Thư của em V.H. Saigon:
...
Dù rằng em không còn ở tuổi Thiếu Nhi, không ở trong GĐTN nhưng em mong
chị sẽ vui lòng bớt chút thì giờ cho em chị nhé. Năm nay em đã 24 tuổi,
em học Văn Khoa. Gia đình em dự định nếu em lấy xong chứng chỉ chót thì
sẽ làm đám cưới. Em cũng tưởng rằng với sự học hành chăm chỉ của em,
thi đậu là lẽ dĩ nhiên. Ngờ đâu em lại bị rớt. Ba má em bảo cứ cưới đi
rồi qua năm sẽ thi lại. Nhưng em không muốn. Em muốn có cái bằng Cử Nhân
đàng hoàng khi về nhà chồng người ta mới khỏi khinh rẻ, em muốn phải
học cho thành tài mới bước vào đời. Vũ trụ sụp đổ hết chị ơi...
Trả lời:
Dù em bao nhiêu tuổi, mà em còn ngây thơ như vậy, chị vẫn mong rằng
những dòng chị viết sau đây, sẽ giúp ích em được phần nào. Dạo chị còn
bé, khi mới biết làm tính cộng, ước vọng cao xa của chị là biết làm tính
chia như anh của chị. Và chị nghĩ nếu đã làm được tính chia thì kể như
là về môn toán khỏi phải học nữa. Khi chị làm được tính chia, thì anh
của chị học phân số, chị lấy làm thán phục cái tính gì kỳ lạ: trên một
hàng số, dưới một hàng số, mà giữa lại có cái gạch ngang, khác hẳn tính
cộng trừ có hai hàng ở trên, chị chả hiểu ra làm sao cả. Và chị nghĩ tột
đỉnh Toán học chính là bài toán kỳ lạ hai hàng số giữa cái gạch đó. Lớn
thêm tí nữa chị lại thấy toán học còn có nhiều cái lạ hơn mà chỉ khi
bước lên đỉnh cái lạ này mới lại thấy chân trời lạ mới. Rồi chị học được
một câu rất thấm thía thế này: "Sự hiểu biết của người ta giống như con
ếch ngồi đáy giếng. Nó nghĩ rằng trời bằng cái miệng giếng, nó chỉ nhảy
ngang dọc mỗi chiều năm bước là hết cả trời. Khi leo lên được một bậc,
tầm mắt nó lên cao, nó thấy nơi miệng giếng rộng ra. Rồi nó leo lên lần
lần, trời càng rộng hơn mãi, cho đến khi nó lên tới miệng giếng, thì nó
thấy bầu trời mênh mông quá, đi tới ngàn năm cũng không hết được." Sự
học cũng thế. Hồi xưa, học xong lớp ba, đi thi Sơ Học yếu lược, nếu đậu
là kể như có đủ khả năng để làm lý trưởng (nếu có tiền) thì sự thành tài
chính là bằng Sơ Học Yếu Lược. Và nếu có người đậu Sơ Học Bổ Túc (xong
lớp nhất) thì phải coi như là hãnh diện lớn, phải khao vọng, và có thể
tự hào là người "thông thạo chữ Tây". Lần lần, quan niệm đó bị coi là
sai lầm, cũng như con ếch leo lên nhiều bậc, càng được học nhiều, người
trí thức càng thấy sự không biết của mình về vũ trụ mênh mông, lớn quá,
so với cái biết nhỏ bé của mình. Và bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có đầy
dẫy cái không biết bên mình em ạ. Em đừng nghĩ rằng vũ trụ sụp đổ em
ơi. Nếu kỳ thi rồi em đậu, thì sự hiểu biết của em hơn em hiện nay là
bao nhiêu? Sự học rất cần thiết. Nhưng học để làm gì, học chính là để
nên người. Vậy nếu em đậu kỳ vừa qua mà em đã coi là em thành người, thì
chị thấy không đúng đâu. Sự nên người phải do nhiều yếu tố ghép lại, mà
đỗ đạt chỉ là một phần nhỏ, một bằng chứng cụ thể rằng đã được huấn
luyện về phương diện học vấn. Sự thi đậu cũng là bằng chứng cụ thể rằng
em đã đi học một cách chăm chỉ, nghe giảng cẩn thận, thế thôi. Còn muốn
trở thành một người thì em phải học thêm nhiều thứ lắm. Trước
nhất, là em phải phá vỡ cái thành kiến rằng đậu bằng cử nhân là đã
"thành tài", vì cái thành kiến tai hại ấy nó sẽ làm em tự cao tự đại,
trở thành mù quáng, tưởng rằng mình biết hết cả vũ trụ, cũng như hồi
xưa, mấy ông kỳ mục tưởng rằng bằng Sơ Học Bổ Túc là tột đỉnh của sự
theo Tây học vậy em ạ. Chị nhớ có đọc câu này của một học giả: "Điều tôi
thấy rõ nhất sau những năm chuyên cần học hỏi của tôi là tôi đã học
được quá ít so với những điều tôi chưa học". Nói được câu đó, thì ông đó
sáng suốt thật, và chị tin chắc chắn là ông đó sẽ học thêm được biết
bao, sẽ hiểu biết rộng rãi vô cùng trước khi từ giã cõi đời.
Vậy
thì tóm lại, em nên vâng lời ba má. Sau này có thì giờ em sẽ cứ học, cứ
thi. Chị có chị bạn khi lấy chồng mới học đệ nhị, nay con chị đó đã 10
tuổi, và chị đó đã đậu cử nhân luật. Nhờ ra đời, chị ấy biết rằng ở đời
còn nhiều cái cần thiết và đáng quí hơn bằng cử nhân luật, nên chị ấy
rất nhã nhặn, ai cũng yêu quí. Nếu em không nghe lời ba má, cứ nhất định
nghĩ phải có bằng cử nhân mới lấy chồng để khỏi bị khinh rẻ, thì chị
thành thật mong em đừng thi đậu. Vì với cái quan niệm hẹp hòi ấy, nếu em
thi đậu, về nhà chồng, nội cái tính kiêu ngạo của em, em sẽ khổ vì mọi
người không thể thương yêu em được.
Nếu
những lời của chị có làm em buồn lúc này, chị xin nhận sự ghét bỏ của
em, chỉ xin em nhớ rằng thuốc đắng khỏi bệnh, có như thế, chị mới khỏi
phụ lòng em tin cậy.
Chị Đ.P.K.
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 56, ra ngày 17-9-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.