Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

CHƯƠNG I, II_CON TÀU BÍ MẬT




I


Từ lúc mặt trời lấp ló sau rặng dừa phía cuối vườn, Việt vẫn ngồi tựa mình bên gốc ổi, yên lặng nhìn những cụm mây trắng lờ lững trôi trên nền trời.

Sau một niên khoá chăm chỉ học tập, Việt tạm biệt Sài Gòn về Xuân Lộc nghỉ hè. Không khí ở đây trong lành thoáng mát, nhưng cảnh vật buồn tẻ không hợp mấy với cái tuổi hoạt động, sôi nổi của Việt. Gió thoảng nơi đồng quê làm Việt thấy chóng đói, ăn khoẻ gấp đôi khi còn ở Sài Gòn. Nhưng ăn rồi sinh lực dồn cả ra chân tay, muốn chạy nhảy hò hét vui đùa mà không có bạn. Việt đành ngồi buồn mở sách ra đọc. Đọc mãi cũng chán, nhất là trong ngày nghỉ hè. Chán, Việt ngồi nhìn mây bay, nhìn hàng dừa soi bóng nước. Nhưng Việt không có tâm hồn thi sĩ mấy, nên chỉ mơ mộng một lát đã thấy chân tay ngứa ngáy bực bội. Việt đâm ra nhớ Sài Gòn, nhớ Khôi. Việt nghĩ: giá lúc này có Khôi ở bên cạnh thì vui biết mấy.


Khôi và Việt là đôi bạn thân cùng học một trường, cùng ở một phố. Mỗi lần đi học đôi bạn thường rủ nhau cùng đi, hoặc ngồi chung trên chiếc xe gắn máy của Việt, hoặc kéo nhau đi bộ nhởn nhơ trên vỉa hè thành phố. Bây giờ nghỉ hè đôi bạn tạm chia tay, Việt được ba má gởi về đổi gió tại nhà dì Hạnh, em của má Việt, có vườn cây ở miền quê.


Mấy ngày đầu, Việt còn thấy vui. Dì Hạnh không có con nên thấy cháu về chơi lấy làm mừng rỡ. Tuy được dì chiều chuộng và được tự do leo trèo, chạy nhảy khắp một khu vườn đầy trái, Việt vẫn thấy buồn.


Nhưng sáng nay, sau khi được dì cho ăn một đĩa xôi gà, no đến cứng bụng, Việt ra ngồi bên gốc cây, và thấy cả chân tay như thừa thải nặng nề không biết dùng để làm gì. Việt đứng lên, uể oải bước ra cổng, ước mong có một người bạn để cùng chơi, thì chợt gặp một con chó.


Con chó không lớn lắm, nhỏ thó, lông màu nhuôm, hơi bẩn nhưng có vẻ nhanh nhẹn dễ thương. Nó đứng nghiêng đầu nhìn Việt, lưỡi thè dài, như có ý bảo:"Anh làm gì đấy, có đi chơi không ?".


Việt đang muốn chạy nhảy một lát, thấy con chó hay hay liền mỉm cười, ngoắt ngón tay ra hiệu rồi cắm cổ chạy. Con chó ve vẩy đuôi tỏ ý mừng rỡ, rồi đuổi theo, bám sát chân Việt. Ra quãng đồng trống, Việt nhặt hòn đất ném cho nó bắt. Nó đón bắt rất tài, chỉ vài bước nhảy vọt nó đã đem trả lại hòn đất cho Việt. Trò chơi ấy làm Việt khoái vô cùng. Từ hôm về nghỉ ở nhà dì, chưa bao giờ Việt được vui như vậy. Mới đầu Việt còn ném gần, thấy con chó bắt dễ dàng Việt lẳng hòn đất thật xa.


Chẳng may hòn đất rơi trúng vào một khu trồng rau. Con chó phóng mình theo, rồi sục sạo vào giữa những luống rau cải, sà lách, làm dập nát hư hại khá nhiều. Nhận thấy thế, Việt hoảng hốt đuổi theo, và tuy không biết tên nó là gì, anh cũng theo màu lông của nó mà cuống quýt gọi :

- Ê, Vện! Vện lại đây mau!


Nhưng cũng giữa lúc ấy, giữa lúc Việt đang luống cuống trong các luống rau thì chợt thấy một người đàn bà, hai tay xách hai bình tưới ở dưới lạch đi lên. Đó là thím Hai Hòa, người hàng xóm cạnh nhà dì Việt. Thím Hai đặt bình tưới xuống đất, giơ hai tay lên trời kêu :


- Trời đất quỷ thần ơi! Ai cho tụi bây vô đây phá hoại vậy nè!


Nghe tiếng la hoảng của thím Hai, con Vện cúp đuôi lủi mất. Việt cũng muốn chạy vì thấy thím Hai giận dữ tiến đến, nhưng lại sợ giẫm hư các luống rau nên đành đứng lại phân trần:


- Cháu có làm hại gì đâu, thím Hai!


Lời biện bạch của Việt càng làm thím Hai phật ý. Thím nắm chặt lấy hai vai Việt mà lắc:


- Mày đem con chó tới phá phách vườn rau của tao còn bảo không làm hại gì sao, thằng khốn kiếp này!


Tự nhiên Việt nổi xung. Thím Hai đã nặng lời với Việt. Thím đã phá mất giây phút vui đùa của Việt, làm con chó chạy biệt dạng lại còn nắm Việt mà lắc mạnh nữa.


Không nghĩ ngợi, Việt gỡ khỏi tay thím Hai, húc đầu vào bụng thím, bồi thêm một cú đá vào bắp chân thím rồi bỏ chạy.



*

Về nhà, Việt nơm nớp chờ đợi sự quở trách của dì Hạnh. Việt ân hận đã xua con Vện vào vườn rau của thím Hai, và điều đáng trách hơn nữa là Việt đã đá vào chân thím.

Nhưng trái với điều Việt e ngại, dì Hạnh không giận dữ quở trách Việt. Dì chỉ tỏ vẻ buồn rầu và sau bữa cơm chiều, dì nhẹ nhàng bảo:

- Việt, cháu hư quá! Dì không ngờ một học sinh như cháu mà lại có hành động hỗn hào với thím Hai như thế.

Việt bối rối đáp:

- Tại con chó chứ không phải tại cháu!

Dì Hạnh ngắt lời:

- Dì không nói đến con chó làm hư hại luống rau của thím Hai. Dì chỉ trách cháu sao dám húc đầu vào người thím và đá vào chân thím như một tên côn đồ vậy!

Việt không dám cãi lời dì song Việt cũng nghĩ rằng: Việt cần phải chống trả khi bị người ta uy hiếp. Tuy nhiên nhớ lại hành động thiếu suy xét của mình, Việt cũng thấy xấu hổ. Việt định bụng sẽ xin lỗi thím Hai khi nào có dịp.

Nhưng cũng từ đó, Việt ít khi ra ngoài, chỉ loanh quanh trong khu vườn của dì Hạnh, hết đọc sách lại ngồi mơ mộng.

Thấy cháu có vẻ buồn, một hôm dì Hạnh bảo Việt:

- Về đây nghỉ hè với dì, chắc cháu buồn lắm nhỉ!

Việt chưa biết trả lời thế nào, thì dì Hạnh đã tiếp:

- Buồn là phải vì ở đây cháu không có bạn. cho nên dì tính nấu một nồi chè, làm ít bánh ngọt rồi kêu mấy đứa quanh đây tới chơi với cháu cho vui, cháu bằng lòng không?

Việt cảm động nhìn dì nói:

- Cháu không buồn lắm đâu dì à. Dì đừng bày vẽ chi cho mệt.

- Ờ, mà sao cháu không rủ người bạn nào về đây nghỉ hè với cháu cho vui?

- Dạ cháu có một người bạn thân mà tại nóng về đây với dì, nên khi đi cháu quên mất. Giá có hắn ở đây chắc cháu vui lắm.

Việt lại nghĩ đến Khôi. Nếu có hắn ở bên cạnh, hai anh em chắc sẽ tìm ra nhiều trò chơi thú vị, và những ngày nghỉ hè cũng đỡ tẻ nhạt.

Một buổi, Việt đang ngồi buồn tình nhìn mây bay ở trong vườn, chợt nghe tiếng chân ngoài hàng rào dâm bụt, nhịp với tiếng gậy chống trên đường mỗi lúc mỗi gần. Một chiếc đầu vượt qua hàng rào, rồi bỗng có giọng nói quen thuộc gọi vào:

- Ê, Việt! Ngồi làm gì buồn thiu ra thế, hở bồ?




II

Việt đứng lên tiến lại phía hàng rào và tưởng như mắt mình vừa hoa lên, người vừa gọi Việt chính là Khôi. Hắn đứng nhìn Việt mỉm cười:

- Chào bồ!


Việt mừng rỡ reo:


- Ồ, Khôi! Khôi đi đâu đây?


- Đi tìm bồ vì nhớ bồ quá. Nhưng Việt chỉ lối cho Khôi vào với chứ. Để Khôi đứng ngoài này à?


Việt tìm một lỗ rào chui ra, dắt Khôi vào, kéo bạn ngồi xuống ghế, chỗ vừa bày bánh đãi bọn trẻ trong xóm. Đôi bạn nhìn nhau sung sướng. Việt không nói được lời nào, chỉ lặng lẽ nhìn bạn. Anh vẫn không thể ngờ được rằng Khôi lại đến với anh đột ngột như thế. Nhưng đúng là Khôi, bằng xương bằng thịt, đang ngồi trước mặt Việt, với dáng điệu khoan thai, vững chãi, đầy tự tín, mà Việt rất cảm phục. Khôi thong thả hạ chiếc ba lô đeo trên lưng xuống, móc túi áo trước ngực lấy ra một gói kẹo cao su chia cho Việt. Tuy vừa ăn no, nhưng Việt cũng nhận phần chia, vì đó là thói quen "Chia ngọt sẻ bùi" của hai người.


Việt hỏi:


- Sao Khôi biết Việt ở đây?


Khôi nở rộng nụ cười:


- Dễ ợt! Khôi hỏi ba má Việt... Sao cậu đi nghỉ hè không báo cho tớ biết?


- Tại Việt đi gấp quá. Dì Hạnh cho người lên đón... Nhưng ở đây thiếu Khôi, buồn quá!


Khôi vỗ vai Việt:


- Tớ cũng thế, nên mới mò về đây thăm Việt!


Việt mừng rỡ bảo:


- Thế Khôi ở lại đây với Việt nhé?


Khôi bí mật đáp:


- Mới đầu, Khôi định về đây với Việt ít ngày. Nhưng bây giờ thì không thể được vì... Khôi cần phải theo dõi một người...


Mắt Việt sáng lên:


- Thật à?


- Ừ. Đầu đuôi như thế này: Khi biết Việt về quê nghỉ hè, Khôi xin phép nhà, đi thăm Việt. Được ba má Việt chỉ cho biết chỗ, Khôi đáp xe buýt xuống Nhà Bè. Hết đường xe buýt, Khôi xuống đi bộ, phần vì từ Nhà Bè vào ấp Xuân Lộc, Khôi chưa biết lối, phải mò mẫm hỏi thăm. Hai là Khôi thích đi bộ, như thế mới đúng nghĩa thể thao!


Bỏ đường cái quan, Khôi hỏi thăm đi vào con đường đất. Đi được quá nửa đường, xa xa thấy vườn cây um tùm hiện rõ, Khôi đã mừng thầm, phấn khởi với ý nghĩ sắp được thấy Việt thì bỗng nhiên, Khôi thấy... đau bụng quá!


Việt cười khúc khích:


- Chắc trước khi đi, bồ đã xơi bậy món gì rồi!


Khôi cũng cười:


- Đúng! trước khi ra bến xe, Khôi làm một chầu thịt bò khô ở cửa chợ Bến Thành!


- Hèn nào!


Khôi tiếp:


- Chất thịt bò khô với đu đủ xanh ăn vào ngon miệng, nhưng sau nó hành mình dữ quá. Hai bên đường đất ruộng vườn bát ngát, loáng thoáng lại có người cày cấy, cuốc xới, nên Khôi không biết làm thế nào trút bỏ cái của nợ đang quặn đau trong ruột! Trông trước ngó sau chợt Khôi nhác thấy một chiếc lò gạch đổ nát, hình như bỏ hoang đã lâu ngày, Khôi bèn lần tới. Chung quanh lò ngổn ngang những đống gạch vụn, cỏ dại mọc um tùm, nhiều chỗ cao gần tới bụng. Chiếc lò trơ lại còn bốn bức vách, bên trong mấp mô từng đống gạch đổ. Khôi chui vào tìm chỗ khuất toan ngồi làm việc cần, bỗng nhiên nghe có tiếng chân người bước tới. Ghé mắt nhòm ra, Khôi thấy có hai người đang thì thào có vẻ bí mật.


Việt hỏi:


- Họ có thấy Khôi ở trong đó không?


- Không. Lúc vào, Khôi chui lối đằng sau, qua lỗ châm lửa, còn họ tới lối trước nên vô tình hai bên không thấy nhau.


- Họ thì thầm với nhau điều gì, Khôi có nghe rõ không?


Khôi lắc đầu đáp:


- Chỉ loáng thoáng thôi. Gió ngoài đồng trống lay xào xạc những bụi cỏ hoang, vi vu lọt vào trong lò nên nghe không được rõ lắm. Khôi chỉ lõm bõm nghe được vài tiếng "Trốn" và "Đêm". Tới cửa lò, một người bước vào còn người kia đứng gác bên ngoài...


- Nguy quá! Hắn không trông thấy Khôi chứ?


Khôi mỉm cười:


- Dĩ nhiên là không rồi, vì tớ thu ngay mình lại sau đống gạch đổ chỉ ló ra có một con mắt để nhìn thôi!


- Khôi thấy gì?


- Thấy hắn rút trong túi ra mảnh giấy nhỏ gài vào một kẽ hở ở vách lò.


- Khôi có xem mảnh giấy ấy không?


- Chờ hắn đi ra và cùng với tên đồng bọn đi đã khá xa Khôi mới tìm lấy mảnh giấy xuống coi, thấy vỏn vẹn chỉ có một dòng chữ...


- Khôi có đem mảnh giấy ấy về đây chứ?


Khôi lắc đầu:


- Không! Tớ lại để trả vào chỗ cũ. Nhưng dòng chữ bí mật thì tớ đã chép lại cẩn thận rồi.


Vừa nói, Khôi vừa móc túi lấy cuốn sổ tay, mở một trang có ghi dòng chữ: HỒNG HẢI, BA CÂY 27/7, chỉ cho Việt xem.


Việt nhìn Khôi lẩm bẩm:


- Lạ nhỉ, HỒNG HẢI, BA CÂY là cái quái gì?


- Theo ý Khôi, Hồng Hải có thể là tên một chiếc xe hay một chiếc tàu. Còn Ba Cây kia không biết có phải là một địa điểm không. Ở vùng này Việt có nghe ai nói đến một nơi nào có tên gọi là BA CÂY? Chẳng hạn như ở vùng Gia Định mình có Ngã ba Cây Quéo...


Việt vỗ đùi:


- Thế thì đúng rồi! Gần đây có một bến sông gọi là bến Ba Cây.


- Ở về phía nào?


- Việt không rõ. Để hỏi dì Hạnh thì biết. Chắc chỉ cách đây độ mười cây số thôi! Vậy thì Hồng Hải là tên một con tàu... Ba Cây tên một địa điểm... Nhưng còn con số 27/7 là gì?


- Cái đó dễ, Việt ạ! Khôi đoán con số ấy chỉ ngày tháng, vì chúng ta đang ở trong tháng 7, phải không nào?


- Ừ nhỉ! Hôm nay đã là 25 tháng 7 rồi.


Việt ngồi im suy nghĩ, trong lúc Khôi nhìn bạn ranh mãnh mỉm cười. Khôi biết trí óc Việt đang làm việc lung lắm. Nhưng cu cậu đang bí. Quả nhiên Việt hỏi:


- Khôi có thấy gì không?


- Thấy gì chứ?


- Hình như có điều mờ ám Khôi ạ!


- Dĩ nhiên rồi. Trước hết chúng ta hãy nêu câu hỏi: Mảnh giấy do hai người kia gài ở lò gạch để làm gì?


- Chắc để gửi cho một người thứ ba.


- Phải, và người thứ ba ấy có thể là một tên tù vì hai người kia đã nói đến tiếng "trốn"...


Việt mở to mắt nhìn bạn. Khôi tiếp...


- Biết đâu tên tù ấy chẳng được đồng bọn giúp cho vượt ngục, và tới lấy mảnh giấy ở lò gạch để biết chỗ và tên chiếc tàu đợi đón hắn.


Việt bàn:


- Nếu vậy ta nên báo ngay cho sở cảnh sát biết.


Khôi lắc đầu:


- Chưa chắc họ đã tin mình, vì ai có thể tin được những điều mình vừa phỏng đoán!


- Thế Khôi tính thế nào?


Khôi ghé vào tai Việt thì thầm:


- Ngay chiều nay chúng mình ra ẩn ngoài lò gạch chờ xem động tĩnh ra sao. Nếu quả có một tên tù vượt ngục, như bọn mình phỏng đoán, chắc hắn phải chờ đến đêm khuya mới lần đến tìm mảnh giấy mà đồng bọn đã để lại... Rồi chúng mình theo dõi hắn!


Bỗng có tiếng dì Hạnh gọi:


- Việt!


Việt bối rối bảo bạn:


- Chết cha! Dì Hạnh gọi Khôi ạ.


Khôi đứng lên:


- Thì chúng mình vào chứ sao! Khôi cũng phải chào dì cho phải phép chứ.


- Nhưng dì đang giận tớ ghê lắm, vì hồi nãy tớ vừa uýnh lộn với một thằng bạn mới...


- Tại sao? Oánh nhau ngay trong này à?


- Ừ, tại dì Hạnh sợ Việt buồn, mới làm bánh kêu một bọn tới ăn, để Việt làm quen cho có bạn. Thế rồi...


Khôi cười hì hì:


- Thế rồi uýnh nhau chứ gì?


- Ừ. Nhưng tại một cậu trong bọn ấy chứ không phải tại Việt.


- Tớ biết rồi. Tớ có gặp bọn họ ở dọc đường thấy một cậu lớn nhất bọn có vẻ huênh hoang lắm... Nhưng dù sao, Việt cũng có phần lỗi. Nhất là đã làm cho dì Hạnh buồn...


Việt xịu mặt nói:


- Thế mới phiền. Tớ chỉ ngại dì Hạnh giận...


Khôi kéo tay bạn:


- Thôi, dì đã gọi thì chúng ta phải vào...


Và nháy mắt, Khôi tiếp:


- Để tớ xin lỗi dì Hạnh hộ cho, nhân thể tớ sẽ xin dì cho Việt đi "cắm trại" với Khôi ít ngày.
________________________________________________________________