Gió chiều mơn man hoa lá. Nắng vàng còn vương đọng đâu đây loãng dần
theo gió mát. Những hàng dừa xanh lá mải xì xào nói chuyện và nghiêng
mình soi bóng dưới dòng sông gợn sóng. Dưới chân bóng mát hoa dừa thi
nhau rơi, rơi thật đều theo gió thoảng. Chúng nhẹ nhàng vương trên tóc,
trên áo của những đứa trẻ vô tư đang loay hoay nhặt hoa dừa. Bóng lũ trẻ
đổ thành vệt dài rồi thênh thang hòa dần cùng mầu đất đỏ xám.
Thu chạy loăng quăng theo gió để nhặt hoa rơi, nó vụt reo vui:
Thu chạy loăng quăng theo gió để nhặt hoa rơi, nó vụt reo vui:
– Tao gần xong rồi Ái ơi!
Hoa tóc bím không vừa:
– Tao cần mấy bông nữa là xong. Mầy hét làm tao rơi hết…
Chúng nó vui quá, bầu không khí trong mát và đầy hồn nhiên. Nhưng riêng với Thụy, nó nghe buồn bã thật vu vơ. Mà không, nỗi buồn của Thụy có nguyên cớ chứ, nào phải bâng quơ. Phải rồi, vắng bóng con Thương tóc dài là Thụy buồn buồn chi lạ. Buồn nhất là tại Ái, tại Thu, tại Hoa mà Thương không thèm nhập bọn chơi với Thụy. Bất giác Thụy quăng cả giỏ hoa, những bông hoa bé tí mà lúc nãy Thụy lúi húi nhặt, giờ vung vãi trên mặt đất. Bỏ mặc tụi Ái, Hoa với Thu ở đó, Thụy lê chân ra bờ sông.
Con đường mòn trải những đá sỏi vang âm thanh khô khan dưới chân Thụy. Nó hoang mang vì không biết tìm Thương ở đâu. Nghĩ chuyện mà Thụy thêm hối hận. Ban nãy chính Thương qua nhà rủ Thụy ra gò đất chơi. Thương mang cả giỏ hoa và cau non, tầm giuộc bảo: – “Tụi mình ra ngoài ấy chơi đám cưới giả, rồi ăn tầm giuộc với muối”. Thụy thích lắm cái trò mà con Thương nói. Vì ba mẹ Thụy, thầy giáo của Thụy và cả anh chị em Thụy chả ai thèm dạy cho Thụy cái trò chơi ngộ nghĩnh đầy thú vị đó. Chỉ có mình con Thương, con Thương có đôi mắt to sáng, mái tóc đen dài ở cạnh nhà Thụy mới biết trò chơi dễ thương đó và sẵn sàng dạy cho Thụy, rủ Thụy chơi. Thế mà ra tới ngoài gò đất, Thụy quên bẵng đi điều nó nghĩ. Nó sẵn sàng nhập bọn với Ái và Hoa chơi cái trò nhặt hoa lẩm cẩm này, để con Thương buồn bã bỏ đi mất biệt, Thụy cũng chả hay.
Thụy mến con Thương lắm vì Thương ngoan hiền, dễ thương. Thụy nhớ cái hồi nho nhỏ ấy, hai đứa học chung lớp năm, Thụy dạy cho Thương làm toán trừ nè và con Thương e thẹn lí nhí “cám ơn” nữa. Thụy cũng không quên những lần đi tắm mưa về bị đòn sưng cả mông. Chính con Thương đem dầu qua xoa cho nó rồi bảo nó: – “đừng thèm tắm mưa nữa vừa lạnh vừa bị ấm đầu lại bị đòn đau lắm”.
Thụy chả biết Thương là gì mà tốt thế. Đôi khi Thụy nghĩ có lẽ Thương là nàng tiên bé nhỏ nào đó vì đánh rơi ly ngọc mà bị đọa xuống trần. Nhưng sao tội nghiệp nàng tiên của Thụy quá – nó chả có ba mẹ như Thụy đâu. Thụy chỉ biết là Thương ở với ngoại Thương trong một căn nhà lá nghèo thôi. Mà Thụy cũng chả thèm biết ba mẹ Thương ở đâu làm chi, điều Thụy cần nhất bây giờ là tìm con Thương để cầu hòa với nó.
Vơ vẩn nãy giờ đi đến cuối bờ sông, Thụy không hay. Nó định quay về song bất ngờ thấy dáng con Thương ngồi xoải chân trên cỏ, gác đầu lên gốc dừa, Thụy dừng lại. Nó rón rén từng bước đến bên Thương, rồi bất chợt:
– Hù!
Thương nhỏm dậy, tay ôm ngực:
– Không biết đâu, làm người ta giựt mình, bắt đền đi.
Thụy chỉ biết cười. Thụy ngồi xuống bên Thương mắt hướng ra bờ sông. Cả hai yên lặng nhìn dòng nước đen ngòm lờ đờ chảy quanh những cái cột to của nhà sàn. Thụy ngẩng nhìn Thương định gợi chuyện, chợt thấy ngấn lệ viền rèm mi Thương, nó nín bặt. Gió từ bên kia sông vẫn lộng về đấy chứ nhưng với Thụy ngột ngạt quá đi thôi. Nó hỏi nho nhỏ:
– Sao mày khóc vậy?
Con Thương se sẽ lắc đầu, những giọt nước mắt có dịp rụng rơi.
– Bộ mày giận tao hả?
– Không!
– Sao mày không nói gì hết?
– Nói gì bây giờ?
Ờ nhỉ, Thụy lẩn thẩn thật, chính Thụy còn không biết nói gì nữa kia. Song kệ, miễn biết Thương không giận nó là được.
– Mà tao hỏi tại sao mày khóc?
– Tại tao buồn.
– Tại sao mày buồn?
– Tao nhớ ba mẹ tao.
À, ra thế, Thụy nghiêng đầu ngẫm nghĩ. Thì ra với con Thương ngoài niềm vui tuổi dại, nó còn biết buồn nhớ ba mẹ nữa. Lạ nhỉ?!
– Ba mẹ mày đâu?
– Tao hỏng biết.
– Sao kỳ vậy?!
– Ngoại tao nói ba mẹ tao giận nhau, xa nhau nên thân tao côi cút, ngoại tao thương mới đem về nuôi…
– Thế à?!
Thụy buông lửng câu nói vì thấy câu Thụy nói chả ý nghĩa gì. Kỳ ghê vậy đó, Thụy vốn lanh và khéo gợi chuyện thế mà bên Thương, Thụy ngượng ngập như con gái, câu gì chả ra câu gì!
Thương thút thít:
– Tao cầu trời cho ba mẹ tao đừng giận nhau nữa. Và trên trái đất này đừng ai biết giận nhau, vì giận là sắp ghét, hễ ghét là họ sắp hại nhau, sắp có chiến tranh, đổ vỡ, mày nhỉ?!
– … Có lẽ thế.
– Tao mong ba mẹ tao thương nhau như cũ, đừng bỏ tao bơ vơ với ngoại, tao còn bé đâu có tội gì mà phải côi cút, mày nhỉ?!
– …
– Phải không mày?
– Có lẽ thế. Mà này… mày buồn làm gì cho mệt xác vì cha mẹ nào lại không thương con. Có ngày ba mẹ mày cũng nghĩ lại đem mày về nuôi mà…
Không ngờ câu an ủi của Thụy có hiệu lực làm mắt Thương ngời lên. Song nó còn nghi ngờ:
– Thật không mày?
– Thật!
– Ờ nhỉ, tao đâu có tội gì, mày nhỉ. Tao ngoan nè, và hiền nữa. Chúa sẽ cứu tao, mày nhỉ?!
– … Có lẽ thế!
Thương vặn vẹo:
– Tại sao lại là có lẽ? Chắc chắn đi mày.
– Ừ, thì chắc chắn!
Chiều buông thật êm. Sóng vỗ nhè nhẹ vào mạn bờ hòa cùng tiếng nhạc gió nghe xa vời làm sao! Da trời xanh lơ tuyệt đẹp, trong khi mây trắng đua nhau về cuối trời. Một con chim nhỏ lượn vòng vòng gần mặt nước, Thụy lo ngại:
– Ấy chết, rủi con chim nó té xuống sông làm sao?
Thương tỏ vẻ am hiểu, bảo:
– Không sao đâu, nó hỏi thăm chị Hải Ngư đó.
Thụy ngạc nhiên:
– Nó hỏi thăm chị Hải Ngư?
– Ừ, nó thương chị ấy lắm. Mày có nghe tiếng nó nói chuyện hôn?
Thụy lắng tai: – tiếng lá đưa trong gió, tiếng sóng vỗ mạn bờ… làm sao phân biệt tiếng kêu của loài chim bé nhỏ?
– Tên nó là gì hở mày?
– Chim Én đấy!
Thụy vẩn vơ nhìn con Én cứ lượn trên sông.
– Sao nó không vào bờ?
– Nó là loài ở biển. Ở đây không có biển thì nó ở ngoài sông.
Thụy định hỏi: – “Rồi tối nó ngủ đâu?” Song chả biết sao Thụy nói khác đi:
– Hải Ngư đẹp không mày?
– Đẹp lắm, công chúa cá mà.
– Tao nghi mày nói xạo quá.
Thương hờn dỗi quay mặt. Sợ nó giận, Thụy tiếp:
– Nhưng tao tạm tin vì mày chả bao giờ xạo với tao. Mày thích chim Én không?
– Thích chứ, nhiều lắm…
Gió chiều vờn lên sóng. Những dòng nước đen ngòm ấy sẽ chảy về đâu, Thương nhỉ? Rồi tao với mày mai lớn sẽ ra sao, Thương nhỉ? – Chả biết sao dạo này Thụy có những ý nghĩ ơi là lẩm cẩm.
– Mày thấy không?
– Gì?!
– Chuồn chuồn bay đó.
– Mày định cho nó cắn rún để biết bơi à?
Thương phì cười khoe chiếc đồng tiền lóm má:
– Bậy nè, ai lại làm thế. Tao nghe người ta nói “Tháng bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão”
– Ở đây làm gì có bão?
– Thì mưa to.
– Thôi về, Thương ạ!
Những cây sậy cọ nhau thành thứ âm thanh xào xạc êm êm. Thụy đưa tay xô đám sậy non ấy, lòng bâng khuâng với trăm ngàn ý nghĩ. Thương cúi đầu nhủn nhẳn đi, tóc nó xõa một bên vai trông dễ thương quá. Thụy muốn khen là: – “Thương ơi, mày đẹp lắm”. Nhưng sao Thụy bẽn lẽn ghê đi, nhất là khi bắt gặp đôi mắt to sáng của Thương.
Ông trời bắt đầu đổ lệ nhè ướt cả tóc Thụy, Thương. Gò đất phủ đầy hoa dừa bỗng bị ướp dưới lớp đất đỏ. Lất phất mưa bay. Tiếng lá và gió đưa xào xạc buồn!…
*
Thương xách thùng nước nhỏ ra sau nhà, dừng lại bên thảm cỏ, ngắm
“vườn hoa” của nó. Cơn mưa hôm qua vẫn còn vương nhẹ trên mắt môi hoa
cỏ. Cây cà tí ti của Thương đã khoe một vài đóa tim tím. Những cọng cỏ
nhung xanh lắc lư, uốn éo tránh bước chân Thương.
Thương cúi xuống thì thầm:
– Cho tao xin lỗi nhé.
Rồi nó nhẹ đặt chân dậm lên cỏ. Thương mơ hồ có tiếng kêu khóc dưới chân. Nó đến bên cây Ngâu. Dòng nước mát từ thùng thấm sâu vào lòng đất. Thương đưa tay vịn cây Ngâu. Nó mỉm cười chợt nhớ cái ngày Thụy đem cho Thương cây ngâu nhỏ, bảo:
– “Mày trồng cho nó lớn nhé. Nó trổ hoa mày nhớ ép cho tao với”.
Lúc đó Thương hỏi:
– Mùa nào hoa nở, hở mày?
– Mùa nước mắt mày ạ!
– Mùa nước mắt là mùa gì? Xuân, Hạ, Thu Đông?
– Mùa nước mắt là mùa mưa đấy!
– Mùa mưa hoa ngâu nở?
– Nhưng 3 năm, hoa mới nở.
– Chừng nào hoa nở tao ép cho mày…
Bây giờ thì mới có một năm nên cây Ngâu của Thụy với Thương chưa nở hoa, nhưng rồi nó sẽ nở…
Thương đặt thùng xuống, ngồi xa xa trông cây Ngâu đang vươn mình trong nắng. Hoa ngâu nở hẳn là rất đẹp, Thụy vẫn nói thế. Thụy tả cho Thương nghe: hoa ngâu có những sợi nhụy tua ra đầy hương phấn nữa.
– Thương ơi, Thương! Mày đâu?
Đúng là tiếng của Thụy, Thương đứng dậy mừng rỡ. Nhưng… nó vụt ngồi bệt xuống, thoáng băn khoăn. Nó giận Thụy rồi đấy, Thụy chả có lỗi gì với nó song nó vẫn giận ghê lắm.
Ai bảo Thụy có bố có mẹ làm chi, để hôm qua khi hai đứa bị mưa trên đồi hoa, bố Thụy đem áo mưa lên rước. Ai bảo, lúc đó Thương đang buồn, Thụy lại mỉm cười sung sướng lại còn đòi bố cõng hai đứa về. Ai bảo Thụy không biết nỗi chua xót của đứa con không bố mẹ như Thương. Ai bảo lúc Thương bỏ chạy trong mưa, xuống đồi, Thụy còn vờ gọi hoảng hốt nữa. Tại Thụy hết đó. Thương giận Thụy là đáng!!
Thương chơm chớp mắt. Má nó nóng lên vì hạt lệ lăn xuống.
– A, mày đây rồi. Sao tao gọi mày hỏng lên tiếng?
Thương vội lấy tay quẹt nước mắt. Thụy đến bên nó nhe răng cười khoe chiếc răng sún cố hữu.
– Mày làm gì đấy?
– Tao tưới nước cho cây Ngâu.
– Có hoa chưa mày?
– Chưa, mày bảo 3 năm nó mới có hoa, sao lại hỏi?
– Ờ nhỉ. Tao quên…
– …
– Bộ mày khóc hở?
Thương lúng túng:
– Đâu có.
– Sao mắt mày đỏ hoe vậy?
– Tại bụi đấy!
Bỗng Thụy rụt rè đưa một tay ra rồi lúng túng giật lại giấu sau lưng. Thương ngạc nhiên:
– Gì thế?
Thụy nói lảng:
– Mày thích cảnh bờ sông hôm qua không?
– Thích.
– Hôm nào tao vẽ cảnh ấy. À, mày thích chim Én không?
– Điều ấy khỏi nói.
Thụy mừng rỡ, nó xòe tay cho Thương xem.
– Chim Én?
– Ừ, tao mượn anh tao bắt hồi sáng, để “tặng” mày đấy.
Thương vùng xịu mặt:
– Không! Tao không thèm.
– …
– Chim Én chỉ đẹp khi nào nó vùng vẫy bay lượn trong tự do. Mày bắt nó, cột chân nó tao hỏng thích.
Thụy tiu nghỉu:
– Nhưng tao lỡ bắt nó rồi.
– Mày thả đi…
Thụy cắn môi suy nghĩ điều Thương nói. Thả chim Én thì hơi ức cho Thụy vì Thụy nhờ anh Hải canh bắt, tốn cả giờ năn nỉ và mấy quả ổi nữa. Bắt chim là để đem tặng Thương nhưng Thương không thèm thì biết sao?! Thôi thì thả… Nhưng uổng quá… Thụy ngần ngừ.
Thương lại nói:
– Mày thả đi nhé. Đừng bắt nó xa đàn mày ạ. Tao biết bố mẹ nó đang trông nó ghê lắm. Nếu nó bị nạn chắc “ông bà” sẽ buồn, có khi khóc mù cả mắt đấy!
– Ừ, tao nghe mày. Thả đây à?
Thương ngẫm nghĩ, nó ngây thơ:
– Mày chịu khó ra sông thả nó, chứ ở đây làm sao nó biết đường về?
– Tao với mày đi nhé.
Thương gật đầu. Hai đứa tung tăng ra đến cổng, bỗng Thụy xoay lại:
– Hay là mày chờ tao tí xíu, tao về nhà đem hộp mầu lên đồi vẽ hình chơi, nha mày!
– Nhanh lên nhé…
– Tí xíu thôi. Chờ nha!
*
Thụy hí hoáy vẽ. Thụy vẽ dòng sông uốn khúc chảy ven đồi, mạn bờ có
những hàng dừa xanh. Nước sông trong xanh giáp với trời mây. Màu áo của
trời xanh nhạt, chân trời lóe hồng, mây trời đùng đục như màu sữa loãng.
Khéo léo hòa hợp các sắc ấy, Thụy tạo nên màu tím da trời rất nên thơ.
Nó chấm cọ vào đĩa mực đen tô hình một cô bé. Cô bé có mái tóc đen dài,
đôi mắt nhung đen, đi đôi guốc cũng đen tuyền. Hoa cỏ xanh, vàng, đỏ làm
nổi bật chiếc áo ngắn trắng của cô bé Thương… Thụy chìm hồn theo nét
vẽ…
– Thụy!
– Gì đấy?
– Xong chưa?
– Sắp xong rồi.
– Mỏi chân quá hà.
– Í, mày đừng ngồi xuống, đừng nhúc nhích, hư tranh hết. Chịu khó một tí thôi…
Rồi Thụy lại miên man cùng mực, cọ.
– Thụy!
– Gì nữa đấy?!
– Hôm qua tao nằm mơ…
– Thấy gì?
– Tao thấy mày sắp dọn nhà đi…
– Rồi sao?!
– Tao buồn ghê vì hỏng đứa nào thèm chơi với tao, tụi nó chê tao nghèo và mồ côi mày ạ! Lúc đó, cây Ngâu của tụi mình ra hoa vàng ối đẹp lắm. Tao định hái hoa tặng mày trước khi mày đi. Nhưng khi tao sờ đến, cây Ngâu rụng hoa hết. Mưa gió đưa bông Ngâu của tụi mình lên trời rồi thả xuống ngọn đồi. Tao vội chạy lên đồi thì thấy mày ngủ trên hoa Ngâu ấy. Tao gọi mày dậy. Bỗng dưng bố mày chạy lên cõng mày về nhà mới. Tao đứng bơ vơ trên đồi mưa lạnh…
– Hết rồi à?
– Còn chứ… Tao giật mình thức dậy không thấy gì hết mới biết là mơ.
– Hết chưa?
– Rồi!
– Hà! Hà! Hà!
– Sao mày cười?
– Sao hoang đường thế? Mày đặt ra đấy à? Tao không tin.
Thương hờn mát quay đi. Thụy vội chữa:
– Nhưng chắc chả bao giờ mày phịa chuyện với tao. Tao tin mày.
– Mày vẽ xong chưa?
– Còn tí nữa.
– Một tí sao lâu thế mày?
– Ừ, như tụi mình vậy. Lâu ghê mà lớn có một tí hà.
– Mày xạo quá!
– …
– Í, mày ơi! Trông ai giống con Thu quá.
– Ừ, nó đấy.
Thu khó nhọc khi leo mấy dốc đá, nó đến bên Thương hào hển:
– Thương ơi!…
– Gì mày?
– Có… có má mày…
Thương vồ lấy bạn:
– Má tao sao?!
– Má… mày về thăm mày.
Thương ngờ vực:
– Thật không?
– Thật mà.
– Tao phải về ngay mới được. Thụy về sau nhé…
Chưa dứt, Thương lao nhanh xuống đồi. Chân nó dẫm bừa lên sỏi đá, lau sậy song nó không chú ý, nó chỉ biết mỗi điều là phải về nhà ngay.
Thu nhìn theo vô tư rồi bất chợt mỉm cười. Thụy buồn buồn hỏi Thu:
– Sao mày biết má Thương về?
– Tao thấy hai người ăn mặc sang lắm vào nhà nó. Rồi ngoại nó nhờ tao đi kiếm nó dùm. Tao nghe nói: ba má nó hết giận nhau rồi nên về rước nó đi…
Thụy đứng lặng cơ hồ không nghe Thu nói gì nữa. Nó đau xót vô cùng: – Thương sắp đi? Thật không? Chắc chắn Thu nói phịa! Mà không, nét mặt nó thành thật lắm cơ.
Thu lơ đãng nhìn trời:
– Sắp mưa rồi… Thôi tao về.
Thụy vẫn im. Thương có đủ ba má là điều Thương sung sướng. Thụy cũng mừng cho Thương song làm sao nó không buồn khi từ đây Thụy sắp mất Thương – một bé Thương hiền hậu, dễ thương và không đanh đá như những đứa con nhà giàu ở gần nhà Thụy.
Mưa lộp độp rơi trên đá. Bức tranh với bao công phu của Thụy bỗng nhòe đi vì lệ trời, hòa lẫn lệ của Thụy. Nó thẫn thờ bước xuống đồi như tên du mục rời hoang đảo tìm thảo nguyên khác.
*
– Nghĩ gì đó Thụy?
– Nghĩ nhiều lắm. Vui buồn lẫn lộn.
– Sao lại vui, sao lại buồn?
Thụy nhìn lên trời, mắt mơ buồn:
– Tao vui cho mày, buồn cho tao. Mày vui vì sắp được về ở với ba mẹ, tao buồn vì sắp mất người bạn thân.
Thương chỉ cây Ngâu, nói lảng:
– Chừng nào cây Ngâu nở hoa hở mày?
– Mùa nước mắt.
– Mùa nước mắt đến rồi sao nó chưa nở?
– Tại nó buồn.
– Vì sao nó buồn?
– Tại mày sắp xa nó.
– Thụy ơi!
– Gì?!
– Mày có giận tao không?
– Không biết.
– Đừng giận tao nha Thụy, vì giữa cái đi và cái ở, tao cần đi, cần gần ba mẹ tao hơn.
Thụy gật đầu công nhận, lòng khổ sở không ít.
– Chừng nào hoa nở Thụy nhớ ép để dành cho Thương nha.
– Ừ.
– Rồi lâu lâu Thương về thăm Thụy.
– Ừ.
– Thụy nhớ qua nhà ngoại Thương thường thường nha.
– Ừ.
– … Thụy không nói gì sao?
Thụy nhìn Thương, mắt vương ngấn lệ:
– Mày đi vui vẻ, ráng học hành thật giỏi.
– Hình như ngoại gọi kìa…
– Thôi, mày vào đi.
Thương đi vào. Thụy ngẩn ngơ nhìn theo. Mưa lâm râm ướt cả áo Thụy. Thụy để mặc, lủi thủi đi.
Cây Ngâu vẫn trơ cành khắc khoải như sự đau buồn trong tâm linh Thụy. Từ đây, Thụy là tên du mục của ngọn đồi hoang sơ kia chứ không phải là Thương như giấc mơ con Thương kể.
Mưa vẫn rơi. Lạy trời cho mưa rơi nhiều để hoa Ngâu được nở!!
Hải Yến Linh Thy
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 109, ra ngày 1-7-1969)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com