Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

CHƯƠNG 5_BỨC TRANH MÀU XÁM



5


Sáng nay vào lớp, tôi ngạc nhiên khi thấy Thúy ngồi gục đầu vào bàn, đôi vai rung động. Nó đang khóc. Từ ngày chuyện tôi với chú Ngọc xảy ra, tuy Thúy không hề hay biết gì hết nhưng tôi giới hạn giao thiệp với Thúy. Có chuyện gì cần tôi mới nói qua loa với Thúy. Tôi sợ Thúy mời tôi đến nhà chơi và hỏi tôi chuyện này chuyện nọ, có thể trong một lúc vô tình tôi sẽ bộc lộ ra và điều đó chắc chắn sẽ làm phật lòng chú Ngọc. Hôm nay thấy Thúy khóc, tôi rất ngạc nhiên. Tôi biết tính Thúy, Thúy là đứa con gái cứng rắn ít ai bì kịp và từ dạo quen nhau tới nay tôi chưa hề thấy Thúy nhỏ một giọt nước mắt dù có nhiều chuyện thật buồn cũng vậy. Tôi đến cạnh Thúy, đặt nhẹ bàn tay lên vai nó.

- Thúy !

Thúy ngẩng lên, hai mắt nó còn đỏ ửng.

- Sao vậy ?

Tôi hỏi tiếp. Thúy nhìn tôi chăm chăm không đáp và lại gục đầu xuống bàn. Tôi hiểu là một chuyện gì rất trầm trọng vừa xảy ra. Tôi ngồi xuống bên Thúy, nhỏ giọng :

- Có chuyện gì buồn vậy Thúy ? Nói cho tao nghe với đi.

Lần này Thúy trả lời :

- Chuyện dài dòng lắm, thật tao không ngờ…

Tôi nóng ruột.

- Nhưng chuyện gì mới được chứ ?

- Chuyện gia đình chú Ngọc !

- Hả ?

Tôi thảng thốt. Âm thanh câu nói của Thúy như những ngọn roi quất mạnh vào da thịt tôi đau buốt. Chuyện gì đã xảy đến với chú Ngọc ? Chú Ngọc ! Tôi muốn gọi tên chú nhưng môi tôi vẫn khép cứng. Ruột gan tôi nóng cồn cào. Tôi nhìn Thúy.

- Chuyện gia đình chú Ngọc… sao, hả Thúy?

Thúy lại lắc đầu, vẻ chậm chạp của nó làm tôi nóng muốn điên lên. Tại sao nó không nói mau lên cho tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra mà lại ậm ừ như vậy ? Thúy vừa định mở miệng thì chuông vào lớp vang lên. Nó nói :

- Thôi vào học rồi, chút nữa ra chơi nói.

Tôi bắt buộc phải về bàn, nhưng suốt cả hai giờ học đó tôi không thâu thập được vào đầu óc mình một dòng nào. Những lời giảng của giáo sư đều đều lọt vào thính giác nhưng không một câu nào ghi lại trong ký ức. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập hiện ra trong cân não. Hai giờ đồng hồ, một trăm hai mươi phút mà tôi ngỡ như nó dài cả thế kỷ. Cuối cùng chuông cũng reo lên. Chờ cho giáo sư ra khỏi lớp, tôi đứng ngay dậy chạy lại bên Thúy. Hai đứa đưa nhau xuống câu lạc bộ. Câu chuyện có tầm quan trọng rất cao nên cả hai chúng tôi không đứa nào cảm thấy yên tâm. Thúy hỏi khi ngồi vào bàn :

- Uống một cái gì đi Vi.

Tôi bảo :

- Cho Vi chai Sprite.

Thúy gọi một Coca. Ly nước trước mặt hai đứa lóng lánh. Tôi nghe bồn chồn lạ. Giờ phút sao nghiêm trọng quá. Tôi lo lắng muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho chú Ngọc, gia đình chú Ngọc thì đúng hơn.

Thúy nói :

- Chắc mày không bao giờ ngờ tới chuyện này đâu. Đáng lý tao không khi nào nói cho mày nghe, nhưng bởi vì mày thân với gia đình chú Ngọc rất nhiều nên tao hiểu là chẳng cần phải giấu giếm mày làm gì. Có thể trước sau gì tao không nói rồi mày cũng biết !

Tôi ngắt ngang :

- Mày dài dòng chi vậy Thúy, tao nóng ruột quá.

- Mày để yên tao nói có đầu đuôi. Trước hết tao hỏi mày, hồi mày đến học vẽ đằng chú Ngọc, mày có thấy cuộc sống vợ chồng chú thím tao hơi lạ không ?

Tôi nghĩ mình không nên giấu giếm Thúy lúc này. Tôi gật đầu :

- Ừ, tao cũng thấy có một cái gì hơi trục trặc trong hạnh phúc gia đình chú Ngọc.

Thúy cười khẩy :

- Mày thấy hơi hơi thôi à ? Vậy là mày dở lắm Vi ạ. Phải nói là một bất bình thường rất trầm trọng thì đúng hơn.

Tôi nghe nhói đau trong lồng ngực. Tôi cảm tưởng như Thúy đang kết tội tôi và nó đã biết tất cả những gì đã xảy ra. Nhưng không, Thúy tiếp tục nói :

- Tất cả là do người đàn bà Vi ạ.

Tôi thở ra nhẹ nhõm. Có lẽ Thúy đang nói đến dì Thương. Tôi biết mình quá ích kỷ và xấu xa khi thở phào vì không phải gánh nặng, nhưng tôi chỉ là con người, tôi cũng chỉ biết sống đúng theo bản năng mình. Tôi hỏi :

- Chắc mày nói dì Thương ?

Thúy gật đầu :

- Đúng vậy. Thật tao không ngờ Vi ạ. Một người đàn bà hiền thục đoan trang như thế. Tao cứ tưởng dì Thương sống lạnh lùng là vì cá tính nhưng bây giờ vỡ lẽ ra là…

Tôi hồi hộp :

- Là sao ?

- Dì Thương ngoại tình !

Tôi nghe mình đi vào một trạng thái lâng lâng bay bổng nào và cảm xúc mà tôi vừa tiếp nhận chắc chắn không có danh từ để diễn tả. Tôi chẳng hiểu tôi vui hay buồn. Dì Thương ngoại tình ? Trời ơi ! Tội nghiệp chú Ngọc… Chú yêu thương vợ nhiều, chú hy sinh phần đời cho vợ để rồi bây giờ… Ước chi mà giờ phút này tôi được ở bên cạnh chú Ngọc, tôi được nép mình vào vòng tay chú chắc tôi sẽ kể lể chú nghe nỗi nhớ thương của tôi và tôi sẽ nói với chú «chú Ngọc đừng buồn nữa, Vi hứa lúc nào Vi cũng có bên cạnh chú. Xin chú cho Vi được săn sóc lo lắng cho chú. Xin chú cho Vi được trở lại với chú như ngày nào…». Giọng Thúy vẫn vang đều bên tai :

- Chú Ngọc bắt gặp và bây giờ hình như chú thím tao sắp ly thân nhau. Buồn quá Vi ạ. Tao chỉ thương cho hai đứa em nhỏ của tao. Cha một nơi, mẹ một nẻo. Tụi nó sẽ sống ra sao ?

Thúy thở dài. Tôi hỏi :

- Câu chuyện xảy ra lâu chưa ?

- Mới tối hôm qua đây.

- Rồi bây giờ…

- Bây giờ thì chú Ngọc đâu về nhà nữa. Tao không hiểu chú đi đâu. Ở nhà bây giờ như địa ngục mày ơi. Chắc hết hè này tao sẽ xin ba má tao ở nhà ông bác cho được việc. Ở nhà chú Ngọc, hai chú thím lục đục với nhau hoài tao học hành hết nổi.

Tôi không biết nói lời nào để chia buồn với Thúy vì đầu óc tôi lúc đó cũng đang rối bời – Chú Ngọc, người tôi quý mến nhất lại đang lâm vào một trạng huống tình cảm bi đát đến như vậy sao ? Tôi có cách gì giúp họ không ? Tôi thương chú Ngọc, liệu tôi có đủ rộng lượng để tạo lại hạnh phúc cho chú với người đàn bà lăng loàn đó không ? Nghĩ là nghĩ như vậy chứ tôi làm được gì bây giờ ? Tôi cũng không thể trở lại tìm chú Ngọc. Tôi không thể làm bất cứ gì khác giờ phút này. Tôi không thể hỏi ý kiến ai giờ phút này. Tôi, bây giờ, tôi chỉ có thể làm một công việc duy nhất là tiếp tục tìm quên chú Ngọc. Biến cố gia đình chú ảnh hưởng nặng vào con đường tôi đang dấn bước. Tôi hiểu là tôi sẽ còn khó khăn hơn nữa trong việc xóa đi hình ảnh chú Ngọc trong tâm tư mình, vì chú Ngọc bây giờ không thuộc về ai nữa cả, không trách nhiệm với ai nữa cả. Tôi có thể ngang nhiên đến với chú mà không sợ mang một mặc cảm tội lỗi nào…

Suốt buổi trưa hôm đó, tôi không bước chân ra khỏi phòng. Tôi ngồi trước bàn học mặc cho đầu óc trống rỗng không một ý nghĩ nào xâm nhập vào được. Bài vở nhảy múa trước mắt mà tôi có thấy gì đâu. Hết ngồi tôi lại đứng lên đến bên cửa sổ. Thời khắc hôm nay sao trôi chậm quá… Buổi tối tôi cáo nhức đầu không dùng cơm với mẹ tôi. Tôi sợ khi tôi xuống ngồi dưới ánh đèn néon sáng trưng trong phòng ăn, mẹ tôi sẽ đọc được nét rối loạn nơi tôi.

Khi tôi đang ngồi ôm đầu như thế, thì có tiếng gõ cửa phòng. Chị người làm ló đầu vô.

- Cô Vi có khách.

Tôi nhỏm dậy.

- Ai vậy ? Ai mà lại đến tìm tôi giờ phút này ? Tôi để nguyên đầu tóc rối bù không thèm chải gỡ đi xuống nhà. Tôi dừng lại ngay cửa buồng : Ngạn.

Ngạn đứng lên chào tôi.

- Vi ốm ?

Tôi lắc đầu :

- Không anh ạ. Hơi nhức đầu một chút.

Kể từ lúc Ngạn trở lại thăm tôi sau hai tháng quân trường, chúng tôi thường liên lạc. Ngạn đến nhà tôi thường hơn, và Ngạn cũng không có gì đáng để mẹ tôi phiền trách nên mặc nhiên Ngạn trở thành khách quen trong gia đình tôi. Tôi không yêu thương Ngạn nhưng tôi cũng chẳng ghét gì Ngạn. Ở Ngạn tôi tìm được một tình cảm chân thành như một người bạn. Cảm tình của tôi đối với Ngạn chỉ có thế và chẳng bao giờ vượt qua. Tôi không hiểu Ngạn đối với tôi thế nào và tự thâm tâm tôi cũng không muốn tìm hiểu làm gì nữa, chỉ thêm rắc rối nếu có một điểm nào đó không thuần tình bạn trong ưu ái Ngạn dành cho tôi. Tôi sợ như vậy.

Thường mọi hôm khi Ngạn đến vào lúc tôi đang bận dở một việc gì, tôi sẵn sàng tỏ ra khó chịu với Ngạn mà không cần biết điều đó có làm Ngạn phật lòng hay không. Nhưng hôm nay, sự có mặt bất ngờ của Ngạn lại là một cái phao cho kẻ sắp chết đuối như tôi níu vào. Tôi đang cần có một ai bên cạnh để nói chuyện, nói bất cứ chuyện gì miễn là có nói. Sự cô đơn cùng cực cùng với những ý nghĩ tương phản nhau về hạnh phúc gia đình chú Ngọc đã làm chết trong tôi một phần nào đời sống về tình cảm. Ngạn đến, tự dưng tôi nghe một chút cảm mến nào đi về bất ngờ. Ngạn vẫn đứng. Tôi nói :

- Anh ngồi chơi. Anh dùng gì để Vi lấy.

Ngạn ngồi xuống ghế, khoát tay :

- Thôi khỏi Vi ạ. Mới uống đằng nhà.

Tôi hỏi Ngạn :

- Hôm nay sao anh đến chơi hơi tối ?

Ngạn cười !

- Vi có biết tại sao không ?

Tôi lắc đầu :

- Không, Vi không biết.

Chợt Ngạn nói :

- Anh muốn hỏi Vi điều này. Ở nhà Vi buổi tối Vi xin đi chơi được không ?

Tôi ngạc nhiên :

- Chi vậy, anh ?

Ngạn đưa tay làm một cử chỉ trong không khí.

- Sao Vi không trả lời câu hỏi của anh?

- Cái đó còn tùy. Nếu như đi sinh nhật bạn hữu hay là có người quen thân mời thì được.

Ngạn cười rạng rỡ :

- Thế bây giờ nếu anh mời Vi đi chơi với anh hôm nay thì bác có cho phép không ?

Tôi mở lớn mắt :

- Mà… tại sao hôm nay anh Ngạn rủ Vi ?

Ngạn giải thích :

- Anh vừa coi bảng chiều nay xong trong trường. Đậu chứng chỉ này luôn rồi Vi ạ. Anh muốn được mời Vi đi nghe nhạc với anh để mừng.

Tôi cười, và mặc dù tôi cố gắng kìm hãm, câu nói vẫn bật thốt ra :

- Sao lại mời Vi mà không mời một ai khác, bất cứ một người bạn nào của anh chẳng hạn?

Tôi đọc được trong mắt Ngạn một niềm đau đớn bộc khởi không cần giấu giếm. Tự dưng một chút thương hại len nhẹ vào từng tế bào, tôi nói :

- Nói vậy chứ anh thử xin phép gia đình hộ Vi.

Mắt Ngạn sáng lên :

- Được, anh nói với bác nhé Vi.

Ngạn tiến sang phía phòng mẹ tôi làm việc. Tôi ngồi im nhìn theo bóng Ngạn gầy gầy xiêu đổ. Tôi, chính tôi buổi tối hôm nay tôi cũng đang rất cần Ngạn đây. Sự việc Ngạn mời đi nghe nhạc buổi tối thật là một may mắn lớn cho tôi. Tôi đang cần một cái gì đó để lấp đầy khoảng thời gian trống vắng hiện tại. Tôi không thể ôm đầu ngồi nhà mà nhìn đêm trôi qua dài dằng dặc. Bây giờ chính là lúc tôi có quá nhiều điều để nghĩ nhưng tôi không biết phải nghĩ gì cho nên tôi nghe quay cuồng.

Đi chơi với Ngạn, một lối thoát đấy chứ. Tôi thở ra. Mình không thể tàn nhẫn như vậy được. Mình không thể dùng Ngạn như một quân cờ cho mình bám víu lúc cô đơn được. Tình cảm chân thành của người ta không phải để mình đem ra đùa bỡn…

Những ý nghĩ xung đột trong tôi như thế rồi cuối cùng Ngạn trở ra. Nụ cười trên môi Ngạn rạng rỡ :

- Bác bằng lòng rồi Vi ạ. Nhưng bác bảo Vi nên vào gặp bác một phút trước khi đi.

Chắc mẹ tôi cần dặn dò gì đó một chút. Tôi đứng lên nói với Ngạn :

- Thôi anh Ngạn ngồi chơi chờ nhé. Vi vào xem mẹ Vi dặn gì đây.

Tôi biến nhanh vào phòng mẹ tôi ngồi. Bà đang cắm cúi trên một lô giấy tờ. Bao giờ cũng vậy, chưa khi nào tôi thấy mẹ tôi rảnh rang được một chút xíu để mà lo cho chính bà. Tôi nói :

- Thưa mẹ, mẹ gọi con ?

Mẹ tôi quay lại.

- Ừ, Ngạn nó mới xin phép mẹ đưa con đi chơi tối nay. Mẹ cho phép là vì mẹ biết tính Ngạn. Nó sẽ đưa con về đúng giờ mẹ đã ấn định với nó. Phải cẩn thận lời ăn tiếng nói với Ngạn dù ngay cả trong lúc đang vui nhất nghe chưa. Nó là một đứa con trai thông minh lắm đấy.

Nhất thời khi đó tôi không biết tại sao mẹ tôi lại nói về Ngạn như vậy. Có lẽ những rối loạn của những diễn biến từ sáng tới giờ đã làm tôi mất đi một phần náo óc nhận xét khá tinh tế cố hữu. Mẹ tôi nói tiếp :

- Con đã hết nhức đầu chưa đấy ?

Tôi gật nhẹ :

- Thưa mẹ, đã.

Mẹ tôi ra dấu cho tôi ra ngoài, cúi xuống tiếp tục những gì mà sự hiện diện của tôi vừa làm dở dang. Tôi bước luôn về phòng mình.

Lôi hộp đồ trang điểm ra, tôi ngồi im tẩn mẩn vẽ từng đường viền của mắt. Việc này ít khi xảy ra đối với tôi, nhưng hôm nay tự nhiên tôi muốn vậy. Thường tôi ít khi trang điểm. Tôi sợ những mỹ phẩm nặng nề trên làn da mỏng của mình sẽ làm mất đi vẻ tự nhiên của tôi, vẻ mà bạn bè chúng nó thường xác nhận lại là một vẻ lôi cuốn tiềm tàng trong con người tôi. Nhưng hôm nay thì khác. Hôm nay tôi vừa tiếp nhận một nguồn tin có tác nhân làm giao động những cảm nghĩ bình thường trong tôi và tôi đang phải tìm quên nhiều sự việc. Tôi phải đi chơi để không còn nhớ gì nữa.

Khi tôi đặt chân trở lại phòng khách trong chiếc áo dài soirée may thật khéo, Ngạn đứng bật dậy như cái lò xo. Câu khen ngợi bật thốt ra khỏi đôi môi anh :

- Hôm nay trông Vi xinh quá !

Tôi thấy mình không có lý do gì để phải làm Ngạn buồn. Tôi cười :

- Tại anh mời nên Vi diện đó.

Nụ cười của Ngạn sáng như một buổi bình minh mùa xuân. Hai đứa tôi ra xe. Ngạn hỏi :

- Thường buổi tối Vi ưa nghe nhạc ở đâu ?

Tôi cắn môi im lặng. Sự thực, buổi tối tôi ít khi đi đâu lắm, có đi chăng là đi ăn sinh nhật của bạn hữu chứ còn cái mục đi nghe nhạc khuya thì không có tôi. Tuy nhiên tôi vẫn cố moi óc ra tên một phòng trà nào đó để nói với Ngạn. Tôi nhớ đến những dòng quảng cáo trên báo. Tôi bảo :

- Anh có hay đến Thiên Thai không ?

Ngạn gật đầu :

- À, thỉnh thoảng có ghé, nhưng bộ Vi thích lắm sao ?

Tôi ư ? Tôi không thích gì cả. Nhưng giờ phút này tôi cần đến một nơi nào tuyệt cùng của sự ăn chơi để tôi thử du mình vào môi trường sống đó may ra tôi quên được chú Ngọc.

Chúng tôi bước xuống xe. Ngạn mở khung cửa gỗ nặng sơn mầu sẫm. Bên trong phòng trà Thiên Thai bóng tối nhờ nhờ, một thứ bóng tối đồng lõa một cách vội vã và tội lỗi với những cặp tình nhân ngồi từng đôi đây đó. Mấy ánh đèn gắn trên tường tỏa ánh sáng yếu ớt xanh ướt xuống không gian đông đặc bởi khói thuốc. Ngạn nắm khẽ cánh tay tôi đưa lối. Trên bục gỗ, người ca sĩ đang rền rĩ một ca khúc thương đau. Giọng cô cao ngất «kiếp nào có yêu nhau… thì xin hẹn đến mai sau – Anh đâu, anh đâu rồi… Anh đâu, anh đâu rồi…».

Tôi nghe tim mình nhói lên giá buốt. Tôi đưa mắt nhìn chung quanh và chợt dưng mắt tôi đập mạnh vào một bóng dáng đang ngồi gục đầu trên quầy rượu. Mầu áo chemise trắng nổi bật trên nền gỗ của quầy. Tôi cảm tưởng những mạch máu trên thân thể mình chợt nhiên đông cứng lại trong khoảnh khắc và sự tuần hoàn đã ngừng hẳn luân lưu. Những thớ thịt trên mặt tôi như rung lên, tôi đứng chôn chân nhìn. Chú Ngọc đó ư ? Chú Ngọc của bao nhiêu ngày thương nhớ, của bao nhiêu buổi tối khắc khoải, của bao nhiêu buổi sáng chờ đợi. Chú Ngọc đó ư ? Chú Ngọc của một thảm kịch gia đình vừa mới xảy ra, chú Ngọc của một cơn đam mê nào đầu đời con gái mà tôi không thể với tay tới. Ngạn nắm cánh tay tôi lắc nhẹ.

- Vi, gì vậy ?

Và anh nhìn theo hướng mắt tôi. Nhưng tôi hất tay Ngạn ra. Với tôi bây giờ, chỉ có chú Ngọc mà không là ai khác. Chung quanh tôi như hoang vắng vô chừng, như không còn ai hiện diện, trừ sự hiện diện của chú Ngọc nơi kia. Sự nhớ mong của bao nhiêu thời khắc đã qua từ ngày xa chú đột ngột trở về trong tâm thức. Làm sao tôi diễn đạt được hết cái phút giây tôi nhìn thấy chú đó. Ngạn vẫn mang một vẻ ngạc nhiên rất bình thường.

- Ai vậy Vi ?

Tôi nhướng mắt trả lời Ngạn nhưng vẫn không rời chú Ngọc một giây.

- Một người quen. Ông chú của Vi.

Ngạn gật khẽ :

- Thế à. Hay là mình mời chú đến đây luôn?

Tôi nghĩ, tại sao tôi không đến cạnh chú Ngọc, nhìn lại chú một lần, nói với chú một lời ! Tại sao tôi không làm việc đó khi tôi có thừa điều kiện làm… Tôi bảo Ngạn :

- Vi đến gặp ông chú một chút.

Không chờ đợi sự chấp thuận của Ngạn, tôi tiến đến bên chú Ngọc. Người chiêu đãi ngồi trong quầy, đập nhẹ vào bàn tay chú Ngọc trên bàn, la khẽ :

- Đừng có ỡm ờ. Tôi là Tuyết chứ Vi gì, Vi nào. Anh thì ngày nào cũng Vi, Vi… quên cả tên tôi rồi à.

Tôi ngỡ mình vừa rơi từ một nơi rất cao bình bồng vào không gian nhưng không bao giờ rớt xuống. Tôi nghe mình ngào ngạt hưởng nhận một nỗi hạnh phúc vô cùng tội lỗi nhưng thích thú. Chú Ngọc, trời ơi ! Bộ Vi được thường xuyên nhắc nhở đến như vậy sao chú ? Tôi muốn bây giờ mọi người biến đi đâu mất hết, cho tôi được gục đầu bên chú Ngọc mà nói lên với chú tiếng nói trung thực nhất của tâm hồn mình. Tôi thấy hai chân mình di động. Con người tôi giờ phút này như được điều khiển bởi một cơn mê nào không thuộc lý trí tôi nữa. Tôi đến cạnh bên chú Ngọc. Ánh mắt người chiêu đãi nhìn tôi chằm chằm. Tôi đặt nhẹ một tay lên vai chú Ngọc để cho chú biết sự hiện diện của mình. Chú Ngọc quay phắt người lại. Chú nhìn tôi bằng tia nhìn của một con thú bị thương sắp chết chợt gặp được một may mắn cuối cùng nào đó. Miệng chú lắp bắp :

- Vi… Vi… đi đâu đây ?

Âm thanh khàn đặc. Mùi rượu nồng mũi. Người chiêu đãi nhìn tôi gật gù. Có lẽ cô ta hài lòng vì bây giờ đã biết được người mà cô vẫn nghe chú Ngọc gọi trong cơn say. Nhưng hôm nay chú Ngọc chưa say, bằng cớ là chú đứng lên nắm hai vai tôi lắc mạnh.

- Vi, trả lời cho chú biết, nói cho chú biết mau. Vi đi đâu đây ? Vi đến đây làm gì, hả ? – Đến với ai… lâu chưa Vi ?

Chú Ngọc hỏi một dọc làm tôi không thể trả lời. Tôi đứng im lặng nhìn chú.

- Sao Vi không trả lời chú ?

Tôi nghe cổ họng mình nghèn nghẹn lại như sắp khóc. Tôi muốn nói mà sao âm thanh dường như chùng lại đâu đó. Ở đằng kia, ánh mắt Ngạn vẫn hướng về tôi với chú Ngọc. Tôi nói khẽ :

- Vi đi với một người bạn và Vi cũng vừa mới đến đây thôi.

Chú Ngọc thở hắt ra mệt mỏi. Đến lượt tôi nói :

- Đến đây lần đầu để thấy chú ngồi đó tự bao giờ, để hiểu là từng đêm từng ngày chú ngụp lặn nơi đây. Chú Ngọc, Vi vẫn ngỡ là bất cứ ai, cũng có thể làm tất cả những việc tồi tệ nào nhất trên thế gian này cũng được mà Vi không bao giờ thèm lý tới. Nhưng chú thì không. Chỉ trừ có chú thôi, chú nghe chưa? Thế nhưng hôm nay…

Chú Ngọc đưa tay làm một cử chỉ ngăn cản :

- Đừng, Vi, đừng nói nữa.

Tôi muốn nói hết bao nhiêu điều ẩn chứa trong lòng, nhưng sao tôi tìm không ra từ ngữ để diễn tả. Chỉ trong khoảnh khắc gặp chú nơi đây mà con người tôi thay đổi hẳn đi. Tôi không biết tôi phải làm gì bây giờ. Tôi cũng không thể đứng đây luôn với chú Ngọc mà bỏ Ngạn đằng kia không một lời giải thích. Tôi bối rối vô song. Chợt Ngạn tiến về phía tôi đứng với chú Ngọc. Tôi bắt buộc phải làm một cuộc giới thiệu gượng ép. Ngạn mời chú Ngọc về bàn chúng tôi, nhưng tôi hiểu chính ánh mắt van lơn của tôi đã dẫn bước chân chú Ngọc chứ không phải những lời mời mọc xa lạ của Ngạn đâu. Tôi đang cần ngồi bên chú, đang cần nhìn lại chú sau bao ngày tôi vắng chú, tôi mất hút chú khỏi tầm tay. Bây giờ thì tuy tôi chưa giữ được chú nhưng ít ra chú đang trong tầm mắt tôi nhìn. Chú đang là một thực thể hiện hữu trước mặt. Chú Ngọc nói với Ngạn :

- Đưa Vi đi chơi sao không chọn những nơi khác? Vào đây làm gì? Nơi này không thích hợp với một cô bé như Vi.

Ngạn đính chính :

- Chính Vi muốn như vậy, lúc nãy đã định đưa Vi đi chơi ở nơi khác…

Chú Ngọc quay qua tôi :

- Sao Vi lại thích vào đây ?

- Để xem cái không khí ở những nơi này lôi cuốn như thế nào mà có những người bỏ cả gia đình lao đầu vô.

- Và bây giờ, Vi thấy rồi chứ?

Tôi chua chát :

- Dạ thưa chú, thấy rất rõ là khác. Vi không hiểu được người ta được gì sau những cuộc trác táng đêm đêm.

- Vi lầm đấy. Có điều mà một người con gái nhỏ bé như Vi không bao giờ nên hiểu là rượu nó đốt được thời gian Vi ạ.

Ngạn nhìn tôi và chú Ngọc, chắc Ngạn không hiểu gì mà cũng có thể là Ngạn hiểu tất cả. Nhưng tôi không cần Ngạn, không cần ai hết. Tôi chỉ cần chú Ngọc và duy nhất chú thôi. Làm cách nào để kể từ giờ phút này tôi không bao giờ mất chú ? Tôi muốn được đi về với chú trên một khoảng đường khuya nhưng điều đó thật khó khăn. Tôi phải nói với Ngạn thế nào đây. Dầu sao Ngạn cũng chính là người đã đứng ra bảo lãnh trước mẹ tôi cho cuộc đi chơi, và điều chắc chắn là Ngạn sẽ phải trả tôi về. Quả nhiên, Ngạn nhìn đồng hồ tay.

- Hơi khuya rồi Vi nhỉ.

Tôi biết Ngạn muốn gì. Ngạn muốn đưa tôi về ư ? Bây giờ tôi chỉ còn tìm cho được một giải pháp nào để được ngồi cùng một mình với chú Ngọc. Bằng cố gắng, tôi nói với Ngạn :

- Vi cần nói chuyện với chú Ngọc một chút.

Tôi hiểu là câu nói của tôi làm Ngạn tổn thương nặng nề. Nhưng tôi vẫn cứ nói. Ngạn đứng lên bước ra. Chú Ngọc nhìn tôi.

- Tại sao Vi lại làm như vậy ?

- Bởi vì Vi cần nói chuyện với chú. Vi cần chú. Ngạn chỉ là một người bạn. Ngạn còn những ngày khác để gặp Vi, nhưng chú thì không. Với chú, Vi chỉ có tối hôm nay thôi. Ngày mai không còn nữa… Hay là những gì xảy ra, Vi chưa biết được nhưng nó làm Vi sợ. Vi muốn níu kéo một cái gì đang thuộc tầm tay mình cho đến lúc nào khả năng mình không đủ để giữ thì thôi.

Chú Ngọc lắc đầu :

- Vi lầm. Có những điều người ta có thể giữ được một cách dễ dàng nhưng người ta không muốn giữ hay đúng hơn là không nên giữ.

Tôi thấy mình không thể nói dối lâu hơn.

- Chú Ngọc, làm sao chú biết những gì Vi dành cho chú ! Mỗi ngày qua đi là một địa ngục của khắc khoải. Với Vi, chú là hình bóng không bao giờ có thể bôi xóa đi bằng bất cứ cách bôi xóa nào.

Chú Ngọc đốt thuốc, khói thuốc quyện lãng đãng trong khuôn mặt chú.

- Vi còn nhỏ lắm, Vi phải sống thảnh thơi.

- Không, Vi không cần.

- Đừng nói vậy Vi ạ. Rồi Vi sẽ ân hận vì những gì đã thốt ra hôm nay. Mỗi người đều tưởng rằng mình không cần gì chung quanh cả, nhưng chính ra là họ cần nhiều thứ lắm, tất cả cũng nên. Không ai trốn chạy được đời sống mình. Mà đời sống thì lệ thuộc bởi bao nhiêu là điều kiện bên ngoài…

Chú Ngọc vẫn cố gắng duy trì cái lớp vỏ mà chú ngỡ là tôi chưa nhìn thấy những gì bên trong. Nếu chú biết tôi đã nghe lời nói của người chiêu đãi lúc nãy chắc chú đã buông rơi mặt nạ của chú xuống, chú sẽ sống thật với con người mình, với tình cảm thực sự chú dành cho tôi. Tôi muốn được sống trong niềm hạnh phúc đó một lần, với chú, với niềm đam mê của riêng tôi. Chú Ngọc vẽ những vòng tròn trên mặt bàn, giọng chú chùng xuống.

- Chú không bao giờ muốn thấy Vi vào những nơi như thế này nữa. Vi hứa với chú đi.

Tôi lắc đầu :

- Không, Vi không hứa gì cả. Vi không nghe gì cả. Chú Ngọc, chú thừa biết là Vi yêu thương chú đến đâu. Chú thừa biết như vậy. Vi không thể nào tự tìm cho mình được một sự yên ổn tâm hồn nếu không có chú cộng tác.

Chú Ngọc cười buồn :

- Chú giúp được gì cho Vi bây giờ ? Hay chú đến chỉ làm Vi thêm giá lạnh với mớ ước mơ đầu đời không thực hiện nổi.

- Phải, có thể chú đã nói đúng. Nhưng Vi thà chết trong sự thỏa mãn cảm nghĩ mình hơn là sống hoài trong nỗi dằn vặt đau đớn. Vi ngỡ Vi sẽ tìm quên chú được dễ dàng như lời chú nói. Nhưng chú đã lầm cũng như Vi lầm chú Ngọc ạ. Vi càng cố gắng tìm cách quên chú, thì Vi càng nhớ chú. Vi không thể làm gì hết. Tứ chi Vi không được điều động bởi tri thức đã hầu như trở nên vô dụng…

Chú Ngọc nhìn tôi. Trong mắt tôi và chú nhìn nhau, tôi hiểu như một lời tự thú. Lời tự thú làm nồng nàn thêm cho tương lai. Tôi hiểu là tôi đã chinh phục lại được chú, và từ nay chú sẽ không khi nào chối từ tôi như chú đã làm. Chú Ngọc xoa nhẹ bàn tay trên tóc tôi.

- Chú thương Vi lắm, nhưng chính vì thế mà chú không muốn Vi đến gần chú và ngược lại, Vi phải nhìn rõ thực trạng chứ không thể sống hoài trong ảo tưởng. Vi thấy không, chú đã là một người đàn ông có trách nhiệm, có bổn phận. Đời chú đã bị ràng buộc bởi những thứ đó, chú không thể thoát ra một cách dễ dàng được. Mà cho dù có thoát ra được đi nữa thì dấu vết vẫn hằn sâu rồi. Mình không thể xóa đi một cái gì đã có Vi ạ.

Tôi ngắt ngang.

- Nhưng mình cần gì những việc xảy ra chung quanh hở chú? Với Vi, chỉ cần một điều duy nhất : chú cũng thương Vi, thế là đủ.

- Không đâu, Vi. Rồi một mai Vi sẽ tự hối tại sao ngày trước Vi lại có thể đi yêu thương một người đàn ông đã có vợ có con ? Một người đàn ông đang bước dần đến hố sa đọa. Lúc đó thì chú không làm sao cứu vãn được những gì chú đang duy trì hôm nay.

Ngừng một lát chú tiếp :

- Giữa chú với Vi, bức tường cao chất ngất Vi ạ. Mình nên đứng bên này nhìn vào chứ đừng leo qua vô ích. Bên kia sẽ chả có gì đâu, sẽ không hoa mộng như mình tưởng mà sẽ chỉ là một đồng cỏ hoang sơ khô cháy… Sống bằng ảo tưởng tuy xa vời thật đấy nhưng đôi lúc mà lại hay Vi ạ !

Tôi ôm lấy bàn tay chú Ngọc.

- Nhưng Vi không thể sống thiếu chú.

- Vi đã sống qua bao nhiêu ngày không có chú rồi mà.

- Phải, nhưng đó là trước kia. Kể từ bây giờ, Vi cần chú như hơi thở. Chú Ngọc, chú đừng bỏ Vi, chú đừng bỏ Vi nghe chú Ngọc. Tội nghiệp Vi mà chú Ngọc. Chú đâu có hiểu nỗi khổ của một đứa con gái như Vi…

Bàn tay chú Ngọc gầy và xanh. Tôi muốn được trọn đời ôm bàn tay chú.

- Chú thương Vi phải không chú Ngọc ? Tại sao chú không nói, tại sao chú làm mặt lạ, tại sao chú xua đuổi Vi ? Vi đã làm gì nên tội đến đỗi chú không muốn chấp nhận Vi…

Chú Ngọc trầm giọng :

- Không, Vi không làm gì nên tội, nhưng chính là sự vô tội của Vi đó mà chú không muốn đến gần Vi. Chú muốn giữ gìn cho tương lai dài và đẹp của Vi không một bợn nhơ. Vi phải hiểu đâu hẳn lúc nào người ta cũng sung sướng thoải mái với những quyết định của chính mình…

Tôi không trả lời chú Ngọc, nhưng tôi hiểu là từ ngày mai, chú sẽ phải bỏ rơi bộ mặt của chú xuống. Tôi sẽ chinh phục lại chú Ngọc, tôi sẽ không phải mang một mặc cảm khổ sở tội lỗi nào. Điều quan trọng và cần thiết nhất là biết xem chú Ngọc có thương tôi không ? Điều đó tôi đã biết. Bây giờ là lúc hành động.

Ngạn vừa trở vào… Anh nói :

- Xin phép cho tôi đưa Vi về. Lúc nãy xin phép bà cụ đi không lâu.

Tôi nhìn chú Ngọc. Chú Ngọc tránh mắt tôi, trả lời Ngạn.

- Vâng, anh đưa Vi về. Cũng đã khá khuya.

Rồi chú quay sang tôi :

- Vi về với anh Ngạn. Đi đi, khuya rồi…

Tôi đứng lên với một niềm tự tin rất lớn vừa tìm lại được. Tôi sẽ có chú Ngọc… Tôi tin là mình làm được việc đó…

Ngạn và tôi bước ra. Con đường khuya thật im vắng. Hai hàng cây im lìm đen sũng đứng rũ bóng hai bên vệ đường hiu hắt. Ngạn bước những bước chậm bên tôi. Chợt Ngạn nói :

- Anh ân hận đã đưa Vi đi tối nay. Hình như cuộc gặp gỡ vừa rồi gây cho Vi một xáo trộn lớn ?

Tôi im lặng. Rồi tôi nghe mình nói với Ngạn :

- Anh Ngạn, người đó không phải là…

Ngạn gật đầu trước khi câu nói của tôi dứt.

- Anh biết.

- Vi rất khổ, một thời gian đã lâu. Nhưng trong tình yêu anh hiểu dùm là có những điều mình không thể dự phòng được.

Ngạn lại gật đầu :

- Vi cứ nói.

- Vi yêu dù Vi hiểu là cuộc tình đó như một cái gì mình không thể đạt tới được một cách toàn vẹn. Nhưng đã yêu thì…

Bấy giờ Ngạn lên tiếng :

- Vi ở vào cái tuổi bồng bột nhất. Ở tuổi Vi, nhiều lúc các cô tưởng là mình đã yêu thương nhiều mà sự thật đôi lúc là các cô bị dồn vào một chân tường, vào một cái thế nào đó, buộc tâm tưởng mình phải dựa vào một hình bóng nào đó để dưỡng nuôi cho cuộc sống tâm tư mình. Vi cần thiết phải nương dựa và có thể chú Ngọc đến vào lúc mà Vi lạc lõng nhất. Anh không biết rõ tình cảm Vi, nhưng anh nói theo những sự kiện anh nhìn thấy.

Tôi im lặng đếm bước bên Ngạn. Những lời nói của Ngạn vang vang bên tai tôi, nhưng lý trí tôi lại đang làm việc cho những gì sắp đến. Một chú Ngọc sắp thuộc về tôi mà không một cản ngăn, không một trở lực …

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 6