Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

MỘT NGÀY CỦA TỜ LỊCH - Thập Cẩm

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ngày thức sớm theo cùng trang lịch mới
Nắng đầu hôm sáng ngập khoảng sân hồng
Muôn bụi vàng giỡn nắng nhảy vui đông
Rèm e ấp chải đầu bên cửa lưới

Nghe mát mẻ như hoa vừa mới tưới
Lá thẹn thùng đưa tiễn bác sương đêm
Chim bình minh rót giọng hót êm đềm
Bao cảnh vật đi vào thay áo đẹp

Căn phòng nhỏ vẫn không hề thấy hẹp
Tờ lịch nhìn đôi mắt mở hiền mơ
Ôi một ngày đẹp như những vần thơ
Không ngắn ngủi mà sẽ dài muôn thuở

Chiếc cặp mỏng đã ra trường hớn hở
Ông bàn buồn nhớ cụ sách khôn nguôi
Chị bình hoa cũng cảm thấy bùi ngùi
Thương biết mấy lũ học trò tinh nghịch

Buổi trưa đến trong căn phòng tịch mịch
Bác đồng hồ vẫn rót giọng thanh tao
Lịch bỗng buồn vì thời khắc qua mau
Rồi sẽ hết khi màn đêm phủ xuống

Chú quay nhỏ nhảy trên bàn luống cuống
Anh hộc bàn hoảng hốt chạy ra ngăn
Bác cặp xinh bỗng thấy mất thăng bằng
Rơi xuống gạch để học trò chạy trốn

Dăm chú vở long bìa phơi cả rốn
Lũ bút chì phá phách bỏ đi chơi
Bình mực tan khóc lệ chảy tơi bời
Gạch cảm động chẳng buồn phai sắc ngọc

Mưa bỗng rớt trời chừng như cũng khóc
Anh diều buồn vì hết được tung bay
Bên hiên nhà chị guốc đứng ai hay
Nhìn nước chảy ngóng trông người bạn cũ

Chị bong bóng cũng nằm xem ủ rũ
Đợi mưa tàn để uống gió cho no
Bác ra dô vẳng lại mấy câu hò
Nghe não nuột như nàng đêm sắp lại

Tờ lịch nhỏ bỗng nghe lòng trẻ dại
Hết một ngày chú bé sẵn sàng rơi
Trong phòng ngoan mọi vật vẫn yêu đời
Mừng rỡ thấy đã làm xong bổn phận.

                                                THẬP CẨM
(cảm tác tập truyện "NHỮNG GIỌT MỰC" của LÊ TẤT ĐIỀU)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 104, ra ngày 24-8-1973)



Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

ƯỚC MƠ CỦA CÂY BẰNG LĂNG - Phan Khương Thái

 

Cây bằng lăng tỉnh giấc bởi những nhát búa đẽo đau đớn. Các ông thợ làm nhà vẫn thản nhiên vung mạnh vót cho nhọn đầu các cây cừ. Các bạn của bằng lăng bây giờ đang nằm rải ra dưới mặt đường nhựa, sát bờ lề và sân xi măng. Họ đang run sợ nhìn cái chân độc nhất của cây bằng lăng đang được kê lên một khúc cây cao su. Chẳng khác nào một tội nhân được đưa lên đoạn đầu đài, nhưng ở đây "đao chém" là hạ xuống chân của cây bằng lăng. Ngọn cây bằng lăng tức phần đầu của thân thể cây bỗng tưng tưng lên vì sự va chạm đau điếng của khúc chân dưới khi tiếp xúc với lưỡi búa bén ngọt. Cây bằng lăng bàng hoàng nhớ lại phút giây kinh hoàng hôm nào lúc còn sống trên rừng với mẹ cha, với anh em, với bà con, với bạn bè...

Cây bằng lăng và thân nhân đã bị loài người bắt cóc. Thợ rừng dùng rìu, búa và lưỡi cưa đốn nhẵn nhụi một góc rừng già. Bây giờ cây bằng lăng lại chịu thêm đau đớn cực hình như thế nữa, không biết ngày mai ra sao (?)

Cây bằng lăng được chở bằng xe be, xe hàng... về các trại cưa. Người ta lựa chọn, phân tán và bán cây đi mọi nơi, về các vựa bán vật dụng cho việc xây cất nhà cửa. Ôi, kể làm sao hết bao chuyến đi phiêu lưu, kinh hoàng. Cây bằng lăng chịu không biết mấy lần rêm mình, ngột ngạt, và đè ép, mất thở mỗi khi nằm từng đống lớn với các nạn nhân như mình.

Cho đến khi chủ nhà mang về đây. Bị quăng mạnh xuống đất đầu tiên, cây bằng lăng đã ngất đi với giấc ngủ dài hơn một hôm. Giá mà cây bằng lăng ngủ luôn cho rảnh nợ, cho an tâm mà đưa hồn phiêu lưu về xứ sở. Vót nhọn đống cừ độ hai mươi đứa xong, mấy ông thợ làm nhà mang từng đứa xuống cắm ở bờ sông. Thì ra chủ nhà cất thêm một khúc nhà sàn, lấn thêm, ăn gian thêm gần nửa con sông. Con sông tò mò dừng lại, giòng nước đứng (vì sắp đổi chiều) gom lại gần cây bằng lăng và các bạn như có ý hỏi:

- Mấy anh từ đâu đến, sao lại định cư ở đây? Đi chơi khắp nơi như chúng tôi có phải thú và tự do không.

- Tự do!?!

Cây bằng lăng thốt lên được hai tiếng tự do thì xịu mặt xuống. Hình như cây bằng lăng sắp phải sống đời tù chung thân rồi đây. Hai mươi đứa bị ghim chặt xuống lớp bùn nhầy nhụa đen thui. Phía trong, dãy cừ bằng xi măng cũng ngạc nhiên nhìn bọn ma mới. Chúng có ý ganh ghét nọn bằng lăng đến đây chia xẻ công lao đội cái nhà trên đầu của chúng. Một cây bần đắng trong nhóm hai mươi đứa vì quá ốm yếu nên đầu đít đều như nhau, khó mà phân biệt. Mấy ông thợ lại nhè đầu cây bần đắng mà gọt mà đẽo. Cái đầu cây bần đắng bị gọt trọc lóc như nhà sư. Rồi nhọn dần và trụi lũi như sừng ác quỷ. Thế là cây bần đắng bị chôn ngược đầu, gốc quay lên trời, cái cẳng độc nhất và lêu khêu đã bị cưa phẳng lì. Còn nỗi thống khổ nào hơn khi bị chôn đứng mà lại bị chôn từ đầu trước. Cái chết sẽ không đến từ từ mà chính là cái chết đau thương tức tưởi. Dù không thuộc các loại danh mộc để làm vật dụng tốt đẹp như bàn, ghế, tủ, nhà cửa, vách gác... họ hàng nhà cừ cũng hữu ích không kém. Vì họ hàng nhà cừ là những kẻ mạnh mẽ chịu đựng được mưa gió, sóng cả, sông sâu... Họ hàng nhà cừ ngâm nước có thể sống dai thêm được khoảng từ ba đến năm năm tùy theo sức chịu đựng của từng loại cừ. Dù rằng từ chân đã bị cắt đứt những liên hệ của dây mơ rễ má chằng chịt ngầm dưới đất để rút chất bổ dưỡng nơi cây.

Bốn mươi tên cừ sạn nằm sắp hàng bên trong. Cứ từ bờ đi lần ra mấy đứa thấp đứng trước, mấy đứa cao giò đứng sau. Mấy tên cao giò cà khịa với tụi bằng lăng:

- Ráng lên đi mấy chú, mấy chú ở đây chơi với "qua" cũng khá lâu, nhưng tội nghiệp mấy chú sẽ bị mục và gãy trước "tụi qua" đây. "Tụi qua" đứng đây vững chãi, và ngay ngắn muôn đời. Tụi qua là những lực sĩ có bộ xương bằng giàn sắt cứng.

Thế rồi tụi cừ sạn cười thích thú khi tụi bằng lăng bị các ông thợ làm nhà hì hục dộng cừ. Các ông vừa làm vừa hô ăn nhịp:

- Một, hai, ba... Một, hai, ba... xuống.

Cây bằng lăng và các bạn đã bị chặt trụi tay chân, không thể ôm lấy cái đầu đau nhức được. Đứa nào cũng thét lên từng chập theo nhịp dộng cừ. Chân chúng nó lún sâu xuống, xuống mãi và có lẽ chạm phải vùng đá tảng thì các ông thợ mới ngừng tay. Cây bần đắng bạc phước đã chết sớm, không còn trò chuyện với anh em được nữa. Cây bần đắng còn lại khóc than không tiếc lời:

- Em ơi là em! Ngày nào anh em mình lưu lạc có nhau, cùng chia xẻ hoạn nạn, nay đành chia tay mỗi đứa một cảnh đời. Em đã bỏ anh với kiếp cô độc.

Cây bằng lăng an ủi:

- Thôi anh đừng buồn, ai cũng có số cả. Từ nay anh có những mười tám đứa bạn còn lại cũng vui chán. Tôi cũng một thân trơ trọi như anh, chúng mình dễ cảm thông nhau hơn.

Tụi ngành ngạnh, kiềm kiềm, săng đục, săng đá, cốc (chính là cây cốc trên rừng, không phải cây cốc cho ta trái cốc chua ăn với muối ớt), không góp lời nhưng đều ngầm bày tỏ ý thuận tình.

Từ nay cây bằng lăng, bốn cây săng đục, bốn cây săng đá, bốn cây ngành ngành, ba cây kiềm kiềm, hai cây cốc, cây bần đắng và ba đứa em bị chôn ngược cùng nhau đoàn kết, nương tựa, dìu dắt nhau chống đỡ sàn nhà sắp sửa lát bên trên. Chúng với những cơn nhức đầu vì cứ bị nện bằng khúc gỗ me lớn nên đứa nào cũng bất tỉnh. Giòng sông chứng kiến đầu đuôi, xong việc đã bỏ đi. Giòng nước ròng và đứng yên giờ lại chảy ngược. Nước bắt đầu lớn... Nước lớn dần, về chiều tiếng chim bìm bịp kêu nghe buồn ảo não. Mấy ông thợ gác đà dọc, đà xuôi, đóng đinh chắc chắn xong đã ra về, vì nước lớn và tối trời không thể tiếp tục công việc được.

Tụi cừ cây gọi chung là cừ dòng thức dậy bởi tiếng chèo khua trên sông. Cây săng đá đầu góc trái ngoài cùng bực mình gắt với cây dầm:

- Nè đụng vừa vừa chứ, sáng sớm không để cho người ta ngủ.

Cây dầm mỉm cười:

- Xin lỗi, tôi mới chạm nhẹ mà. Tại ông già bán rau muống này chèo yếu, phải chống tôi (cây dầm) vào anh (cừ săng đá) chứ tôi đâu muốn đụng chạm.

Rồi cây dầm lại lướt nước đi theo nhịp chèo của ông già bán rau muống. Ông già vừa chèo vừa vẹt vài miếng rác trôi lều bều trên sông văng về phía sau. Cây săng đá không thể nào né tránh được, bị một miếng giấy dơ chụp vào lưng. Cây săng đá rùng mình, cái vỏ xù xì càng xù xì thêm, tờ giấy vẫn khó mà rơi, chừng nào khô nước hẳn hay. Con chó đen của chủ nhà chạy xồ ra, dừng bên mé sàn cũ sủa tiếng rao của ông già đang loang dài xa xa:

- Rau muống đây... Ai rau lang...? Rau muống tươi đây...

Quấu quấu... quấu quấu... Ông già này la um xùm hà.

Có tiếng chủ nhà mắng chó:

- Xù, đi vô, sủa bậy hoài.

Mấy ông thợ lục tục kéo sang, tay mang đồ nghề nào là kìm, búa, cưa, đinh, đục, xà beng, bàn bào, dao, đá mài, rìu giũa v.v... cũng bày đặt rầy con xù:

- Ê! Chó, quen nghe, đừng cắn ẩu.

Rồi chủ nhà ông ấy quát chó đi vào trong. Hai ông thợ bào sơ lại mấy cây đà. Mấy cây đà ngang khoan khoái khi có người làm cho mình ốm bớt. Mấy anh cho rằng không có gì thích thú bằng tấm thân gọn gàng, bốn cạnh láng bon và nằm ngay ngắn.

Có thế mới nằm yên trên đầu của tụi cừ dòng được chứ. Mấy ông thợ đặt lên trên đà ngang mười tám tấm ván, dày có mỏng có. Mấy tấm ván này đã chết khô tự lúc nào nên đà và cừ không biết tên bạn mới. Ôi! Từ đây cừ và đà phải sống cạnh mười chín cái thây, của ván và cây bần đắng. Phải giàu nghị lức lắm mới đủ can đảm sống, mà giúp ích cho loài người.

Hơn ba hôm thì cái chái nhỏ phía sau nhà cất xong. Từ nay tụi cừ dòng và mấy cây đà khỏi lo chuyện "dầm mưa dãi nắng", đã có vách, có nóc nhà lo chống đỡ bên trên. Cừ dòng và đà chỉ có phận sự gồng mình phía dưới, trổ hết thần lực gánh lấy "giang sơn mới".

Suốt thời gian dài đăng đẳng sống kiếp nô lệ tù đày cùng các bạn, cây bằng lăng thường mơ ước được về rừng. Để có chết thì cũng còn bỏ thây nơi quê cha đất tổ chứ không như cây bần đắng. Nhưng làm sao thoát ly, cưỡng chống lại số phận đã an bài. Suốt thời gian làm cái công việc vô vị ấy đã có biết bao nhiêu là chuyện xảy ra trên giòng sông vắng. Mấy cây săng đá và mấy cây săng đục đứng ngoài cùng không ưa lúc nước lớn. Tụi ấy cứ mong nước chảy đi luôn đừng trở về để chúng được khô ráo sạch sẽ. Nhưng thủy triều mà, cứ hết nước ròng lại lớn. Giòng sông cứ đi đi lại lại, chọc tức cây săng đục và săng đá. Thỉnh thoảng sông còn cọ quẹt tụi cừ dòng nhờ những luồng sóng nhỏ của xuồng máy gắn đuôi tôm chạy vút qua. Bốn cây săng đục lầu bầu mắng nhiếc. Vốn nghề cau có của tụi chúng đó mà. Cho chúng đứng ở ngoài cùng cách biệt với dãy cừ sạn mà đôi khi chúng vẫn cố cãi lộn cho bằng được. Cây săng đá có đứa còn đòi uýnh nhau với cừ sạn xem đứa nào rắn chắc hơn. Đúng là quen thói rừng rú, hoang sơ. Giòng sông có dưới tay lũ em út là rác rưới, giòng sông còn cho cá, ốc, hến mướn chỗ ở... Nhưng hình như chỉ có cá thác lác, hến, và vài chú cá trê nghèo là còn ở lại mà thôi. Giòng sông chứa quá nhiều bọn lưu manh, nào là giấy rác, hộp lon, dây thung, củi mục, rau rác, vỏ trái cây, hộp các tông,... ôi thôi! Đủ thứ vật dụng phế thải, có cả chiếu manh, nệm lủng... xác chuột chương và xác chó sình trôi lén lút. Nghĩa là giòng sông quá dơ và hôi thúi. Thế mà tụi săng đục và săng đá cứ thích nước ròng, để hửi mùi tanh tưởi dậy lên từ những bọt bùn của cá bảy màu, của hến... Tụi cá bảy màu và tụi cá lìm kìm, cá lòng tong thường than nghèo với giòng sông và cứ khất nợ mãi. Tụi cá thòi lòi thì than ngược, không nhận ở lậu. Chúng bào chữa rằng:

- Tụi này sống trên bờ không hà. Nào xem tụi này leo cừ đây. Thấy chưa tụi này đi bằng hai cái vây hai bên.

Nhưng đợi giòng sông vô tình làm nước lớn lại và đi sâu vào trong, tụi cá thòi lòi khoái tỉ đùa nhau nhảy xuống sông tắm táp. Chán chê chúng lại chui vào hang một cách tự nhiên. Chúng lạm nhận bãi bùn và giòng sông là nhà của chúng quen rồi. Còn giòng sông cũng khá dễ chịu cho họ nhà cừ: cừ cây, cừ sạn... mặc tình trú ngụ. Mà không đồng ý sao được với ý định của loài người muốn làm gì thì làm.

Ngày lại ngày, đêm lại đêm, tụi cừ dòng buồn tênh đứng hoài trên giòng sông siêng năng, với nước thủy triều cứ mãi lên xuống. Quanh đó nhà sàn cũng khá nhiều. Tụi cừ dòng bị chôn chân một chỗ không tiện đến thăm hỏi cùng nhau. Bầy cá bảy màu hay vượt nước, lội quanh tụi cừ tuy nhờ vào cừ cản bớt sức nước chảy, lại rất xấu bụng, không con nào chịu liên lạc tin tức gì giùm cho tụi cừ đứng cách xa nhau. Bốn cây săng đục và bốn cây săng đá lúc nào cũng quạu quọ gây gổ với rác rưới lỡ chạm phải chúng.

Cây bằng lăng phải khuyên can mãi. Thời gian sao mà dài thậm thượt. Cây bằng lăng nhớ lúc ở trên rừng sống đời thiên nhiên vi vu hòa ca cùng gió, cành lá rậm rạp là những cánh tay, tha hồ vung vẫy trong không gian vô tận. Bây giờ buồn quá đi thôi. Tấm thân xù xì của cây bằng lăng và các bạn, phần thân thường ngâm dưới nước lại phủ thêm lớp rong rêu xanh xám tang thương. Bọn trẻ con loài người khi bơi lội rất ngại khi phải bám víu vào chỗ có rong rêu trơn trợt đó. Cây bằng lăng thì thích có nước lớn để có lũ trẻ đùa giỡn, cút bắt xung quanh, luồn lách qua lũ cừ cho cuộc đời bớt tẻ nhạt. Dù sao cây bằng lăng vẫn thèm nghe những chuỗi cười trong trẻo hơn là những lời thì thầm than thân trách phận của các bạn.

Mấy hôm nay, lũ trẻ không dám tắm sông nữa. Hôm trước có một chú rắn nước ốm tong teo. Chú ta đi lạc đến đây và ngừng lại. Chú ta mệt mỏi quấn quanh cây ngành ngạnh. Cây ngành ngạnh không thuận tình nhưng hơi hãnh diện với chiếc vòng thân rắn quấn quanh lủng lẳng. Lũ trẻ sợ rắn, dù rắn nước hiền khô không có nọc độc và không cắn ai bao giờ. Chú rắn nước ăn cá nhỏ, bầy cá lòng tong, cá lìm kìm, cá bảy màu... thì đã đi xa chỗ đó tránh tai họa. Chúng chỉ trở về lội tung tăng quanh tụi cừ dòng khi nào chú rắn nước tiếp tục phiêu lưu. Lũ trẻ hãy còn mang ấn tượng có rắn dưới sông, nên chắc lâu lắm chúng mới dám xuống sông tắm. Cây bần đắng, cây kiềm kiềm, cây ngành ngạnh cũng rất thèm nghe tiếng cười giỡn của trẻ thơ. Chỉ trừ mấy cây săng đục và săng đá, các cây này không muốn ai rờ rẫm vào mình cả. Mấy cây cừ sạn phía trong nom bộ dạng cục mịch của cừ săng đục và săng đá mà ngán thầm. Mấy cây đà nằm trên cứ xúi cho tụi cừ ghét nhau và đánh nhau, nhưng còn lâu tụi cừ mới xáp lại gần được. Thế nên mãi mãi các cây cừ đứng cách khoảng nhau đều đặn, hàng ngang một thước rưỡi và hàng dọc một thước. Đứng như vậy rồi tức tối nghinh ngó nhau mà thôi.

Một năm trời qua mau, đối với tụi cừ, chúng xem lâu hằng thế kỷ. Lớp rong rêu bám quanh cừ đã dày thêm và có lẫn bùn đất. Cây cốc thường than van ngứa ngáy với tụi ốc nhỏ sống bám. Đôi lúc có đàn vịt được cô bé đi chăn trên xuồng lùa qua, chúng rỉa rói, chúng gãi ngứa giùm lũ cừ làm tụi cừ sung sướng. Cây bần đắng bỗng một hôm phát giác ra những mầm lá non xuất hiện gần cái đầu bằng phẳng của cây bằng lăng. Có lẽ mấy con còng gió, mấy con ốc nhỏ ngày nào đã bò lên làm dính nước. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt đã giúp cây bằng lăng nhô lá non. Nhưng những lá non nhô ra một cách khó khăn này trông như "ráng" bám trên cây bằng lăng lúc sống trên rừng. Nhưng các cây ngành ngạnh, cây kiềm kiềm, cây cốc, cây săng đục, cây săng đá... đều trầm trồ khen ngợi. Chúng cũng muốn có lá non như cây bằng lăng vậy. Lũ cừ sạn thế là thêm một lý do để ghen tức. Muôn đời cừ sạn chẳng lú được cái lá cỏn con nào.

Một năm... rồi một năm nữa trôi qua với nhịp sông chảy hoài buồn thiu. Chùm lá đã rậm quanh đầu cây bằng lăng. Cây kiềm kiềm có đứa cũng vươn cành lá cằn cỗi ra từ năm vừa qua. Nhưng cây bằng lăng buồn vì lá lớn chậm lắm kia. Những cái lá và cành dai dẳng cũng mang vẻ thờ ơ với đời mới tù túng không có gió đu đưa. Những chùm lá của cây bằng lăng, của cây kiềm kiềm, cây cốc, cây ngành ngạnh trò chuyện với nhau. Không biết ai nói cho chúng nghe, mà chúng cứ ước mơ được về rừng. Về rừng như ý nguyện của cây bằng lăng. Mấy cây săng đục và cây săng đá cứng lắm không có lá mọc ra đã bỏ tính cau có. Chúng nhận thấy chúng chả hơn gì tụi cừ sạn bên trong. Giòng sông càng ngày càng ngầu đục và dơ dáng thêm lên. Mưa gió từng mùa hay đùa chơi cùng sông gây ra những đợt sóng nhỏ. Khi nước lớn những đợt sóng nhỏ nhảy tung tăng rửa ráy cho các chùm lá khô khan đã sống thiệt tài tình. Mưa lũ, nước cuồng đã rủ rê, kéo giựt từng giề lục bình từ nguồn trôi xuống. Cứ mưa là có từng giề lục bình dại dột theo sông đi phiêu lưu. Chúng sẽ theo nước ròng mà chảy hoài, ra sông lớn, đổ vào sông cái, rồi ra biển mà tan rã mất thôi.

Có một giề lục bình kia rất rậm đám, bị sóng của xuồng xô đẩy trôi dạt vào phía trong và ngang nhiên bám vào tụi cừ dòng. Chúng to và rộng gần ba thước vuông nên mắc kẹt vào cây bần đắng và các cây săng đá, cây săng đục. Chúng cố vùng vẫy nhưng càng thêm vướng vào cây cốc và cây bằng lăng. Cây ngành ngạnh và cây kiềm kiềm tự an ủi rằng nước lớn thì giề lục bình sẽ trôi đi. Khốn thay giề lục bình vướng hẳn vào đám cừ dòng. Nước ròng thì nó chìm xuống, có khi tòn ten như đưa võng. Nước lớn nó lại nổi lên. Cây bằng lăng chợt thấy giữa đám rác rưới cũng mắc kẹt vào lục bình vài cái hoa tím mỏng manh. Cây bằng lăng cũng sinh ra hoa tím và đẹp hơn hoa tím của lục bình nhiều.

Xác một con heo con chết sình cũng tắp vào giề lục bình và kẹt cứng ngắc. Hai hôm rồi nó tỏa mùi nồng nặc khó chịu cho lũ cừ dòng. Mấy cây săng đá và săng đục đổ thừa nguyên nhân bởi giề lục bình:

- Ở đâu mà đến ăn bám ở đây, mất vệ sinh quá đi thôi.

Giề lục bình không biết nói sao vì chính nó cũng cố trút cái của nợ là xác con heo trôi đi đâu cho rảnh. Chỉ có cây bần đắng đứng ngược đầu và mười tám tấm ván là không có cảm giác gì. Chứ mấy cây đà cũng ngán mùi hôi. Mùi hôi thối lách qua kẽ ván chui lên xông vào lỗ mũi của gia đình chủ nhà. Họ tìm cách lấy cây đẩy xác heo và giề lục bình ra giữa giòng sông. Nhưng thật là khó xoay trở. Giá mà có ai nhảy xuống kéo chúng ra bằng tay. Thế rồi lũ bé con được mướn, đứa nào cũng có hai chục đồng để vừa tắm sông, vừa lôi giề lục bình lẫn xác heo chương. Lâu ghê cây bằng lăng mới nghe lại tiếng cười đùa của trẻ thơ. Giề lục bình hoan hỉ sút từng mảng và trôi ra giữa giòng nước lớn. May quá chúng theo nước lớn mà về nguồn. Rác rưới tan rã trôi lẻ tẻ theo sau. Xác con heo sình chương như còn nấn nuối chỗ ngụ an lành. Phải chờ lũ trẻ bịt mũi, lấy cây đẩy mạnh, xác heo mới chịu lững lờ trôi. Lũ trẻ reo hò sung sướng. Mấy cây săng đục và cây săng đá lại một phen bực mình khi lũ trẻ rượt bắt nhau, chúng dùng chân tống vào cừ, búng mình lội giỡn, cười nắc nẻ. Vì thế mấy cây cừ dòng rung rinh làm lắc lư giàn cây đà bên trên.

Thằng bé con chủ nhà lội đến cây bần đắng đứng lộn đầu. Nó ngạc nhiên khi thấy cây bần đắng đã mục từ lâu. Nó dùng tay lay mạnh, vỏ cây bần đắng xấu số vỡ ra, rơi lả tả. Lũ mối túa chạy lên giàn cây đà. Hình như có lũ kiến đen cũng làm ổ trên cây bần đắng. Thằng bé con nói cho ông chủ hay. Ông chủ nhà thầm tính toán: "Đã ba năm rồi còn gì, phải thay loạt cừ cây này bằng cừ sạn mới được, vậy cho chắc ăn". Ông ta biểu thằng con:

- Mày lội coi cho kỹ xem mấy cây cừ mục, để tao liệu.

- Mười hai cây lận ba ơi.

Nhưng khi mấy ông thợ làm nhà đến lội xuống xem xét thì họ nói rằng phải thay hết, dù còn đến bốn cây săng đá và hai cây săng đục còn nguyên vẹn, đứng gan lì với nước lạnh đã hơn ba năm nay.

Phải thay hết cừ, vì cũng như hàm răng, cái bị sâu đã làm hại mấy cái chung quanh.

Chủ nhà mời mấy ông thợ đem đồ nghề qua, nạy bật ván lên, dộng thêm lũ cừ sạn xuống. Lũ cừ sạn cũ bên trong dù sao cũng bằng lòng hơn là sống chung với lũ cừ dòng. Mấy ông thợ lội hẳn xuống sông cố bẻ gãy lũ cừ mục nát, trong số đó có cây bằng lăng, cây cốc, cây ngành ngạnh, cây kiềm kiềm và hai cây săng đục ngỡ ngàng gãy răng rắc trôi ra giòng nước xiết. Chúng không kịp từ giã bốn cây săng đá và hai cây săng đục còn gồng mình đứng lại. Không phải sáu cây ấy lì lợm mà tại vì chúng còn quá tốt, có thể đứng đó gánh sàn nhà chung với lũ cừ sạn mới ít nhất là hai năm nữa mới được ra đi.

Phải nói là quay về thì đúng hơn. Thế là ước mơ về rừng của cây bằng lăng và các bạn đã thành tựu. Ba năm dài, cây bằng lăng mới thực sự thở hít khí trời "tự do". Tụi cừ náo nức trôi phăng phăng theo con nước ròng. Mãi mãi cây bằng lăng không biết rằng chúng sẽ trôi ra biển cả mà thôi. Nhưng thâm tâm cây bằng lăng mục nát vẫn còn ước ao sẽ về lại rừng xưa, sẽ nở hoa tím ngát bầu trời thênh thang, sẽ tự do sống với cành lá rậm rạp, xum xuê cùng bà con thân quyến mà nó đã bị ép bức bỏ đi hơn ba năm nay. Nếu không gặp trở ngại như bị mấy người đi mua ve chai trên xuồng vớt các cây cừ về làm củi chụm, cây bằng lăng sẽ giang hồ ra biển cả mà thôi. Thương thay niềm ước mơ nhỏ bé của cây bằng lăng biết bao giờ đạt được. Chẳng thể về nguồn chứ nói chi đến về rừng, để hồi sinh, để nở hoa... hay chỉ để một lần nhìn lại quê xưa... Biển cả bao la đang chờ đón cây bằng lăng vào cuộc đời lưu lạc, "ba chìm bảy nổi" cho đến khi nào rã nát thây ra.

Vô tình cây bằng lăng, hai cây bần đắng, hai cây săng đục, bà cây kiềm kiềm, hai cây cốc, bốn cây ngành ngạnh vẫn rụt rè nối đuôi nhô ra trôi nhanh. Đằng sau cây bằng lăng gọi một giề lục bình bơi đua với mình. Cây bằng lăng thích hai cụm hoa tím của giề lục bình lắm. Một cơn mưa giận dữ trút xuống, như muốn gột rửa phiền muộn cùng rong rêu bùn đất bám quanh thân lũ cừ dòng mục nát. Còn lâu lắm nước mới lớn lại. Chiều vắng không nghe được một tiếng chim bìm bịp vang lên. Mưa vẫn rơi và nổi bong bóng. Những cái bong bóng mau vỡ cũng cố đuổi theo lũ cừ dòng đen đúa đã tìm lại sự tự do. Cây bằng lăng cố ngoái xem các bạn lần cuối. Các cây săng đá và săng đục từ nay sẽ ở lại với mỗi cây cừ sạn chèn ép cạnh ngay bên. Cây bằng lăng thầm mong các cây ấy bỏ tính gây gổ. Chúng ráng sống hai năm nữa sẽ về rừng. Ắt là khi ấy cuộc hành trình của mấy cây cừ thân cứng sẽ đơn độc và buồn bã làm sao.

Mưa đã dứt hạt. Cây bằng lăng và các bạn mãi mãi mang niềm ước mơ thôi hết lưu đày, trôi xa trên đường dài vô tận.


PHAN KHƯƠNG THÁI     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 104 và 105, ra ngày 24 và 31-8-1973)



Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

VẤN ĐỀ CHO MƯỢN SÁCH BÁO - Đỗ Phương Khanh

  

 Thư của em Ng. :

... Em có một cô bạn thân, em và bạn em rất thích đọc Thiếu Nhi, tụi em mua báo Thiếu Nhi từ số 20 đến bây giờ. Bạn em nó nói với em, nó hết tiền nên nó thường mượn Thiếu Nhi của em để xem cả ba tuần nay. Nhưng mỗi lần nó mượn về nhà là cả một hai tuần mới đem trả lại mà báo sạch thì em không nói gì, khi đem trả báo cho em thì quyển Thiếu Nhi rất là dơ nên bây giờ em không muốn cho nó mượn nữa. Như thế nó có giận em không hở chị? Nếu em không cho nó mượn thì em phải nói thế nào? Theo em biết thì bạn em không có tiền thật chứ không phải nó nói dối em, nếu em không cho nó mượn thì cũng tội, mà cho nó mượn thì nó làm dơ cả cuốn Thiếu Nhi. Em thì luôn luôn giữ sạch. Chị làm ơn chị giúp em chị nhé! Em rất cám ơn chị.

Trả lời: Hai tuần trước khi hai em quen biết với Thiếu Nhi, chị có viết một bài về vấn đề "mượn và cho mượn", đăng nơi mục V. H. số 18. Kết thúc bài đó, chị kể vắn tắt một câu chuyện thương tâm xẩy đến cho một người đàn bà rất lương thiện, đã khiến bà ta phải sống 10 năm trời cực nhọc mà đáng lẽ nếu không mượn một món đồ của bạn, bà đã được sống 10 năm nhàn nhã vui hưởng thời thanh xuân. Đó là truyện ngắn "Chiếc vòng kim cương" của Guy de Maupassant in trong cuốn "20 truyện tuyệt tác" loại sách song ngữ của nhà xuất bản Ziên Hồng. Truyện rất sâu sắc, dù bất cứ trình độ thưởng ngoạn nào mà đọc cũng tìm thấy một khía cạnh hay, thấm thía, về cái kiếp người. Các em rất nên đọc.

Trong trường hợp em, chị đề nghị với em ba giải pháp:

1) Em yêu cầu bạn đọc ngay tại nhà em. Như thế, bạn không thể vứt bỏ lăn lóc được.

2) Em đọc trước cho hết cuốn Thiếu Nhi rồi hãy cho mượn. Trước khi đưa, em lấy giấy bao bìa lại, tuy hơi mất công và rắc rối nhưng bạn cũng phải thông cảm rằng lỗi tại bạn không cẩn thận nên em mới phải kỹ càng như vậy.

3) Nếu em quá yêu bạn, không muốn bạn buồn, thì em tặng luôn bạn số báo nào em đã đọc xong, với điều kiện xin bạn giữ gìn cẩn thận để thỉnh thoảng cả 2 em cùng coi lại cho vui. Em phải làm sao cho đừng vì vấn đề tờ báo mà tình bạn bị sứt mẻ em nhé!


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 52, ra ngày 20-8-1972)


Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

TRUNG THU TÌNH THƯƠNG - Nguyễn thị Bình

 

Mặt trời vừa khuất sau  rặng cây, ánh nắng dịu dần và tắt hẳn trên ngọn cây sầu đông trước cửa nhà. Một vài cơn gió nhẹ khẽ đong đưa hàng sầu đông và từng chiếc lá rời cành bay là là trong khoảng không rồi nhẹ đáp xuống đất, từng chiếc lá và từng chiếc lá cứ tiếp tục rơi. Trên cao, một vài cụm mây trắng nhẹ nhàng bay ngang và cứ thế bay mãi...! Em khẽ chép miệng "Buổi chiều hôm nay sao mà đẹp quá" Chợt giật mình em kêu lên "Sắp thu rồi đấy! Chóng ghê!" Thế là em đã về đây được 3 năm rồi đấy. Nhớ ngày xưa khi bố em còn sống, cứ đến gần thu là mẹ em rọc lá, gói bánh, làm bánh v.v... Bố em đi làm về ăn cho xong bữa cơm không kịp xỉa răng, ngồi cặm cụi lo vót, gọt rồi uốn tre để làm từng chiếc lồng đèn xinh xinh với nhiều hình chim cò ngộ nghĩnh. Em mang lại cho bố cây tăm xỉa răng và ngồi xuống phụ giúp bố dán lồng đèn. Những chiếc lồng đèn với nhiều mầu sắc như tình bố thương con. Mà quả thật vậy, trong những năm bố em còn sống, năm nào gia đình em cũng lo ăn mừng Tết Trung Thu thật lớn và vui vẻ. Đối với những tâm hồn còn non nớt và ngây dại như chúng em, Tết Trung Thu thật đẹp và thật vui. Thế mà bây giờ, khi bố đã chết... Mắt em cay cay khi nghĩ đến Tết Trung Thu sắp tới của lũ em, của em, một đàn con nheo nhóc bạc phước kể từ ngày cha mất.

Bố em mất đi cách nay đã 3 năm. Kể từ ngày bố mất, mẹ dọn nhà từ Cần Thơ về đây, vất vả ngày hai buổi đi làm cho một công sở của chính phủ để mỗi tháng được vài ngàn nuôi đàn con thơ dại. Riêng em mới có 14 tuổi đầu, cái tuổi còn măng sữa ; đáng lẽ em phải được cái diễm phúc như chúng bạn ngày hai buổi cắp sách đến trường. Nhưng em đã phải nghỉ học ở nhà trông em, nấu cơm, còn dư thời giờ thì cùng đứa em trai gánh thuê từng đôi nước để được vài chục cho lũ em ăn quà sáng.

Thu sắp về, em không biết làm sao để có tiền mua vài chiếc bánh, vài cái lồng đèn xếp cho lũ em lúc Tết Trung Thu sắp về. Em hy vọng rằng từ đây đến đó sẽ có thêm nhiều mối kêu nước và em sẽ rán nhận tất cả để có tiền mua cho chúng thật nhiều quà Trung Thu cho chúng mừng. Nghĩ đến đây, em thích thú mỉm cười vì tin chắc rằng dưới suối vàng hồn bố cũng mãn nguyện ngậm cười khi thấy con gái lớn của bố đã làm tròn bổn phận của người chị cả đối với lũ em thơ.

Mải suy nghĩ vẩn vơ trời đã sẫm tối mà thau đồ còn đầy, em hối hả giặt thật nhanh để còn kịp vào phụ mẹ chiên bánh đem bỏ mối.

*

Em tỉnh dậy giữa mùi ê te nồng hăng hắc của bệnh viện và giữa tiếng khóc nức nở của mẹ. tiếng kêu đau thương "Chị Hai... Chị Hai..." của lũ em nhỏ dại. Ngơ ngác một giây, em sực nhớ lại tất cả mọi việc, nhìn xuống thấy đôi chân băng bột trắng xóa. Bé út Hải thấy em mở mắt vội rời lòng mẹ và chạy a lại kêu em bằng những tiếng ngọng nghịu "Chị... ai... chị... ai!" Em nấc lên choàng ôm lấy bé và òa khóc. Em nhớ lại: lúc sáng này khoảng 7 giờ bác Sáu ở đầu ngõ kêu em gánh cho 12 đôi nước.

Mừng rỡ, em nuốt vội bát cơm chiên rồi quảy gánh thùng đi ngay, vì sợ không kịp giờ đi bỏ mối bánh chiên tối qua. Người ta hẹn 9 giờ mà bây giờ chỉ còn khoảng tiếng rưỡi đồng hồ nên em hấp tấp gánh đôi thùng nước cố gắng đi thật nhanh cho kịp giờ. Bất ngờ lúc ngang qua một vũng nước do cơn mưa đêm qua đọng lại thì: "Soạt...!" Em rú lên và khụy xuống, đôi nước trên vai đổ xuống tung tóe trên mặt đất. Lúc đó, trước khi ngất đi, em nghe có nhiều người nói lao xao và những tiếng khóc ré lên văng vẳng ngân dài. Đầu hoa lên, chân tê cứng, trước mắt em những hào quang tóe ra, rồi một khối đen sì chụp lấy em, em bất tỉnh. Bây giờ tỉnh lại em thấy người đau nhức khó chịu, chân thì cứng ngắc ; em có cảm tưởng rằng bắt đầu từ bây giờ cái chân yêu quí, một phần thân thể của em không còn cử động được theo ý em muốn nữa. Tuy thể xác em đang đau đớn, nhưng những cái đau đó không đau bằng cái chua xót và đau đớn của tâm hồn một người chị cả không làm tròn bổn phận đối với đàn em khờ dại. "Cái ngã" bất chợt vì vô ý của em đã làm cho bao tia hy vọng được ăn bánh và chơi đèn lồng đêm Trung Thu của lũ em nhỏ tiêu tan thành mây khói. Em cảm thấy oán giận mình hơn vì 1 phút bất cẩn đã làm tan tác bao giấc mộng của lũ em và cũng đã đập tan niềm hy vọng có tiền mua quà Trung Thu cho em của một người chị cả. Em càng xé ruột hơn khi tưởng tượng ra đêm Trung Thu, đàn em nhỏ bé của em đứng vào một xó tối nhìn theo các bạn chúng vui đùa với đèn, với bánh trên tay, trong một cặp mắt thèm thuồng và mơ ước. Đang miên man trong vùng chua xót, tiếng mẹ cất lên kéo em về với thực tại, "Thôi con đừng buồn nữa mà khổ hơn con ạ! Nếu lỡ con có bề gì thì mẹ sẽ sống sao đây...?"

Mẹ nghẹn ngào nức nở vì cảm động dâng trào. Lúc lâu, nén cho cảm xúc lắng xuống, mẹ tiếp:

- Mẹ vừa mới lãnh lương đây con. Mẹ vừa lãnh tiền ra khỏi cửa, được tin gọi mẹ chạy vội về nhà rồi vào đây. Thôi nghèo lỡ cho nghèo luôn con ơi! Mẹ cũng rán trích ra vài trăm mua bánh ngọt cho lũ trẻ để chúng ăn mừng đêm Trung Thu ; còn đèn lồng mẹ cũng sẽ mua cho mỗi đứa một cái. Thôi cũng xong rồi ; con đừng buồn nữa nhé! Con buồn mẹ cũng khổ lắm con ơi!

Tủi thân em òa khóc, tiếng thằng Sơn vang lên càng làm cho em tủi thân hơn:

- Thôi mẹ à, đừng mua bánh và đèn cho tụi con nữa. Để dành tiền đó mua thuốc cho chị Hai con đi mẹ! Có thuốc chị Hai mới mau lành bệnh và mạnh khỏe để dìu dắt tụi con nữa chứ.

Thằng Sơn vừa dứt lời thì cả lũ nhao nhao lên: "Phải đó mẹ, để dành mua thuốc cho chị Hai con đi mẹ!" Em nhìn mẹ, mẹ nhìn em, nước mắt hai mẹ con chảy dài, giọt lệ nóng trào dâng nghe mặn như tình thương gia đình thật đậm đà hương vị.

Bố ơi! Bố ở đâu? Bố có nghe những lời của em con vừa nói đó không! Chúng khôn trước tuổi, vì cái nghèo và khổ gây ra đó bố ạ! Con chắc bố không nghe vì bây giờ bố đâu có bên chúng con nữa???

Trung Thu! Ôi một đêm Trung Thu thật bất hạnh cho những đứa con mất cha, những đứa trẻ của những gia đình nghèo. Chắc chắn rằng Trung Thu của chúng nó không bánh, không đèn, nhưng chúng nó vẫn không buồn vì bao giờ chúng cũng còn có phước hơn bất cứ những đứa trẻ bạc phước, không cha, không mẹ, không gia đình, không tình thương ; bởi vì chúng còn có tình thương mẹ, tình thương chị, tình thương em, để mà dựa vào nhau cùng sống.

Ôi! Nồng nàn và cao quí thay cho tình thương gia đình dù nghèo nhưng vẫn đượm mến yêu!

Em nhắm mắt lại mơ màng và tưởng như có muôn ngàn tình thương đan thành một tấm lưới dầy bao phủ em ; và chợt trong một tiềm thức nào ẩn hiện, em bắt gặp nụ cười tươi của bố em như thầm mãn nguyện, vì vợ và con của người đã biết thương nhau...


NGUYỄN THỊ BÌNH      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 185, ra ngày 15-9-1972)


Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

BÉ LÀM ĐÈN - Tuyết Thương

 
 
Nghĩ buồn cười cô bé
Phải vất vả mấy ngày...
Mua tre và giấy rẻ
Để hỏng thật là cay!

Ôi! Chẳng gì trơ tráo
Đèn móp méo, vẹo xiêu
Không giống mèo, giống cáo
Thôi, đốt phứt cho tiêu!

Lần này quyết làm lại
Một con thỏ thật xinh...
Nhưng bé ta lo ngại,
Chẳng dám dán một mình!

Kệ ông anh hay cáu
Bé nhõng nhẽo làm quen.
Tặng ngay cho quả táo,
Hối lộ để được đèn!

Chà! Bé anh ngoan lắm
Đợi một tí đã nghe,
Vì còn đi mua sắm,
Đừng đứng đó khóc nhè!

Nào hãy trông thỏ đấy,
Vừa ý rồi hay chưa?
Ngọc-Thố Chú Cuội ấy,
Đẹp và hiền "lắm cưa"!

Đâu? Cho ngắm một tí!
Ồ, xinh ghê đi ta!
A ha... bé khoái chí,
Đem thỏ khoe má ba!

Săn sóc đèn chu đáo,
Bé chạy nhảy lăng xăng.
Rồi mặc quần, bận áo,
Xách thỏ đi tung tăng.

Trẻ con trầm trồ riết...
Thật hãnh diện ghê nơi.
Đêm Trung Thu phải biết,
Cầm đi biểu diễn chơi!

Tụi trẻ con lác mắt,
Hết còn dám hung hăng.
Bé ta thật quái quắt,
Ba má phải cười lăn!...

                         TUYẾT THƯƠNG
                     (T.V.Đ. TỨ THƯƠNG DẠ VŨ)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 7, ra ngày 26-9-1971)



Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

MÚA LÂN - Minh Sang

 

 Bạn mến, ít ra đã một lần và cũng có thể nhiều lần chúng mình đều nghe kể lại những phong tục cổ truyền được tổ chức trong dịp lễ trung thu. Cái tết gọi là của trẻ con nhưng không gì đám nhi đồng bọn mình mà ngay cả những người lớn nữa cũng có những thú vui không thể không có, còn bọn trẻ mình thì trông đợi ngày đó tới như trông đợi một ngày hội thần tiên.

Nói đến những cổ tục trong ngày tết trung thu thì hẳn chúng mình đều biết qua, nào rước đèn, cúng cỗ bàn... nhưng bạn ạ, còn cái tục đặc biệt mà Minh Sang được hân hạnh trông thấy hồi nhỏ nhưng âm hưởng của cuộc rước đèn sư tử đó đến giờ vẫn còn linh động. Đó là tục múa sư tử vào đêm rằm tháng tám để đoạt giải, nếu bạn đã dự phần vào thì sung sướng biết mấy còn những bạn chưa được diễm phúc đó thì chúng mình hãy giả sử và tưởng tượng đất nước an bình được cái diễm phúc xách lồng đèn chạy theo ông sư tử vào nửa khuya mà reo hò ca hát trong tiếng trống rập rình. Bạn mến, ở trang báo nhỏ bé này Minh Sang chỉ xin gởi đến bạn, những bạn trẻ thương mến lời chúc mừng tốt đẹp nhất trong đêm trung thu và tụi mình cùng ngồi lại với nhau nghe chuyện đời xưa.

Ngày xửa ngày xưa... về đời Đường bên Tàu có một bà lão không có con cái, họ hàng thân thích thì lại ở xa, bà sống một mình trong một căn lều tranh ở một khu rừng hẻo lánh. Bà làm nghề may vá quần áo rồi đem ra chợ bán đổi lấy thức ăn.

Một hôm bà nhận may quần áo ở một làng rất xa. Đi mất mấy ngày đường, băng qua những ruộng đồng mênh mông, vượt qua những khe suối hiểm hóc bà đến nhà người chủ, rồi lại phải mất mấy ngày cặm cụi từng đường kim mũi chỉ. Hôm nay những bộ quần áo đã hoàn tất bà tạ từ chủ nhà rồi lên đường trở về sau khi dùng bữa cơm tối với gia đình người chủ.

Bước chân ra khỏi nhà bà ngạc nhiên khi thấy trời đất như sáng rực hẳn lên. Ô kìa, mặt trăng trong to và đã đang từ từ nhô lên, hai bên đường nhà nhà đều thắp đèn sáng trưng, cỗ bàn bánh trái bày la liệt, họ ăn uống vui vẻ, còn những đứa trẻ. Ôi chao vui quá, bà khẽ kêu lên khi thấy từng đám trẻ xách những chiếc lồng đèn xinh xắn rực rỡ ánh đèn màu vừa đi vừa hát vang. Bà ngạc nhiên gọi một em bé lại hỏi:

- Này cháu, các cháu đang làm gì thế?

Đứa trẻ ngước nhìn bà lão, liến thoắng:

- Bà ơi, tết trung thu nên tụi cháu mới vui vậy đó, còn có cả tục ăn uống trông trăng nữa cơ.

Đứa trẻ bỏ chạy theo đám rước đèn, bà lão thấy vui quá muốn bắt chước, sẵn số tiền công vừa lãnh được, bà ghé vào một hiệu buôn mua nào bánh trái hoa quả và khệ nệ ôm về trông trăng như thiên hạ.

Trời đã vào khuya, mặt trăng đã lên giữa đỉnh đầu mà đường về nhà thì hãy còn xa. Duy có một con đường tắt đi đến nhà nhanh nhất, nhưng con đường ấy lại xuyên qua một rừng rậm mà trong khu rừng đó, người ta kể lại rằng một con sư tử tu luyện lâu ngày thành yêu tinh chuyên bắt người ăn thịt. Bà lão cũng ái ngại nhưng bụng bảo dạ rằng, trời khuya chắc sư tử ngủ, vả lại thân bà gầy gò ốm yếu nên sư tử chê, nghĩ thế nên bà bấm bụng băng xuyên qua khu rừng. Bà lầm lũi bước đi với gói đồ trên tay nặng chĩu. Bỗng một tiếng gầm vang rung chuyển cả rừng núi, bà đứng sững lại tay chân run rẩy. Hai con mắt đỏ ngầu xuất hiện trong đêm tối như hai hòn than đỏ rực long lanh. Bà lão sợ hãi quỳ xuống lạy lục:

- Lạy ngài, xin ngài tha cho thân già cả, tôi về bày cúng xong sẽ nạp mình cho ngài.

Sư tử nghe bào lão nói cảm động quá bèn quay đi để bà lão ra về an lành.

Về đến nhà bày bàn ăn uống xong, trăng cũng vừa xế về phía tây, nghĩ đến lúc phải nộp mình cho sư tử, phải từ giã tất cả, bà khóc lóc thảm thiết, loài vật và đồ vật trong nhà cũng động lòng thương cho người chủ. Bà ngẩn ngơ đưa tay sờ mó những vật quen thuộc, đột nhiên một con rít bò lên cánh tay bà, hai cái râu dài ngúc ngoắc như bảo bà đừng sợ gì cả. Cái thân hình dài uốn éo như hãnh diện sẽ làm việc ích cho bà chủ, và ô kìa, cái cối xay thường ngày bà vẫn dùng xay bột làm bánh cũng tự nhiên quay tít. Thấy sự lạ lùng bà lo sợ nhưng cũng tin tưởng sự ăn ở hiền lành của mình sẽ được thần thánh phù hộ và biết đâu bà sẽ thoát chết. Nghĩ thế nên bà yên lòng trèo lên giường nằm ngủ.

Đến khuya đúng giờ hẹn, sư tử lần mò nhẹ nhàng lách mình vào khe cửa tiến đến giường bà lão. Mọi vật im lìm như xót xa phải chứng kiến sự ra đi của người thân mến. Sư tử chờn vờn, đủng đỉnh đi qua lại trước con mồi, rồi chợt nó đưa hai chân trước lên cao định choàng lấy thân mình bà lão đem ra ăn thịt thì HỪM... sư tử gầm lên vang dội, hai chân nhức nhối và nó ngã vật xuống chẳng may đụng phải cái cối xay rơi xuống đập vào đầu sư tử chết tốt. Bà lão choàng tỉnh dậy ngơ ngác, nhìn thấy ác thú chết bà mừng rỡ chạy xuyên qua rừng đến báo tin cho dân làng biết, dân chúng đua nhau đến xem, đèn đuốc sáng trưng rồi họ khiêng con vật vào cho vua để lãnh thưởng.

Trước bệ rồng vào đêm rằm tháng tám đức vua hạ lệnh cho dân vui đùa suốt đêm và quân sĩ đem gươm giáo thắp đèn và nổi chiêng trống vang rền khiêng sư tử đi khắp nơi cho dân chúng xem chơi. Vì lẽ đó nên đến ngày rằm tháng tám bên Tàu lại có tục rước sư tử giả đề nhớ lại ngày bắt được sư tử thật tránh được một tai họa cho dân. Nước ta cũng bắt chước theo phong hóa Tàu và cứ đến ngày rằm tháng tám thi nhau mua trà bánh đem về ăn uống rồi xem trăng lên và múa sư tử.

Cuộc múa sư tử thường được tổ chức vào khoảng 10 giờ. Trên trời vầng trăng tròn tháng tám vành vạnh, dưới đất tiếng trống rập rình to nhỏ đủ các loại vang lên các đường phố gần xa truyền âm hưởng khắp mọi nơi như tiếng vọng hòa điệu của bao nhiêu tấm lòng trẻ thơ nao nức. Đặc biệt nhất là nhịp trống múa sư tử, nhịp trống đổ hồi càng lúc càng nhanh. Người múa sư tử nai nịt gọn gàng trong bộ đồ đen bó sát, thắt lưng bằng một giải lụa hồng to bản, đầu vấn khăn đỏ như cô gái đồ long trên sân khấu. Sau cái đầu sư tử với các màu sắc nổi bật và chòm râu dài trắng toát lê thê là một tấm vải dài chừng hai thước do một người cầm cũng vận y phục bó sát và oai vệ.

Sư tử múa đủ kiểu, thụp lên thụp xuống vờn quanh đớp vào không khí, hai cái râu dài trắng phất phơ. Cuộc múa sư tử thường kèm theo một cuộc biểu diễn vũ thuật ngoạn mục trong khi đám con nít reo hò chạy đi phía sau. Nhưng thú vị nhất vẫn là lúc xem sư tử lấy giải, hồi cuối cùng của cuộc múa và cũng là giai đoạn hấp dẫn nhất. Người ta treo giải bằng tiền nhưng tiền ấy thường được treo tận mái nhà hoặc từ trên lầu rủ xuống, sư tử phải làm xiếc mới đớp được tiền, có khi người ta chồng nhau thành hình tháp để sư tử đứng chót vót phía trên múa và đoạt giải cùng với gói tiền treo cao nhiều khi chủ nhà còn buộc kèm phong pháo, pháo nổ tung giữa lúc sư tử vờn giải và sư tử phải đớp luôn cả pháo vào mồm làm sao đừng cho cháy mất bộ râu.

Lấy giải xong trống lại nổi lên âm ba vang dội, những chiếc đèn con cá, bướm, ngôi sao, tàu bay lại sắp hàng dài từ từ chuyển đi lấp lánh sắc màu huyền ảo trong đêm trăng. Chiếc đầu sư tử cũng chuyển đi giữa những ánh đèn màu như hình ảnh hoang đường mà vẫn rất quen thuộc của một dĩ vãng nào đẹp lắm đang thấp thoáng đi xa.


1-9-1971     
MINH SANG 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 162, ra ngày 1-10-1971)


Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

XÓM TRĂNG - Trần thị Phương Lan

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tròn to như chiếc dĩa
Vành vạnh trên đỉnh trời
Sáng soi ngàn muôn lối
Trăng trung thu rạng ngời

Xóm nghèo trăng trải lụa
Bầy em bé hát ca
Lung linh trăng thắp nến
Tít cao bầu trời xa

Tùng cheng tùng tùng cheng
Em bé rước lồng đèn
Theo nhịp ông lân múa
Bên ông địa cười hiền

Vòng vòng quanh lối xóm
Hẻm lầy lội, mấp mô
Đứa sau theo đứa trước
Ánh mắt tròn ngây thơ

Tưng bừng đêm trung thu
Bánh, trái, mứt... ngọt lừ
Vừa ăn vừa khúc khích
Dưới trăng ngà nên thơ

Quây quần trong xóm trăng
Bà kể chuyện xưa rằng:
Chú Cuội chuyên nói dối,
Đẹp tuyệt sắc chị Hằng...

Trung thu của xóm nghèo
Có gió mát trăng treo
Trăng thu trong thành phố
Bao kỷ niệm dấu yêu

                  Trần Thị Phương Lan
                      (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

MÙA TRĂNG - Kim Hài

 

"Chú cuội hái một nắm lá đa, nhai nhỏ rồi đắp lên chỗ vết thương. Con chim trở mình, đập cánh bay lên. Thấy lạ, người nhà Bá Hộ vội trở về kể lại mọi việc với chủ. Bá Hộ mừng rỡ mời Cuội đến nhà chữa bệnh cho con gái và hứa nếu Cuội cứu sống con ông, ông sẽ nhận Cuội làm rể. Chỉ với ba chiếc lá đa, Cuội lại cứu được mạng sống cô. Ông Bá Hộ giữ lời hứa, gả con gái cho Cuội. Hai vợ chồng Cuội sống với nhau rất hạnh phúc, ngày ngày chăm sóc cây đa quí, chữa bệnh cho dân…”
 
Còm ngồi chồm hổm trước cửa nhà nhìn lên trời. Trăng sao vằng vặc. Mảnh trăng khuyết một chút như miếng bánh đa bị mẻ góc tỏa ánh dáng đẹp đẽ rỡ ràng xuống trần gian. Tiếng kể chuyện vẳng ra từ chiếc máy phát thanh bên hàng xóm đột ngột cắt ngang, thay bằng một giọng ca mùi mẫn. Còm cố nhớ lại đoạn kết câu chuyện quá quen thuộc mà nó đã từng nghe kể. Cây đa bị trốc gốc bay lên mặt trăng mang theo cả chú Cuội dễ thương. Từ đó, hằng đêm, chú Cuội ngồi dưới gốc đa nhớ về trần gian những ngày chăn trâu, bắt cá…
 
Còm nghĩ thầm, chú Cuội ngu thiệt là ngu, ai mà lại nhớ những chuyện cực khổ đó trong khi bên cạnh chú là một cây đa kỳ diệu có những chiếc lá trị bá bệnh, cải tử hoàn sanh. Còm chỉ mong mình có được hai, ba lá, chỉ hai, ba lá thôi, không nhiều hơn để trị bệnh cho mẹ. Bà Ba, mẹ Còm bị ho dai dẳng cả tháng nay. Mỗi đêm, thức giấc, nghe tiếng mẹ ho khan xé ngực, Còm có cảm giác như lồng ngực mình cũng nặng trĩu, nhói đau. Vậy mà sáng sáng, mẹ đều dậy sớm sửa soạn ra chợ từ lúc trời chưa sáng hẳn và chỉ trở về khi trời sẩm tối.
 
- Còm, tối nay đốt đèn chơi Trung thu không?
 
Còm day lại. Con Chúc, thằng Lắm, thằng Xin tở mở cười toe rủ Còm. Đốt đèn, thích thiệt, chỉ cần một cây đèn cầy nhỏ, dựng lên cái thước gỗ, sắp hàng vừa đi vừa hát là đủ thấy Tết Trung thu. Nhưng, mẹ chưa về, đâu có tiền mua cây đèn cầy. Còm ngần ngừ trả lời:
 
- Để chút nữa, mẹ tao về.
 
- Ừa, tụi tao đi trước, chút nữa mày đi nghe.
 
Còm tiếc nuối nhìn theo. Tụi thằng Xin đã đi ra đầu ngõ. Chẳng bao lâu, Còm đã nghe tiếng hát chúng vọng lại:
 
Bóng trăng trắng ngà,
Có cây đa to.
Có thằng Cuội già,
Ôm một mối mơ…
 
Còm rầu rĩ nhìn lên trời. Mặt trăng long lanh ướt rượt. Trên nền vàng sáng, cái bóng đen lờ mờ tỏ hiện. Còm nheo mắt, cố gắng không chớp để nhìn cho kỹ. Những quầng đen càng nhìn càng giống một cây to, tán lớn. Đúng là một cây đa, sum sê rườm rà y cây đa ở Lăng Ông Bà Chiểu. Vậy chú Cuội ở đâu? Hình như Còm vừa thấy dáng chú Cuội ngồi im lìm dưới tàng cây lớn. Còm phấn khởi quá kêu to:
 
- Chú Cuội kìa. Chú Cuội…
 
- Nấu cơm chưa mà còn ngồi đây? Sao con không thắp đèn?
 
Bà Ba đặt gánh hàng xuống, cố nén cơn ho. Bị mắc mưa cảm lạnh một trận, biến chứng thành ho, kéo dài hơn một tháng mà chưa bớt, nhưng bà vẫn cố gắng đi sớm về trễ với gánh hàng rau. Mệt nhọc, nắng nôi suốt ngày nên bệnh lâu lành. Bà Ba biết vậy nhưng nghỉ chợ một ngày là đói một ngày, bà đành cố gắng gượng.
 
Còm thấy mẹ về, reo lên một tiếng khẽ:
 
- Mẹ về. Con nấu cơm rồi, chờ mẹ về luộc rau.
 
- Ừa, con giỏi. Lấy cho mẹ miếng nước nóng rồi thắp đèn lên. Sao con không học bài trước? Nhập học rồi đâu còn nghỉ hè nữa mà chơi hoài.
 
Còm vừa thắp đèn vừa nói với mẹ:
 
- Mai chủ nhật mẹ à. Với lại trăng sáng, thắp đèn uổng dầu.
 
Nửa giờ sau, hai mẹ con ngồi bên mâm cơm. Còm đói tợn nên ăn vội vã. Có tiếng thím Hai la ngoài ngõ:
 
- Tụi bây có tắt đèn không? Coi chừng cháy nhà cả xóm.
 
Còm chợt nhớ, nó và vội vài miếng rồi ngập ngừng xin mẹ:
 
- Mẹ cho con… tiền… mua đèn… Trung thu…
 
Bà Ba thở dài. Còn có ba ngày nữa là Tết Trung thu. Tết của trẻ em. Trên đường về, các cửa hàng bán bánh Trung Thu giăng đèn sáng trưng. Đèn bánh ú, đèn ngôi sao, đèn kéo quân, đèn trái bí muôn màu muôn vẻ. Những đứa trẻ quần áo tươm tất hớn hở tay cầm đèn, tay cầm bánh, theo chân bố mẹ tung tăng trên đường phố. Bà thấy và bà biết Còm sẽ vui mừng như thế nào khi cầm trong tay một chiếc lồng đèn Trung thu. Ngày xưa, xưa lắm, khi bà còn nhỏ, bố bà đã làm cho bà một cái lồng đèn bánh ú bốn màu. Tuy đèn đơn sơ, nhưng lòng bà tưng bừng như mở hội. Giờ đây thằng Còm, con bà, chắc hẳn cũng mơ ước xiết bao được có một chiếc lồng đèn trong tay, nhưng bà đành bất lực. Một mẹ, một con, đầu tắt mặt tối, vất vả, nghèo đói, đau yếu, trăm phần cơ cực. Lồng đèn, bánh nướng chỉ là ước mơ. 
 
Tim bà thắt lại, giọng nói trở nên nghẹn ngào:
 
- Mẹ cho con năm trăm đồng mua đỡ một cây đèn cầy nhỏ. Bữa nay mẹ bán hàng ế. May ra vài bữa nữa, bán đắt mẹ mua cho cái bánh dẻo con heo.
 
Còm hớn hở nhận tờ giấy năm trăm nhàu nát:
 
- Dạ, con chơi một chút thôi mẹ. Ngoài đường, bánh dẻo con heo nhỏ nhỏ giá cũng mấy ngàn đồng lận. Có hai hạt đậu đen làm mắt trông tức cười thiệt.
 
- Ừa, con đi chơi, nhưng chút nữa về mẹ đưa tiền ra tiệm thuốc mua cho mẹ lọ thuốc ho.
 
Thằng Còm dạ lớn rồi chạy vội ra ngoài nhập với bọn trẻ. Ánh trăng càng lúc càng sáng hơn. Người lớn đổ ra ngõ để tìm chút gió mát. Một vài người nhìn đám trẻ chơi đèn với vẻ lo âu:
 
- Làm ơn dẹp dẹp dùm mấy cái đèn. Nóng bức thế này, cháy nhà dễ như chơi. Khổ lắm.
 
Một đứa nhỏ không có đèn, bèn vung vẩy một đoạn lốp xe cháy lèo xèo bốc khói nghi ngút. Thế là mọi người đổ xô thổi tắt đèn. Không biết ai đã tóm lấy cây đèn cầy của thằng Còm quăng đi đâu mất. Tiếc quá, Còm khóc rưng rức. Bọn trẻ rã đám đứng ngơ ngẩn nghe người lớn quát nạt rồi tản mác về nhà.
 
Trăng sáng quá. Thằng Còm vẫn ngồi buồn xo trên bậc cửa sùi sụt. Bà Ba đã nhìn thấy hết. Thương con muốn cho con được trọn vẹn niềm vui nhưng bà không biết làm sao. Giá như thằng Còm có được một chiếc đèn Trung Thu, song làm sao mà có được dù là chiếc đèn đơn giản nhất. Cổ họng bà thắt lại vì buồn. Một cơn ho xé ngực nổi lên, bà cố chặn bằng một ngụm nước nóng, song không kịp. Thằng Còm đang ngồi rầu rĩ nghe tiếng mẹ ho nóng ruột chạy vào:
 
- Mẹ ơi, đưa tiền con đi mua thuốc cho mẹ. Thuốc ho dân tộc phải không mẹ?
 
Bà Ba vuốt ngực. Cơn ho tạm lắng, bà lần túi lấy ra mấy ngàn đồng đưa cho Còm. Giọt nước mắt trên má Còm vẫn chưa khô, loang loáng. Cơn đau khác trong lòng người mẹ cuộn lên còn hơn cơn ho vừa rồi. Một ý nghĩ thoáng qua, bà Ba ngăn thằng Còm lại:
 
- Khoan đã, con lấy trong thúng lớn cho mẹ một củ gừng và một củ nghệ. Cầm đưa mẹ con dao, rót thêm cho mẹ miếng nước nóng. Mẹ quên, người ta bày cắt gừng thành lát mỏng, ngâm nước nóng uống cả xác, còn nghệ thì nướng chín ăn, chữa ho cảm mau lành nhất. Khỏi mua thuốc.
 
Thằng Còm ngạc nhiên:
 
- Vậy mẹ đưa tiền cho con làm chi?
 
Bà Ba cười vuốt tóc con:
 
- Trung Thu con không có đèn. Mẹ định mua cho con nhưng sợ cháy, uổng lắm. Với lại trong xóm toàn nhà lá, chơi lửa bà con không muốn đâu. Mẹ cho con tiền mua cái bánh dẻo con heo, để mai ăn, chịu không?
 
Thằng Còm sướng rơn. Nó như muốn nhảy lên khỏi mặt đất. Cái bánh dẻo. Chỉ có mơ mới có.
 
- Đã quá mẹ ơi. Vậy mẹ có mua thuốc không, để con đi mua luôn?
 
- Mai mẹ mới uống. Xuống chợ mẹ mua cũng được.
 
- Vậy con đi mua bánh Trung thu.
 
- Ừ, con đi.
 
Bà Ba cắn một miếng gừng, tu một ngụm nước nóng. Hơi ấm của gừng làm ấm nóng vùng ngực và bụng. Bà thấy dễ chịu. Nhưng có lẽ lòng bà ấm nhiều hơn vì đôi mắt mừng vui, và nét mặt hớn hở của con. Lòng nhẹ nhõm, bà Ba đứng dậy, thu dọn nhà cửa, quang gánh, để mai cất hàng sớm.
 
Thằng Còm đi như chạy. Cái hẻm nhỏ sao dài và xa dằng dặc. Cầm chặt món tiền trong tay, Còm vừa đi vừa nhìn lên trời. Mặt trăng chạy theo Còm từng bước, từng bước. Cả chú Cuội nữa, như cũng hòa vào niềm vui của Còm, nhảy nhót trong trăng.
 
“Cuội ơi ta nói Cuội nghe,
Ở trong trăng mãi làm chi?” 
 
Còm hét tướng lên.
 
- Đi kiểu gì kỳ vậy, đồ xớn xác!
 
Còm vụt ngồi xuống tránh cái bợp tai của một bà già. Mải hát, Còm suýt va vào bà.
 
- Thằng Còm đó hả? Mẹ mày đã bớt chưa? Nói với mẹ là vừa xông vừa uống thuốc mới mau hết. Để lâu thành lao thì khốn. Sao mày không ở nhà phụ mẹ mà lại chạy nhong nhong như ngựa vía vậy?
 
Còm đứng lặng nhìn theo bà cụ. Bà ấy vừa nói gì nhỉ? Không uống thuốc mẹ sẽ bị lao. Bệnh lao. Một loại bệnh ghê gớm chết người theo suy nghĩ của Còm. Niềm vui bỗng lắng xuống. Còm đâm lo lắng. Nó tần ngần nhìn bóng mình in dưới nền đất lồi lõm rồi ngước nhìn lên. Mặt trăng cũng đứng yên nhìn Còm. Chú Cuội cũng đứng yên nhìn Còm. Giá như Còm có được ba chiếc lá đa của chú Cuội nhỉ. Bất giác, Còm khấn thầm:
 
- Cuội ơi, cho cháu xin mấy cái lá đa để chữa bệnh cho mẹ cháu. Lúc ấy, Cuội bảo gì cháu cũng theo.
 
Nhưng mặt trăng vẫn im lìm nghiêng nghiêng nhìn xuống Còm. Còm bước đi chậm chạp, tiền cầm chặt nơi tay.
 
Hàng bánh sáng trưng. Những chiếc lồng đèn con cá, con bướm rực rỡ màu xanh đỏ.
 
- "Lồng đèn xanh xanh đỏ đỏ
Mua về cho em nhỏ nó chơi."
 
Dưới những chiếc lồng đèn màu sắc là cái tủ gương chứa đủ mọi loại bánh. Nâu nâu mỡ màng là bánh nướng. Trắng tinh là bánh dẻo. Còm hướng về phía đó, nhìn con heo phình cái bụng tròn quay, cặp mắt đen nhánh bằng hai hạt đậu, tươi cười thỏa mãn. Còm thấy muốn cầm ngay con heo vào tay để vuốt nhẹ trên làn da trắng của nó, để hít hít cái mùi thơm thơm của nước hoa bưởi phả ra từ chất bột dẻo.
 
Có tiếng ai ho khan làm Còm giật mình tưởng mẹ đang đứng đâu đó. Một cảm giác xao xuyến chạnh lòng lướt qua trái tim nhỏ bé của Còm. Mẹ đang bệnh. Để lâu bị nặng thành ho lao. 
 
Nếu mẹ mất đi, Còm sẽ ra sao đây? Còm cố lắc lắc cái đầu để xua những nghĩ đen tối. Còm ngước nhìn lên trời. Chú Cuội với cây đa cành lá sum sê đang nhìn xuống nó. Giá như nó được một chiếc lá đa kỳ diệu nhỉ? Còm cúi xuống nhìn những đồng bạc trong tay rồi nhìn qua hiệu thuốc ở kế tiệm bánh.
 
- Mua bánh hả?
 
- Dạ…, cháu mua thuốc.
 
- Mua thuốc qua bên kia, để có chỗ cho khách mua bánh, đi qua bên kia đi…
 
Còm ngập ngừng bước, mắt vẫn còn quay lại nhìn vào đôi mắt đen nhỏ xíu của con heo nhỏ.
 
Đêm hôm đó, trong căn nhà lá nghèo nàn, một người đàn bà thổn thức nhìn con không ngủ được, nhưng cơn ho đã dịu đi nhiều. Và thằng bé, thằng Còm, thì say sưa ngủ, nó mơ thấy chú Cuội từ trong cung trăng bước ra cho nó một nắm lá đa và một cái bánh dẻo con heo to tướng có đôi mắt đen lay láy.
 
 
Kim Hài.   

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2024

TRUNG THU VÀ EM !!! - Triều Dương

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đưa tay ngắt chiếc lá vàng
Bâng khuâng em hỏi thu sang bao giờ?
Êm đềm em bước trong mơ
Đêm đêm em lại thẫn thờ dưới trăng

Chuyện trò cùng với chị Hằng
Thu nay có biết vui bằng thu xưa?
Hay là trời lại đổ mưa
Khóc cho ướt đất mới vừa lòng ông

Bé Thơ nước mắt lưng tròng
Ông trời chi ác hết mong vui đùa
Ướt đèn bé chẳng tiền mua
Lấy gì bé xách trong mùa Trung Thu!

Khóc rồi bé lại mách u:
-U ơi! Có phải trời hù bé không?
U bèn ôm bé vào lòng
- Chó con có vậy cũng mong làm nhè!

Ai bảo tánh cô hay khoe
Cho nên trời mới đổ ghè mà trêu
Bé biết là u mắng yêu
Giả đò hờn dỗi khóc nhiều hơn lên

Nào ngờ u cũng vờ quên
Bỏ đi xuống bếp, để "ên" bé ngồi
Không thèm năn nỉ ỉ ôi
Mặc cho bé khóc đã thôi - bé chừa

Sáng ngày chẳng dám dậy trưa
Đợi u đi chợ, bé thưa u rằng:
- U ơi! U có nhớ chăng?
Hôm nay mười bốn ông trăng gần tròn

U mua đèn khác cho con
Đêm nay có hội bé còn đi chơi
Trống đình làng điểm dài hơi
Con lân nó múa thích ơi ơi là...

U ừ lòng bé nở hoa
Trung Thu Tết trẻ ai mà đành ngơ
Trăng trong em tập làm thơ
Tả con thỏ bạch đứng chờ Hằng Nga

Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa kêu cha ời ời!
U xem u bỗng kêu trời:
- Con u giỏi quá cắp lời ca dao!

Sao không tả cảnh trăng sao
Tả chi chú Cuội, chú gào gọi cha
"Quê cơ" bé ngẩn mặt ra
U cho miếng bánh giảng hòa bé con

Sang mười lăm ông trăng tròn
Bây giờ nhớ mãi vẫn còn Trung Thu.

                                         TRIỀU DƯƠNG

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 108, ra ngày 21-9-1973)




Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

CHIẾC ĐÈN CỦA BÉ - Bé Mi Mi

 Còn 2 ngày nữa là Trung thu rồi nên chiều nay mẹ dắt bé ra phố mua lồng đèn. Mẹ đi với bé từ hàng này qua hàng khác. Gian hàng nào cũng sặc sỡ và nhộn nhịp cả.

Bé trông thấy nào lồng đèn con cá này, lồng đèn con tôm này, lồng đèn tàu bay, lồng đèn tàu thủy, xe tăng. Nhiều thật là nhiều vậy đó.

Có đủ các màu hết á, màu đỏ, màu vàng này, màu xanh lơ này, màu xanh lá cây nữa! "Mun ti cô lo" ấy mà.

Có một chiếc đèn con rồng, "bự" ơi là "bự", đẹp ghê đi là. Bé thích nó quá. Nó có bộ râu trắng xóa êm như nhung gấm, và mấy cái râu vểnh lên cao trông rất oai hùng, thân hình nó uốn cong. Trời ơi, sao mà "mê ly não nùng" thế. Bé ngất ngây (!) trước "người đẹp con rồng" (nhưng chả phải "cháu tiên" như bé đâu!). Bé say sưa, mê mẩn đứng ngắm nó. Nó "mỹ lệ" quá các bạn ơi. Nhưng bé hơi ngần ngại chưa dám đòi mẹ mua liền vì nó to hơn bé luôn cơ. Sợ bé ôm nó không xuể, mà lồng đèn thì phải xách mới chơi được chứ.

Bé do dự một ít lâu. Sau cùng bé "quyết định": đòi mẹ mua. Nếu to quá, chơi không được thì đòi mẹ mua lại cái khác. "Người ta" là con cưng mà lị. Nhưng có ai học được chữ "ngờ" đâu phải không các bạn?

Sau khi mẹ chiều, mua cho bé cái lồng đèn ấy, về nhà, lúc đầu bé nưng niu con rồng của bé đến độ anh Hải phải kêu lên:

- Bé làm y như "nó" đẹp mũm mĩm (!) lắm ấy, "nó" thì phải người cỡ như anh mới chơi được chứ bé tị như bé thì... ra ăn cơm cho rồi!

Bé hờn mát bĩu môi:

- Anh thì cái gì cũng chê.

Ăn cơm tối xong, bé xách chiếc đèn ra ngồi ngắm nghía một mình. Tự nhiên, không hiểu sao bé thấy nó "thường" ra.

- "Ừ nhỉ, sao mình ngu thế, to thế này thì làm sao đi rước đèn với tụi con Hồng được? Mà "nó" cũng chả có gì đặc sắc hết!"

Rồi tiếc thầm:

- Lúc nãy xin mẹ mua chiếc đèn "giỏ hoa" có phải đẹp hơn không lại còn vừa tay mình xách nữa.

Bé đã chán cái lồng đèn con rồng của bé rồi. Bé chạy lại mẹ làm nũng:

- Mẹ ơi, con không thèm cái con rồng này nữa. Nó to quá, xách chả vừa tay tí nào.

- Ô, bé hay nhỉ?... Nằng nặc đòi mua cho được bây giờ về rồi kêu chán. Ai bảo mẹ mua cái nhỏ hơn mà con không chịu nghe.

Bé phụng phịu:

- Con hổng chịu đâu, mẹ mua cái khác cho con cơ.

- Hư, mẹ đánh bây giờ.

Bé vụt nằm vạ ra sàn khóc òa lên.

Không ngờ (thật đấy!) mẹ với tay lấy cái chổi lông gà đánh vào mông bé một cái nhẹ, nhưng đối với bé thì đau lắm.

Mẹ nghiêm nghị:

- Hư lắm! Con người ta không có mà chơi mình có thì phí phạm. Nín không mẹ đánh thêm cho bây giờ chứ khóc à?

Nói xong, mẹ quay lưng, đi vào phòng ba.

Ngồi một mình, bé bỗng cảm thấy ghét cái con rồng nằm kia lạ, đã xấu xa rồi mà còn làm cho bé bị mẹ đánh nữa. Bé thù nó ghê.

- Ô hay, sao khóc vậy cưng?

Tiếng anh Hải vọng vào tai bé.

Bé nức nở:

- Mẹ... đánh bé.

- Tội nghiệp cưng anh chưa? Mà tại sao vậy?

- Ư... Ư... vì bé đòi mẹ mua đèn khác.

- Nếu vậy thì bị đánh là đáng lắm rồi. Thôi nín đi không thôi anh cũng ghét cho bây giờ.

Bé nhõng nhẽo vít cổ anh xuống thỏ thẻ:

- Anh Hải mua cho bé cây đèn khác nhỏ hơn đi anh Hải nhá? Con rồng lớn quá bé xách hổng nổi.

Hình như anh Hải cũng đã "thông cảm" với bé nên anh gật đầu bảo:

- Ừ sáng mai rồi anh đi mua cho bé cái khác nhỏ hơn, nhưng lần nầy thì "tuyệt đối" cấm phí nhé.

Bé cười thật tươi, như đóa hoa mới nở í:

- Vâng ạ.


Bé MI MI       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 77, ra ngày 15-9-1967)