CHƯƠNG III
- Thưa cô tủ lạnh hỏng rồi.
Đang
dùng điểm tâm trong phòng, dì Hạnh đứng bật dậy khi nghe tiếng bà bếp
vọng lên từ nhà sau. Dì đặt mạnh chiếc thìa xuống bàn, giọng bực tức :
- Thật là xui xẻo, tủ lạnh gì mà cứ hư mãi hư hoài. Nay sửa mai sửa, tiền mô mà chịu cho xuể.
Bà bếp ló mặt vào phòng :
- Thưa cô, cái tủ lạnh này cũ quá rồi, tôi sợ lần này không tiệm nào chịu sửa nữa mô.
Phượng xen vào :
- Để cháu xem lại coi, biết đâu còn nhờ ai giúp được.
Bà bếp nhìn Phượng không nói gì thêm, còn dì Hạnh thì có vẻ lo âu :
- Lúc ni vật giá quá mắc mỏ, lại không dư tiền để mua một cái mới, nghĩ mà buồn.
Phượng không biết nói câu gì để an ủi dì Hạnh, đành cắm cúi ăn cho xong bữa điểm tâm.
- Cháu đã đi thăm cậu Hoàng chưa ?
- Dạ chưa, nhưng anh Minh đã vào nhà thương thăm Hoàng đêm hôm qua. Hoàng bị thương nhẹ gần mắt…
Phượng
nghĩ đến tai nạn xảy ra chiều hôm qua, viên đá to bọn trẻ nghịch ngợm
đặt trên đường đã làm tay lái Hoàng lạc hướng, chiếc xe lạng đi và đâm
sầm vào lề với một tốc độ ghê hồn. Nhưng may thay, Hoàng và Linh đều bị
hất tung vào phía trong lề. Linh bị thương nhẹ hơn, đầu gối chỉ lóc một
miếng da mỏng.
Tiếng dì Hạnh lẩm bẩm :
- Bị thương gần mắt à, liệu có can chi không Phượng ?
Phượng trở về thực tế :
- Bác sĩ bảo khi lành hẳn thì chỉ còn một vết sẹo rất nhỏ, không đáng chú ý bao nhiêu.
- May cho cậu Hoàng quá. Bộ mặt làm ăn mà lãnh sẹo thì thà chết sướng hơn.
- Nghe anh Minh nói thì Hoàng lo ngại cho đôi mắt lắm, anh cứ hỏi đi hỏi lại hoài một câu “mắt tôi có bị mù không ?”
- Cậu Hoàng lo như vậy là phải. Còn Linh thì can chi không cháu ?
Phượng nói nhanh :
-
Linh bị thương nhẹ thôi, nhưng khi ngã xuống, Linh không để ý gì đến
mình mà chỉ nghĩ đến Hoàng thôi. Chính Linh cũng theo xe cứu thương đưa
Hoàng vào nhà thương…
Phượng
chợt ngừng bặt. Nàng tự thẹn cho chính mình. Phượng không hiểu tại sao
nàng lại luôn luôn nghĩ xấu về Linh, người bạn gái mới quen nhưng đầy
thiện cảm với nàng. Phải chăng Phượng còn yêu Hoàng và lòng hờn ghen đã
khiến nàng trở nên ích kỷ ? Phượng gục đầu xuống bàn, miên man suy nghĩ…
- Có chuyện gì mà Phượng có vẻ buồn vậy ?
Tiếng Minh vang sau lưng khiến Phượng giật mình quay lại :
- Sao hôm nay anh Minh thức dậy sớm thế ?
- Thôi Phượng ơi, đừng chọc quê Minh nữa. Hôm qua đi thăm Hoàng về, Minh còn phải soạn bài nên sáng nay mới dậy muộn đấy chứ.
Phượng định trêu anh chàng thêm một câu nữa, nhưng dì Hạnh đã xen vào :
- Rứa, việc của Minh bao giờ mới rồi ?
- Dạ sang năm.
Phượng nhìn Minh dò hỏi :
- Như vậy, sang năm anh mới trở về Saigon ?
Minh
gật đầu. Phượng định nói tiếp “sao lâu vậy ?” nhưng nàng đã kịp thời
ngưng được. Phượng cười thầm, nàng cũng không hiểu tại sao mấy lúc sau
nầy, nàng bắt đầu để ý đến công việc học hành, thời gian đi về của Minh.
Nàng cảm thấy dễ chịu trong những lần tiếp xúc với Minh, trong những
câu chuyện vui ròn tan như pháo tết và kể cả những lần tranh luận sôi
nổi, lý lẽ của Minh đưa ra dù làm Phượng bất bình vì tự ái, nhưng nàng
không khỏi cảm phục vì tính thẳng thắn và cương trực của anh. Có lẽ nên
sống thật vui với Minh một vài tuần nữa để đền bù lại những hững hờ lãnh
đạm của mình lần gặp Minh đầu tiên trên máy bay, Phượng thầm
nhủ, nàng
nhớ lại tất cả những sự kiện đã và đang xảy ra giữa nàng và Minh.
Phượng mỉm cười một mình.
*
Buổi
tối thật êm ả, trời trong vắt không một gợn mây. Ánh trăng thượng tuần
chênh chếch soi ánh sáng sữa non bàng bạc trên tàng cây nhãn lồng, vẽ
hàng ngàn bóng lá lung linh trên mặt sân sỏi trắng. Phượng ngồi trên ghế
xích đu, đong đưa đôi chân theo một điệu nhạc từ máy thu thanh vườn nhà
bên cạnh vọng sang. Minh và dì Hạnh ngồi trên hai chiếc ghế bên cạnh,
mỗi người theo đuổi một ý riêng. Phượng bỗng hỏi dì Hạnh :
- Dì Hạnh ơi, nhãn vườn mình đã ăn được chưa dì nhỉ ?
Dì Hạnh quay qua cô gái :
- Cũng sắp rồi cháu. Hết tuần nầy các bạn hàng đến bẻ.
Phượng chép môi :
-
Chao ôi, sao tự nhiên cháu bỗng thấy thèm chi lạ, một trái nhãn tròn
to, cơm đầy trắng và cái hạt nhỏ đen như mắt em bé lên ba.
Minh cười góp chuyện :
- Phượng thì lúc nào cũng mơ cũng ước. Trí tưởng tượng của dồi dào “can không nổi”.
Dì Hạnh nhìn Phượng rồi quay sang Minh :
- Phượng nó nghĩ như vậy có gì mà mơ mộng cậu Minh. Nhãn vườn này ngon nhất Huế đó nghe. Thiên hạ giành nhau mua như gạo cát ấy.
Minh suýt xoa :
- Chà, nghe nói phát thèm.
Phượng nguýt Minh :
- Cái đó đã hẳn. Vậy mà chỉ chực trêu người ta.
Không
gian về khuya càng thanh thoát, bầy ve sầu tháng hạ chợt cất cao lời
ca. Âm thanh rền rĩ xoáy xoay màn đêm. Phượng chợt cảm xúc, một dĩ vãng
xa xôi vời vợi, mơ hồ trong tâm tưởng, lâng lâng trong tiềm thức, bỗng
trở về với nàng thật rõ ràng không tưởng.
Hình
ảnh cô bé con tóc thắt bím, mỗi buổi tối mùa hạ trong vườn nhà ngoại đi
theo các anh chị lớn soi đèn tìm bắt những chú ve sầu vừa lột vỏ, như
hiện ra trước mắt Phượng. Niềm vui tuổi thơ của nàng gói trọn trong
khung trời nầy, dưới tàng cây nầy, trên từng chồi non bụi cỏ. Niềm vui
của Phượng là hồn trẻ thơ rộn ràng giữa khí trời trong mát, là nhìn
những thân ve nhỏ mềm màu xanh như lá non run rẩy giữa lòng bàn tay khép
nhẹ. Phượng còn nhớ thật rõ, ngày xưa nàng đã kiên nhẫn ngồi hàng giờ
trước bàn để nhìn một chú ve đang biến đổi từ trạng thái yếu mềm sang
cứng cát. Màu xanh chuyển sang màu nâu đen liên tục lạ thường, đôi cánh
ướt nhẹp
nằm sát
mình được khí trời hong khô, những đường gân cứng dần, và cuối cùng đập
mạnh trên nền gỗ cùng tiếng kêu đầu tiên cất lên chói tai. Chú ve nhỏ
bay một vòng trong phòng rồi thẳng đường chao ra cửa sổ. Phượng không
giữ lại, Phượng không nuối tiếc, nàng có cảm tưởng, trong “bản hợp
xướng” rả rích cuối vườn có thêm một tiếng ca đang góp vào.
Dì Hạnh đã rời chỗ ngồi đi vào nhà trong. Tiếng Minh hỏi làm Phượng giật mình :
- Phượng thấy thế nào về dì Hạnh ?
- Ô, Phượng… Phượng khó trả lời quá đi.
Minh tiếp :
- Khoảng mấy ngày nay, Minh thấy dì Hạnh có vẻ mệt mỏi và buồn chán.
Phượng lắc đầu :
- Phượng… Phượng không có ý kiến.
Phượng
muốn quên. Nàng không thích ai nhắc đến chuyện cũ, nàng đã từng nghĩ
xấu về dì Hạnh và hiện giờ nàng đang ân hận vô cùng. Giọng Minh vẫn đều
đều bên tai :
- Minh biết Phượng đang hối hận về chuyện dì Hạnh và hôm nay Minh muốn giúp Phượng chuộc lại lỗi lầm cũ.
- Chuộc lại… – Phượng nhìn Minh nghi ngờ – … bằng cách nào ? Hình như anh sắp nói với Phượng một chuyện gì quan trọng lắm ?
-
Phải, Minh muốn nói đến một người suốt đời hy sinh cho hạnh phúc kẻ
khác, và hiện giờ vẫn còn tiếp tục hy sinh một cách oan uổng vì một lý
do không đâu.
- Anh nói gì Phượng chưa được rõ ?
Minh
im lặng, anh nhìn chăm chú vào khoảng tối trước mặt, tay gõ nhịp vào
thành ghế. Trông anh bây giờ như một vị luật sư trước tòa đang sửa soạn
lời để cãi cho một vụ án quan trọng. Phương nghe hơi khó thở, nàng chờ
đợi ở Minh một lời nói, không biết câu chuyện liên quan gì đến nàng
không ?
-
Phượng à, trưa nay Minh có gặp dì Hạnh ở phố Trần Hưng Đạo – Phượng
nhìn sang Minh – Anh tiếp : Dì đang hỏi giá một cái tủ lạnh.
Phượng nối lời :
- À, dì Hạnh muốn mua một cái mới đấy mà, chiếc tủ cũ đã hỏng không sửa được nữa.
Giọng Minh trầm ngâm :
-
Chưa bao giờ, kể từ ngày quen dì Hạnh, Minh thấy dì có vẻ buồn nản đến
thế. Dì bực mình vì giá cao, điều đó công nhận. Nhưng đằng này lại khác,
dì tỏ ra bất mãn thật sự qua hành vi và lời nói của dì lúc đó.
Phượng nhíu mày. Nàng hỏi Minh :
- Dì đã nói thế nào ?
Minh
chưa trả lời vội, anh lặng lẽ nhìn Phượng trong khi nàng cúi đầu nghĩ
ngợi. Một cảm xúc nào đó vừa dấy lên giữa tâm hồn, nàng đã hiểu lờ mờ
câu chuyện. Chắc dì Hạnh đang nhận thức được sự thiệt thòi của một cô
gái suốt nửa đời người giam mình trong bốn bức tường lễ giáo, giữa thành
phố cổ kính, chưa bao giờ đối diện được niềm cô đơn trong chính mình.
Phép lạ nào đã hiện đến xua tan lớp mây mù đang bao phủ quanh dì ?
-
Dì Hanh đã khuyên Minh là đừng bao giờ chịu nhẫn nhục chấp nhận đời
sống bình lặng đóng khung trong bất cứ phạm vi nào. Tất cả sẽ giết chết
đời sống tinh thần của mình nếu mình cho những thứ vừa kể là những điều
phải hy sinh, nhận chịu để giữ cho riêng bản thân và gia đình một danh
giá, một cuộc sống thanh cao giả tạo.
Phượng chống tay vào cằm, nhìn lên khung trời đầy sao :
- Vậy là… Dì Hạnh cho rằng hơn ba mươi năm sống tận tụy bên cha mẹ giữa con phố u buồn này là uổng phí cả cuộc đời ư ?
- Phượng nghĩ vậy chưa đủ.
Phượng thắc mắc :
- Thì anh nói rõ ra đi. Thú thật, Phượng chưa hiểu tường tận lời dì Hạnh đã nói với anh.
Minh nheo mắt cười bí mật :
-
Thật ra dì Hạnh chỉ có ý tưởng đó khi dì chợt gặp một đối tượng đẹp đẽ
mà dì hằng mơ ước. Dù niềm mơ ước đó như một cơn gió thoảng nhẹ buổi
chiều.
Phượng không giấu được vẻ thắc mắc, nàng lẩm bẩm :
- Phép lạ… phép la… không lẽ là… ông Long ?
Minh reo lên :
-
Phượng hay quá. Đúng rồi, này nhé, ông Long đã gửi thư nhiều lần đến dì
Hạnh, ông ta xin dì hãy suy nghĩ kỹ rồi trả lời dứt khoát lời cầu hôn
của ông. Hình như ông ấy sợ thời gian không còn bao lăm nữa.
Phượng ngạc nhiên, nàng chưa tin lời Minh là thật dù nàng đã ân hận vì mình đã luôn luôn có thành kiến với dì Hạnh.
Minh như đoán được cảm nghĩ của Phượng. Anh nói :
-
Tình yêu đôi khi có một sự nhiệm mầu không tưởng Phượng ạ. Như ông Long
và dì Hạnh đó, họ quen nhau thật nhanh và yêu nhau thật vội, nông nổi
còn hơn cả tụi mình. Tình yêu thường làm cho con người trở thành trẻ
con. Nhưng… Phượng, câu chuyện quan trọng không phải vấn đề nầy đâu.
- Ô hay, thế mà Phượng ngỡ… thôi anh đừng vòng vo tam quốc, nói nhanh lên cho Phượng nghe đi.
-
Phượng đã nhận thấy điều này chưa ? Từ ngày Phượng về đây nghỉ hè,
Phượng được đầy đủ về mọi mặt, tiền chi phí đó do ba me Phượng gửi ra.
Còn hai ngoại, nếu dì Hạnh không đi làm thì lấy tiền đâu mà chi phí
trong gia đình. Dì Hạnh là túi tiền của hai ngoại, cho nên sự ly khai
của dì Hạnh rất ảnh hưởng đến đời sống vật chất của hai ngoại.
-
Thôi, Phượng hiểu rồi. Có phải anh muốn đề cập đến miếng đất dư sau
vườn, nếu ngoại bán đi thì mọi việc sẽ được giải quyết êm thấm.
Minh cười :
- Đúng như thế. Bé Phượng càng ngày càng thông minh, sắp sửa trở thành người lớn được rồi.
Phượng nguýt dài :
- Anh Minh cứ trêu Phượng mãi. Phượng không thích ai khen Phượng kiểu đó đâu.
Trong
giây phút đó, Phượng cảm thông nỗi lo lắng của người thanh niên vô
cùng. Phượng quả là kẻ vô tình trước những lo âu của người thân, dì Hạnh
thật đáng thương và Minh quả xứng đáng là người bạn tốt của Phượng.
Nàng nghĩ, quen thân với Minh nàng sẽ học được những điều hay ho cùng
cái duyên trêu người đặc biệt của anh chàng này.
Minh
chỉ ngồi cười, hai vai rung rung. Phượng thấy anh chàng đoán hiểu lòng
dạ Phượng quá rõ ràng, y như đi guốc trong bụng nàng. Tức thật, có ngày
Phượng phải cho anh ta đi tầu bay giấy cho biết thân.
- Phượng đang tìm cách trả thù Minh đấy phải không ? Thôi mà, chưa phải lúc đâu… chúng mình đang bàn chuyện quan trọng mà.
Phượng giật mình nghĩ thầm. Thật chả có ai lém lỉnh và thông minh như anh chàng này. Minh vẫn nói :
- Bây giờ nên tìm cách gỡ rối cho dì Hạnh.
Phượng nhanh nhẹn tiếp lời Minh :
- Nghĩa là… xin ngoại bán miếng đất.
- Nhưng mà… sự quyết định của ngoại quá nghiêm khắc, không ai lay chuyển được.
Chợt như nhớ ra điều gì vui vui, Minh hỏi Phượng :
- À, Phượng còn nhớ dạo đi lăng Tự Đức không ? Tụi mình đã bàn đến chuyện thuyết phục ông ngoại.
- Ồ, nghe anh nhắc đến Phượng mới nhớ đó. Không ngờ anh Minh có trí nhớ dai ghê.
- Chuyện gì có liên quan đến Phượng, Minh phải ghi nhớ chớ.
Phượng chợt đỏ mặt, nàng bỏ chạy vào nhà :
- Không thèm nói chuyện nữa, anh lém lắm. Đồ nịnh đầm không đúng lúc, thật dễ ghét.
Tiếng Minh gọi theo :
- Khoan, Phượng nè, hình phạt chưa lãnh, nhớ cho kỹ nghe.
Phượng
muốn dừng lại để đùa Minh một câu, nhưng niềm vui đang dâng lên dào dạt
đã khiến nàng thôi không nói. Tâm hồn nàng bỗng lâng lâng, nhẹ nhàng
như lớp sương đêm tươi mát quyện khắp tàng cây ngọn cỏ, lan khắp không
gian.
*
- Chiều nay Phượng bận, rất tiếc không đi dạo với Hoàng được.
Hoàng nhíu đôi chân mày, nhìn Phượng dò hỏi :
- Phượng bận việc gì, hay là… Phượng có hẹn với ai ?
Phượng tức ra mặt, nàng hơi gắt :
- Anh tò mò thế, ừ, Phượng có hẹn đó.
Hoàng nhếch mép :
- Với anh chàng Minh chớ gì ?
Phượng thản nhiên :
- Thì đã sao, anh đâu có quyền.
Hoàng xuống nước năn nỉ :
-
Phượng đừng nên tàn nhẫn với Hoàng như vậy. Hoàng sắp về saigon rồi,
Phượng hãy nhín chút thì giờ đi dạo với Hoàng lần cuối. Hoàng có chuyện
quan trọng muốn nói với Phượng.
Phượng
nhìn mông lung ra cửa sổ, một chút buồn lắng tự đáy tâm hồn chợt dấy
lên, nàng muốn quên đi thật nhanh chóng, thật vội vàng như tình cảm đầu
đời trao gửi cho Hoàng trong một phút giây không suy tính. Thoáng thấy
ánh mắt Hoàng van lơn, khẩn cầu Phượng chán nản tột cùng. Con người đó
thật giả dối và suốt cuộc đời chỉ muốn lợi dụng thôi sao ? Phượng không
tin, nàng không tin là Hoàng bỗng nhiên lại trở về cùng nàng quá tha
thiết như vậy. Không, Hoàng chỉ cần Phượng trong một thời gian nào đó mà
thôi, khoảng thời gian ông Long yêu dì Hạnh, và Phượng là người thường
gặp ông Long nhất. Hoàng đang muốn đóng phim trước khi vào Saigon, ông
Long đã hứa cho
Hoàng
đóng một vai trong cuốn phim sắp quay, nhưng sau này thì ông đã đổi ý
vì tính tình của Hoàng. Hoàng không hay biết hoặc Hoàng đã đoán ra
nguyên do phần nào nên anh ta nhất định gặp ông Long hỏi cho ra lẽ,
nhưng ông Long vẫn cố ý tránh mặt Hoàng. Hoàng quay về với Phượng không
ngoài mục đích nhờ Phượng nói với ông Long một tiếng là giúp Hoàng có
dịp bước sanh lãnh vực điện ảnh, một môi trường mới mẻ mà Hoàng hằng mơ
ước từ lâu.
Nắng
đã lên cao, nhuộm vàng những cánh hoa sầu đông nhỏ li ti mầu tím nhạt.
Ve sầu bắt đầu tấu những điệu buồn rả rích dưới tàng cây nhãn xanh um.
Phượng nghĩ đến chùm nhãn trái no tròn như đầu ngón chân cái, được che
giấu trong những mo cau lồng kin mà phát thèm. Nàng đưa tay lên miệng,
nàng định nói với Hoàng một điều gì, nhưng quên mất.
Giọng Hoàng vẫn khẩn khoản :
- Phượng. Dù sao thì Phượng cũng nên nghe chuyện của Hoàng.
Phượng nhìn vào mắt Hoàng :
- Lại chuyện Hoàng đóng phim chứ gì ?
Hoàng lắc đầu :
-
Không đâu – Anh ta cúi xuống làm bộ giữ cho giọng nói có vẻ xúc động –
Hoàng sắp về Saigon nên muốn dạo chơi với Phượng chiều cuối cùng, có
nhiều chuyện vui muốn nói với Phượng.
Phượng đưa tay vén mái tóc :
- Phượng lấy làm tiếc, vì chiều nay, Phượng cũng bận ghê lắm.
- Hy vọng Phượng nói thật.
Phượng nghiêm trang :
-
Phượng dối Hoàng làm gì. Chiều nay Phượng và ngoại có một vấn đề cần
giải quyết dứt khoát càng sớm càng hay. Nếu không Phượng sẽ ân hận suốt
đời.
Hoàng tò mò :
- Chuyện gì mà quan trọng vậy ?
- Chuyện của gia đình Phượng, Hoàng không nên biết làm gì.
Câu nói như giáng xuống đầu Hoàng một sự dứt khoát. Hoàng hơi ngượng, anh ta đứng dậy :
- Xin lỗi Phượng, thôi Hoàng về. Hy vọng gặp lại Phượng.
Nhìn
theo dáng Hoàng khuất sau hàng chè tàu ngoài ngõ, Phượng chợt xót xa âm
thầm. Dù sao hình bóng Hoàng vẫn còn ghi dấu trong tim, dù có phai mờ
đi nữa, thì gương mặt đó, nụ cười đó vẫn hoài hoài gợi cho Phượng nhớ
đến những kỷ niệm thật êm đềm của tuổi hoa niên. Thuở đầu tiên, con tim
cô gái nhỏ rung động thật sự bởi một ánh mắt vô tình trao gửi, một lời
nói dịu nhẹ ân cần. Phượng đã liều lĩnh đi tìm Hoàng bất cứ nơi nào dù
chỗ đó rất xa Saigon . Huế nên thơ, Huế cổ kính, Phượng không ngờ cũng
chính nơi này, nàng đã gặp một thất bại lớn lao khi vừa chập chững bước
vào ngưỡng cửa tình yêu. Nàng cảm thấy hổ thẹn và phũ phàng quá sức. Đã
từ
lâu, Phượng vẫn thầm nhủ với lương tâm, quên Hoàng đi, quên Hoàng đi.
Dù thật cố gắng, dù thật khó khăn, nhưng Phượng tin rằng thời gian sẽ là
liều thuốc nhiệm mầu xoa dịu các vết thương đau. Hoàng đi rồi, Hoàng
thật sự bước ra khỏi cuộc đời nàng như một cơn lốc xoáy, cuốn theo những
mộng mơ tuyệt vời của người con gái nhỏ, để rồi từ đây, những nghi ngờ,
những do dự bắt đầu làm vẩn đục một tâm hồn thôi hết vô tư. Phượng
không biết mình nên buồn hay vui, bao nhiêu ý tưởng lẫn lộn quay cuồng
trong đầu óc. Nàng nghĩ đến Minh, anh chàng hơi lém, nhưng thật thà trực
tính. Hiện giờ, bên cạnh nàng, Minh là người có thể an ủi và hiểu được
lòng nàng nhất. Minh đã khuyên nàng nhiều chuyện hợp lý, đã giải quyết
dùm nàng nhiều vấn
đề phức tạp. Phượng cảm thấy hối hận vì trong lần đầu tiên gặp gỡ, nàng
đã tỏ ra không mấy cảm tình với Minh.
*
- Ngoại ơi, chiều nay trời đẹp quá, ngoại đi chùa Thiên Mụ ngắm cảnh với cháu đi.
Ông ngoại đang vấn điếu thuốc, ngước lên nhìn đứa cháu nhỏ :
-
Ôi chao, ngoại già rồi, non nớt chi mà đi ngắm cảnh ni cảnh tê. Cháu rủ
người khác đi đi, đi với ngoại chán lắm, ngoại hay lẩm cẩm, cứ kể hai
ba lần một chuyện cũ.
Phượng nũng nịu :
- Nhưng cháu thích đi dạo với ngoại cơ. Hai tháng rồi, cháu chưa được ngoại dẫn đi chơi.
Ông ngoại đốt điếu thuốc, rít một hơi dài, mắt ngắm Phượng âu yếm, ông bảo :
- Ừ thì đi, con ni lớn đầu rồi mà còn làm nớt quá tay.
Phượng cười dòn thích thú, nàng chạy lên lầu :
- Ngoại chờ con thay quần áo chút nha.
Hai
ông cháu xuống xe Văn Thánh, tạt vào hàng bánh bèo dưới dốc lên chùa
Thiên Mụ. Phượng nhìn bà hàng chế nước mắm vào chiếc tô giữa bàn một
cách chăm chú.
Ông ngoại hỏi :
- Cháu ăn bánh bèo Huế lần mô chưa ?
Mắt Phượng vẫn không rời những khoanh ớt tròn đỏ thắm dính những hột trắng nhỏ nổi lềnh bềnh giữa tô.
- Dạ rồi ngoại, cách đây nửa tháng, cháu có đi ăn với dì Hạnh ở Ngự Bình.
Ngoại ngạc nhiên :
- Ngoại thấy cháu có vẻ lạ lùng lắm.
Phượng cười xòa, nàng nhìn ngoại :
- Ngoại biết tại sao không ?... Tại vì… cháu… đang chảy nước miếng vì thèm.
Ngoại lắc đầu :
- Con gái chi mà hư ăn hư uống rứa.
Phượng
cắm cúi ăn một lúc hết mười cái bánh đúc trong những chiếc dĩa sành
nhỏ. Nàng ngẩng đầu lên, ông ngoại vẫn chưa ăn miếng nào. Ông đang thẫn
thờ nhìn mông lung ra ngoài kia. Nắng chiều đã nhạt, gió hiu hiu lùa vào
quán, phất phơ chòm râu trắng bạc của ngoại. Ông nói với Phượng như
đang nói cho chính ông :
-
Mới có mấy năm mà cảnh vật ở đây đã đổi thay thật nhiều. Ngoại còn nhớ
dạo trước, ngoại thường thả bộ gần sông một mình hoặc với mấy người bạn
để ngắm cảnh hay bàn chuyện thời sự chơi. Đường từ cầu Bạch Hổ qua Phú
Xuân, Kim Long mô có lóc chóc như chừ. Thiệt chiến tranh thật tệ hại,
tàn phá hết, không chừa một cái chi, từ cảnh sắc đến lòng người…
Phượng
ngồi yên lặng bên ngoại, nghe những lời nuối tiếc của ngoại mà không
nói được câu nào. Cuộc đời của nàng vô tư quá, chưa bao giờ nàng để ý
đến một suy tàn nào. Sự suy tàn của một phong cảnh, một thành phố vẫn
không gợi lên được trong lòng Phượng một nỗi buồn nào đáng kể. Ngay từ
lúc đầu tiên nàng đặt chân vào Đại Nội, triều đại nguy nga ngày tháng
trước giờ ẩm mốc rêu phong, dì Hạnh đã chỉ những vết loang lổ trên tường
mà nói với Phượng : “Chiến tranh đó Phượng, hồi tết Mậu Thân, ở đây tan
nát hết, sự trùng tu vẫn không sao tạo lại được nét cổ kính ngàn xưa”.
Phượng thấy dì Hạnh rưng rưng nước mắt. Nàng chỉ buồn theo
dì Hạnh
trong giây phút đó mà thôi, nàng quên rất nhanh. Có buồn chăng là nàng
chỉ biết buồn riêng tư, buồn vì chút tự ái chưa thỏa mãn, buồn vì sự thờ
ơ lãnh đạm của Hoàng.
- Phượng, cháu có khi mô nghe nói đến Phú Xuân và Kim Long chưa ?
- Dạ cháu có biết qua trong sách sử. Đó là hai thôn nhỏ, nơi cư trú của nhà Nguyễn.
Phượng
lấy làm hổ thẹn vì sự hiểu biết của nàng quá nông cạn. Nghe ngoại kể
lại lịch sử, nếp sống và phong tục của hai thôn nói trên, Phượng cũng đủ
tưởng tượng được những tháng ngày ngoại sinh sống ở hai ngôi làng nhỏ
bé này. Ngoại quen thuộc từng bờ cây bụi cỏ, từng con đường ngoằn ngoèo
rợp bóng tre xanh. Phượng nghe ngoại kể đến say mê, nàng cảm thấy thương
ngoại hơn bao giờ hết và nghĩ đến dự định thuyết phục ngoại của mình.
Làm thế nào để thay đổi một dự định sắt đá mà ngoại đã bo bo giữ kỹ
trong suốt mấy chục năm nay ? Phượng biết trước rằng, sau cuộc đi dạo
này, Phượng sẽ trở thành, hoặc là kẻ đối lập cuối cùng của
ngoại,
hoặc Phượng vĩnh viễn là kẻ đắc thắng độc nhất.
Rời
khỏi quán hàng, Phượng và ngoại đi dọc theo bờ sông hướng về chùa Thiên
Mụ. Nước sông Hương vẫn lặng lờ trôi. Bên kia sông, cây cối xanh um.
Phượng nhìn thấy một khoảng trời thật rộng thật bao la bàng bạc những
sợi mây trắng đẹp vô ngần. Nàng hỏi ngoại :
- Bên kia là thôn nào vậy ngoại ?
- Đó là Long Thọ cháu. Cuộc sống bên ấy cũng êm đềm và bình yên lắm.
Hai
ông cháu đã đến những bậc thang dẫn lên chùa Thiên Mụ. Phượng nhìn lên,
ngọn tháp cao vút đưa hồn Phượng bay cao. Phượng bước lên tầng cấp nhẹ
nhàng bằng đôi chân mọc cánh, tâm tư nàng bỗng nhiên thanh thoát lạ
thường. Cảnh vật yên tĩnh hiền hòa, bên tai nàng chỉ còn nghe tiếng gió
êm lùa kẽ lá, ve vuốt những chùm hoa ngũ sắc đong đưa. Phượng chỉ còn
thấy riêng mình trong một cõi, giữa những trời nước mênh mông. Trong
phút giây, nàng có cảm tưởng linh hồn nàng đang lâng lâng thoát tục.
Hoàng hôn đã dần dần nhuộm thẫm không gian vắng lặng. Tiếng ngoại vang
lên :
- Tối rồi, về thôi cháu.
Phượng giật mình, nàng nhìn ngoại :
- Khoan đã ngoại, cháu muốn ở đây đến tối để nhìn trăng lên trên sông.
- Cháu thích cảnh chùa Thiên Mụ lắm hả ?
Phượng mơ màng :
- Thiên nhiên đẹp vô cùng. Phải nói là cháu đang mê mới đúng. Cảnh đẹp không thể diễn tả bằng lời. Phải không ngoại ?
Ngoại thực tế hơn, ông nắm tay Phượng :
- Ừ, ngoại cũng nghĩ như rứa, nhưng mà về chớ ở nhà đợi cơm.
Phượng chần chừ hoài không được, đành phụng phịu bước theo chân ngoại.
*
Phượng
thức dậy thật sớm, nàng súc miệng thật nhanh rồi ra vườn tìm ngoại.
Suốt đêm hôm qua Phượng không sao chợp mắt được, những lời chuẩn bị nói
với ngoại cứ lẩn quẩn hoài trong đầu óc làm Phượng thao thức mãi cho đến
khi gà gáy sáng. Phượng biết đây là một việc làm táo bạo nhất trong đời
mà hậu quả sẽ xảy đến như thế nào Phượng không sao lường trước được.
Đàn chim sẻ nhảy nhót trên cành sầu đông, kêu nhau ríu rít. Tia nắng mai
đầu tiên lọt qua kẽ lá, vẽ những đường nét lung linh trên nền sân sỏi
trắng ngần. Ngoại đang đứng cắt những ngọn lá sâu bên những chậu kiểng
đặt trước bể cạn, Phượng ngần ngại bước đến bên ngoại
vờ nhìn
vào bể xem đàn cá thia tàu. Ngoại xây lại :
- Phượng đó à, sáng ni dậy sớm rứa cháu ?
Phượng
dạ nhỏ rồi không nói gì thêm, trống ngực nàng đánh thình thình như có
ai cầm tim lắc mạnh. Thu hết can đảm, nàng thốt lên :
- Thưa ngoại…
Nghe giọng nàng run run, ngoại nhíu mày :
- Có chuyện chi mà cháu có vẻ hồi hộp rứa ?
- Dạ cháu có chuyện quan trọng muốn nói với ngoại.
Nhìn
nét mặt nghiêm trọng của Phượng, ông ngoại dừng cắt lá. Ông xếp chiếc
kéo nhỏ bỏ vào túi rồi kéo Phượng đến chiếc ghế đặt dưới hàng ba.
- Có chuyện chi cứ nói cho ngoại nghe đi.
Phượng ngập ngừng :
- Thưa ngoại, mấy ngày nay dì Hạnh của cháu không được khỏe, dì cháu buồn nản chuyện tương lai của dì đó ngoại.
- Cái chi ? Cháu nói rõ thêm đi.
- Thưa ngoại, dì Hạnh cháu muốn ra riêng.
Ngoại thoáng giật mình, ông hỏi nhanh :
- Cháu có điên không ? Không thể có chuyện lạ lùng như rứa.
-
Thưa ngoại, – Phượng nói một hơi – Đó là sự thật. Dì Hạnh đã tìm thấy
tình yêu và dì muốn đi đến hôn nhân với người đó. Nhưng dì đang ngại,
nếu dì cháu ra đi, hai ngoại sẽ nương dựa vào đâu, cháu muốn nói đến vấn
đề vật chất thường ngày.
Ngoại lạnh lùng nhìn đứa cháu nhỏ :
- Cháu đừng có nói liều, dì Hạnh của cháu không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy chồng.
Phượng cứng cỏi :
-
Ngoại có chắc như vậy không ? – Nàng ngừng một lúc – Cháu xin lỗi ngoại
trước, đáng lẽ ra cháu không nên xen vào chuyện của người lớn. Nhưng từ
ngày dì Hạnh quen ông Long, rồi hai người yêu nhau, cháu sung sướng
nhận thấy dì Hạnh đã tìm được niềm vui trong đời. Rồi, vừa mới đây, ông
Long muốn đi đến hôn nhân với dì Hạnh nhưng dì cháu vẫn còn lưỡng lự. Dì
có tâm sự cùng cháu, dì cháu sợ khi dì đi theo chồng, hai ngoại sẽ
thiếu thốn về vật chất trong tuổi già. Vấn đề sẽ được giải quyết một
cách dễ dàng nếu ngoại chịu bán mảnh đất sau vườn. Số tiền thu được sẽ
giúp cho hai ngoại dưỡng già trong an nhàn dễ chịu. Theo cháu nghĩ, dì
Hạnh
của cháu
đã hy sinh tất cả tuổi xuân để lo cho hai ngoại, thì bây giờ ngoại nên
thương dì, cho phép dì Hạnh được tự do đi đến hôn nhân với người mình
yêu, mà trong lòng không còn vướng bận âu lo gì cho hai ngoại nữa.
Phượng
nói một hơi dài rồi đứng im, lo ngại, nàng đang đợi phản ứng của ngoại.
Không khí ban mai thật trong mát, nhưng Phượng vẫn cảm thấy khó thở,
nàng nghe nằng nặng ở ngực. Một phút trôi qua, ngoại chậm rãi nói :
-
Cháu cũng biết đó, mảnh đất tổ tiên không thể nào đem bán đi được. Hơn
nữa, ngoại không tin là dì cháu đã cỡ tuổi đó mà còn nghĩ đến hôn nhân.
Cháu còn nhỏ, tâm hồn còn nông nổi và bồng bột cháu không hiểu được
chuyện người lớn mô. Thôi cháu vào nhà sửa soạn đi làm việc là vừa.
Phượng
tưởng tượng là ngoại sẽ nổi trận lôi đình khi không chấp thuận đề nghị
của nàng. Nhưng Phượng đã lầm, ngoại đã luống tuổi, đầy tự kiêu và kinh
nghiệm, ông không bao giờ để mất bình tĩnh trước một đứa con nít. Rồi
như để an ủi đứa cháu gái dễ thương, ngoại vuốt đầu Phượng :
- Dù răng cũng để ngoại suy nghĩ một thời gian ngắn. Cháu đợi ngoại và đừng suy nghĩ viển vông nữa.
Câu
trấn an sau cùng của ngoại đã tạo trong lòng Phượng một tia hy vọng
nhỏ. Ngoại đã đối xử với nàng thật khôn ngoan. Phượng nghĩ, nếu đặt mình
vào địa vị ngoại, khi nghe đứa cháu nhỏ chưa hiểu biết bao nhiêu, đề
nghị một chuyện động trời, chắc Phượng sẽ nổi nóng và đuổi nó đi ngay.
Nhưng, dù tự an ủi mình thế nào đi nữa, Phượng vẫn cảm thấy thất bại
hoàn toàn.
*
Ngồi
bán sách mà tâm trí Phượng để đâu đâu. Sau buổi nói chuyện với ngoại
hồi sáng, Phượng đã suy nghĩ thật nhiều. Phượng thấy nàng lớn hơn một
chút, những tháng ngày xa gia đình đã làm cho Phượng khôn lên. Từ trước
đến nay, Phượng vẫn ăn ngủ trong vô tư thanh thản, ai sống chết mặc ai.
Nhưng bây giờ Phượng mới hiểu rõ thế nào là những khó khăn trong cuộc
tranh sống ở đời. Ý thức đó lóe lên trong trí óc qua những lần nói
chuyện với Minh, với những khách hàng, hằng ngày ra vào tấp nập. Phượng
không còn xem hai ngoại và dì Hạnh là những người thuộc thế hệ cũ nữa.
Phượng ân hận vì hành động bồng bột của nàng đối với ông ngoại, đồng
thời
nàng cũng
cảm thông sâu xa nỗi thất vọng trước một tương lai không lối thoát của
dì Hạnh. Phượng cảm thấy, đời sống nàng bây giờ đã liên hệ mật thiết với
gia đình ngoại.
Buổi chiều, gặp Minh trong vườn, Phượng báo tin :
- Thất bại rồi, Phượng đã cố gắng hết sức, nhưng đâu vẫn hoàn đó. Ông ngoại nhất định không chịu.
Minh an ủi :
- Đừng vội thất vọng sớm thế. Có thể ngoại sẽ suy nghĩ lại và thay đổi ý kiến.
Phượng ngắt một lá non tung lên trời :
- Ngoại cũng hứa với Phượng là để ngoại suy nghĩ lại, nhưng Phượng cũng không hy vọng gì đâu.
Minh đề nghị :
- Thấy Phượng đang buồn, Minh muốn mời Phượng đi ăn bún bò mụ Rớt. Chúng mình có thì giờ nói chuyện nhiều hơn.
Phượng gật đầu :
- Để Phượng vào xin phép. Tối nay khỏi ăn cơm nhà.
Thế là tối hôm đó, Phượng và Minh đi ăn cơm ở ngoài lần đầu tiên, hai người cảm thấy gần nhau và thân nhau hơn.
Những
ngày tiếp theo thật buồn nản, Phượng đến tiệm sách từ sáng sớm và chiều
về thật muộn. Nàng tránh tất cả mọi người trong nhà, trừ Minh. Ông
ngoại càng tỏ ra ít nói. Sự im lặng đó làm bầu không khí trong nhà càng
khó thở. Không ai đoán biết ông đang nghĩ gì về câu chuyện vừa qua.
Phượng chỉ còn biết bàn chuyện với Minh, nhưng Minh thì bận việc luôn,
anh chàng suốt ngày loay hoay bên chiếc bàn vẽ và chồng sách vở cao
ngất. Dì Hạnh thì bắt đầu thu mình nhỏ mọn trong cuộc sống riêng tư.
Ngoài hai bữa cơm trưa và tối, dì nằm hoài trong phòng. Thỉnh thoảng,
cách vài ngày dì lại nhận được một điện tín từ Saigon . Nội dung ra sao
chỉ có trời và dì biết,
cả
đến Phượng, dì cũng không muốn hở lời. “Thật là một tuần lễ tang tóc”
Phượng thường nghĩ thế mỗi khi lên giường ngủ. Cũng trong thời gian này,
nàng nhận được thư ba me báo tin cho nàng hay, khoảng tháng chín, ông
bà sẽ trở lại Saigon . Đồng thời, hai ngoại cũng nhận được bưu phiếu
50.000 đồng của me nàng gởi ra mua cái tủ lạnh mới thay thế cái tủ đã
hỏng. Nhân dịp này, Phượng nói với dì Hạnh :
- Dì Hạnh, nếu dì cần, cháu sẽ xin ba me gởi chút ít tiền cho gia đình ngoại trong lúc này.
Dì Hạnh lắc đầu :
- Ba me cháu đã giúp đỡ dì quá nhiều rồi, dì không dám…
Ngưng một lát nén tiếng thở dài, dì Hạnh tiếp :
- Nếu ông ngoại biết nghĩ mà thương dì một chút, thì mọi chuyện đâu có rắc rối như ri.
Phượng
cảm thấy thương dì Hạnh không tả, những ngày xanh ngọc ngà của thời con
gái đã trôi qua bình lặng trên mái tóc dì, trên gương mặt dì, cho làn
môi phai thắm, cho đôi má thôi hồng. Những nếp nhăn, trông khô khan cằn
cỗi đã thoáng hiện trên vầng trán trắng nuột của dì, trên những ngón tay
suông đuột thẫn thờ mỗi chiều dì tựa cửa nhìn lá soan rơi. Phượng muốn
sà vào lòng dì, ôm lấy gương mặt đã một thời xuân sắc đó, để nói lên một
lời an ủi trìu mến nhất. Nhưng dì Hạnh đã quay đi, những bước chân bước
nhẹ lên thang gác, chậm chạp như nỗi chán chường suốt kiếp vương mang.
Phượng đi ngang phòng hai ngoại, có tiếng bàn luận giữa ông bà vang ra khiến Phượng tò mò dừng chân bên cửa lắng tai nghe.
Tiếng ông ngoại :
-
Tôi đã suy nghĩ kỹ lắm rồi. Tôi có lỗi với con Hạnh nhiều lắm. Dù sao
thì tôi và bà cũng không có quyền ngăn cản cuộc hôn nhân của nó và ông
Long. Rứa thì… theo ý bà, có nên nghe theo lời con Phượng không ?
Phượng nhắm nghiền đôi mắt, hồi hộp đến ngưng thở. Lời bà ngoại :
-
Tôi và tất cả mọi người trong nhà này đều đồng ý với con Phượng từ lâu.
Chỉ còn một mình ông, cứ bo bo giữ lấy một quan niệm cổ hủ. Tôi với ông
cũng gần đất xa trời, tranh giữ mà làm chi nữa. Tốt nhứt là mình bán
quách miếng đất đó đi, lấy tiền nuôi thân trong tuổi già. Để cho con
Hạnh được rảnh tâm trí đi theo chồng, tìm lấy hạnh phúc riêng tư của nó.
Giọng ông ngoại hơi xúc động :
- Thôi bà đừng trách tôi nữa. Tôi sẽ nghe theo lời cháu Phượng bán mảnh đất đó.
Phượng
thở ra một cái thật mạnh, tay chận lên ngực đè nén sự xúc động mãnh
liệt. Hai ngoại Phượng tiếp tục nói chuyện vui vẻ, đến khi hai ông bà rủ
nhau ra vườn xem lại mảnh đất, Phượng mới hoàn hồn chạy thẳng lên gác.
Phượng sung sướng quá, nàng đã đắc thắng vẻ vang, sau hơn một tuần lễ
thấp thỏm lo âu. Phượng nghĩ giá ông ngoại quyết định sớm hơn một chút
nữa, nàng đỡ phải đau tim hơn. Ông ngoại thật ác ghê. Phượng nhí nhảnh
chạy đến trước tấm gương, soi mặt vào trong đó và mỉm cười với chính
mình. Nàng nhận thấy một quầng đen viền nhẹ trên mí mắt, hậu quả của
những đêm dài mất ngủ vì âu lo. Chưa bao giờ Phượng thấy khoan khoái
bằng
lúc này, nàng hát lên nho nhỏ : “Trời hồng tươi gió theo mây đến phương
trời, về muôn nơi, lướt trên giòng nước trôi. Mùa hè ơi… “
Buổi
trưa hôm đó, buổi trưa đáng nhớ nhất trong thời gian Phượng về đây nghỉ
hè. Trời nóng như thiêu, ánh nắng chói chang tràn lấp khoảng sân lát
sỏi, hơi nóng bừng bừng lùa vào nhà mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua.
Trong nhà ngoại, bầu không khí buồn tẻ suốt tuần qua đột nhiên vui hẳn
lại. Sự ngột ngạt của thời tiết không át nổi niềm vui tươi đang dâng lên
rộn ràng mọi tâm hồn từ già đến trẻ. Bữa cơm thanh đạm nhưng ngon miệng
vô cùng. Ngoại đã nhìn Phượng thật lâu đầy âu yếm, rồi mới nói với mọi
người :
-
Hôm nay tôi báo tin cho cả nhà được hay, tôi đã bằng lòng bán mảnh đất
sau vườn với giá một triệu rưỡi. Tôi đã thấy rõ ràng, dù sao mình nên
thực tế vẫn hơn, vẫn hơn…
Lời
ngoại kéo dài những âm vang như reo đón thơ thới tâm hồn mọi người. Ai
nấy cùng thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi một biến cố lớn. Minh và
Phượng nhìn nhau mỉm cười sung sướng. Riêng dì Hạnh, vẻ cảm động còn
vương trên nét mặt, dì đứng dậy nói lí nhí đôi lời cám ơn ngoại, rồi vội
vàng trở về phòng. Phượng đoán dì Hạnh sẽ khóc thật nhiều trên gối,
những giọt lệ tràn đầy niềm hân hoan sẽ làm mắt dì thêm trong, tóc dì
thêm mướt, bởi quyết định hợp lý của ngoại dù sự việc xảy ra hơi chậm.
Sau bữa ăn, Minh nói với Phượng :
-
Phượng thấy chưa, ông ngoại Phượng đặc biệt thật. Ông quá khôn ngoan
khi giải quyết một vấn đề gì, ông có cả một chương trình hành động làm
sao để người khác khỏi coi thường hành động và quyết định của ông.
Phượng cười nhẹ :
- Sự thành công hôm nay đáng lẽ ra phải dành cho Minh phần lớn vinh dự. Phượng chỉ là người thi hành kế hoạch mà thôi.
- Cám ơn Phượng. Dù sao Phượng vẫn là người sứ giả đặc biệt. Không ai thay thế vai trò đó được.
Minh
bỗng nháy mắt với Phượng, cô gái quay lại phía sập gụ. Bà ngoại đang
ngồi têm trầu, bên cạnh ông ngoại đang nhấm nháp ly rượu cẩm, và dì Hạnh
với vẻ ngập ngừng đáng yêu, dì ghé ngồi cạnh bà ngoại và cúi đầu nói
nhỏ :
- Thưa ba me, con có chuyện quan trọng muốn thưa với ba me.
Ông ngoại nhìn thật lâu đứa con gái bằng đôi mắt bao dung :
- Ba me đã biết, con khỏi thưa. Ba me bằng lòng chấp nhận cuộc hôn nhân giữa con và ông Long.
Dì
Hạnh bỡ ngỡ trước lời nói của ngoại, nhưng dì đã hiểu, ba me dì đã
chuẩn bị tất cả cho riêng dì. Dì cảm xúc nắm chặt lấy bàn tay gầy ốm của
ngoại, và đột nhiên, dì òa khóc nức nở.
Phượng ríu rít như con chim sơn ca :
-
Thưa ngoại, hôm nay ngoại “chịu chơi” nhất nhà. Cháu sẽ mở một bữa tiệc
khao ngay tối hôm nay, và do chính cháu đi chợ nấu những món ăn tuyệt
cú mèo.
*
Dì
Hạnh đang tươi cười đứng trước gương thử lại mấy chiếc áo cưới vừa lấy ở
tiệm về. Phượng bước vào phòng, tay ôm một bó hồng nhung đỏ thắm. Dì
Hạnh quay lại :
- Phượng, cháu xem có vừa không ?
Phượng vuốt nhẹ tà áo ài kim tuyến :
- Vừa vặn quá dì ạ, đâu, dì xây lại đàng trước cho cháu xem.
Dì
Hạnh quay qua bên trái rồi qua bên mặt theo lời cô cháu nhỏ. Phượng
muốn ôm chầm lấy dì, nói thầm vào tai dì : Dì ơi, cháu quá sung sướng
trước niềm vui đậm đà của dì.
- Hôm nay Phượng hái hoa nhiều rứa ?
Phượng đến bàn viết cắm hoa vào lọ :
-
Hồng sáng nay nở nhiều lắm dì, vả lại, cháu muốn tự tay cắm vào bình
hoa phòng dì những đóa hoa rực rỡ nhất, lộng lẫy nhất. Cho nên, cháu chỉ
chọn toàn hoa mầu đỏ.
Dì Hạnh hôn nhẹ lên từng cánh hồng còn mọng sương đêm :
- Cám ơn Phượng. Nhưng sao dì thấy, mầu đỏ có vẻ lòe loẹt quá, sao Phượng không hái hoa mầu hồng ?
Phượng nheo mắt :
- Hoa mầu hồng dì có nhiều rồi, còn hái làm chi nữa.
- Mô ?
Phượng tinh nghịch :
- Một vạn cánh hoa mầu hồng đang nở trong tâm hồn dì đó.
Dì Hạnh đỏ mặt, đấm thùm thụp vào lưng Phượng :
- Quỉ nà, quỉ nà.
Phượng chạy bay xuống gác, cười khúc khích. Nàng nhớ đến câu nói mới đây của ngoại :
-
Thật là tôi không ngờ con Hạnh nó quyết định mau rứa. Quen nhau mới có
ba tháng mà đã chấp nhận đi đến hôn nhân. Dù sao thì chuyện đã rồi, tôi
cũng mừng cho nó đã tìm thấy hạnh phúc.
Những
ngày sau này, hai ngoại thường bàn đến lễ cưới của dì Hạnh sắp đến. Hai
ngoại muốn mời ba me Phượng ra Huế dự ngày vui của cô em gái. Riêng dì
Hạnh, dì muốn tổ chức một lễ cưới thật đơn giản, âm thầm. Chỉ cần mời
một số người quen thân là đủ. Phượng cũng đồng ý với dì. Ở tuổi của dì,
không cần linh đình trọng thể mà chỉ cần đơn giản tối đa, miễn là hai
người trong cuộc biết thương yêu nhau chân thành là quí lắm rồi.
*
Sáng
chủ nhật cuối mùa hè, mưa rơi đằm thắm. Những hạt bụi mưa thật nhỏ bàng
bạc không gian, lấp lánh ánh nắng mai rực rỡ như những giọt kim tuyến
vương lên hàng cây đầu ngõ. Ngày cưới dì Hạnh được tổ chức đơn sơ, thân
mật. Những nghi lễ miền Huế lần lượt diễn ra trước những câu chúc tụng
khách sáo của bà con quyến thuộc. Dì Hạnh duyên dáng trong chiếc áo gấm
đỏ, vành khăn vàng màu vua chúa. Bên cạnh, ông Long luộm thuộm trong
chiếc áo thụng xanh. Bữa tiệc thịnh soạn được bày ra trước hàng hiên,
đèn hoa giăng khắp nơi tưng bừng.
Phượng
cảm thấy bực bội và lúng túng vì sự hiện diện của Hoàng và Linh luôn
luôn ngồi sát bên nhau. Phượng không muốn nhìn Hoàng, nhưng sao đôi mắt
nàng cứ hướng về phía đó. Những kỷ niệm đẹp lại tràn về, tràn về như
trận cuồng phong, mang đến cho tâm trí Phượng những xáo trộn không
lường.
Minh nói nhỏ bên tai Phượng :
- Hôm nay, Phượng rất đẹp.
Phượng
vẫn không nghe gì cả. Trước mắt Phượng, chỉ còn Hoàng. Những buổi chiều
dạo chơi trên đường Trần Quý Cáp, những hôm nào liên hoan dạ vũ, đêm
Noel năm xưa Đà Lạt rực rỡ ngàn hoa, tất cả như bừng sống dậy sau bao
ngày tắt ngấm giữa đáy hồn Phượng.
Ngồi
bên Phượng, Minh đoán nhận tất cả những biến chuyển trên gương mặt cô
bạn gái. Minh chợt buồn và tự ái vẩn vơ, anh định đứng dậy ra khỏi bàn
tiệc trở về phòng vẽ nốt tấm họa. Nhưng nghĩ lại, Minh thấy bất lịch sự,
dù sao cũng nên tỏ ra cao thượng một chút. Minh nhìn sang Hoàng, anh
chàng đang nói chuyện với Phượng :
- Ông Long hình như không muốn nói chuyện với Hoàng, Phượng có biết vì lý do gì không ?
Câu hỏi đột ngột làm Phượng quay về thực tế :
- Không, Phượng không biết gì cả.
Phượng
bất mãn vô cùng. Giây phút nào Hoàng cũng chỉ biết đến mình. Nàng quay
sang Minh, Minh đang vờ chăm chú nghe chuyện một người bà con của
Phượng, nét mặt hơi buồn. Phượng cảm thấy ân hận vì nãy giờ nàng không
nói chuyện với Minh. Chỉ có mỗi mình Minh là biết săn sóc hỏi han đến
Phượng mà thôi. Nàng định xin lỗi Minh, nhưng không tiện.
Giọng Hoàng lại lải nhải bên tai :
-
Phượng, ngày mai Hoàng có chuyện riêng muốn nói với Phượng. Phượng nên
nghĩ đến tình bạn mà giúp đỡ Hoàng một lần cuối. Phượng hãy nói với ông
Long vài lời về chuyện đóng phim đó.
Phượng
mím môi không đáp, tự ái bị tổn thương. Nàng đâm ra thất vọng và hổ
thẹn không muốn nhìn mặt ai nữa. Phượng bật đứng dậy và ra khỏi bàn
tiệc. Phượng giả vờ nhức đầu và xin phép mọi người trở về phòng.
*
Phượng
thờ thẫn đếm bước trên con đường sỏi trắng trong vườn. Suốt một đêm
không ngủ, tâm trí nàng ngổn ngang trăm mối. Bao nhiêu vui buồn lẫn lộn
cùng niềm ân hận không cùng đã làm nàng thao thức mãi. Buổi tiệc trưa
hôm qua như hiện ra rõ rệt trước mắt, hình ảnh Hoàng ngồi thân mật cạnh
Linh, gương mặt nghệ sĩ lãng mạn đó đã đóng kịch thật tài với Phượng
trong suốt thời gian quen biết. Vậy mà Phượng không nhận ra. Phượng mơ
màng dệt mộng với con người tài hoa nhưng giả dối đó. Phượng pha lê hóa
cảm tình Hoàng dành cho nàng. Còn đối với Minh, chàng sinh viên đó đã
đối đãi rất tốt với Phượng, đã chỉ vẽ cho Phượng nhiều vấn đề liên quan
đến
học hành, xã hội và những sự giao tiếp ngoài đời. Minh là người bạn
tốt, thành thật, tại sao Phượng lại quá xem thường. Những ngày xa Hoàng,
Phượng tìm vui bên Minh, nhưng khi Hoàng có mặt, nàng đã vô tình quên
sự hiện diện của Minh một cách phũ phàng. Phượng cảm thấy mình thấp hèn
và bất lịch sự. Nàng quyết định phải tìm đến xin lỗi Minh, rồi xin phép
hai ngoại trở lại Saigon sớm chừng nào hay chừng đó. Trong khoảnh khắc,
Phượng muốn đi thật xa khỏi thành phố u buồn này, nơi đã ghi vào lòng
Phượng quá nhiều xao động tâm tư. Phượng mang tâm trạng của người vừa
đánh mất một vật quí giá ngàn đời không tìm lại được. Đó là tuổi thơ, đó
là những chuỗi ngày vô tư nũng nịu bên ba, vòi quà bên me nhè khóc. Đó
là những chuỗi ngày êm đềm
cắp sách đến trường vui đùa ríu rít như con chim vành khuyên nhảy nhót
trên cành, tà áo trắng trinh nguyên không vương chút sầu lo. Hết tất cả
rồi, mất tất cả rồi, bởi tia nhìn Hoàng đã soi, môi cười Minh đã tới.
Hình bóng hai người con trai đó cuốn đến tâm hồn Phượng như một cơn lốc.
Gió đã lên, mưa đã xoáy, giòng suối bình yên tuổi dại đã bắt đầu gợn
sóng lăn tăn.
Dì
Hạnh đã theo chồng rời khỏi gia đình lúc bình minh. Họ đang bắt đầu dấn
bước phiêu du, cuộc hành trình phải có ít nhất là một lần trong suốt
quãng đời ngắn ngủi. Phượng thầm nghĩ : những ngày tháng ra Huế tìm
Hoàng và chuốc lấy xót xa, nàng đã đến đích cuối cùng của chuyến phiêu
du đầu đời chưa ?
Phượng
chán nản vô cùng, nàng muốn bỏ tất cả để trở vào Saigon ngay. Nhưng dù
sao, việc làm cần thiết của Phượng bây giờ là tìm xin lỗi Minh, dù Minh
có giận dỗi, có cố tình cắt đứt tình bạn giữa Minh với nàng, nàng vẫn
nhận chịu vì chính nàng là người lầm lỗi.
Có tiếng gọi đằng sau :
- Phượng, sáng nay dậy sớm thế ?
Phượng quay lại. Minh đang ngồi trên cành ổi, tươi cười nhìn xuống Phượng. Nét mặt Minh vẫn bình thường vui vẻ :
- Phượng ơi, đưa tay đón nhé, Minh quăng trái ổi xuống đây.
Minh
vẫn không giận Phượng. Hành động cao thượng và bao dung của Minh khiến
Phượng hổ thẹn vô cùng. Nàng thấy khó chịu trong người, nàng nghe xốn
xang đôi mắt, nàng muốn mặt đất nứt làm hai và khép nàng vào trong thật
lẹ để Minh khỏi phải trông thấy nàng nữa. Quá ân hận, Phượng buông mình
xuống chiếc ghế đá giữa vườn và ôm mặt khóc nức nở.
Có tiếng cành lá xao động, Minh đang leo xuống khỏi cây ổi và tiến đến bên Phượng :
- Kìa Phượng, Minh đã làm điều gì khiến cho Phượng buồn sao ?
Phượng ngẩng lên, nước mắt ràn rụa :
- Phượng đã có lỗi với Minh thật nhiều, Minh có giận Phượng không ?
Minh ghé ngồi cạnh Phượng. Im lặng một lúc, anh nói :
- Minh đã hiểu hết rồi, Phượng đừng nói gì thêm nữa, nên quên hết đi là hơn.
Phượng lấy tay chùi nước mắt :
- Minh không giận Phượng hả ?
Minh cười :
- Minh chỉ giận Phượng, nếu Phượng cứ muốn nhắc lại chuyện đã qua.
Ngưng một lát, Minh tiếp :
-
Phượng còn nhớ không, có một lần chúng mình nói chuyện, Phượng đã mắc
nợ Minh một hình phạt. Bây giờ đã đến lúc Phượng phải trả nợ đấy nhé.
Phượng
nghe tiếng Minh cười nhẹ nhàng bên tai. Nắng mai lên cao soi rạng rỡ.
mái tóc bồng bềnh, đôi mắt đầm ấm. Phượng có cảm tưởng nàng vừa tỉnh
giấc sau một cơn mộng dài khó chịu. Trời đã sáng, bầy chim sẻ trong vườn
chuyền nhẩy dưới tàng cây nhãn líu lo đã đánh thức nàng dậy, cho nàng
thấy rõ mầu trời xanh cuối hạ, mầu mây trắng đầu thu.
- Bản án của Minh là bắt Phượng phải quên hết chuyện cũ để bắt đầu lại tất cả.
Phượng
ngước lên nhìn Minh, anh chàng vẫn luôn luôn có duyên thật đúng lúc.
Trong phút giây, tâm hồn Phượng ấm nồng hẳn lại, nàng không còn thấy bơ
vơ nữa trên con đường mới mở rộng dẫn đến tương lai.
- Phượng ăn điểm tâm chưa ?
Phượng cúi đầu :
- Chưa ạ.
- Phượng cho phép Minh được mời Phượng lên phố ăn sáng nhé.
- Phượng còn phải đi làm nữa.
Giọng Minh đầm ấm ;
- Thì chúng mình đi ăn rồi Minh đưa Phượng đến nhà sách luôn. O K. ?
Phượng dạ nhỏ, nàng nói :
- Để Phượng vào nhà thay áo đã nghe Minh.
Nụ
hoa vông vang mới nở xen lối đi mang mầu vàng tươi rực rỡ như ánh nắng
mai mùa hạ, soi sáng linh hồn Phượng. Nàng nghe một cung đàn vừa rung
nhẹ giữa thâm tâm.
DẠ THANH