Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

CHƯƠNG I_MÁU ĐÀO NƯỚC LÃ




I

Là một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, tôi đã từng nếm trải rất nhiều bất hạnh, nhưng tận bây giờ tôi vẫn thấy không bất hạnh nào to lớn quá sức chịu đựng cho bằng chuyện tôi bị rời khỏi ghế nhà trường quá sớm.

Ngay từ thuở ấu thơ, trong lúc những đứa trẻ  trạc tuổi tôi còn đang ngủ vùi trong chăn ấm thì tôi đã biết dậy sớm là thế nào rồi. Trong lúc trẻ khác còn vòi quà mẹ, tôi đã biết thân phận mình: lo lảng tránh mỗi khi mợ phát quà cho các con của mợ.

Đi học về, tôi lo cắm cúi rảo bước trước anh Hùng
con của cậu mợ tôi, cùng lớp và cùng tuổi với tôi để về nhà lau bát, dọn bàn.

Ngày nghỉ, tôi lo ra vườn quơ củi để dành thổi nấu trong tuần. Mùa gặt, tôi phải ra ruộng, thức đêm canh lúa y như bọn lực điền người lớn. Tôi không cho là khổ vì phải làm những việc đó, nhưng khổ tâm vì không một ai dành cho tôi chút cảm tình, nên thường nhìn trẻ nghèo khác được cha mẹ thương yêu
dù chúng đói, khổ hơn tôi một cách thèm thuồng.

Làm sao để bạn biết rằng tôi thèm khát đến bậc nào, thiết tha đến bậc nào một ánh mắt dịu dàng, một nụ cười âu yếm, một lời sai bảo từ tốn chứa đầy niềm thân ái, tin yêu?

Nếu tôi nhớ không lầm thì trọn thời kỳ đó chưa lần nào tôi được một bàn tay ai đặt lên mớ tóc bù rối, chưa hề có cái diễm phúc nghe được một lời trìu mến, chưa được hưởng một cử chỉ săn sóc nào cả.

Tôi rất ghét, ghét đắng cay những bài tập đọc, bởi vì trong đó hình vẽ và câu chuyện toàn trái ngược với tình cảnh tôi, nào: "Cha Tý đi làm về thì mẹ và chị cũng vừa dọn cơm xong. Cả nhà ngồi ăn vui vẻ. Cơm sốt, canh nóng, bát đũa sạch sẽ cho nên dù chẳng có gì cao lương mỹ vị..." Nào là: "Cơm nước xong, trời vừa tối, ngọn đèn treo thắp ở giữa nhà. Cha ngồi đọc nhật báo, mẹ và chị kim chỉ vá may. Tôi học bài, hai đứa bé nhất thì đang nghe bà kể chuyện cổ tích. Cảnh gia đình sum họp v. v..."

Vâng! Tôi ngấy lắm. Thế nhưng mà, tôi lại thích, mê là đằng khác những cuốn sách hồng nho nhỏ, xinh xinh của các anh chị mà tôi đọc trộm. Tôi thấy như thiên đường mở rộng qua những trang sách đó. Tôi đọc say sưa, tưởng như mình là người trong truyện, được cha mẹ, thầy bạn thương yêu; có anh chị, em út để mà vui đùa chạy nhảy tung tăng. Những câu chuyện cắm trại, câu cá, những tấm gương can đảm, hy sinh, thế giới tin yêu, thân mến trong những trang sách ấy quả đã an ủi và giúp tôi rất nhiều. Trong đó có cha hiền, mẹ đảm, chị tốt, em ngoan. Trong đó mọi người đối với nhau rất mực hiền hòa, thân ái. Trong đó các nhân vật ăn nói sao mà thân mật ngọt ngào. Những người lớn thì gọi lũ trẻ bằng "em", bằng "con", bằng "cháu" toàn là những tiếng mà tôi khao khát ước ao song chẳng bao giờ được nghe, được nhận. Quả như vậy: tôi chỉ nghe những tiếng cộc cằn, những lời thô lỗ, những câu sai bảo luôn luôn phát ra bằng cái giọng hung hãn, dữ dằn. Tôi chỉ bị nhìn bằng những tia nhìn bỏng như lửa, sắc như dao, và luôn luôn tôi phải cúi gầm mặt xuống để lẩn tránh những tia mắt đầy ác cảm ấy, mỗi lần nghe gọi đến tên. Bởi lẽ đó, tôi bị coi là đứa trẻ điêu trá nhất, gian dối nhất mà người ta chưa từng gặp trên đời. "Những người ngay thẳng, lương thiện không tránh ánh mắt kẻ đối diện bao giờ". Người ta bảo thế.

Tâm hồn non dại của tôi tựa như những sợi dây đàn căng thẳng mà người ta không kể gì đến tiết tấu, âm điệu, nhịp nhàng...

Mợ thì dĩ nhiên là chẳng thương tôi, song tôi ngạc nhiên mà nhận rằng chính cậu tôi cũng tỏ ra rất tiết kiệm một lời ôn tồn đối với đứa cháu mồ côi. Các con cậu mợ tôi, người nhỏ thì đối xử tàn nhẫn tôi không hề trách móc
vì tôi nghĩ rằng các anh chị ấy còn bé dại nhưng tôi không khỏi tủi thân thấy đến các chị lớn cũng không chút lòng thương đối với đứa em bất hạnh.

Tôi thường hay mủi lòng, dễ khóc, một cớ làm cho cả nhà càng thêm ghét bỏ và chì chiết bằng giọng mỉa mai rằng tôi điêu trá. Mợ tôi thường ví "nước mắt đâu mà nhiều như nước đái" làm tôi càng thêm tủi thân.

Về sau, tôi nghiến răng chịu đòn, bịt tai lại trước những lời mỉa mai cay độc cho đỡ khổ; như vậy tôi lại được coi là quân lì lợm, mặt sứa gan lim! Người ta còn tiên đoán về sau tôi sẽ trở thành "tên gian hùng" giống thằng cha nó! "Thằng cha nó!" Đó là ba tiếng cả nhà thường dùng để nhắc đến thầy tôi, người mà tôi hết lòng mến yêu, kính trọng.

Tận giờ đây, tóc đã pha tiêu muối, tôi vẫn còn lạ lùng, khó chịu khi nhớ lại ác cảm của gia đình cậu mợ đối với thầy tôi. Nghĩ đến thầy tôi, trong óc tôi thoáng hiện một người đàn ông khoảng trung niên, với vầng trán cao, chiếc cằm vuông, hai hàm răng trắng bóng và đều đặn như những hạt ngô vừa bóc vỏ. Song đặc biệt, tôi không bao giờ quên được đôi mắt của thầy tôi, đôi mắt sâu thăm thẳm, không hẳn đen mà cũng không hẳn nâu, ẩn dưới hai hàng lông mày rậm, dài và hơi xếch về phía thái dương, trông càng nghiêm nghị. Thầy tôi thường mặc áo dài đen, quần trắng, ngay cả cái đêm kinh hoàng có hàng chục người lạ mặt xông vào nhà lục soát và bắt thầy tôi… và ngay cả lúc đó, thầy tôi vẫn giữ được cái phong thái ung dung điềm tĩnh.

Khi mẹ tôi òa khóc, phục xuống chân người và tôi còn ngơ ngác nhìn quanh thì thầy tôi cất giọng trầm trầm nói:

- Em chớ khóc! Hãy thay thế anh lo cho con dại. Hãy can đảm dạy nó nên người.

Rồi thầy tôi cúi xuống hôn tôi và xoa tay lên đầu tôi, dịu giọng hơn:

- Con phải ngoan, nhớ lời thầy dạy, thầy sẽ về...

Thế rồi thầy tôi xoay người lại, bước theo bọn lính (mà tôi gọi là lũ kiến vàng, không biết do một liên tưởng nào đó) một cách dẽ dàng y như khi ông cầm tay tôi đi dạo mỗi chiều... Mẹ tôi khóc nức lên.

Thầy sẽ về! Rất nhiều ngày, nhiều đêm tôi chờ đợi cha về, hy vọng mỏi mòn dần trong chờ đợi mà vẫn không tuyệt vọng.

Trong lúc đó, bệnh tình mẹ mỗi ngày một thêm trầm trọng và sau cùng người tắt thở trong lúc tôi hết cả đợi chờ và chỉ tràn lòng oán giận cha tôi. Sao cha tôi lại nỡ nói dối với tôi như vậy? Sao mẹ tôi lại yếu đuối đến như vậy? Tôi sẽ ra sao đây? Đáng lẽ cha tôi không nên vắng mặt trong lúc người ta bỏ mẹ tôi vào một cái rương dài
dài hơn bất cứ cái rương nào mà tôi từng thấy trước nay đóng đinh cẩn thận và đem vùi sâu xuống đất như vậy chứ! Tội nghiệp mẹ tôi! Chết là như thế đó? Mà tại sao lại chết? Mà tại sao người ta không cho tôi được nhìn mặt mẹ tôi khi người ta sắp sửa đặt mẹ tôi vào cái rương ghê gớm đó? Tại sao tôi lại bị bắt buộc phải đi chơi trước một việc theo ý tôi đau thương và trọng đại như vậy chứ? Dù mẹ tôi không bao giờ chỗi dậy, đi, đứng, nói năng, chăm sóc cho tôi như trước nay đi nữa, hãy cứ để mẹ tôi nằm yên đó, đã sao? Tôi chỉ cần thấy mặt mẹ tôi cũng đủ... Người ta há không biết rằng cha tôi đã bị bắt và người đã không trở về cùng tôi như lời hứa hay sao?

Song mặc tôi kêu gào khóc lóc, mọi điều xếp đặt vẫn không thay đổi.

Khi nắm đất đầu tiên rơi lộp bộp trên nắp cái rương đựng mẹ tôi bên trong, tôi run lên bần bật nghe niềm đau cuồn cuộn lan rộng khắp toàn thân, không rõ là đau hẳn ở chỗ nào, song tôi biết là mình đau lắm, chưa bao giờ đau thế! Tôi thương mẹ quá nên vùng vẫy khỏi những cánh tay người lớn đang ôm giữ tôi, lao mình xuống đó nhưng người ta giữ tôi lại kịp. Tôi gào lên những tiếng: "Mẹ ơi! Mẹ ơi!" giọng tôi lạc đi, khan lại, thê thảm cho đến nỗi xung quanh tôi người ta không cầm được nước mắt xót thương.

Song đó là tặng phẩm duy nhất và đặc biệt mà người ta ban cho đứa trẻ bất hạnh một lần thôi.

Năm ấy, tôi vừa lên sáu tuổi nhưng thật ra chưa được sáu năm và chưa biết đọc. Tuy nhiên, tôi đã biết nhận mặt các mẫu tự và mười con số từ lâu.

*

Chôn cất mẹ tôi xong, cậu mợ tôi mang tôi về nhà nuôi. Tôi được nghe nhắc đến hai tiếng "dạy dỗ" rất nhiều lần, cho đến một hôm hai tiếng đó được thu gọn lại còn có một: "dạy!" Và cũng từ đó tiếng "dạy" đối với tôi có nghĩa là nhiếc mắng, nạt nộ, trừng mắt, quất liên hồi vào mông, vào lưng, chửi thẳng cha tôi hay mỉa mai bóng gió đến người vắng mặt. Đặc biệt, không bao giờ cậu mợ mạt sát mẹ tôi. Họa hoằn có nhắc đến thì dùng cái giọng thương hại, ví dụ như:

- Tội nghiệp cô ấy! Người giỏi giang xinh đẹp như vậy mà ngắn số...

Hoặc:

- Hồng nhan bạc mệnh! Lời xưa nói không sai, ông Trời ông ấy an bài đâu vào đó cả, chẳng ai thoát được...

Rồi sau cùng luôn luôn đi đến một kết luận thế này:

- Làm sao mà cô ấy thương được cái thằng... cái thằng khó thương đến như vậy chớ?

Hoặc là một lời kết tội cha tôi nặng nề hơn:

- Cô ấy chết cũng vì thằng khốn... chính nó đã giết cô ấy chớ ai?

Thành ra, rốt cuộc lòng ưu ái đối với mẹ tôi được thể hiện bằng cách ấy hóa ra vô ích, vì chẳng những không an ủi được tôi chút nào mà còn làm tôi khổ sở thêm lên.

Một đôi khi, tôi cố tin như đã từng nghe nhiều lần, rằng cha tôi là một người đáng ghét. Vì tôi nghĩ rằng tin được vậy, tôi sẽ đỡ băn khoăn, thắc thỏm nhớ đến cha, sẽ thấy "dễ chịu" hơn. Tiếc thay! Lý trí và tình cảm tôi đều không cho phép. Làm sao tôi ghét được người? Một người có hai hàm răng trắng bóng, thẳng tắp y như hai hàng hạt trên quả ngô, những quả ngô mà tôi rất thèm và ăn không bao giờ biết chán? Một người có đôi mắt sâu thăm thẳm và chiếc cằm vuông; một người lúc nào cũng yêu chiều, dịu dàng đối với tôi, lúc nào cũng ung dung, điềm tĩnh ngay cả trong lúc bị bắt giữa đêm sâu mà còn cúi xuống vuốt tóc tôi... Một người như vậy mà tôi ghét làm sao được chớ? Một người như vậy sao lại có thể là người xấu?

Cũng vì nghe mãi tiếng "dạy" nên tiềm thức tôi vọng lại tiếng dạy thầy tôi thốt ra trong đêm ấy. Ban đầu, tôi không khỏi băn khoăn... nào tôi đã được cha tôi dạy bảo chi đâu? Song lòng yêu kính cha không hề suy giảm mảy may nào... như hồi mẹ tôi nằm trên giường bệnh, bởi tôi đã mang máng hiểu rằng: Cha tôi không về được như lời hứa là do một áp lực ngoài ý muốn của người. Bởi thế, tôi càng kính nhớ cha hơn.

Và nếu dạo trước, trong những đêm không ngủ tôi lầu bầu một mình những câu xấc xược thách thức như: "Ờ! Cha tao khó thương vậy đó, có can gì đến tụi mày không? Chuyện gì mà thò mỏ vô? Mắc gì đến cha tụi mày không? Tụi lẻo mép! Con người chớ con bò, con chó gì sao mà ưa xía vô chuyện người ta chi vậy? Sao bây ngu vậy?".

Hoặc nếu thỉnh thoảng tôi gọi hồn mẹ tôi: "Mẹ có khôn thiêng hãy về bẻ cổ quân khốn nạn cho con! Tụi khốn nạn ưa dòm dỏ gia đình mình, con ghét lắm. Tụi nó ưa nói hành, nói tỏi cha con lắm, mẹ ơi!".

(Rõ ràng là tôi mất dạy. Song tôi nào biết phản ứng cách gì hơn trước những bất công mà tôi phải chịu? Tôi nào nhận được gì khác hơn là những tiếng: mày, tao, bò, chó, bây, tụi và hàng lô từ ngữ thô lỗ khác? Làm sao tôi biết đến khoan thứ, bao dung khi chỉ cần moi ra một lỗi nhỏ của tôi là người ta cho tôi ăn đòn rớm máu? Nhưng có quả là tôi phạm lỗi không khi mà cái áo quá cũ bị sờn vai, rách vạt?)

Thì dạo sau này, tôi ngừng cái lối trả thù trong tối bằng cách kể trên mà lo tập trung trí nhớ lại để xem cha tôi đã dạy bảo những gì.

Giống như người đi xa lâu ngày tìm về lối cũ qua những đường mòn, mà đường mòn đó nay bị khuất lấp đi vì không vết chân người qua lại, phải lần dò rất khó khăn tưởng như không còn chút dấu vết nào nữa... Bỗng nhiên ta chợt thấy nó ngoằn ngoèo hiện ra song ta chưa kịp mừng thì nó đã lại khuất dần trong những bụi cỏ dại um tùm!

Bởi tiếng "dạy" theo tôi nghĩ lúc đó là hành động, cử chỉ, lời nói của người lớn đối với trẻ con, cho nên tôi nhớ ra rằng cha tôi không hề dạy tôi theo lối của cậu mợ bao giờ. Ông vuốt ve, âu yếm nói với tôi bằng cái giọng ngọt như mật ong mà từ lâu tôi không hề được nếm! Nhớ đến đó, bất giác tôi khóc lên rưng rức...

Nhưng rồi, tôi vội lau nước mắt để tiếp tục moi trí nhớ, tạm gác buồn thương lại một bên, tự hẹn sẽ cho phép mình khóc vào lúc khác. Vì tôi biết rằng khóc cho hả liền thì khó lòng mà nhớ lại những điều... những điều mà tôi chắc rằng còn hay ho hơn những cái vuốt tóc và những lời nói ngọt ngào kia.

Buồn thay! Tôi không nhớ gì ngoài những điều trên, sau cùng mỏi mệt quá vì suy nghĩ và vì những công việc nặng nhọc ban ngày, tôi thiếp dần trong một giấc ngủ say, không tìm ra điều mình muốn biết.

Một đôi khi, tôi nằm mơ, tiềm thức lùi về dĩ vãng xông xáo, lục lọi còn hơn cả khi tôi thức và hình như khám phá được vài điều, làm tôi mừng rỡ như cái lần tôi tóm được con chim xinh đẹp trong tay; song nó nhỏ nhắn quá, bộ lông êm mượt quá, tôi sung sướng, hãnh diện cho đến nỗi run rẩy không nắm vững và con vật bé bỏng ấy đã thừa cơ hội đó chuồi khỏi tay tôi. Vút một cái, nó mất dạng trong vòm cây trước ngõ. Tôi tiếc đến ngẩn ngơ! Giấc mơ đó cũng làm cho tôi tiếc ngẩn, tiếc ngơ như vậy, mà tôi ngẩn ngơ đến trọn ngày, mong ngóng cho đêm mau đến, ước thầm sẽ được lại mơ như thế. Bởi tôi không sao nhớ rõ tôi mơ những gì, chỉ "cảm" thấy rằng giấc mơ đó có những điều liên hệ đến chuyện "dạy" của cha tôi. Tiếc thay, nó tản mác trong trí nhớ tôi như sương mù la đà trên mặt sông buổi sáng, gặp nắng lên, phút chốc đã tan biến không còn dấu vết...

Vài lần khác tôi lại nằm mơ, song là những ác mộng: tôi quằn quại dưới những ngọn roi đét mạnh bầm da, né tránh những cái tát nẩy lửa, tôi choáng tai vì những lời xỉ vả thô lỗ, cục cằn; tôi bịt hai tai lại nhưng vẫn nghe mồn một...

Chao ơi! Bị đánh mắng trong giấc mơ đau đớn chẳng khác gì bị thật: tôi tỉnh choàng dậy mồ hôi ướt đẫm, bứt rứt, sợ hãi, khổ sở vô vàn!

Bởi được đối xử như thế nên đi học đối với tôi có nghĩa là "trốn khỏi địa ngục" được giờ nào hay giờ ấy. Tôi ví mình với con chim sổ lồng, song rồi tôi buồn rầu mà nhận thấy mình thua cả con chim: nó vỗ cánh bay luôn, còn tôi, tôi không được thế. Tuy vậy, tôi tận hưởng những giờ phút tự do. Lòng phơi phới khi cắp sách đi để rồi trên đường về tôi ủ rũ như gà mắc mưa, như tù nhân trở về ngục tối.

Tuy tôi hiểu rằng được đi học là một ân huệ lớn lao và cũng đủ khôn ngoan để tự khuyên mình chăm học, tôi thừa biết rằng sự học rất quan trọng cho đời mình. Tôi vẫn ao ước một ngày nào đó tôi sẽ được thoát cũi, sổ lồng, sống cuộc đời riêng của tôi, khỏi phải chết đói, ăn xin nhờ có năm ba chữ làm vốn
như lời thầy giáo tôi thường nói Song than ôi! Biết là một việc mà làm được điều mình biết lại là một việc khác, không dễ dàng như tôi tưởng. Huống chi, không một ai khuyến khích, hỏi han đến sự học hành của tôi nên tôi không thấy chút phấn khởi nào. Một đôi lần tôi vớ được tấm bảng danh dự thì quẳng vào một xó, không đủ can đảm "đệ trình lên thượng cấp" bao giờ. Vì kinh nghiệm dạy tôi biết rằng hễ động thấy tôi học hành có hơi tiến bộ và một vài biểu hiện nào chứng tỏ tôi có chút thông minh, thì cậu mợ tôi đồng thanh tặc lưỡi mà rằng:

- Rồi chẳng ra gì cái bọn hữu tài, vô hạnh ấy!


Chẳng những thế, cậu mợ tôi còn cẩn thận đem chuyện Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu ra dẫn chứng. Lúc bấy giờ tôi đã học đến lớp ba rồi, tôi lạ gì chuyện đó? Tôi thuộc lòng mà! Thừa lúc vắng người, tôi giở sách, lật đúng trang ấy, nhìn bức ảnh in kèm câu chuyện, thấy Nguyễn Hữu Cầu bị nhốt trong cũi, ngồi bó gối trên đường giải về kinh; tôi hết sức khổ tâm. Tôi nghĩ thầm một cách sợ hãi: "Ta sẽ ra sao? Nếu cái tài và sự thông minh lại đưa ta vào cái cũi như thế nhỉ?".


Vậy là đang đứng hạng thứ tư tôi tuột nhanh như chớp về gần hạng chót! (Sở dĩ tôi không đứng hạng chót thật sự là vì sợ bị đòn, sợ bị đuổi
tôi sợ điều này nhất chứ tôi vốn rất đầu bò, chẳng bao giờ biết xấu hổ là gì.)

Bị thầy đánh, không bao giờ tôi khóc, mà cũng chẳng buồn. Thầy tôi đâu biết rằng đòn bọng và những lời mắng nhiếc của ông nào có thấm chi so với những gì tôi từng chịu đựng ở nhà? Cho nên sự gan liền của tôi là một thái độ khiêu khích làm thầy càng thêm tức giận. Buồn cười hơn nữa là bởi nhớ lời cậu mợ tôi thường nói "người lương thiện không bao giờ tránh ánh mắt người đối diện" nên tôi mở to hai mắt nhìn thẳng vào mặt thầy, chứ không cúi đầu hay lấm lét tránh ánh mắt thầy, làm thầy tôi sôi lên như vôi sống sôi sục khi gặp nước!

Thầy tôi không khó tính lắm, song ông không kham nổi đứa học trò tệ như tôi: lúc nào quần áo cũng lôi thôi, luộm thuộm, tay chân cáu ghét, tai cổ bẩn thỉu... Đã thế lại còn hay đi học trễ. Có ai nói cho thầy tôi biết rằng tôi còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ ở nhà đâu, kia chứ?

Một hôm, vào sáng chủ nhật, thầy tôi đi dạo trong xóm. Chẳng biết ma đưa lối, quỉ dẫn đường làm sao mà thầy bắt gặp tôi đang đỏ mặt, oằn vai dưới sức nặng của một thân cây chuối trên đường về nhà cậu.

Chắc thoáng thấy tôi, thầy tôi không tin ở con mắt ông, chả thế mà khi giáp mặt, ông kêu lên có vẻ sửng sốt:

- Sinh! Kìa Sinh!

Và thầy tôi hỏi một câu mà tôi cho là rất vô lý, không thể nào thốt ra từ cửa miệng một ông thầy, một người chữ nghĩa đầy ắp trong bụng như thầy:

- Trò làm gì đó, Sinh?

(Thật là một câu đáng cho ăn trứng vịt! Vậy mà thầy tôi thường nói là ông rất ghét những đứa học trò không có óc quan sát!).

Tôi dừng chân, dựng cây chuối đứng lên, dựa vào thân cây gạo bên đường, vừa thở vừa gạt mồ hôi, lễ phép thưa:

- Dạ!... Con vác chuối về cho heo ăn.




Thầy nhìn tôi, đôi mắt ngời lên sự xót thương, lúng túng hỏi:

- Có nặng lắm không, con? Thầy không ngờ... con giỏi thế...

- Thưa thầy, cũng... nhẹ thôi!

Tôi trả lời thầy. Đợi thầy tôi đi khuất hẳn, tôi mới kề vai vào cây chuối, bởi vì vừa mới nói "cũng nhẹ" nên tôi không dám vác lúc thầy còn có thể thấy mình. Vì như thế, thầy có thể nhìn bộ dạng mà biết là mình nói dối.

Trên đường về tôi thắc thỏm trong lòng không hiểu thầy sẽ nghĩ thế nào về mình? Cậu mợ tôi thường nói đến "thế lực kim tiền" cho nên tôi thích che giấu sự thật, tôi muốn thầy bạn đều tin rằng tôi lôi thôi, bẩn thỉu là vì nết lười, chứ không phải bởi tôi mồ côi, nghèo khổ. Tôi thường lý luận thế này: "Mình đâu có nghèo? Tại...".

Song sự khám phá tình cờ đó làm thầy tôi thay đổi hẳn thái độ đối với tôi trước nay: Thầy tôi nhìn tôi bằng đôi mắt khác xưa nhiều.

Trong giờ vệ sinh về thân thể không bao giờ thầy tôi đem tôi ra làm một ví dụ điển hình về tính lười, tính bẩn nữa. Thay đổi đột ngột đó làm cho lớp học mất dịp cười đùa, nên nhân khi thầy vui có đứa táo gan lên tiếng, nhắc:

- Thưa thầy, đừng ở bẩn như ai?

Nghe câu đó nhiều tiếng cười rúc rích nổi lên và nhiều con mắt tinh nghịch ném về phía tôi nơi góc bàn cuối lớp. Không ngờ, nghe thế, thầy tức khắc lập nghiêm:

- Thầy dạy các trò vệ sinh chớ có dạy ở bẩn đâu mà phải hỏi bẩn như ai? Coi chừng, coi chừng bị phạt, nghe chưa?

Cả bọn bị cụt hứng, ngẩn ngơ, những nụ cười tắt mất, những ánh mắt xoay về hướng khác.

Không như lúc trước thường bỏ mặc tôi trồi lên, trụt xuống bây giờ thầy rất quan tâm đến thứ vị của tôi. Một lần, thầy lại gần tôi, giọng hàm chứa đầy tức giận lẫn thương xót:

- Sinh! Trò không thể cố gắng lên một chút sao?... Như trò mà còn... dốt nát nữa thì rồi chẳng ra sao, con ạ!

Tôi hiểu ý thầy muốn nói "mồ côi như con" song thầy tránh, sợ tôi tủi. Sự tế nhị của thầy làm tôi xúc động đến rớm nước mắt, nghẹn cứng cổ không thốt được lời nào, song tôi tự hứa sẽ cố gắng học để thầy tôi được bằng lòng. Từ ấy, tôi tấn tới trông thấy.

*

Nhưng rồi một băn khoăn mới làm tôi chẳng còn tâm trí đâu mà chăm chú học hành, những lời đe dọa thì thầm, to nhỏ của cậu mợ tôi: "Hết niên khóa thì dù đậu hỏng gì cũng bắt tôi thôi học". Thoạt tiên tôi không chịu tin rằng mình vừa nghe như thế. Thôi học? Chao ơi! Hai tiếng sao mà nghe ghê rợn như một lời kết án! Thôi học... tôi sẽ không bao giờ còn có một chút thì giờ thong thả nữa, kể từ nay? Tôi sẽ chẳng bao giờ được cắp sách đi về bốn bận mỗi ngày, lắng tai nghe chim hót trên cành, dõi mắt theo một cánh bướm ngoài nội cỏ? Tôi sẽ phải từ giã hết những trò chơi đuổi bắt, bắn bi, đá banh, đánh kiện? Tôi sẽ chẳng bao giờ còn được thấy lũ bạn trẻ vô tư dễ khóc, dễ cười, dễ vui, dễ giận của tôi? Giã từ nốt tiếng ve rộn rã giữa trưa hè, những cành phượng đỏ rực và nhiều bóng mát? Tôi sẽ cách biệt hẳn tiếng trống trường thì thùng, tiếng trống luôn luôn làm tim tôi nhịp mau theo nó những lúc nó đổ hồi trong suốt ba năm?

Thôi học! Tôi cố quên hai tiếng đó đi, song nó như thách thức, như nhắc nhở không ngừng trong tai tôi, bất kể ngày, đêm, giờ giấc...

Thôi học? Tôi sẽ bị đòn nhiều hơn, nghe quát tháo nhiều hơn, đêm thức muộn hơn, sáng dậy sớm hơn, bù đầu không kịp thở vì những công việc quá sức so với tuổi tôi.

Tôi hình dung tôi sẽ quay tròn, quay liên tục như cái cối xay thóc mà tôi từng kết bạn. Ôi chao! Tiếng cái cối xay nghiến thóc sào sạo, sào sạo, đều đều nghe mới não lòng sao! Còn gì buồn hơn tiếng đó? Trời ơi! Tôi sẽ... tôi sẽ...

Mỗi ngày tôi nhủ thầm: "Ngày ấy sắp đến nhưng chưa đến đâu" để tự trấn an mình, song vô ích. Tôi thẫn thờ, ngơ ngác như kẻ mất hồn, học trước quên sau, đến nỗi thầy tôi để ý.

Một hôm, thầy giữ tôi lại sau giờ học, gạn hỏi nguyên do. Tôi thú thật điều lo ngại làm thầy tôi sửng sốt không tin. Phải! Làm sao thầy tôi có thể tin được lời tôi, khi mà mỗi lần ai đi ngang trước ngõ nhà cậu tôi cũng nghe tiếng bồ câu trên chuồng gù gù suốt ngày đêm? Khi mà mấy lẫm lúa quanh năm không bao giờ thấp ngọn? Khi mà những đụn rơm lúc nào cũng cao hơn mái nhà, gần sát đọt cau?

Cậu tôi túng thiếu gì đến nỗi phải bắt tôi thôi học? Vả lại, một đứa bé như tôi dù có ở nhà thì phỏng được tích sự gì? Nhưng rồi, nhìn sâu vào mắt tôi, thầy tôi biết rằng tôi nói thật. Ông thừ người, bóp trán suy nghĩ giây lâu, quên phắt đứa học trò khốn khổ đang sốt ruột muốn chào thầy ra về mà không dám.

Sau cùng, tôi đánh bạo, lên tiếng:

- Thưa thầy, con xin về, kẻo...

- Thầy nghĩ ra rồi
Thầy tôi nói như reo lên Ðược! Để đó ta liệu cho, Sinh ạ! Thế nào con cũng được đi học!

Giọng thầy chắc nịch vì tin tưởng. Tôi cuống lên:

- Ấy chết! Xin thầy đừng lại nói với cậu con, con sợ lắm.

- Thầy mầy không ngu vậy đâu (thầy tôi xoa lên đầu tôi vui vẻ). Thầy đời nào làm vậy mà lo? Thầy sẽ xin cho con cái buộc.

- Thưa thầy, buộc?

- Ừ! Cái buộc! (Thấy tôi ngơ ngác, thầy tôi bèn giảng giải) đó là cái học bổng nhà nước cấp cho học trò nghèo, biết không? Nhưng con phải cố gắng, chớ học dốt thì không xin được đâu. Nghe chưa?

- Dạ thưa thầy, nghe!

- Sinh, mà có thật con ưng đi học nữa không?

- Thưa thầy ưng, con ưng lắm chớ...

Tôi ríu lưỡi lại trả lời thầy tôi, nghe ruột gan mát rượi như mới tắm dưới sông lên.

- Vậy thì tốt, được! Thôi con về đi. Để thầy lo cho.

Lần đó là lần đầu trong ba năm đi học, tôi dám cả gan về trễ, sau con cậu tôi, một tội nặng khó dung tha! Tôi bị một trận đòn đích đáng, song cũng là lần đầu tôi không thấy đau đớn, xót xa như những trận đòn thường bị, vì cái buộc giúp tôi thêm can đảm chịu đau.

Tin tưởng vào cái buộc thầy tôi hứa xin cho tôi
mà tôi hiểu một cách rất lờ mờ và nhờ sự khuyến khích của thầy tôi, cuối năm ấy tôi thi đậu Sơ Học Yếu Lược và còn được nhiều phần thưởng nữa.

Về sự thi đỗ của tôi, mợ tôi nói:

- Úi chà! Chó táp phải ruồi!

Về những phần thưởng thì cậu tôi nói:

- Của bố thí đâu mà lắm vậy, thằng kia?

Nhưng khi tin tôi được buộc đến thì cậu mợ đều sôi sục lên vì giận. Cậu gọi tôi lại trước mặt ông, gằn giọng nói:

- Tao không cho mày đi học nữa là không cho mày đi học nữa, chớ có phải nghèo đói gì sao mà xin xỏ nọ kia? Định làm nhục tao, hẳn?

- Mà ai cho phép nó xin buộc, xin trói chớ? Sao mày không hỏi cậu mày? Nếu sợ cậu mày thì hỏi tao đây, tao đã chết đâu? Coi mới chừng đó mà quá, quá rồi… ít tuổi nữa thằng này mới là ghê gớm cho đây! Mới bây lớn mà đã qua mặt...

Mợ tôi nghiến răng tiếp. Tôi run sợ cố lấy giọng hết sức nhỏ nhẹ, nghĩ rằng may ra gợi được từ tâm của hai người:

- Thưa cậu mợ, con đâu dám qua mặt cậu mợ. Dạ, thưa, hôm trước con có đưa giấy nhà trường về cho cậu mợ coi rồi, con đâu có dám tự quyền...

- À! Thằng này gớm thiệt... nó khi tôi dốt nát không thèm đưa, đưa cho ông thôi, thấy không?

- Thôi! Bà để tôi hỏi lại coi, làm gì rần rần vậy (quay lại phía tôi, cậu tôi hỏi) Sinh! mày đưa giấy tờ gì cho tao đâu? Đưa hồi nào? Nói láo thì nhừ xương đó, con ơi!

Tôi dõng dạc nói:

- Dạ thưa cậu, con đưa cái bữa cậu đánh bài...

Mợ tôi "hứ" một tiếng làm tôi run lên, song cố thu hết can đảm vào đầu lưỡi:

- Dạ, cậu đánh bài... rồi cậu coi xong, cậu nói: "Đưa cây viết đây, thằng quỉ" rồi con đưa cậu, cậu ký vô tờ giấy đó và cậu bảo đem lên nộp cho thầy con.

- Thằng khốn! (cậu tôi nói như thét vào tai tôi) Nhè lúc người ta mắc việc ai để ý được?

Rồi cậu xây qua mợ tôi, phân trần:

- Bà coi, nó điêu không?

- Nói gì nữa! Con nhà công không giống lông thì giống cánh chớ! Rau nào sâu nấy, cha nịnh thần con bấy nhiêu trung? Bây giờ ông tính sao?

- Tính toán cái gì? Không cho học là không cho học, nghe chưa? Đồ quỉ báo đời.

Giọng cậu tôi cứng như sắt nguội. Một cái gì vừa đổ ập xuống trong lòng tôi. Một cái gì vừa tan rã trong đầu tôi, y như một lần tôi xây lầu trên bãi cát mà bị sóng cuốn tan đi vậy. Tôi nghe trong người tôi lạnh toát, tôi bíu cứng mười đầu ngón chân xuống đất cho đầu gối đỡ run, cúi đầu "dạ" một tiếng nhỏ, rất khó khăn, nghẹn ngào tôi cố nuốt ực đau đớn, tủi cực đang cuồn cuộn dâng lên, chẹn lấy cổ họng tôi, không cho thốt trọn tiếng đó.

Mắt tôi mờ đi, tai tôi ù lại, vội vàng lủi nhanh xuống nhà để khỏi phải bật lên tiếng khóc trước mặt hai người.


*

 Vậy mà rồi tôi vẫn được đi học đấy, có lạ không? Thật ra nào phải một phép mầu nào xui cậu mợ tôi đổi ý, mà nhờ thầy tôi đã ra công thuyết phục hai người. Tôi không biết được thầy tôi thuyết phục cách nào, song cái hôm tôi đi lấy lúa làng bên về thì cậu kêu tôi lại, nói:

- Sửa soạn đi, lên tỉnh học. Tao cũng vì nể thầy Trí mà...

Cậu tôi nói tới đó, mợ tôi ngắt lời liền:

- Thứ đồ việc nhà không ai, xách mai chạy quấy! thứ đồ gì...

- Thôi thì bà đừng nói vậy mất lòng chỗ người tử tế, tại vì tôi ký lỡ trên giấy tờ... Mình phải giữ tròn chữ tín. Sao trách móc người ta?

- Thì ông cứ giữ tròn chữ tín đi! Tôi có nói gì đâu?

Giọng mợ tôi mát mẻ. Cậu tôi đột nhiên giận dữ:

- Không nói gì, không nói gì mà cứ cằn nhằn? (dặng hắng một cái) Sinh! Sửa soạn đi học, nghe chưa?

- Dạ!

Tôi nói được có tiếng dạ trong lúc tôi mừng rỡ cảm động tới nỗi có ý muốn quì xuống ôm cậu tôi mà hôn để tỏ lòng biết ơn, song nét mặt lạnh như băng của cậu đã ngăn tôi lại. Tôi muốn nhảy cẫng lên, muốn phóng ba bước ra sân, trèo lên cây ổi rồi buông mình xuống đống cát ngay dưới gốc cho sự mừng rỡ sung sướng được thoát ra.

Nhưng trong lòng tôi, một tiếng nói khôn ngoan thầm lặng ngăn tất cả những hành động ấy, không cho phép tôi bộc lộ niềm vui, bởi tôi vẫn nơm nớp lo sợ cậu mợ tôi đổi ý thì bỏ đời. (Tôi rất có kinh nghiệm về điều này: mỗi khi trông thấy tôi rảnh rang là cậu mợ lập tức bắt làm ngay một việc, cũng lạ: sao lúc nào cũng có việc chờ tôi?
Bất chợt đi đâu về mà nghe tiếng tôi cười là y như tôi bị mắng phủ đầu một trận nếu không tìm ra cớ gì để đánh tôi Rảnh rang và vui vẻ là hai thứ trái cấm, nếu tôi vô ý mà mó vào là bị trừng phạt ngay tức khắc, mười lần không sai một.)

Vì vậy tôi đủ tinh quái để mà che giấu nguồn vui, dù tôi có cảm tưởng như được tái sinh trước hai người. Trông bộ dạng lầm lỳ của tôi, mợ tôi nạt:

- Bộ mày câm hả? Không biết nói gì hết hả? Không biết cám ơn nữa sao?

- Thôi! Bãi! Bãi! (cậu tôi khoát tay) Ơn với nghĩa làm khỉ gì? Thứ đồ ong tay áo! 


- Đâu đó!

Dù sao, tôi không hơi đâu để ý buồn phiền, trách móc cậu mợ tôi, tôi nào muốn gì hơn? Mình được đi học mà! Tôi vui vẻ tự nhủ và có ý nghĩ "phạm thượng" là vui lòng tha thứ hết những điều cậu mợ xử tệ với tôi từ trước tới nay.

Chưa chi, tôi đã hình dung trước cái ngày tôi thành tài trở về làng thăm cậu mợ. Tôi sẽ đền ơn cậu mợ hoài hoài, không bao giờ kể lể, nhiếc nhóng hai người. Tôi sẽ mua cho cậu mợ những vải vóc đẹp nhất, thức ăn ngon nhất. Khi hai người chết tôi làm đám tang to nhất, trong lúc đó thì mấy anh chị tha phương cầu thực không kịp trở về, còn người nào có tiền bạc thì bạc bẽo quên cả cha lẫn mẹ…

Vâng, tôi là con ong! Song tôi không bao giờ chích hai người mà tôi sẽ mang về mật ngọt…

Trong những ngày đó tôi xay lúa không thấy mỏi tay, và cái âm điệu sào sạt, sào sạt nghe rất chán tai được óc tưởng tượng phong phú của tôi diễn dịch ra thành một câu thơ bảy chữ toàn giọng trầm như thế này đây: "Mình được đi học, đòi chi hơn?". Rồi tôi ê a ngâm theo, trong lúc hai tay tôi không rời chiếc cần xay, thân mình không ngừng chồm tới trước, lùi ra sau theo một tiết điệu rất nhịp nhàng và mồ hôi tuôn giọt giọt...

Đến cái công việc xắt chuối cho lợn, một việc chẳng được tôi ưa chuộng gì hơn mà tôi cũng làm một cách vui vẻ và thích thú: tôi thận trọng thái từng nhát thật mỏng. Trung bình thì tôi đưa mũi dao tới lui tất cả bốn bận, khoanh chuối đứt rời thân cây. Cái tiếng dao cứa vào thân cây soèn soẹt, soèn soẹt sao mà nghe phát ngấy thế mà bây giờ nghe lại cũng vui tai ra phết. Tôi còn có sáng kiến thu nó lại sao cho còn ba bận để có thể ngâm nga theo: "Tôi đi học! Tôi đi học!" Hiềm nỗi thân cây lớn quá, mà tôi thì yếu tay nên cứa qua, cứa lại ba bận không đứt khoanh chuối được, chỉ đứt có hai phần ba. Tôi đành ngâm nga bốn tiếng "tôi được đi học" vậy!

Sự náo nức làm tôi thấy ngay cả bầy lợn hôi hám, khó ưa hàng ngày cũng như tỏ lời hoan nghênh và chia vui cùng tôi về chuyện tôi được đi học.

Cành cây trước ngõ, bụi cỏ ngoài sân như cũng xanh mượt hơn và tiếng chim hót sao mà nghe vui đáo để!

*

Lần đầu tiên tôi được may quần áo mới. Xin các bạn đừng ngạc nhiên, thường thường mợ tôi lấy những quần áo cũ của cậu tôi cắt ra, may lại cho tôi. Những áo quần đó chỉ hơi nhục nhục, hoặc mòn ở khuỷu, hoặc sờn ở vai chứ chưa rách hẳn, hoặc giây chút mủ chuối, hay tí nước dừa ở ống quần, lai áo. Đôi khi còn mới mà cậu tôi vô ý vướng tàn thuốc lủng đi một chỗ chẳng hạn. Cậu tôi không bao giờ chịu mặc một bộ quần áo có vết bẩn không phai hay mạng lại. Phần nhiều, những quần áo đó toàn bằng một thứ vải trắng, thật trắng, cho đến nỗi ngoài nắng nhìn thấy lóa cả mắt. Hoặc một thứ đũi hay lụa mầu ngà ngà, mà mợ tôi gọi bằng cái tên hay ho là mầu đường mỡ gà làm cho tôi thoạt nghe, nước dãi đã ứa ra đầy miệng.

Ấy vậy, mà khi về tay tôi mươi lăm hôm thì nó trở thành một mầu kỳ quái, không tên nữa và nó dày cộm, cứng ngăn ngắt lại vì mủ chuối trong vườn, vì bùn non ngoài ruộng và nước cốt trầu của mợ tôi
chưa kể những vết mực giây trong lúc tôi đèn sách ở nhà trường. Ở nhà, tôi rất ít khi được mặc những quần áo đó, trừ lúc trời rét. Mỗi năm tôi được hai bộ quần áo như thế để đi học hay ra ngoài, còn về nhà thì thường phải cởi ra, mặc độc chiếc quần đùi đen cho được "gọn gàng, mát mẻ" theo ý mợ tôi.

Nhìn ba bộ quần áo mới, tôi rưng rưng nước mắt vì sung sướng. Kỳ quá: sung sướng cũng làm mình chảy nước mắt ra y như khi mình buồn khổ vậy!

Trong những ngày kế đó, tôi ngợp trong niềm vui to lớn mênh mang, tràn ngập như thuỷ triều dâng nên không nhớ nổi những gì xảy ra ngoại trừ cái đêm thao thức, nằm chờ sáng lên đường.

___________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II