Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

CHƯƠNG II_KHÚC NAM AI



 CHƯƠNG II


Tai nạn kinh hoàng giết chết cả gia đình tôi đẩy đưa tôi vào một cuộc sống mới. Cái tên Đoàn ca kịch Hưng Liên đã chết cùng với những rương quần áo cháy thiêu vùi lấp giữa đống gạch vụn. Hai ông bà Thân xem trường hợp tôi như là một cái duyên trời định cho gia đình neo người, bằng lòng nhận tôi làm con nuôi. Bơ vơ, không nhà không cửa, không còn ai thân thích quen biết, tôi trôi giạt như một con tàu không neo giữa cơn bão tố. Thôi thế là hết. Tôi không còn gì cả ngay đến những chuyến đi thay đổi. Tiếng trống, tiếng đờn, câu ca cũng xa lìa tôi. Tôi ngập mình trong cuộc đời lạ lùng, trong cái nếp gia đình xa lạ. Trong những ngày đầu tiên ba má nuôi để mặc tôi muốn làm gì thì làm. Tôi thường thơ thẩn ra chỗ nhà họp, bây giờ loang lổ nửa đổ nửa còn, tìm lại những mảnh y trang vụn vặt, rồi khóc. Nhưng mấy ngày sau, quận cho người dọn sạch để sửa sang lại, những bức tường còn, mau chóng được đập đổ. Đất đá dồn lại thành từng đống. Và nơi đó chỉ còn lại cái nền cát mới. Tôi không ra nhà họp nữa mà ở lỳ trong nhà. Lúc đó, má nuôi tôi mới dịu dàng đưa tôi tắm rửa kỳ cọ sạch sẽ. Đầu tóc được hớt ngắn. Bộ quần áo cũ rách được thay thế bằng bộ quần áo mới còn mùi thơm của hồ. Nhìn vào gương, tôi thấy mình trở thành con người khác. Quần áo không còn là quần áo quen thuộc. Gương mặt thì tóp hẳn lại. Mắt buồn phiền luôn luôn có nước. Miệng mím chặt không thấy mép cười. Không phải là tôi mà là một thằng bé nào khác, trong một đời sống khác.

Thức ăn ngon, đầy đủ một đôi khi cũng làm tôi tạm quên đi cơn buồn. Nhưng mỗi lần kêu ông bà Thân bằng ba má là mỗi lần tôi ứa nước mắt. Đã vậy cái máy phóng thanh đầu quận thỉnh thoảng lại phát thanh những vở tuồng cải lương. Nghe những câu, giọng hát quen thuộc, lòng tôi đầy ắp thương nhớ ba mẹ xấu số.

Để cho tôi nguôi ngoai cơn buồn, ba nuôi tôi thường dẫn tôi theo ra bờ ruộng. Thường xuyên thì đúng hơn. Cứ sáng sớm, khi tiếng gà đầu xóm gáy vang chúng tôi đã thức dậy. Buổi ăn sáng bằng cơm chan nước ruốc, một loại mắm của miền Trung. Ba tôi gánh theo dụng cụ làm đồng đưa tôi ra khỏi nhà. Lúc ấy, phía đông chỉ mới ưng ửng màu bồ quân. Đường đi còn đậm sương đêm ướt rượt dưới chân. Đôi dép cao su mới lẹp kẹp kéo đất. Ba tôi có một thửa ruộng lúa và một mảnh vườn kế nhau ở khá xa nhà. Cả ruộng lúa và vườn đều khô khốc. Mương dẫn nước từ sông săm sắp nước. Mùa hạ khô nên khó kiếm nước. Ba tôi nói với tôi như vậy. Trong khi ông tát nước vào ruộng, tôi được chỉ dẫn trước để nhổ cỏ và bắt những lá sâu của vồng khoai lang, hoặc cắt những đọt rau muống dồn lại một đống để lát nữa má nuôi tôi gánh ra chợ bán. Ba tôi thường giảng giải cho tôi nghe những kinh nghiệm mà ông nhặt nhạnh được sau mấy chục năm sống gần ruộng đồng. Ông nói :

- Con còn nhỏ, nhưng cái dạo tao bằng tuổi con, tao đã biết cách gieo mạ, cắt lúa, lựa giống rồi. Ở nhà quê phải biết tất cả mọi chuyện.

Ông bày cho tôi cách gieo mạ thế nào để thẳng hàng, và cách lựa một cành khoai lang để giâm, cách cắt một đoạn thân mì vừa phải để trồng. Cách xem đất khô đến mức nào, ông còn giảng nghĩa cho tôi biết cách xem thời tiết bằng cách nhìn mây, nhìn trăng, nghe côn trùng kêu. Ông tập cho tôi biết cách làm thế nào chỉ với hai nhát cuốc là đã khơi rạch một mương nhỏ đều đặn như vẽ. Làm thế nào để đắp một cái bờ chắc chắn đủ chịu đựng những cơn mưa rào tầm tã. Cách bện và hóa trang một khúc cây cắm đứng thành một ông bù nhìn đuổi chim ăn lúa v. v…

Những điều mà tôi không bao giờ để ý đến, những điều mà tôi tưởng không có trên cuộc đời này, những điều mà tôi tưởng quá dễ dàng, những điều mà tôi tưởng mình đã biết, thật sự giờ đây mở ra trước mắt tôi xa lạ, mới mẻ.

Bao nhiêu công việc dập dồn của những ngày đầu mùa làm tôi nguôi ngoai dần sự đau khổ. Tôi quen dần trong nếp sống một gia đình nhà quê quanh năm bận rộn, không đi ra khỏi lũy tre làng...

Nhưng, chỉ được vài tháng đầu, các công việc trở nên quen thuộc quá đỗi. Ngày nào cũng con đường ấy, cũng bụi cây, cũng ruộng lúa, cũng mảnh vườn, cũng những vồng khoai lang, những vườn rau muống. Tôi bắt đầu thấy chán nản và thèm muốn một điều gì mơ hồ xa xôi. Buổi sáng tôi không còn hăng hái thức dậy để ra đồng. Buổi trưa tôi uể oải nhìn phía chân trời ngập mây như cuộn bông gòn trắng nõn. Buổi chiều, mặt trời rực rỡ tỏa ánh sáng vàng gợi tôi mối cảm hoài rưng rưng. Tôi thèm được nói một câu mà xưa kia tôi vẫn thường nói : "mình đi qua xã khác chưa ba ?". Bây giờ, câu hỏi đó không biết dành hỏi ai và cũng không được hỏi.

Mà càng không được hỏi, niềm khao khát di chuyển liên tục ăn sâu trong tiềm thức tôi càng sôi trào mãnh liệt. Ngôi nhà tôi ở trở nên là một nhà tù, bực bội. Bầu trời nhiều mây của cái quận nhỏ bé này không đủ để đôi chân nhỏ bé của tôi chạy nhảy. Mỗi khi nhìn thấy một chiếc xe đò hoặc chiếc xe hàng từ đâu đổ về, tôi thường ước mong được theo xe ra đi, đi mãi, đi mãi. Nhất là lúc ra ruộng, nhìn những cánh chim tung cánh bay miết đến khi chỉ còn một chấm nhỏ, hoặc trông vời một chiếc máy bay vụt băng ngang giữa bầu trời trong, tôi lại mơ màng nghĩ đến một chuyến đi xa, nhớ lại bước đường lưu diễn.

Nhưng, dù sao tôi cũng chỉ là một thằng bé sống nhờ. Tôi mơ ước nhưng sợ hãi. Và do đó, những chuyến đi chỉ có thể thực hiện được trong tưởng tượng và trong giấc mộng. Có đêm, tôi mơ màng nghe tiếng đờn của bác Bảy Viễn vang vang lẫn lộn với giọng hát trong trẻo của mẹ tôi, tiếng nói uy nghi của ba tôi. Câu vọng cổ ngọt ngào hạ xuống giữa tiếng vỗ tay. Rồi tiếng máy xe lam nổ giòn, tôi ú ớ băng mình chạy theo, vấp ngã. Tỉnh dậy, tôi âm thầm nằm khóc...

Dần dà, tôi nhận thấy trong nếp sống mới của tôi có những thích nghi. Đầu tiên là tôi đã bỏ được cái lối ăn ở xô bồ, bụi bặm. Mỗi buổi sáng, khi vừa ngủ dậy, mẹ nuôi tôi đã giục :

- Hiệp, con rửa mặt súc miệng rồi ăn cơm. Ôi chao, hai con mắt còn ghèn tề. Rửa lại đi... Hoặc là... tay sao dính đất rứa, ngó bộ hồi hôm quên rửa phải không. Có xà bông kìa, rửa đi cho sạch rồi mới ăn.

Buổi tối bà cũng kêu to trước khi tôi lên giường nằm :

- Nhớ rửa chân nghe Hiệp. Trời ơi, cả ngày ngoài vườn bây chừ để y vậy lên ngủ hả?

Lâu lâu một hai tuần, bà sờ đầu tôi bảo :

- Cầm hai chục ra bác Ban hớt tóc biểu hớt cái đầu cho ngắn chút coi. Biểu hớt ca-rê đi cho nó lâu dài. Hớt kiểu cọ thêm ngứa đầu.

Hoặc :

- Đừng có ăn vặt như rứa. Để bụng ăn cơm.

- Cái đó không phải của nhà mình, đừng cất.

- Con gà của bác Hai đẻ lẫn đó. Đem trứng qua trả cho bác rồi nói bác nhốt gà chớ không mất trứng.

Ba má nuôi tôi dạy bảo cho tôi từng ly từng tí. Ông bà cố làm cho tôi quên hẳn nếp sống cũ, mà theo ông bà không tốt. Tuy nhiên, làm thế nào gột rửa sạch sẽ bản tính của tôi, cái bản tính đã có mặt từ hồi tôi ở trong bụng mẹ gắn liền với cuộc sống của gánh hát cải lương Hưng Liên. Vì vậy, thỉnh thoảng bản tính ranh mãnh, xô bồ, lắt léo của tôi cũng thể hiện, như ăn cắp một cái trứng gà hút sống với chút muối. Chặt trộm một cây mía sau nhà. Ăn vụng ít đồ ăn ngon trong bếp. Nhón vội sợi rau trước bữa cơm. Cái tệ hại nhất của tôi là thỉnh thoảng vẫn còn thốt ra những tiếng tục tằn. Mẹ nuôi tôi ghét điều đó nhất. Bà phàn nàn với ba nuôi tôi về cái tội thích nói lóng và hát những bài vọng cổ không thích hợp với lứa tuổi của tôi. Những bài có anh anh em em ướt át, lâm ly.

Ngày tháng qua mau. Một tối nọ ba nuôi tôi nghiêm nghị kêu tôi lên và bảo :

- Hiệp, từ ngày con về ở với ba má, ba má xem con như con đẻ. Vì vậy ba má có bổn phận phải nuôi con cho nên người. Muốn nên người cần phải học hành để biết những điều hư, điều phải mà theo mà tránh. Còn một tuần nữa thì khai giảng niên học mới. Ba má cho con đi học, rán mà học nghe.

Nghe đến học, tôi chán ngấy như cơm nếp. Học với ba đã chán, bây giờ tưởng thoát té ra cũng phải đi học. Nhưng tôi đâu dám cãi lại, chỉ còn biết cúi đầu.

Mẹ tôi dẫn tôi đi may một bộ quần áo mới bằng vải cứng. Cái áo hồ trắng thẳng nếp. Cái quần ka ki màu xanh nước biển. Hai tập vở, một quản bút, một bút chì, một cái tẩy, một cây thước. Đồ vật mới xa lạ nhìn tôi. Tôi hồi hộp lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho mình.

Ngày đi học đầu tiên trong đời, tôi được mẹ nuôi tôi dẫn đi. Con đường đi đến trường học là con đường lạ không băng qua ruộng lúa mà vào chỗ đông người. Tôi nhớ đến bài học thuộc lòng mà ba tôi đã dạy tôi học hồi người còn sống. "… Mẹ tôi dẫn tôi đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi bỗng nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi vì lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học... Dọc đường, những cậu bé trạc bằng tuổi tôi, áo quần tươm tất...". Đối với tôi không phải tôi bỗng nhiên thấy lạ mà mọi việc đều xa lạ thật tình. Tôi ngượng nghịu giữ cho những quyển tập không rơi và nằm ngay ngắn trong lòng mấy ngón tay chai cứng. Bộ quần áo mới như chật chội bó người. Đôi dép cao su vướng víu. Tôi ước ao có một phép lạ nào đó giúp tôi trút bỏ mọi thứ phiền nhiễu này để tung chân sáo chạy nhảy tự do.

Ngôi trường hiện ra trước mắt sau một khúc quanh. Ngôi trường mà tôi yên chí sẽ lạ hoắc thì kỳ lạ thay, nó đứng như một quen thuộc thường ngày. Những ngôi trường thì đâu cũng giống nhau. Tôi khám phá ra điều đó. Ngày trước, chúng tôi đã đi ngang qua hàng trăm ngôi trường học như vậy, và có lần chúng tôi đã xin vào ngủ tạm ở đó trong những lúc thời tiết bất thường. Cũng những gian liên tiếp nhau. Cũng cái sân rộng. Cũng một cột cờ chơ vơ với hàng cây thẳng hàng râm mát. Tôi thấy lòng yên tâm hơn.

Tôi được dẫn vào sân trường giữa những đôi mắt tò mò một thoáng, giữa những đứa bé trạc bằng tuổi tôi, nhỏ hơn hoặc lớn hơn. Mẹ nuôi tôi đưa tôi ra mắt ông hiệu trưởng, một người đàn ông người Nam tươi cười, hiền dịu. Ông dịu dàng hỏi thăm tình cảnh của tôi, sức học của tôi. Mẹ tôi vừa vuốt tóc tôi vừa trả lời. Đôi cái bà trả lời hơi quá. Ví dụ như ông Hiệu trưởng hỏi tôi có học đủ chương trình tiểu học không. Mẹ tôi quả quyết là đủ. Nhưng thật sự tôi đã học được bao nhiêu. Ông Hiệu trưởng ngần ngừ đôi chút và quyết định cho tôi học lớp Nhì, ông nói :

- Để cháu học thử tháng đầu, nếu học giỏi tôi đặc biệt cho em lớp cao hơn. Chứ bây giờ cũng khó mà biết sức học của em cho rõ ràng.

Rồi ông quay sang tôi :

- Rán học nghe con. Thôi, bây giờ ở đây, chút nữa thầy đem vô lớp. Tuổi của con đáng lẽ phải lên Trung học rồi, nhưng trường hợp đặc biệt…

Ông quay sang mẹ tôi tiếp :

- Bà có thể yên tâm về được rồi. Tôi sẽ chu toàn mọi việc mà. Không sao hết.

Tôi thì cảm thấy yên tâm hơn khi nghe cái giọng Nam quen thuộc của ông Hiệu Trưởng. Tôi tự tin hơn, vững tâm hơn. Mẹ tôi ra về được một chút thì tiếng kẻng báo hiệu giờ vô học đổ dồn. Những người học trò cũ sắp hàng thẳng ở sân trước cột cờ. Những chú học trò bé, mới đứng khép nép bên cha bên mẹ chờ giờ vào học.

Ông Hiệu trưởng dẫn tôi đến trước một người đàn ông trạc tuổi ba tôi, mắt đeo kính trắng. Ông nói gì không rõ, người đàn ông kia gật đầu đưa tôi vào lớp. Lớp học ồn ào như tổ ong vỡ bỗng im bặt. Người đàn ông đeo kính trắng là thầy giáo đầu tiên của tôi đó. Thầy xếp chỗ cho tôi giữa những cặp mắt mở to tò mò ngắm nghía. Bộ quần áo mới như kêu rột roạt theo bước đi làm tôi thẹn chín cả người. Vì tôi cao hơn tất cả nên thầy sắp tôi ở bàn cuối lớp ngay bìa lối đi. Tôi vào chỗ cúi mặt xuống trang giấy còn tinh khiết của trang vở mới. Đứa học trò bên cạnh thúc cùi chỏ vào hông tôi hỏi nhỏ :

- Hồi trước mày học ở trường nào ? Mày mới vô hả ?

Cái miệng tía lia của tôi ở đâu mất. Tôi im thin thít không trả lời. Thằng nhỏ thúc một cái nữa vào hông tôi :

- Làm bộ hả ?

Thật tình tôi không biết phải trả lời ra sao với câu hỏi đó. Những đứa trẻ này sẽ trở thành bạn của tôi như lời ba tôi nói. Bạn của tôi ? Câu nói, danh từ đó xa lạ, viển vông. Bạn là thế nào ? Từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng có một người bạn đồng lứa tuổi nào. Cuộc sống xuôi ngược rày đây mai đó không cho phép tôi thân thiết với ai lâu ngày. Mà tôi cũng chả quen ai. Những đứa trẻ mà tôi bắt gặp trước hay sau những buổi hát đều là những đôi mắt, khuôn mặt tò mò, mơ ước lẫn chút thán phục. Tôi chưa có một tia nhìn đồng hạng nào. Tôi chưa được một thằng bé đồng tuổi nào gọi tôi là bạn. Giờ đây ngồi giữa những đứa bé trạc cùng tuổi, tôi hơi lo sợ băn khoăn không biết phải làm gì nói gì. Và vì vậy, tôi cảm thấy mình bơ vơ hơn khi nào hết.

- Các trò lấy vở ra chép thời khóa biểu. Lật trang đằng sau vở ra, để ngang quyển vở lại. Chép như trên bảng.

Tiếng phấn kêu rít trên bảng đen như đường vạch cắt ngang chia quãng đời cũ, đẩy nó lùi về dĩ vãng. Tôi chăm chú, nắn nót bằng những nét chữ đẹp nhất.

- Trò cho tui mượn cái thước chút.

Tiếng nói trong trẻo vọng lại. Chắc không ai hỏi tôi. Tôi vẫn chăm chú viết. Nhưng :

- Trò mới vô, trò cho tui mượn cây thước chút.

Tôi ngước lên. Hàng ghế song song, dãy con gái, một đứa học trò con gái mặt bầu bĩnh căng hồng, tóc lơ lửng trên vai đang chìa tay mượn. Tôi không nói không rằng, lặng thinh trao cho hắn cây thước.

- Cám ơn trò nghe.

Hồi kẻng báo hiệu giờ ra chơi. Sau cái khoát tay của thầy, học trò túa ra như đàn gia súc sổ chuồng. Tôi ngơ ngẩn nhìn những bước chân sáo và không biết mình sẽ ra sân chơi với ai, chơi cái gì. Một cái huých nhẹ ở vai :

- Ê, mầy tên gì mầy?

- Hiệp.

- Mầy mới tới ở đây hả. Ba má mầy ở đâu tới ?

Thằng bạn lắm điều quá. Tôi không muốn trả lời một phần vì đang buồn bã một phần vì không muốn nhắc đến mối thương tâm.

- Thằng ni làm bộ thiệt. Đồ gì mà tao hỏi không thèm trả lời.

- Người ta học trò mới mà, ai biểu mầy hỏi lộn xộn.

Không quay lại, chỉ cần nghe giọng nói tôi cũng nhận ra tiếng của đứa con gái mượn thước hồi nãy.

- Vân ơi, ra chơi lò cò đi.

- Ơi, chờ tao một chút.

Tôi nghĩ thầm. À ra con nhỏ đó tên Vân. Tôi chợt có cảm tình với con Vân, hẳn nhiên là nhờ ở câu nói bênh vực tôi. Tôi định đứng dậy, nhưng một lũ năm, sáu đứa con trai khác phóc qua cửa sổ bao quanh tôi. Một đứa la lên :

- A, tao nhớ rồi, tao thấy thằng này ở gánh cải lương Hưng, Hưng gì đó.

- Cái gánh hôm nổ phải không ?

- Sao nó không chết bây ?

- Tội nghiệp.

- Nè anh, bây giờ anh ở đâu. Nhập bọn với tụi tui đi. Tui tên là Thi, thằng này tên Mạ, biệt hiệu là Mạ sừng vì đầu có hai cục u, hai cái mụt đó, hết cái này mọc đến cái kia mọc. Thằng đó tên Dũng, thằng trọc đầu đó tên Lang biệt hiệu ông lang trọc. Còn anh tên chi ? Mình bạn với nhau nghe.

Tôi bối rối đưa mắt nhìn những đứa bạn mới. Mặt đứa nào cũng háo hức chờ đợi. Bất giác tôi buột miệng :

- Tui tên Hiệp.

Thằng Dũng la lên :

- Cha ơi, thằng Hiệp nói giọng chi lạ, giống ở ra-dô quá.

- Vô duyên, thằng Hiệp người Nam mà.

- Thôi tụi mình chạy ra sân chơi đi.

Cả bọn lôi tay tôi chạy vòng. Tôi chạy theo như một dòng nước. Lòng vui vui. Niềm vui hòa đồng thật nhanh. Đầu tiên thì gượng gạo, nhưng sau đó thì không còn nữa. Những giờ học tiếp của buổi sáng hôm đó không cho tôi cảm giác bơ vơ nữa.

Nhưng những bài giảng, những câu toán, từng giờ, từng phút đi qua. Cái nóng bức đưa đẩy tôi vào nỗi chán nản. Hai chân tôi muốn được nhẩy sáo. Cầm cây viết tôi không muốn ngồi mà chỉ muốn nằm dài, bò trên thảm cỏ, vừa viết vừa nghịch với những bông cỏ thơm nồng. Đọc một bài tập đọc, tôi lại thích vừa đọc vừa hát những bài vọng cổ, bài Lý con sáo, hoặc hát Ngựa Ô Nam chen lẫn. Nhưng không, ở đây tôi phải ngồi đến mỏi cả lưng, nghiêm chỉnh ngó thẳng trước mặt. Ôi thật là một cực hình.

Khi tiếng trống dứt vang lên, tôi ra lớp giữa tiếng hét vỡ lở của đám học trò. Chúng nhảy qua cửa sổ, chúng leo lên bàn, chúng đuổi nhau, chúng ồn ào. Đối với tôi mọi việc không có gì đáng chú ý bằng bầu trời thênh thang ngoài kia, bằng những cử động tự nhiên, không gò bó. Tôi quay lưng đi ngược để nhìn trường, để thấy mình đã được tự do.

Bụng đói cồn cào, nhưng tôi vẫn cố đi thật chậm để được một mình, để thấy mình vẫn tự do chơi nhảy. Một mình mình đi, không ai ngăn, không ai cấm, tôi lẩm nhẩm một câu vọng cổ quen thuộc. Cố tưởng tượng đến một vai ở trong một vở hát.

- Thằng Thi, thằng Lang trọc đâu mà trò đi có một mình vậy ?

Tôi quay lại, cô bạn cùng lớp hồi sáng, Vân. Đang khi vui vẻ tôi cười nói thản nhiên :

- Mấy tụi nó đi đâu hết trọi rồi. Trò về cùng đường với tui hả ?

Tôi bắt chước xưng hô như Vân gọi tôi.

- Trò viết chữ đẹp ghê. Đẹp nhứt lớp đó.

- Tui mà viết đẹp ?

- Đẹp, tui nói đẹp chớ bộ. À, mà có phải trò ở nhà bà Thân phải không ? Tui ở gần nhà bà đó. Tui với trò mượn vở được hỉ ?... Mấy đứa kia nhà ở xa tụi nó không cho mượn vở đâu. Tui đau hoài nên cứ phải mượn vở chép bài hoài. Khi mô tụi nó không cho là tui bị thầy cho dia rô đó.

- Khi nào muốn mượn vở trò cứ qua tui, mượn khi nào cũng được hết á.

Tôi ưỡn người một cách anh hùng để nói những câu đó mà quên mất những ý tưởng trốn học ban đầu. Vui miệng, tôi kể cho Vân nghe những mẩu chuyện vui mà tôi góp nhặt được. Có lẽ những câu chuyện đó đối với Vân lạ lắm nên mắt của cô bé cứ mở rộng tròn xoe, đôi môi hồng nhỏ luôn luôn thốt ra câu : vui hỉ, chi lạ rứa, hoặc những tiếng cười khúc khích. Giọng nói là lạ, nhỏ nhẹ và thái độ của Vân làm tôi thấy thích thú. Dòng máu mồm mép, diễn viên của tôi nổi dậy, tôi kể cho Vân nghe những chuyến đi, những lần di chuyển, những bờ kinh rạch chằng chịt, những con cá tra giãy đành đạch trên bờ, nổi lóp ngóp trên mặt nước với đôi mắt đỏ au vào mùa nước mẳn nghĩa là nước ngọt lẫn với nước mặn. Cứ thế đến nhà Vân hồi nào không biết. Ngôi nhà bị che khuất bởi vòng rào dâm bụt và những hàng cây rậm của vườn trước. Vân rủ tôi vào nhà cho biết, nhưng vì sợ má nuôi tôi chờ cơm nên tôi hứa sẽ thăm nhà Vân vào ngày khác. Đoạn đường ngắn còn lại dẫn về nhà nghe vui và thênh thang. Từ đó, tôi có Vân là người bạn thân thiết đúng nghĩa đầu tiên. Nhờ có bạn, có bè, tôi thấy đỡ chán nản hơn. Tuy vậy, những giờ học, bó chân bó cẳng trong lớp cũng gây cho tôi khó chịu cực độ, nhất là những hôm trời đẹp, qua cửa sổ, khung trời xanh mát gợi cho tôi những con đường, những ruộng lúa, những ngày tháng nhẹ nhàng, thoải mái, và tôi ao ước vô biên ngày được thoát khỏi chiếc lồng nhỏ hẹp của lớp học...

Nhưng rồi thời gian qua. Tôi dần dần lớn lên trong lớp học, trong gia đình, bên bạn bè. Tôi quen với những danh từ đặc biệt địa phương, tôi quen với cuộc sống mới, tôi cổi xác trở nên một đứa học trò ngoan nhất lớp. Bạn bè đối với tôi là một thân thiết, một cần thiết. Con đường làng dẫn ra khỏi những hàng cây rậm, chạy dài hút mắt đã ít gợi cho tôi ý tưởng ra đi. Cánh đồng xanh, những chuyến xe qua lại cũng ít gợi nơi tôi sự thèm muốn chân trời xa lạ đến độ muốn giục giã hai chân, muốn vươn hai tay ôm lấy bầu không gian trước mặt. Bây giờ, có còn chăng là những tiếng đờn tiếng ca mà thỉnh thoảng tôi được nghe qua cái máy phóng thanh công cộng. Những câu vọng cổ tự tiềm thức xa xôi trở về từng chập. Có nhiều khi đang ngồi học bài, tôi buột miệng ca sáu câu vọng cổ. Hoặc đang làm một bài tính, tôi lẩm nhẩm khúc Nam ai. Ba má nuôi tôi ghét điều đó lắm. Bằng giọng nghiêm khắc, bà vẫn thường mắng tôi :

- Con học thì lo học, chơi thì lo chơi. Cái nghề ca hát tuy không xấu, nhưng với tuổi của con, con phải học đã. Nhất là má không ưa mấy thứ vọng cổ mùi riệu, anh anh em em, còn nhỏ cứ mơ mơ tưởng tưởng tới mấy thứ đó, không học hành chi được.

Ba nuôi tôi chỉ tằng hắng một tiếng và nói ngắn :

- Lo học đi, lớn rồi, học hành xong xuôi rồi muốn chi cũng được.

Ba má tôi không ưa, nhưng bạn bè chúng phục tôi sát đất. Hôm bãi trường, tụi nó đề cử tôi ca vọng cổ. Thầy giáo khen hay ghê lắm. Tụi nhỏ cứ thộn mặt ngồi nghe. Những giờ ra chơi, chúng hay bắt tôi ca hết bản này đến bản khác. Nhất là Vân, trên đường đi học về, mười bữa đủ chục, nó thường bắt tôi hát. Mà con nhỏ kỳ cục, thích mỗi một điệu Lý con sáo. Và bắt tôi dạy nó ca. Nhớ lại bác Bảy Viễn trước đó dạy tôi ca bác đờn rồi gõ nhịp để tôi bắt nhịp cho đúng, tôi tiếc sao mình không có đờn để bắt nhịp cho con Vân ca. Giá như tôi học đờn sớm thì bây giờ cũng biết đờn rồi. Cuối năm lớp nhì phần thưởng dành cho tôi là phần thưởng văn nghệ. Qua năm lớp nhứt, tôi cũng lãnh luôn phần thưởng văn nghệ. Ngày lãnh thưởng ba tôi cười bảo má tôi rằng thằng này học chữ chẳng hay ho bằng học ca cải lương. Má tôi cười bảo con cái không giống lông cũng giống cánh.

Đầu niên học, cuối niên học qua mau chóng. Tôi đã lên bậc Trung học. Vân cũng lên lớp như tôi vậy. Bạn trai có nhiều đứa không lên đồng đều, đứa thì phải ở lại lớp vì không đủ điểm, đứa ở nhà làm ruộng buôn bán. Mấy đứa lớn theo cha mẹ làm nghề đi xa, lên tỉnh. Rốt lại, cũng chả còn bao nhiêu, bạn mới đâu thân bằng bạn cũ. Có điều đặc biệt là từ khi tôi lên Trung học, tôi học giỏi ra. Có lẽ là nhờ ở việc học chung với Vân. Bài nào tôi với Vân cũng học chung, và vì tự ái, vì sự tin tưởng của Vân ở tôi, lúc thì nhờ giải bài toán, lúc thì nhờ giảng lại bài, tôi không chăm học cũng không xong bởi vì thật là xấu hổ khi một người bạn hỏi nhờ giảng mà mình không biết gì. Vân cũng là con một, tôi cũng là con độc nhất của ba má nuôi tôi, vì vậy cả hai đứa đều được hai gia đình thương yêu như nhau. Ba má Vân thường nói với tôi mỗi khi tôi qua nhà Vân học :

- Con biết cái chi thì chỉ bảo cho em với. Con Vân lớn đầu mà còn khờ lắm nợ. Nghe con Vân nói cháu học giỏi lắm phải không ? Ờ, con trai phải học như rứa. Hồi xưa, thời mấy bác bằng con Vân là phải ra đồng làm ruộng chớ học với hành chi nữa, con gái không được học nhiều. Bây chừ khác xưa, dù gái hay trai cũng có học mới nên.

Khi nghe nói như vậy, Vân thè lưỡi rụt đầu, còn tôi thì thẹn đến chín người. Kể ra cũng không thẹn gì nếu ba Vân không nhìn tôi và Vân mà cười.

Cũng bởi vì vậy mà tôi trở thành một kẻ chỉ dẫn bất đắc dĩ. Vân tin tôi ghê lắm, bất cứ bài nào không hiểu hoặc làm không ra, Vân cứ nhè tôi mà nhờ giảng. Nhiều bài tôi bí mướt cả mồ hôi, điên cả cái đầu. Để khỏi phải thẹn, tôi kiếm cớ nạt nộ Vân và giả vờ dỗi bỏ dở đứng lên đi về. Để tránh
điểm yếu của mình, để tự ái khỏi bị va chạm, tôi phải chịu đựng nỗi buồn dằng dặc từ khi bước ra khỏi cổng nhà Vân. Một nỗi buồn không tên len lén trong tâm hồn. Tôi thả chân theo con đường mòn đi tắt ra ruộng, vượt những khoảng dài. Tôi ra mộ cha mẹ và bác Tư, bác Bảy. Lần nào cũng vậy, có chuyện gì buồn, hoặc cảm thấy bơ vơ, tôi lại lần mò ra mấy nấm mộ quen thân, ngồi ở đó đến chiều tối mới trở về. Những ngôi mộ ngày nay đã phủ đầy một lớp cỏ mịn non. Những đám cỏ già vươn cao đều bị tôi cắt trụi nhổ tận gốc, bật cả rễ dính theo chút đất nâu hồng. Bốn ngôi mộ vòng quanh nhau xúm xít như một vòng ngắn của cầu vồng. Cái đỉnh tròn thuôn thuôn che giấu sự sống của những người thân yêu, cắt đứt mọi liên hệ trần tục. Những buổi chiều mùa thu, từng đợt nắng vàng lọt qua kẽ những đám mây nhuộm vàng đỉnh mộ. Gió la đà trên những cánh lúa uốn éo rì rầm mang hương thơm của mùi đất, mùi lúa, mùi cỏ. Tôi khoanh tay ngồi giữa kẻ hở hai phần mộ ba và mẹ, gục đầu lắng nghe tiếng côn trùng kêu khẽ mà ngỡ như lời thì thầm của ba mẹ dưới đáy mồ sâu. Đến khi mặt trời đã khuất hẳn, và dãy núi xanh lam đầu phương tây đổi màu tím thẩm đổ bóng lên trên vùng đồng ruộng giờ đã thay màu chập choạng, gió rờn rợn trên cánh tay trần, lằn sống lưng gai gai, tôi mới uể oải đứng dậy ra về, theo gót đàn trâu thả rong trên bờ cỏ.

Gia đình của ba má nuôi tôi không phải là một gia đình phú nông. Giống như những gia đình khác trong cái quận lỵ nhỏ bé nghèo nàn này, chúng tôi chỉ được đầy đủ no ấm khi được mùa. Và trái lại, những năm lụt lội, hoặc nắng hạn, đó là những giờ phút đen tối cho mọi người. 


 Cũng không phải năm nào trời cũng mưa thuận gió hòa. Và cái năm cuối cùng của bậc trung học đệ nhất cấp, tai họa trời đổ xuống bằng những trận mưa to liên tục với những cơn bão tốc nhà. Hết mưa rồi gió, hết gió rồi mưa. Tiếng liếp cửa đập vào thình thình lúc nào cũng nẩy như muốn bứt khỏi chiếc đòn dài to bằng bắp chân tôi. Trời mù mịt, mây tím thẫm đen đặc. Những màn mưa dầy đặc đan không dứt trong bầu không gian ảm đạm. Mưa như đổ ập từ trên trời xuống. Mưa như từ dưới đất dâng lên. Nước ở sông liên tiếp được báo hiệu lên cao mãi. Nước chảy không xiết đã bò vào nhà, đã cuốn trôi những vật dụng nhẹ, nhỏ, bỏ sót trên mặt đất. Hết cơn bão dữ, trời vẫn mù mịt và mưa liên miên từ ngày này sang ngày khác. Mặc dù đã quen với mùa mưa của miền Trung, nhưng tôi quả thật chưa bao giờ được biết một cơn mưa lại dai dẳng và lớn đến thế. Chúng tôi khỏi phải đi học. Công việc độc nhất của mọi người là ngồi trên giường, bó gối nhìn trời, chờ bữa. Ba tôi nhìn mưa với đôi mắt thất vọng, lo âu, ông thỉnh thoảng cứ chép miệng :

- Trời hại rồi, trời hại rồi. Lúa mới trổ đòng đòng mà mưa lụt thế ni thì còn chi nữa nè trời. Đám khoai lang bán Tết nữa chớ. Ruộng bí đao... Trời hại rồi... Trời không có mắt hả trời ?...

Lúc đó, tôi chưa biết đến cái hậu quả của những cơn mưa bão miền Trung như thế nào. Vì vậy, mưa đối với tôi thú vị lắm. Nằm trên giường ấm, trong căn nhà vững vàng, bữa cơm nóng sốt, tôi không để ý nghĩ vẩn vơ đi đâu, mắt chỉ biết chú ý đọc truyện để lo cho bài thuyết trình Việt văn sẽ phải làm trong tháng tới. Thỉnh thoảng, xuống lội nước giúp mẹ tôi cho mấy con lợn ăn, hoặc đếm xem bầy gà trong chuồng có đủ số, có con nào cú rũ vì mắc nước.

Hơn một tuần lễ dằng dặc mưa, trời mới tạnh dần. Mặt trời đầu tiên rẽ đám mây còn vần vũ trên cao tỏa ánh sáng yếu ớt xuống mặt đất. Nước rút lần lần đẩy đưa những đám rác rến, rơm cọ vướng mắc vào góc nhà, hàng rào, chân cột. Trời đất như vừa đổi mới. Đám khoai mì trước nhà ngã rạp. Bầy gà chạy tán loạn đào xới ý như quá đói sau những ngày mưa bão. Hàng dâm bụt ngã nhào hất cả những thân cây tre làm hàng rào bật gốc. Những cánh lá rơi rụng đầy sân nhớp nháp. Ba tôi hối hả xách cuốc, xách liềm, gánh rổ, kêu tôi và má tôi ra đồng. Tôi định qua nhà Vân để hỏi xem khi nào thì đến trường, và những ngày lụt bão, Vân có chuyện gì không. Thế nhưng dáng điệu nóng nảy của ba má nuôi tôi chắc là chuyện quan trọng lắm lắm. Tôi thay chiếc quần cộc và đi chân đất theo ba má nuôi ra ruộng.

Cảnh tượng đầu tiên đã khiến tôi cổi bỏ tức thì những điều lạc quan trong những ngày trùm chăn kín trong nhà. Cánh đồng lúa ngập nước mênh mông như một dòng sông. Vài ngọn lúa trồi đầu được trên mặt nhưng bông lúa thì xác xơ tím ngắt. Bên vườn thì lại bi đát hơn. Những giàn cây bí, đậu đũa, mướp đắng ngã rạp chìm trong màn nước lờ đờ. Nơi ruộng khoai lang chỉ còn thấy cái dáng đen đậm dưới sâu. Chỉ còn một cây mì độc nhất vươn cao hây hẩy xanh mướt lá như một phép lạ cuối cùng.

Nhìn ruộng, má tôi chợt ôm mặt khóc nức nở. Ba tôi ngồi bệt trên bờ cỏ ướt ôm mặt rầu rĩ. Tôi đứng chơ vơ và đột nhiên cảm thấy tất cả những bi đát của viễn ảnh những ngày sắp tới.

Không phải một mình ba tôi mà những người hàng xóm, những gia đình nông dân khác cũng vậy. Rải rác trên con đường dài, giữa đồng ruộng trống không, những nông dân đang đứng thẫn thờ nghĩ đến ngày mai.

- Anh Hiệp.

Tôi quay lại :

- Ủa, Vân, ruộng vườn hư hết trọi rồi.

Vân khóc nức lên.

- Nhà Vân cũng rứa. Ba má Vân khóc hết nước mắt đằng kia kìa.

Tôi im lặng. Không ai nói với ai lời nào. Mặt trời trên cao lồ lộ. Nắng bốc hơi nước từ mặt đất ẩm thấp phà lên chân khó chịu. Vân lẳng lặng bỏ đi về phía ruộng mình. Tôi không giữ lại, vì má tôi càng lúc càng khóc dữ. Nhưng chỉ được một lúc, ba tôi như chợt tỉnh, ông ngồi dậy bắt đầu làm việc để cứu vãn lại mùa màng. Chúng tôi chú ý đến vườn nhiều nhất. Lúa thì đành chịu chỉ chờ tát nước và bông nào chịu được thì sống. Nước lên đến háng. Chúng tôi cởi trần. Những vồng khoai lang gập ghềnh bên dưới. Lá có chỗ đã mục úa rữa, có chỗ vẫn còn xanh. Với nhát cuốc ba tôi bới mò từng vồng khoai lang. Tôi nhấc lên nhẹ nhàng quẳng lên bờ để má tôi bứt lấy củ. Tôi mò từng mô đất để tìm những củ khoai còn sót lại. Đến trưa, chúng tôi mới đào xong khoai. Ba tôi chỉ dừng lại độ mươi phút để ăn một nắm cơm với vừng, uống một tí nước rồi lại tiếp tục đến vồng khoai mì, xem xét lại những giàn đậu đũa, giàn mướp đắng, bí đao. Lạ thật, vẫn còn những trái tươi tốt khả dĩ dùng được.

Tối hôm đó, chân tay tôi mỏi nhừ. Người rời rã, đau nhức nhối khó chịu. Ba tôi cũng vậy, ông ngồi hút thuốc rê, lặng thinh nhìn má tôi lọc những củ khoai tốt. Phân nửa số khoai đem về bị hà ăn. Bà để một bên dành cho heo. Những củ tươi được để cạnh đống lửa đốt sẵn hong khô để dành, những củ hư hao một phần hay một nửa thì được gọt sạch chỗ hà ăn, xong xắt nhỏ phơi khô để ghế với cơm. Đậu, khoai mì cũng vậy. Chỉ trừ những trái ôi quá. Bí đao thì ba tôi định để dồn đưa lên chợ bán lấy ít tiền mua thêm gạo dự trữ. Ông nói :

- Trời hại quá. Không đủ gạo ăn cho mà coi. Chết, đói kém tới nơi rồi.

Đói kém đến nơi rồi. Lời nói của ba tôi đã ứng nghiệm trong mùa đông năm đó. Những cơn mưa bão liên tiếp đã giết chết số hoa màu còn lại. Gạo đã hiếm ở chợ. Tiền ăn tiêu cả năm trông cậy vào vụ mùa đã hết. Chúng tôi cùng chung số phận với dân chúng miền Trung nghèo khổ. Ba tôi phải lần lựa từng ngọn cây, cọng rau. Mẹ tôi lo từng bữa cơm dọn sẵn, giản tiện từng chút ruốc chút mắm. Trong khi đó tôi vẫn đều đặn đến trường. Tuy nhiên lớp học càng ngày càng buồn bã và vắng dạng. Không có ai đi học được với cái bụng trống. Trông Vân cũng ốm buồn tiều tụy. Chúng tôi mặc dù không đến nỗi chết đói nhưng thật tình đời sống quá chật vật. Buổi chiều, sau giờ tan học, tôi đem rổ ra đồng để tát những đìa cá, hoặc tìm những đám rau má, rau muống mọc lan. Ruộng nương cũng trở nên buồn phiền. Nước ung ủng, mạ vàng đọt, rau thối gốc. Tôi nhớ đến những đồng ruộng bao la ở miền Nam, những lạch cá nhảy loi choi vào mùa nước lớn. Những cánh đồng rau trái, những vườn cây ăn quả trĩu nặng. Ở miền Nam, vào những lúc chúng tôi quẫn bách lắm cũng không đến nỗi tệ như ở đây. Buổi cơm trưa, cơm chiều chỉ độc một món ăn duy nhất là nước ruốc hòa loãng với nước lạnh đun sôi, nổi lều bều mấy trái ớt chỉ thiên xanh cay xè. Tôi thèm làm sao bữa canh chua bạc hà với cá lóc. Những con cá làm sạch thịt trắng nõn chua ngọt giữa những lát bạc hà xanh xôm, cạnh vài cọng giá cùng những cành rau ngổ chua xanh. Bữa cơm đơn giản hằng ngày càng làm tăng thêm mức thèm thuồng của tôi. Và tôi chợt nhớ đến những buổi đi chợ đêm của ba ruột tôi thời còn xuôi ngược. Đi chợ đêm là một hành động xấu nhưng không biết tại sao ý nghĩ và hành động ngày xưa cứ quấn quít lấy tôi, nhất là sau những buổi cơm chưa no phải ăn đỡ bằng mấy củ khoai mì bị nước đăng đắng. Ý tưởng đó đến đi bất ngờ nhưng cũng gieo trong lòng tôi sự hổ thẹn vô biên. Sự hổ thẹn càng gia tăng khi tôi tự nhận thức được là vô tình trong thời gian đi rảo, tôi hay nhìn vào những cánh vườn ở phía khô vẫn còn xanh tốt. Những ngôi nhà vườn ít ỏi còn sót lại sau trận bão lụt vừa qua. Tôi biết có ngày tôi sẽ đột nhập vào ngôi vườn rộng kia. Đột nhập khéo léo không ai hay biết. Đột nhập lặng lẽ mà chưa biết mình sẽ làm gì trong đó. Tôi xấu hổ và tự kềm chế. Nhưng càng kềm chế tôi càng tưởng tượng ra những thức mình lấy được từ ngôi vườn phì nhiêu kia. Một ít rau sá gì, một cái trứng sá gì. Cho đến một buổi chiều nọ, buổi chiều ảm đạm có mây che kín trời và gió lạnh gai người. Những bụi dâm bụt úp mặt buồn rầu trên hàng rào. Những dây bông biết lồ lộ mấy cái hoa màu tím xanh. Ngôi vườn tôi đi ngang vẫn nhơn nhởn màu xanh đẹp với những trái đã kết trĩu cành. Tôi dừng lại giây lát để nhìn vào trong. Hình như nhà không có ai. Cánh cửa đóng bằng một sợi dây xích nhỏ. Tim tôi đập mạnh. Qua khoảng trống của khoảng hàng rào bị ngã đổ vì trận bão vừa qua, tôi nhìn thấy những trái ổi chín vàng. Bụng tôi chợt đói cồn cào. Tôi cố hết sức để bước đi. Nhưng khung cảnh vắng vẻ chung quanh đã níu bước tôi lại. Tiếng chim kêu hoang từng chập. Tiếng bụi trúc vàng đầu kia cọ kẹt. Tôi ngồi thụp xuống bờ cỏ. Bất chợt tôi thấy mình vừa lập lại thế ngồi của những buổi đi chợ đêm ngày xưa. Chắc không ai rỗi hơi để giữ vườn đâu. Vườn rộng thế này mà ! Nếu người ta cần thì những trái ổi chín kia đã được chiếu cố từ lâu rồi. Có trái còn bị chim ăn nữa kìa. Tôi lách hàng rào chui vào. Tôi ngồi im một lát nghe ngóng. Không có ai ngoài tiếng gió lay lắt chạm nhau. Tôi bíu lấy cành ổi, hái trái. Những trái to nhất ngon nhất được tôi nhét vào túi quần, cầm trên tay, cắn trong miệng. Nhưng ngôi nhà vắng quá. Tôi chợt có ý muốn vòng quanh nhà xem thử còn cây trái nữa không. Trừ những quày chuối cao còn xanh, mọi thứ đều còn non, trái đơm cả chùm nhưng chưa thể ăn được. Tôi nhón lấy một trái chanh còn non, chỉ có thể nhấm với muối ớt thôi. Ngôi vườn um tùm. Từ bên trong nhìn ra, tôi không trông thấy gì và chắc từ ngoài vào cũng chả có ai trông thấy tôi. Yên trí, tôi quan sát kỹ lưỡng từng cây một tựa như là vườn của nhà mình.

- Tục tác, tục tác...

Tiếng gà tục tác liên hồi làm tôi giật mình nấp ngay vào một gốc bụi hoa trang có hoa trắng toát. Con gà mái khệ nệ từ trong ổ nhảy ra. Chắc nó vừa đẻ. Ý tưởng đến làm tôi thấy nóng mặt, đồng thời lòng tham bỗng nổi lên. Ý nghĩ liều lĩnh xuất hiện không có gì trì kéo nổi. Tôi đi nhẹ lại ổ gà đẻ. Có tiếng cổng mở. Tôi đưa tay chận ngực, tim muốn đứng lại và hai chân như bị đóng đinh. Tiếng người nói lao xao. Tôi đang đứng trước ổ trứng gà có cả thảy hai trứng. Tiếng cười nói càng lớn. Một phút nào đó, tôi quay người và không quên lấy luôn hai quả trứng còn nóng hổi. Con gà tục tác liên hồi. Tôi men theo bờ dâm bụt lòn ra ngoài vườn theo ngả cũ. Có tiếng con nít la to :

- Mẹ ơi, con gà đẻ rồi. Nó tục tác.

- Ừa, để nó chạy rồi ra mà lấy trứng.

Tôi vọt chân chạy thật xa, băng qua cánh đồng ngập nước. Những trái ổi đánh xà nẹo lủng lẳng đập vào đùi đau điếng. Khi đã độ chừng không ai thấy được, tôi lủi vào một bãi cỏ ở một mô đất cao giữa ruộng. Giữa bầu không khí lạnh lẽo, giữa những cơn gió thoảng lạnh buốt, tôi cắm cúi ăn sống hai cái trứng gà tươi, không thèm nghĩ đến một điều gì khác. Khi bụng đã đầy ổi và trứng, tôi còn lại hai trái ổi chín thơm ngát. Lòng hơi bứt rứt vì những hành động không đẹp vừa qua, tôi không dám đem ổi về nhà, sợ bị ba má nuôi tra hỏi. Hay mình đem cho Vân. Nghĩ là làm, tôi trở ra lộ đi thẳng đến nhà Vân. Nhưng xui xẻo cho tôi, Vân lại không có mặt ở nhà. Bỏ thì tiếc mà đem về cũng cực. Nhưng suy đi tính lại, tôi đành đem về nhà rán kiếm một chỗ giấu kỹ để ngày mai ăn.

Buổi cơm tối hôm đó, tôi chỉ ăn được một chén. Lấy cớ là người gay gay không muốn ăn cơm. Má tôi lo sợ bắt tôi phải xông một nồi hơi nấu bằng lá chanh, lá tre và sả. Bà còn bắt tôi nằm xuống cạo gió ở đằng sau lưng bằng đồng bạc cắc. Lưng bị cào đau điếng, tôi bấm bụng chịu không dám kêu la. Đêm đó, tôi không dám lấy hai trái ổi giấu trong thùng thiếc trống sau giàn bếp. Ấy, nhưng qua ngày mai khi tôi sực nhớ, thì hai trái ổi không cánh mà bay. Thay vì được ăn ổi, tôi lấy làm lạ tại sao má tôi lại sắc một chén thuốc làm bằng vỏ lựu và vỏ chanh đắng nghét rồi bắt tôi uống. Bài thuốc này bà chỉ dùng để trị bệnh bội thực, không tiêu, đau bụng. Chén thuốc đắng đã làm tôi khỏi bệnh giả mau chóng. Tôi cố tìm xem hai trái ổi biến mất ở đâu. Cuối cùng tôi thấy nó ở cái lạch bùn sau nhà. Ai đã vất nó ra đây ? Cả nhà không ai ngoại trừ ba tôi và mẹ tôi, thế nhưng sao bà không hỏi hoặc la mắng tôi gì cả ? Tôi lấm lét nhìn bà để xem bà có biết xuất xứ của hai quả ổi, nhưng trong cặp mắt của bà tôi chỉ đọc thấy sự âu lo vì cơm gạo và nét bao dung hiền hòa. Buổi chiều đến trường, Vân nói với tôi :

- Anh Hiệp à, hồi hôm qua, nhà ông Cẩn mất ổi và hàng lố trứng (tôi chửi thầm, có hai quả mà nói cả lố). Trời ! Bả la bả chửi quá xá, đổ thừa nhà ông Dinh ở m
ột bên đó. Hai nhà chửi lộn nhau tơi bời hoa lá.

Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Như thế này, chắc má nuôi tôi đã hiểu ra ai là người ăn trộm ở vườn ông Cẩn. Thế nhưng sao bà không nói một lời nào hết, ngay cả lời trách mắng ? Hay là bà không hay biết ?... Vô lý, bởi câu chuyện gì nhỏ đến đâu cũng lan truyền đi khắp xóm một cách nhanh chóng. Tôi hồi hộp đến nỗi không thể giải được bài toán rất dễ trong lớp. Bữa cơm tối, tôi lặng lẽ ngồi ăn. Chắc chắn rằng bà đã biết chuyện. Nhưng sao bà không trách mắng tôi ? Sự bao dung của má nuôi, của ba nuôi tôi làm tôi xấu hổ. Tôi muốn được kể lể lý do tại sao tôi phải để mắt đến những trái ổi, những quả trứng. Nhưng không ai hỏi tôi. Câu chuyện trao đổi giữa bữa ăn vẫn như thường. Đặc biệt, hôm nay, cạnh đĩa rau muống và bát nước ruốc, còn có một đĩa trứng kho.

Sau bữa cơm, tôi lên giường sớm. Nằm xoay mặt vào vách tôi nhớ tới gương mặt buồn bã của cha tôi mỗi lần đi chợ đêm về. Nhớ đến tiếng thở dài của người khi thấy bác Tư hoặc bác Bảy mang về quá nhiều đồ trong chiếc bao tải. Nhưng ba tôi không nói gì bởi người biết rằng nếu không, cả đoàn sẽ không đủ sức để mà hát. Hơn nữa, vườn người ta giàu có, lấy bớt đi cũng chả sao. Ánh mắt câm lặng của ba ruột tôi hồi đó, bây giờ giống hệt ánh mắt của ba má nuôi tôi. Tôi xấu hổ úp mặt xuống gối âm thầm khóc. Chắc từ nay trở đi, dù có đói đến chết tôi cũng không dám cầm đến một vật gì không phải của mình, bởi thực tình lòng tôi, óc tôi không chịu đựng nổi với sự hối hận, xấu hổ...

Mùa đông qua nhanh. Cơn mưa lạnh chấm dứt dần. Đường sá không còn lầy lội. Nắng bắt đầu ấm và cây cỏ nẩy lộc đâm chồi. Những lũy tre xanh óng viền quanh bờ đất. Những cành mai nở muộn phất phất hoa vàng. Buổi sáng, trời mờ mờ sương, quận lỵ như được phủ lên một lớp khói mỏng. Hơi gió thoảng qua, mang theo những tia ấm mặt trời đầu tiên vo tròn màn sương mỏng thành những hạt lóng lánh như thủy tinh rập rờn trên cành lá xanh biếc. Mấy đóa thược dược mịn như nhung he hé đậm đà trên mảnh vườn đầy hoa cải vàng. Thời tiết tươi mát dịu dàng. Hình như có cái gì tha thiết của khí trời muốn đeo đẳng với làn da trên má, trên mắt. Càng lúc tôi càng thấy miền Trung đẹp thật. Trừ đi những mùa mưa bão, nắng hạn, trời miền Trung có vẻ nên thơ giống hệt như cảnh vật miền Bắc mà Xuân Diệu đã tả.

Theo thời gian, sự liên lạc giữa tôi và Vân trở nên mật thiết. Chúng tôi thân nhau như anh em, như hai người bạn trai. Có nhiều đứa con gái đã xầm xì, dè bỉu Vân, và có những đứa bạn trai xấu tính đã cười tôi là cứ chạy theo con gái. Nhưng chúng tôi hiểu nhau, và nhất là Vân và tôi đã quen nhau ngay từ phút đầu tiên tôi đến trường, giữa lúc tâm trạng tôi cô đơn nhất. Vì vậy, chúng tôi vẫn học chung với nhau, vẫn rủ nhau đi chơi, đi ruộng, vẫn qua lại gia đình nhau. Tôi chỉ thấy mình mến Vân chứ không có ý nghĩ nào khác hơn, cho đến một ngày...

Hôm đó, chúng tôi được nghỉ học hai giờ đầu vì thầy giáo bị bệnh bất ngờ. Trong khi chờ đợi hai giờ học kế tiếp đến, học sinh đều rủ nhau, đứa thì về nhà, đứa tản mác ra bãi cỏ, hoặc rủ nhau năm ba đứa đi chơi. Tôi rủ Vân ra bờ bãi cỏ ở đàng sau trường để cùng ôn lại những bài tính khó. Tôi và Vân dựa người vào một bụi trúc lớn có bóng mát mẻ. Quyển sách toán trải dài, tôi giảng cho Vân nghe cách chứng minh một phương trình đại số. Đang lúc Vân và tôi bàn cãi với nhau bỗng có tiếng cười rộ ở đàng sau :

- a bình phương cộng với b bình phương ra con trai với con gái tò tí với nhau.

Tôi giật bắn người quay lại, một bọn chừng năm, sáu đứa lạ mặt, ý chừng chúng học lớp khác, trong bọn tôi chỉ biết mặt thằng Võ, là đứa đã chặn Vân giữa đường giựt cặp sách và bị tôi mắng một trận nên thân. Vân ôm cặp đứng dậy, tôi giận dữ nghiêm giọng :

- Xin lỗi mấy anh, chúng tôi không thích giỡn hớt.

- Mầy hổng thích giỡn thì thôi, tao hổng có giỡn với mầy, tao hỏi con Vân đó, làm chi tụi tao nè ?

Chúng giả giọng nói. Một đứa khác cười nham nhở :

- Em Vân ơi, tội tình chi mà em phải theo thằng không cha không mẹ, hắn có phải cải lương chi bảo đâu. Em mê chi thằng kép con đó. Theo anh đây nì.

Cả bọn cười ồ khả ố. Vân run lên bật khóc. Tôi giận đến điên người, phóng lại đấm thẳng vào mặt tên vừa thốt ra câu đó. Bất thình lình bị ăn phải trái đấm của tôi, nó không tránh được ôm mặt la lên. Cả bọn ùa vào. Tôi chỉ mặt thằng Võ nói :

- Mầy rủ cả bọn trả thù tao phải không ? Được rồi thằng nào ngon nhào vô đi. Tao không ngán đâu mà.

Nhưng không có đứa nào nhào vô riêng rẽ mà cả một bọn chúng ào lên mình tôi như một cơn lốc. Đứa đấm vào mặt, đứa ôm ống chân, đứa đấm vào lưng. Trong giây phút thảng thốt đầu, tôi bị yếu thế ngã vật xuống. Một trận mưa đòn hội chợ phủ lên mình tôi. Chiếc răng cửa đau nhói. Một chất mặn mặn dính vào đôi môi xót. Đầu đau nhức trong cái tê tê không cảm giác. Tôi nghe loáng thoáng giữa tiếng hét, tiếng chửi tục tằn là tiếng la tiếng khóc sợ hãi của Vân. Tôi vùng lên, co chân đạp mạnh, đứa trên bụng tôi kêu lên bắn ra, đứa bên trái, đứa bên phải, một quả đấm đúng ngay vào sống mũi thằng bên cạnh. Tôi vùng dậy, đấm chúng liên hồi. Khoảng mười phút sau, chúng hè nhau bỏ chạy như vịt về phía trường. Tôi ngồi xuống đất thở dốc. Mấy vết thương trên lưng trên mặt chợt đau rát. Vân kiếm đâu được chiếc khăn ướt, vừa lau mặt tôi, lau những chỗ đau, vừa khóc thút thít. Tôi an ủi Vân :

- Vân đừng buồn nghe, tụi nó không dám làm chi Vân đâu. Thằng Võ mà gặp anh một lần nữa là biết mặt.

Vân không nói chỉ khóc. Chiếc khăn thấm đầy đất và máu. Nước mắt nhòe nhoẹt trên má Vân. Gương mặt Vân thật sát mặt tôi. Bỗng một thoáng tôi chợt thấy lòng rung động nhẹ. Vân lớn thật rồi, Vân đã trở thành một thiếu nữ dậy thì. Đôi má hồng, chiếc miệng xinh, đôi mắt đen trong vắt. Tất cả là một cân đối đáng yêu. Hèn gì tụi thằng Võ không nghi ngờ Vân và tôi có tình ý với nhau. Hèn gì, tụi nó không ghen tức. Nghĩ đến đó bất chợt tôi đẩy Vân ra xa. Vân ngạc nhiên hỏi :

- Vân làm anh đau hả ?

Tôi bối rối xua tay :

- Không, anh đỡ đau rồi, gần đến giờ vô học, coi chừng trễ. Cái cặp sách của Vân đâu ? Thôi, Vân lau mặt đi !…

Vân và tôi cùng đứng dậy. Nắng lên cao, hai con chim đang âu yếm rỉa lông nhau trên cành trúc xanh, hót giọng thanh thanh trong trẻo. Nắng chiếu trên má Vân đỏ hồng. Bờ tóc con gái bay bay đen mun như tấm nhung huyền. Tà áo dài trắng thướt tha trong nắng. Tôi đi chậm lại ngắm Vân kỹ hơn. Tự trong lòng có chút gì mênh mang tỏa lan khắp người, một chút rung động bàng hoàng. 

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III