Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

THƠ DẠI - Huỳnh Chúc


Đẩy mạnh cánh cửa đang khép hờ đập vào tường đánh “rầm” một tiếng, Nhu ba chân bốn cẳng thoát chạy ra đường. Đằng sau lưng, mẹ nó mặt mũi đỏ gay vì giận và mệt. Vừa thở vừa lăm lăm cán roi, bà la theo:

- Cút luôn nhé con! Tao mà vớ được mày thì cứ gọi là tao giết gà ăn mừng.

“Bà già cứ có lối nói “đao to búa lớn”, không sợ mang tội!” Nhu vừa nghĩ vừa tiếp tục co giò chạy. Bởi nó biết ngừng lại trước tầm mắt mẹ nó lúc này sẽ làm bà điên tiết đuổi theo túm nó lại “và như thế thì nhừ đòn!”

Nhu chạy cho đến lúc mệt lử, trông lại đã khuất xa ngôi nhà mình, nó mới yên tâm dừng chân. Đầu óc nóng bừng bừng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nhu cảm thấy nó đang thở bằng mũi, bằng miệng, bằng cả hai mắt hai tai. Cố gắng lê thêm vài bước, đến dưới cửa sổ đóng kín của một ngôi nhà nó ngồi phệt xuống. Bỗng như chạm phải lửa, nó nhỏm dậy méo xêch mồm vò lia lịa cặp mông. Nước mắt nó lúc này theo cơn đau rát bởi trận đòn lúc nãy lại tiếp tục “thánh thót”. Nhu cảm thấy tủi thân và hờn mẹ vô cùng! Mẹ nó hồi này sao ấy! Bất cứ chuyện gì, to nhỏ lớn bé bà cũng cứ đổ trút bực dọc vào Nhu. Nhiếc móc, đay nghiến, đòn vọt đủ điều. Nhiều lúc bị mẹ mắng nặng nề như tát nước, Nhu ngơ ngác không hiểu mình đã phạm lỗi gì khiến mẹ giận đến vậy. Nhu tự thấy là nó đã “hy sinh” đến mức tối đa để cho mẹ vui lòng. Nó là đứa trẻ ham chơi có thể gọi là “thượng đẳng”. Lúc trước, hầu như ngoài khi đến trường và giờ ăn ngủ, chẳng bao giờ Nhu có mặt ở nhà. Nó mê say theo bọn trẻ con trong xóm với những lon dế, con diều, cái vụ, hòn bi. Ham chơi đến nỗi vở học của nó luôn luôn lãnh “trứng vịt” và thầy cứ dọa đuổi bởi thành tích đội sổ mỗi tháng. Thế mà, sau lúc anh cả nó tử trận, chị nó phải bỏ học đi làm thuê, mẹ đổi tính ngày một gắt bẳn, Nhu tự động dẹp hết tất cả thú vui. Không phải vì mẹ nó cứ đay nghiến:

- Chơi, cứ chơi mãi đi rồi có gạo đổ vào nồi.

Nhu thấy rằng dù nó có chơi hay không cũng chẳng giúp ích hay làm hại chi cho gia đình. Bởi nó còn bé quá! Làm chi được ngoài việc học và “ăn tàn phá hại” (lời mẹ nó). Tuy nhiên, Nhu cảm thấy mình như “người lớn” ra trước những biến cố dồn dập đến với gia đình nó. Nó bắt đầu chăm học hơn, bắt đầu để ý đến công việc vặt vãnh trong nhà để giúp mẹ. Nhưng mẹ nó thì hình như không thèm quan tâm đến sự thay đổi ấy. Sổ điểm hàng tháng nó mang về với hạng thứ dần dần lên cao, bà chỉ nhìn qua loa rồi ký bừa vào. Nhu không trách mẹ bởi nó hiểu mẹ nó hằng ngày quần quật với mưu sinh, tâm trí đâu bà lo đến việc học hành hay dở của nó. Có điều, Nhu ngấm ngầm hờn mẹ mỗi lúc bà đánh mắng nó vô lý. Như hôm nay…

Em nó ốm, sốt li bì đã hai hôm. Nhìn mẹ lo âu ngồi sờ trán và đổ thuốc cho em uống, nó hỏi:

- Sao mẹ không đưa em đi bác sĩ?

Mẹ nó gắt:

- Đưa đến bác sĩ rồi bán mày đi lấy tiền trả cho người ta à?

Nhu ngây thơ:

- Thế mẹ để cho em bé chết à?

Thế là mẹ nó nổi trận lôi đình, chụp lấy roi quất nó túi bụi. Vừa đánh, bà vừa hét:

- Này “chết” này, “chết” này! Con nhà vô phúc! Mày mà còn trù ẻo thế thì bảo tao.

Nhu cuống quít lo đỡ đòn rồi thoát chạy. Đến bây giờ nó cũng không hiểu tại sao mình bị đòn. Nó nói thế là lo cho em đấy chứ! Sao mẹ lại bảo “trù”? Mà mẹ hay tin hão. Thế bố mới mất lúc em bé chưa sinh ra, rồi anh nó đi lính tử trận, như vậy cũng tại bị trù đấy sao?... Chậc… chậc! Nhu nhăn mặt lúc lắc đầu trước câu hỏi “nan giải” trong óc. Nó kéo vạt áo lên lau mặt mũi tèm lem khi thoáng thấy bóng con nhà Cảnh Sún từ xa đi lại. Nó không muốn để cho lũ bạn, nhất là thằng Cảnh tinh quái này thấy nó giọt dài giọt vắn, nhụt cả “chí khí” đi! Chả gì thì nó cũng xếp sòng lũ trẻ con trong xóm. “Nhu béo”! Hỗn danh của nó là thế mà! Mẹ nó cứ hay lấy thân hình như cái hạt mít của nó mà nghiến:

- “Ăn cho lắm vào! Béo nung núc chỉ tổ giỡn hớt, chả làm nên tích sự gì cả!”

Nhu nghe mẹ nói mà tức anh ách. Béo! Có phải tại nó muốn thế đâu! Lúc sau này ăn uống ngày càng kham khổ, cả nhà ai cũng gầy chỉ riêng nó là vẫn “phây phây”.

“Có lẽ tại mình không nghĩ ngợi nhiều” nó suy luận theo như người lớn mặc dầu nó không biết nếu nghĩ ngợi thì nó phải nghĩ về cái gì cơ!

Con nhà Cảnh Sún tiến lại gần Nhu. Nó nhìn chăm chăm vào cặp mắt hoe hoe đỏ, biết ngay tẩy rằng cu cậu vừa khóc mặc dầu Nhu đang cố gắng giữ vẻ mặt thật “lạnh lùng”.

“Con trai mà khóc là hèn, Nhu ạ” Anh nó vẫn thường nói với nó thế lúc còn sống. Và nó đã chẳng bao giờ thèm khóc trước mặt bạn bè. Nhưng hôm nay, chẳng may trong cảnh “bi đát” này nó gặp Cảnh Sún, thằng bé có tiếng lắm mồm nhất bọn, phiền chưa! Cảnh sún cười, nhe cả hàm răng mất thẩm mỹ:

- Ê Nhu béo! Nhè hở?

Nhu ngước lên nghênh nó một phát, không thèm trả lời. Cảnh Sún lại nhăn hở:

- Giao gầy nó bảo vừa thấy mày trong nhà chạy ra. Bị bà bô mày đét đấy hở? Sao thế?

Nhu bực tức:

- Câm mồm không ông ục cho một quả bi giờ!

Cảnh Sún sa sầm mặt “Thằng này hách thật! Chỉ chuyên môn bắt nạt anh em”. Nó định phang thêm vài ba câu cho Nhu béo thấm thía sự đời. Nhưng nhìn lại thân hình nung núc của thằng lỏi mà nó ngại. Nhu tính hiền nhưng cục. Nó mà léo nhéo thêm vài tiếng đố khỏi ăn đấm mê tơi.

Cảnh cố nén tức, nó hạ giọng:

- Ơ! Tao hỏi thế, có gì đâu nào? Sao lúc bà bô mày đét, mày không giương oai đi?

Nhu đâm cáu thực sự, nó hét:

- Mẹ tao là mẹ tao chứ! Mày, mày…

Nó đứng dậy toan túm lấy áo Cảnh Sún, nhưng Cảnh đã lẹ làng lùi lại.

- Ơ! Nhu, Nhu! Mày làm cái gì thế?

Nhu gườm gườm nhìn Cảnh Sún. Nó thấy cơn giận lắng xuống theo nét mặt sợ hãi của thằng này. Bao giờ cũng vậy, Nhu dễ dàng nổi nóng nhưng nó chỉ uýnh nhau thật sự với những đưa nghênh ngang với nó thôi. “Không nên đánh kẻ ngã ngựa” anh nó vẫn bảo thế mà.

Nhu ngồi phệt lại chỗ cũ, nó đe:

- Mày mà nói động đến mẹ tao thì mày chết.

Cảnh Sún hoàn hồn. Nó đứng tần ngần nhìn Nhu một lúc rồi bỗng ngồi xuống sát cạnh thằng bé. Nó hỏi nhỏ:

- Mà mày bị mẹ mày oánh thật đấy hở?

Nhu lườm nó. Cảnh Sún vội vàng:

- Tao hỏi thế là tao muốn chia sẻ với mày í chứ! Mày không biết là… 


Thế rồi Cảnh Sún ba hoa con chích chòe ngậu xị cả lên. Nó “ngôn” đủ thứ! Nào là mình có chuyện gì buồn thì cứ nói ra, ấm ức sẽ vơi vèo đi hết. Nào là bọn mình trẻ con dễ thông cảm nhau, người lớn đâu có chịu hiểu mình v.v… Nó tỉ tê mãi. Và nó càng tỉ tê Nhu càng thấy nó có lý. “Thằng này thế mà được đây” Nhu nghĩ thầm. Nó quay nhìn Cảnh Sún, ánh mắt đã có vẻ dìu dịu. Nó bắt đầu kể lại từ đầu đến cuối câu chuyện. Cảnh Sún im lặng ngồi nghe ra cái điều hiểu biết. Nghe xong, nó gật gù:

- Thế thì mẹ mày độc tài thật!

- “Độc tài? Thằng này hôm nay lắm trò quá! Độc tài là cái gì?” Nhu định hỏi Cảnh Sún, nhưng sợ nó lên mặt nên thôi.

Hai đứa ngồi im lặng một lúc, Cảnh Sún hỏi:

- Thế bây giờ mày định sao?

Nhu ngẩn người:

- Cái gì?

- Thì chuyện mẹ mày độc tài í.

Nhu vẫn ngơ ngác:

- Thế là thế nào?

Cảnh lên giọng:

- Mẹ mày độc tài, oánh con vô lý. Mày phải làm cái chi đó cho mẹ mày sợ mà thôi đi chứ!

Rồi nó kể lể là mỗi khi mẹ nó đánh hoặc nó xin gì không được, nó làm núng làm nẩy, bỏ cơm bỏ học thì mẹ nó phải chìu. Nó bảo Nhu:

- Mày mà làm như tao í thì không được. Vì mẹ mày chắc sẽ đét mày thêm. Bây giờ mày đừng thèm về nhà, cứ đi “bụi đời” vài hôm là mẹ mày ngán.

- Bụi đời? Bụi đời là cái gì?

Cảnh Sún bực dọc tặc lưỡi. “Thằng này ngốc như lợn” nó nghĩ nhưng không dám nói ra vì sợ Nhu lại nổi cục bất tử. Cảnh Sún giải thích:

- Thì bụi đời là đi ra ngoài, không sống ở nhà. Giang hồ í mà!

Nhu thắc mắc:

- Thế đi luôn à?

- Không, đi luôn là người lớn í chứ! Tụi mình trẻ con thì đi vài hôm cho bố mẹ ngán thôi.

- Thế cơm đâu mà ăn? Tắm rửa làm sao? Còn ngủ, còn đi học?

Cảnh Sún nhún vai:

- Mày lo hão! Bụi đời là phải hy sinh những cái vặt, hiểu chưa? Mày đến nhà tao chơi, đến giờ cơm tao mang ra ăn chung với mày. Còn ngủ thì tao lén bố tao cho mày ngủ trên chiếc xe Lam của ổng í! Còn học? Úi giời sao mày siêng ghê thế? Nghỉ vài hôm đã có sao đâu?

Thấy Nhu lưỡng lự, Cảnh hăng hái nói tiếp:

- Mày cứ đi vài hôm chơi cho hả. Mẹ mày đi tìm tao sẽ kiếm cách giấu, chờ bà cuống líu tìu liu lên rồi hẵng về.

“Mẹ sẽ đi tìm, mẹ sẽ…” Nhu chép miệng:

- Nhưng mà em bé tao đang ốm. Chị tao lại không có nhà. Nhỡ em tao trở bệnh rồi một mình mẹ tao làm sao?

Cảnh xì một tiếng:

- Mày nói cứ như mày là Bác sĩ! Có mày ở nhà thì mày làm được cái gì nào? Vả lại có như thế mẹ mày mới thấy mày cần thiết chứ!

“Cảnh Sún có lý! Có như thế mẹ mình mới thấy mình cần thiết với gia đình, mẹ mới không còn mắng mình vô tích sự nữa.” Nhu bỗng thấy mình như quan trọng hẳn lên! Nó nắm tay Cảnh Sún:

- Tao nghe lời mày nhé! Mà vài hôm thôi mày phải đưa tao về.

Cảnh Sún gật:

- Ừ! Tao sẽ nói là tao gặp mày ở đâu đó.

- Nhưng mẹ ông mà oánh thì ông ục mày.

Nhu vừa nói vừa giơ cao nắm tay, Cảnh Sún cũng cứ gật bừa, lôi nó đi.

Trời đã nhá nhem. Nhu rầu rĩ ngồi bó gối sau vườn nhà Cảnh Sún. Nó nghĩ đến mẹ, đến em, đến ngôi nhà nhỏ bé mà ấm cúng của nó. Giờ này, lệ thường thì mẹ nó dọn cơm gọi nó lên ăn. Chị nó làm cho người ta hằng tháng mới về một lần, và chỉ một buổi rồi lại đi. Nhà chỉ vỏn vẹn ba mẹ con. Thế nhưng mỗi bữa ăn mẹ nó vẫn đặt thêm hai đôi đũa, hai cái bát để tưởng nhớ đến cha và anh nó. Nó biết mẹ cũng nhớ chị nó, không đặt thêm bát đũa phần chị vì bà kiêng. Mẹ nó cứ thường vừa ăn, vừa nhìn hai cái bát trống mà khóc. Ngày này vắng nó, em nó lại đau! Không bà ăn cơm một mình có khóc vì buồn đơn độc không?

Nhu cảm thấy mắt cay cay khi nghĩ đến điều này. Nó bậm môi cố nén nước mắt cùng một lúc với cơn cồn cào của ruột. Từ trưa đến giờ nó không có hạt cơm nào trong bụng ngoài mẩu bánh mì ăn ban sáng. Cảnh Sún giữ lời hứa, có mang cơm ra vườn nhưng nó tự ái không ăn. Nó không muốn mang ơn một ai khi chưa cần thiết như vậy. Nó định cố nhịn cho đến sáng mai, độ chừng mẹ ra chợ nó sẽ lẻn về tìm thức ăn. Nó chưa có ý định trở về nhà mặc dầu nó nhớ mẹ thương em vô cùng.

“Tao mà vớ được mày thì tao giết gà ăn mừng”.

Nhu nhăn mặt khi nhớ đến câu nói phũ phàng của mẹ. Sao mẹ nó lại ác như thế? Nó cảm thấy hơn lúc nào hết, nó phải cố thực hiện cho được ý định của mình. Cảnh Sún đã mở cho nó một con đường và nó phải đi cho trót. “Chỉ có như vậy mới làm mẹ thức tỉnh và thương nó thôi”.

Nghĩ thế nhưng quanh đi quẩn lại rốt cuộc lòng Nhu vẫn xót xa. Nó bứt rứt ngồi đứng không yên với lòng nhớ nhà, thương em thương mẹ. Nhu đứng lên đi lần đến cửa sổ phòng khách nhà Cảnh Sún. Nó giật mình vì bắt gặp ánh mắt của bố Cảnh Sún nhìn ra. Nhu toan lẩn nhưng ông đã gọi:

- Cháu tìm Cảnh hở? Vào đây!

Thì ra ông chưa biết sự hiện diện của nó tại đây suốt sáng đến giờ. Nhu lúng túng chưa biết phải làm sao thì Cảnh Sún đã chạy ra nói nhỏ:

- Mày cứ vào nhà đi. Bố tao ổng tưởng là mày đến chơi với tao đấy. Mày vào xem ti vi đến khuya tao giả vờ tiễn mày về rồi đưa mày ra xe ngủ.

Nhu bước theo Cảnh như cái máy. Nó lí nhí chào bố Cảnh, ông nhìn nó khẽ gật đầu rồi tiếp tục xem báo. Cảnh Sún láy mắt với nó rồi kéo vào góc nhà:

- Mày ngồi đây xem Ti vi với tụi nhỏ nhé! Tao vào chép cho xong bài Sử ký, tao ra ngay.

Vô tình, Cảnh Sún đã nhắc nhở cho Nhu về chuyện học ngày mai. Nó chép miệng khe khẽ thở dài rồi ngồi xuống với lũ em Cảnh Sún. Bọn nhóc thấy nó thì toét mồm ra cười, nó cười lại mà lòng quay quắt nhớ em.

Ti vi bắt đầu phát hình một tác phẩm của một ban kịch nổi tiếng. Nhu say mê theo dõi đến nỗi Cảnh Sún ra ngồi cạnh nó lúc nào nó cũng không hay.

Vở kịch diễn tả cuộc đời một bà mẹ lúc còn trẻ vì trắc trở tình duyên, bị chồng hiểu lầm nên phải ra đi ôm một bào thai vừa hai tháng. Thời gian qua, bà nhẫn nhục sinh một bé trai rồi tảo tần bán buôn nuôi con khôn lớn. Thằng bé con bà trạc tuổi Nhu. Nó chưa được đi học và phải đi đánh giày phụ giúp mẹ. Một hôm nó đi đường bị một chiếc xe đụng phải, người lái xe chở nó vào bệnh viện trong lúc mẹ nó cuồng trí lên vì được tin và ngỡ rằng con đã chết. Thằng bé được người gây ra tai nạn săn sóc, sau hỏi ra mới biết là cha nó, hiện giờ là một bác sĩ y khoa. Ông ta mừng rỡ nhận được con và hiểu nỗi oan tình của vợ. Ông đem mẹ nó về và sau khi cố công chạy chữa bằng những nhắc nhở tâm lý, bà dần dần tỉnh lại nhận ra chồng và mừng đến khóc khi thấy lại con. 


Vở kịch chấm dứt bằng sự đoàn tụ vui vẻ và trong nỗi bàng hoàng của Nhu. Nó ngỡ ngàng quay lại nhìn Cảnh Sún khi bị thằng này đập tay lên vai. Gương mặt đầm đìa nước mắt của Nhu làm Cảnh kinh ngạc. Sợ bố nó chú ý, cảnh lôi Nhu ra ngoài hỏi nhỏ:

- Sao thế mày?

Nhu mím môi. Nó gạt nước mắt:

- Tao về, cảnh ạ!

Cảnh Sún tròn mắt:

- Về?

Nhu gật.

- Về giờ này? Mẹ mày oánh chết!

- Mẹ tao oánh thì tao cũng phải về. Tao…

Nhu không biết tìm lời gì để nói cho gẫy gọn. Vở kịch ban nãy đã làm chao động đầu óc nó. Hình ảnh thằng bé đánh giày vì bênh mẹ nên đã không nghĩ đến tấm thân yếu đuối của mình, xông vào đánh một kẻ lớn hơn và được sự giúp sức của một thằng bạn có thân hình thật béo (béo như Nhu). Mẹ thằng bé không bằng lòng thấy con gây gổ đánh nhau, bà tỏ vẻ giận. Thế là thằng bé vội vàng ôm mẹ xin lỗi và hứa không tái phạm nữa. Tại sao thằng bé lại hiếu thảo với mẹ đến vậy, và tại sao nó lại có thằng bạn tốt như thế? Nhu xấu hổ thấy mình không xứng đáng một phần nhỏ của thằng bé kia. Nó không giận Cảnh Sún đã xúi giục nó, vì Cảnh nói gì thì nói chứ! Ai bảo nó nghe! Thằng bé trong vở kịch không được đi học, thế mà nó biết kính yêu cha mẹ một mực. Còn nó? Thầy vẫn dạy hiếu thảo, lễ nghĩa… Nó thực hành lời thầy như hiện tại đấy ư?

Lòng Nhu nóng lên khi nghĩ đến mẹ đang cuống cuồng vì giờ này không thấy nó về. “Mình đi vài hôm chắc mẹ dám cuồng lên như bà mẹ thằng bé trong ti vi ấy!? Nhu nghĩ, rồi nó hấp tấp bước khỏi thềm nhà Cảnh Sún:

- Tao về nhé!

Cảnh Sún níu nó lại:

- Mày đợi tao về xin phép bố tao rồi tao đưa mày về.

Hình như Cảnh Sún cũng hối hận vì đã xúi dại Nhu. Nhu gỡ tay nó:

- Thôi để tao đi một mình. Mày đưa tao rồi lúc mày về làm sao?

Cảnh Sún đưa mắt nhìn ra ngoài. Quả tình nó cũng ngại khoảng đường từ nhà Nhu kéo về vì nó sợ ma có tiếng.

Còn đang lưỡng lự, Nhu đã nói cộc lốc:

- Tao về!

Rồi thằng bé chạy vụt vào đêm tối trong lúc Cảnh Sún thẫn thờ ngó theo.

Đi một quãng, Nhu mới chợt nhớ là nó chưa chào bố thằng Cảnh. “Mình lú cả ruột gan!” Nhu lẩm bẩm.

Đang cắm cúi đi ngang nhà bé Lan, Nhu nghe tiếng con bé gọi. Dù lòng đang nôn nóng về nhà, Nhu cũng dừng lại chờ bé Lan trong nhà chạy ra. Con bé nhìn nó:

- Đằng í đi đâu về vậy?

Nhu còn lúng túng, Lan tiếp:

- Ban nãy mẹ đằng í đi tìm đằng í, từ xẩm tối cơ! Bà bảo tớ có gặp đằng í thì nhắn đằng í về tắm rửa ăn cơm, kẻo bà bận em Vân ốm không đi tìm lâu được. Mà đằng í đi đâu vậy?

Nhu ấp úng:

- Tớ chơi nhà Cảnh Sún.

Lan hỏi nhỏ:

- Ban sáng đằng í bị mẹ oánh hở?

Nhu bẽn lẽn. Nó liếc con bé một cái thật nhanh rồi nói vội vàng:

- Tớ về nhé!

Lan gật:

- Ừ thôi đằng í về đi! Mai đi học mang cho tớ mượn vở Địa lý nhá!

Nhu gật đầu. Nó phác một cử chỉ chào bé Lan rồi bước nhanh. Đầu óc nó hiện giờ rối tung lên để tìm lời xin lỗi mẹ. Thì ra mẹ Nhu đâu có ghét nó! Vì chịu đựng dồn dập bao nhiêu đau khổ, thêm cảnh nhà túng bấn mẹ nó sinh gắt bẳn với nó thế thôi. Đáng lý ra Nhu phải giúp đỡ, an ủi mẹ thế mà nó…

Nhu suy nghĩ lan man cho đến lúc về trước sân nhà. Tim đập thình thịch, nó hồi hộp nhìn qua khe cửa.

Trong nhà, mẹ nó đang buồn rầu ngồi chống tay trên bàn. Nét mặt bà muộn phiền, âu lo khác hẳn với lúc đánh nó ban sáng. Chốc chốc, bà cứ nhìn lên đồng hồ rồi ngó ra cửa chép miệng thở dài. Chợt em nó cựa mình kêu khóc, mẹ nó vội vàng chạy vào dỗ. Lúc bà quay ra, Nhu thấy trên má mẹ long lanh mấy giọt nước mắt. Không nén được, Nhu òa khóc rồi đẩy cửa bước vào nhà.


HUỲNH CHÚC      


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 49, ra ngày 30-7-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com