CHƯƠNG I
Chuyến
máy bay Saigon – Huế cất cánh. Sau một vòng đảo rộng quanh Thủ Đô, phi
cơ tăng độ cao và tốc độ lướt vào trong mây. Phượng thở một hơi dài như
trút bao băn khoăn và lo ngại vu vơ. Bây giờ là 8 giờ sáng, chỉ hơn hai
tiếng đồng hồ nữa là Phượng sẽ đặt chân xuống Huế, miền quê ngoại. Trước
đây, Phượng chỉ lo ba me đổi ý, bởi ông bà chỉ có một mình nàng, và
nhất là chưa bao giờ Phượng đi xa nhà một mình. Nhưng bây giờ là thời
gian nghỉ hè. Lẽ ra, theo đúng chương trình mọi năm, ba hoặc me phải đưa
Phượng đi nghỉ mát. Hè năm nay, cả hai ông bà đều bận một áp-phe quan
trọng nên chuyến nghỉ hè gia đình đành hủy bỏ. Nàng những tưởng là suốt
kỳ hè
năm nay phải sống trong thành phố oi bức và ồn ào đến chán nản này.
Nhưng không, một vài bất ngờ xảy ra đưa đến quyết định. Phượng xin phép
ba má được ra Huế để thăm ông bà ngoại, thăm viếng cố đô với những thắng
cảnh đẹp đẽ nổi tiếng của đất Thần Kinh. Phượng đi một mình. Đó là điều
mà ba má Phượng không ưng ý chút nào. Nếu rủi ro có chuyện gì xảy ra,
ông bà không biết phải làm thế nào, nhất là trong thời buổi nhiễu nhương
bây giờ. Phượng tìm đủ mọi cách để ba me bằng lòng. Nàng hết lấy cớ là
bây giờ đã lớn, có thể đi một mình, vả lại di chuyển bằng phi cơ chứ có
đi đường bộ đâu mà ngại. Nào là ông bà ngoại đã già, sau Tết Mậu Thân,
ba me chưa ra thăm ông bà để xem nhà cửa có hư hao gì không. Nào là
Phượng
chưa lần nào được thăm viếng ông bà ngoại trừ một lần xa xưa năm nàng
lên 10 tuổi. Hết năn nỉ, đến khóc lóc. Rốt lại, ba mẹ Phượng phải xiêu
lòng. Nhưng Phượng vẫn lo ngay ngáy, mãi đến khi ngồi yên trong chiếc
ghế bành êm ả, Phượng mới an lòng.
Phi
cơ đang chui vào trong một rừng mây trắng xóa. Phượng dựa đầu vào lưng
ghế, thoải mái, đưa mắt nhìn ra khung cửa nhỏ. Nắng ban mai dịu dàng ve
vuốt từng cụm mây hồng. Bầu trời phía xa xanh trong như thủy tinh, gờn
gợn những lọn mây dịu dàng như tấm lụa nõn. Phượng chợt thấy hồn mình
lâng lâng trong niềm kỳ thú vô biên. Nàng lim dim ghi nhận từng cảm
giác, từng rung động đang len lỏi vào tận cùng làn da, thớ thịt, tế bào.
- Mời cô…
Một hình ảnh lóe lên trong tiềm thức Phượng như một ánh chớp ngời. Phượng quay lại.
- Cô dùng một ít kẹo.
Người
nam tiếp viên hàng không mỉm cười nhìn Phượng. Phượng cám ơn và nhón
lấy một thỏi kẹo bạc hà. Người nam tiếp viên quay đi mà Phượng vẫn còn
nhìn theo. Trời ơi nụ cười. Sao giống thế không biết. Lại còn giọng nói.
Sao có người giống Hoàng như vậy ? Mùi kẹo bạc hà lan nhanh trong cổ
họng, ấm áp, nồng đượm như giọng nói. Phượng kêu nho nhỏ :
- Hoàng ơi !
Tiếng
kêu thoát ra ngoài vành môi nhỏ chỉ một lần, nhưng mở đầu cho những
tiếng gọi tiếp nối. Phượng chợt nhớ đến Hoàng nôn nao. Bây giờ chắc
Hoàng đã đến Huế. Hoàng đang làm gì. Tập một bài hát mới, dượt lại vở
kịch. Hoàng có biết là Phượng đang theo Hoàng ra Huế đây không ? Vì
Hoàng mà Phượng phải năn nỉ ba me đến hết nước miếng, phải khóc đôi ba
bận mới được đi. Lại phải nói dối là ra thăm ngoại nữa chứ. Giá ba me
biết được mục đích Phượng ra Huế, thì ôi thôi…
Phượng
mỉm cười một mình. Chiều nay mình sẽ gặp Hoàng. Phượng nhớ đến mái tóc
bềnh bồng, đôi mắt quyến rũ, và nụ cười, nụ cười tươi mà gặp qua một lần
sẽ không bao giờ quên được. Phượng yêu Hoàng cũng vì nụ cười ấy. Nhớ
lại ngày gặp gỡ, má nàng hồng lên vì e thẹn và sung sướng. Quả là duyên
tiền định. Phượng nhắm mắt lại, mơ màng mường tượng lại lần gặp gỡ đầu
tiên.
*
Hôm
đó cũng là một ngày mùa hạ cách đây một năm tròn. Phượng được ba me đưa
lên Đà Lạt nghỉ mát. Đà Lạt trở thành một nơi quá quen thuộc bởi hè nào
Phượng cũng được đưa lên đấy. Phượng thích cái thời tiết dịu dàng của
Đà Lạt. Phượng thích những ngọn đồi nhấp nhô liên tục, những bãi cỏ non
xanh, những cụm hoa đủ loại tràn lan trên đường đi, trên bờ cỏ, những
rừng thông xanh ngút, những thác nước hùng vĩ nên thơ. Như thường lệ,
mỗi buổi chiều khoảng bốn hoặc năm giờ, Phượng hay thơ thẩn vòng quanh
hồ Than Thở để được nhìn mặt hồ sóng sánh vàng dưới nắng chiều. Một cái
áo tơi mưa, một quyển sách nhỏ, dựa lưng vào gốc thông già, Phượng
ngồi im đọc sách hoặc đắm mình trong bầu không khí im vắng khoảng
khoát, thoảng chút hương lan. Nhưng hôm đó, Phượng không thể nào ngồi im
để đọc sách, để mơ màng. Một nhóm hai ba người đàn ông khuất đâu đó sau
những cụm hoa đàn địch dượt đi dượt lại mãi những bài hát thời trang.
Khoảng cách những bài hát là câu chuyện, tiếng cười ồn ào. Phượng bực
tức, và không dằn được nàng buông một câu lớn gọn :
- Ồn ào !
Tiếng
đàn chợt im bặt. Có tiếng lao xao nhỏ, rồi một người đứng dậy nhìn đến
chỗ Phượng ngồi. Nhìn thấy Phượng, hắn ngây người ra một lát. Phượng
thẹn quá, đứng dậy, định thu dọn đồ đạc trở về. Nhưng khi nàng mới cúi
xuống cầm lấy quyển sách thì một giọng nói thật ấm và êm ái vang bên
cạnh :
- Xin lỗi cô, chúng tôi vô ý không thấy cô đang học ở đây. Thay các bạn, tôi thành thật xin lỗi cô.
Phượng
quay lại. Người đàn ông trước mặt nở một nụ cười tươi sau khi nói. Đôi
mắt đen, thông minh với hai bờ mi rậm điểm thêm một nét đặc biệt trên
khuôn mặt rất dễ thương và nghệ sĩ. Phượng một thoáng bàng hoàng.
- Tôi là Hoàng, nghệ sĩ. Cô không giận chúng tôi chứ ?
Phượng đỏ mặt, ấp úng :
- Không… không có gì.
Hoàng vẫn cười, bằng một giọng nói rất hào hoa, lịch sự, Hoàng nghiêng người :
- Để chứng tỏ cô không trách sự vô ý của bọn tôi, tôi mời cô đến chung vui với chúng tôi. Cô mới ở Saigon lên ?
Không thể nào trách được con người lịch sự và lễ phép như vậy. Nhưng Phượng vẫn giữ ý từ chối khéo :
- Cám ơn ông, sắp đến giờ về rồi, tôi phải về kẻo không có xe. Các ông cứ tự nhiên.
Hoàng nói nhỏ sau một phút phân vân :
- Tiếc quá. À, tôi xin được phép mời cô đến dự đêm Đại nhạc hội do chúng tôi tổ chức. Đêm mai, mong rằng cô không từ chối.
Hoàng lật xấp nhạc cầm trên tay, lấy một vé mời đưa cho Phượng.
- Cám ơn ông. Nếu không bận gì, tôi sẽ đến để nghe ông hát. Chào ông.
Phượng
đi ra đường đón xe. Giờ này, chỉ có những chuyến xe lam từ nhà ga chạy
về chợ. Chỉ thỉnh thoảng mới có xe đến hồ, bởi đã chiều rồi, không có ai
ra hồ làm gì nữa. Mặc dù chăm chú đợi xe và đứng xa chỗ ngồi cũ hàng
trăm thước, nhưng theo gió, Phượng vẫn còn nghe văng vẳng tiếng cười nói
của lũ bạn Hoàng :
- Thằng này ngơ ngẩn ra. Người đẹp về rồi nó không hát hỏng gì được nữa. Chắc đêm nay mày tương tư đến chết mất Hoàng ạ.
Phượng
nóng bừng hai tai vì thẹn. Nhưng đồng thời một cảm giác êm dịu thầm kín
len lén trong hồn… Đôi mắt sáng, chiếc miệng cười tươi. Phượng nghe đâu
niềm vui tràn lây, vây quanh từng ngọn cây, sợi cỏ.
Một
chuyến xe lam chạy qua. Phượng vẫy tay. Chuyến xe đầy nhóc người. Chiếc
thứ hai, chiếc thứ ba, Phượng bắt đầu sốt ruột, nhìn đồng hồ tay. Ba me
đợi cơm và lo lắng biết bao. Tiếng đàn hát cũng đã dứt. Hình như nhóm
thanh niên sửa soạn ra về, Phượng càng nôn nóng hơn.
- Chắc giờ này nhằm phải chuyến bay, nên khó đón xe lắm. Hay sẵn xe của chúng tôi cũng về chợ, mời cô.
Lại Hoàng. Phượng nhủ thầm. Đồng lúc với sự bực mình là một cơn vui vỡ òa.
- Hay để tôi đón xe thử xem. Phiền các ông quá.
Hoàng
im lặng. Các bạn chàng đã nổ máy xe, lái đến gần đợi. Một chuyến xe lam
khác chạy qua, nhưng cũng không còn một chỗ trống, Phượng lắc đầu thất
vọng.
- Cô đừng sợ phiền gì cả. Tôi đưa cô về tận nhà. Ở lại đây tối nguy hiểm lắm.
Không
làm cách nào hơn, Phượng theo Hoàng lên xe. Trong dịp này, Phượng được
biết Hoàng là một ca sĩ vừa là một kịch sĩ vừa tốt nghiệp trường Quốc
Gia Âm Nhạc ở Saigon . Hoàng kể cho Phượng nghe những thành công mà
chàng thâu đoạt được trong lãnh vực văn nghệ. Cách nói có vẻ kiêu kiêu.
Phượng thấy điều đó, nhưng nàng cho rằng với kết quả Hoàng đạt được,
Hoàng có quyền kiêu hãnh. Đoạn đường 8 cây số từ hồ Than Thở đến khu Hòa
Bình, ngày thường đối với Phượng thì dài dằng dặc, nhưng bây giờ lại
quá ngắn. Một thứ tình cảm không tên nẩy nở trong lòng Phượng. Nàng mơ
hồ thấy mình quyến luyến người con trai nầy hơn tất cả bạn trai khác.
Riêng Hoàng,
chàng có vẻ yêu thích Phượng ra mặt. Phượng nhận biết điều đó, và niềm
vui bởi đó theo đuổi Phượng cả trong giấc ngủ và cả ngày hôm sau, ngày
sau nữa…
Những
ngày ở Đà Lạt do đó không còn buồn chán như những lần nghỉ hè trước.
Phượng thật sự bước vào thế giới của tình yêu. Ngay sau đêm cùng với
Hoàng dự đêm Đại nhạc hội, Phượng càng yêu mến Hoàng thêm. Hình ảnh hiên
ngang oai dũng của Hoàng trong lớp áo dũng sĩ của một vở kịch dã sử
được Phượng đem vào giấc mộng. Trước mắt Phượng, Hoàng hiện ra với đầy
đủ đức tính của một hoàng tử của lòng.
Sau
thời gian nghỉ hè, Phượng phải về Saigon. Công việc học hành bận rộn
vẫn không ngăn được sự giao thiệp thân mật giữa hai người. Cái vẻ hào
hoa, lịch sự đúng điệu của Hoàng khiến Phượng say đắm. Không một đêm hát
nào có mặt Hoàng mà lại vắng bóng Phượng. Mới đây, hay tin Hoàng cùng
một số nghệ sĩ ra Trung tổ chức Đại nhạc hội, Phượng có ngay ý nghĩ lợi
dụng kỳ nghỉ hè này để được gần Hoàng nhiều hơn. Một cặp tình nhân dạo
chơi trên miền đất thơ mộng nhất nước là giấc mơ ấp ủ hằng đêm của
Phượng. Trong trí óc lãng mạn của cô gái mới lớn, Phượng tưởng tượng
biết bao chi tiết về cuộc phiêu lưu kỳ thú hôm nay.
*
Một
cảm giác rơi hổng úp chụp lên người Phượng. Trong lúc nàng chưa kịp
nhận định những gì xảy đến, thì đầu nàng va mạnh vào thành ghế. Phượng
rú lên một tiếng nhỏ. Thân hình không tuân theo ý chí nữa, nàng ngả
nghiêng theo những đợt chao mạnh của phi cơ. Thân phi cơ rung chuyển dữ
dội. Hành khách bắt đầu la ó ồn ào.
-
Yêu cầu quý vị bình tĩnh ngồi nguyên chỗ của mình. Xin quý vị buộc chặt
dây lưng an toàn, tránh đừng gây náo loạn. Xin quý vị buộc chặt dây
lưng an toàn và tránh việc di chuyển.
Dù
cố gắng hết sức, Phượng vẫn không thế nào vói lấy đầu dây lưng an toàn.
Nó đã bị rơi xuống phía dưới ghế vì những cơn lắc mạnh của phi cơ.
- Cô để tôi giúp cho cô. Cô ngồi yên đấy, đừng với người nữa… Đây, thắt lưng đây, cô buộc vào.
Phượng đón lấy đầu dây, nhưng lóng cóng mãi vẫn không gài được.
- Cô để tôi. Gớm, trời xấu quá. Nhưng không lẽ… Bây giờ là mùa hè. Hay phi cơ hư máy ?
Phượng
nghe như một tiếng nổ lớn. Máy phi cơ hư. Đúng rồi, qua khung cửa,
xuyên qua những lớp mây, Phượng vẫn thấy được màu xanh của bầu trời xa
xa. Phi cơ hư máy, trời ơi ! Phượng tái mặt, run run. Nàng nghĩ đến
những tai nạn máy bay đã xảy ra. Báo chí tường thuật những giây phút
khủng khiếp đó. Phi cơ rơi và nổ tung. Xác người cháy đen, hoặc rứt ra
từng mảnh. Phượng ôm mặt không dám nghĩ tiếp nữa.
Chiếc
máy bay có lúc lên thật cao, có lúc như nhào về phía trước rồi rơi
xuống thấp. Tất cả mọi người đều có cảm giác như đang ở trên một con tầu
ngoài khơi giữa cơn bão tố.
Phượng
bắt đầu thấy mệt mỏi, đầu óc quay cuồng, nhức buốt, chóng mặt. Bụng cồn
cào, nôn nao muốn mửa. Trong trí óc hỗn độn những hình ảnh không thứ tự
của ba, của me hiện ra. Phượng chới với cùng lúc với chất nước đắng
trào ra từ cuống họng…
Mùi
dầu lan trên thái dương, trước mũi và sau gáy. Phượng mở mắt nhìn.
Người con trai ngồi cạnh cầm chai dầu nhìn nàng ái ngại. Phượng chợt tức
giận khi nghĩ rằng gã con trai kia đã lợi dụng để thoa dầu lên gáy, lên
trán nàng. Phượng không dằn được, buột miệng :
- Ơ hay, cái ông này…
Gã thanh niên sa sầm nét mặt, nhưng chỉ một thoáng, mỉm cười nói :
- Cô gần như bị ngất đi, tôi lo quá…
Phượng
định nói : “Có liên can gì đến ông không nào ?” Nhưng một cái lắc mạnh
của thân phi cơ làm Phượng quên hết. Nàng lại ở trong tình trạng nôn nao
như cũ.
-
Thưa quý vị, vì lý do kỹ thuật, trong vài phút tới đây phi cơ sẽ đáp
xuống phi trường Đà Nẵng, và chuyến bay sẽ tiếp tục vào ngày mai. Bây
giờ, quý vị xem lại dây an toàn một lần nữa và tắt thuốc lá.
Người
nữ tiếp viên phi hành nói thêm những gì không rõ. Phượng nghe loáng
thoáng, nhưng cũng đủ để hiểu rằng phi cơ phải ở lại Đà Nẵng một ngày.
Bỗng dưng Phượng đâm lo. Thành phố này Phượng không có một người quen,
hoặc một lần được đặt chân đến. Phượng làm gì và ở đâu cho hết ngày hôm
nay. Với ý nghĩ đó Phượng thẫn thờ xuống máy bay lúc nào không biết.
Phi
trường Đà Nẵng lồng lộng gió. Nắng chói chang. Mặt đất vững chắc dưới
chân làm Phượng như tỉnh hẳn người. Nàng theo các hành khách ra chiếc xe
ca đã chực sẵn để đưa mọi người về thành phố.
- Cô có ai quen ở Đà Nẵng không ?
Phượng quay lại. Cũng hắn nữa. Nàng làm thinh quay đầu sang chỗ khác.
- Tôi cũng không có ai quen ở đây cả, nên phải đi xe hơi ra Huế ngay.
Nghe
vậy, Phượng không thể làm thinh được. Thì ra hắn cũng biết ít nhiều về
thành phố này. Hay mình theo hắn ra Huế luôn, chứ ở lại Đà Nẵng, biết ở
đâu bây giờ. Phượng miễn cưỡng hỏi trống :
- Xe từ Đà Nẵng ra Huế mất mấy tiếng đồng hồ ?
- Độ 3 tiếng thôi. Nếu không kẹt giữa đèo thì nhanh hơn.
- Ông biết chỗ xe Đà Nẵng – Huế đậu ở đâu chứ ?
Gã thanh niên mỉm cười tự tin :
- Tôi đã sống ở Đà Nẵng ba năm rồi.
Phượng yên tâm. Nàng gạ chuyện :
-
Tôi chưa biết thành phố này lần nào. Chỉ nghe nói nơi đây có hải cảng
tốt lắm. Lại có ngọn Ngũ hành sơn nổi tiếng. Ngày tôi còn bé, có người
cho tôi một chiếc vòng bằng đá, nói là mua ở đó. Thế thôi. Có lẽ tí nữa,
tôi nhờ ông đưa hộ ra bến xe đi Huế.
- Tôi sẵn sàng. Tôi tên là Minh, Trần Đức Minh, sinh viên kiến trúc.
Phượng bất đắc dĩ phải tự giới thiệu :
- Tôi là Kim Phượng. Năm nay tôi thi tú tài.
Phượng
không hiểu tại sao nàng lại ghét gã thanh niên tên Minh vậy. Có lẽ
ngoài Hoàng ra, Phượng không thích bất cứ ai gạ gẫm kiếm chuyện với nàng
cả, nhất là trong giờ phút Phượng thích ngồi yên để hoàn toàn nghĩ đến
Hoàng, đến nụ cười quyến rũ của chàng. Nhưng Minh đã không làm Phượng
trọn vẹn nghĩ tới Hoàng. Vì thế, phượng thấy tức.
Vào
đúng giữa trưa, Phượng rời Đà Nẵng để đi Huế. Khi chuyến xe bắt đầu vào
trong địa phận Huế, Phượng hoàn toàn quên mất Minh. Huế đây. Phượng hít
một hơi dài khoan khoái. Hình ảnh Hoàng càng lúc càng gần gũi và rực rỡ
trong trí nhớ. Nàng thấy lòng mình nao nao một cảm giác lạ lùng. Xuống
xe, Phượng thản nhiên gọi một chiếc xích lô, không biết trên bến có một
người thanh niên đang đứng nhìn theo buồn bã : Minh.
Phượng đưa cho người phu xe tấm giấy ghi địa chỉ. Người phu xe gật đầu nói :
- Hơi xa đó chị nợ. Hồi tới nhà, chị cho thêm tiền nghe !
Giọng
nói đặc sệt tiếng Huế làm Phượng mỉm cười. Nắng buổi chiều nhuộm vàng
thành phố, vàng cả những tà áo bay bay trên cầu. Cây cầu được nối ở giữa
như mụn vá của chiếc áo gấm. Mấy nhịp Trường Tiền không còn đều đặn
nữa. Chỉ còn giòng nước sông Hương bình thản trôi như bước chân nhẹ
nhàng muôn đời của các nàng gái Huế. Dĩ vãng không gợi được trong Phượng
một hình ảnh quen thuộc nào của Huế. Nhờ vậy, Phượng thấy thích thú
hơn. Nàng say sưa ngắm hai bên đường với những hàng cây im vắng vọng
tiếng ve râm ran như một bản tình ca trác tuyệt.
Chiếc
xích lô quẹo qua một cái dốc nhỏ và dừng lại trước một căn nhà cổ lấp
ló sau hàng cây xanh, cạnh giòng sông ngầu đục, và nhỏ, sông Bến Ngự.
Tiếng
phanh xe rít lên động vào tận bên trong. Hai ông bà già hăm hở bước ra
khỏi mấy bậc thềm. Phượng xách va li đi nhanh đến, miệng mỉm cười :
- Ngoại ạ !
Bà ngoại Phượng reo to :
-
Chu cha, Phượng đó hỉ ? Nậy quá, nhìn không ra. Rứa mà tưởng cháu ra
hồi sáng chớ. Biểu con Hạnh ra hãng coi thì hắn nói máy bay không về,
trục trặc chi chi đó. Mà răng về trễ rứa con?
Phượng cảm động. Nàng để va-li lên tầng cấp, đưa tay ôm lấy hai bàn tay ngoại vuốt ve.
- Ông bà ngoại vẫn mạnh khỏe chứ ? Trời ơi, suýt chút nữa máy bay rớt đó ngoại ạ. Con sợ khiếp vía luôn.
Mặt bà ngoại tái lại. Bà kêu luôn miệng :
- Mô Phật, răng rứa con ?
Rồi bà quay sang ông ngoại trách nhẹ :
-
Ông thấy tui nói đúng hông nợ. Tui nói tui nóng ruột lắm. Ông ra thử
hãng hỏi tin tức máy bay ra làm răng. Ông sai con Hạnh, nó ngơ ngơ có
biết chi mô.
Ông ngoại cười nhẹ vẻ bình tĩnh hơn :
-
Thì có chuyện chi mà quíu lên rứa. Thủng thẳng cháu nó kể lại cho mà
nghe. Bây giờ chắc nó mệt lắm. Bề mô cũng thoát nạn rồi. Thôi, cháu xách
va li lên đi. Ở chung với con Hạnh. Tắm rửa rồi nói chuyện sau.
Phượng xách va li theo ngoại. Căn phòng của dì Hạnh ngăn nắp sạch sẽ. Một tấm ảnh bán thân đặt trên bàn. Phượng hỏi ngoại :
- Dì Hạnh đi đâu vắng rồi ngoại. Hình dì Hạnh đây phải không ngoại ?
-
Ờ, Hạnh đi làm chưa về mô. Hơn bảy giờ mới về tới nhà. Độ ni, Hạnh hắn
mới xin được một chỗ làm phụ ở trong nội nên về trễ lắm. Chút túi, hai
dì cháu chộ nhau, chắc Hạnh hắn không nhìn ra con quá. Cháu lớn lên ngó
đẹp ra tề. Bóng của Hạnh đó.
Phượng
vừa thay đồ, vừa nghĩ đến người dì ruột đã từ lâu chưa gặp mặt. Phượng
không biết bây giờ dì như thế nào. Bức hình ở trên bàn ghi lại những nét
duyên dáng của một thiếu nữ nhưng khóe mắt, nếp trán hơi cằn cỗi.
Phượng vẫn nghe ba me nhắc đến dì Hạnh luôn và nhất là me cứ than phiền
về việc dì Hạnh không chịu lấy chồng. Phượng không hiểu nguyên nhân nào
khiến dì Hạnh lại mãi ở không. Hay dì để tang một mối tình đầu nào đó. Ý
nghĩ đó khiến Phượng mong gặp mặt dì Hạnh, trò chuyện với dì.
Khi Phượng ngồi vào bàn ăn, thì dì Hạnh mới về đến nhà. Dì sựng lại một giây rồi tiến đến gần Phượng cười thật tươi :
- A, cháu Phượng đây hỉ. Trời ơi, ngó cháu đẹp ghê. Mới đó mà Phượng đã lớn thiệt. Mau quá.
Phượng cũng tươi cười nói :
-
Cháu ở chung phòng với dì đó. Ba me cháu nhắc đến dì luôn. Me có quà
cho dì đẹp lắm. Chốc nữa lên phòng, cháu đưa cho dì, còn bây giờ mời dì
dùng cơm luôn.
Dì Hạnh lại cười :
- Con nhỏ ni nói toàn giọng Bắc, giống hệt ba nó me hỉ.
Bà ngoại cười :
- Con giống cha là nhà có phước mờ.
Ông
ngoại cười vang, giục dì Hạnh thay đồ lẹ để cùng dùng cơm tối. Trong
bữa cơm, Phượng kể lại những diễn tiến kinh hoàng trên máy bay cho cả
nhà nghe. Bà ngoại cứ suýt soa cảm tạ trời phật luôn miệng. Riêng ông
ngoại khắt khe hơn. Ông chê trách những máy móc tân tiến của thời đại.
Ông nói :
-
Răng tụi bây cứ thích đi máy bay, máy bò. Thời của ngoại đâu cần mấy
thứ đó mà cũng đi được tới mô mô. Cứ tưởng tân tiến, máy móc là hơn hỉ.
Theo ngoại càng máy móc càng làm cho người nhác thêm, làm cho người bị
hăm dọa thêm.
Dì hạnh dùng tay huých Phượng một cái. Dì nói nhỏ :
- Ông ngoại chỉ muốn đi hai cẳng thôi Phượng ơi.
Phượng nói nhỏ nhẹ :
- Nhưng bây giờ là thế kỷ của máy móc mà ngoại !
Ông ngoại hứ một tiếng lớn :
- Hừ, máy móc… rồi có hơn chi ngày xưa mô.
Bà ngoại nháy mắt ra hiệu cho Phượng đừng tiếp tục câu chuyện đó nữa. Bà nói sang chuyện khác :
- Cháu thưa với ba me ra ngoại được mấy ngày ?
- Dạ thưa ngoại, ba me cháu định để cháu ở Huế nửa tháng.
Dì Hạnh chen vào :
- Ủa, mà anh chị hai mắc việc hả Phượng ?
- Dạ, ba me cháu bận mấy chuyện đất cát gì đó ở Nha Trang.
Ông ngoại lại phê bình :
-
Tụi hắn thấy tiền là ham. Suốt mấy năm không về thăm cha mẹ được một
lần. Ngoại nghĩ cũng buồn. Đã nói là nữ sinh ngoại tộc mà.
Bà ngoại thở hắt một hơi ngắn. Bữa cơm đã gần xong mà ông ngoại chưa cạn một chén cơm. Dì Hạnh rủ Phượng :
-
À, hay là Phượng ở lại đây với dì và ngoại đến hết hè đi. Biết mô
Phượng không có dịp ra Huế nữa. Để dì viết thơ xin anh chị trong nớ.
Nghe Phượng !
Bà ngoại cũng gật đầu đồng ý :
- Để ngoại viết thơ nói với ba me cho.
Phượng dạ một tiếng thật ngoan. Một đề nghị hay. Phượng cười vui thích.
*
Một
cơn gió nhẹ, mát lạnh phủ vào mặt Phượng. Những tế bào trong người như
bừng bừng thức dậy.Phượng chớp chớp mắt nằm im để đón nhận một bầu không
khí là lạ. A, Phượng đã ngủ qua đêm đầu tiên ở Huế. Giấc ngủ no tròn
khiến Phượng khoan khoái cả người. Bên cạnh, dì Hạnh đã thức dậy và ra
khỏi giường tự lúc nào. Tiếng chim ríu rít chuyền cành ngoài cửa sổ.
Tiếng ve râm ran vọng vào phòng. Căn phòng tràn ngập bởi gió sớm mai,
mát dịu như thạch. Phượng nằm im đón nhận từng cảm giác, từng âm thanh.
Ta sẽ làm gì trong buổi sáng đẹp này nhỉ ? Câu trả lời đã nằm sẵn đâu đó
trong lòng Phượng, vì chưa kịp trả lời với mình, mà Phượng đã nghe má
mình nóng bừng và tim đập mạnh. Hoàng, bóng dáng Hoàng rực rỡ như tia
nắng đầu tiên của mặt trời chiếu bừng trên đỉnh cây cau ngoài sân. Hôm
nay, Hoàng đang tập dượt ở trong nội. Phượng tưởng tượng đến giây phút
gặp nhau. Chắc Hoàng sẽ ngạc nhiên lắm. Ngạc nhiên rồi cảm động. Hoàng
sẽ cười, mắt say đắm nhìn Phượng, rồi Hoàng sẽ nắm tay Phượng xiết chặt.
Nghĩ đến đây, Phượng thấy ấm áp cả lòng. Niềm vui căng phồng như muốn
bứt Phượng khỏi giường, bay thẳng vào nội. Phượng tung chăn trong niềm
nao nức muốn gặp Hoàng.
- Phượng ơi ! Mau lên, ăn sáng còn đi chơi chớ.
- Dạ.
Phượng
dạ một tiếng thật to, rồi vội vã chạy xuống nhà. Nhưng vừa đến bậc
thang cuối cùng, Phượng khựng lại trong một cảm giác vừa ngạc nhiên vừa
bực tức vô cớ. Một người thanh niên đã chễm chệ từ hồi nào ở bàn ăn :
Minh. Chàng ta nhìn Phượng nửa ngạc nhiên, nửa thích thú, nửa như trêu
cợt một tí : “Quả đất cũng tròn cô nhỉ !”
Dì
Hạnh đang loay hoay cắt bánh mì, ngẩng lên thấy Phượng sửng sốt, dì vội
chỉ vào Minh, vâng, chàng thanh niên đó là Minh, người cùng đi với nàng
chuyến máy bay hôm qua, dì giới thiệu :
-
Đây là Minh, con của bác Tấn, bạn với ngoại đó. Chắc Minh chưa biết
Phượng mô hỉ. Cháu của chị đó. Má Phượng với chị là hai chị em. Thôi ăn
sớm mau để còn đi chơi nữa chứ.
Phượng lầm lì đến ngồi đối diện với Minh. Minh mỉm cười hỏi Phượng :
- Hôm qua mới thoắt đấy, cô đã biến đâu mất, tài thật !
Dì Hạnh tròn mắt nhìn hai người :
- Té ra…
Phượng đành nói :
- Cháu gặp anh Minh trên máy bay.
- Ủa, thế sao Minh đến muộn quá vậy ?
Minh lại cười :
-
Em gặp người bạn, đứng nói chuyện một chốc. Đến khi tìm được tới nhà,
thì nhà đang ăn cơm. Không muốn làm phiền hai bác và chị nên em lại trở
ra phố ăn cơm, và sau đó mới trở lại.
Dì Hạnh buông một câu ngắn :
- Bày đặt không tề.
Phượng
không thiết nói chuyện với Minh. Nàng nghĩ rằng tên này vô duyên tệ.
Nếu không có hắn ta, buổi sáng này đẹp biết bao nhiêu. Phượng cắm cúi ăn
không nhìn lên. Minh như nhận biết điều đó, anh không hỏi gì Phượng
nữa, mà chỉ vớ vẩn một đôi câu về Tết Mậu Thân với dì Hạnh.
- Sáng ni Phượng tính đi đâu đây ?
Phượng buột miệng :
- Cháu muốn vào nội, ở đó cháu có người quen.
Minh reo lên :
- Trời ơi, sao ý Phượng giống ý tôi thế không biết. Tôi cũng định đi vào nội.
Phượng bực tức không dằn được. Nàng nói giọng lạnh ngắt ;
- Nhưng cháu không thích vào nội nữa. Có lẽ dì cháu mình đi phố chơi một vòng dì Hạnh à.
Dì Hanh đưa mắt nhìn Phượng ngạc nhiên. Minh cúi đầu xuống một giây rồi ngẩng lên nói, giọng buồn buồn :
- Phượng và chị cứ đi nội. Sáng đẹp trời như thế này vào nội tốt hơn. Vả lại Phượng có bạn ở đấy.
Phượng hấp tấp gằn giọng không giữ ý tứ gì cả :
- Còn anh, anh cũng vào nội ?
Minh nhìn xuống cạnh bàn, mân mê cạnh gỗ lên nước đen mun :
- Không, tôi chợt nhớ có mấy người bạn thân phải đi thăm. Họ ở tận Nam Giao.
Phượng
thở một hơi dài khoan khoái. Ít ra anh chàng này cũng biết điều, không
đến nỗi cù lần lửa. Chỉ có dì Hạnh như còn thắc mắc, dì hỏi Minh :
- Răng Minh không đi chung cho vui ?
Minh lắc đầu, đứng dậy. Chàng nói thật nhỏ :
- Huế bao giờ cũng buồn.
Nói
xong, chàng chậm chạp bước ra vườn. Ngoài kia, nắng đã lên bừng bừng
trên cỏ. Phượng nôn nức giục dì Hạnh thay áo nhanh. Chỉ còn nửa giờ nữa,
Phượng sẽ gặp Hoàng. Ý nghĩ đó đưa bước chân Phượng nhảy nhót theo dì
Hạnh và quên bẵng mất dưới tàn cây măng cụt trong vườn, có một người con
trai đang đứng lặng nhìn theo với nỗi tức bực, buồn rầu.
Hương
sen thơm ngan ngát. Những đóa sen trắng với cánh màu tím thẫm dầy đặc
cả mặt hồ. Những nụ sen hồn nhiên và đầy đặn tương phản hẳn với bức
tường thành nội cổ kính rêu phong. Sau bức tường kia, sau cánh cửa lớn
đóng im, có Hoàng, người mà Phượng dấu yêu.
- Đố Phượng nhận ra được những vết tích hồi Tết Mậu Thân đó ?
Tiếng
dì Hạnh trong veo, đánh thức Phượng. Phượng chăm chú ngắm nội. Chả có
gì lạ cả. Chả biết phía trong nhà cửa có hư hao gì không, chứ ở ngoài,
trông vẫn đẹp. Thấp thoáng giữa cây là những nóc nhà cổ mái cong, màu
xám. Phượng lắc đầu :
- Cháu chả thấy gì cả.
-
Nhờ công trình của ban trùng tu lại những di tích cổ đó. Chớ Phượng mà
có mặt ngay sau Tết Mậu Thân xảy ra, thì ghê lắm. Nhắc đến dì thấy lạnh
cả người.
- Bên trong làm sao hở dì ?
Dì Hạnh cười nhẹ :
-
Đổ nát dễ sợ lắm cháu, đánh nhau ở trong nội đó. Nhưng để vô bên trong
rồi dì dắt cháu đi coi. Vẫn chưa sửa được hết các nơi. Mất nhiều đồ cổ
lắm. Chẳng phải đồ của mình mờ ông ngoại cứ tiếc hoài. Ba hồi bốn đỗi đi
mô về là chửi đổng cái tụi phá phách, cái tụi lấy của ông bà. Nghe riết
nhức đầu muốn chết.
Phượng cười :
- Tính ngoại khó ghê dì hở ?
- Đã khó mà còn xưa rích xưa rát nữa chớ.
- Nói vậy chớ ngoại đáng nể lắm dì hở ? Bởi ngoại sanh trong thời xưa nên mới xưa, đâu có như dì cháu mình.
Dì Hạnh cười :
- Dì cũng hệt đồ xưa đây nì.
Phượng
ngó dì Hạnh, dưới ánh nắng ban mai, dì Hạnh trông rực rỡ. Chiếc váy lụa
vàng ôm sát thân hình còn tròn đầy của dì. Phượng lắc đầu nhìn dì :
- Dì còn đẹp ghê mà. Cháu mà là con trai, cháu chấm dì đó.
Dì Hạnh đập nhẹ lên lưng Phượng một phát, kêu nhỏ :
- Đồ quỷ, nói nghe hay.
- Thiệt mà dì.
- Thôi, tới cổng rồi liệu mà năn nỉ người ta để xin vô.
Phượng
ngạc nhiên. Người giữ cổng già, ngồi trên chiếc ghế đẩu phiền muộn. Mắt
ông lơ đãng, tay mân mê điếu thuốc cẩm lệ to bằng đầu ngón tay cái. Hai
cánh cửa gỗ còn mới nguyên khép hờ hững.
- Dì nói đi dì.
- Ừ, thủng thẳng. Dạ… dạ… thưa bác cho tụi cháu vô nội có chút chuyện.
Người giữ cổng đứng dậy soi mói nhìn hai dì cháu :
- Có phải sinh viên mỹ thuật mô. Vô đây làm chi hỉ.
Phượng thêm vào :
- Tụi cháu ở xa, muốn kiếm một người quen.
-
Ở xa thì ở chớ. Không thấy thông cáo dán đằng nớ tề. Khách du lịch muốn
thăm nội phải xin giấy chớ đâu có vô ra tự do được. Về đi, về xin giấy
rồi vô.
Dì Hạnh năn nỉ :
- Bác cho tụi con vô một chút thôi. Làm ơn đi bác.
Người gác cổng nhăn nhó :
- Mấy cái o ni chi mà lạ, đã nói là không vô được mờ.
Giữa lúc Phượng thất vọng mặt buồn hiu và dì Hạnh lắc đầu, thì có một tiếng nói từ bên trong vọng ra :
- Mở cửa giùm tui chút bác Ngữ.
Người gác cổng lật đật đứng dậy. Cánh cửa vừa mở, dì Hạnh kêu to mừng rỡ :
- Mệ Thung, mệ nói bác ni cho dì cháu con vô có việc một chút.
Người gác cổng cướp lời phân bua :
- Tui đã nói là lịnh không cho ai vô phận sự vào nội mờ. Phải có giấy của sở du lịch. Mấy cô ni răng mà lì rứa không biết.
Mệ Thung không trả lời, Hỏi dì Hạnh :
- Ba cháu ở nhà hỉ. Nói với ba mai bác ghé lại nhà. Bác mang cái chậu cúc lại cho.
Rồi mệ quay sang người gác cổng :
- Thôi bác cho mấy đứa ni vô một chút. Chắc có việc chi đó.
- Vô đi mấy o, một lần ni thôi nghe.
Dì Hạnh và Phượng mừng rỡ chào mệ Thung và cám ơn người canh cổng rối rít. Cánh cổng vừa khép lại, dì Hạnh đã hỏi Phượng :
- Phượng có người quen ở trong ni hả. Răng không nói cho dì biết trước. Họ ở mô ?
Phượng cúi đầu thú nhận :
- Dạ cháu có một người bạn ở Saigon vừa ra Huế để dượt làm văn nghệ. Cháu biết là họ dượt trong nội nhưng không biết ở đâu.
Dì Hạnh kéo Phượng qua lối rẽ nói :
- Như rứa là họ ở phía bên trường Quốc gia âm nhạc rồi. Mình qua đó tìm thử. Bạn cháu tên chi, trai hay gái ?
Phượng cười nhẹ :
- Dạ đàn ông, ảnh tên Hoàng.
Dì Hạnh nhìn Phượng một thoáng dò xét, rồi mỉm cười tinh quái.
Phượng nói tiếp :
- Cháu quen với anh hồi ở Saigon cơ. Nghe nói anh ra đây theo đoàn đại nhạc hội, hợp tác với sinh viên ở trường âm nhạc Huế…
Phượng
chợt dừng lại nữa chừng. Tiếng đàn tiếng nhạc tiếng hát tiếng cười vẳng
ra từ một gian nhà dài rộng, nước vôi còn mới. Tim Phượng đập mạnh
trong lồng ngực. Phượng nghĩ đến giây phút gặp Hoàng. Những bóng nắng
rung lên trên bức tường vôi trắng. Cơn gió nào đuổi nhẹ hai tà áo, vướng
vít vào bước chân vội vã. Dì Hạnh kêu lên :
- Vô ngã ni. Cửa nớ cấm.
Phượng
ngơ ngác và chùn chân trước đám đông đàn hát tập dượt trong phòng.
Hoàng ở đâu. Hoàng đứng nơi nào. Phượng đưa mắt tìm kiếm. Một người đàn
ông khoảng gần 40 tuổi, người rắn chắc, nhìn dì cháu Phượng rồi tiến đến
:
- Xin lỗi, hai cô muốn tìm ai ?
- Dạ chúng tôi muốn tìm anh Hoàng. Minh Hoàng.
Người đàn ông cười nhẹ xã giao :
- Cô chờ một tí, nó mới đi uống nước với Thùy Linh. Chắc hai cô quen với Hoàng ?
Phượng
không trả lời. Lòng bỗng nghe chùng nặng. Thùy Linh là ai ? Tại sao
Hoàng lại đi với Thùy Linh, mà không là một người khác. Thùy Linh ! Tim
Phượng nhói lại. Hờn ghen ánh lên khóe mắt. Phượng không nghe người đàn
ông trước mặt nói gì nữa.
- Kia, Hoàng vô kia. Hoàng ơi ! Mày có khách thăm nè.
Phượng
ngẩng lên. Tiếng kêu của người đàn ông làm Phượng quên tất cả. Nàng đưa
mắt tìm kiếm, mừng rỡ. Hoàng kia, nhưng bên cạnh Hoàng còn có một người
con gái khác xinh xắn trong chiếc robe màu xanh lục rực rỡ. Hoàng đã
trông thấy Phượng, chàng kêu lên :
- Ủa Phượng…
Người con gái quay sang hỏi nhỏ gì Hoàng. Hoàng không trả lời tiến lại phía Phượng, chàng hỏi :
- Phượng ra đây làm gì vậy, không đi Đà Lạt sao ?
Câu
hỏi Phượng nghe như một lời trách móc rằng : sao Phượng theo Hoàng ra
Huế làm gì, Hoàng không thích vậy. Phượng cố nén hờn giận, nghẹn ngào
trả lời :
- Phượng ra thăm ngoại, nhân tiện vào thăm anh.
Người con gái đứng trước mặt Phượng mỉm cười. Phượng nhìn cô ta như dò hỏi Hoàng.
-
Đây là Linh, người nữ diễn viên đóng chung với anh trong vở kịch sắp
trình diễn ở đây. Linh tốt nghiệp trường Quốc gia âm nhạc năm nay. Còn
đây là Phượng… à… bạn của anh.
Rồi Hoàng tiếp luôn :
- Phượng đi với ai hay đi một mình ?
Phương chỉ dì Hạnh và nói :
- Không, Phượng đi với dì Hạnh. Anh đến đây, Phượng giới thiệu mấy người.
Hoàng
gật đầu theo Phượng. Thùy Linh đi theo, cả ba người tiến về phía dì
Hạnh bấy giờ đang ngồi trên một chiếc ghế đối diện với người đàn ông ban
nãy. Hoàng gật đầu chào người đàn ông và hỏi Phượng :
- Ủa, bộ Phượng quen với ông bầu của anh sao ?
Người đàn ông đỡ lời :
- Không, anh chỉ chỉ đường cho hai cô thôi.
- Giới thiệu với Phượng đây là anh Long, nhà đạo diễn kịch nghệ lừng danh nhất nước Việt Nam . Và đây là cô Phượng, bạn của em.
Ông Long cười thật tươi :
- Và giới thiệu với các bạn đây là cô Hạnh, dì của Phượng.
Dì
Hạnh thẹn thùng cúi mặt. Phượng mỉm cười. Những câu nói vui ý nhị của
ông Long làm cho câu chuyện đỡ tẻ nhạt. Nhưng Phượng vẫn không ngăn được
nỗi buồn phiền. Nàng linh cảm thấy như Hoàng có vẻ không ưa thích sự có
mặt của Phượng ở nơi nầy. Vả lại, sự thân mật thái quá giữa Linh và
Hoàng làm Phượng càng thêm hờn tủi. Trước mặt Phượng, Linh vẫn nắm tay
Hoàng ra chiều thân mật, điều mà Phượng, dù đã yêu Hoàng, vẫn chưa dám
làm như vậy trước mặt mọi người. Sự lơ là của Hoàng làm Phượng thêm tủi
thân. Giá như nàng đừng ra Huế nhỉ, chuyện bây giờ Phượng đâu biết và
đâu buồn như hôm nay.
Tiếng dì Hạnh thân mật :
- Nếu rảnh, ngày mai mời anh Hoàng đến nhà chúng tôi chơi. Anh là bạn của Phượng, thì cũng coi như người nhà cả.
Dì
Hạnh cố nói bằng giọng Bắc để mọi người dễ nghe. Phượng nhìn Hoàng chờ
đợi. Nàng thấy Hoàng liếc nhanh Linh rồi ra chiều nuối tiếc :
- Tiếc quá, giá dì nói sớm hơn, ngày hôm qua chẳng hạn. Tôi đã nhận lời với các bạn đi Thuận An vào ngày mai.
Phượng nghe lòng tê tái. Bao nhiêu phấn khởi, vui tươi chết dần theo câu nói. Nàng buồn rầu nói với dì Hạnh :
- Thôi dì ạ. Anh Hoàng chắc bận việc, để khi nào rỗi thì anh ấy ghé. Bây giờ, chúng ta về kẻo trưa ngoại mong.
Không đợi dì Hạnh đồng ý, Phượng chào tất cả mọi người rồi quay lưng đi. Hoàng ngần ngừ một giây rồi nói :
- Phượng, ngày mai, anh mời Phượng và dì Hạnh đi Thuận An với tụi này cho vui, toàn người quen cả.
Ông bầu Long cũng tiếp :
- Vâng, ngày mai, hai cô cùng đi với chúng tôi cho vui. Tôi mời cô Hạnh và cô Phượng đó.
Phượng
muốn hét to lên là Phượng không đi, Phượng không có can đảm nhìn Hoàng
bay bướm, lạnh nhạt trước mắt mình. Nhưng một ước mong sâu kín nào đó
trong tâm hồn chợt thức dậy, ước mong mà Phượng đã nuôi dưỡng suốt mấy
tuần nay, ước mong gần Hoàng để được nhìn thấy Hoàng cười, được nghe
giọng nói ấm áp của anh. Và Phượng bất chợt gật đầu. Dì Hạnh cười vui :
- Phượng bằng lòng, ngày mai nếu không có gì ngăn trở hai dì cháu tôi xin tháp tùng.
Thùy Linh mỉm cười nói :
- Cô Phượng đi nhá. Anh Hoàng mời cô Phượng đi.
Phượng cố gắng mỉm cười trả lời :
- Vâng…
Phượng
thấy mình thua cuộc trước nhan sắc và sự lịch lãm của cô nữ diễn viên
bạn của Hoàng. Ý nghĩ đó làm Phượng muốn khóc. Nàng quay đi vì sợ nước
mắt sẽ tràn ra khỏi mi. Không nói thêm được lời nào, Phượng kéo dì Hạnh
ra về.
Dì
Hạnh tỏ vẻ ngạc nhiên trước thái độ trái ngược của Phượng, khi thì muốn
đi thăm người ta cho bằng được, đến khi nói chuyện được một lúc lại đòi
về. Chắc có gì bí ẩn. Dì Hạnh nghĩ vậy, dì nói khéo :
- Phượng ơi, cháu chưa vô chỗ vua ngự, phòng của các cung nữ hỉ. Vô thì đi ngõ ni nề.
Phượng lắc đầu. Nàng cúi mặt kéo dì ra cổng. Nắng buổi trưa rát rạt trên cổ, trên da. Tiếng dì Hạnh than thở :
- Răng mà nắng rứa trời nợ.
*
Tiếng
ve kêu như muốn xé tan hai lỗ tai Phượng ra từng mảnh. Hết lăn bên phải
rồi lăn sang trái mà Phượng vẫn chưa ngủ được. Phượng đưa tay nhìn đồng
hồ. Đã hơn 3 giờ. Dì Hạnh đi làm tự lúc nào. Một mình Phượng loay hoay
với những ý nghĩ buồn bã của riêng mình. Những hình ảnh của Hoàng buổi
sáng hôm nay như lằn roi quất vào lòng Phượng. Tự ái bị tổn thương. Nỗi
nghi ngờ đè trĩu trong lòng nàng. Phượng nhổm dậy ra ngồi ở bàn viết,
viết cho Hoàng một thư. Phượng cầm bút rồi vứt xuống. Vô ích và vô lý
nữa. Trong một thoáng, Phượng thấy mình đã nuôi ảo tưởng quá nhiều. Thực
tại bao giờ cũng nhiều thương đau. Mà thật ra, Phượng đâu có quyền gì
để mà
ngăn cấm Hoàng. Hoàng có đủ tự do để thân với bất cứ ai, nhất là Hoàng
đang ở trong giới nghệ sĩ, Hoàng phải giao thiệp, phải thân mật với tất
cả mọi người. Ý Phượng nghĩ như thế để tự an ủi. Nàng lắc đầu và đi tắm.
Những
giọt nước mát đã cuốn trôi giúp Phượng một phần phiền muộn. Sạch sẽ
trong bộ đồ ngủ màu xanh nhẹ, Phượng đứng trước gương chải tóc. Gương
phản chiếu một gương mặt xinh xắn, với đôi mắt to đen, hàng mi cong dài,
chiếc mũi dọc dừa và đặc biệt, chiếc miệng rất có duyên. Làn da trắng
mịn, hồng hào càng làm tôn thêm vẻ đẹp của Phượng. Phượng cũng nhận thấy
mình đẹp. Chả là những đứa bạn gái của Phượng cứ xuýt xoa khen tặng
nàng hoài, những cậu học trò cứ giở trò tán tỉnh, và những đôi mắt khâm
phục, say sưa của những nam nhi khi nàng dạo phố.
Phượng
vấn cao tóc lên gáy. Chiếc cổ cao ba ngấn tròn trĩnh mát rượi. Và
Phượng mỉm cười sung sướng và tự tin. Biết đâu Hoàng chỉ là bạn với Thùy
Linh, Hoàng nhất định phải yêu Phượng vì Phượng cũng đẹp, cũng tươi mát
như Thùy Linh, mà lại có phần trội hơn nữa. Thùy Linh chỉ có lợi hơn
nàng ở chỗ Thùy Linh gần Hoàng nhiều hơn và đóng cặp với Hoàng. Nhưng
ngày mai, Phượng sẽ được gần Hoàng. Kỷ niệm êm đềm thơ mộng hồi ở Đà Lạt
Phượng sẽ nhắc lại để Hoàng nhớ, Hoàng mơ. Nhất định Phượng sẽ thắng.
Phượng chu mồm với mình trong gương, chải một đường nhẹ cuối cùng rồi
xuống gác.
Bà
ngoại đang ngồi nhai trầu trên phản. Ông ngoại còn đang ngon giấc buổi
trưa, bộ râu bạc chảy lòa xòa trên ngực. Nét mặt ông cụ bình thản lạ
lùng. Thỉnh thoảng, một vài tiếng ngáy nhỏ vọng lên.
- Ngoại làm gì đó ngoại ?
Bà ngoại quay lại, lúng búng vì miếng trầu nhai dở.
- Đi chơi vui không con, chiều ni không đi hả ?
- Dạ không, dì Hạnh đi làm để xin phép nghỉ nguyên ngày, mai đưa con đi Thuận An.
- Ừ, nhưng đi với ai, rủ đông đông một chút. Coi chừng nghe, tao sợ giựt mìn giựt đạn lắm. Nghe phát mệt.
- Dạ, dì Hạnh nói xe đò chạy xuống chạy lên hoài mà ngoại. Yên lắm.
Ngoại nhổ bã trầu, lấy chiếc khăn lông để kề bên lau miệng rồi nói :
- Cũng coi chừng chớ, sống chết có số. Mà đi sáng chiều về nghe. Con gái con đứa không ở lại được mô. Ông ngoại chửi chết.
- Có cả dì Hạnh nữa ngoại à.
-
Nhớ nói ông ngoại biết nghe. Con cái đi phải thưa về phải trình. Hồi
ngoại bằng tụi bây đâu có được thong thả đi mô cũng được như rứa. Tụi
bây sướng chết đi. Ủa, mà bạn bè có những ai hỉ?
- Dạ, có mấy người bạn của con ở Saigon ra Huế chơi. Dì Hạnh có mời họ bữa nào rảnh ghé nhà mình chơi đó ngoại.
Bà ngoại nhón một miếng trầu trong cái giỏ nhỏ xíu màu nâu đen, thong thả bỏ vào miệng, vừa nhai vừa nói :
- Thì mời họ về nhà chơi chớ có răng mô.
Phượng ôm lấy hai vai bà :
- Ngoại bằng lòng hở ngoại ? Còn ông ngoại có mắng không ngoại ?
Bà ngoại chắc lưỡi :
- Miễn bạn bè đàng hoàng thôi chớ. Ông ngoại bây khó là khó rứa thôi, chớ cũng tân tiến lắm chớ bộ.
Phượng cười, thừa thắng xông lên :
-
Ngoại à, họ ở xa đến Huế đó, nên con và dì Hạnh định mời họ đến nhà
mình ăn một bữa bún bò Huế nghe ngoại. Mình nấu thật ngon cho họ lác mắt
luôn.
Ngoại dè dặt, miếng thuốc cẩm lệ nhét ở dưới lợi trên đưa qua đưa lại. Phượng giục :
- Bằng lòng nghe ngoại ? Con cam đoan là họ không làm cho ông ngoại giận đâu.
Ngoại ừ :
- Thì ngoại làm răng cũng được, nhưng nên nói qua với ông một chút.
Phượng
dạ một tiếng thật ngoan. Như vậy ngày mai, sau khi ở Thuận An về,
Phượng sẽ mời mọi người đến nhà ăn cơm vào ngày mốt. Nhất định sẽ không
ai từ chối. Nghĩ đến đó, Phượng thấy vui vui. Nàng se sẽ hát một khúc
tình ca.
- Con gái không được hát lẩm bẩm một mình nghe.
Phượng giật mình dạ nhỏ, rồi chạy lên gác về phòng.
Buổi
sáng hôm sau, khi mặt trời tỏa ánh sáng rực rỡ khắp mọi nơi, thì
Phượng, dì Hạnh cùng tất cả mọi người đã có mặt ở bờ biển Thuận An rồi.
Khởi hành từ Huế lúc sáng tinh mơ, đoàn người gồm có ông bầu Long, Thùy
Linh, Hoàng, hai người bạn của Hoàng, dì Hạnh và Phượng. Trời đẹp vô
cùng. Nắng trong vắt trải dài trên bãi cát, reo vui trên đầu sóng, mơn
man những cành thùy dương xanh ngắt. Phượng đứng trước gió, cát biển.
Nàng hít một hơi dài căng buồng ngực rồi chạy phăng xuống biển. Nước,
sóng cuốn tròn lấy Phượng. Phượng vùng vẫy bơi lội trong khoảng nước bao
la, giữa bầu trời rực rỡ. Phượng quên hết, quên tất cả những bực bội
mấy ngày qua,
quên đi những cảm giác hờn ghen nuối tiếc, chỉ có nước mặn, trời xanh,
gió mát. Đầu óc Phượng loãng ra dễ chịu vô cùng. Tắm chán, Phượng lên bờ
nằm duỗi dài, tay vốc từng nắm cát nhấc lên rồi để tuột dần qua mấy kẽ
tay. Sóng đập vào bờ mơn man gót chân Phượng. Phượng ngoái nhìn về phía
bên kia, cách chỗ nàng nằm độ hai chục thước, dì Hạnh tươi trẻ trong tấm
áo tắm màu xanh nước biển. Nước da dì trắng mát như thạch. Dì đang cười
nói có vẻ tương đắc với ông Long. Phượng mỉm cười khi một ý nghĩ thoáng
qua về ông Long và dì Hạnh.
- Cha, Phượng đang làm thơ đây hẳn.
Phượng giật mình, nhấc cặp kiếng đen, ngồi dậy. Hoàng và Thùy Linh vẫn khô ráo trong hai bộ đồ tắm hợp thời trang.
Phượng ngạc nhiên :
- Anh Hoàng và chị Linh không tắm à ? Không thèm biển sao ?
Thùy Linh cười :
- Để Thùy Linh tắm cho Phượng đừng quở nghe.
Nói
xong, Thùy Linh cười ròn, chạy ào xuống biển ngã nhào trên những lượn
sóng lớn. Hoàng cũng cười to, chạy theo. Tiếng cười như thủy tinh, ròn
tan làm Phượng cũng cười. Nàng đứng dậy, định chạy theo nhưng rồi khựng
lại nửa chừng. Phượng lại ngồi vốc cát xây lâu đài.
- Phượng ơi xuống đây.
Hoàng
chạy lên nắm cánh tay Phượng lôi Phượng xuống biển. Bàn tay Hoàng nắm
chặt lấy cánh tay trần của Phượng. Nàng nghe nóng bừng cả người.
- Phượng nghĩ sao về bãi biển Thuận An ? So với Vũng Tàu, biển nào đẹp hơn ?
Phượng lắc đầu :
- Phượng không có ý kiến, vì nơi nào Phượng cũng thấy thoải mái như nhau cả.
Hoàng cười :
- Phượng ba phải quá. Còn Linh, em nghĩ thế nào ?
- Theo em, bãi Thuận An đẹp là nhờ có rừng dương, nhưng thua Vũng Tàu ở chỗ bãi bằng phẳng, không có núi đá cho hùng vĩ.
- Linh có nhớ ngày tụi mình đi Vũng Tàu không ? Đá cứa cả chân anh ra, cũng vì em đó.
- Anh thì có, tại anh chớ, ai biểu…
Cả
hai nói chuyện riêng với nhau, họ gợi lại những kỷ niệm lần cùng trình
diễn kịch ở Vũng Tàu. Phượng tò mò lắng tai nghe, nhưng nàng không thể
nào hòa mình với cuộc vui đó được dù nàng rất cố gắng. Phượng thấy mình
trở nên thừa thãi. Nghệ sĩ là như vậy sao. Là cười đùa chớt nhả, là ăn
nói tự nhiên, anh em ngọt xớt. Phượng cúi mặt buồn bã. Phượng không hợp
với lối sống của Hoàng. Có hai cô gái mặc bikini ngang qua. Hoàng buột
miệng :
- Tuyệt !
Linh cười theo biểu đồng tình :
- Eo hấp dẫn ác. Toàn diện chấm điểm cho 12 điểm ¾.
- Vô được bán kết rồi đó bạn.
- Nhưng rớt chung kết.
Cả hai cười xòa. Phượng mím môi vì một trong hai cô gái đó đã quay lại nhăn mặt.
- Cô Phượng quê ở Huế à ?
Phượng quay lại. Thùy Linh đang hỏi :
- Sao Phượng nói giọng Bắc không lộn gì cả ?
Phượng gật đầu :
-
Ba em người Bắc còn me Phượng người Huế đấy. Phượng định tối mai mời
các bạn đến dùng cơm Huế ở nhà ông bà ngoại. Phượng xin phép rồi. Cả hai
ông bà đều bằng lòng.
Hoàng và Linh cùng reo lên :
- Nhất Phượng rồi còn gì nữa.
Đoạn Linh quay sang những người bạn đang tắm đầu kia kêu to :
- Hô… hô… các bạn đến đây có tin vui.
Linh đứng hẳn người dậy. Nước ngập đến thắt lưng bộ áo tắm hai mảnh màu vàng cam chói lọi trong nắng.
- Cái gì mà la lối như vậy ?
Ông Long và dì Hạnh đến gần. Phượng đỡ lời :
- Cái vụ mình mời các bạn đến mà dì Hạnh.
Dì Hạnh nhìn ông Long cười :
- À…
Rồi
dì long trọng chuyển lời mời. Đám đàn ông reo lên rộn rã. Họ té nước
vào nhau, rồi lặn đi một khoảng xa. Phượng nhìn dì Hạnh cười. Nàng không
hiểu lòng mình buồn hay vui nữa.
*
- Phương ơi ! Phượng !
Dì Hạnh kêu to quá. Phượng đang ngâm bộ đồ tắm, đành chạy lên nhà trên.
- Ngoại biểu tề Phượng.
Phượng
đi nhẹ lại bàn. Ông ngoại đang rít thuốc cẩm lệ. Bà ngoại nhai trầu và
dì Hạnh dựa đứng vào cột nhà, dì ngó bộ bối rối ra mặt. Phượng ngạc
nhiên sẽ hỏi :
- Dạ thưa ông bà ngoại kêu con ?
Ông ngoại đằng hắng một tiếng rồi nói :
-
Ừ, ông ngoại muốn nói với con điều ni. Mình là con nhà có ăn có học,
không nên giao thiệp với những người hát xướng. Ông bà mình đã nói là
xướng ca vô loại. Bây chừ tuy không hợp thời lắm, nhưng không phải là
không đúng.
- Nhưng thưa ngoại…
Ông ngoại đưa tay ngăn Phượng nói. Ông nói tiếp :
-
Bữa trước, con xin phép ngoại đãi bạn đãi bè. Ngoại bằng lòng, nhưng
ngoại không biết mấy người bạn đó làm nghề ca kịch gì đó. Bữa ni hỏi ra,
con Hạnh mới cho biết, thiệt ngoại thấy khó quá. Mà con quen chi với
mấy người đó.
Phượng thưa :
-
Dạ thưa ngoại, mấy người bạn đó đứng đắn lắm, họ đều mới tốt nghiệp
trường Quốc gia âm nhạc ra cả. Nghĩa là họ là những sinh viên học về
ngành ca kịch. Bởi vậy nên con mới dám mời họ về chơi nhà mình đó ngoại
à.
Ông ngoại lắc đầu :
-
Gì gì rồi cũng là loại xướng ca. Ông không ghét mờ cũng không thích
chút nào hết trơn. Nhưng đã lỡ mời họ, ngoại không biết làm răng.
Dì Hạnh chen lời :
-
Ba nợ, mấy người đó tốt lắm, con có nói chuyện mấy lần, họ không phải
mấy người hát ca kia mô. Để họ tới rồi ba mến họ cho coi.
- Chị Hạnh nói đúng đó hai bác ạ. Họ là những sinh viên kịch nghệ nên tác phong họ khác.
Phượng quay lại nhăn mặt. Lại anh chàng Minh. Gớm, chuyện gì cũng xía vô được.
Ông ngoại nhìn Minh phân bua :
-
Không phải bác khó chi với con cháu. Mà bác sợ con trai con gái đàn đúm
hư thân đi chớ. Nhất là xướng ca thì phải biết. Bà con hàng xóm họ lại
cười bác chớ bác có nghĩ chi mô.
Minh đưa mắt liếc Phượng cười tinh quái, rồi lại lễ phép mềm mỏng nói với ngoại :
- Con nghĩ là không có điều gì thất lễ xảy ra đâu bác ạ. Bác tin cháu đi. Họ đàng hoàng lắm. Phải không cô Phượng ?
Phượng quay mặt đi chỗ khác, trong khi ông ngoại đắn đo :
-
Chặt, thôi cũng được đi, nhưng cháu Minh nhớ giúp cháu với chớ nó còn
dại quá, lỡ có điều gì mình mang tiếng với người ta. Có cậu bác yên tâm
hơn, bề chi cũng người trong nhà.
Mình nhanh nhẩu :
- Trời, gì chớ việc được ăn thì cháu phải có mặt gấp chớ bác. Mà chị Hạnh định cho ăn chi đó ?
Dì Hạnh tươi mặt mừng rỡ vì thấy ông ngoại bằng lòng. Dì hớn hở nói :
- Bún bò Huế đó Minh. Em phải giúp chị một tay nghe.
Phượng không tìm đâu ra lý do để ghét Minh. Đáng lẽ nàng phải cám ơn Minh mới đúng. Không im lặng được, Phượng đành nói :
- Ngày mai, mình phải đi chợ, làm bếp, chớ ngoại khỏi phải cực nhọc vì chuyện cơm nước.
Bà ngoại cười :
- Nhờ chị bếp đỡ một tay.
Phượng tiếp ;
- Con lãnh phần đi chợ.
Dì Hạnh :
- Phải giúp dì nấu nướng chớ, bộ một mình dì hả.
Dì cười cười. Minh cười vói theo :
- Riêng em tình nguyện làm tài xế chở Phượng đi chợ.
Phượng quay lại háy một cái dài :
- Ai mượn ?...
Chiều
hôm sau, khi Phượng đang xếp bún vào những chiếc bát tráng men trắng,
thì mọi người đến. Trước tiên là ông Long, nhân tiện đi phố ông mua thêm
một ít cam để tráng miệng. Sau đó là Hoàng, Linh và các bạn. Minh lãnh
phận sự tiếp khách và dẫn họ thăm nhà và vườn. Trong khi Minh và Hoàng
cùng các bạn đang quan sát các kiểu ngói của ngôi nhà cổ, Phượng bước ra
chào đón và mời tất cả vào phòng khách. Chính ở đây, bữa ăn vui nhộn,
lẫn đôi chút cổ kính, nghiêm trang bắt đầu.
Vừa
vào bàn, ông ngoại Phượng trịnh trọng khởi đầu câu chuyện với ông Long,
người lớn tuổi và trầm tĩnh nhất bọn. Không hiểu ông Long đã nói chuyện
gì mà mới qua bát bún đầu tiên, ông ngoại đã hứng bắt sang câu chuyện
kịch nghệ hồi xưa. Thỉnh thoảng Hoàng và các bạn xen kẽ vào một ít chi
tiết và câu hỏi phụ. Mấy người bàn về vở kịch đã diễn từ hồi ông Phượng
còn thanh niên, với các nghệ sĩ danh tiếng còn sống hiện nay. Ông ngoại
nói đến nhân vật Lữ Bố, Điêu Thuyền, Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi. Ông
nói :
-
Nhớ hồi đó, màn mới mở trước khi Quan Công hay Trương Phi xuất hiện,
người ta đốt hương vàng bạc cúng trước. Mà Trương Phi dữ dằn thiệt.
Không biết bây giờ có còn ai đóng hay như hồi đó không. Mai một thiệt
uổng.
Ông bầu Long tiếp lời :
-
Kể ra bây giờ ít còn ai có thể diễn tả những điệu bộ xuất thần như các
nghệ sĩ ngày xưa cụ à. Nhưng đổi lại, khi diễn tả một vở kịch xã hội thì
thần tình lắm.
- Tôi còn nhớ vai Lữ Bố do Phùng Há đóng đó hay thiệt. Hồi đó coi còn mê man luôn. Bây chừ chắc Phùng Há đã già rồi.
-
Dạ, thưa cụ, những nghệ sĩ lão thành như Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân bây
giờ đã già rồi, nhưng cũng còn khỏe, không đến nỗi. Một số còn sống,
một số khác chết hoặc biệt tăm tích không còn thấy xuất hiện trên sân
khấu nữa.
Ông ngoại gật gù :
- Thời vàng son sắp hết rồi.
Dì Hạnh thấy mọi người mê mải góp chuyện, phải nhắc khéo :
- Quý bạn để mấy cái bánh lá chả tôm của dì cháu tui khóc lóc nãy chừ đó.
Cả
bọn cười xòa, vui vẻ ăn uống. Hoàng gắp cho Thùy Linh từng miếng chả
tôm lớn một cách âu yếm. Đối diện, Phượng ngồi nghẹn ngào. Minh ngồi
cạnh mỉm cười tinh quái. Chỉ một thoáng, Minh hiểu hết, chàng thấy tội
nghiệp cho cô bạn hiền lành. Nhưng đồng thời một nỗi buồn nhè nhẹ len
vào hồn chàng. Minh nói nhỏ :
- Phượng ăn đi chứ.
Phượng giật mình cúi xuống tô bún còn nguyên :
- Vâng, làm bếp phát ngấy ăn không được.
Linh cũng cười nói :
- Đàn bà lỗ lã vậy đó, làm nhọc mà đến khi ăn lại không thấy ngon. Phải không anh Hoàng ?
Hoàng cười nhìn Phượng :
- Phượng không ăn để nhường khách đấy.
Phượng
cũng cười gượng. Câu chuyện của ông ngoại, bà ngoại, dì Hạnh, ông Long
chợt vỡ lên tiếng cười lớn. Ông Long trông chừng hợp với ngoại lắm.
Phượng nhìn dì Hạnh nháy mắt, dì đỏ mặt tránh né, vờ chăm chú gắp một
miếng chả hồng.
Khi
bữa ăn xong, thì trăng cũng đã lên. Ngoài vườn sáng mát. Ông Long đề
nghị ra vườn ngồi uống trà tráng miệng để chị bếp dọn dẹp. Ông ngoại, bà
ngoại kiếu từ về phòng để mọi người nói chuyện tự do. Phượng phụ với
chị bếp dọn dẹp. Khi quay trở lại phòng khách, mọi người đã ra vườn.
Phượng hối hả ra theo. Chiếc bàn tròn vắng bóng Linh và Hoàng. Phượng có
cảm giác như ai vừa phủ một tấm vải đen trong đầu. Nàng vòng bên hông
vườn giả vờ đi đến giếng nước.
Dưới
gốc ngọc lan đằng kia, Phượng thấy thấp thoáng hai bóng người đang đứng
sát vào nhau. Thế thôi, và Phượng không thấy gì nữa. Gầu nước trên tay
thả lỏng dây nửa chừng rơi xuống giếng vang lên một tiếng đục trầm.
- Ủa, sao Phượng không vào uống trà ? Phượng đang múc nước à ? Để tôi giúp một tay.
Phượng không trả lời Minh. Hai giọt nước mắt rưng rưng chực vỡ ào xuống má.
- Sao, gầu rớt xuống giếng rồi à ? Mà…
Minh
im lặng. Dưới ánh trăng, chàng thấy rõ đôi mắt Phượng long lanh sũng
nước. Phượng khóc. Minh im lặng một giây, lòng chùng hẳn xuống. Chàng
đưa mắt nhìn quanh. Hai bóng người… Minh chợt hiểu…
- Xin lỗi Phượng, Minh không…
- Không có gì.
Phượng
chớp mắt và hai giọt nước mắt trào ra chảy dài trên má. Phượng quay mặt
sang phía kia để giấu mặt và tránh đôi mắt soi mói của Minh. Minh ngần
ngừ một chút rồi nói :
- Nếu Phượng không giận, tôi được phép hỏi Phượng là tại sao Phượng buồn đến khóc vậy ?
Phượng quay phắt lại :
- Không, không bao giờ Phượng khóc cả.
Phượng nói như tự nói với chính mình. Nhưng mặt Phượng là một tương phản. Nước mắt ràn rụa loang loáng dưới ánh trăng.
- Chắc Phượng khó chịu vì cái tính tọc mạch của tôi chứ gì ?
Phượng kêu lên và vỡ cười :
- Trời ơi, anh mà làm Phượng buồn, Phượng khóc được hở ? Phượng khóc hồi nào, vui muốn chết.
Nước mắt Phượng lại trào ra. Minh ái ngại nhỏ giọng :
- Ừ, thì Phượng không khóc. Nhưng Minh hỏi thật Phượng, có phải chính Hoàng và cô Linh làm Phượng buồn phải không ?
Phượng lắc đầu nhưng không nói được tiếng nào. Minh tiếp :
-
Thật tình mà nói, Phượng, và cả chúng ta nữa, không hợp với lối sống
của họ đâu. Họ nghệ sĩ và tự nhiên quá. Và như thế dễ làm chúng ta đau
lòng, khó chịu.
- Anh dỗ Phượng đấy à ? Nhưng… Phượng thấy chán cảnh sống bình lặng này quá anh Minh ạ.
Minh nghiêm trang như một người anh khuyên bảo em :
- Phượng chỉ ở đây có hai tuần mà.
Phượng lắc đầu :
-
Phượng lỡ nói ngoại viết thư xin ba me ở đây hết mùa hè rồi. Đổi ý
ngoại chửi chết. Còn ở lại, Phượng sẽ tiêu phí thì giờ vào việc gì đây ?
-
À, hay là Phượng kiếm một việc làm nào nhẹ để lấp đầy chỗ trống nhàm
chán và quên bớt những buồn bực. Để ngày mai, tôi để ý giúp Phượng xem,
ví dụ như kèm trẻ chẳng hạn…
Phượng
liếc về phía gốc ngọc lan, hai bóng người đã rời chỗ từ lúc nào. Phượng
nghe thoáng tiếng cười ròn của Linh vọng từ chỗ dì Hạnh và mấy người
kia ngồi. Trăng giải trên những lá mướt rượt. Gió đêm mơn man xua hơi
nước từ dưới giếng bốc lên mát rượi. Minh nhỏ nhẹ :