Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

THẰNG BẢO (I) - Nguyễn thị Quảng Bình





CHƯƠNG I
 
 
Buổi trưa hôm đó, thức ăn sao lạt quá. Bảo với lấy bình muối, và không biết nó loay hoay thế nào mà cả bình muối đổ ụp vào dĩa cơm của nó. Thế là : thịt, rau, cơm biến mất dưới lớp muối rắng xóa.
 
Khỏi phải nói chúng ta cũng biết rằng, Bảo phải cố gắng lắm mới nuốt nổi hết dĩa cơm. Và rồi nó chẳng thiết gì nữa cả. Cổ nó khô cháy như bãi sa mạc.
 
- Ê, cho xin miếng nước – Nó quay về phía đầu bàn nói. Nhưng chẳng ai để ý tới nó cả. Ấm nước để trước mặt Bích, nhưng nó đang mải mê chơi trò đuổi bắt mấy trái dâu trơn trượt. Mão ngồi gần đấy lại đang làm nha sĩ, chữa mấy cái răng xiêu vẹo của cái nĩa.
 
Khát quá rồi, Bảo chịu hết muốn nổi, thằng bé hét toáng lên :
 
- Miếng nước, cho xin miếng nước coi !
 
Cả phòng ăn nội trú chợt im phăng phắc. Một hồi chuông vang lên ở phía bàn các thầy, làm 59 cái đầu quay lại. Ông hiệu trưởng giận dữ đập bàn :
 
- Ai vừa hét lên đó ?
 
Bảo rụt rè đứng lên :
 
- Dạ… dạ… tại…
 
- Tại gì, còn muốn không nhận lỗi nữa hả ?
 
- Dạ con xin miếng nước mà chẳng ai đưa, nên con tức con hét ạ.
 
- Chỉ có thế mà cũng làm ồn lên. Coi chừng tôi phạt cả đội 3 ăn cơm không nói chuyện suốt tuần đấy nhé. Ngồi xuống !
 
Một hồi chuông nữa lại vang lên. Bọn trẻ biết là giây phút căng thẳng đã qua và quay lại tiếp tục những câu chuyện bị bỏ dở.
 
Mão khều Bảo :
 
- Hú hồn ! Suýt nữa mày làm cả bọn bị khóa miệng rồi.
 
Nó còn muốn trách Bảo vài câu nữa, nhưng nó vừa thấy bóng bà Sinh, bà quản gia, đi về phía bàn để thức ăn. Nó chặn bà lại hỏi :
 
- Chúng cháu có gì tráng miệng không bà ?
 
Bà Sinh lắc đầu :
 
- Không biết. Để tôi hỏi lại các thầy đã.
 
Mão nhún vai, nói thầm vào tai Bích :
 
- Coi bộ không có.
 
Bích :
 
- Quê ghê mày nhỉ !
 
Ẩn ngồi phía bên kia chen vào :
 
- Chán thật – Rồi nó giơ ngón tay đầy mực lên dọa – Mai mốt tao lớn sẽ biết tay tao !
 
Bọn trẻ lo lắng nhìn về phía bàn các thầy. Họ đang múc món tráng miệng vào dĩa.
 
Mão bất mãn ra mặt :
 
- Ngó thầy Vinh kìa, sao ông ta nuốt gọn thế nhỉ, và mau nữa chứ. Đến phiên mình chắc chẳng còn gì đâu.
 
Nó nói cũng hơi quá. Đứa nào cũng có phần tráng miệng cả. Nhưng càng gần đến đội 3, thùng kem vơi đi một cách đáng ngại. Cuối cùng tới tay Bảo, nhìn vào thùng kem nó đau khổ kêu lên :
 
- Trời ơi ! Chỉ còn hai quả dâu. Hai quả dâu còi !
 
Mạnh, bạn rất thân của Bảo cúi xuống xem xét :
 
- Ừ nhỉ ! Đúng là dâu còi. Bé li ti, chắc phải nhờ đến kính hiển vi mới nhìn thấy được.
 
Bích khôi hài :
 
- Muốn lấy hai quả dâu hở ? Tớ có cái ống viễn vọng đây.
 
Nó không ngờ Bảo gật đầu thật :
 
- Cho tớ mượn đi ! Điệu này dùng mắt trần chắc lòi mất.
 
Bích đưa cho Bảo cái ống nhòm nhỏ. Vài tiếng khúc khích nổi lên đâu đó khi Bảo hướng ống nhòm vào dĩa. Bảo tằng hắng, lấy giọng nghiêm trang :
 
- Thưa quý vị, tui… tui là một nhà… đại… đại sưu tầm những trái dâu. Tui đang mạo hiểm vào trong rừng rậm Phi châu để tìm một loại dâu rất hiếm gọi là Dâu Biến Thể.
 
Bọn trẻ thích thú theo dõi trò chơi mới lạ của Bảo, trong khi thằng bé vẫn say sưa diễn thuyết :
 
- Tui sẽ trình diễn cho quý vị biết cách bắt con mồi. Tui bắt đầu đặt ống kính vào mắt… ơ… tui thấy mấy quả dâu đang hoảng hốt xô nhau xuống vũng bùn trắng như tuyết… Đây là một loại dâu cực nhỏ mà các nhà bác học thường nói tới.
 
- Này Bảo, coi chừng chúng chạy mất đó nghe – Mạnh khôi hài nhắc.
 
- Suỵt, im ! Đừng làm chúng hoảng sợ – Bảo khuỳnh hai khuỷu tay ra như để che chở cho hai quả dâu thân yêu của nó – Bây giờ xin quý vị núp đàng sau lưng tui đây để tui nhảy vào vòng chiến, tui sẽ dùng cái nĩa làm khí giới.
 
Cả bọn cười ồ lên. Tiếng chuông lần này vang to hơn. Tiếng thầy hiệu trưởng :
 
- Bảo ! Anh làm cái gì vậy ?
 
Bảo xô ghế rụt rè đứng dậy, sự chú ý của tụi bạn làm nó hứng quá nên quên khuấy đi mất chuyện các giáo sư đang chú ý tới nó. Nó đứng đó, đỏ mặt xấu hổ.
 
- Bảo ! Anh làm gì với cái ống nhòm vậy ?
 
- Dạ… thưa thầy, không có gì ạ, con chơi…
 
Câu trả lời ngây thơ của Bảo làm thầy Hiệu trưởng giận thêm :
 
- Chơi, chơi cái kiểu gì vậy ?
 
Bảo đành đứng chịu trận ! Không lẽ nói để tìm mấy quả dâu. Nó sợ nhất cặp mắt lạnh lùng của thầy hiệu trưởng. Nó lắp bắp :
 
- Thưa thầy… – rồi đứng im nó chẳng biết nói gì nữa cả !
 
Thầy Hiệu trưởng chậm rãi :
 
- Được rồi, tôi phạt anh ăn cơm không được nói chuyện suốt một tuần lễ. Bây giờ mới anh ra đứng ngoài cửa.
 
- Xui ghê ! – Mạnh nói thầm trong khi thằng Bảo cúi đầu lầm lũi bước ra cửa.
 
Bảo vừa đứng được một lúc thì thấy bà Sinh đi tới với mâm cơm nghi ngút khói. Bà ngỡ ngàng khi thấy Bảo đứng tựa cửa :
 
- Sao lại đứng đây Bảo ? Bị phạt hả ?
 
Bảo lảng tránh :
 
- Chà ! Cái mâm nặng ghê, bà đưa cháu bưng giúp cho. Bưng xuống phòng bệnh hả bà Sinh ?
 
- Cám ơn cậu ! Tôi bưng một mình được. Vả lại đây không phải là đồ ăn của bệnh nhân. Đây là một bữa ăn tôi bưng lên phòng các giáo sư.
 
Và bà Sinh bước đi. Bảo ngạc nhiên lẩm bẩm :
 
- Bữa ăn ? Lạ thật…
 
Nó thắc mắc thật nhiều… Bỗng nhiên, mắt nó sáng lên : nó hiểu rồi.
 
Có tiếng xô ghế rầm rầm. Bảo biết tụi bạn nó vừa đứng dậy. Vài phút sau Mạnh, Bích, Mão chạy ra :
 
- Ê Bảo, đứng mỏi chân không bồ ?
 
Mạnh vừa nói vừa lôi trong túi quần ra một chiếc khăn tay quấn tròn :
 
- Tớ mang cho bồ hai trái dâu đây.
 
Bảo xua tay lia lịa :
 
- Thôi thôi, cảm ơn… Tớ nuốt không nổi nữa đâu !
 
Mạnh tròn mắt :
 
- Ơ… khăn tớ sạch mà. Bà Sinh mới đưa tớ khi sáng…
 
Nó chợt im vì thấy nét mặt khác thường của bạn. Nó hỏi dồn :
 
- Cái gì vậy Bảo ?
 
Bảo thì thầm với vẻ thật quan trọng :
 
- Tớ vừa khám phá ra một điều thật lạ… tụi mày không thể nào ngờ được.
 
Mạnh nóng nảy :
 
- Cái gì thì nói đại ra cho rồi.
 
- Quan trọng ghê lắm – giọng Bảo chợt nhỏ hẳn lại – Các thầy ăn vụng chúng mày ạ.
 
Bọn trẻ giật mình. Lát sau Bích mới lên tiếng :
 
- Mày chỉ xạo, các thầy mà ăn vụng ?
 
- Chứ sao – Bảo vênh mặt đáp – Tớ hỏi chứ có phải thầy Vinh, thầy Cang và các thầy vừa mới ăn với tụi mình không ?
 
Mạnh gật đầu xác nhận :
 
- Đúng. Họ đã ăn cơm và dùng tráng miệng trước tụi mình.
 
- Thế chúng mày có biết họ đang làm gì bây giờ không ?... Họ đang ăn trong phòng các giáo sư ấy…
 
Mão phản ứng thật lẹ :
 
- Láo ! Không tin ! Sao mày biết ?
 
Mạnh cũng nghi ngờ :
 
- Thật không Bảo ?
 
- Sao không chắc, tớ thấy bà Sinh mang cơm lại đàng kia. Cái mâm to như thế này này. Bà Sinh còn nói là mang lên phòng các thầy mà !
 
Mạnh kêu lên :
 
- Hèn chi. Mấy ổng biến đi đâu hết liền sau bữa ăn.
 
Bảo tức tối :
 
- Chứ gì nữa ! Tớ thấy trong lúc mình ngồi ăn cơm, mấy ổng cứ nhìn tụi mình tủm tỉm cười hoài. Chắc họ đang nghĩ tới bữa ăn khác ngon lành hơn đang đợi họ chứ gì. Trong khi bọn mình chỉ có vài quả dâu còi và nước lạnh. Và còn phải nhịn luôn nước nếu có kẻ làm biếng không chịu đưa nước cho mình.
 
Mạnh xoay xoay sợi lưng quần, chứng tỏ nó còn đói ghê gớm (!) :
 
- Này, coi cái bụng tớ còn lép kẹp đây này !
 
Khi đứa cuối cùng ra khỏi phòng ăn, thầy Vinh và thầy Cang mới thủng thẳng bước ra vì hai thầy còn phải coi bọn nhỏ dọn dẹp.
 
Thầy Vinh có một thân hình to lớn đẫy đà, bước chân nặng nề, tiếng nói ồm ồm như lệnh vỡ. Ông coi bọn trẻ như những người lớn và ông không hiểu sao chúng không chịu cư xử như một người hiểu biết. Thành ra ông hay nổi giận với bọn nội trú.
 
Đang đi, chợt thấy bọn nhỏ, ông quát :
 
- Đi chỗ khác chơi không ? Đứng gì mà choán hết lối đi. Đáng lẽ bây giờ các anh phải ở trên phòng đọc sách rồi chứ.
 
Bảo đứng sau lưng thầy Vinh méo miệng nhái lại thầy, vừa đúng lúc thầy quay lại, bắt gặp :
 
- Làm cái gì vậy Bảo ? Anh bị trặc quai hàm hở ?
 
Bảo lúng túng :
 
- Thưa thầy… Không…
 
- Vậy sao còn đứng đó há miệng ra mà nhìn như thằng khùng vậy ? Các anh đứng chờ ăn lần nữa đấy hẳn ?
 
Bảo háy mắt nhìn Mạnh. Thầy Vinh vừa để lộ ra bí mật… Hai đứa lẳng lặng lên cầu thang, nhưng Mạnh đọc được trong trí bạn, hàng chữ thật lớn :
 
“Thấy không, rõ ràng là các thầy ăn vụng !”

 
 
CHƯƠNG II
 
 
Buổi trưa đó, nửa giờ nghỉ ở phòng đọc sách thật sôi nổi. Tin của Bảo loan ra làm chấn động : Có nhiều đứa tin, nhưng cũng có nhiều đứa bán tín bán nghi.
 
Bình, đội trưởng đội 3, thách đố :
 
- Bảo, mày có chứng minh được là các thầy dùng hai bữa cơm không ?
 
Bình lớn nhất trong bọn nên được nhiều ảnh hưởng. Trong đó có Bích, nó bĩu môi :
 
- Thằng Bảo là chúa hay phá phách. Chắc nó lại âm mưu cái gì đây !
 
Bảo cãi :
 
- Tao chắc là có thật mà – và nó chợt quyết định – Được, tụi bây chong mắt mà coi !
 
- Mày làm cái gì ?
 
- Tao… – Bảo cố tìm câu nói cho bọn bạn tin nhưng ấp úng mãi cũng không ra được chữ nào. Nó đành liều :
 
- Tao sẽ giăng bẫy, tụi mày chờ tao !
 
Ẩn ở đâu chạy xộc vào :
 
- Suỵt ! Im ! Thầy Vinh sắp vô tới đây, cả thầy Cang nữa.
 
Những quyển sách mở vội vàng. Những hàm răng đang được phô diễn cũng vội đóng lại. Không khí im lặng bao trùm… Thầy Vinh bước vào theo sau có thầy Cang… Họ gật gù hài lòng nhìn bọn trẻ đang gập mình trên quyển sách.
 
Giấu mặt sau quyển sách lớn, Bình nhắc khẽ :
 
- Bảo ! Chứng minh đi…
 
Bảo ngập ngừng, nhưng tay nó chợt rờ tới gói kẹo chanh. Nó lễ phép đứng lên :
 
- Dạ mời thầy dùng cái kẹo chanh – vừa nói nó vừa đưa gói kẹo chanh về phía thầy Cang.
 
- Cám ơn em nhiều, thầy không ăn nữa, mới ăn cơm xong mà !
 
Mạnh mở mắt thao láo nhìn thầy Cang : thầy vừa nói đến bữa ăn. Trong khi Bảo đưa gói kẹo qua phía thầy vinh, thầy ngạc nhiên nhưng cũng lấy một cái, bóc ra ăn :
 
- Cám ơn em… Chà ! Kẹo chanh ngon ghê… Nếm một cái đi anh Cang.
 
Thầy Cang lắc đầu lia lịa và bước ra. Đợi cho bóng hai thầy khuất hẳn, Bảo mới la to :
 
- Thấy chưa, tụi bay thấy rõ chưa ?
 
Bình không vừa :
 
- Thấy gì, ông mãnh ! Một thầy lấy, một thầy không lấy, vậy là zêrô.
 
- Sao anh ngơ quá vậy. Thầy Cang không lấy, đó là vì thầy ăn căng cả bụng rồi còn chỗ đâu nữa. Vì thầy ăn hai lần cơm cơ mà !
 
- Nhưng thầy Vinh, thầy lấy một cái…
 
- Đấy, chính cái đó mới chứng tỏ thầy ăn vĩ đại là chừng nào !
 
Mạnh chen vào bênh bạn :
 
- Đúng, thằng Bảo nói đúng !
 
Rồi thì chẳng đứa nào muốn bàn thêm và câu chuyện đi dần vào quên lãng – tuổi trẻ vốn chóng quên – Đến chiều thì chẳng còn đứa nào nhớ chuyện ban trưa cả.
 
Chỉ trừ Bảo. Ngồi trong giường, nó luôn mồm kể đến thành tích của nó :
 
- Mạnh biết không, khi nghe bà Sinh nói tớ cứ há miệng ớ ớ…
 
- Dẹp cái ớ ớ của mày lại đi Bảo – Bích đang đánh răng cũng bực dọc la lên – Không biết lần thứ mấy chục tao nghe mày kể lúc mày ớ, ớ rồi. Sao mày không đến nói thẳng với các thầy là đừng ăn vụng nữa ?
_______________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II


Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 196, ra ngày 1-3-1973