Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

CHƯƠNG XIV_TIẾNG CHUÔNG DƯỚI ĐÁY BIỂN




CHƯƠNG XIV


Vừa lẩn vào chỗ nấp, Lan đã bưng mặt khóc. Nàng tấm tức :

- Từ nãy tới giờ đứng gần anh Minh mà nỏ biết! Thiệt uổng thì giờ vô ích. Ai ngờ chính anh ấy lái chuyến xe đó. Giờ biết đến khi mô mới gặp được ảnh!

Khôi an ủi :

- Không may thật. Nhưng mình cũng vừa thoát khỏi tay bọn người kia. Biết đâu, nếu gặp anh ấy, mình lại đụng đầu với họ thì còn "hố" cả lũ. Bọn họ đâu có hiền gì!

Lan lau nước mắt :

- Thiệt tui cũng dễ khóc quá! Tại thấy anh Minh rồi cầm lòng không được...

Khôi Việt hiểu rõ xúc động của Lan. Giá lúc nãy Minh quay mặt lại các anh đã nhận ra Minh sớm hơn. Dầu sao trong cái rủi vẫn có cái may: bọn người vừa ra sân ga, vướng trong bộ y phục có mũ chụp kín đầu nên chưa kịp thấy gì hết.

Nơi ba người đang ẩn núp lại là một chỗ rất kín. Ngách hầm này cũng có một cầu thang, rêu mốc hôi hám chứng tỏ nó ít khi được dùng đến. Đứng trong nhìn ra có thể quan sát sân ga dễ dàng mà không sợ bị lộ.

Tiếng chuông đồng vẫn tiếp tục vang lên, trong lúc đó bọn người ngoài kia bận kiểm soát lại những móc nối của các toa goòng. Sau đó họ đi vào ngách hầm mà hồi nãy bọn Khôi Việt đã nấp. Bộ y phục của họ còn ướt nước, loáng bóng dưới ánh đèn.

Tiếng chuông bỗng ngưng. Rồi có tiếng ầm ầm rung động mặt đất. Tiếp đó tiếng ồn ào nổi lên ở chỗ có tấm biển đề chữ "nguy hiểm" và bọn người vừa vào nối đuôi nhau khuân những thùng nặng ra, chất lên các toa xe.

Khôi lẩm bẩm :

- Họ đưa quặng tới bằng một máy trục. Cũng may là tụi mình không đứng lại bên đó.

Đoàn người im lặng, hùng hục làm việc. Hình như họ cố tranh thủ thời gian, cho công việc chóng xong. Nhưng việc họ làm, phải cả giờ nữa mới hết.

Khôi bực bội nói :

- Mình lại đứng chôn chân ở đây mãi sao? Chờ cho họ xong việc thì biết đến bao giờ!

Việt thận trọng :

- Có lẽ mình nên rán đợi xem xong việc ở đây rồi bọn họ đi đâu? Chắc có lối lên mặt đất được.

Lan đề nghị :

- Hay mình cứ thăm thú thử coi? Chiếc cầu thang này tuy có vẻ ít được dùng song biết đâu nó chẳng đưa ta đến một lối thoát nào khác?...

Lúc còn ở ngoài hang, ba người đã hí hửng tìm được chỗ giấu xuồng kín đáo, phòng lúc trở về. Nhưng bây giờ, ý định ấy thật hết còn hy vọng. Cánh cửa sắt đậy đường hầm đã sập xuống. Và chiếc tiểu thủy đĩnh còn nằm án ngữ ngoài hang.

Thật không ngờ cuộc mạo hiểm này lại đưa ba người xuống sâu một hầm mỏ bí mật, khai thác quặng Quassium. Ngoài số người đang làm việc dưới mỏ, bọn Khôi Việt là những kẻ duy nhất được biết đến nó.

Vì biết quá nhiều, nên họ đâm ra lo ngại. Nếu bị lộ diện tất họ không thoát khỏi một sự trừng phạt ghê gớm và không mong gì được yên ổn trở lên mặt đất.

Cả ba người đều có chung ý nghĩ: Phải làm sao tìm gặp được Minh hoặc thầy Phong, nhờ họ liệu cách cho mình trốn thoát. Bằng không gặp được hai người ấy, cũng phải liều xông xáo tìm cách thoát hiểm chứ không thể đứng nấp mãi đây được.

Suy tính một hồi, Lan tình nguyện đứng gác ở cửa hầm, để Khôi Việt trèo lên thang thăm thú. Đề nghị của Lan không được chấp thuận vì cả Khôi lẫn Việt đều ngại rằng: nếu để Lan đứng đó, nhỡ thấy Minh nàng sẽ không ngần ngại nhào ra, và bị lộ cả đám.

Khôi nói :

- Tôi mất một chân giầy, đi lại hơi khó vậy để tôi đứng gác cho.

Lan và Việt nối đuôi nhau lên thang. Cầu thang chật hẹp, xoáy hình ốc nhiều chỗ mục nát, hầu như đã có từ lâu đời và giống lối lên một vọng lâu. Hết bực thang, Lan, Việt thấy mình đứng dưới một vòm đá, xây bằng những phiến đá lớn. Đá đã mọc rêu như trải qua nhiều thế kỷ.

Lan bấm đèn soi vách đá :

- Coi tề, hình như có một niên hiệu.

Việt nhìn theo ánh đèn, thấy có máy chữ Hán khắc chìm trên mặt đá.

- Sao chị biết đó là một niên hiệu?

- Đọc thì biết!

- Giỏi quá. Chị đọc được cả Hán tự. Chữ gì thế chị?

- Kỷ Hợi!

Việt vỗ tay lên trán :

- Xem nào, năm Kỷ Hợi tức là năm chúa Hiển Tôn tuần du Phố Hội. Không lẽ cái mỏ này có từ đời ấy? Vô lý, vì thời ấy đã ai biết đến chất Quassium?

Lan hơi bực mình :

- Ai biết đâu nà! Có thể vào thời đó người ta cũng đào mỏ nhưng chỉ khai thác các chất khác như đồng, thiếc... thôi.

Việt trạnh nghĩ đến phố Hội cổ xưa. Anh lẩm bẩm :

- Vô lý thực! Không hiểu cầu thang ngầm dưới lòng đất này có liên quan gì tới thị trấn bị chìm ngập như lời hoang truyền kể lại? Ừ, biết đâu được?

Lan càu nhàu :

- Câu chuyện hoang đường ấy, có hay không cũng chẳng ăn nhằm gì tới mình.

- Phải... Dù sao thì tụi mình leo lên đây là để tìm một lối thoát thân, chứ không thể để bàn cãi về lịch sử. Nhưng niên hiệu kia, chứng tỏ cái cầu thang đưa đến vọng lâu này đã có từ lâu đời. Mà thôi, tụi mình qua hành lang kia xem sao đã.

Dọc hành lang có mấy hốc hẹp cao vừa đầu người, bên ngoài có song sắt gắn liền vào đá trông giống như những cái cũi nhốt.

Lan nói :

- Chẳng biết hành lang này dùng làm gì. Nhưng chắc không phải là cửa hầm mỏ rồi.

- Khoan đã, phía tay phải còn một đường quẹo nữa... Hay tụi mình cứ xem thử?

- Có cần thiết không?

- Không cần lắm. Nhưng đã thấy nó cũng nên tò mò cho biết...

Việt chiếu ánh đèn vào hốc đá tối om. Ánh đèn của Việt chiếu qua song sắt soi rõ vách đá sù sì bên trong và ở góc khuất nhất Lan, Việt rùng mình thấy một đống xương màu xám mốc.

Lan kéo Việt lại :

- Hình như đây là một ngục tối. Đống xương tàn của những kẻ bị giam cầm kia chắc đã bị bỏ quên và chết rũ tù...

Việt xoay ánh đèn đi chỗ khác :

- Tụi mình đi thôi. Đứng đây ngán quá. Ngách này còn một cầu thang nữa. Ta lên xem rồi quay xuống với Khôi là vừa, kẻo hắn nóng ruột.

*

Đợt thang sau cao hơn đợt trước,Việt nhẩm đếm được sáu mươi lăm bậc, trước khi tới một chặng nghỉ, để leo tiếp đợt thang khác xoáy theo vòng ốc.

Lan nói :

- Thang cứ ngược lên mãi, may ra chúng mình lên tới mặt đất được. Cứ tiếp tục nữa coi!

Tuy đã mỏi gối hai người vẫn tiếp tục bước và thay nhau đếm những nấc thang mà chắc hàng bao nhiêu năm qua không ai in dấu chân lên mặt gỗ đã rêu xanh mục nát.

Lên được hai trăm bậc, hai người tự hỏi không biết còn phải tiếp tục tới bao lâu nữa. Tuy vậy cả hai đều đồng ý gắng leo thêm một trăm bậc nữa.

Đến nấc thứ hai trăm sáu chục, Việt vừa bắt đầu thối chí thì Lan chợt dừng lại :

- Có một cái cửa, cậu Việt ạ!

Chỗ Lan đứng là nấc nghỉ của chặng thứ hai nằm ngang với một cửa song sắt rỉ sét. Hai người hợp sức cố đẩy, nhưng cánh cửa không lay chuyển.

Bên trong mạng nhện chăng đầy và trên nền đá có một đống khoai lang.

Lan nói :

- Đống khoai kia, tất phải có người đem xuống. Như vậy, vị trí chỗ này chắc không xa trại bao nhiêu và cũng gần mặt đất rồi.

Việt chắc lưỡi :

- Khổ quá, giá không vướng hàng song sắt này tụi mình có hy vọng ra khỏi đây được.

Lan gật đầu :

- Đúng thế. Đây là lối thoát duy nhất của tụi mình. Cậu nên nhớ là Khôi đã đánh chìm những thuyền ngoài bến còn bọn mình thì đang bị lùng kiếm ngoài hang.

- Xuỵt! Hình như có người!... Tắt đèn đi.

Có tiếng chân bước. Thoạt nghe, Việt hoảng hốt tưởng có người đến phía sau lưng. Nhưng sau anh nhận ra tiếng động chân ở bên trên, trong một phòng cao hơn hầm đựng khoai. Tiếng chân lui tới ngang dọc quanh phòng và thỉnh thoảng ngừng hẳn lại.

Việt ghé sát tai Lan trấn tĩnh :

- Không sao đâu. Mình còn một hàng song sắt chắn lối và chắc không ai xuống mở nó ra làm gì. Nhưng không hiểu người nào ở trên đó?

Thực tình, nếu Việt chỉ có một mình, anh đã trở xuống ngay. Nhưng có Lan, nếu cả hai người cùng hấp tấp chạy xuống sẽ vấp ngã và gây tiếng động.

Chợt tiếng chân bước đổi hướng. Hình như người ở trên tiến gần về chỗ Lan, Việt. Tiếp đến ánh lửa vàng vọt chập chờn trên các bậc thang, soi rõ cả đống khoai.

Việt vội đẩy Lan :

- Mau, nấp sang một bên.

Ánh lửa chiếu sáng mỗi lúc một rõ. Lan và Việt đứng dán người bên vách đá nên không sợ bị lộ, nếu người bên trong không mở song sắt để ra ngoài.

Hai người nín thở, theo dõi ánh sáng di chuyển trên các nấc thang. Việt thầm mong những bước chân là của người chủ trại nào đó xuống hầm lấy khoai. Nhưng không, người vừa xuống chẳng để ý gì đến đống khoai cả, chỉ lướt qua và hầu như đang quan sát quanh hầm. Hắn cầm một ngọn nến cháy: lúc giơ lên cao quá đầu, lúc lại đưa soi sát mặt đất.

Hắn tìm gì? Việt thầm hỏi, và anh nhích sát lại gần song sắt. Bên kia Lan cũng có cử chỉ tương tự.

Gã đàn ông cử động một cách thận trọng gần như dè dặt. Hắn bước những bước nhẹ tiến lại hàng song sắt.

Việt hồi hộp chờ đợi, anh nghe tiếng thở của hắn rất gần... tay hắn bám vào những gióng sắt. Hình như hắn đang tìm cách mở cửa và cứ theo cử chỉ mà đoán thì rõ ràng là hắn chưa quen lối.

Sớm muộn gì hắn cũng thất vọng, như Lan, Việt vừa rồi. Tuy nhiên hắn chưa nản, vẫn cố đưa tay sờ soạng ra ngoài hàng song sắt. Ngọn nến của hắn run rẩy chao động. Hắn đặt mẩu nến xuống đất, dùng cả người đẩy vào gióng sắt.Việt liếc nhìn, hoảng hốt thấy cánh tay hắn thò hẳn ra ngoài tìm ổ khóa, và chợt nắm nhằm khuỷu tay của Lan. Giật mình, Lan kêu lên kinh hãi. Việt hét :

- Giữ chặt lấy tay hắn!

Rồi Việt nhào ra phụ với Lan. Sau hàng song sắt, anh đối diện với một khuôn mặt kinh hoàng tái nhợt. Nhưng Việt không để ý. Anh phải cấp tốc gỡ Lan ra khỏi bàn tay của hắn.

Nhưng hắn càng nắm chặt hơn. Trong lúc co kéo, gã đàn ông đạp nhằm ngọn nến. Ánh lửa tắt ngóm, tối om. Hắn bỗng cất tiếng nói, giọng xúc động :

- Lan! Phải Lan không? Cô đến đây làm gì?

- Thầy Phong!

Lan run rẩy bấm đèn. Bên kia hàng song sắt đúng là thầy Phong... Ba người chụm đầu lại hỏi han bàn bạc một hồi. Thầy nói :

- Mình gặp được nhau đây thật may. Chỉ tiếc ta không nhập bọn được vì cái hàng song sắt ác hại này. Thì giờ cấp bách, chúng ta nên hoạch định ngay một chương trình hành động trước khi chia tay.

Lan và Việt nói cho thầy rõ hai người từ ga xe ngầm lên và hiện Khôi đang còn đứng canh chừng bên dưới trong lúc các thợ mỏ đang chuyển các thùng quặng Quassium lên các toa goòng. Thầy Phong căm phẫn :

- Nếu chỗ quặng Quassium này được chuyển tới nơi, cả thế giới dám biến thành biển lửa... Tôi lần mò xuống đây, cốt tìm phòng truyền tin bí mật của bọn họ, và cũng tìm các cậu luôn, vì nghe nói các cậu đang ẩn nấp đâu đó với cô Lan.

- À, ra họ cũng biết như thế!

Thầy Phong tiếp :

- Mình nên thông cảm cho họ, dân trên đảo chỉ có một ít người, lại xa với đất liền, nên họ rất dễ bị khủng bố. Họ biết thân phận của họ sẽ ra sao nếu họ dám cưỡng lại mệnh lệnh của Tổ chức. Họ cũng không dám trốn hoặc báo cho nhà chức trách vì sợ cả gia đình bị tàn sát. Tên đầu sỏ của tổ chức bí mật này không cho phép ai rời đảo. Bởi vậy, nên họ cũng rất lo cho các cậu.

Việt nói :

- Họ đều biết là hai anh em tôi sang cắm trại trên đảo bằng một chiếc xuồng nhỏ.

- Hiện thời, dân đảo vẫn cố tránh tiếp xúc với các du khách. Còn với hai cậu, họ cho là các chú học trò thơ ngây nên không quan tâm lắm.

Việt cười :

- Mới đầu thì thế thật. Nhưng khi hai anh em tôi nghe được tiếng chuông kêu dưới đáy biển, thì lại khác.

Thầy Phong gật đầu :

- Tôi thành thực khen các cậu đã làm một việc hữu ích. Nếu tôi còn sống, tôi sẽ công khai nói điều ấy với mọi người. Nhưng thôi, bây giờ tôi phải trở về trại để khi họ về không nghi ngờ gì cả. Xuồng các cậu giấu đâu?

Lan Việt thuật lại khi giấu xuồng ngoài hang và nhờ đó khám phá ra chiếc tàu ngầm.

Thầy Phong nói :

- Như vậy càng tiện. Tôi đã lén lấy chiếc lều vải của các cậu để làm một cánh buồm. Tôi cũng làm sẵn một cái mảng và cũng giấu sẵn trong hang đó chờ nước triều lên thì dong buồm trốn đi.

- Nếu vậy, thầy có thể đi cùng với chúng tôi.

- Dĩ nhiên rồi. Nhưng trước khi rút lui chúng mình phải hành động đã. Các cậu hãy theo đúng chỉ dẫn của tôi. Mục đích của chúng ta là ngăn cản đừng để chiếc tàu ngầm kia trở ra khơi. Bây giờ đã quá chậm để báo cho nhà chức trách ở đất liền biết.

Việt hăng hái :

- Chúng tôi sẵn sàng. Và chắc Khôi cũng đồng ý...

- Được! Vậy, việc trước hết là cậu đưa cô Lan trở xuống hầm mỏ, cứ theo lối cũ đã lên, chứ đừng qua ngã khác mà lạc lối. Các cậu nhớ chứ?

- Dạ nhớ. Chúng tôi sẽ gặp Khôi ở một cửa hầm trước sân ga.

- Khá lắm! Song phải hết sức cẩn thận. Những hầm mỏ này đã được khai thác từ thời trung cổ. Tôi là người duy nhất đã khám phá ra nhưng chưa thuộc đủ đường lối thì bị người của tổ chức này cầm chân trên đảo. Thôi, hai người trở xuống liền đi, và chờ cho họ bốc hàng xong hãy ra. Rồi tìm trong các hành lang xem có chỗ nào để trạm kiểm soát, và nhớ tránh ngã nào để biển Nguy hiểm.

- Chúng tôi đã gặp một biển có đề Nguy hiểm.

- Từ giờ hễ gặp biển ấy thì phải tránh, vì đấy là chỗ họ nổ mìn khai quặng. Còn nếu tìm được trạm kiểm soát thì cứ mạnh dạn mà vào. Lúc tàu chạy rồi sẽ không còn ai trong đó nữa. Trong một góc phòng, các cậu sẽ thấy một đống quần áo lặn. Hãy vào nấp kín ở đó và chờ tôi, đừng làm gì cả nếu chưa thấy tôi ra dấu. Bây giờ, chuồn lẹ đi. Tôi nghe có tiếng chân bên trên. Nếu tìm được đài truyền tin tôi sẽ đánh điện đi. Cần phải nhớ đây là vấn đề sinh tử của chúng mình. Nếu hành động sai lầm là chết, vì không còn ai giúp mình được cả.

Thầy Phong thò tay ra ngoài song nắm tay Lan. Đoạn thầy quay đi bước những bước dài với cây nến cầm tay.

Việt kéo Lan đi :

- Thế là tụi mình có cơ hội thoát thân rồi.

Lúc hai người xuống tới chân cầu thang Khôi cau có gắt :

- Làm gì mà lâu thế? Bọn họ bốc hàng xong đã leo lên đi cả rồi; đèn ngoài sân ga cũng tắt hết, nên đành phải chờ vậy.

Khôi hăng hái trở lại khi được biết những điều do Lan và Việt thuật lại. Sau đó cả ba lần ra ngoài sân ga vắng lặng và tối om để thăm thú từng ngách hầm một. Mỗi lần gặp ngách hầm có đề Nguy hiểm ba người vội lui ngay. Mò mẫm một lúc khá lâu, họ gặp một lối đi khá rộng dẫn đến một hang động lởm chởm đá nhọn, khe vực. Khá sâu phía dưới chân có nước biển sóng sánh.

Hang động này không giống như cái hang ba người đã giấu xuồng. Nó rộng hơn, trông hoang vu dễ sợ, với những hòn đảo nhỏ bằng đá rải rác nhô lên. Động không tối lắm, vì nước hình như phát quang.

Khôi lia ánh đèn quét một vòng, bắt gặp một ngọn tháp trồi lên mặt nước.

- Hình như kia là một ngọn tháp!

Lan nói :

- Đúng rồi, trên tháp có một cái chuông!

Việt bỗng thấy trống ngực đập mạnh. Anh thấp giọng bảo :

- Cái chuông ngân vang dưới đáy biển!

Khôi không kém xúc động, lẩm bẩm :

- Đây đúng là tháp chuông thánh đường của phố Hội cổ xưa đã bị chìm sâu dưới nước!

Như vậy tiếng chuông kêu dưới biển đã được khám phá và Khôi Việt đều biết nó được đánh lên để làm gì trong hầm mỏ.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XV