Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

CHIẾC VƯƠNG MIỆN CẨN NGỌC (VII) - Thu An



Sĩ Lâm vừa trở lại chùi tuyết bám trên giày vào tấm thảm trước cửa vừa trả lời:

- Tôi hoàn toàn đồng ý với cô và tôi cũng hy vọng như cô, sẽ tìm ra chứng cớ để tỏ là anh ấy vô tội. Tôi đoán là đang được hân hạnh nói chuyện với cô Hoa đây có phải không ạ? Tôi có thể hỏi cô vài câu được không?

- Xin ông cứ hỏi! Tôi cũng rất mong được làm sáng tỏ câu chuyện bí mật ghê gớm này…

- Đêm qua, cô có nghe thấy gì không?

- Không, cho đến lúc bác tôi bắt đầu to tiếng. Khi tôi nghe thấy, tôi vội chạy xuống.

- Cô đã đóng các cửa cái và cửa sổ ; cô có đóng chặt hết các cửa sổ không?

- Thưa ông, có chứ.

- Sáng nay, các cửa sổ vẫn đóng kín?

- Vâng!

- Một trong những chị hầu phòng có tình nhân phải không? Dường như bữa qua, cô có nói với bác cô là chị ta đã ra thăm hắn?

- Vâng, chị ấy lúc đó đang dọn dẹp trong phòng khách, có lẽ chị ta đã nghe bác tôi nói về cái vương miện.

- Tôi hiểu. Cô suy đoán ra rằng chị ta đã có thể ra ngoài để bảo cho người tình biết, và cả hai đã có thể thảo chương trình ăn trộm.

Ông chủ ngân hàng sốt ruột kêu lên:

- Nhưng mà mình làm gì với những giả thiết xa vời ấy? Vì chính mắt tôi đã thấy thằng Anh Thi và chiếc vương miện trong tay nó!

- Kiên nhẫn một chút, ông Huỳnh Anh ạ. Ta phải trở lại cái giả thiết đã đưa ra : cô Hoa, cô đã thấy chị hầu phòng trở lại, bằng lối đi của căn bếp, phải không?

- Vâng, lúc tôi đi coi lại xem cửa đã khóa kỹ chưa, tôi thấy chị ấy lẻn vào nhà. Tôi cũng thấy tình nhân của chị ta, đứng trong sương nữa.

- Cô biết hắn ta sao?

- Có chứ. Đó là người bán hàng vẫn thường mang rau đến cho chúng tôi. Hắn tên là Phan.

Sĩ Lâm hỏi:

- Hắn đứng ở mé bên trái cửa, phải không?

- Vâng.

- Và hắn ta có một chân bằng gỗ?

Cặp mắt đen của cô gái thoáng một tia lo lắng. Cô ta kêu lên:

- Bộ ông là ma quỉ hay sao mà biết được điều đó?

Cô ta mỉm cười, nhưng Sĩ Lâm vẫn đăm chiêu không cười đáp lại. Anh nói:

- Tôi rất muốn được lên xem trên lầu nhất. Và có thể tôi còn phải coi lại chung quanh nhà nữa. Nhưng có lẽ trước khi lên lầu, tôi nên xem xét lại các cửa sổ dưới nhà đã…

Anh ta đi mau mắn đến các cửa sổ, và ngừng lại một lúc ở cửa sổ lớn trông ra lối đi sang chuồng ngựa. Anh mở ra, và dùng kính lúp xem xét kỹ lưỡng chỗ bực cửa sổ. Sau cùng anh nói:

- Xong rồi! Bây giờ ta có thể đi lên lầu.

Căn phòng tắm của ông chủ ngân hàng trông gần như một căn buồng ngủ nhỏ vậy. Có một cái thảm xám, một bàn giấy lớn, và một cái gương hình chữ nhật. Sĩ Lâm tiến về phía bàn giấy và nhìn kỹ ổ khóa ngăn kéo.

- Ông thường dùng chìa khóa nào để mở ngăn này ra?

- Chìa khóa mà thằng con tôi đã nói : chìa khóa tủ đựng đồ vật.

- Ông có nó đây không?

- Ở trên bàn đó!

Sĩ Lâm cầm lấy và mở ngăn bàn ra. Anh nhận xét:

- Không có tiếng động nào. Chẳng đáng ngạc nhiên nếu ông không bị đánh thức vì tiếng mở khóa. Chắc hộp này đây đựng vương miện phải không? Ông cho phép tôi xem một chút nhé…

Anh mở hộp, lấy cái vương miện ra và đặt trên bàn. Đó là một nghệ phẩm gắn ngọc lộng lẫy, và tôi chưa bao giờ trông thấy ba mươi sáu viên đá đẹp như thế. Ở một đầu của vương miện, một cái vành bị bẻ cong lại, gãy ra : một góc có ba viên đá đã bị đứt đi.

Sĩ Lâm nói:

- Ông Huỳnh Anh, đây là cái góc đối diện với góc đã không may bị mất. Tôi có thể nhờ ông bẻ gãy thử được không?

Ông chủ ngân hàng lùi lại kinh sợ:

- Không bao giờ tôi muốn thử việc đó.

- Nếu thế, thì tôi sẽ thử…

Sĩ Lâm bất chợt ấn mạnh tay hết sức mình, nhưng vô hiệu. Anh rất bình tĩnh nhận xét:

- Tôi nghĩ là nó đã hơi bị chuyển một tí. Nhưng, dầu tay tôi rất mạnh, cũng chỉ phí thì giờ vô ích, nếu muốn bẻ gãy nó. Một người đàn ông sức lực trung bình không thể làm được. Nhưng giả thử rằng tôi bẻ được, ông Huỳnh Anh ạ, thì sẽ có một tiếng động, khô khan như tiếng súng bắn. Ông có cho là ông vẫn không nghe thấy gì không, khi chuyện đó xảy ra ở cách giường ông có vài thước?

- Tôi không biết nghĩ sao. Tôi đang đứng trong bóng tối.

- Có lẽ ta sẽ tìm ra ánh sáng nếu ta tiếp tục khảo sát. Cô nghĩ sao, cô Hoa?

- Tôi thú thực là tôi cũng bối rối như bác tôi vậy.

________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VIII

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 79, ra ngày 4-3-1973)