Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

DẤU TỬ THẦN (V)




Trước hết ta phải đẩy xa mối hiểm nguy đang đe dọa anh ra cái đã. Sau đó ta sẽ tìm ra ánh sáng của vụ này, và trừng phạt kẻ có tội sau.

Chàng thanh niên vừa đứng dậy mặc áo mưa vừa nói:

- Tôi xin cám ơn ông. Ông đã cho tôi lại can đảm và hy vọng. Tôi sẽ hành động theo như ông khuyên bảo.

- Đừng để mất một phút nào. Và cần nhất là trước đó phải hết sức đề phòng : Vì chắc chắn anh đang bị một mối nguy hiểm trầm trọng đe dọa đấy nhé. Anh về bằng cách nào?

- Bằng xe lửa.

- Bây giờ chưa tới chín giờ, vậy đường phố hãy còn có người qua lại, tôi nghĩ là anh sẽ không việc gì đâu. Tuy vậy cũng phải cẩn thận đấy.

- Tôi có mang súng theo.

- Vậy thì tốt lắm. Ngày mai, tôi sẽ lo cho vụ của anh.

- Tôi sẽ gặp lại ông ở Hồ Sam chăng?

- Không. Điều bí mật được giấu tại Luân Đôn. Vậy tôi sẽ kiếm nó ở đây.

- Nếu vậy, một hai bữa nữa tôi tới thăm ông, và sẽ nói cho ông biết tin về cái rương giấy tờ. Và nếu có gì xảy ra, tôi cũng sẽ kể hết cho ông nghe.

Anh ta bắt tay chúng tôi và từ biệt ra về. Bên ngoài, gió vẫn gào thét và mưa vẫn sầm sập vào kính cửa. Tưởng chừng như câu chuyện kỳ lạ man rợ đó vừa do cơn giông tố đó mang đến cho chúng tôi vậy.

Sĩ Lâm vẫn im, đầu nghiêng về phía trước, mắt nhìn đống lửa. Sau đó anh đốt ống vố, tựa lưng vào ghế bành, và ngắm những vòng khói xanh mà anh phun lên đến tận trần nhà. Sau cùng, anh nói:

- Hoàn ạ, tôi nghĩ rằng đây là câu chuyện ly kỳ nhất trong số những chuyện mà chúng ta đã phải giải quyết.

- Trừ câu chuyện bọn Song Tô ra chứ!

- Ờ, có lẽ. Nhưng dù sao đi nữa, tôi thấy anh chàng Giang Âu này chịu nhiều hiểm nghèo hơn là bọn người đã bị bọn Song Tô đe dọa.

- Nhưng anh đã có ý kiến gì chắc chắn về những hiểm nguy này hay chưa?

- Hiểm nguy đến mức nào thì không cần nói ra, ta cũng đã biết rồi.

- Vậy bọn K. K. K. ấy là ai mà cứ theo hại gia đình khốn khổ ấy mãi như vậy?

Sĩ Lâm nhắm mắt lại và đặt khuỷu tay lên thành ghế, những ngón tay đan vào nhau. Anh nói:

- Một lý thuyết gia có thực tài, theo ý tôi, khi đã được thấy một sự việc dưới đủ mọi khía cạnh khác nhau, phải có thể suy đoán ra tất cả những sự việc đã xảy ra trước, và sẽ diễn tiến ra sau này mới được. Ta thường không để ý đến những kết quả do sự suy luận có thể mang lại nhiều bài toán làm lạc hướng tất cả những người muốn tìm kiếm kết quả bằng phương pháp thực nghiệm, trái lại, đã được giải quyết xong trong một căn phòng, chỉ cần đến sự suy nghĩ. Muốn đạt được đến trình độ giỏi dắn đó, thì nhà lý thuyết phải sử dụng tất cả những điều mà người ta được biết, tức là chính ông ta phải biết rất nhiều, biết nhiều đến nỗi mà ngay trong thời đại mà nền giáo dục rất tự do, rất tiến bộ này, và sách vở để tra cứu thì đầy dẫy, dầu vậy ít người có thể đạt được trình độ đó. Nhưng tôi nghĩ là một người có thể tìm được một số vốn liếng hiểu biết đủ xài cho nghề nghiệp của hắn ta. Riêng phần tôi, thì tôi cũng đã cố gắng để có số vốn liếng đó. Nhớ lại, hồi chúng mình mới quen nhau, anh phê bình tôi theo một lối có vẻ rất toán học, có phải thế không nhỉ?

Tôi cười, trả lời:

- Đúng rồi, kể cũng hơi đặc biệt. Về triết học, thiên văn và chính trị, tôi đã cho anh số không, tôi nhớ vậy. Còn về vạn vật thì bất thường. Về địa chất khá đủ để có thể nhận ra một dấu bùn đã phát nguyên từ nơi nào, trong một vòng tròn có đường bán kính tám mươi cây số quanh Luân Đôn. Về Hóa học thì hơi quái gở, về Cơ thể học hơi thiếu phương pháp làm việc. Về văn chương giật gân và chuyện án mạng giỏi nhất. Biết chơi vĩ cầm, biết đánh quyền Anh. Biết đánh kiếm, biết luật. Và nghiện thuốc lá. Tôi nghĩ rằng đó là những điều chính trong bản phân tách ấy thì phải.

Nghe dứt lời, Sĩ Lâm cười phô bày cả bộ răng ra. Anh nói:

- Cho là đúng như vậy đi. Bữa nay tôi cũng trả lời anh, như tôi đã trả lời hồi đó, là người ta cần nhất là phải giữ lấy những gì hắn cần dùng đến trong cái chất xam xám trong óc ấy, còn ngoài ra những gì hắn cho dư thì tống khứ hết ra sau đi, và chỉ sử dụng đến khi nào cần thiết đến mà thôi. Trở lại câu chuyện của chúng mình tối nay, cái phần xam xám ấy của chúng không phải là nhiều lắm đâu. Ta phải sử dụng hết trí thông minh mới được. Anh có thể tìm cho tôi vần K trong cuốn tự điển Hoa Kỳ đó được không? Nó trên giá sách ngay cạnh anh đấy. cám ơn. Bây giờ, ta hãy xem lại tình trạng hiện thời và đoán thử xem việc gì sẽ có thể xảy ra.

Trước hết, ta thấy rằng rất có thể là Đại tá họ Giang có một lý do nghiêm trọng để phải rời bỏ Châu Mỹ : Đến một tuổi nào đó, người ta rất ít thích thay đổi thói quen. Và không dễ gì ông ta lại bỏ rơi khí hậu dễ chịu ở miền Nam Hoa Kỳ, để trở về đây sống một đời cô độc ở tỉnh lẻ, dầu rằng là ở Anh đi nữa.

Cái kiểu thích sống cô độc ở quê hương của ông ta làm tôi nghĩ rằng ông ấy sợ một người hay một cái gì đó. Ta hãy lấy giả thuyết rằng Đại tá họ Giang đã trốn lánh nước Mỹ vì sợ một người hay một cái gì. Ông ta sợ gì? Để trả lời cho câu hỏi này, ta chỉ có tài liệu là những bức thư mà ông ta và những người thừa kế ông ta đã nhận được. Anh có để ý đến những con dấu nhà bưu điện trên những bức thư đó không?

- Bức thư đầu được gửi tới từ Bông-Ri. Cái thứ hai từ Đăng Đế và cái thứ ba từ Luân Đôn.

- Từ Luân Đôn, đúng rồi. Anh có suy ra điều gì không?

- Ba nơi đó là ba cửa biển. Vậy người gửi thư phải ở trên tàu.

- Được lắm, vậy là ta đã có được một điều chỉ dẫn. Vậy rất có thể người gửi thư phải đi trên một con tàu. Coi đến điểm khác. Về trường hợp ở Bông-Ri, bảy tuần lễ đã trôi qua từ khi bắt đầu sự hăm dọa đó. Trong trường hợp Đăng Đế thì chỉ có ba hay bốn ngày thôi. Anh có nhận thấy gì khác lạ không?

- Quãng đường phải đi xa hơn.

- Nhưng thư cũng phải lâu hơn mới đến tay người nhận.

- Ừ nhỉ! Vậy thì tôi không hiểu được…

_____________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN VI

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 98, ra ngày 15-7-1973)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com