Em
là chị cả trong gia đình. Em nói thế cho oai ý mà, chứ thật ra, sau em chỉ có
một đứa em trai, cu Tún, kém em gần hai tuổi thôi. Em hơi lấy làm lạ vì bạn em
đứa nào cũng có ít nhất hai đứa em, rồi có đứa còn anh, còn chị nữa. Chứ như em
thì vào ra… vẫn hai. Muốn chơi trò cô giáo ư? Eo ơi! Cô giáo gì mà chỉ có mỗi
một học trò, trong khi đó cô em phải trông coi lũ chúng em gần ba chục đứa, ấy
thế mà cô thật tài, coi như không ấy thôi. Còn em, dậy một đứa học trò thật
chật vật. Hơn nữa, cu Tún không thích làm học trò em đâu, “chị Tu dậy chẳng
đúng cách gì cả”, lại còn chê đấy! Chơi đồ hàng cũng vậy nữa, quanh đi quẩn lại
chỉ có một người khách, chóng chán nên cu Tún bèn oa xịt em ra dù em có đem kẹo
bánh ra dụ cũng không “lay chuyển” nổi hắn.
-
Thôi, chơi với chị Tu chán lắm. Tiệm gì mà có mỗi một người khách, vắng hoe à.
Em đi chơi bắn súng thích hơn.
Em
tức quá cố trả đũa, nhái hắn:
-
Cao bồi “gì mà có mỗi một” mạng!
Thì
nó cãi lại ngay:
-
Vậy chứ chị có thấy hiệp sĩ nào mà cần người theo hầu không?
Em
thua, em đành vào tủ lấy sách hình ra xem, lấy giấy ra vẽ vậy. Em bắt chước bố
em đấy, và bố thường mắng yêu em:
-
Chó con, mới có chút xíu mà cũng vẽ vẽ, tô tô rồi!
Bố
nói vậy chứ em biết vẽ từ lâu rồi, vẽ giun ấy mà, từ dạo em biết cầm cây bút
cho khỏi rơi cơ. Như vậy em có phải là “thần đồng” không? Em học chữ đó được,
nhờ hôm trước em chợt nghe bố mẹ nói chuyện cô bé gì ấy, biết làm thơ từ năm 8
tuổi và mẹ khen : “Thật là một thần đồng!” Vì vậy, em quyết định cho mẹ biết tài
con gái mẹ.
Nhân
một hôm mẹ bàn với bố:
-
Có lẽ em tập cho con Tu viết là vừa (dạo ấy em chưa vào mẫu giáo nữa).
Và
mẹ làm ngay hôm sau : Mẹ đưa em một cuốn tập. Mẹ gạch lên đó một gạch đứng đầu
tiên mầu đỏ, những gạch tiếp theo bằng viết chì nhạt và mẹ đưa em cây bút bảo
em đồ theo. Mẹ ngồi bên cạnh xem em làm. Em chẳng thích cái trò ấy chút nào cả,
gì mà toàn những đường thẳng giống nhau, “chẳng nghệ sĩ tí nào”. (Bố em nói
đấy). Nhưng không theo không được, mẹ ngồi kè kè bên cạnh nhắc chừng em hoài:
-
Kéo từ từ thôi! Con làm gì mà cong queo thế này.
Em
thấy buồn buồn. Cứ như vậy mãi, đến bao giờ mẹ mới biết tài em. Thì may sao,
ngồi được một lát, mẹ bảo:
-
Ngồi viết nốt đi con, mẹ vào trong rửa tay một chút.
Dịp
may ngàn năm của em đã đến. Và thoáng sau mẹ ra, em đưa mẹ tất cả công trình
của em. Nhưng sao trán mẹ cau lại và mẹ kêu lên:
-
Trời ơi, con gái! Chắc mẹ em ngạc nhiên, không ngờ em tài đến thế vì sau đó mẹ
kêu bố.
-
Bố ơi! Vào em cho coi cái này.
-
Gì vậy?
-
Bố xem “tác phẩm” của con gái này.
Giọng
mẹ giận giận làm sao ấy. (Em quên không nói là đối với việc học, mẹ nghiêm ghê
lắm). Bố vào, cầm quyển vở mẹ đưa, nhưng bố chỉ xoa đầu em cười rồi quay sang
pha trò với mẹ:
-
Con gái bố tính làm quà cho mẹ bằng cách viết nhanh cho mẹ vui đấy mà.
-
Nhưng quà gì mà toàn những giun, lại dài ngoằng từ đầu trang đến cuối trang thế
này. Mẹ bảo con gạch đứng cho mẹ, chứ mẹ đâu có bảo con vẽ giun?
Mẹ
giận thật rồi, bố vội dàn hòa:
-
Thôi thôi! Mai con gái sẽ làm y như mẹ dậy.
Và
quay sang em:
-
Phải không con? Bây giờ mẹ con vào sửa soạn, tối nay không ăn cơm nhà. Bố đưa
mẹ con đi ăn mì rồi đi chơi một vòng.
Em
quên ngay “nỗi buồn”, vỗ tay reo lên:
-
Mì Chợ Lớn phải không bố?
Mẹ
phì cười, mắng em:
-
Con chó, chỉ ăn là rành miệng.
*
Đấy
là dạo em chưa đi học. Bây giờ thì em đã biết viết cho ngay ngắn, làm toán, lại
còn vẽ nữa. Em không còn vẽ giun, bây giờ em vẽ nhà, chung quanh là cây xanh,
điểm đầy quả tròn đỏ, em còn thêm trước cửa một con chó nâu, như con Mi Nô nhà
em vậy. Cô giáo em khen em có khiếu vẽ, và cho em bẩy điểm. Cả lớp, chả đứa nào
được như em, làm em hãnh diện ghê đi. Nhưng điều làm em thích hơn nữa là khi em
trình vở, kể lại cho bố nghe lời cô giáo em, bố ôm em vào lòng, hôn lên má em
và giọng bố chợt trầm hơn:
-
Con gái bố! Để rồi bố sẽ dậy con vẽ.
HỒNG
HẠNH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số196, ra ngày 1-3-1973)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com