NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM
Sau kỳ thi đệ Nhị lục cá
nguyệt, còn một vài tháng nữa mới hết niên học, song không khí tàn niên đã bắt
đầu xuất hiện trong các lớp, các trường. Học sinh các lớp không đi thi tự cho
phép mình bớt chăm đi một tí và háo hức nghĩ đến những chương trình dự tính cho
kỳ hè sắp tới. Trái lại, khung cảnh các lớp đi thi mới ảm đạm làm sao! Trên
những gương mặt trẻ, những nét tươi vui cơ hồ biến mất, nhường cho bao nét âu
lo! Thật là:
“Đầu năm rực rỡ như hoa,
Cuối năm ủ dột xót xa nỗi mình!”
Thầy cô ra công trấn an:
“Nếu các em học đều từ đầu niên các em có dư thì giờ ôn lại bài. Bãi trường
xong còn hơn một tháng mới thi cơ mà!”. Đó là làn gió giúp những “dân” siêng
năng nghe lòng lắng dịu đôi chút. Song đó cũng là cái ngòi làm nổ bùng nỗi bấn
loạn của những “dân” quanh năm không sờ đến sách vở. Trong các vầng trán đầy ân
hận kia, tòa án lương tâm liên tiếp nhóm họp những phiên bất thường, buộc tội
“bị can” khắt khe hơn bao giờ hết! Kết quả, các “bị can” giở khóc giở mếu tiếc
những ngày giờ đã trót phung phí và rùng rợn nghĩ đến viễn ảnh hãi hùng: “nghển
cổ cò xem bảng không tên”. Không ai bảo ai, một số học sinh âm thầm giã từ
trường lớp, đến chiếm đóng các thư viện, một số ở rịt trong nhà, gạo bài như
điên! Cơn bão tố trong lòng họ bấy giờ đã át đi hiệu lực những lời khuyến cáo
của ban Giám Đốc: “Không được đi thi với danh nghĩa của trường, nếu tự ý nghỉ
trước… “ Đồng thời, họ đâm nghi hoặc cả những lời khuyên bảo ân cần của thầy
cô: “Học trong lớp có sự hướng dẫn của thầy cô, các em còn e không thấu đáo bài
vở! Thế khi các em tự học, sẽ thấy dễ dàng và ít tốn thì giờ hơn bao nhiêu
lần?”
Vào tuần lễ cuối cùng của niên học, nạn “cúp cua” leo thang chẳng kém vật giá hiện thời, có lớp chỉ còn dăm ba ngoe ra xếp hàng chào cờ mỗi buổi sáng!
THỜI GIAN HỌC THI
Đối với các sĩ tử, đây là
lúc ý nghĩa câu “Đời là bể khổ” thấm thía hơn bao giờ! Họ ăn không ngon, ngủ
không yên, tâm tính biến đổi bất thường. Kẻ thì trở thành khó tính, lầm lì.
Người thì trở nên cau có, dễ giận dỗi. Con gái lại hay tủi thân, dễ thất vọng
hơn thường ngày.
Dù biết hay không biết uống cà phê, họ cũng đua nhau tiêu thụ hết ly này đến ly khác, hòng thức thật khuya. Quả thật, chất kích thích kia đã giúp cho nhiều người thức được, với bộ thần kinh căng thẳng. Tuy nhiên, một số người khác lại thấy buồn ngủ nhiều thêm. Tai hại thay cho cả hai cái tác dụng ngược chiều ấy.
Lạ một điều, các sĩ tử càng học càng thấy đầu óc mình cơ hồ trống rỗng, không còn nhớ gì về những điều mình vừa học. Có người đem chất đống hết sách vở ra trước mặt. Lôi quyển Toán ra cắm cúi đọc. Được vài trang, tim nhói lên một cái, sực nhớ đến những bài Vạn Vật dài dằng dặc. Không thể nhét nổi cái công thức trước mắt vào óc! Lôi Vạn Vật ra xem lại vậy! Nhưng than ôi! Còn bao nhiêu bài tập Lý Hóa chưa làm! Còn bao nhiêu con số, bao nhiêu tên người, tên tỉnh phải nhớ trong hai cuốn Sử Địa dày cộm kia! Rồi phải học làm sao để hiểu nổi đề thi Sinh Ngữ, hiểu “người ta” hỏi mình cái gì…
Với tâm trạng “ngồi trên đống lửa” ấy, họ lúc thì mong cho chóng tới ngày thi, lúc lại ước thời gian kéo dài lê thê… lê thê…
NHẬP TRÀNG AN
Ngày phải đến đã đến!
Trong khi chờ cổng trường mở, các sĩ tử còn cố vớt vát từng giây phút bằng cách lăm lăm cầm quyển sách trên tay, đọc nghiến ngấu. Ai tự cho là học đã đủ, hoặc thấy đầu óc đã “bão hòa”, thì xúm lại tán gẫu. Đề tài câu chuyện dĩ nhiên là “học” và “thi”. Họ nói thật to, cười thật lớn, ngỡ rằng có thể làm biến đi nỗi lo lắng, hồi hộp trong lòng.
Khi đã an vị trong phòng thi, “thiên hạ” bèn đảo mắt tìm “người quen”, hoặc cười duyên với “đồng bào” bốn chung quanh, chuyện trò thân ái như đã quen biết từ lâu!
Thế rồi hai vị Giám thị xuất hiện. Hàng trăm tia mắt liền phóng tới, phân định chớp nhoáng xem hai nhân vậy ấy “hắc” hay “hiền”.
Một hồi chuông reng. Hoặc một hồi trống đánh. Ngàn muôn con tim đồng loạt ngừng đập vài tíc-tắc, và ngay sau đó bắt đầu rộn rã nhịp ngũ liên. Nhiều đôi chân, nhiều bàn tay cũng run rẩy hòa nhịp.
Phòng thi im phăng phắc. Chỉ có tiếng xé bì thư và tiếng thở. Đề thi được vội vã phát ra. Vài tiếng xì xào chợt nổi lên. Công việc “Giám thị” bắt đầu:
- Em kia quay lên!
- Ai còn quay qua quay lại, tôi ghi số báo danh đấy nhé…
Buổi thi nặng nề trôi qua. Sĩ tử ra về với những bước hân hoan, tràn trề hy vọng, hoặc:
“Thẫn thờ bước thấp bước cao”.
CHỜ ĐỢI
Tuần lễ “nhập Tràng An” chậm
rãi trôi qua như một giấc mộng đầy biến cố, lưu lại nơi các thí sinh sự mỏi
mệt, bơ phờ. Họ hí hoáy lấy đề thi làm lại, rồi tự cho điểm, rồi băn khoăn:
“Bài mình gặp giám khảo rộng rãi hay khó tính? Ông ấy có theo đúng thang điểm
chăng?
Trong thời gian học thi, những lúc chiến đấu với cơn buồn ngủ, các sĩ tử thường tự hẹn sẽ ngủ cho thật đã đời khi thi xong, sẽ tha hồ đi xi nê, đi thăm bạn… Bây giờ đã rảnh rỗi, họ lại hết muốn ngủ, nghĩ đến chuyện gì cũng thấy chán chường. Việc duy nhất mà họ hăng hái muốn làm là chạy tìm những người quen, nhờ xem điểm trước.
Hàng tuần trước ngày kết bảng, các trung tâm thi đầy nghẹt những người! Ai cũng cầm khư khư trong tay một mẩu giấy ghi tên họ, số báo danh, số phòng của mình, chầu chực từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều tối, chờ gặp một giáo sư quen là nhào tới năn nỉ, ỉ ôi.
Ban B thường có kết quả sớm nhất. Tội nghiệp dân ban A, cứ là “cuống cà kê” lên khi thấy mấy tên hàng xóm đậu, rớt loạn xạ, còn mình chưa biết gì.
Trong sân, trước cổng
trường, xe ngổn ngang, người chen chúc làm nghẹt luôn mấy khúc đường quanh
trường. Phóng thanh oang oang, đều đều xướng danh. Từng giây, từng phút, có
những tiếng reo mừng rỡ, những tiếng kêu trời, lẫn theo cái giọng đọc bình thản
kia. Nhiều vành môi nở thắm. Nhiều khuôn mặt xám ngắt. Nhiều ánh mắt hân hoan.
Nhiều gương mặt đẫm lệ. Một vài kẻ ngất xỉu. Kết quả thực tế của một niên học
là đấy!
MỘT CHUYỆN BÊN LỀ
Trong “lịch sử thi cử” của đời tôi, kỷ niệm kỳ thi Tú Tài phần nhất thật khó quên.
Kỳ thi chia làm hai đợt. Đợt đầu gồm ba buổi, nhằm ngày thứ tư, thứ năm và thứ sáu.
Sáng thứ sáu thi Toán, môn chính của tôi. Dù thuộc loại khá toán trong lớp, song khổ nỗi tôi có bệnh hay hồi hộp. Mỗi lần tôi bị xúc động, chứng nhức đầu bèn hoành hành dữ dội khiến trí óc tôi cứ trơ trơ ra, không thèm làm việc nữa. Biết thân biết phận, sáng hôm ấy trước khi đến trường tôi đã cẩn thận uống đủ 17 giọt thuốc Cortancyl.
Nhưng than ôi! Vừa đọc xong đề thi là toàn thân tôi chợt run lên bần bật! Nguyên do thật không ngờ! Chỉ vì cái đề ấy tôi đã làm qua một lần. Mắt tôi hoa lên. Tim tôi nhảy loạn xạ. Tôi ngồi im, mắt đăm đăm nhìn đề bài, chỉ thấy những hàng chữ nhảy múa. Hai tay tôi tái ngắt bấu chặt vào mép bàn cố tự trấn tĩnh. Tôi mím môi muốn khóc vì không làm sao điều khiển được mình. Tôi đâm bực tức trước sự yếu đuối của mình. Tôi tập co duỗi hai bàn tay, giữ yên hai đầu gối, thở mạnh và dài, song sự “rung cơ” vẫn tiếp diễn, có phần dữ dội hơn lúc đầu.
Chung quanh tôi, mọi người đều cắm cúi làm bài, những ngòi bút thao thao trên giấy. Mặc kệ những cử động phản xạ quái ác, tôi quyết cầm bút lên. Cây bút như muốn văng khỏi bàn tay tê cứng, run bắn của tôi. Sau lúc lâu, chật vật lắm cái hình vẽ nguệch ngoạc mới thành hình trên tờ giấy ráp.
Tôi nhớ rõ là phải kẻ thêm một đường nào đó, thì bài toán sẽ được giải đáp dễ dàng. Nhưng cái đầu óc quay cuồng này nó muốn phản bội tôi. Hai thái dương bừng bừng nóng. Mồ hôi chảy từng dòng theo chân tóc, xuống mặt. Mồ hôi đẫm ướt lưng áo, trong lòng bàn tay. Mỗi lúc tôi như ngu muội hơn. Tôi đành gác bài toán lại, làm câu hỏi giáo khoa trước.
Để trả lời trôi chảy năm câu hỏi tôi mất hơn một giờ chiến đấu với nét chữ cong queo. Giá ngày thường, tôi chỉ mất nửa giờ là cùng, mà bài làm đâu đến nỗi dơ dáy, chữ xấu như gà bới như thế!
Tuy nhiên, sự bình tĩnh đã trở lại. Tôi mừng rỡ quên bẵng cánh tay phải mỏi rời, loay hoay vẽ hình vào giấy thi. Bất chợt, ngọn bút vô tình vạch thêm vào cái hình đường kẻ ban nãy đã làm tôi khốn khổ, không nghĩ ra.
Thế là liên tiếp bốn đáp số thoăn thoắt hiện ra trên giấy. Chỉ còn câu cuối cùng thật phức tạp. Tôi thì một mực nghĩ rằng mình đủ sức làm được câu ấy. Song bộ óc mệt mỏi và đen ngòm của tôi lại khăng khăng muốn đình công. Cuộc tranh chấp vô cùng gay go ấy kéo dài cho đến lúc chuông reng báo hiệu hết giờ. Não nề, tôi nộp bài, lấy lại thẻ học sinh và phiếu báo danh, rồi đi như đứa mất hồn ra khỏi phòng thi.
Thế mà bố cứ tin bài toán của mình hoàn toàn! Thế mà thầy cô, bè bạn cứ bảo mình sẽ đậu có hạng! Thế mà mẹ cứ khen chữ mình rõ ràng, tròn nét! Bây giờ ra nông nỗi này đây! Ôi, ngu ơi là ngu! Lại còn cái tủy sống vô duyên này nữa, chịu khó điều khiển cử động phản xạ quá nhỉ?
Cứ thế, tôi vừa than thân trách phận, vừa cuốc bộ về nhà. Có lẽ gương mặt tôi thê thảm lắm nên ba mẹ, anh chị tôi chỉ nhìn tôi với ánh mắt thương hại, không nỡ hỏi han gì. Ăn bữa trưa qua loa, tôi leo lên lầu nằm dài trên võng. Bài toán trở thành một ám ảnh mãnh liệt. Không dừng được, tôi để yên cho óc phác họa lại cái hình vẽ khá rắc rối, nhưng tôi đã thuộc lòng. Và… chết tôi rồi! Có thế mà không nghĩ ra! Tôi vỗ đầu, bứt tóc, ngồi nhòm dậy rồi lại đùng đùng nằm xuống. “Thôi, lỡ rồi”, tôi tự an ủi thế, và cố nhắm mắt tìm giấc ngủ. Song nỗi buồn bực, sự tiếc “hùi hụi” bắt tôi tỉnh như sáo.
A! Phải dùng đến thuốc ngủ mới xong! Tôi sực nhớ đến tuýp thuốc ở đầu giường mẹ tôi. Bà vẫn bảo: “Thuốc này hay quá, uống xong là mắt muốn híp lại, ngã phịch ngay xuống giường”.
Ực xong một viên, tôi ngồi yên trên võng nghe ngóng. Chờ mãi chả thấy gì, tôi ực thêm 1 viên. Vẩn chưa thấy “phịch”, tôi sốt ruột ực thêm viên nữa. Có lẽ tại tôi quá tập trung tư tưởng, chờ kết quả thần hiệu của thuốc, nên tôi có cảm tưởng thời gian qua mau trong khi mắt tôi vẫn không chịu “híp lại”. Đã bảo đầu tôi là chì óc tôi là sắt mà! Thế thì phải uống thêm cho đủ “đô”mới được!
Sau đó, tôi ngủ mê đi lúc nào không biết. Đến bữa chiều, chị giúp việc lên đánh thức, tôi chẳng biết trời trăng gì. Mẹ tôi lại bảo “Mấy hôm nay em nó thi mệt, thôi để nó ngủ. Tí nữa mua phở cho nó ăn cũng được”. Nhưng đến tối mịt vẫn chưa thấy tôi dậy, bà mới sinh nghi, chạy lên lầu. Nhìn ống thuốc và cái ly nhựa lăn lóc dưới sàn, mẹ tôi hốt hoảng lắm thì phải. nhưng vốn là người rất bình tĩnh, cả quyết, bà không la khóc, lay gọi, mà vớ lấy cây chổi lông gà quất tôi một cái đau điếng. Đến nỗi tôi hơi tỉnh lại. Toàn thân tôi như bị trói chặt xuống võng, không sao cử động được. Tôi nghe văng vẳng có tiếng quát hỏi:
Tôi mơ hồ lắc nhẹ một bàn tay.
- Năm viên cơ à! Uống từ bao giờ?
Mí mắt tôi cứ sụp xuống, không nhướng nổi lên. Song tôi cố nhúc nhích ngón cái.
- A! Từ một giờ trưa! Bây giờ tám giờ tối rồi còn gì! Sao mày dại thế hử con?...
Tiếng nói như xa dần. Tôi thiếp đi trong khi được ba tôi ẵm xuống nhà dưới, lái xe chở tới bệnh viện Saigon.
Tôi hồi tỉnh giữa lúc nằm trên băng ca và đang được khiêng lên lầu ba. Tôi đã có thể cử động được và cảm thấy mình thật sự bị trói vào băng ca. Hai mí mắt vẫn nằng nặng. Song tai tôi nghe rõ mồn một những lời đối thoại:
- Không sao đâu, ông bà đừng lo! Cô ấy đang tỉnh dần đó! Sáng mai cô ấy sẽ bình phục và có thể về nhà. Chúng tôi chỉ cần tiêm thêm vài mũi thuốc khỏe cho cô ấy thôi.
- Ô! Thế không phải rửa ruột à?
- Vâng, nếu có gì nguy hại thì đã xảy ra trong vòng 6 giờ sau khi uống thuốc. Thế này là cô ấy chỉ uống 3 hay 4 viên thôi.
- Vậy ra không phải nó tự tử! Tôi cứ tưởng con bé nó dại dột…
Thế rồi… vài ba ngày sau “con bé’” lại tung tăng đi thi đợt nhì và khi có kết quả, cả nhà xúm lại trêu:
- Eo ơi! Cô Tú hạng Bình cơ đấy! Thế mà suýt ăn giun nhá!
- Ơ! Tai nạn bất ngờ chứ bộ! Tự tử là hèn nhát, nhục nhã, là phụ công ơn cha mẹ thầy cô, là có tội với Tổ quốc, là…
- Ghê! Ai nói cô tự tử đâu mà đã vội cải chính, đã vội diễn thuyết tràng giang đại hải thế?
AI CƠ
(m.t.h.
trang)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 136, ra ngày 1-9-1970)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com