Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

MÈO GIÀ HÓA CÁO - Phan Khương Thái


Mụ kiên nhẫn ngồi thu lu nấp sau bụi hoa dạ lý hương. Mùi phân vịt của chuồng cạnh kề nồng át. Cửa chuồng toang hoác. Lũ vịt đi tắm mãi tận ao hàng xóm. Tụi gà con xục xạo “chíp chíp” ỏm tỏi. Vài đứa chỉ chực băng vào chuồng vịt. Nhưng chị gà mái dè dặt và đáo để. Chị “tục tục” réo gọi mấy đứa tò mò háu đói. Có lẽ chị linh cảm chuyện gì ghê gớm sắp sửa xảy ra. Chuyện phải đến rồi cũng đến. Mụ không nén nổi cơn đói hoành hành cái bao tử lép xẹp nên vút ra. Chị gà mái chỉ kịp thấy vệt vàng sậm táp nhanh hai khối tròn vàng tươi và phóc sang bụi tre gai. Chị gà mái thảng thốt la cầu cứu vang sân vắng. Phụ họa chị có tiếng lũ con nhốn nháo, đứa thì chạy tản ra, đứa thì chụm lại dưới cánh bà mẹ lơ đễnh. Chị gà mái băng băng định rượt theo con vật kẻ thù. Tiếc thay chị không có được khứu giác bén nhạy. Chị mất dấu từ chỗ hàng rào. Dòng máu rơi rớt từ những cái cổ non xinh nõn nà chợt đứt quãng trên bờ đất đen. Chị gà mái dừng lại và ngơ ngác. Một đám ngơ ngác kéo theo đuôi. Tụi nhỏ lại bàn cãi nhau và giành giựt một con giun chỉ. Chúng chẳng cần biết vừa mất hai đứa trong bọn. Mà nếu có biết ư? Càng tốt, đỡ hai miệng ăn!!!

Giá mà chị gà mái chịu khó thêm một đoạn đường nữa. Quanh co lối tẩu thoát dẫn đến một gò nổng, có một cửa hang, sâu thẳm. Trong đó có mụ già đang nhấm nháp với bữa ăn ngon. Từ những khe, hốc tụi kiến đen rủ nhau len vào đám lông tơ mịn màng, là những gì còn sót lại sau cái liếm mép của mụ già.

Mụ già vẫn chưa no. Mon men mụ trở lại đường cũ. Có tiếng chó sủa bâng quơ. Mụ chỉ kịp nhìn thấy cửa chuồng vịt đóng chặt thì vội rút lui. Lũ vịt cũng đã thấy mụ. Chúng la báo động hỗn loạn. Mặc chúng, chị người làm nhanh tay xắt chuối cây nhanh hơn. Chị tưởng vịt đang đói. Con dao phay trên tay chị bén ngót. Tiếng thép chạm vào thớt gỗ me nghe lạnh lùng. Lạnh lùng như tiếng sủa của gã chó cao lớn và thính hơi. Mụ lì lợm lẩn quẩn gần đó tìm lũ gà, không sợ sự canh tuần của gã chó Đức. Cái ngữ lớn xác ấy chỉ tổ vướng víu bởi lùm bụi và cây cối um tùm trong vườn. Vả lại mụ có thể trèo cây nếu cần, tuy rằng móng vuốt của mụ đã có vẻ cùn vì thời gian.

Mụ già chợt thụp mình và xoay chạy. Mụ leo quýnh lên cây xoài lão. Dưới gốc gã chó Đức ỏm tỏi. Cặp mắt sáng quắc của gã cố chọc thủng bóng đêm dần đổ ập xuống vạn vật. Trên một  chạc ba, 2 đốm mắt xanh lè của mụ già láo liên, lo lắng tìm lối thoát. Chị người làm phân bua với chủ nhà đang túa ra:

- Con chồn… Cha chả, con chồn thiệt là lớn. Chính nó đã bắt trộm gà vịt lâu nay.

- Mà mày thấy rõ không đó? – Bà chủ gay gắt hỏi gặng lại.

- Rõ ràng con chồn mà. Xóm trên hổm rày họ báo động có cáo về…

- Xóm trên họ ở gần rừng, mày đừng ẩu.

Ông chủ nạt cô tớ.

- Thiệt mà, hay là con chồn cáo. Ông bà chủ không nghe có đứa con nít mới biết đi chập chững vừa bị nó cắn cổ chết tươi?

- Mày sao ưa nhập chuyện nọ qua chuyện kia quá đi. Đứa nhỏ bị rắn hổ hành cắn chết, chứ chồn cáo gì mà cắn người ta.

Chị người làm vẫn bênh vực lý lẽ của mình:

- Con nhất định là con chồn cáo. Mấy cái ổ gà đẻ của mình cứ mất trứng hoài hà.

- Mày phải biết rắn hổ hành mới là ghê hơn. Mình nó tiết ra mùi hôi khiến gà vịt sợ và nín khe, nó tha hồ bắt gà vịt nói gì ba cái trứng.

Bà chủ tiếp lời chồng:

- Mày coi mấy cửa nẻo chuồng gài cho cẩn thận. Biểu mấy em chơi trong nhà. Còn con Lu này nữa, đi vô. Mày xích cổ nó, để rủi rắn cắn thì toi con chó quý.

Mà gã chó quý thật. gã học trường nọ ở Sàigòn trọn khóa, đủ môn như nhảy cao, nhảy vòng, nhảy rào, sẵn sàng giữ nhà, nghe hiệu lệnh để bắt trộm… Có lẽ trừ môn bắt rắn thì chưa mà thôi.

Mụ già nghe chừng êm, tuột xuống, trong lòng ấm ức. Bây giờ mụ đảo sang khu vườn bên. Mấy cặp ngỗng gan góc “cà kíu” vươn cổ hầm hừ. Mụ nhịn nhục thầm nghĩ:

- Hừ! Sợ gì cái bọn a dua, mụ chỉ lo chủ nhà hay biết, họ sẽ theo dõi tận hang ổ.

Và mụ lững thững trở về, chẳng cần ẩn giấu thân mình. Vài chú dơi bay chập choạng. Trên ngọn cây gòn, gã cú heo đập cánh di động theo lộ trình của mụ. Đã đến giờ của bọn ăn đêm hoạt động. Thình lình gã cú heo sà xuống mổ nhanh. Mụ già may mắn tránh được nhờ ánh trăng non in bóng gã cú. Gã tưởng lầm mụ già là một chú thỏ béo hay chú cầy hương nhát nhúa. Mụ già lùi về gốc gòn thủ thế, miệng gầm gừ trả đũa. Gã cú heo lỡ bộ xớt ngang đợt nữa và mụ già cũng phản công hụt. Hai địch thủ gờm nhau trong tư thế dị kỳ. Cuối cùng gã cú heo bỏ mục tiêu bay mất.

Mụ già xoay ý nghĩ về chỗ ngụ. Nơi đó mụ sẽ phải đối phó với một ông lão ăn xin đáng ghét. Ông lão ban đầu ngủ tạm trên nền cái mả hoang. Dần dà che căn chòi nhỏ sơ sài bằng ba mớ thùng giấy. Ông lão hấp dẫn một số trẻ con nghịch ngợm. Trẻ hay rượt để chọc “ông già điên”. Trái lại ông già thật hiền, đi xin ăn và lượm mót ở mấy đống rác suốt ngày. Mụ không thể chấp nhận ông láng giềng bất đắc dĩ nầy được. Bởi vì mụ đào ngách vùng này trước. Thuở vùng này còn là rừng thưa, nay đã thành trảng sụp. Thỉnh thoảng ông láng giềng gặp mụ trong khuya khoắt. Ông lão hấp háy cặp mắt mờ và thản nhiên xua xua cây gậy tre láng bóng. Và mụ dĩ nhiên chẳng bằng lòng cử chỉ ấy chút nào. Dù rằng đôi khi mụ phải nhờ vả đến ông lão. Chẳng qua là vì “miếng ăn là miếng tồi tàn”, mà lúc quá đói mụ đành phải lén tha xương cá, xương gà… về liếm láp. Mụ tự biện hộ cho hành vi ấy : “ Có sao, thứ cặn thừa ông lão hốt vét của thực khách ở tiệm cơm kia mà”.

Riết rồi mụ phải bám vào ông lão để sống ký sinh. Có những hôm trời mưa tầm tã mụ rúc trong hang âu sầu. Chốc chốc lại ló ra cửa hang trông chờ ông lão. Càng ngày mụ càng gầy rạc, người càng yếu. Mà càng yếu lại càng khó tự kiếm ăn. Lại càng mất sức càng đói hơn. Cho đến một hôm… Ông lão về sớm hơn lệ thường. Mụ thấy ông lôi từ trong cái bị rách một con gà quay vàng cháy thơm nức mũi. Chắc hẳn của ông lão mua bằng tiền đi xin dành dụm bấy lâu. Ông lão loay hoay với thẻ nhang và một cốc rượu đế. Mụ thấy ông lão trầm ngâm khấn vái, rồi ông lão gục đầu vào đôi tay răn reo khóc nức nở.

Ăn nhằm gì mụ, mụ chỉ liên tưởng đến lằn da nứt ra vì lửa than của con gà đang khiêu khích. Con gà nằm vô duyên trên mấy lớp nhật trình cũ mèm. Mụ cuỗm nhẹ con gà và lôi tuột vào hang. Nước miếng của mụ ứa ra. Hai hàm răng cái còn cái mất run rẩy. Mụ nhủ thầm : “ Con gà đã chết, mình đừng cảm xúc vì mấy tháng nay mới được chén một tiệc no đủ như vậy chứ. À, ông già, chắc ông ta sẽ trở ra phố xin thêm. Chao ôi! Ai mà tốt bụng rộng rãi với ông già quá?”

Như nắng hạn gặp mưa rào, con gà chỉ mới lưng bụng mụ già. Mụ thèm thuồng trổ một ngách hang khác chui ra. Ông lão không đến nỗi ngốc đang bực tức dùng gậy quậy cửa hang chính, rành rành giọt mỡ tươm đóng cục mà tụi kiến nhỏ hả hê đánh chén.

- Con quái chắc chén no nê. Đồ “chết đói” gì đâu. Có ngày người ta đập “chết dịch”. Không nhờ lão, bọn trẻ nó hun khói thì cũng “chết cháy” rồi.

Rồi ông lão ngừng rủa “con quái”, ngồi thừ ra kể lể với kỷ niệm, ôn lại chuỗi ngày xưa còn bên vợ bên con. Ông lão lè nhè. Cốc đế cạn nhanh. Lâu ngày mới nhậu, lại mất toi mồi nhắm dằng dai.

Mụ tránh ngõ quen và lần vào xóm. Chà, mới vắng mặt có mấy hôm đã có một đồng nghiệp đến tranh địa bàn hoạt động rồi.

- Tưởng ai, ra thằng cù lần.

- Ê, mụ nói ai cù lần?

- À, quân lếu láo, mày chẳng nể kẻ trên trước gì cả. Dạng mày mà nên tích sự gì?

- Mụ đánh cá không? Tôi bắt chim cho xem.

- Ừ, đố mày bắt con hoàng yến ở lồng treo ngoài hàng ba kia được đó.

- Dư sức. Mụ cá gì nào?

- Trổ tài đi, mày sẽ được một cái đùi gà quay.

- Ít quá. Nếu thua tôi sẽ đưa mụ quả chuối.

- Giỡn mặt, tao mà ăn chuối?

- Tôi tưởng mụ biết món tráng miệng. Thôi được, tôi sẽ rán ăn cắp cho mụ miếng thịt bò.

- Còn tao, sẽ thua mày nửa con gà quay.

- Đồng ý, suya là tôi thắng cuộc, mụ hay dùng chữ thua quá.

Quả nhiên, mụ thua. Thằng cù lần ban đêm siêng nhanh, và chính xác. Nó leo lên hất cửa lồng nan tre. Cô hoàng yến sổ lồng chậm rãi bị nó chộp gọn gàng.

Mụ già chưng hửng. Con gà quay đã nằm yên trong bụng mụ. Biết sao hơn, mụ xin khất vậy. Thằng cù lần đắc chí đi quanh quẩn, nhảy nhót. Gã chó nhớn nhác động tĩnh làm rùm lên. Giá mà gã không bị cột thì phải biết. Khiến nên bợm bãi dễ làm ăn. Gã xách trọn một chuồng gà. Nhưng chị người làm thì ỷ y. Một con rắn hổ hành giỏi lắm chỉ có thể nuốt chửng một con gà giò. Và chị thì sợ rắn lắm. Chắc gì con chồn cáo đến đây. Chị tiếp tục dỗ giấc, mặc chó sủa ăn trộm. Mụ già và thằng cù lần “có tịch giật mình”. Không ai bảo ai tự động dông mất. Chuyến này người ta phát giác đúng là trộm. Nào trộm, nào chồn, nào cáo, nào rắn, nào ăn xin… sao không hẹn mà cùng rủ nhau đến vùng này kiếm chác.

Đối với ăn xin thì dễ dàng. Đuổi lão đi là xong. Còn rắn hả? Khai quang lùm bụi, dọn dẹp bớt cây cối để rắn hết quấn. Tránh cả nạn chồn, cáo hay chồn – cáo gì đó… Với trộm, chị người làm giục chủ:

- Hay mình chuyền điện vào chuồng vịt, “ăn quen chồn đèn mắc bẫy”, điện sẽ giựt trộm có ngày.

- Mày tưởng trộm khờ khạo lắm sao? Họa may tìm xác một con rắn hổ mày bỏ trong chậu đất rồi trồng hành lên trên. Chậu hành xinh tốt để gần chuồng gà vịt. Mấy chú chích sẽ nhổ luôn hành về nấu cháo. Ăn xong chết êm thắm…

Chị người làm nghe đến rắn bỗng rùng mình, nhưng bà chủ trấn an chị:

- Mày tìm được xác rắn thì thực hiện cách đó, mà nói theo lời ông già bà cả chứ chưa chắc thành công. Vả lại “tội chết”! Thôi, mày thả chó ra.

*

Đời sống ngày càng khó khăn. Thằng cù lần hết còn đến hang mụ để đòi nợ nửa con gà quay. Nó vừa sụp cái bẫy giựt. Khắp các nẻo người ta đặt vô số bẫy và mụ thì không cù lần chút nào. Chỉ vì thằng cù lần mò mẫm ban ngày, mà ban ngày nó chậm rì, y như mù.

Mụ già giở ngón nghề rình rập. Mụ tấn công luôn gà, vịt lớn… Người, chó… săn đuổi mụ ngày càng ráo riết. Họ đã xác định mụ đúng là một con vật rừng hoang to lớn, phá phách. Họ tìm ra chỗ ở của mụ không khó.

Ngày nào bên trên còn có ông lão bày biện chở che một phần những hở hang của mụ. Giờ thì ông lão đã dời “nhà” khá xa. Mụ rúc vào một xó nằm im thin thít, lắng nghe tiếng xì xào bàn tán. Họ lần dò bít chận những ngách hang phụ. Gió lùa khói củi un làm mụ sặc sụa. Mụ nhận thức chỉ có một ngõ chính duy nhất là thông thoáng. Có điều hẳn có hàm răng sắc của gã chó đang chầu chực mụ. Mụ liều vậy, khó nín hơi lâu hơn nữa. Thong thả mụ chạy tọt vào trong cái cũi tre giữa tiếng hò reo của trẻ nít.

- A, con mèo “bự” quá bây ơi!

- Giống con cọp ghê!

Vài đứa tinh nghịch còn lấy cây chọc chọc con vật khốn kiếp.

Một bà cụ ra dáng hiểu biết, suy đoán:

- Con “cáo” này do tóc xác chết thành đây mà.

Mấy ông bợm nhậu sấn đến:

- Ối, mèo, cáo gì cũng cho tụi này xin ngã tiệc.

- Tóc lâu ngày thành cá trê, cá trê ăn óc sọ người, rồi cá trê mọc chân, hóa cáo. Cáo nay thành tinh, mấy ông coi chừng nó trả thù… Khu này mả mồ không hà. Chắc còn nhiều con khác.

- Bà già yên tâm, con quỉ này đào một mình nhiều hang. Vùng này hồi trước còn sót một cụm rừng và nó đó thôi.

Ông chủ – người đặt cũi – can thiệp:

- Tôi sẽ thả con mèo này về rừng, cả nhà tôi giữ giới đâu để mấy chú sát sanh.

Chị người làm cũng góp chuyện:

- Ồ, con mèo rừng, vậy mà con nghe người ta nói mèo già hóa cáo chứ.

Đám hàng xóm hiếu kỳ lần lượt ra. Mấy ông bợm nhậu tiếc rẻ. Họ dúm díu nhau nạt chó.

Mụ mèo rừng chẳng hiểu sao gã chó lại thù ghét những kẻ giết hụt mụ như vậy. Một cơn gió đưa mùi hoa dạ lý hương thoang thoảng. Khói đã tan hết từ lâu. Trong bóng đêm, đôi đồng tử của mụ già dần nở lớn. Đôi mắt con mèo rừng ươn ướt, bởi vì nó không biết số phận mình ra sao, một khi đã già nua mà còn phải tranh sống trong rừng.


PHAN KHƯƠNG THÁI    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com