Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

CHƯƠNG I_SẮC LÁ XANH



CHƯƠNG I



Cô giáo Uyên cau mày nhìn về phía bên trái lớp học. Mấy đứa học trò con gái lau chau xào xáo. Cô vớ lấy cây thước gỗ gõ nhịp giận dữ lên cái bàn tre ọp ẹp.

- Tụi bây, cô nhìn đó… cô kìa … im đi ….

Hàng chục cặp mắt tròn đen lại lặng thinh nhìn về phía bảng đen. Cô giáo Uyên lại cắm cúi chấm bài. Qua khung cửa lớp gió tạt mạnh đem theo từng hơi mưa lạnh lẽo. Tiếng mưa rơi đều đều lên mái lá rào rạt. Vài giọt nước lấm tấm trên những cuốn tập ỉu. Góc bên trái chỗ tụi con gái lại vẳng lên tiếng xì xào. Lần này cô giáo Uyên không dằn được nữa. Cô nghiêm nghị nhìn thẳng vào mặt từng đứa học trò, gằn giọng:

- Các em không biết nghe lời cô chi hết. Đã nói là trong giờ học phải ngồi yên mà học. Có học phải có hạnh. Biết nghe lời cô, thầy, cũng là có hạnh. Rứa mà…

Một cánh tay, hai cánh tay bé nhỏ đưa lên, rồi ba, rồi bốn. Uyên ngạc nhiên ngừng nói. Một đứa học trò gái đứng dậy. Uyên hỏi:

- Cái chi đó Thân?

Con Thân vòng hai tay trước ngực, nói nhanh:

- Thưa cô mưa dột!

Hàng chục đứa lau nhau lên:

- Mưa dột cô. Mưa dột ướt hết. Lạnh quá cô.

Uyên lắc đầu bước xuống bục gỗ. Nàng ngước nhìn lên nóc nhà. Mái tranh lâu năm thẫm đen ủng nước. Những cái kèo tre nổi mốc meo đen trắng. Vài chỗ tranh lủng xuống mang theo hàng dây nước tròn kéo thành hàng trôi tuột theo triền mái, đọng lai ở chỗ những sợi tranh sút tua tủa rồi nhỏ giọt xuống nền, nhằm vào chỗ lũ học trò con gái ngồi. Uyên tới nơi quan sát chỗ dột. Nàng chia chỗ cho tụi nhỏ ngồi, tránh chỗ đó. Nhưng những cái bàn, cái ghế đâu có nối thêm dài ra được. Vẫn có đứa chưa tìm ra chỗ để ngồi. Bên phe con trai có đứa vọt miệng:

- Cô ơi, cô cắt mấy sợi tranh sà sà xuống đó là nước không chảy.

Uyên nhìn thằng học trò thông minh, cười gật đầu:

- Hãn trèo lên sửa thử coi.

Thằng nhỏ mau mắn lấy ghế lấy bàn chồng lại trèo lên, thò tay ngắt sửa. Nó nắn lại chỗ nước chảy, kéo tranh đắp vào nơi thưa…

- Được rồi… Giỏi quá.

Uyên khen một câu. Thằng nhỏ sung sướng mặt đỏ bừng. Nhưng khi Uyên đang khênh cái ghế thì những giọt nước lại liên tiếp nhỏ xuống. Mấy thằng học trò cãi nhau:

- Tại mày kéo tranh qua nên chỗ đó hở dột.

- Hồi tao ở trên đó có dột đâu.

- Thì đó, nó dột đó… Vậy mà cô khen giỏi…

Uyên đứng nhìn bất lực. Mái trường nầy đã cũ lắm rồi. Nhiều ngày có gió, Uyên vẫn sợ lớp học sụp chôn luôn cả học trò. Mấy cột tre đã mục, nhiều cột bị mối ăn long chân. Uyên đã nhiều lần báo động với văn phòng hiệu trưởng về tình trạng nguy hiểm của các lớp học ở đây, nhưng ông hiệu trưởng chỉ lắc đầu bảo ráng chờ trên Ty giải quyết, xin tiền.

- Thưa cô, trò Hãn chạy ra ngoài sân cô.

Uyên nhìn ra ngoài. Qua song cửa sổ bóng thằng Hãn ướt nhẹp đang lúi húi bên cạnh cây chuối lá rách tả tơi. Chợt hiểu Uyên mỉm cười. Cái thằng cũng nhanh ý thật. Không đầy một thoáng, thằng Hãn tạt vào như cơn gió lốc, đem cả cơn mưa ngoài sân vào lớp. Môi nó tái nhợt, tay run run. Uyên kêu lên:

- Trời ơi, mưa ướt hết, lấy cái chi mà lau. Ai biểu không biết nữa.

Thằng Hãn cười nhe hàm răng vàng bợn, nó cầm một bẹ chuối chỉ lên trên mái:

- Ăn thua chi cô, em tắm mưa hoài. Để em kê ghế trèo lên nhét bẹ chuối ni cho trổ ra phên là hết dột.

Mấy đứa con trai loay hoay kê bàn ghế, thằng Hãn trèo lên. Không đầy năm phút sau, lớp học đã hết dột. Lũ học trò tản về chỗ ngồi, Uyên nhìn đồng hồ tay, gần 5 giờ. Nàng lẩm bẩm:

- Vậy là hết cả giờ.

- Thưa cô chép tiếp bài.

Uyên lơ đãng nhìn ra ngoài trời:

- Ừ, các em chép bài mau, gần bãi rồi.

Bên ngoài trời vẫn không dứt mưa. Sân trường lầy lội những lá và rác. Những đợt cát rút nước không kịp kéo thành những rãnh dài. Uyên bước ra cửa. Lớp học bên cạnh cũng đang ồn ào vì bị dột. Tiếng bà giáo Tân mệt nhọc như người đứt hơi:

- Thôi, kiếm chỗ khác ngồi, kệ nó.

Uyên bước đến bên cửa sổ nói với vào:

- Chị biểu tụi nhỏ lấy cái bẹ chuối lót, chớ kéo tranh là nó dột chỗ khác cho coi.

Bà Tân bước lại gần Uyên, cái bụng gần đến ngày sinh nặng nề. Uyên nhìn bà nói nhỏ:

- Chị tới ngày chưa?

- Chắc cũng hơn tháng nữa. Rán cho qua mùa mưa ni. Trường lớp chi mà như nhà xưa, đụng đâu dột đó. Nói sửa lớp mà chờ hoài chẳng thấy đâu.

Uyên lắc đầu:

- Em chỉ sợ lỡ có bão thì mệt lắm. Thời buổi khó khăn ni, ai mà lo tới chi cái trường nhỏ ở cái nơi đèo heo hút gió ni. Mấy năm từ ngày về dạy đây em chưa thấy mặt ông trưởng ty nữa là.

Bà Tân giọng chán nản:

- Nhiều khi tôi muốn xin đổi phứt đi ra tỉnh hoặc quận. Nhưng kẹt ổng làm việc ở đây nên cứ ở mãi.

Tiếng trống từ đầu căn phòng vọng đến lùng bùng như có nước, Uyên chào bà Tân rồi quay trở về lớp mình. Tụi học trò đã sắp xong sách vở nhốn nháo chờ cô giáo. Uyên thu dọn vội vàng giơ tay ra hiệu cho học trò từng bàn lần lượt rời lớp. Đứa trưởng lớp đem cái áo mưa lên cho Uyên rồi cùng nàng rời lớp sau cùng. Cơn mưa chỉ ngớt được một phút rồi lại rào rào như thác. Trời đã ngả màu thẫm. Khắp cảnh vật đều nhuộm một màu tẻ lạnh. Lũ học trò con gái co ro. Lũ con trai chạy đùa trong mưa hắt nước văng tung toé.

- Cô, cô đưa em ôm vở đi cô.

Uyên tươi cười quay nhìn thằng Hãn. Nó ở kế cận nhà Uyên và vẫn thường ôm giúp Uyên những chồng vở, hoặc học bạ của học trò. Trời lạnh và đường xá thì lầy lội. Uyên khó khăn lắm mới giữ được đôi guốc thấp, quai trắng. Nhìn thằng Hãn đi bằng hai bàn chân trần mạnh mẽ, dễ dàng như không, Uyên cười bảo nó:

- Đi chưn không coi chừng đạp mảnh chai.

- Khó lắm cô. Khi mô bị, em lấy cứt trâu với bồ hóng xức vô là hết chảy máu liền.


Uyên mỉm cười bâng quơ. Nàng nghĩ đến những bài vệ sinh nàng đã dạy cho học trò. Vệ sinh của những bài học không ảnh hưởng gì đến mẹo vặt và đời sống của lũ trẻ ở miền quê nầy. Ngay cả những giờ thể dục cũng trở nên vô ích đối với lũ học trò. Chúng bao giờ cũng hoạt dộng và những cử động thể dục không thấm thía vào đâu hết.

- Cô ơi, khi mô sửa lớp cô. Lớp dột quá. Sợ bữa mô không có chỗ học. 

Uyên giật mình. Đã có lần nàng nói với lũ trẻ là lớp học sắp được sửa lại. Câu nói từ hồi năm ngoái, mãi đến năm nay, vẫn chưa thấy gì. Nhưng Uyên làm sao giải thích được với đứa học trò nhỏ. Nàng chỉ ậm ừ: 

- Ừ, chắc là không bao nhiêu.

Thằng Hãn rụt rè: 

- Cô ơi, hôm qua, em nghe ông hiệu trưởng nói trường mình không có tiền sửa sang đâu. Thẩy nói với thầy giáo Lang.

Uyên ngạc nhiên nhìn Hãn: 

- Thiệt không Hãn?

Thằng Hãn nhanh nhẩu 

- Thiệt mà cô, em đi lên văn phòng nghe thầy nói vậy. Thẩy nói trường cũng tàm tạm học được.Để hè rồi hay.

Uyên im lặng không nói. Nhà đã hiện rõ với hai hàng rào dâm bụt trơ lá vàng úa. Những dây tơ hồng vàng vòng vo dọc ngang. Thằng Hãn trao cho Uyên chồng vở rồi chào Uyên đi. Uyên nghĩ hoài về ngôi trường cũ kỹ. Từ khi ra trường đến nay, được đổi về dạy ở nơi heo hút này, Uyên vẫn không lấy đó làm phiền. Ở đâu cũng vậy. Miễn là nàng giúp ích được cho những đứa nhỏ, những đứa bé ở vùng xa xôi như ở đây lại càng cần thiết hơn nữa. Nhiều đứa bạn của nàng đã cười nàng ngu vì còn trẻ mà không chịu chạy chọt để về được ở tỉnh, vừa nhởn nhơ vừa được ăn được diện. Uyên chỉ cười không nói. Nàng thầm khinh bỉ những ý nghĩ nông cạn của họ. Nếu nghĩ như thế, đâu cần học lấy nghề gõ đầu trẻ, và nếu ai cũng nghĩ như chúng nó thì những đứa trẻ ở các nơi hẻo lánh sẽ chịu dốt nát suốt đời hay sao. 

Uyên về đây, hai năm trời, hai năm đối diện với biết bao cay đắng và bất trắc, thế mà lòng Uyên vẫn không hề thay đổi. Nàng vẫn vui bên cạnh chồng sách vở hoen mực, vẫn cười với lũ học trò nhỏ. Niềm vui ấy có được vì luôn luôn Uyên vẫn thấy rõ là Uyên đã làm được một cái gì đó cho người khác. Chỉ có một điều duy nhất mà Uyên chưa thoả mãn là việc trùng tu lại ngôi trường cũ kỹ. Bề gì cũng là nơi học trò học hành, thì cũng phải lành lặn một chút cho chúng đỡ bực ngày nắng, đỡ khổ ngày mưa. 

- Cô ăn cơm cô, bữa ni trời mưa có mắm chưng ngon lắm. 

Uyên cười gạt bỏ những ý nghĩ lăng quăng, pha trò với bác Năm: 

- Thì ngày mưa có mắm chưng, ngày nắng bác chưng mắm. Chớ có chi đặc biệt. 

Bác Năm cười so đũa: 

- Cái xứ này chỉ có cái thứ đó. Nhưng kể ra có chút rau rán cũng đỡ lắm cô. Rứa chớ dân ở đây cứ mạnh ùi ụi. 

Uyên vừa ăn vừa nhìn ra cửa sổ. Mưa đã dứt hạt. Trời cũng tối mịt bởi những đám mây đen. Chiếc đèn dầu soi lờ mờ. Gió tạt qua cửa, qua phên lạnh ngắt. 

- Trời ơi, tui thiệt đoản hậu, quên mua dầu, tối ni lấy chi cho cô chấm bài. 

Uyên bõ đũa xuống, vớ lấy bình nước chè tươi nóng, thong thả nói: 

- Thôi khỏi bác, bây chừ ra ngoài không được mô. Con nghỉ một đêm cũng được. Cả ngày ni nghe cũng mệt gắt. 

Bà Năm thu dọn bát đũa. Uyên ngồi nhâm nhi ly nước chè nóng. Bà Năm gợi chuyện: 

- Nghe nói mấy cái lớp học dột hết phải không cô? 

Uyên quay lại ngạc nhiên: 

- Ủa, sao bác biết?

Bà Năm cười: 

- Ở cái xóm mình, có chuyện chi mà không biết. Bữa mô cô có thơ nhà tui cũng biết nữa là… 

Uyên cười: 

- Chịu bác đó. Nhưng cái vụ trường thì rầu lắm bác ơi. Không có tiền sửa, mà để rứa bữa mô mưa to là dột. Học trò loay hoay mãi đến hết giờ, chẳng học hành được chi hết. 

- Răng cô không nói với ông Hiệu trưởng? 

Uyên trầm ngâm, nàng nhớ đến ông Hiệu trưởng già ốm nhom, gia đình ở mãi trên tỉnh, tuần về một lần dù có mưa, có gió. Việc quan trọng đối với ông không phải là ngôi trường, không phải là lũ học trò quê ngơ ngác, mà là cái nồi cơm cho lũ con đông. Không biết lần thứ mấy Uyên thúc giục ông lên Ty xin chữa lại ngôi trường, mua một ít học liệu. Ấy thế mà ông làm mãi không xong. 

Thấy cô giáo trẻ ngồi đăm chiêu, bà Năm không hỏi tiếp lặng lẽ bưng mâm bát ra đằng sau nhà. 

Khi Uyên uống cạn bát nước chè, hình như trời bắt đầu mưa trở lại, gió tạt mạnh qua liếp cửa nghe răng rắc. Tiếng bà Năm đằng sau kêu lên: 

- Trời này chắc có bão quá. Gió mạnh ghê. 

Uyên rời phản lên giường nằm. Những buổi trời mưa to gió lớn, trong căn nhà ấm cúng, Uyên thấy thích thú chi lạ. Bao nhiêu mệt mỏi, lo lắng, hoang mang bỗng chốc trôi tuột theo tiếng mưa rơi rơi trên mái lá, gọi giấc ngủ đến. Uyên vớ lấy quyển sách ở đầu giường, nhưng sực nhớ không có đèn lớn, Uyên lại thôi. Nàng mở máy thu thanh, để nho nhỏ, mền đắp lên giữa ngực. “Ai lướt đi ngoài sương gió…” Uyên mỉm cười lắng nghe, nàng ngủ thiếp đi lúc nào không biết. 

Độ chừng gần sáng, Uyên chợt tỉnh bởi những tiếng động mạnh trên mái nhà. Hình như có cả một rừng cây ào ạt ở bên ngoài. Bụi tre già đằng sau nhà quằn quại rên siết. Những cánh liếp đập phọc phạch như muốn bứt tung mấy mối dây mây cột. Uyên chồm dậy, bà Năm ngủ say, và căn phòng vẫn yên tĩnh như không liên lạc gì đến thế giới bên ngoài. Chiếc máy thu thanh của Uyên đang đổi sang mục thời tiết. Bão Rose từ Philippin đang tiến về phía Bắc miền Trung. Uyên lẩm bẩm một mình: 

- Không khéo lại bão mất. 

Nàng nằm xuống định dỗ tiếp giấc ngủ. Nhưng bỗng một ý nghĩ thoáng qua khiến Uyên bàng hoàng. Nếu có bão chắc ngôi trường cũ kỹ của nàng bị đổ mất. Chỉ cần một cơn gió lớn chứ chưa nói đến trận bão. Mưa to xoáy cột cũng đủ bứt chân mấy cây cột tre bị mục nát. Tự nhiên Uyên đâm tức ngang. Giá như kỳ hè vừa rồi, trường được sửa sang lại thì đâu đến nỗi. Nàng đưa đề nghị sửa trường một cách quá hăng say đến nỗi mấy người dạy cùng trường cười nàng là đồ gàn dở, làm như có lương tâm nghề nghiệp lắm. Những câu nói đã có một thời gian làm Uyên khó chịu đến nỗi làm thinh không thèm nhắc nhở ai bất cứ chuyện gì. Nhưng khi mùa đông tới, những cơn mưa đổ nước dột, tạt ướt sách vở, quần áo, chỗ học của đám học trò nhỏ của Uyên, Uyên lại cảm thấy mình có bổn phận phải để ý đến không phải với mọi người mà là cho đám học trò tội nghiệp của nàng. 

Uyên nằm lan man cho đến khi trời sáng. Gió đã ngớt. Trời cũng hết mưa. Những đám mây màu thẫm vẫn còn giăng kín cả bầu trời. Trời xám xịt nhưng đã cao. Uyên nghĩ thầm chắc trận bão đã đổi chiều. Uyên ra đầu ngõ mua năm đồng xôi đậu xanh về ăn với cá kho khô. Những đứa học trò đi học sớm đã cắp cặp nhởn nhơ trên đường. Chúng gật đầu chào Uyên:

- Thưa cô… Thưa cô… 

Uyên giấu gói xôi nóng sau lưng, cười nhìn chúng dặn với: 

- Bê có gặp đội trực nói lau bàn lau ghế cho khô nghe. 

- Dạ, thưa cô em đi học… 

Uyên đứng nhìn theo. Mấy đứa học trò đi chân đất. Bàn chân của chúng chai lạnh vàng nghệch trên lối đi ướt. 

Uyên đến trường vừa độ trống đầu tiên. Văn phòng trống trơn, chưa có một đồng nghiệp nào của nàng có mặt. Trời lạnh chắc ai cũng ngủ muộn. Uyên nhấc bình trà, hồi nãy lúc ăn xong, Uyên quên uống nước, mùi cá kho còn nham nhám ở cổ họng. Bác lao công vẫn chưa châm trà. Uyên hơi bực mình để mạnh cái ấm xuống bàn. Tiếng cạch khô khan loãng trong tiếng cười đùa rộn rã ở các lớp học. Trời mưa, sân ngợp bùn, trơn trợt, học trò lười ra sân, chỉ chạy nhảy đùa cợt ở hàng hiên, trong lớp học. Cây bàng lớn trái chín vàng rụng rơi ở gốc nhiều vô kể. Uyên hơi ngạc nhiên là tại sao tụi trẻ ở đây thờ ơ với những trái bàng hấp dẫn như vậy. Hồi Uyên còn bé, mỗi lần đi học ngang qua cây bàng ở dọc đường đến trường, Uyên đều ngước mắt tìm kiếm. Nàng thường dùng cây que vạt giường kết lại thành cái móc tạm để khèo những trái chín thơm. Vị chua chát ngọt của phần thịt và béo bùi của phần hột đã quyến rũ Uyên như các loại cây trái ngon ngọt khác. Ở miền nầy, tụi học trò chỉ dùng bàng để chọi nhau thôi.

- Cô Uyên đi sớm quá hí.

Uyên quay lại, thầy giáo Mạnh đang chải lại đầu tóc rối. Thầy phụ trách lớp ba. Uyên cười không đáp. Thầy Mạnh gợi chuyện:

- Hôm qua, gió mưa quá tui cứ tưởng có bão chớ.

Uyên quay lại, bác lao công vừa đem lên bình nước nóng. Uyên rót một ly cho mình, một ly cho thầy giáo Mạnh rồi thong thả nói:

- Tôi không cầu như vậy. Có bão thì trường này sụp mất. Học trò lấy đâu ra để học.

Thầy giáo Mạnh bật cười:

- Trời ơi, tui cầu vậy, lớp mà sụp thì mình đỡ phải dạy chớ sao. Được nghỉ dạy một cách danh chính ngôn thuận còn chi bằng nữa. Chớ ở đây, mỗi lần đau nghỉ dạy là bị nói lên nói xuống, nằm không yên.

Uyên nhìn sững thầy giáo Mạnh một giây. Mắt thầy ngó bộ vui thật tình khi nói câu đó. Thân hình gầy ốm, chiếc lưng còng, thầy cúi người chui qua khung cửa sổ nhìn qua dãy lớp học.

- Chỉ cần một cơn gió lớn là xong đời.

Uyên bất mãn, nói như gắt:

- Bộ trường sụp, học trò không có chỗ học thầy sướng lắm à?

Thầy giáo Mạnh không quay lại, đáp:

- Tụi học trò cũng thích nghỉ học như thầy cô tụi mình thích nghỉ dạy chớ có gì đâu. Bên nào cũng muốn cả.

- Nhưng là thầy giáo, lương tâm chức nghiệp của mình đâu cho phép.

Thầy giáo Mạnh quay lại nhìn Uyên, thầy cười lớn:

- Trời ơi, thời buổi nầy mà cô nói lương tâm. Tôi nè, đi dạy cả chục năm rồi, qua cũng năm sáu tỉnh rồi, ốm đau cũng vì cái lương tâm đó.

Uyên nhún vai:

- Tôi nghĩ là thầy không làm đủ bổn phận.

Thầy giáo Mạnh định cãi tiếp, nhưng cùng lúc các thầy cô khác đã đến, họ rầm rộ bước vào, cả ông Hiệu trưởng. Các cô giáo tụm lại với nhau, các thầy giáo nói chuyện thời tiết với ông Hiệu trưởng. Trường học chỉ có tám lớp, hai lớp năm, hai lớp tư, hai lớp ba, hai lớp nhất. Lớp nào cũng ọp ẹp.

- Thùng thùng thùng…

Tiếng trống nổi lên cùng lúc với cơn mưa đến. Uyên một tay cầm sách, một tay cầm phấn đi nhanh về lớp. Lớp của nàng ở dãy bên phải, lúc băng ngang qua cái sân nhỏ sũng nước, Uyên ướt cả đầu vì mưa. Lũ học trò ầm ĩ trong lớp. Chúng lăng xăng dọn lại những cái bàn mà lúc nãy đội trực lôi ra để quét lớp chùi bàn.

- Lam Sơn, Quyết Tiến…

Uyên ngồi xuống. Học trò ngồi im phăng phắc. Nàng đưa mắt nhìn vào chỗ dột hôm qua, bẹ chuối xanh đã đổi màu nâu thẫm trĩu một phía. Uyên lắc đầu. Lại đâu vẫn hoàn đấy. Tí nữa tụi học trò lại chạy như vịt nếu cơn mưa cứ lớn dần.

Buổi học bắt đầu bằng một bài Đức dục.

Gần đến giờ ra chơi, trời hơi ngớt mưa, Uyên sai thằng Hãn đi lấy thêm vài bẹ chuối khác để ngăn những chỗ dột hôm qua và vài chỗ dột mới. Trống đánh ra chơi một lúc, Uyên sực nhớ đã để quên cái khăn tay ở văn phòng, nàng mượn cái nón lá của đứa học trò gái lên văn phòng. Không có một thầy giáo hay cô giáo nào băng mưa lên đây tán gẫu hoặc uống nuớc như những ngày nắng ráo. Chỉ có ông Hiệu trường ngồi lan man và ông thơ ký già hý hoáy gọt giũa cây bút chì bằng con dao nhíp tây đã mòn bản.

- À, cô Uyên có thư nầy.

Uyên đội luôn chiếc nón lá bước đến. Lá thư màu trắng viền bởi những riềm băng xanh đỏ. Thoáng nhìn nét chữ Uyên hơi mỉm cười. Lại của con Thuý rồi. Con nhỏ có chỗ dạy ngon lành quá mà còn hay viết thư kể lể ỷ ôi như người chán đời. Chốc nữa xem cũng không vội.

- Thư nhà hả cô Uyên?

Uyên ngước lên, một thoáng khó chịu:

- Dạ thưa ông Hiệu không phải.

- Thư bạn?

Uyên bực bội ngắt câu chuyện bằng một câu chuyện khác.

- Mấy hôm nay mưa quá bác ký hỉ. Hồi hôm tôi tưởng có bão to chớ. Lo ghê.

- Bão, bão nhỏ thôi là trường này đủ sụp rồi. Tui chỉ lo có mỗi chuyện đó thôi à.

Uyên xây qua ông Hiệu trưởng nhắc:

- Ông đã nói trên Ty rồi chớ, khi nào thì họ chấp thuận cho mình sửa sang lại trường. Tôi sợ để lâu, mùa mưa bão này dễ sụp lắm. Rủi ro đang khi học…

- Cô cứ làm như trên Ty họ sẵn tiền. Nhưng cho có sẵn họ cũng lo cho mấy nơi gần gần, còn chỗ ni đèo heo hút gió ai mà nghĩ tới. Cô nói y như là tụi tui không lo cho trường ốc. Thôi để ra giêng rồi hãy hay.

Uyên bực mình quay ra. Nói với ông Hiệu trưởng thiếu lương tâm nầy chi bằng nói với cái đầu gối của mình còn hay hơn. Nàng quay trở về lớp học tiếp tục buổi dạy.

Buổi học chiều, học trò thưa thớt hơn bởi mưa lớn và gió thổi mạnh. Những cơn gió đưa đẩy mấy ngọn cây ngã nghiêng và những bụi chè tàu rạp ngọn. Cả lớp học như vặn mình. Kèo cột rít lên kẽo kẹt như muốn bứng cả nhà đi. Lũ học trò dồn sát vào nhau để tránh mưa. Uyên không thể nào dạy được. Nàng đành cho học trò làm luận để đỡ phải gân cổ ra mà giảng mà át tiếng gió.

- Cô, cô ơi, cột nhà gần gãy rồi.

Uyên giật mình đi xuống phía dưới. Cây cột tre chống phụ chỉ còn dính với nền đất bởi lớp vỏ xước bên ngoài. Uyên lạnh người.

- Cô ơi, lớp có sụp không cô?

- Cô ơi, sao trường không sửa rứa cô?

- Mấy lớp nầy làm hồi lâu lắm rồi cô. Má em nói làm từ hồi Tây còn lận.

- Anh hai em nói sao học trò không xúm lại đẵn cây, sửa lớp, chờ chi ai. Lớp mình mình làm mình học mà cô…

- Thằng nầy nói tầm xàm. Mình mà sửa chi được. Ông Hiệu trưởng còn sửa chưa được nữa mình.

- Anh hai tao nói chớ bộ.

- Anh hai mầy nói tầm bậy… Ông Hiệu trưởng mới sửa được. Cô mình còn chưa sửa được…

Học trò bàn tán ồn ào. Uyên lắng tai nghe. Ừ nhỉ, tại sao lại phải chờ đợi sự can thiệp ở đâu xa xôi. Tại sao lại không có thể tự làm lấy trường lấy lớp mà học. Sẵn tre, sẵn tranh, chỉ cần chút công, chút của. Dân ở đây, ai cũng làm được nhà để ở thì lý đâu không dựng được lớp cho con em mình học. Uyên sực nhớ lại đến cái phong tục của đồng bào Thượng Việt Nam và một vài làng quê, mỗi khi làm nhà, hàng xóm láng giềng kéo đến làm giúp, không công. Rồi đến người khác, người kia lại đến giúp trả.

Nhưng rồi ai sẽ đứng lên hứng mũi chịu sào. Uyên? Nàng còn trẻ quá. Trẻ nhất trong các giáo viên ở đây cả tuổi đời và tuổi nghề. Nàng có đủ năng lực để gây được sự tín nhiệm với các đồng nghiệp và nhất là đối với phụ huynh học sinh không? Thế nào nàng lại chả hứng chịu bao điều phiền não cho mình. Liệu Uyên có đủ sức để chịu đựng những điều mặn nhạt, sự ghẻ lạnh của mọi người vì họ nghĩ rằng Uyên đã qua mặt họ, đã giả nhân giả nghĩa. Cuộc đời phiền toái lắm. Uyên nghĩ đến một hành động trái ngược khác. Hay là Uyên để mặc cho nhà truờng lo liệu. Họ không làm thì mặc họ. Không can dự gì đến Uyên. Uyên ngày hai buổi dạy học, đọc sách rồi nhởn nhơ. Uyên có thể nói chuyện dễ dàng với các đồng nghiệp khác. Uyên không còn bị xem như một nhân vật kỳ cục của trường. Như vậy có lẽ dễ sống hơn, dễ chịu hơn, đỡ mệt hơn. Khoảng năm hay hai năm nữa, Uyên xin đổi về tỉnh gần nhà, thế là thoát nợ, thế là sung sướng.

Uyên nhìn xuống lớp, hàng chục mái đầu hoe nắng đang cặm cụi. Những chiếc áo ấm đầy mụn rách, vá. Những đôi mắt thỉnh thoảng ngước lên đăm chiêu. Những bàn tay nhỏ thoăn thoắt lượn trên vở. Bỗng dưng Uyên thấy thương lũ học trò trước mặt kỳ lạ. sự thân mến như trói buộc thầy trò. Và bỗng dưng Uyên muốn khóc khi nghĩ rằng nếu bây giờ Uyên bỏ lớp mà đi.

Mưa bỗng dưng tạnh dần. Một chút nắng chiều không biết từ đâu lạc lõng xuyên qua cửa sổ. Trong bầu không khí sũng ướt, Uyên nghe có làn hơi ấm toả ra từ mảng nắng vàng. Hình như đã đến giờ ra chơi. Học trò túa ra sân như bầy ong vỡ tổ. Bà giáo Tân mang chiếc bụng bầu qua lại trước sân nhìn trời. Uyên nhịp đều cái thước gỗ lên mặt bàn. Đằng kia, phía văn phòng, ông Hiệu trưởng dắt chiếc xe đạp về nhà. Thầy giáo Nhơn nhìn theo, rồi lại nhìn trời. Những đọt lá nõn xanh của cây bàng tàn rộng rực rỡ như tấm áo mới ngày Tết. Uyên lầm thầm với mình:

- Ngày mai, họp giáo viên, mình sẽ đem chuyện làm trường ra thuyết phục mọi người. Thuyết phục cho bằng được.

Uyên khoan thai bước ra khỏi lớp. Nàng dựa nhẹ vào thành cửa sổ. Mơ hồ trong óc Uyên vẽ ra một lớp học ấm cúng, sạch sẽ. Lòng Uyên thư thái nhẹ nhàng. 






Uyên gượng ngồi dậy chống cánh cửa sổ. Một cơn gió nhẹ thổi vào lành lạnh. Qua khung cửa, bầu trời như bị bao phủ bởi những mảng mù sương mờ đục. một màn mưa mỏng nhẹ như tơ phơ phất làm rung rinh mấy đọt lá non. Cành đã già, những đốm trắng xanh dát đầy thân, cây mãng cầu vươn cái nhánh độc nhất đến gần cửa sổ. Chỉ có vài nụ hoa chanh nở sớm là tươi tắn, mát lành trắng muốt trong bầu không khí sũng nước này. Có tiếng trống văng vẳng từ đầu trường lại. Uyên thở dài nhìn xuống mấy ngón tay gầy xanh của mình. Sau buổi mắc mưa tuần trước, Uyên ốm liệt giường. Những cơn ho xé phổi đến từng đêm. Mấy con bún chiên với nghệ và đuôi heo không giảm bớt cơn ho tí nào. Thuốc ta, rồi đến thuốc tây, cuối cùng mấy viên trụ sinh nhờ chồng bà giáo Tân mua giúp mới đổi cái cảm cúm ho hen của Uyên. Hôm nay, Uyên bắt đầu dùng được cơm nhão.

Uyên nằm xuống nghĩ ngợi lan man. Không biết có ai dạy thế nàng không, hay học trò phải nghỉ học theo cô giáo. Tụi học trò của Uyên đang sửa soạn cho lần đầu bước vào không khí thi cử. Nếu không chăm chút cần mẫn, chắc chúng ít có hy vọng. Trí thông minh thì chẳng kém ai, chỉ cái tội chúng nghèo quá, trường ốc thiếu phương tiện, sách vở lại càng thiếu hơn. Chúng chỉ có cô giáo là cái kho chữ để khai thác, ngoài ra chả còn gì. Đành rằng, nhiều gia đình ở đây không chí thú gì đến việc cho con học hành cao, chỉ mong chúng kiếm được dăm ba chữ, rồi cày cấy lấy mảnh ruộng cũng đủ sống. Thế nhưng, đối với Uyên, nàng muốn chúng phải tiến hơn. Bởi điều đó không khó, chỉ cần sự tận tâm kiên nhẫn của bậc nhà giáo và sự hiếu học của học trò chúng có thể vươn khỏi bậc tiểu học dễ dàng, chúng lên quận, lên tỉnh, học hành đỗ đạt…

- Mi vô đi… vô đi…

- Mi ngó thử có cô không?

- Vô trước đi, có chi mà sợ.

- Rứa vô đi.

Tiếng lao xao ở trước cửa nhà cắt đứt ý nghĩ. Uyên hơi nhỏm mình dậy, lên tiếng:

- Mấy em vô đi, trong nầy không có ai đâu. Ai ăn thịt ăn cá đâu mà sợ.

Những bước chân rón rén vào. Từng đứa, từng đứa. Chúng đứng chật cả nhà. Thằng Hãn, thằng Định, con Liên, con Lựu, con Tâm, con Thuý, thằng Ninh, thằng Hồng, thằng Gia… Uyên không nhìn được hết mặt. Hàng chục cặp mắt tròn đen nhìn nàng. Không đứa nào nói gì cả. Uyên nghe cả tiếng thở mạnh của thằng Hãn khi tụi con trai đẩy nó ra phía trước, ý chừng nó đại diện các bạn ngỏ lời thăm hỏi nàng. Uyên bật cười:

- Lại thăm cô mà đứng im như rứa hả.

Câu nói như cái bật nút chai. Lần này tụi học trò của Uyên chịu nói, nhưng lại nói cùng một lúc.

- Cô đau nặng không cô…

- Chừng mô cô đi dạy lại cô…

- Không có cô dạy buồn quá cô …

- Cô chích thuốc hay uống thuốc chi cô…

- Cô Tân nói cô bị cúm phải không cô…

Uyên ngồi dậy, cầm lấy chéo mền quấn quanh bụng, chỉ vào mấy cái ghế và cái giường trống nói:

- Các em ngối xuống đó rồi hỏi từng em, chớ hỏi một lúc vậy, đằng mô cô trả lời.

- Hãn nói đi Hãn …

Một gói nhỏ chùi vào tay thằng Hãn. Nó cầm lấy đặt lên chiếu rồi nói với Uyên, giọng run run:

- Thưa cô… cả lớp tụi em thăm cô và…

Nó không biết nói cái gì nữa, miệng ấp úng, tay chỉ vào cái gói. Con Liên cứu nguy bằng cách mở gói và nhắc:

- Trứng gà, để cô ăn mau mạnh …

Những quả trứng gà vàng nhạt tròn trĩnh trên tờ giấy báo rách có lót lá chuối khô. Uyên nhìn sững vào mấy quả trứng cảm động không nói nên lời. Tự quả tim Uyên một luồng ấm áp phát xuất rồi chạy lan tràn khắp. Uyên cúi xuống để giấu cặp mắt ướt. Tiếng lũ học trò vẫn ríu rít chung quanh:

- Má em nói cô nhúng sơ sơ nước sôi ăn bổ lắm cô.

- Ba em nói cô để sống trộn lòng đỏ với cà chua với đường hoặc mật ong thì lại sức liền.

- Trứng gà ni mới đẻ đó cô…

Uyên cảm động gật đầu đáp lời:

- Cám ơn các em lắm, nhưng mua làm chi cho tốn tiền tốn bạc. Cô cũng gần mạnh rồi. Các em để tiền mua bút mực sách vở học có phải hơn không.

- Dạ… dạ… cũng không mắc bao nhiêu cô. Có mấy chục mà cô. Mỗi đứa chỉ góp có hai đồng.

Uyên với tay cầm lấy những quả trứng gà xinh xắn. Tình thầy trò tròn vẹn như quả trứng, ấm áp như quả trứng.

- Trứng đều ghê cô, em lựa đó.

Uyên nhìn con Tâm cười. Con nhỏ được tiếng là giỏi nữ công nhất lớp. Nhứt là món bánh thuẩn. Nó trổ tài làm thì khỏi chê. Bánh nở miệng đẹp như đoá hoa vàng phớt trông bắt mắt muốn ăn ngay.

Uyên hỏi học trò về chuyện trường, chuyện học:

- Ai dạy thế cô rứa Hãn?

- Dạ thầy Hiệu trưởng, mà thầy dạy có chút xíu à cô rồi thầy cho về.

- Thầy giảng toán em không hiểu chi hết cô.

- Thầy không cho viết chính tả cô.

- Sáng ni thầy mắc việc cho nghỉ.

- Cô đi dạy đi cô. Để thầy Hiệu trưởng dạy cứ la tụi em hoài.

Uyên trầm ngâm. Quả thực không có ai có đủ lương tâm để dạy học trò. Hình như lương tâm chức nghiệp của họ đã bay theo bước thời gian. Uyên nhìn ra phía ngoài. Bầu trời đã sáng hơn khi sáng một chút. Những đám mây vần vũ trên xa. Uyên lại cúi xuống nghe ngóng mình. Chắc Uyên phải đi dạy đầu tuần tới quá. Nghỉ gần mười ngày cũng là quá rồi. Mong cho trời đừng mưa dầm dề nữa. Uyên ngước lên nhìn học trò tươi cười hứa hẹn:

- Chắc thứ hai cô đi dạy. Các em lo soạn bài vở cho kỹ nghe. Mấy đứa ráng làm toán. Sang năm, lên thi trường trung học ở quận mới ăn người ta được.

- Thiệt không cô?

- Không có cô, tụi nó làm biếng lắm cô, nói hoài không chịu họp nhóm làm toán cô.

- Tại tụi nó lo chơi không cô.

Gian nhà tíu tít những câu nói ấm êm như mật giữa cô giáo và học trò. Uyên như được tiếp sinh lực. Nàng ngồi suốt cả giờ tiếp học trò mà không thấy mệt. Uyên lại phải trả lời hàng chục câu hỏi linh tinh của lũ học trò chất phác.

- Cô ơi, hôm tê, trời mưa to, lớp dột hổng còn một chỗ ngồi. Thầy Hiệu trưởng cho nghỉ. Tại trò Hãn cứ sửa hoài.

- Ê, đừng nói tầm bậy nghe.

- Chớ răng, hỏi mấy đứa ni coi.

- Để cho cô nghỉ tụi bây, cứ cãi lộn cãi lạo hoài.

Tụi học trò im lặng nhìn Uyên. Nàng đang nghĩ đến cái quyết định mà cơn đau bất ngờ làm gián đoạn. Đáng lẽ phiên họp hàng tuần vừa rồi Uyên sẽ đề cập đến việc tự túc sửa chữa trường, nhưng Uyên đã mê sốt nằm nhà. Dự tính bị chậm trễ, và Uyên hầu như quên bẵng đi mất. Bây giờ lũ học trò lại khuấy động lại.

- Thưa cô cho tụi em về, để cô nghỉ.

Uyên gật đầu. Nàng không muốn giữ tụi học trò ở lại lâu hơn. Uyên muốn được bình an suy nghĩ về những công việc sắp đương đầu. Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến phản đối và nàng nhất định sẽ làm mạnh. Bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ vẫn chưa cạn bớt chút nào trong lòng Uyên. Nàng sẽ cô độc chống trả những khó khăn. Nhưng Uyên không nản lòng. Thế nào phụ huynh học sinh cũng thông cảm với nàng, cũng giúp đỡ nàng. Uyên chứa chan hy vọng. Nàng bước xuống đất để cất những quả trứng. Mấy bước đầu tiên nhẹ hẫng dưới chân, lao đao vì yếu. Nhưng những bước sau thì vững chắc. Máu lưu thông đều và Uyên có cảm tưởng mình đã lành bệnh.

*

Uyên chỉ thực sự đi dạy được vào ngày thứ năm. Đúng ngày có phiên họp hàng tuần cho các giáo viên.

Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt Uyên là những mặt bàn sũng nước, nền lớp ẩm ướt và những mái lá xổ lạt lòng thòng. Khi Uyên đứng yên vị trên bục giảng rồi, lũ học trò vẫn loay hoay sột soạt lau bàn lau ghế. Phải mất cả nửa tiếng sau mới tạm yên. May quá, sáng hôm nay trời mát mẻ và khô ráo. Mặc dù trời vẫn còn đầy mây, nhưng có thể hứa hẹn buổi trưa có chút nắng mặt trời. Một chút xanh đã he hé ở đầu xa qua vuông cửa sổ. Uyên mỉm cười giảng bài với hàng trăm con mắt đen to chăm chú và những cuốn vở mở rộng.


 Giờ ra chơi đến mau chóng. Uyên bách bộ ngoài sân một lúc, mỉm cười với bà giáo Tân nặng nề mang cái bụng lớn gần ngày. Thầy giáo Nhơn chào Uyên đôi ba câu hỏi thăm bệnh tình. Uyên có cảm tưởng như tất cả đều mới mẻ, tất cả đều thay đổi. Uyên nhanh bước lên văn phòng để lấy nước uống thuốc. Vài đồng nghiệp thấy Uyên xúm lại hỏi chuyện. Họ làm như Uyên vừa từ cõi chết trở về. Có người đứng nhìn Uyên hỏi một câu rồi lại tất tả lên phòng học. Uyên hỏi ông Hiệu Trưởng:

- Thưa ông, chiều nay vẫn có phiên họp giáo viên như thường lệ chớ?

Ông Hiệu Trưởng gật đầu:

 - Thì vẫn họp như thường. Chiều nay mình có thêm một giáo viên mới, lớp ông Mạnh chia hai chớ đông quá, không đủ chỗ. May mà xin người, dưới Ty họ cho liền. Chớ không ông Mạnh cũng cực khổ lắm.

Thầy giáo Mạnh cười, nói với qua:

- Chớ có mừng vội. Bà Tân sắp sinh rồi. Số tôi như thế nào thì chịu thế ấy.

Uyên bật cười quay lại. Thầy giáo Mạnh đứng tận đầu cửa sổ. Cạnh thầy, một thanh niên trẻ tuổi. Ông Hiệu Trưởng nói:

- Đồng nghiệp mới của cô đó.

Thầy giáo Mạnh gọi Uyên:

- Cô Uyên đến đây tôi giới thiệu ma mới. Ở tận Cà Mau mới được về đây đấy.

Uyên tươi cười bước lại. Người thanh niên gật đầu chào nàng. Thầy giáo Mạnh nói:

- Đây là cô Uyên, cô giáo trẻ tuổi nhất của trường mình, còn đây là thầy giáo Hùng.

- Anh mới từ Cà Mau ra, quê anh ở đấy?

Hùng cười thật tươi, lắc đầu:

- Quê tôi, chắc cô nghe giọng nói tất biết. Cà Mau là ngôi trường đầu tiên của tôi kể từ khi ra trường.

Uyên à một tiếng nhỏ. Nàng nhủ thầm : Gớm người Bắc có khác, giọng hay ghê. Đặc biệt ông thầy nầy có nụ cười cởi mở mà tươi quá. Đột nhiên, Uyên có cảm tình ngay với người đồng nghiệp mới nầy.

- Ở Cà Mau, anh ở miệt nào?

Thầy giáo Mạnh cướp lời:

- Năm Căn lận cô.

- Năm Căn?

- Vâng, vùng xa nhất Việt Nam.

Uyên cười:

- Nhưng đổi về đây thì cũng chả khác gì Năm Căn. Anh coi chừng lại gặp nhiều phiền toái hơn.

Hùng đưa mắt dò hỏi. Thầy giáo Mạnh nói kháy:

- Bởi vì, cô Uyên là người thích phản kháng nhất nước.

Tiếng trống vào lớp cắt ngang câu chuyện. Uyên chào người bạn mới rồi tất tả về lớp. Nàng vừa đi vừa mỉm cười khi nghe Hùng thắc mắc hỏi thầy giáo Mạnh:

- Tại sao cô Uyên là người phản kháng? Cô ấy có chân trong các nhóm tranh đấu ở Huế, Đà Nẵng hay Sài Gòn? 

Đến trước cửa lớp, đột nhiên Uyên đứng lại lẩm bẩm một mình như trả lời câu hỏi của Hùng:

- Tại ngôi trường hẻo lánh nầy...


*

Sau giấc ngủ trưa thoải mái nhất từ khi đau dậy đến giờ, Uyên thức giấc vừa đúng giờ sửa soạn đến trường. Trời im mát, những cơn gió hây hây lành lạnh. Uyên vừa rửa mặt vừa lẩm nhẩm một bài hát trữ tình : “ Chưa gặp em, tôi đã nghĩ rằng. Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng. Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại. Âu yếm nhìn tôi không nói năng… Ta gặp nhau yêu nhau chẳng hạn kỳ…”

- Chà bữa ni lành bệnh nên ngó bộ cô tươi hơn mấy bữa.

Uyên quay lại cười với bà Năm. Nàng sực nhớ đến những vấn đề cần phải nói chiều hôm nay. Uyên phải mở đầu như thế nào? Nàng nghĩ : Mình phải rào trước, đón sau để cái ông Hiệu Trưởng lười biếng không có cách nào cãi lại… Lại còn mấy thầy giáo yên phận, mấy cô giáo lắm lời nữa chứ. Uyên thừ người. Ai sẽ là đồng minh của Uyên. Uyên chợt lo. Không biết anh chàng Hùng nầy có về phe với thầy giáo Mạnh không. Trông thân thiết như vậy, chắc thế nào cũng chống kèo chống cột cho nhau. Lại thêm một địch thủ. Uyên thở dài. Bất chợt nàng cảm thấy tức ngang Hùng.

Nhưng rồi cũng phải đến lúc Uyên ra khỏi nhà, đối đầu với những vấn đề nhiêu khê. Thấy trời khô ráo, Uyên lựa chiếc áo dài lụa tím. Màu tím của những đoá hoa trinh nữ, lá khép nép khi bị động.

Lúc Uyên đến nơi, hầu như mọi giáo viên đều đủ mặt, chỉ thiếu ông Hiệu Trưởng. Uyên ngồi vào chỗ thường lệ, cạnh bà giáo Tân. Nhưng bà giáo Tân lại nghỉ vì gần ngày mệt mỏi. Chỗ trống được lấp đầy bởi thầy giáo mới. Uyên gật đầu chào. Hùng cười trả, hỏi Uyên:

- Dưới miệt tôi không có những buổi họp long trọng nầy đâu. Trường ở dưới ai muốn về thì về, đi thì đi, lèo tèo chục đứa học trò…

Uyên cười:

- Nếu họp mà có chuyện để mà giải quyết thì kết quả của phiên họp mới đáng kể, chứ còn không chỉ vô bổ, mất thì giờ.

- Nhưng họp mặt nhau cũng là cái thú chứ.

Uyên hơi bĩu môi:

- Để rồi anh sẽ lãnh nhận cái thú vị đó. Không lâu đâu sắp sửa thôi.

Ông Hiệu Trưởng đã đến. Chiếc xe đạp với dây sên rỉ sắt lọc rọc ngoài hàng hiên. Lát sau, khuôn mặt xương xương mệt mỏi của ông hiện ra ở khung cửa chính. Ông hơi cúi đầu chào trả mọi người rồi về chỗ mình. Ông nhìn xéo Uyên một chút, đằng hắng giọng:

- Chắc buổi họp hôm nay cũng chả có gì để bàn cãi. Bao nhiêu chuyện chúng ta đã giải quyết xong rồi…

Uyên bực mình bởi sự trốn tránh của ông Hiệu Trưởng. Lợi dụng lúc ông nghỉ hơi, Uyên chen vào:

- Mấy tuần rồi, tôi bị đau nên không đi họp được. Bữa nay, tôi có điều muốn trình bày với tất cả giáo viên và ông Hiệu Trưởng để chúng ta cùng góp ý kiến.

Mọi người đều đổ xô vào nhìn Uyên. Uyên nói tiếp:

- Như các đồng nghiệp, ông Hiệu Trưởng thừa biết là trường của chúng ta ở quá xa Ty. Trong khi đó, trường ốc thiếu thốn đủ mọi thứ. Dụng cụ học sinh, sách vở… Nhưng, những điều đó, học sinh, chúng ta có thể chịu đựng được. Duy chỉ có tình trạng phòng học dột nát thì nhất định chúng ta phải cải thiện…

Thầy giáo Sĩ cắt ngang:

- Chuyện cũ rích rồi mà sao cô Uyên cứ thắc mắc hoài. Ty không cho tiền, thì chúng ta làm thế nào? Lấy đất lợp nhà chắc.

Thầy giáo Nhơn cũng biểu đồng tình:

- Ác một cái là trường mình ở chốn đèo heo hút gió, vì vậy ít ai để ý tới. Nhất là tình trạng như bây giờ. Khó lắm. Chắc chị Uyên cũng thông cảm.

Uyên bình tĩnh. Nàng biết trước thế nào cũng có những câu trả lời tương tự. Nàng gật đầu:

- Tôi đồng ý với các anh chị là chúng ta thiếu phương tiện. Nhưng trường ốc gắn liền với chúng ta, với học sinh. Chúng ta phải có trách nhiệm. Kẻ giải quyết đầu tiên phải là chúng ta chứ không phải là ở Ty. Hơn nữa, tình trạng phòng học hiện nay rất nguy hiểm. Có phòng, như phòng của tôi, cột xiêu và long chân. Tôi sợ một ngày không may nào đó, một trận gió to, bão lụt giáng xuống miền nầy. Lớp học của tôi, có thể của anh Nhơn, chị Liên, chị Tân, hoặc anh Mạnh sẽ sụp xuống. Sụp ban đêm thì còn may, chứ sụp ngay lúc học sinh đang ngồi học, thì những gì sẽ xảy ra…Những gì sẽ xảy ra?

Uyên ngừng nói, nhìn quanh một vòng. Mọi người đều im lặng với ý nghĩ của mình. Họ có thể đồng ý với Uyên, cùng lo nỗi lo của Uyên, nhưng làm sao để giảm thiểu những âu lo đó thì ai cũng sợ trách nhiệm.

Ông Hiệu Trưởng cất giọng:

- Quả thật, chúng tôi cũng lo như cô Uyên. Nhưng, thực tế, cô Uyên quá bi quan. Tình thế không đến nỗi nào. Với lại, tôi lập lại, là chúng ta không có phương tiện, chúng ta không thể giải quyết gì hết nếu chúng ta không có tiền để mua vật liệu. Còn bảo chính chúng ta phải giải quyết thì để đề phòng, mình sẽ lo cho học sinh nghỉ vào những lúc có gió to.

Nhiều giáo viên tán đồng dự tính phòng xa một cách có lợi như vậy, vỗ tay biểu đồng tình.

Uyên cười nhạt:

- Dạ thưa ông Hiệu Trưởng, thưa các bạn, chẳng lẽ cả mùa mưa chúng ta cho học sinh nghỉ học mãi sao. Những lớp không đi thi thì còn châm chước, chứ những lớp như lớp tôi học sinh sửa soạn để lên lớp trung học, phải đi thi tuyển chung với các trường khác, nêu tôi không dạy đúng chương trình, đủ chương trình thì làm sao mà học trò trường mình có thể so với trường khác được. Lỗi khi đó về ai. Tiếng xấu đổ về ai?

Ông Hiệu Trưởng ngả người ra thành ghế lắc đầu:

- Cô quá lo ngại…

Uyên không dằn được trước lối nói vô trách nhiệm đó, nàng đứng dậy quắc mắt:

- Đó là bổn phận của mọi người có mặt ở đây.

Thầy giáo Nhơn nói chen vào:

- Cô Uyên bớt giận… Chuyện nầy thật ra chúng ta đã bàn cãi quá lâu rồi, từ trước mùa mưa bão lận. Nhưng nói chi thì nói chớ gió lớn mấy tuần trước mà còn chưa sụp thì… hà... hà... Thôi mình cứ chờ kết quả ở trên Ty...

Cô giáo Liên hồi nãy giờ làm thinh mân mê tà áo dài hoa, bây giờ tỏ ý kiến:

- Theo tôi, thì cứ chờ, nói như anh Nhơn. Với lại học trò ở đây chúng cũng chẳng đèo bồng. Đứa nào học xong tiểu học là về chăn trâu làm ruộng. Đời sống khổ cực quá… Mình cũng chả thắc mắc làm chi.

Tiếng thầy giáo Mạnh oang oang:

- Mấy đứa học trò ở lớp tôi khi hỏi lớn lên chúng làm gì, chúng trả lời là về chăn trâu. Thằng thông minh nhứt lớp đòi về làm ông xã trưởng.

Cả phòng họp bừng cười ồ.

- Dân ở đây xa tỉnh quá…

- Lương công chức như tụi mình ở xa rán dạy cho qua ngày chớ cáng đáng chuyện quá sức mình làm chi cho mệt...

- Tôi mong có trận bão nào thổi qua để tôi được nghỉ dạy vài ngày về dưới Huế thăm nhà.

- Kỳ này chưa có bão lụt gì hết.

- Thưa các anh chị, tôi nghĩ vấn đề của cô giáo Uyên đưa ra không phải là không quan trọng. Chúng ta nên bàn vấn đề này một cách đứng đắn hơn và hợp lý hơn, khả dĩ đem lại một kết quả nào chăng?

Uyên ngạc nhiên quay lại. Hùng, thầy giáo mới đang nghiêm nghị nói với mọi người. Ánh mắt Uyên đầy vẻ biết ơn. Nàng lặng thinh nhìn vào đôi tay mình chờ đợi:

- Tôi tuy mới chân ướt chân ráo về đây, nhưng tình trạng ngôi trường này thật quá rõ ràng. Dột nát và hư hại khá nhiều. Điều đó có thể đem lại những nguy hiểm bất ngờ cho học sinh và giáo viên. Cô Uyên lo ngại không phải là vô lý. Và tôi thấy chính chúng ta có bổn phận phải lo ngại như cô Uyên. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề ngay tức khắc thì thật là khó khăn. Tuy tôi vào nghề chưa được bao lâu, nhưng sống ở những vùng hẻo lánh thì tôi đã sống, vì vậy tôi thông cảm sự khó khăn của nhà trường trong việc sửa chữa trường ốc. Vì vậy, họp nhau hôm nay, chúng ta cùng đưa ra những giải pháp khả dĩ cải thiện phần nào các lớp học trong khi chờ đợi trên Ty.

Khi Hùng vừa nói xong, tiếng xì xào nổi lên trong phòng họp. Ông Hiệu Trưởng đưa mắt nhìn Hùng giận dỗi. Họ giận Hùng đã khơi chuyện mà họ không muốn vương vấn mệt xác, Uyên nhìn thấy đôi mắt nguýt ngoáy của cô Liên, ánh mắt ngạc nhiên của thầy Mạnh, bực bội của thầy Lang, sốt ruột của thầy Sĩ.

Ông Hiệu Trưởng lên tiếng:

- Giải quyết! Lẽ tất nhiên tôi cũng muốn giải quyết. Nhưng chẳng lẽ tôi bỏ công ăn việc làm, bỏ gia đình suốt ngày loay hoay trên Ty đòi cho được chút vật liệu xây trường?

- Cô Uyên thử giải quyết xem nào?

Uyên nhìn lên, bắt gặp đội mắt thách thức của mọi người. Uyên mỉm cười. Đã đến lúc rồi đây. Nàng thong thả từng chữ, từng lời:

- Thưa ông Hiệu, thưa các bạn. Nếu nói là tôi có khả năng giải quyết công việc thì tôi không dám nhận. Tôi chỉ có thể đưa ra một đề nghị, mà đề nghị nầy cần đến lòng hy sinh không những của giáo viên mà còn của chính các học sinh, phụ huynh học sinh nữa.

Uyên dừng lại một chút. Cái gật đầu nhẹ nhẹ của Hùng làm Uyên có thêm can đảm. Nàng biết nàng không còn lẻ loi trong việc thực hiện ý tưởng của mình. Uyên cao giọng:

- Chỉnh trang lại lớp học mà chờ đợi từ Ty, từ Bộ thì còn lâu lắm học sinh mới có chỗ học hành. Cái địa thế của trường chúng ta không làm cho ai muốn nhớ cả. Bây giờ, để mau mắn hơn, chỉ còn cách chúng ta tự sửa lại trường học của mình…

- Sửa lại trường. Bộ cô Uyên tưởng dễ lắm sao?

- Hừm, chuyện không tưởng. Trường không có một đồng trong quỹ lấy gì mà sửa chữa…

Uyên khoát tay:

- Chúng ta không có tiền. Tôi đồng ý, nhưng chúng ta có lòng…

Có tiếng cười mỉa mai:

- Cô Uyên làm cái kiểu một mái nhà tranh hai quả tim vàng đó mà…

Cả phòng họp cười ồ. Uyên quắc mắt giận dữ. Một bàn tay nắm lấy tay áo nàng ra hiệu ngồi xuống. Một người khác đứng lên…

- Tôi hiểu ý cô Uyên… Chúng ta có thể làm lấy trường học. Miền đất nầy tuy nghèo nhưng tre nứa không thiếu. Tranh không thiếu. Chúng ta cổ động học trò giúp công, phụ huynh giúp của. Tích tiểu thành đại. Xây vài cái lớp học mấy hồi… Cũng như họ xây đình xây chùa…

Uyên ngạc nhiên nhìn sững Hùng. Không ngờ người thanh niên nầy có lòng như vậy. Lại thông minh nữa. Uyên đâm ra kính phục Hùng. Nàng lấy được bình tĩnh và yên ổn. Cái thắc mắc về mặc cảm lố bịch ẩn sâu trong tâm hồn Uyên giờ được giải toả. Uyên tin chắc mình đã làm đúng, làm phải. Lòng Uyên thư thái. Nàng để mặc Hùng thuyết phục mọi người. Uyên nhìn những sợi mưa mỏng như tơ lay phay ngoài cửa sổ và những tàn lá xanh mướt, hy vọng. Nàng hy vọng mọi người sẽ không bao giờ từ chối được ý kiến đẹp đẽ và đúng đắn của nàng và Hùng.

- Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn vì các phụ huynh sẽ phản đối…

- Không, chúng ta làm trường cho con họ học mà…

- Không ai rỗi công, dư của để làm đâu anh ơi. Hoạ chăng là chuyện ngày xưa…

- Chị nói vậy, chứ người Thượng Du đã biết làm nhà cho nhau, cày, gặt lúa cho nhau để khỏi tốn công, huống hồ chi mình.

- Trên Ty họ sẽ cho là mình qua mặt họ. Và khi Ty khiển trách, chỉ có mình tôi chịu đựng…

- Tôi tin là Ty hoặc Bộ họ sẽ cổ võ công việc tự lực cánh sinh của mình…

- Nhưng làm thế nào để nói với học trò…

- Đó là việc đòi hỏi sự hy sinh của cá nhân giáo viên. Chúng ta phải giải thích với phụ huynh của chúng. Bớt chút thì giờ…

- Như vậy thì mệt lắm…

- Không có công việc chung nào lại không đòi hỏi sự hy sinh.

Ông Hiệu Trưởng đập nhẹ tay lên bàn, cắt đứt câu chuyện:

- Bây giờ đã quá giờ họp rồi. Tôi ghi nhận ý kiến của thầy Hùng, để xem sao… Thôi, chia tay…

Chỉ chờ có thế, mọi người ồ ạt đứng dậy ra cửa. Hùng lắc đầu nói nhỏ với Uyên …

- Hoãn binh đó…

Uyên bực tức, nhưng không biết làm sao hơn. Nàng uể oải rời ghế sau. Ra đến sân trường, Uyên chỉ cho Hùng thấy căn lớp dột nát của mình, mỉm cười buồn:

- Anh coi, trường lớp thế đó thì làm sao cho học trò học. Khổ lắm, mỗi lần trời mưa, tôi thấy thương học trò chi lạ.

Hùng đăm chiêu nhìn, lắc đầu.

Cả hai sóng bước ra cổng trường. Mưa thật nhẹ đan những giọt li ti trong veo lên sợi tơ của tà áo tím. Ngôi trường vắng vẻ như u buồn với thời tiết. Vết chân của Uyên, của Hùng lạo xạo trên nền đất ẩm.

- Cô Uyên dạy học ở đây bao lâu rồi?

- Niên khoá ni là niên khoá thứ hai đó.

Hùng cho cả hai tay vào túi quần, chàng vừa nhìn đăm đăm vào tà áo trước của Uyên đang tíu tít bay vừa hỏi:

- Cô học sư phạm ở Quy Nhơn hay Sài Gòn.

Uyên cười. Bỗng nhiên câu hỏi gợi lại trong Uyên những ngày tươi vui cũ. Nàng nói như nói với mình:

- Tôi học ở Quy Nhơn. Thời ấy vui quá …

- Sao cô không xin dạy ở tỉnh cho gần. Về chi nơi heo hút này cực khổ, chỉ có đàn ông mới chịu đựng được.

Uyên cau mày nhìn Hùng. Nàng chậm chân một giây:

- Anh mà cũng hỏi tôi như vậy à? Nơi nào cũng là học sinh, cũng là trường học. Ở tỉnh, hoặc ở đây có gì khác biệt đâu.

Nàng gật gật đầu mỉa mai:

- Thì ra ai cũng viện lấy địa danh, vì nầy vì nọ … mà thiệt ra những điều đó chẳng có liên can tới việc giảng dạy chi cả. Không ai nghĩ rằng mình sẽ làm chi cho lũ học trò nhỏ. Không ai nghĩ là mình sẽ giảng dạy ra sao, mà chỉ nghĩ đến việc sung sướng… Thiệt tôi không thích câu hỏi của anh chút nào, anh Hùng ạ.

Hùng đứng dừng lại. Chàng nhìn thẳng vào mắt cô bạn đồng nghiệp trẻ tuổi nhất trường. Một niềm cảm mến lẫn kính phục len lỏi trong lòng Hùng. Ít ra, trong suốt 4 năm trong nghề, Hùng mới gặp được một tâm hồn đồng điệu.

- Anh giận tôi hả anh Hùng?

Hùng lắc đầu. Chàng cười, nụ cười tươi nhất:

- Không, cô là một thiếu nữ có tâm hồn nhất mà tôi được gặp.

Câu khen tặng bất ngờ của Hùng làm Uyên bối rối. Mặc dù trời lạnh, nhưng Uyên vẫn cảm giác hai má nóng bừng. Tay chân Uyên luống cuống trước cặp mắt sáng rỡ của Hùng. Nàng hơi cúi mặt vừa bước đi vừa trả lời:

- Cám ơn anh… tôi…

Để đánh tan sự ngượng ngùng của Uyên, Hùng lảng sang chuyện khác.

- Ở đây, cô ở trọ hay ở nhà người bà con?

Uyên vẫn không sao giữ được bình tĩnh. Nàng đâm ra giận mình. Tại sao mình lại bối rối trước câu khen tặng thường tình đó. Ở trường, Uyên nổi tiếng là người con gái dễ thương nhưng cứng rắn nhất mà. Có bao giờ Uyên phải bận tâm vì lời khen tặng này nọ đâu. Thế mà… Uyên đưa mắt nhìn trộm Hùng. Uyên bắt gặp ánh mắt nhìn chăm chú của Hùng. Bất giác Uyên mỉm cười e ấp…

- Chắc cô ở với người bà con?

Uyên sực nhớ đến câu hỏi của Hùng. Nhưng may quá. Nhà đã lộ qua hàng cây sầu đông trụi lá. Uyên đưa tay chỉ:

- Nhà tôi kia kìa… Tôi ở trọ. Ở đây tôi chẳng có ai quen hết …

Đến trước cửa nhà, Uyên dừng lại. Hùng tần ngần một chút rồi quay đi. Uyên cười nhẹ chào trả Hùng. Chiếc áo sơ mi màu nâu nhạt nhoà dần. Chiều đã xuống…

_________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II