Thằng Cổn rõi mắt nhìn qua
bên kia bờ. Dừa nước lá xanh, dài, cứng chắc, vươn thân thẳng như hàng rào. Cây
hoang, đước, bần mọc rậm rì che kín mép bờ. Cây còn mọc lan ra ngoài nước, rễ
buông dài lâu năm gạn lọc tích tụ phù sa, bùn đất, rác rưởi, cây chết, lá rụng
tạo lầy. Ai không biết tưởng đến bờ, đặt chân xuống là đừng hòng rút chân lên.
Những ngày mới đến đây, thằng Cổn cứ ngỡ hai bên bờ không có thôn xóm gì hết.
Cây rậm quá. Mãi đến chiều tối, khi những đợt khói nấu cơm bay chậm chạp là đà
trên ngọn cây, thằng Cổn mới yên bụng. Chung
quanh đây toàn xóm nhà ở. Đất đai lại phì nhiêu. Cây trái sum suê. Có lần thằng
Cổn lên bờ mua thức ăn và dò đường ra chợ. Đi ngang qua mấy vườn cây ăn quả sum
suê, thằng Cổn nẩy ra ước muốn lên bờ lập đất trồng cây, làm mướn. Nhưng lúc đi
về, nằm trên khoang thuyền quen thuộc đón gió mát, lắng nghe tiếng nước vỗ đục
vào mạn thuyền, thằng Cổn thấy mình khó thể sống trên đất liền được. Đã quen đi
rồi. Trên trời, dưới nước, dập dềnh nổi trôi bất định. Không khí trên sông rạch
trong sạch, mát mẻ. Mỗi lần lên bờ, thở hít bụi bặm, thằng Cổn cảm thấy ngực
mình nặng nề như muốn bệnh. Tuy quen sống một mình, nhưng giữa con sông rộng,
vắng vẻ, đôi lúc thằng Cổn thấy buồn buồn. Những buổi chiều như hôm nay, sau
bữa cơm với cá luộc bỏ muối, thằng Cổn ngồi thỏng chân ở đầu thuyền, nhìn ra xa
vời. Mặt nước hoàng hôn gợi thằng Cổn nhớ xóm, nhớ nhà. Tiếng chim kêu rời rạc
trên trời lại làm buồn thêm cảnh đìu hiu. Tay
trái vịn vào cái bơi chèo thả lỏng, tay kia gõ nhịp trên sàn thuyền, thằng Cổn
cất giọng buồn buồn hát một đoạn thơ Lục Vân
Tiên.
Di, Tề chẳng tính giúp Chu,
Một mình một núi ai hầu chi ai,
Ông Y, ông Phó ôm tài,
Kẻ cày người cuốc, đoái hoài chi đâu.
Thái công xưa một cần câu,
Hôm nay sông Vị mặc dầu vui chơi
Nghiêm Lăng đã thấy đua bơi,
Áo tơi một tấm che trời bóng đâu,
Trần Đoàn đã mấy lo âu
Gió trăng một gối công hầu chiêm bao
Người nay có khác chi nào
Muốn ra ai cấm, muốn vào ai ngăn…
- Chà chú nhỏ này hát hay
quá hén.
Thằng Cổn giật mình quay lại
sau lưng. Một chiếc thuyền câu nhỏ đã neo ở đằng sau lưng thằng Cổn từ lúc nào.
Trên thuyền một ông già đầu bạc… cằm lún phún râu hoa râm, chân tay gân guốc.
Ông già đánh trần, chỉ mặc độc một chiếc quần đen. Đống dây câu rối beng được
đỡ trên vòng chân xếp bằng. Bị phá mất hứng, thằng Cổn hơi khó chịu, đáp cộc
lốc:
- Buồn, hò chút chơi “dậy”
mà.
- Chú em còn nhỏ tuổi mà
cũng biết buồn sao?
Như thế này thì quá rồi.
Thằng Cổn cau mày, với tay định đẩy chèo.
- Khoan đã chú em, cho tui
hỏi thăm chút coi. Ủa mà chú em định đi đâu nữa. Trăng lặn rồi, cá cũng hết giờ
ăn. Chú em ở đây mình nói chuyện cho “dui”.
Cực chẳng đã, thằng Cổn đánh
rơi chèo, đưa mắt nhìn ông già. Ông không nói nữa, mặt thản nhiên chỉ chăm chú
tháo gỡ đống dây câu. Ngọn gió la đà trên mặt sông đưa hơi nước ấm áp dễ chịu.
Tự nhiên, thằng Cổn thấy bớt cô độc. Đã có một người khác kế bên. Nó cũng yên
lặng nhìn ông già làm việc. Một con cá đớp mồi quấy mạnh. Thằng Cổn kiếm được
lời hỏi:
- Bác câu hồi sáng đến giờ
có được chút gì không?
Ông già ngẩng đầu lên cười.
Nụ cười trơ ra hai hàm răng vẫn còn nguyên vẹn, chứng tỏ sinh lực dồi dào.
- Câu cũng chả được bao
nhiêu. Đến lúc cá tới giờ đi ăn thì đống dây câu này mắc phải bụi đước rối như
mớ bòng bong.
- Bác để cháu làm đỡ cho.
Ông già không khách sáo chút
nào.
- Ừ, chú mầy làm đỡ một
chút. Mỏi lưng quá.
Thằng Cổn de thuyền cho hai
be thuyền cặp khít vào nhau. Nó định nhảy sang thuyền của ông già, nhưng ông
nhanh nhẹn đứng dậy khoát tay:
- Thuyền nầy nhỏ lắm, để tao
qua bển. Này, cầm lấy mớ dây câu.
Thằng Cổn tránh chỗ cho ông
già bước qua. Chiếc thuyền chỉ khẽ chòng chành một tí rồi thôi.
- Chà, chú mầy định ăn ngủ luôn
trên đây hả? Chiếu, nóp đủ hết.
- Dạ, chớ bác nghĩ cháu một
thân một mình, ở luôn trên ghe cho tiện.
Ông già chép miệng:
- Cũng buồn thiệt, nhưng gẫm
chú mầy có lý. Ở như vầy không làm phiền ai cũng không đụng chạm chi ai.
Thằng Cổn càng lúc càng có
cảm tình với ông già kỳ lạ này. Không hiểu ông có phải là người địa phương
không. Nhà cửa ở đâu. Tiếng ông già vang vang trên mặt sông lặng lờ:
- Chú mầy thứ mấy? Tên gì?
Thằng Cổn giật mình, im lặng
một giây:
- Cháu không biết cháu thứ
mấy nữa. Còn tên cháu là Cổn.
Ông già lẩm bẩm như nói một
mình:
- Rắc rối, không biết thứ
mấy mà biết tên.
- Tên nầy là tên thiên hạ
đặt mà bác. Hồi nhỏ, người ta cứ kêu cháu là Cù, riết rồi khi lớn thấy kỳ kỳ,
ông bà Hội đồng đổi tên là Cổn cho đẹp.
Ông già gật gù:
- À há, tao thứ năm, cứ gọi
tao là ông Năm được rồi.
Mớ dây câu đã suôn sẻ gọn
gàng. Ông Năm dằn lại trên tay thằng Cổn.
- Đừng có quấn lại. Để tao
kiếm vài con cá đầu bạc khuya nấu cháo ăn chơi. Móc mấy cái mồi nầy vô lưỡi câu
dùm tao chút.
Thằng Cổn hơi sựng tay lại
một chút. Ông già sai bảo nó tự nhiên như người trong nhà. Nhưng thà vậy thảnh
thơi hơn. Thằng Cổn nhoài người ra trước mũi ghe lấy hộp mồi. Sợi dây câu được
thòng từ từ xuống nước sậm màu. Trời trên sông lâu tối hơn. Sợi dây câu căng bóng
dưới đáy nước. Phía bờ, vài ánh đèn lấp ló qua kẽ lá rậm rạp.
- Hút một điếu thuốc cho đỡ
lạnh Cổn.
Thằng Cổn quay lại ngừng tay
thả mồi.
- Thôi chừng đó được rồi.
Chú mầy biết hút thuốc chớ?
Mùi lá thuốc nặng trịch.
Thằng Cổn lắc đầu:
- Cháu chẳng biết hút loại
thuốc nầy. Nặng lắm. Thuốc điếu thì được.
- Ngồi đó mà chờ thuốc điếu.
Thời buổi giặc giã. Hút thuốc mình tránh được bệnh. Làm thử một điếu coi.
- Thôi bác.
Ông Năm không mời nữa. Hơi
thuốc cháy đỏ đầu tiên làm ông sảng khoái. Ông thò hai chân vào khoang thuyền
nằm duỗi người ra. Thằng Cổn ngồi sịch qua một bên ngắm trời ngắm nước. Một lúc
sau, độ chừng hết điếu thuốc, ông Năm gợi chuyện:
- Hình như chú mầy đâu phải
dân miền nầy.
Thằng Cổn không trả lời
thẳng câu hỏi:
- Mà cháu đoán là bác Năm
cũng không phải người miền nầy.
Ông Năm cười ha hả. Tiếng
cười đục khàn vì hơi thuốc lá. Ông chỏi tay ngẩng đầu lên làm chiếc thuyền
chòng chành.
- Chú mầy thử hỏi xem, nội
vùng nầy tao thuộc lòng từng khóm dừa nước, từng bước sình.
- Nhưng chắc chắn bác không
phải ở vùng nầy.
- Sao “dậy”?
- Bác coi ở vùng nầy có ai
làm nghề cá giăng câu đâu. Đất đai giàu quá mà. Trồng cây cũng đủ sống dư dả.
Ông Năm nín cười. Ông nằm
vật trở xuống. Mặt ông trầm hẳn lại. Ông nói nhỏ:
- Mầy nhận xét khá lắm. Nhưng
chú mầy có chỗ sai. Tao không sinh trưởng ở đây chớ sống ở đây lâu lắm rồi. Tao
không có gia đình bà con. Không ưa đụng chạm nên làm nghề nầy. Cá đầy sông đâu
có thiếu. Tội gì bon chen cho cực tấm thân.
Thằng Cổn gật gù. Giọng ông
Năm càng lúc càng trầm xuống. Nó phải lắng tai mới nghe được. Thủy triều lên.
Nước bắt đầu ròng. Cá nhỏ đớp mồi làm thành những vòng nước tròn loe dần rộng
ra. Ngôi sao sớm nhất in hình dưới đáy nước như một hột trân châu xa vời. Thằng
Cổn bó gối. Ông Năm vẫn tiếp tục nói chuyện:
- Tao dám chắc mười với mười
là chú mầy ở miệt dưới chạy lên đây phải không.
Thằng Cổn gật đầu. Miền đất
bên kia bờ như chùng hẳn lại. Hàng cây lắt lay buồn. Cuộc đời như những cánh
rêu trôi nổi. Sống một mình, thằng Cổn cho mình đã lớn. Tự lập, làm ăn như
người lớn. Nhưng bây giờ, bên cạnh một ông già kỳ lạ. Câu hỏi như muốn đưa
thằng Cổn trở về vị trí thật của mình.
- Dạ, nói thiệt với bác Năm
cháu cũng chẳng phải là người ở đây. Nhưng mồ côi mồ cút một mình, đi đâu thì
cũng “dậy” thôi.
- Mà sao tại xứ chú mầy, chú
mầy quen biết hơn lại không ở, lên đây làng xóm có biết ai đâu?
- Thì nơi đâu lại không có
người mình bác Năm.
Ông Năm chắc lưỡi:
- Thì đã đành “dậy”. Nhưng
mầy còn trẻ. Đời còn dài. Mà miệt dưới có yên không mà mầy lên đây?
Thằng Cổn gục đầu vào hai
bàn tay. Nó nói giọng buồn buồn:
- Miền nầy không biết ra
sao, chớ dưới Xẻo Cạn người ta đua nhau chạy loạn hết bác ơi. Tây nó về đi bố
tùm lum. Hồi đó, cháu thường lên thăm viếng ông bà hội đồng. Ổng bả tốt lắm.
Chiếc ghe nầy cũng là của ổng bả cho cháu đó. Ổng bả nuôi cháu làm tá điền.
Nhưng miệt cháu người ta thích đi giăng lưới nhiều hơn làm ruộng. Làm ruộng
không được nhiều vì nước phèn mà đến mùa thì lại hay pha mặn. Cá dưới rạch nhảy
tê tê có khi lên tận bờ. Ai thấy cũng ham. Cháu xin ra riêng để đánh cá một
mình. Định kiếm đến khi nào có tiền thì kiếm một cái nhà mà ở. Cháu thích có
một cái nhà của cháu ngay ở tại nơi cháu thương, cháu lớn lên từ nhỏ.
- Nhưng sao cháu lại lên
đây? Đây tới Xẻo Cạn xa lắm chớ chơi sao.
- Thì bác nghĩ, súng đạn cứ
rầm rầm. Đêm đêm Tây nó đi tuần từ ngoài biển theo rạch vô sâu bên trong. Cháu
lại chuyên môn ở sông ở rạch.
Ông Năm yên lặng một chốc.
Hình như ông có điều gì suy nghĩ lung lắm. Ông trở mình ngồi dậy.
- Không, bác biết chắc là
cháu có chuyện gì muốn giấu đây. Không có ai vì chuyện nhỏ mọn đó mà bỏ làng bỏ
xóm. Cháu ngại điều chi?
Thằng Cổn làm thinh không
nói. Ông Năm ngồi xích lại. Một tay mân mê điếu thuốc, tay kia đặt lên vai
thằng Cổn vỗ về:
- Nếu cháu có điều chi muốn
nói, cứ việc nói cho bác nghe. Quanh đi quẩn lại, bác cháu vẫn là người mình
với nhau thì có việc gì mà lo sợ. Còn hễ thuộc việc nhà việc cửa, thì không nói
là quyền của cháu. Cháu nghĩ lại. Để hoài trong bụng riết rồi sinh bệnh.
Ông Năm vỗ vỗ lên lưng thằng
Cổn. Ông không nói nữa. Trong lúc thằng Cổn gục đầu vô gối, hai bàn tay ôm kín
mặt, ông nhấc nhấc sợi dây câu. Một con cá đầu bạc mắc câu ở đoạn giữa. Con cá
không còn quẫy mạnh, cái đuôi ve vẩy nhè nhẹ. Vẩy màu bạc lấp lánh dưới nước.
- Có đèn không hở Cổn?
Thằng Cổn không ngẩng đầu
lên, giọng nó nghẹn ngào:
- Bác Năm, thôi đừng thắp
đèn nữa.
- Ủa…
- Bác nè. Cháu…
Ông Năm lặng thinh. Gió nhè
nhẹ. Tiếng nước vỗ vào mạn thuyền rõ mồn một. Trên trời sao nhấp nháy lia lịa.
Cả hai cùng im lặng. Rồi trong cái khoảng khoát bao la, tiếng thằng Cổn vang
nhanh:
- Cháu kể cho bác nghe. Khổ
lắm bác ơi… Hồi đó…
*
Cách đây một tháng. Cháu nhớ
rõ ràng. Bữa đó cháu đang giăng lưới, nhờ trời đụng ngày hên, chỉ mới năm mẻ
đúng cháu đã bắt được cả thúng cá lớn. Mừng quá, cháu không thiết đánh cá nữa.
Cái tật cháu là “dậy”, cứ khi độ chừng vừa đủ ăn và bán mua gạo là cháu thôi
không làm nữa. Cháu xếp lưới, lựa một mớ cá ngon bỏ vô nồi định luộc ăn chiều.
Cháu quên nói với bác là cách đó mấy ngày, tàu của Tây từ Rạch Giá đã tiến vô
Xẻo Quao. Dân chúng hai bên bờ nhốn nháo. Người đánh cá cũng ít đi nên cá muối
bán được lắm. Mấy ngày đầu Tây đi ruồng luôn luôn trên sông nên cháu không làm
ăn gì được. Bữa nay Tây lên bờ đi sâu vào trong nên cháu rán quăng lưới cho lẹ.
May đâu lại được nhiều. Cháu nhóm lửa bắc nồi nước cho sôi xong quay thuyền cặp
vào bờ để lên chợ. Nhưng khi cháu mới cột dây neo thuyền thì có hai thằng Tây
đi tới. Một thằng già, một thằng trẻ, độ lớn hơn cháu một chút thôi. Cháu định
quay thuyền trở ra nhưng không kịp. Thằng trẻ thấy cháu trước, nó lên súng lách
cách bắt cháu đứng yên dưới thuyền rồi cả hai đều xuống. Lục lạo, khám xét một
hồi, hai thằng nói xi xô với nhau, chỉ chỏ vào thúng cá của cháu. Cháu sợ chúng
lấy hết. Phần tức phần lo phần sợ, cháu khóc ấm ức. May quá, thằng già lắc đầu.
Chúng đi ra phía sau thuyền thấy nồi nước cháu nấu đang sôi. Một thằng móc ra
chai rượu, thằng kia đến lựa cá bỏ vô nồi. Rồi chúng ăn uống với nhau. Thằng
Tây già ra hiệu cháu vô ăn cùng nhưng cháu không ăn. Xong xuôi, chúng dúi vào
tay cháu tờ giấy bạc. Không phải bạc mình, chắc chắn là không mua gạo được.
Cháu tức lắm. Hai ba bữa sau, ngày nào chúng cũng tìm đến cháu đòi mua cá.
Chẳng lẽ cháu không lên bờ. Mà lên bờ là gặp. Có bữa cháu ra chợ về ghe đã thấy
thằng Tây già bữa trước nằm ngủ trong ghe rồi.
Cháu khó chịu lắm. dân chúng
trong xóm rỉ tai nói là cháu làm mật thám cho Tây. Nhưng cháu biết làm sao.
Thằng Tây già đó hơi hiền, chỉ có điều ăn xong nó không trả tiền cho cháu thôi.
Được ba bốn ngày, thằng Tây già đó không tìm đến ăn cá của cháu. Cháu mừng lắm.
Đêm đó, cháu không đưa ghe ra giữa sông ngủ như mọi bữa. Nửa đêm có người gọi
tên cháu.
- Cổn, Cổn, cặp ghe vào bờ
có chút chuyện.
Cháu giật mình, nhưng phân
vân. Đêm hôm, thời buổi nhiễu nhương, mình đâu dám chắc người ngay kẻ gian phải
không bác. Cháu làm thinh thì có tiếng kêu tiếp:
- Cổn, có chuyện cần nè.
Cháu đành lên tiếng:
- Ai đó, khuya quá rồi mà.
- Tao đây, Hai Tằm đây.
Hai Tằm là cháu ông hội
đồng. Cháu yên bụng thức dậy cặp ghe cho anh Hai Tằm xuống. Vừa nhảy xuống
thuyền là anh ra dấu cho cháu yên lặng, kéo cháu vào khoang nói nhỏ:
- Mầy có biết mấy hôm rày
mầy làm chuyện bậy không Cổn.
Cháu không hiểu gì hết, ngơ
ngác hỏi:
- Có chuyện gì đâu anh Hai.
Hai Tằm lắc đầu:
- Mầy thiệt hết sức, mấy anh
thanh niên xã biết mầy có nói chuyện với Tây, tiếp tế cho Tây nữa phải không?
Cháu giật mình như bị phỏng
lửa.
- Trời, trời… chuyện…
chuyện…
- Nhưng mầy đừng có lo, mấy
ảnh dò hỏi rồi, không phải mầy là người phản phúc mà.
- Dạ tội em, em có làm chi
đâu. Thằng Tây, nó… nó…
Hai Tằm ngắt lời cháu:
- Được rồi, chuyện đó coi
như xong, nhưng bây giờ mầy cũng đã lớn rồi, chẳng lẽ ngồi yên đó lo câu cá, lo
ăn thôi hả?
Cháu cúi đầu không biết nói
chi. Hai Tằm nói tiếp:
- Mầy tự liệu lấy đó. Tao
chỉ thay mặt anh em trong vùng này nhắc nhở. Cứ sống mãi thế này nhục nhã lắm
mầy ơi. Mầy không thấy tụi Tây nó tàn ác lắm sao. Nó bắt đàn bà, ông già, con
nít cũng không tha. Ông hội đồng vì chống lại nên bị tụi nó đem ra đồng bắn
chết. Mầy cũng bị tụi nó cướp cá cướp cơm, có ai thoát khỏi đâu.
Cháu nghe nói thì nghe. Tuy
vậy lòng cũng thấy xốn xang. Thật cháu chưa bao giờ nghĩ tới việc đó. Đành rằng
có lúc nhìn thấy thì căm tức, giận dữ. Nhưng tính cháu lại vô tâm và tứ cố vô
thân nên không biết phải làm gì. Bây giờ nghe nói cháu vẫn còn thắc mắc. Cháu
hỏi Hai tằm:
- Các anh biểu em phải làm
sao đây? Em mồ côi mồ cút.
Hai Tằm cười khẩy:
- Cái đó không ăn nhậu gì
hết.
Hai Tằm kéo cháu sát lại nói
nhỏ:
- Nếu có công tác cho mầy
thì mầy có nhận không?
Cháu ngần ngừ giây lâu,
nhưng nghĩ lại, mình là người Việt Nam cháu cũng biết buồn cho nước
cho nhà, vì không ai gợi nó lên nên cháu không nói ra đó thôi. Lúc bấy giờ nghe
anh Hai Tằm nói cháu có công tác, nửa băn khoăn nửa thấy hãnh diện ; cháu nghĩ
đi nghĩ lại rồi hỏi ảnh:
- Chuyện
gì vậy anh Hai, nếu em làm được là em làm liền.
- Chuyện
dễ như lấy đồ trong túi.
- Anh cứ nói đi.
Anh Hai tằm nhìn cháu một
giây. Ảnh hỏi một câu mới đầu tưởng không ăn nhập gì hết trọi:
- Thằng Tây mấy bữa còn trở
lại không?
Cháu ngạc nhiên nhưng cũng
trả lời:
- Đã hai bữa nay hổng thấy
tới. Chắc Tây rút rồi.
Hai Tằm có vẻ không bằng
lòng:
- Sao không lại tề. Bà con
lối xóm có gặp nó hôm qua mà.
- Em không tiếp tế cho nó
nữa đâu, anh Hai yên lòng. Hổm rày em trốn hoài mà không được.
Hai Tằm không trả lời. Ảnh
nghĩ ngợi một chặp rồi mới nói với cháu:
- Ngày mai mầy đừng đi đánh
cá nữa. Sáng sớm có người mang đến cho mầy một thúng cá tươi. Mầy giữ đó rồi
lên bờ kiếm thằng Tây quen. Giả bộ như tình cờ mà gặp. Xong rủ nó xuống ghe.
Cháu mới đầu nghe vậy đâm
run và sợ quá vội vã từ chối:
- Thôi anh Hai ơi, em sợ
lắm. Bà con lối xóm mà thấy họ chửi em không còn mặt mũi nào hết.
Hai Tằm nhướng mắt:
- Ai chửi, đây là việc làm
ái quốc mà. Mầy nghe cho hết rồi hãy cãi : Nè, mầy rủ nó xuống ghe rồi thì chèo
ra giữa dòng, nấu cá cho nó ăn. Lấy chai rượu để sẵn trong thúng cá rót cho nó
uống. Nó ăn uống chắc không nghi ngờ gì vì nó ăn quen rồi. Trong rượu có bỏ
thuốc mê. Đợi nó mê man mầy trói lại, đem đèn ra trước mũi thuyền quơ qua quơ
lại hai lần tức thì có người ra mang nó đi, nhớ nghe.
Cháu nghe xong mồ hôi ra
lạnh toát người. Mặc dù có đôi ba lần cháu cũng thích giết chết mấy tên lính
Tây tàn bạo, đốt nhà, đánh đập dân làng. Nhưng bụng bảo thì dạ nghe chứ chưa
bao giờ cháu nghĩ là cháu góp tay vào công việc đó. Giờ đây, nghe Hai Tằm nói,
cháu run quá. Ảnh thấy vậy vội nói:
- Không có chi để mầy sợ. Cứ
làm theo lời tao dặn. Mọi việc trót lọt hết, công của mấy lớn lắm. Mình giết
được thằng Tây nào là đỡ khổ cho dân làng chừng đó. Chớ cái điệu này con lâu
Tây nó mới rút đi mầy ơi.
- Tụi Tây mà nó biết được
thì chết anh Hai ơi.
- Không đâu. Làm sao tụi nó
biết được. Tao nghe như tụi nó đang lo. Ở miệt Rạch Giá, dân chúng chống đối
ghê lắm. Thanh niên bỏ thành về quê kháng chiến hết. Ở xóm mình nhỏ thì mình
làm việc nhỏ gọi là góp công với đất nước chớ. Mầy không biết chớ có nhiều em
mới mười tuổi mà cũng đánh Tây đó.
Cháu nghe nói nghĩ lại những
cảnh tang thương ức hiếp người mình của tụi Pháp, tụi Tây, lòng cũng sôi sục.
Vả lại chuyện đó cũng không có chi khó khăn, cháu nhận lời.
Sáng hôm sau, mới sáng tinh
mơ cháu đã thấy một chai rượu và một thúng cá tươi ngon đặt ở đầu ghe từ hồi
nào. Biết trước, cháu lẳng lặng chờ trời sáng hẳn, lên bờ, men theo nơi mà lính
Tây thường tụ tập. Đến gần trưa, may quá cháu gặp thằng Tây già đang đi một
mình vào quán định mua rượu. Thấy cháu, nó tỏ vẻ quen biết cười cười. Cháu ra
dấu là có cá nhiều lắm. Nó thích quá vội theo cháu ra ghe. Nói thật với bác,
sao hôm đó nó hiền quá là hiền. Khi ngồi chờ nước sôi nó tu mấy ngụm rượu rồi
khóc rưng rức. Nó uống rượu nhiều quá nên ngấm thuốc mê chưa kịp ăn đã ngủ mê
man. Trên sông vắng vẻ lắm. Cháu làm như thắp đèn để mồi lửa, cầm đèn quơ quơ
hai lần. Một chiếc ghe khác có mui kín đáo từ trong bờ trờ ra. Anh Hai Tằm cùng
một người lạ mặt kéo nó qua bên ghe họ rồi ra dấu bảo cháu chèo ghe đi.
Cháu tuy thỏa mãn lòng,
nhưng sao vẫn có cái gì không yên. Hình như cháu thấy thương hại tên lính Tây
già đó quá. Tóc nó cũng hoa râm giống người già của mình. Nó chỉ có cái tội qua
đây cướp nước cướp làng của mình thôi. Qua hôm sau, lính Tây tìm thấy xác của
tên lính già ở trong rừng bần lau lách. Tụi Tây đi lùng trong xóm càng dữ tợn
hơn. Cháu không muốn rời nơi đó nhưng không hiểu tại sao mà hình ảnh tên lính
Tây già cứ lởn vởn mãi. Cháu không ở được khúc sông đó, bèn lần vô đây. Đi mất
ba ngày ròng đó bác…
*
Sương xuống ướt lạnh hai bờ
vai. Ông Năm rùng mình. Thằng Cổn đã ngừng nói từ lâu. Ông Năm đâu biết khuyên
can gì cho phải. Ông sợ không sớm thì muộn nó cũng bị bắt. Tụi mật thám Tây ở
khắp mọi nơi. Sá gì ba ngày đường mà tụi Tây không tìm ra. Hình như trời đã
khuya lắm. Ngôi sao hôm đi về phía nào mất rồi. Hai bờ chỉ là một màu đen đậm
tuyền với màu nước. Thỉnh thoảng từ phía chợ vang lại tiếng kèn tây đổi phiên gác
đêm. Nước ra rả vỗ đều đều như bài hát trầm buồn trong đêm vắng hòa với tiếng
lục huyền. Lòng ông Năm cũng đìu hiu như mặt sông vắng đêm khuya. Ông chép
miệng thở dài.
- Biết khi nào mới yên ổn nè
trời.
Thằng Cổn nghe ông nói quay
lại. Một thoáng, nó duỗi chân cho đỡ mỏi, đụng sợi dây câu, nó kéo lên. Rêu bèo
bám vào dây câu nhỏ giọt nước tí tách, tuy nhỏ nhưng cũng làm động một khoảng
sông. Có 1 con cá mình thuôn dài dãy dụa. Thằng Cổn gỡ cá khỏi lưỡi câu rồi vứt
vào lòng thuyền.
- Chà, thấy đói bụng. Nấu
cháo ăn chơi.
Ông Năm nhóm lại bếp lửa.
Lửa hồng sáng nhảy nhót tươi vui. Thằng Cổn khom mình nhích vào trong sát với
ông Năm.
- Để cháu làm cá nghe.
- Thôi rửa sơ đi, cá sông
mà.
Mùi gạo mới đưa hơi thơm
tho. Thằng Cổn, ông Năm mỗi người ngồi một bên bếp lửa. Hình như không ai buồn
ngủ cả. Trong cảnh vắng lặng của sông đêm, bếp lửa như mái ấm gia đình. Thằng
Cổn nhớ lại những ngày còn ở trong nhà ông bà Hội Đồng. Ông Năm nhớ đến một mái
nhà đã mất vì bom đạn. Mỗi người mỗi ý nghĩ. Nhưng cả hai đều chung một hoàn
cảnh lạnh lùng.
- Chú mầy à.
Ông Năm hắng giọng. Những ý
nghĩ thành lời nói mà ông sắp thố lộ mang lại chút ấm áp cho lòng ông. Ông
thong thả lấy thuốc ra vấn hút.
- Thằng Cổn có muốn theo tao
làm ăn không?
Thằng Cổn ngạc nhiên. Câu mở
lời của ông Năm làm nó bối rối.
- Bác nói là… là…
Ông Năm thấp giọng:
- Phải, tao tự nhiên thấy
thương mầy. Mầy cũng chẳng lớn hơn con trai tao bao nhiêu. Nó đi kháng chiến
chết rồi. Tao chỉ có mình nó. Bây giờ, nhà cửa cũng không còn. Mầy cũng vậy, mầy
giống tao. Tao với mầy đều cô độc. Thời buổi giặc giã, sống một mình buồn lắm.
Ngã không ai nâng, ai có phận nấy. Mầy bằng lòng theo tao làm ăn. Mình bỏ nghề
đánh cá nầy. Đi lên bờ, đi xa.
Thằng Cổn ngắt lời:
- Trời ơi bác Năm nói bỏ
nghề sao bác Năm, bỏ ghe bỏ dầm? Thôi, cháu không đành bác ơi.
- Mầy con muốn gì hơn nữa?
Mầy còn ở trên ghe là mầy càng mau bị bắt. Bộ mầy tưởng tụi tây hắn ngu sao?
Tao thương mầy, tao bày biểu. Theo tao đi miền khác làm ăn. Tao già rồi, mầy
lại còn quá trẻ. Tao với mầy chỉ nên giúp đất nước mình bằng cách ăn ở cho chân
chính rồi đợi thời cơ thôi. Bây giờ nhiễu nhương lắm. Mầy chưa phải lúc mà tao
lại quá thời.
- Bác nói vậy chớ có nhiều
đứa nhỏ hơn cháu.
- Vừa nhỏ, vừa thiếu kinh
nghiệm như cháu thì chỉ làm hại bạn bè thôi. Với lại, cháu nghĩ ra sao về việc
cứu nước cứu non? Đâu phải chỉ có việc lớn, mà phải nói là đi từ việc nhỏ mới
đúng.
Thằng Cổn im lìm nghe. Bây
giờ bắt đầu một cuộc sống mới sao nó thấy e ngại quá. Đi xa, rời khỏi miền cây
cối quen thuộc. Những dề lục bình trôi nổi. Từng khóm dừa nước ngả nghiêng bên
bờ sông mương rạch. Tách xa những hơi hướm, hình ảnh quen thuộc đó, nó chắc
chịu không nổi quá. Ông Năm vẫn còn nói giọng đều đều:
- Đành rằng nơi quen thì ở,
nhưng cháu nghĩ coi. Nếu chẳng may cháu bị bắt, đời cháu còn gì nữa. Bác suy
tính thiệt hơn mới đề nghị với cháu như vậy. Cháu nghĩ kỹ đi… Thôi, cháo chín
rồi đó, cháu bỏ cá vào rồi mình ăn. Phải ngủ một giấc đã.
Nồi cháo bốc thơm sực mũi.
Ông Năm vừa ăn vừa chắp chắp:
- Thiếu mấy cọng hành, chớ
không thì ngon ác.
Thằng Cổn cũng ăn, mặc dù
cháo cá tươi ngon lành, nóng hổi, nhưng miệng nó đắng như có ký ninh. Nó ăn
cháo uể oải. Hai người ăn xong thì bếp lửa cũng đã tàn. Chút than nóng còn lại
hừng lên theo cơn gió. Ông Năm vỗ vai nó nói:
- Để sáng mai mình tính
chuyện sau. Bây giờ cháu đi ngủ cho khỏe. Tao ngủ ở ghe tao.
Chiếc ghe chòng chành. Thằng
Cổn chèn chân để lấy thăng bằng. Trời tối, nó không nhìn thấy mặt bác Năm. Điếu
thuốc ông lập bập trong miệng thì lóe lên từng đốm sáng lòe không soi rõ gương
mặt gân guốc, cương quyết. Thằng Cổn chui vào khoang, giở nóp nằm im. Đêm khuya
thanh vắng, cơn buồn ngủ như đã chạy mất từ bao giờ. Ngày mai, nó có nên đi
theo ông Năm không? Ý nghĩ của thằng Cổn cứ tựa như chiếc thuyền đứt dây neo,
dật dờ, khi thì thế này, khi thì thế khác. Mà ở một mình thì những gì sẽ xảy
ra. Với vốn kinh nghiệm không đủ để lừa dối một người, nó cũng cần có nơi nương
tựa, chỉ bảo. Nhưng xa ghe, xa con sông con rạch quen thuộc, thằng Cổn phân vân
quá. Bỗng dưng lòng thằng Cổn thấy buồn buồn. Nó chui ra khỏi nóp, ngửa đầu
nhìn lên trời đêm đầy sao. Tay vòng sau gáy
làm gối, tay kia thò khuấy làn nước thẫm đen.
Trong khi đó, bên chiếc ghe
kia, ông già Năm vẫn lập bập mãi điếu thuốc đã tắt lửa.
Cùng nhau kết bạn đồng tâm,
Khi cờ khi rượu, khi cầm khi thi
Công danh phú quý mà chi
Chẳng bằng thong thả mặc khi vui vầy…
Ông Năm để rơi điếu thuốc
hút dở. Câu hát não nùng của thằng Cổn làm ông bùi ngùi.
Có hai tiếng thở dài cùng
một lượt trải rộng trên mặt nước mát lạnh của sông đêm…
KIM HÀI
(Sóng Vàng)
(Trích từ
bán nguyệt san Tuổi Hoa số 134, ra ngày 1-8-1970)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com