Bỗng nhiên nghe có tiếng chuông reo, tôi ngước nhìn Sĩ
Lâm:
- Chuông reo kìa, ai mà lại đến đây vào giờ này thế
nhỉ? Bạn anh đó chắc?
Anh ta trả lời:
- Ngoài anh ra, tôi không có người bạn nào nữa hết. Và
tôi cũng không hay tiếp những kẻ tò mò.
- Vậy chắc là khách hàng chăng?
- Nếu đó là một người khách, thì hẳn là phải có chuyện
quan trọng lắm, hắn mới đến đây vào lúc trời đất như thế này…
Có tiếng chân người trong hành lang rồi tiếng gõ cửa.
Sĩ Lâm giơ tay lên xoay lại ngọn đèn, không cho nó hướng về trang giấy nữa, mà
hướng về cái ghế trước mặt, dành cho người khách sắp đến. Anh nói:
- Xin mời vào!
Người đàn ông bước vào còn trẻ lắm, chỉ độ hai mươi
hay hăm hai tuổi là cùng. Anh ta ăn mặc sạch sẽ, có vẻ chải chuốt nữa là khác.
Cử chỉ của anh ta ra dáng là một người con nhà nền nếp. Tay
cầm ô ướt sũng nước và cái áo mưa bóng loáng chứng tỏ anh ta vừa phải đối đầu với
cơn giông tố. Dưới ánh đèn, anh nhìn quanh. Trông anh ta có vẻ rất lo lắng : Mặt
tái nhợt, và đôi mắt mệt mỏi tối sầm như mắt của một người vừa bị một sự sợ hãi
đè nặng lên tâm trí.
Anh ta vừa đeo cặp kiếng gọng vàng lên mắt vừa nói:
- Xin lỗi các ông. Mong rằng tôi không làm phiền các ông
nhiều.
Sĩ Lâm nói:
- Đưa tôi chiếc áo mưa và cái ô để tôi treo vào mắc,
lát nữa sẽ khô ngay. Ông vừa từ phía Tây Nam tới đây, phải không?
- Vâng, ở khu Hồ Sam.
- Trông giầy ông có dấu đất sét và dấu vôi là tôi biết
ngay ông vừa đến từ vùng đó.
- Tôi tới đây để nhờ ông khuyên bảo một việc.
- Chuyện đó dễ lắm.
- Và để nhờ ông giúp đỡ.
- Vậy thì khó hơn chút rồi đấy!
- Tôi đã được nghe nói về ông, ông Sĩ Lâm ạ. Ông hội
trưởng Phan Danh đã cho tôi biết ông đã cứu ông ấy trong vụ tai tiếng ở hội quán
Tăng Vinh.
- À, đúng rồi! Ông ta bị gán cho là đã đánh bạc bịp mà
thật ra thì không phải như vậy.
- Ông ta bảo tôi rằng ông có thể giải đáp được tất cả
mọi bài toán.
- Ông ta đã nói quá lời đấy.
- Rằng ông chưa bao giờ chịu thua lần nào.
- Thực ra tôi đã bị thua bốn lần : Ba lần bởi đàn ông,
và một lần thua trí một người đàn bà.
- So với những lần ông thành công thì con số đó chẳng
có nghĩa gì cả.
- Cũng đúng, vì thường thì tôi thành công.
- Vậy thì chắc ông có thể thành công với tôi chăng?
- Mời ông kéo ghế xích lại gần bên lửa, và kể cho tôi
nghe câu chuyện của ông xem.
- Chuyện này không phải tầm thường đâu!
- Khi người ta nhờ đến tôi, thì không phải là những
chuyện tầm thường. Tôi có vẻ như là miếng ván cuối cùng cho người bị đắm tàu vậy.
- Dầu vậy, tôi cũng không hiểu là trong suốt những năm
kinh nghiệm của ông, đã có bao giờ ông gặp được những chuyện kỳ bí và khó hiểu,
như những chuyện đã xảy ra tuần tự trong gia đình tôi chưa.
Sĩ Lâm nói:
- Ông làm tôi thêm tò mò. Ông có thể kể sơ những chuyện
chính yếu đã xảy ra từ lúc đầu không? Sau đó tôi sẽ đặt câu hỏi nếu thấy chỗ nào
quan trọng cần biết thêm.
Anh chàng kia kéo ghế lại gần lò lửa và đặt cặp chân ướt
sũng lên bệ gạch. Anh ta nói:
- Tôi tên là Giang Âu. Nhưng thật ra tôi thiết tưởng
bản thân tôi không có liên hệ bao nhiêu đến những chuyện thê thảm mà tôi sắp kể
cho ông nghe.
“Ông nội tôi sinh được hai người con trai : Ông bác tôi
tên là Anh Lý và cha tôi là Doanh.
Cha tôi có một căn xưởng nhỏ ở Cô Văng. Khi các xe đạp
bắt đầu được thịnh hành thì xưởng của cha tôi bắt đầu phát đạt. Ông đã có bằng
cầu chứng về bánh xe không bể của họ Giang, và công việc rất phát triển đến nỗi
sau đó lúc bán lại thì ông thu được một gia tài kha khá.
Bác Anh Lý của tôi sang Mỹ Châu từ hồi ông còn trẻ. Ông
trở thành chủ nông trại ở miền Phô Rít (Floride), và cũng rất khá giả.
__________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II