Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

CHUYỆN DƯỚI VƯỜN - Phan Khương Thái




Chiếc xuồng tam bản nhẹ lướt theo giòng sông lững lờ. Mũi xuồng vẹt êm ru những bụi cóc kèn, ô rô mọc gie ra hai bên bờ. Bỗng một tiếng súng bắn đạn chài vang lên giữa tiếng chim chóc của rừng tràm thâm u.

- Đoành…

Chỉ một phát mà thôi, con khỉ nhỏ xấu số kêu “chóe” lên và ngỡ ngàng rơi tõm xuống dòng sông đục ngầu phù sa. Anh lính địa phương quân cười hể hả, đang lom lom chờ lượm xác con khỉ bị vướng trong giề lục bình. Thong thả, ông Hai Rượu Đế lái chiếc xuồng tiến đến. Chiếc xuồng lặng lẽ theo nhịp chèo nhẹ thật nhẹ, bơi như chú cá sấu già săn mồi. Máu chỗ vết thương đầu con khỉ nhỏ loang ra, mắt nó vẫn chưa nhắm cùng với hàm răng nhe lớn. Thằng Xê ra vẻ xăng xái, nhưng lại e dè khi nắm chót đuôi con khỉ thảy lên khoang xuồng. Rồi nó hát vu vơ:

- Tuổi thân con khỉ ở lùm.
Trèo qua trèo lại lọt ùm xuống sông.

À mà tui tuổi gì hả tía?

Ông Hai Rượu Đế quăng cái tàn thuốc rê, đáp lời thằng con:

- Mồ tổ mày, tuổi con chuột, tuổi Tý đó, tao nói cho nghe hoài mà mày có nhớ gì đâu.

Anh lính cũng cười, chọc thằng Xê:

- Thôi “bậu” là chuột, về đồng ruộng ở đi.

Thằng Xê gân cổ cãi:

- Anh Quới nói sao chớ ở đây bộ không có ruộng lúa à. Thiếu gì người trồng lúa sạ. Lúa nổi theo con nước ngập vẫn sống được như thường. Coi vậy mà khỏe, đỡ tốn công chăm sóc hơn mấy người làm ruộng miệt trên.

Anh lính cười cười xách con khỉ lên xăm xoi. Ông già Hai thì rày con:

- Cái thằng bữa nay xạo quá. Lo coi mấy cái bẫy chồn rồi còn đi về.

Không xa, lưng chừng một cây bần đang vùng vẫy hai con sóc nhỏ. Thằng Xê mừng húm bước vội ra mũi xuồng làm chiếc tam bản chòng chành, anh Quới giật mình chụp vội cây súng. Nhưng khi đến nơi thằng Xê không muốn leo lên để tóm cổ hai con mồi, nó than ra vẻ người lớn:

- Trời đất! Hai con “tép riu” này bán được bao nhiêu. Tưởng “chồn” dè đâu là “cáo”, ủa quên “sóc”. Thôi, tía cho tui nuôi đi, nhỏ xíu hè, bán mất công.

Ông già Hai dễ dãi:

- Ừ, cũng được! Cho mày cái bẫy chuột bằng kẽm ở nhà để nuôi đó. Ráng mà kiếm đồ ăn cho tụi nó.

Anh lính Địa Phương Quân chợt la lên:

- Kìa bác Hai, in là có con Giộc (một loại khỉ) mắc bẫy kìa.

Hăm hở, mọi người tiến lại. Chiếc xuồng khó nhọc lách lau sậy. Nhưng khi đến gốc cây tràm, con Giộc đã giựt đứt bẫy, lẩn qua bụi dứa dại, phóng lên một cây ô môi rậm rạp. Hình như nó đang “khọt khẹt” chửi rủa, vì cái vòng dây dừa siết nghẹn cổ nãy giờ chăng? Thằng Xê dứ nắm tay, đe dọa:

- Mày coi chừng, hư của “ông” cái cần bẫy rồi.

Vừa nói nó vừa lượm mấy trái mù u trôi trên sông, ném lên chỗ bóng xám con khỉ. Con Giộc trên cây như hiểu biết, nó rung nhánh ô môi xao động để trả lời, còn “khọt khẹt” rân lên. Nhưng chỉ làm lũ chim hoảng hốt. Có hai con le le cũng vụt cánh bay xa. Trên xuồng hai con sóc nhỏ run rẩy nép vào nhau cũng giật mình lồng lộn tìm lối thoát. Xác con khỉ nằm nhe răng đe dọa thêm hai con sóc nhỏ. Hoạt cảnh xảy ra khiến ông Hai Rượu Đế và anh Quới phì cười.

Quanh quẹo các nơi ông già Hai chỉ bắt thêm một con chồn đèn còn nhỏ và một con trăn, cái đầu trăn chỉ mới to bằng trái banh. Ông già Hai cẩn thận sửa lại mấy cái bẫy sái hay hư vì mấy con vật có sức mạnh giựt thoát, rồi trở xuồng bơi về. Thế là chiều nay ba người có quyền khề khà rượu đế với món nhắm là con khỉ nhỏ xé phay.

Lâu lắm rồi thằng Xê mới có dịp theo tía nó ra chợ. Mấy lần trước nó phải ở nhà chăn bầy vịt cả trăm con. Vịt đã bán rồi hồi tuần qua, bây giờ nó đem theo hai con sóc để làm quà cho mấy đứa em họ, con của chú Ba nó – em ruột ông già Hai – Mấy đứa em nó sống trong vườn cây rộng rãi chắc sẽ thích thú với quà đồng quê này. Dễ gì mua được cặp sóc một đực một cái xinh đẹp như vậy.

Hai cha con ông già Hai lầm lũi bơi trong hơi sương mờ mờ cho kịp buổi chợ sáng.

Chiếc xuồng tam bản cập bến. Mọi người tò mò nhìn thú vật lố nhố trên khoang xuồng. Trong khi ông già Hai lui cui buộc dây xuồng, thằng Xê đứng chống nạnh nghinh mấy đứa trẻ con bu quanh, một tay nó xách chiếc lồng đựng hai con sóc, miêng nó la lên:

- Tránh ra, đừng chọc khỉ… Ê, ê… nhỏ mày đút tay vô cái con rùa nó cắn cụt bây giờ. Trời gầm nó cũng hổng nhả.

Mấy đứa nhỏ rụt lưỡi nhưng có đứa vẫn còn tiếc, thò tay vuốt vẩy sần sùi của mấy con trăn đang nằm khoanh trong lồng.

Hai cha con ông già Hai khuân tất cả các lồng đến một góc chợ để bán. Mấy bạn hàng gà gần đó cứ đổ thừa tại “ông Hai” làm người ta sợ không dám lại mua gà. Gần xế trưa mà ông Hai chỉ bán được mấy con trăn. Người ta mua trăn về thả trong nhà cho trăn bắt chuột, vì chuột hay phá các bồ lúa. Mấy chục chai mật thì hết veo. Khỉ, chồn và rùa… ông Hai phải bán rẻ cho các mối lái mang lên Saigon. Có người hỏi mua hai con sóc của thằng Xê nhưng nó lắc đầu cười và không bán. Dù giá tiền họ trả đủ để nó mua khoảng hai chục con vịt.

Ông già Hai dắt thằng Xê đến tiệm làm một bụng “mì xào” và “cù lao”. Ông già Hai thì vẫn rượu đế đưa cay, thằng Xê thì uống “Coca”. Hơi “gaz” trong Cocacola mạnh và chua làm thằng Xê ê cả răng mà vẫn khoái. Hai cha con ăn uống cho bõ thèm những ngày cần cù trong miệt vườn ruộng, rừng tràm… xa tít mù, vắng vẻ và thiếu thốn của vùng U Minh.

Ông già Hai dẫn thằng Xê đến thăm người em ruột một chốc thì về ngay. Ông Phủ Ba cầm cọng cách mấy cũng không được. Ông già Hai nói:

- Thôi lo về cho kịp con nước lớn. Chiều rồi.

Thằng Xê và mấy đứa em họ bịn rịn chia tay. Có lẽ lâu lắm, chừng giỗ ông Nội chúng mới gặp nhau được nữa. Tình bà con ở xa nhau quá, ít đi lại rồi cũng xa nhau dần thôi. Thằng Xê ngùi ngùi nhìn cái bẫy chuột đựng hai con sóc trên tay thằng Đào em nó. Ông già Hai đi nhanh, thằng Xê phải chạy theo. Thằng Đào ra cổng đóng vườn lại, tay còn cố vẫy vẫy. Hai con sóc rồi sẽ sống cuộc đời mới. Con chó “berger” khổng lồ, lạ lùng chạy đến hửi cái bẫy làm hai con sóc nhỏ sợ co rúm người. Ánh mắt thằng Đào vẫn còn trông theo hai cái bóng một thấp, một cao… đang xa dần, rồi mất hẳn.

*

Hai con sóc lơ đãng đánh vòng. Chúng bò thoăn thoắt trong vòng. Cái lồng lưới mắt cáo tuy rộng lớn nhưng hai con sóc vẫn thèm thuồng cuộc sống tự do, ít ra thoát được vào khu vườn cây ăn trái bao quanh biệt thự này. Lũ trẻ con săn sóc cẩn thận hai con sóc. Nhưng chỉ có thằng Đào – đứa lớn nhất – giữ độc quyền thay nước uống, thêm chuối hay hạt dẻ cho sóc ăn. Còn công việc đổ rửa tấm thiếc hứng phân thằng Đào để các em. Thế là chẳng có đứa nào thèm mó tay vào, công việc ấy mượn chú Bột giữ vườn làm giùm. Bọn nhóc chỉ hay dùng cỏ gianh, cỏ ống hay que kem mà thọc vào lồng phá hai con sóc. Hai con sóc chui tọt vào căn nhà gỗ chỉ to hơn hộp đựng phấn chút xíu. Hai con sóc len lén dùng hai cặp mắt nâu dò xét, hàm râu nhúc nhích và đôi tai chúng vểnh lên nghe ngóng. Thấy yên chúng lại phe phẩy cái đuôi xõa ngược tận đầu chạy ra vòng đu. Đôi khi chúng lại cắn thử lồng lưới. Kẽm đâu chẳng thấy đứt, chỉ thấy mồm con nào cũng trầy trụa, rướm máu.

Con Lý, con Lựu và thằng Hồng phát giác khi tụi nhóc này định đến chọc phá. Chúng báo tin cho thằng Đào hay. Thằng Đào hốt hoảng đi lấy chai thuốc đỏ, bông gòn. Cu cậu định trổ tài cứu thương hai chú sóc. Tụi nhóc xúm xít quanh lồng xem thằng Đào đang khó khăn cho tay vào chộp chú sóc. Lúng túng thế nào mà khi chụp được giò một con, thằng Đào bị con sóc ngoạm một cái. Thằng Đào “ái ui” lôi ra khỏi lồng, con sóc lại cắn giựt thịt nơi hổ khẩu tay thằng Đào. Thằng Đào đau quá rẩy mạnh tay, trong khi lũ em nó vô tình vẫn cười bò lăn. Con sóc nhanh nhẩu phóng vụt xuống đất, đụng ngã chai thuốc đỏ.

- Coi chừng… Chụp nó mau tụi bây.

Thằng Đào la lên nhưng đã trễ, mấy khán giả tí hon túa rượt con sóc đang cố thoát ra vườn. Con sóc leo gọn lên cây dừa xiêm nhìn ngoái xuống bọn nhóc đang ngẩn ngơ.

Thằng Đào dậm chân, trách lũ nhóc:

- Tại tụi bây đó, bu quanh làm nó sợ. Mấy đứa “cù lần”, bắt lại con sóc cũng không xong.

Con Lý ngoe nguẩy cãi:

- Tại anh, ai biểu tài khôn xức thuốc chi.

Thằng Hồng (đứa út) thì thút thít:

- Hic hic, làm sao bắt con sóc lại cho tui. Bắt đền mấy người đó. Hic hic…

Thằng Đào tức mình nói:

- Lộn xộn hoài. Tụi bây đứng đây coi chừng nó chạy trốn chỗ khác, tao đi kêu chú Bột tìm cách thộp đầu nó.

Bỗng con Lý la chó:

- Im, Médor… con chó quỉ này làm con sóc sợ. Kìa nó phóng qua cây xoài cóc rồi.

Bọn nhóc đâu hay rằng nãy giờ con chó berger cũng bận rượt con sóc còn lại cũng thoát ra vì cửa lồng trống trải đón mời. Con sóc thứ hai nhảy lên được ngọn cây me keo, chó không làm sao trèo lên theo. Con chó sủa rân, chạy lại chỗ bọn nhóc để báo tin. Ôi thôi! Đố ai mà bắt chúng lại được, trừ khi bắn chết. Khỏi cần về rừng, hai con sóc cứ lẩn lút trong khu vườn rậm rạp rộng lớn này cũng dư sức sống.

Chú Bột và bọn trẻ với con chó đuổi theo hai con sóc chuyền từ cành này qua cành khác ai nấy đều mệt hụt hơi rồi đành bỏ cuộc. Ông Phủ Ba dỗ con:

- Thôi bỏ đi, rồi ba kiếm mua hai con sóc khác cho. Kệ, cũng như mình thả rong nó trong vườn nhà vậy, tụi nó không đi xa được đâu.

Thằng Út Hồng vẫn còn ấm ức khóc. Hai con sóc từ nay được sống tự do. Nhưng tự do có giới hạn. Vì theo đúng lời ông Phủ Ba nói, ngoài khu vườn nhà rộng rãi mấy mẫu của ông ở gần trung tâm tỉnh lỵ, toàn là nhà cửa san sát bao bọc, dễ gì có lối về rừng. Họa chăng chắp cánh mà bay.

*

Hai con sóc suốt buổi chạy trốn loanh quanh, chúng đã gặp nhau. Ôi kể sao hết nỗi niềm sung sướng giữa trời tự do, giữa đất thênh thang, giữa vườn hoa quả… Chúng lại tìm ra vô số bọng cây, khả dĩ làm nơi trú ngụ qua ngày.

Đêm đó hai con sóc ăn mận cho đỡ đói. Mận thật nhiều, nhưng hai con sóc bị bầy dơi ganh tị. Tụi dơi gây lộn với sóc, có tên còn ra vẻ phách lối, móc hai chân vào cành mận và buông thõng mình chổng ngược xuống mà lý sự:

- Nè, tụi bây sao không ở yên trong lồng lưới mà trốn ra đây ăn vụng?

Hai con sóc bực mình:

- Bộ trái cây này của mấy anh hay sao? Các anh cũng ăn lén lút như tụi tôi chứ hơn gì.

Bầy dơi nhao nhao, chí chóe vang lên:

- A, tụi ăn cắp định tranh ăn với chúng ông. Choảng tụi nó đi anh em.

Hai con sóc vẫn gan lì vừa cạp quả mận đỏ ngọt, vừa chẩu mồm thách thức. Bầy dơi quạt cánh phần phật để dọa hai con sóc:

- Ê, cấm tụi bây ăn mận nữa nghe, mà trái cây các loại trong vườn này cũng vậy, của tụi ông hết trơn.

Hai con sóc cười mũi:

- Còn lâu, có trồng trọt gì cho cam mà cấm đoán tụi này. Tụi này được người ta nuôi đàng hoàng, tại muốn đi chơi đó đây cho vui. Ai như tụi mày ăn lén ăn lút ban đêm, tụi này ăn cả ban ngày.

Bầy dơi nóng máu, có con bay vút qua mổ vào đầu hai con sóc. Hai con sóc cũng hốt hoảng nhảy tránh, xong sóc còn phe phẩy cái đuôi chọc tức tên dơi đánh trộm. Sóc cái màu lông xám còn chửi xéo bọn dơi, bằng cách nói to với sóc đực:

- Ăn cho kỹ, cho hết quả, hột để dành lúc rỗi rãi gặm cho mòn bớt răng nhọn, chứ đừng móc khoét lam nham uổng cả quả mận hén Sóc Nâu.

Sóc Nâu cười đáp:

- Ừ, ăn xong đi khoét dừa uống giải khát rồi tìm chỗ nằm ngủ, chớ đừng tự hành xác treo tòn ten giữa trời, nhỡ đêm khuya khoắt ông cú bay ngang gắp một cái thì bỏ đời.

Bọn dơi nghe mắng cái tật ăn phí phạm của chúng đã phá phách nhiều hoa quả hư hại thì thẹn lắm không dám lên mặt với sóc nữa. Thế là chúng đành phải chấp nhận hai “ma mới” là hai con sóc cùng sinh hoạt trong khu vườn này vậy. “Ma cũ” định ăn hiếp “ma mới” mà không xong.

Hai con sóc đổi chỗ luôn, sợ bị bọn trẻ bắt lại. Bọn trẻ cũng thơ thẩn tìm kiếm hai con sóc, nhưng chỉ thoáng thấy hai cái bóng xám hoặc nâu cút bắt lẩn trong cành lá um tùm.

Hai con sóc ăn nào là nhãn lồng, li-ki-ma, sa-bô-chê, táo ta, chuối già, chuối xiêm, và cả ổi, trái sung, khế và xoài… Hột nhãn, hột li-ki-ma, hột sa-bô-chê, hột táo, hột mận, hột xoài… Chúng cất ở một hốc, gặm nhấm xoàn xoạt lúc ngứa răng. Nêu không làm vậy răng chúng sẽ mau dài và nhọn đâm lủng cả môi trên môi dưới thì khó chịu lắm. Chúng còn cạp cả dừa hay một mắt cây nào đó cho mòn răng. Sóc Xám than với Sóc Nâu:

- Nếu mình còn ở trong lồng ăn hạt dẻ, củ ấu thì ngon lắm.

Gã Sóc Nâu nạt cô Sóc Xám nhiều chuyện:

- Bị nhốt tù túng mà cũng không ngán, có thích đi về đó chui vào một mình.

Chả là vì cô Sóc Xám hay nói, cô vẫn bảo màu lông của gã Sóc không biết phải gọi là màu gì. Nó không phải màu nâu, nửa phần lông trên ngả màu đỏ hung hung. Gã Sóc Nâu thì xuề xòa, màu gì cũng được, gọi tên gã là Sóc Nâu để dễ phân biệt là xong. Hai con sóc mất đi cái thú đánh vòng, bù lại chúng tha hồ chạy đuổi với nhau, tha hồ ăn uống lúc nào, thứ gì tùy thích. Đến mùa nhãn, bởi bọn dơi quá quắt nên bao nhiêu là chùm nhãn được chú Bột bọc lại bằng bao giấy dầu hay bao ny lông cả. Sóc Xám tiếc ngẩn ngơ múi nhãn dày cơm khi ăn thơm lừng cả mũi. Chỉ còn mùi hoa dạ lý hương là tỏa ngát đêm đêm. Bọn dơi ăn phá hoa quả chỉ là phụ thuộc. Bọc nhãn lại không ảnh hưởng gì đến kho thực phẩm của chúng, chúng vẫn moi móc các loại hoa quả kia, cắn xé các bao bọc nhãn. Chúng giỡn hớt và đánh nhau rộn cả đầu hôm. Sáng bay đi thì để lại những bãi phóng uế bừa bãi. Có một số còn trú trong hành lang ngôi biệt thự. Dĩ nhiên người ta biết ngay chúng đã ngủ treo đêm qua ở góc máng xối hay chậu trầu bà lơ lửng trên hàng giậu hoa giấy.

Chú Bột làm vườn bèn sắm một cái lưới. Chú cùng một anh bạn nhậu, mượn thêm thằng Đào quơ cây đuổi dơi. Hai người lớn chờ dơi bay xổ đến vì bị thằng Đào khua động thì buông tay cầm gậy chăng lưới. Đêm nào người ta cũng tóm được từ năm đến mười tên dơi sen hay dơi đầu chó. Chú Bột chặt đầu, lột da, vất cục hạch tiết mùi hôi, rồi xào xả, hay nấu cà ri… đánh chén với bạn bè.

Ăn đến ngán, có hôm chú Bột phải xỏ bọn dơi từng xâu đem ra chợ bán. Mấy bợm nhậu thích lắm, mua liền khỏi chê. Thế mà bọn dơi vẫn còn đông vầy, chúng phá phách khiêu khích càng dữ tợn. Nếu không nhờ ông Phủ Ba tự tay xách súng săn, rọi đèn pin, tỉa rơi từng tên dơi vô trật tự. Từ đó bọn dơi mới gọi là kinh khiếp, chúng đã biết sợ tiếng súng “đì đoành” của lằn đạn rát tai, điếc con ráy. Bọn dơi hết dám đánh đu với các cành ổi dẻo, cành me dai. Chúng thu hình trốn kỹ các hốc kẹt kín đáo hoặc di cư bớt đi ngủ chỗ khác. Trong xó vách tường các nhà lân cận chẳng hạn, dễ dàng cho chúng móc lộn ngược ngủ một cách kỳ khôi.

Khu vườn không vì thế mà rộng rãi hay buồn bã hơn đối với hai con sóc. Hai con sóc vẫn thèm cảnh rừng U Minh xưa, dù sao cũng là quê nhà yêu dấu, tuy rằng u tịch nhưng mà khoảng khoát và hoang sơ, tự nhiên. Hai con sóc vẫn mơ gặp lại bà con thân thuộc, đồng loại, các loài… đã lâu ngày ôm sầu cách xa.

Hai con sóc vẫn tự hào chạy nhảy lanh lẹ nhưng gã chó Midor thính hơi vô cùng. Chó berger hay dí bắt cô Sóc xám làm cô Sóc Xám lý lắc trốn bở hơi tai. Chàng Sóc Nâu thì khôn ngoan, ít khi chạy đường ngay. Sóc Nâu đổi cành, lẩn vào các ngọn cây cao thật mau. Cũng tại cô Sóc Xám hay mò xuống đất. Có lúc gia đình ngỗng hỏi thăm cứ “oang oác” cả khu vườn. Gia đình bảy con ngỗng rất muốn làm quen với hai con sóc. Bởi vì hai con sóc không khi nào ăn vụng, ăn giựt thức ăn của gia đình ngỗng như lũ chuột tinh quái. Gia đình ngỗng thật bực mình khi phải uốn cái cổ dài mà cú mà mổ, đánh đuổi bọn chuột cứ hay gặm trộm mấy cái cẳng ngỗng lúc đang ngủ. Tai hại thay, gã chó Midor lại tưởng gia đình ngỗng báo động có khách, gã ta chạy xổ ra, đủ thì giờ để cút bắt với hai con sóc. Lũ chuột cũng cười rúc rích và lủi mất vào các hang. Lũ chuột cũng thích khoét mấy quày dừa mọng nước như hai con sóc. Chú Bột làm vườn đã tìm cách bọc quanh thân cây dừa một khoảng giữa bằng ny lông hay tấm thiếc trơn tuột. Lũ chuột ức lắm vì chúng không làm cách nào chuyền qua ăn dừa từ các cây khác như sóc được. Cô Sóc Xám còn trêu bọn chuột, Sóc Xám ném những hột me keo, hột táo vào đầu bọn chuột. Bọn chuột nhe răng, giựt râu chửi vói lên cây. Có tên cố gắng leo lên, nhưng lưng chừng chỗ bọc thiếc hay ny lông, tên này trợt xuống ngay làm trò cười cho chúng bạn.

Hai con sóc vẫn ngày đêm sống nhởn nhơ như vậy vì chủ nhà, mấy đứa trẻ cũng thôi ý định bắt lại chúng. Cho đến một hôm cô Sóc Xám suýt chết. Sóc Xám vừa phóng vút từ ngọn cây cau qua ngọn cây dừa. Cô Sóc Xám bám hụt vào tàu lá xanh non, chỉ kịp đòng đưa trên tàu lá khô vàng sắp bị chú Bột giựt xuống tước lá chụm. May thay cô Sóc Xám thoát khỏi cái mổ trộm của tên rắn lục. Tên rắn lục rất khó phân biệt vì màu da xanh của nó chỉ đậm hơn màu lá một chút. Hắn ta lại khéo ngụy trang như các đuôi cuống dừa. Cô Sóc Xám hết hồn “nhảy dù” đại xuống đất. Lúc hữu sự cái đuôi của cô Sóc Xám xòe tàn rộng ra cũng bọc gió và êm lắm chứ. Tên rắn lục quăng mình xuống đuổi theo liền. Cô Sóc Xám lại phóng lên cây gòn, cây me keo, chuyền thật lẹ qua các cây khác… Và rồi tên rắn lục chẳng làm sao bắt kịp. Cô Sóc Xám chui tọt vào bọng một cây dong, một chỗ ẩn mà cô cho là kín đáo nhất, có lẽ chàng Sóc Nâu cũng chưa biết chỗ này. Đợi tim bớt đập nhanh, hết cơn hồi hộp, cô Sóc Xám thò đầu ra quan sát. Chợt bầy se sẻ giật mình bay khỏi cây táo ta. Cô Sóc Xám nhìn kỹ. “Ô hay! Lạ kìa, sao tên rắn lục lại quấn quanh chảng ba cây táo ta mà ngủ”. Ờ mà lạ thiệt, tên rắn lục đuổi cô Sóc Xám nhanh đến thế cơ à? Cô Sóc xám nhìn kỹ hơn, từng bóng hoa nắng vương vãi trên vảy láng của tên rắn lục đang ngủ, hắn rượt mệt rồi chăng? Một gã quạ ô từ đâu chợt vút qua. Gã kêu khàn khàn : “Quạ quạ” làm thức giấc tên rắn lục. Quạ và rắn gờm nhau. Hình như tên rắn lục này khác tên hồi nãy. Cô Sóc Xám thầm nghĩ ngợi. Cô Sóc Xám lo âu cho trận chiến sắp xảy ra. Nhưng khi tên rắn lục lừ đừ chuyền xuống đất, gã quạ không biết nghĩ sao cũng quay đi. Ý chừng gã quạ về gọi thêm viện binh. Cô Sóc Xám tự nhủ, phải tìm chàng Sóc Nâu mà tìm cách đối phó với kẻ thù nguy hiểm này. Không rõ mấy tên sát thủ này từ đâu lang bạt vào đây?

Sóc Nâu hay tin thì vội vã chạy tìm mấy thứ cỏ để trị nọc rắn. Linh tính loài vật sẽ giúp chúng tìm ra dược thảo để tự cứu chữa. Khốn thay khu vườn này tuy rộng lớn nhưng không có được một cọng cỏ thuốc nào. Thế là phương pháp “xa luân chiến”, khi cô Sóc xám cắn lộn, anh Sóc Nâu nghỉ, cô Sóc Xám mệt lui về, chàng Sóc Nâu sẽ vào thế chỗ, đành phải bỏ, vì làm sao có cỏ để nhai cho giã nọc rắn hay đắp vết thương.

Sáng ngày hai con sóc lại lo âu thêm khi biết đó là hai vợ chồng rắn lục, đã nuốt tươi bốn con chuột cống. Hai con rắn mau tìm chỗ kín đáo mà ngủ chờ tiêu hóa cho xong thức ăn. Hai con rắn lục này vì mưa ngập đồng ruộng, đánh liều đi phiêu lưu. Chẳng hiểu làm cách nào chúng qua được các đường xá, xe cộ, nhà cửa mà lọt vào khu vườn khá an toàn này. Có lẽ chúng đói lắm thì phải. Chừng năm hôm là chúng lại bò quanh quẩn tìm mồi vì bốn con chuột đã tiêu hóa xong. Ôi Chao! Dơi, chim… rủ nhau mà trốn. Giá mà chỉ có một con rắn lục thì hai con sóc đã đánh đuổi được, nào dè đến hai con, thật là nan giải. Hai con sóc đành “tẩu vi thượng sách” là hơn. Chàng Sóc Nâu rủ ren cô Sóc Xám rình cắn cổ hai vợ chồng rắn lục khi chúng no bụng nằm ngủ. Nhưng cô Sóc xám nhát gan không dám đi tìm chỗ ẩn của hai con rắn với Sóc Nâu.

Phải làm sao chứ để vậy hoài sẽ là mối đe dọa cho mỗi khi đi đứng, ăn ngủ… của hai con sóc. Lúc nào cũng phải canh chừng ngó trước, nhìn sau… Giữ gìn còn hơn là trốn lánh loài người lúc trước, thật khổ! Sóc Nâu bèn bàn với Sóc xám:

- Chúng ta phải thật khéo léo, chạy và dẫn dụ hai con rắn ham rượt chúng ta. Khi chúng theo chúng ta chạy vào gần biệt thự, may ra có gã chó tiếp tay. Nè, chạy cho lẹ kẻo mất mạng.

Cô Sóc Xám e dè chấp nhận giải pháp đó. Nhưng trò chơi ấy không hứng thú. Vì lúc đói thì rắn rượt rất hăng, khi no rắn uể oải giương đôi mắt không mí nhìn theo sóc đang cố chọc giận mà vẫn thản nhiên. Và rắn chẳng khi nào dại dột theo sát hai con sóc tiến gần biệt thự. Dù chúng rất thèm nuốt trộm trứng gà, trứng vịt trong chuồng chủ nhà nuôi.

Sóc Nâu nhất định khuyến khích Sóc xám can đảm lên. Hai con sóc thừa lúc hai con rắn có vẻ tiêu hóa xong món chim hay chuột trong bụng, là lúc rắn sắp sung sức, xông vào cắn ngay chót đuôi. Hai con rắn đau quá, nổi sùng, cái bụng còn nặng è ạch vẫn quay phắt đầu rượt hai con sóc phá giấc. Hai con sóc “chí chóe” vừa chạy vừa “la làng”. Gã chó “berger” chưa hay, nhưng sáng đó thằng Hồng đã thấy rắn. Thằng bé cũng “la làng”:

- Rắn, rắn… ba má ơi! Chú Bột ơi! Rắn ghê quá.

Anh và chị nó chạy ra hỏi nhặng lên:

- Đâu, mày xạo hoài… Ủa, có bóng hai con sóc. 


Con Lý mừng rỡ khi thấy hai con sóc. Nhưng hai con sóc trái lại, lẩn trốn vào khu vườn mất tăm. Chú Bột nghe lời thằng Hồng tìm rắn để chém. Chú ta luýnh quýnh, vác vội cây cuốc. Chú nhanh mắt cuốc cho chị rắn lục chậm chạp một nhát đứt đôi. Hai khúc rắn lìa nhau rẩy đành đạch như “đỉa phải vôi’. Khúc đầu há to với cặp răng móc chứa nọc độc, như chưa thỏa mãn với cặp mắt trợn trừng vì chưa đớp được một ai. Bọn trẻ xách cây, xách chổi, lượm đá… xông đến đập túi bụi con rắn đáng chết. Gã chó Midor bây giờ mới hay, cũng xum xoe vẫy đuôi chạy đến sủa hùa:

- Quấu quấu! Còn tên nào nữa để tôi thanh toán luôn?

Chẳng ai buồn chú ý đến gã chó berger. Mọi người bận đập dẹp dép con rắn. Nhiều cái trứng rắn còn non vỡ phọt ra. Tên rắn lục còn sống đã trốn biệt nơi nào. Chắc không ai ngờ rằng còn một con rắn độc vẫn lẩn quẩn trong vườn nhà.

Người ta vẫn thường nghĩ rằng con rắn còn lại sẽ trả thù cho con rắn bị giết. Nhưng người ta đã lầm, mặc dầu có nhiều truyện kể hấp dẫn để chứng minh. Con rắn lục còn lại bị “một mẻ sợ” suốt đời, đang tìm đường “cao chạy xa bay”. Nó linh cảm rằng kẻ bất lương như nó bắt đầu mất chỗ dung thân. Với hướng đi vô định, tên rắn lục thấp thỏm quay về hay tiến tới (?), lần mò ra khỏi khu vườn, cố quên đi cái chết hãi hùng của rắn vợ.

Hai con sóc đã thành công. Bọn dơi, chim, chuột… hoan hô hai con sóc quá tay. Chúng không ngờ hai con sóc lại tài tình như vậy. Dơi, sóc, chuột, chim… vui vẻ kết bạn, làm hòa với nhau như chưa từng bao giờ ganh ăn và giận dỗi, ghét nhau. Thế là an tâm và thảnh thơi vui sống vì rắn lục đã bỏ đi. May lắm nó mới thoát được sự săn giết không gớm tay của loài người sẽ dành cho nó.

Thoảng có khi nào Sóc xám nhớ mùi hạt dẻ, đậu phọng, củ ấu, lúa mì…, cô Sóc Xám nài nỉ mãi anh Sóc Nâu mới chịu lò dò cùng cô ta về thăm lồng cũ.

Than ôi! Với lồng cũ sạch sẽ khi xưa, bây giờ trở nên hôi hám.

Một đàn bọ đã choán chỗ hai con sóc ở. Lồng bây giờ chỉ chứa toàn rau, cỏ… các loại mà thôi. Hai con sóc ngơ ngác nhìn nhau, nhìn lồng lần cuối trước khi quay vào vườn. Nhớ nhung đôi chút, chứ dẫu sống trong lồng sơn son thếp vàng, ăn uống món ngon vật lạ hai con sóc vẫn không ham cảnh đời giam hãm.

Hai con sóc nối đuôi nhau phóng vút vào vườn cây. Chúng còn phải tránh con đường của vương quốc kiến đang đưa tang bộ xương chị rắn lục, đã bị xơi hết chỗ thịt từ ba hôm qua. Hai khúc xương rắn dập gãy, chậm chạp di chuyển một kiểu kỳ quái. Hai con sóc trở vào vườn rộng vẫn chưa quên ước mơ được về rừng cũ xa xưa. Nhưng mấy đứa trẻ thì đã quên hai con sóc nhỏ, vì dịp giỗ quảy, thằng Xê lại mang tặng mấy đứa em cặp cưỡng chỉ mới lột lưỡi. Mãi mãi hai con sóc lòng vòng trong vườn cây ăn trái đó mà thôi.

Rồi đây người ta sẽ gặp một bầy sóc con. Bọn nhóc sóc này họa chăng sẽ là nhắc nhở giữa mối giao tình của bố mẹ chúng với bọn nhóc loài người.


PHAN KHƯƠNG THÁI   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 94, ra ngày 17-6-1973)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com