Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

THẰNG BẢO (VIII) - Nguyễn thị Quảng Bình





Ẩn :
 
- Tớ có dặn bà tớ mang mà bà tớ bảo đau, ăn thứ đó không được.
 
Bích lại giảng hòa :
 
- Mấy đứa này sao… Nếu tụi mày còn muốn làm tiệc, tao đề nghị góp tiền… Đứa nào có bao nhiêu góp nhiêu đó.
 
Bảo hăng hái :
 
- Tớ có 170đ
 
- Tớ có tấm mandat 200.
 
Mạnh : 100, Bích 80, Ẩn không có gì cả nên lãnh phần đầu bếp.
 
Bích cộng tất cả lại :
 
- 170, 200, 100, 80… Vậy tất cả là 550đ.
 
Cả bọn vỗ tay reo mừng.
 
Mạnh náo nức :
 
- Bao giờ thì mình ăn được ?
 
Mão :
 
- Làm sơm sớm chừng nào hay chừng ấy. Kẻo thằng Ẩn lại ăn vạ ở phòng bệnh thì khổ… Hay là tối mai đi. Đứa nào xin đi phố mua đồ rồi về mình trộn chung tất cả bắc lên bếp. Được không ?
 
Mọi cặp mắt đều hướng về phía Bảo làm thằng bé ngập ngừng : nó không muốn làm thầy Vinh giận nó thêm nữa. Nhưng… nó là “Sếp sòng”… nên nó phải nhận lời :
 
- Được, tớ nhận việc đi phố – Chà, còn bài Sử… Không biết bao giờ mới thuộc được đây…
 
Sáng hôm sau Bảo lấy tờ giấy ghi những thứ cần thiết phải mua.
 
- Thịt mỡ… 100g.
 
- Xúc xích… 5 miếng.
 
- Khoai tây… chừng ba củ.
 
- Một ít bánh rán để lỡ tụi phòng bên cạnh có qua.
 
Mão đưa tấm mandat cho Bảo. Bảo hất đầu về phía Bích :
 
- Còn phần bồ ?
 
Bích lôi trong ngăn ra bốn chai limônat không lên bàn :
 
- Một chai bán được 20 đồng. Vị chi là 80 tất cả.
 
Thấy Bảo ngơ ngác, nó giải thích :
 
- Bất cứ tiệm tạp hóa nào cũng mua vỏ chai. Họ mua chắc giá là hai chục đồng một cái.
 
Còn Mạnh đem ra mấy con tem :
 
- Bốn con tem 25đ mới tinh, được 100 – Có cái hết cồn ở đàng sau rồi, 1 cái bị dính mực sơ sơ, nhưng không sao, chưa cái nào có đóng dấu cả.
 
Bảo không chịu :
 
- Lỡ họ không mua thì sao ?
 
- Sao lại không mua. Mày biết không mỗi lần hết tem, họ mua ở Sàigòn cơ đấy, mình bán cho họ, họ đỡ phải mua tận Sàigòn.
 
Bảo miễn cưỡng nhận :
 
- Vậy là đúng 550 đồng.
 
Mão vỗ tay nói lớn :
 
- Ha… ha… ha vậy là mình có quyền ăn thả cửa.
 
Tiếng chuông vào lớp vang lên. Bọn trẻ ùa nhau chạy nhanh về lớp sắp hàng. Đứa nào cũng tưởng tượng tới bữa tiệc ngon lành chúng sắp được hưởng.
 
 

CHƯƠNG X
 
 
Bọn trẻ đang sắp hàng vào ăn cơm trưa thì bà Sinh bưng mâm cơm từ trên phòng bệnh bước xuống. Đi ngang qua thầy Cang, khi ấy đang khám tay bọn trẻ, bà nói thầm một vài câu với thầy.
 
Đàng kia thầy Vinh đang dán bảng tên các đội banh chiều nay. Bà Sinh nhắc :
 
- Đừng quên nghe thầy Vinh. Có chừng 3, 4 người gì đó không kể thầy Hinh.
 
Một phút luống cuống, thầy Vinh cười :
 
- Ồ, may bà nhắc tôi mới nhớ. Tại bận nhiều việc quá nên tôi không để ý.
 
- Còn giờ mà. Thầy lấy xe chạy ra phố một chút cũng được.
 
- Xe tôi hư, chưa sửa xong.
 
Bà Sinh cố giấu vẻ thất vọng qua nụ cười thật tươi :
 
- Ồ, chẳng sao ! Có ai đi thì thầy nhờ mua cũng được.
 
Thầy Vinh nghĩ thầm : ai mà đi phố chiều nay, thầy Cang, bận coi bọn nhỏ… Không nhờ thầy Hinh…
 
- Thưa thầy, con xin phép…
 
- Xin phép ?
 
- Dạ…
 
- Xin thầy Cang kìa, tôi không có phận sự.
 
Bảo quay sang thầy Cang :
 
- Thưa thầy cho con ra phố mua ít đồ ăn…
 
Thầy Vinh khó chịu :
 
- Lúc nào cũng ăn với ăn…
 
Thầy Cang thông cảm hơn vì trong trường không có hàng quà bánh. Thầy thường cho phép như vậy nên thầy dễ dãi gật đầu :
 
- Được. Nhưng phải về cho sớm trước giờ học.
 
- Dạ cám ơn thầy.
 
Và nó định chạy về chỗ, nhưng thầy Vinh đã gọi nó lại :
 
- Nếu anh qua phố, thì mua giùm tôi một ít bánh ngọt được không ?
 
- Thầy mua bánh… để ăn ?
 
- Chứ không lẽ để vất đi… Đây 500… mua một chục cái giống nhau.
 
Bảo cầm tiền :
 
- Rồi con đem vào trong phòng thầy ?
 
Thầy Vinh gật đầu. Bà Sinh vừa đi ngang, bà dặn theo :
 
- Này Bảo, nói họ đem tới trường cũng được, đừng ôm theo mà nó nát hết ra.
 
Bảo dạ thật to rồi chạy mất.
 
Trên đường ra phố, Bảo vừa đi vừa nhẩm lại bài Sử :
 
- Vua Gia Long… năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi… lấy hiệu là Gia Long – Nó gật đầu chào con ngựa đua đang nhai cỏ bên bờ giậu. Hôm nay là thứ hai, tới thứ sáu không biết nó có thuộc hết không ? Học được hai trang mà cứ vấp lên vấp xuống.
 
… Năm Giáp Tí (1804) tức Gia Long năm thứ ba, vua nhà Thanh mới phong vương cho vua Gia Long… Năm 1806…
 
Nó cười với con sáo sậu đậu trên cao – Nó cố nhớ cái biến cố xảy ra năm 1806. Nhưng đến đầu phố thì đầu óc nó chẳng còn mảy may nghĩ đến bài Sử nữa. Nó còn phải tính toán để mua hàng nữa chứ.
 
Trước tiên phải mua bánh cho thầy Vinh. Nó vào tiệm bánh Như Mai – Bà Như Mai từ dưới bếp đi lên nhìn nó tươi cười :
 
- Cậu mua gì đó ? Hàng tôi có đủ thứ : pâté chaud, bánh kem, bánh đậu xanh, hạt sen… Thứ nào cũng ngon và mới làm cả.
 
- Không sao ! Bà lấy cho cháu 1 chục cái giống nhau và bà đem tới trường giùm cháu.
 
Bà Như Mai bỏ tiền vào hộp :
 
- Cậu cho tôi địa chỉ chút nữa nhà tôi về sẽ đem tới cho cậu.
 
- Tên cháu là : Nguyễn Hoàng Bảo _ Trường Tây Sơn.
 
Cậu khách đi rồi, bà chủ lựa một chục cái cẩn thận bỏ trong một hộp giấy và đề bên ngoài :
 
Dễ vỡ - Khẩn
Nguyễn Hoàng Bảo
Trường Tây Sơn.
 
Trong lúc đó, chẳng để mất thời giờ, Bảo chạy nhanh ra tiệm bán tạp hóa. Nó gặp một cô bán hàng thật xinh.
 
- Xin lỗi cô ! Ở đây có bán ra-gu hộp không ?
 
- Không, thứ hộp chúng tôi không có, nhưng chúng tôi có đủ các thứ để nấu. Cậu muốn mua không ?
 
Bảo lôi trong túi ra các thức cần mua. Cô bán hàng đi lấy và sửa soạn gói lại… Bảo chợt nhớ tới món bánh rán và tráng miệng, không biết có đủ tiền mua không. Nó hỏi :
 
- Cô ơi ! Tất cả cái này giá bao nhiêu…
 
- 410 đồng cả thảy.
 
- Vậy thì được, tôi có 550 đồng… À cô ơi ! Ở đây cô có mua vỏ chai này không ?
 
Bảo đặt bốn vỏ chai lên mặt bàn và… chờ đợi : nhìn qua màu cái vỏ chai cô bán hàng… lắc đầu :
 
- Không phải… ở đây chúng tôi không mua cái loại này.
 
- Sao không mua ? 20 đồng một cái mà.
 
- Ở đây chúng tôi không bán loại nước ngọt này nên không mua vỏ được. Cậu thông cảm cho.
 
Mặt Bảo xìu xuống :
 
- Á !!! Vậy là mất 80. Thôi ! Cô lấy lại hàng đi. Để tôi đi lãnh tiền rồi lấy mấy thứ kia.
 
Nhưng ở Bưu điện, nó lại thất vọng : nó đưa tấm bưu phiếu và ông già ngồi trong quầy hỏi nó :
 
- Thẻ học sinh của em đâu ?
 
Bảo đưa tấm thẻ học sinh cho ông già. Lật qua lật lại, ông cau mày :
 
- Em tên Bảo ?
 
- Vâng, cháu tên Nguyễn Hoàng Bảo.
 
- Vậy, tôi không thể đưa tiền cho em được.
 
- Thưa ông sao vậy ?
 
- Vì trong mandat đề tên Mão.
 
- Dạ, đúng rồi. Mão là bạn cháu, nó nhờ cháu lãnh giùm.
 
- Không được, của ai thì chính người ấy tới lãnh mới được.
 
Bảo bàng hoàng :
 
- Thật là đại họa. Nhưng thưa ông cháu có thể xóa tên Mão và đề tên cháu được không ạ ?
 
Ông già bật cười :
 
- Thế cháu không sợ mang tội giả mạo ? Ở tù đó nghe cháu.
 
Nghe nói đến ở tù Bảo lè lưỡi. Nó dợm bước đi, nhưng nhớ tới mấy con tem, nó quay lại :
 
- Thưa ông, còn mấy con tem này, ông có mua không ?
 
- Tem ? – ông già kêu lên – Đây chỉ bán tem chứ không mua tem. Vả lại cậu coi, tem gì mà dính mực tùm lum, lại chẳng còn keo nữa thì làm sao mà xài.
 
- Thì ông chịu khó cho một tí keo vào cũng được…
 
Ông già chỉ cười lắc đầu. Nó thở dài và quay lại tiệm tạp hóa, trả lại gần hết những thứ nó đã mua, rồi chạy vội về trường. Mấy cái vỏ chai đập vào nhau kêu loong coong… loong coong…
 


CHƯƠNG XI


 Về tới trường, nó kể lại cho tụi bạn nghe những khổ cực của nó, nhưng chẳng có đứa nào để ý cả : càng tốt, phần của chúng chẳng hư hao gì cả. Tức quá Bảo la lên :
 
- Tụi bây chỉ là lũ ăn hại. Chỉ có mình tao lãnh tất cả thôi. Cứ ngồi đó mà chực người ta đưa tới miệng thôi.
 
Mạnh an ủi :
 
- Thôi mà Bảo, trộn xúc xích với khoai tây nấu bậy cũng được mà. Để tớ ăn cắp thêm mấy lá su bỏ vào nữa là chu !
 
Bảo giật mình :
 
- Mày không lượm ở thùng rác chứ ?
 
- Không ! Không đời nào ! Tao xin thằng Bình mà.
 
Ẩn lấy dũa móng tay gọt khoai và lấy dao gọt bút chì để cắt ra từng miếng nhỏ. Nó trộn tất cả vô một cái lon sắt, thêm chút nước. Sau cùng nó bắc lên lò…
 
Sau khi ăn cơm, Mạnh xuống coi. Nồi ra-gu gần sôi, mùi thơm làm nó thèm nhỏ dãi.
 
10 phút sau, Mão chạy xuống và tuyên bố là sơn ở cái lon đang tróc, có lẽ sắp chín.
 
8 giờ rưỡi, Bảo chạy xuống và ở tịt dưới đó luôn. Chuông đi ngủ mà nó vẫn chưa lên.
 
Đứng trong hàng chờ lên phòng ngủ, Mạnh thì thầm :
 
- Tụi mình phải leo lên giường thật lẹ. Để thầy Cang sang là tắt đèn liền. Và lúc thầy đi ăn lần thứ hai thì mình cũng bắt đầu nhập tiệc.
 
Bích cười hóm hỉnh :
 
- Tớ chỉ thích cái vụ ăn thôi…
 
- Ừ, tớ cũng vậy… Mà sao thằng Bảo làm gì dưới đó mà tới bây giờ vẫn chưa lên ?
 
Thầy Cang cho phép bọn trẻ đi lên. Khi đi ngang qua nhà chơi, liếc lên bàn, Mạnh bỗng chú ý tới cái hộp vuông vuông có hàng chữ :
 
Dễ vỡ - Khẩn
Nguyễn Hoàng Bảo
Trường Tây Sơn
 
Mạnh ngạc nhiên, nó tò mò mở nắp hộp :
 
- Ồ, Bích ơi ! Bánh ngọt : 1, 2, 3, 4… đủ chục cái…
 
Bích cũng ngạc nhiên không kém :
 
- Tiền đâu mà nó mua vậy nhỉ. Sao nó không cất đi mà lại để ở nhà chơi ?
 
Mạnh lý luận :
 
- Chắc nó muốn dành cho bọn mình một sự ngạc nhiên. Cái thằng coi thế mà… ghê. Mình phải chơi lại nó mới được.
 
Mạnh ôm hộp bánh lên lầu. Và cho chắc ăn, Mạnh giấu ở phòng để chổi, sô, bố lau nhà. Nó cẩn thận đậy cái sô lên. Rồi hai đứa hấp tấp chạy lên nhà ngủ, thay quần áo thật lẹ. Bích còn dặn :
 
- Đừng đứa nào hỏi chuyện lôi thôi nghe, để mau mau thầy Cang về phòng.
 
Lúc đó chúng nghe có tiếng chân chạy trên cầu thang và bóng Bảo nhảy xổ vào :
 
- Nguy quá tụi bây ơi ! Ông già Tư đang quét dọn dưới đó. Ông cũng thấy tớ nữa. Thế nào ông cũng đi mách với các thầy.
 
Mạnh đút vội 5 cái dĩa giấy mà nó hì hục làm cả buổi chiều xuống dưới gối :
 
- Thế còn cái nồi ? Ra sao rồi ?
 
Bảo vừa cởi áo vừa trả lời :
 
- Vừa chín. Hơi cháy. Chẳng còn tí nước nào, xúc xích nó đen đen rồi.
 
Ẩn la lên :
 
- Đen ? Thế cháy rồi hả ?
 
- Chưa cháy, chỉ đen thôi. Nếu bây giờ bắc xuống thì được, chốc nữa sợ đắng.
 
Mạnh nheo mắt :
 
- Có món tráng miệng nữa phải không Bảo ?
 
- Tráng miệng ở đâu ?

______________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN IX


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 203, ra ngày 15-6-1973)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com