gửi bức tranh ở nhà một thằng
bạn nào đó thôi, mượn đỡ ít tiền xài. Thế nào ngày mai nó cũng vác cái xác của
nó về đòi tiền chuộc.
Mụ vợ thở dài than:
- Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng
bây giờ cả ông và tôi, túi sạch nhẵn như chùi, lấy gì mà chuộc được. Thật chán
con với cái! Chỉ một mực ăn chơi rồi phá!
- Thôi, để xem chiều nay sửa
xe kiếm được đồng nào, bà giữ lấy rồi liệu dụ nó mà lấy lại bức tranh, hẹn ít
bữa nữa lên Đà lạt lấy tiền về, muốn bao nhiêu cũng có. Bà nhớ nó trả tranh rồi
hãy đưa tiền nhé… Ủa! Mấy giờ rồi? Sao tối đã lâu ớn mà chưa thấy thằng Có về
nhỉ?
- Ờ, tám rưỡi rồi, ông. Mọi
ngày chỉ bẩy rưỡi là cùng nó đã về tới nhà. Hay có món khách nào tới trễ, nó
phải nán lại làm rốn cho xong chứ gì!
Chưa nói dứt câu đã nghe có
tiếng xe máy đậu ngay cửa.
- Chắc nó về đó!
Cả hai người ngóng cổ chờ.
Có tiếng Cường hỏi vọng vào:
- Em Có có ở trong nhà
không, hai bác?
- Ủa! Mời cậu Cường vào chơi
– lão Mười chạy ra mở rộng cửa, mời đon đả – Em nó chưa về. Không hiểu bận công
chuyện gì mà giờ này chưa thấy trở về.
- Cháu vừa ở đàng Trường Đua
lại đây – Cường nói – Hồi chiều, Có không có mặt ở chỗ sửa xe. Cháu đi cắm trại
ở Lái Thiêu về, có mấy quả măng định mang lại cho Có thì chỉ thấy cái lều
không. Có đi đâu mất, xe Honda cũng đâu mất tiêu luôn. Thằng Sún con ông Năm ở
lều bên cạnh cho biết rằng hồi chiều, lúc sâm sẩm tối, có một người lạ mặt, cao
lớn, ăn mặc như lính kín, dựng chiếc xe Suzuki ở cạnh lều, vào nói chuyện gì
với Có một lúc, rồi thấy mặt Có tái xanh, lấy xe ra, nhờ thằng Sún trông lều
giùm trước khi đi theo người lạ mặt. Không biết là đi đâu.
Lão Mười mặt nhăn nhó, than
thở:
- Thật là tai họa! Rắc rối
vô cùng! Biết làm sao bây giờ đây?
Rồi lão năn nỉ:
- Thôi, trăm sự nhờ cậu
Cường. Cậu nhủ lòng thương kiếm nó cho vợ chồng tôi.
- Hai bác cứ yên tâm – Cường
nói – Ba cháu quen lớn với mấy ông trong Bộ Chỉ huy Cảnh sát. Để cháu về thưa
với ba cháu điện thoại nhờ mấy ổng ra lệnh cho các Quận kiếm giùm thế nào cũng
ra.
- Thôi, cậu Cường – lão Mười
vội lên tiếng cản – Đừng phiền đến cơ quan Cảnh sát vội. Xưa nay, tôi vốn có
cái tật là rất ngại có chuyện, bất cứ chuyện gì, với mấy ông Cảnh sát.
- Cháu nghĩ nhiều khi tránh
cũng không được, bác ạ. Là vì có thể một Quận, một Ty, hay một Chi cuộc nào đó
đã bắt giữ Có vì bất cứ một lý do nào… Nếu không can thiệp kịp thời, cháu e…
Càng nghe, vợ chồng lão Mười
càng cuống lên.
- Vâng – mụ vợ nói – thôi
trăm sự nhờ cậu Cường đó. Cậu cố giúp chúng tôi phen này được… tai qua nạn
khỏi…
*
Chiều hôm ấy, Có vừa làm
xong mấy mối, kiếm được mấy trăm bạc, đang mải o bế mấy món đồ phụ tùng mà
khách hàng có cảm tình mang cho, thì Hải đậu xịch chiếc xe Suzuki đen ở trước
lều.
Hải, một nhân viên Cảnh sát
đang nghỉ phép nên bận thường phục, cũng là một khách hàng quen của Có. Y rất
mến thương Có vì cậu bé này có đủ những đức tính của một người thợ giỏi : rành
nghề, thông minh và thực thà, nhất là thực thà.
- Có ơi – y nói choang
choang – có rỗi coi giùm anh cái xe!
- Dạ, nó sao đó anh? – Có
hỏi.
- Nó mới dốc chứng, chạy
nhanh thì không sao, mà hễ cứ đến chỗ đông, khẽ thắng cho chạy chậm lại một
chút là y như rằng ông ấy tắt máy. Bực mình hết sức!
Y bước vào lều, nói ba điều
bốn chuyện với Có lúc ấy còn bận loay hoay xếp lại mấy món đồ nghề cho có ngăn
nắp. Cả hai vô ý quay lưng ra ngoài.
Hải chợt giật mình kêu:
- Chết cha! Nó thổi mất xe
rồi, Có ơi! Hừ, láo thật! Quân này láo thật.
Có lật đật đẩy chiếc Honda
ra, còn trông thấy hút chiếc Suzuki đen phóng hết tốc lực về phía Bẩy Hiền.
- Sún ơi! – Có gọi thằng nhỏ
ở lều bên cạnh – Trông lều giùm anh một lát nhé.
Rồi quay lại giục Hải:
- Anh lên đây em chở. Xe ấy
chạy không lại xe em đâu, nhất là nó có tật như anh vừa kể.
Xe phóng vun vút, nhưng vì
đường chật người đông phải lách tránh mất thì giờ nên đến Trường Nữ Quân Nhân
thì mất hút chiếc Suzuki. May được một khúc đường vắng, xe lao nhanh như gió.
Gần đến ngã tư Bẩy Hiền đã thấy dạng một tên du đãng cao kều đang lạng chiếc xe
đen ở đàng trước.
- Quân này to gan thật! –
Hải hăm he – Chưa biết chủ xế là ai mà nó dám thổi! Quả là điếc không sợ súng!
Khoảng cách mỗi lúc một thâu
hẹp. Hải đắc chí:
- Phen này ăn đòn rồi, con
ơi! Phải cho quân này một trận thật mê tơi, rồi tống cho nằm ấp mới đáng kiếp!
Ai đời xểnh ra một chút là ăn cắp! Loạn quá!
Tên quái xế dường như chưa
biết nguy cơ đã gần kề. Y chắc mẩm nuốt ngon miếng mồi vì trời nhá nhem tối rất
khó phân biệt ngay gian và y đã về gần tới sào huyệt. Bỗng một chiếc xe hơi
chạy ngược chiều lao tới. Y vội lách tránh. Đường chỗ này quá đông. Xe khựng
lại, rồi tắt máy. Y cuống lên đạp, máy chưa chịu nổ thì một tiếng còi cảnh sát
ré lên cướp tinh thần. Y hốt hoảng quay lại, nhận ra xe Có đang lao tới. Thấy
rõ cả Hải ngồi sau lưng ngó lom lom trông dữ như một hung thần.
- Chết mẹ rồi!
Y chửi thề. Tuy tiếc đứt
ruột, tên cao kều đành phải quăng xe lại, co giò phóng mình vào một con hẻm
chạy tháo thân.
Trèo lên xe, chàng cảnh sát
bảo bạn:
- Anh nhận ra thằng này rồi.
Thằng Chi Cao trong băng thằng Tuệ Sếu ở bẩy Hiền đây mà. Thằng nhãi cũng khôn
hồn đấy! Không thì phen này ốm đòn!
Chợt có tiếng gọi:
- Có! Có! Đi đâu đấy?
Có ngửng lên nhìn, mừng rỡ
reo lên:
- A! Anh Cường! Anh đi cắm
trại đã về!
Hải vỗ vai Có, bảo:
- Thôi, Có về sau với bạn
nhé. Tối rồi, anh phải về nhà gấp. Bữa nào rảnh anh sẽ ghé.
Có lễ phép chào:
- Dạ, anh lại nhà.
Sau khi nghe Có kể chuyện
đuổi theo tên ăn cắp xe, Cường cười bảo:
- Thằng Chi Cao cùng một
băng với thằng Tuệ Sếu và thằng Tỷ đó. Anh vừa trông thấy thằng Tỷ ôm một vật
gì to bằng tấm lịch treo tường, ngoài bọc giấy báo, bước vào trong xóm thằng
Tuệ ở ngã tư Bẩy Hiền.
- Không khéo lại là bức
tranh của em cũng chưa biết chừng.
- Có thể! Nhưng dù có vậy
cũng không sao. À, Có này, đây cũng là một dịp tốt để ta đánh một đòn quyết
liệt cho ông bà Mười tối tăm mặt mũi… Bây giờ, em đừng về nhà nữa. lại anh ngủ
đỡ một đêm đi. Cơm tối xong, anh sẽ tạt qua nhà em, hù cho ông bà Mười mấy câu.
Rồi sáng mai, anh dẫn em về, thế nào ông bà ấy cũng phải lo đưa trả em lên Đà
Lạt gấp.
*
Chín giờ sáng hôm sau. Vợ
chồng Mười Cá Ngựa đang ngồi phờ phạc trong nhà, bỗng nghe thấy tiếng máy xe
quen thuộc đậu trước nhà, ngó ra thấy Cường và Có thì mừng như bắt được vàng.
- A! Cậu Cường tới! A! Thằng
Có về!
Cường vào nhà, nói tía lia:
- Y như rằng là Có bị người
ta tố cáo mua của gian để thay đồ cho khách. Thư nặc danh, tố cáo vu vơ chẳng
có bằng chứng gì, nhưng nếu không can thiệp kịp thời cũng dám ăn đòn lắm. Tệ
một cái là người ta hỏi nó tên chi, nó cứ một mực khai tên là Có. Không biết
họ, không rõ ngày sanh, cũng không rành được tên cha mẹ nữa. Thằng nhỏ cù lần
hết sức. Họ bực mình, đã suýt nổi sùng. May sao, ba cháu điện thoại hỏi ra nơi
giữ Có nên cháu tới vừa đúng lúc. Cháu khai đại cho em : Tên là Nguyễn Thiện
Cơ, 14 tuổi. Con ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Phạm thị Kim, cả hai đều quá cố.
Cháu gọi ông Nguyễn Thiện Sỹ, kỹ nghệ gia ở Đà
lạt bằng chú ruột. Hiện tạm trú ở nhà bác đây. Quả tình mới 14 tuổi, chưa đến
tuổi khai lược giải cá nhân. Có giấy khai sanh làm bằng chứng. Nếu không tin,
bác sẽ thân hành mang khai sanh tới xuất trình…
Mười Cá Ngựa càng nghe càng
biến sắc. Bụng bảo dạ : Thằng ranh con này sao cứ y như là ma xó, cái gì cũng
biết, mà lại biết thật rành mới chết chứ! Thôi, phải rồi, đúng nó là đầu dây
mối nhợ tất cả chuyện này đây. Nếu không lo mau mau giải quyết cho êm đẹp, nó
dám nổi sùng dẫn lão Sỹ về Saigon trình khai
sanh cho Cảnh sát rồi nhận cháu thì mình chỉ còn có nước bơ mỏ, mất mẹ nó cả
chì lẫn chài!
Dọn một bộ mặt thật tươi, y
đon đả cảm ơn và bóng gió hứa hẹn:
- Cảm ơn cậu Cường rất
nhiều, cậu giúp đỡ chúng tôi tận tình. Nhất định là không đời nào chúng tôi dám
quên ơn… Cậu bận tâm đến thằng Có, chúng tôi cũng bận tâm không kém. Thế nào
chúng tôi cũng phải lo giải quyết cho dứt khoát chứ không thể để lằng nhằng như
thế này mãi được. Vừa yên thân cho thằng Có… Vừa yên cả phận chúng tôi…
*
Cường đi khỏi được một tiếng
đồng hồ thì thằng Tỷ ở đâu dẫn xác về, nó cười nhăn nhở.
- Thằng quỷ kia – bà Mười
hét – mày cất bức tranh đâu?
- Tranh nào hả má? Con đâu
có biết. – y điềm nhiên trả lời.
- Thôi đừng có làm bộ ngây
thơ, mày không biết thì còn ai vào đây biết nữa. Khôn hồn đưa ra trả ba mày,
kẻo ông ấy nổi điên đánh cho gẫy gối tối mặt, không ai can nổi đâu.
Mười Khoái từ nãy giờ ngồi
chẳng nói chẳng rằng, lừ lừ đứng dậy, đi tới trước mặt thằng Tỷ, nhìn nó bằng
đôi mắt thật nghiêm khắc:
- Tỷ, tao hỏi mày một câu,
phải trả lời cho đúng không thì chết đòn. Bức tranh của thằng Có mày có lấy
không?
- Thưa ba, có – Thằng Tỷ run
giọng trả lời.
- Mày để đâu?
- Con gửi ở nhà thằng bạn.
- Nhà đứa nào?
- Nhà thằng Tuệ ở ngã tư Bẩy
Hiền.
- Muốn sống đi lấy ngay về
đây cho tao.
Tuy sợ rúm người, nhưng
thằng Tỷ vẫn chưa chịu đi. Cha nó quát:
- Đi lấy ngay đi! Sao còn
đứng xớ rớ đó?
Nó rụt rè năn nỉ:
- Ba má cho con tiền…
- Tiền gì? – Mười Khoái gay
gắt hỏi – Bộ tiền chuộc hả?
Thằng Tỷ đã dạn dĩ hơn, phân
trần:
- Thưa ba, không phải tiền
chuộc. Nhưng con xin ba má cho con ít chục ngàn…
- Ít chục ngàn? Để làm gì? –
cha nó hỏi gắt.
- Dạ, để xài… để xài cho
bằng người ta.
Mười Khoái cười gằn, rồi thở
dài, mắng:
- Mới ba tuổi ranh, đi học
sao không lo học cho bằng người ta? Lại bầy đặt theo băng này băng nọ, tập tành
hút xách, bài bạc, toàn những trò chơi mất dậy. Nhà nghèo, bản thân chưa kiếm
ra một đồng bạc về giúp đỡ gia đình, đã tiêu xài vung vít cho bằng những đứa
con nhà giàu “phá gia chi tử”. Cái điệu này chả mấy chốc đi vào con đường giật
dây chuyền hay ăn cướp xe… Rồi tù rạc lúc nào không biết…
Thằng Tỷ đứng chịu trận,
không dám cãi nửa lời. Bà Mười thương con, dỗ dành:
- Ba dậy thì phải nghe lời
mà sửa đổi. Từ rày không được chơi bời lêu lổng nữa nghe con. Thôi, cho mấy
trăm cầm lấy mà ăn quà. Ra lấy xe lại ngay nhà thằng Tuệ đem bức tranh về đây.
Ít bữa nữa, ba mày lên Đà Lạt có tiền, sẽ đâu có đó.
_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII, VIII