Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

GIAI THOẠI



CON CHÓ CHẾT RỒI

Câu chuyện sau thường được truyền tụng trong giới ngoại giao.

Bà Henri Bonnet, phu nhân Đại Sứ Pháp ở Hoa Kỳ, mở tiệc khoản đãi ngoại giao đoàn. Thực đơn toàn sơn hào hải vị, có nhiều món được nấu và chở thẳng từ Pháp qua bằng máy bay. Trong số này có món Bánh phồng nấm, người đầu bếp ngửi thấy có mùi là lạ. Bà Đại Sứ liền lấy một miếng thảy cho con chó của bà ăn thử. Nó xơi tuốt, có vẻ khoái khẩu nữa.

Thế là buổi tiệc diễn ra đúng chương trình, và quan khách nức nở khen món Bánh phồng nấm rất lạ miệng. Khi mọi người đang dùng đét-xe, một người giúp việc đến trao vào tay bà một miếng giấy nhỏ có mấy chữ “con chó chết rồi”.

Rất điềm tĩnh, phu nhân vội đến nói nhỏ cho ông Đại Sứ biết. Ông này lập tức đi gọi điện thoại mời một y sĩ tới. Sau khi ông Đại Sứ ngỏ lời tạ lỗi và thông báo sự việc, vị y sĩ cho mỗi người có mặt một viên thuốc giải độc uống tại chỗ. Trong khi quan khách lục tục đi “tống xuất” thức ăn trúng độc ra, bà Đại Sứ vào tìm người giúp việc lúc nãy:

- Trước khi chết, con chó có nôn mửa, dãy dụa nhiều không?

- Thưa bà, không.

- Nhưng ít nhất nó cũng phải kêu la rên rỉ chứ?

- Cũng không, thưa bà. Cháu vừa mới hé cánh cổng nó đã nhảy xổ ngay ra đường và bị một chiếc xe hơi trờ tới cán chết ngay tức khắc!

Đ.B.

(Tuổi Hoa số 223, 1-6-1974)



EINSTEIN (1879-1955) VÀ THUYẾT TƯƠNG ĐỐI

Có một người đến yêu cầu nhà bác học Einstein cắt nghĩa thật giản dị và dễ hiểu thuyết Tương Đối của ông. Ông bèn kể câu chuyện này:

Tôi đi chơi với một người bị mù từ nhỏ. Tôi hỏi anh ta muốn uống sữa không? Anh ta hỏi lại:

- Sữa là cái gì?

- Sữa là một chất lỏng, màu trắng.

- Chất lỏng thì tôi biết. Nhưng trắng là cái gì?

- Trắng là màu của lông con hạc đó.

- Lông thì tôi biết, nhưng hạc là con thế nào?

- Hạc là con chim có cái cổ cong.

- Cổ thì biết rồi, nhưng cong là gì?

Nhà bác học tiếp : Tôi liền cầm cánh tay anh kéo thẳng ra : “Thế này là thẳng nhé.” Đoạn tôi gập tay anh ta lại : “Như thế này là cong nhé, hiểu chưa?”. Mặt anh mù sáng lên, rồi anh ta cười:

- A… thế thì tôi hiểu sữa là gì rồi!

(Tuổi Hoa số 224, 1-7-1974)




LEONARD BERNSTEIN

Leonard Bernstein là một nhạc trưởng nổi danh của Hoa Kỳ. Tên tuổi ông xuất hiện thường trên báo chí đi liền sau một lô danh hiệu “Nhạc sĩ – Nhạc trưởng – Soạn nhạc gia”. Một người hỏi ông hài lòng với danh hiệu nào nhất? Ông trả lời:

- Cả ba. Vì hiện giờ danh hiệu dài thòng đó rất có lợi cho tôi. Ông nghĩ xem nếu như một đêm nào đó với tư cách là nhạc trưởng điều khiển giàn nhạc mà tôi không làm vừa lòng thính giả người ta có thể châm chế “Ờ… một nhạc sĩ dương cầm mà điều khiển giàn nhạc như thế thì không tệ lắm”.

Một đêm khác nếu tôi độc tấu dương cầm không được hay lắm thì người ta sẽ nghĩ “Một nhà soạn nhạc mà chơi dương cầm được như thế thì đâu đến nỗi tệ lắm”.

(Tuổi Hoa số 225, 1-8-1974)



 BÀI DIỄN VĂN CỦA CHURCHILL

Cố Thủ Tướng Anh, ông Churchill, một hôm đang ở nhà người bạn chợt nhớ rằng chỉ còn vài phút nữa ông sẽ phải đọc một bài diễn văn vô tuyến truyền thanh. Ông chạy ra vẫy một chiếc xe taxi để đến thẳng đài B.B.C.

Nhưng anh tài xế lịch sự từ chối:

- Rất tiếc, thưa ngài, tôi đang chờ nghe bài diễn văn truyền thanh của Thủ Tướng Churchill, không thể đi ngay được.

Sung sướng và cảm động quá, Churchill móc túi đặt vào tay anh tài xế tờ giấy bạc một ngàn bảng Anh.

Anh tài xế nhìn kỹ tờ giấy bạc, rồi cũng cảm động không kém, tặc lưỡi:

- Vâng, mời Ngài lên, tôi xin đi ngay. Thôi thây kệ ông Churchill với bài diễn văn của ông ấy.

(Tuổi Hoa số 227, 1-10-1974)



VUA LÀM THƠ

Tuy không được văn học sử xếp vào hàng Thi sĩ như trường hợp Vua LÊ THÁNH TÔN của Việt Nam chúng ta, nhưng Vua LOUIS 14 của Pháp cũng là một bậc anh quân rất sính văn nghệ.

Người ta kể rằng sáng sớm nọ, “mầm non văn nghệ” Louis Đệ Thập Tứ vội vã cho mời văn hào BOILEAU vào trao cho một bài thơ ngài vừa sáng tác được trong đêm, mà rằng:

- Khanh thấy bài thơ này của Trẫm thế nào?

Boileau đọc qua, tâu:

- Muôn tâu Hoàng Thượng… Đối với Hoàng Thượng, không có gì mà Ngài không thể thực hiện được cả. Như bài thơ này đây, Hoàng Thượng cố ý làm thật dở, và muôn tâu, Hoàng Thượng đã thành công hoàn toàn.

S.T.

(Tuổi Hoa số 228, 1-11-1974)



ĐÃNG TRÍ 

PIÈRRE CURIE, bác học người Pháp, giả Nobel Vật lý năm 1903 cũng là một nhà bác học đãng trí. Một ngày nọ, ông vào tiệm hớt tóc, nói:

- Hớt cho tôi, như cũ.

- Nhưng xin ông vui lòng giở nón ra.


- Ồ xin lỗi, tôi không thấy có mấy bà trong này nên hơi vô lễ…

S.T.

(Tuổi Hoa số 229, ra ngày 1-12-1974)
 


TIẾNG ĐỘNG ĐẮT TIỀN NHẤT

Vua Nã Phá Luân của Pháp xưa vốn không có khiếu về các ngành nghệ thuật. Là con nhà tướng, ông chỉ ưa tiếp xúc với giới quân nhân và quen bàn chuyện đánh đấm hơn là nói chuyện nghệ thuật, văn chương…

Một hôm, nhân chủ tọa một buổi đại nhạc hội, ông nói với những người ngồi bên cạnh:

- Âm nhạc là một trong những thứ tiếng động tốn tiền nhất!

Nhạc sĩ Mehal ngồi gần đó bèn tâu:

- Muôn tâu… thế bệ hạ quên mất tiếng súng đại bác rồi ư?

S.T.

(Tuổi Hoa số 230, 1-1-1975) 


TRẺ CON THỜI NAY

Sau Disneyland, ông vua phim hoạt họa Walt Disney còn định mở thêm ở gần Hollywood một khu giải trí mới, lần này với các nhân vật và thú vật sống thực. Ông hỏi ý kiến cô con gái nhỏ coi có thể thêm gì nữa để hấp dẫn những em bé gái đồng tuổi. Cô bé trả lời:

- Dạ vài cậu con trai.

(Tuổi Hoa số 231, 25-1-1975) 



THIÊN ĐÀNG ĐỊA NGỤC HAI BÊN

Một phóng viên hỏi “ông Hàn” Jean Cocteau của Pháp:

- Ông nghĩ sao về Thiên Đàng và Địa Ngục?

- Xin được miễn trả lời. Ông Hàn nhún vai tiếp : Ở cả hai nơi đó tôi đều có bạn thân cả!

Đ.B.

(Tuổi Hoa số 232, 1-3-1975)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com