Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

CHƯƠNG VI_Đời Phiêu Lưu Của Tuấn



CHƯƠNG VI


Chiều hôm tàu Nam Hải chất xong hàng hóa, ông Thái Phong tuyên bố cho thủy thủ nghỉ ngơi từ sáng mai cho đến 3 giờ chiều. Ai muốn đi chơi đâu tùy thích, nhưng phải lo trở về cho kịp giờ. Vì lối 3 giờ 30, sau khi quan thuế kiểm soát xong, tàu sẽ nhổ neo. Ông Thái Phong còn thêm một câu :
 
- Cậu nào mà về trễ là phải ở lại đây 6 tháng, đợi tàu sang chuyến khác !
 
Cơm tối xong, Tuấn hồi hộp để lá thư trên bàn, rồi theo chúng bạn đi xem thành phố lúc về đêm. Lên bờ, Tuấn lẩn sang lối khác đến nhà ga, lấy vé lên xe tốc hành đi Marát.
 
Xe chạy khá nhanh, chỉ dừng lại những ga lớn. Cả ngày bốc hàng vất vả, nên Tuấn ngủ say mê mệt. Đến Marát, trời vẫn còn tối mù, Tuấn vào trong ga, kiếm một chỗ trống, nằm xuống ngủ tiếp.
 
Lúc cậu sực tỉnh dậy, thì trời đã sáng hẳn. Cậu kiếm nước rửa mặt, rồi đi hỏi thăm địa điểm bào chế thuốc rắn. Tuấn hỏi 2, 3 người, nhưng họ lắc đầu, tỏ ý không hiểu gì. Tuấn than thầm :
 
- Chết cha ! Không có ai biết tiếng Anh, giờ làm sao đây ?
 
Nhưng cậu lại tự nhủ :
 
- Có lẽ mấy bác nhà quê không biết tiếng Anh, chớ mấy người sang sang, chắc họ biết. Ấn Độ trước kia là thuộc địa của nước Anh mà !
 
Nghĩ thế, cậu đi tìm mấy người bận âu phục hay ăn mặc có vẻ sang, để hỏi thăm. Nhưng tiếng Anh của Tuấn cũng “bá trật, bá vuột” lắm, nên có người không hiểu cậu định nói gì, có người chỉ hiểu vài chữ.
 
May sao, Tuấn gặp một ông, có lẽ đã đi đây đó nhiều, ông ta bảo Tuấn nói thong thả từng chữ một, và ông đã hiểu ý Tuấn. Ông dắt tay Tuấn, dẫn đến một con đường lớn, chỉ tay bảo :
 
- Đây là con đường đi vào sở đó. Cậu đi chừng vài cây số, sẽ thấy một công viên lớn, bên phải là một dãy nhà cao, có hàng rào lưới bọc ngoài, đó là nơi bào chế thuốc rắn mà cậu muốn biết !
 
Tuấn chắp tay cám ơn, rồi đi ngay. Đi một quãng xa, Tuấn thấy nhiều tấm vải rằn ri, chăng phơi hai bên đường. Ở xa, trông như những tấm da rắn khổng lồ.
 
Tuấn sực nhớ lại, trong báo Thế giới Tự do đã mô tả vùng này. Trước kia, dân cư trong vùng vốn làm nghề dệt vải thường. Nhưng từ khi họ thấy da rắn phơi ở Trung tâm bào chế thuốc, có nhiều mầu sắc lạ mắt, họ mới nghĩ ra cách dệt vải theo mầu sắc ấy. Và từ đó, mức sản xuất loại vải này tăng lên rất mạnh. Nhiều nước trên thế giới, mỗi năm đặt ở đây hàng triệu thước vải loại này.
 
Khi Tuấn đến nơi, thì công viên đầy trẻ con đang chơi đùa, và một số trẻ khác đứng ngoài hàng rào lưới nhìn vào Trung tâm, xem người ta làm việc. Tuấn cũng lần đến đứng xem. Hàng rào che bằng lưới thép dày mắt, cao bằng ba người đứng. Phía trong, là sân tráng ximăng khá rộng. Tuấn thấy nhiều người đang làm việc. Vài người khiêng đến những giỏ dài bịt kín. Người khác bưng đến những bình thủy tinh đặt trên bàn.
 
Tuấn nghĩ thầm :
 
- Có lẽ họ đang sửa soạn lấy nọc rắn.
 
Quả thật, một lát sau, ba người ở trong nhà đi ra, họ bận đồ trắng như y tá, tay mang găng đen và 1 người cầm kìm nhỏ sáng loáng.
 
Hai người kéo cái giỏ lại gần, tháo dây cột miệng, rồi kéo ra một con rắn. Họ nắm chắc ngang lưng và cổ, để người thứ ba một tay bóp miệng rắn há ra, một tay cầm kìm thò vào bấm đứt cái răng chứa nọc độc. Hai người nắm con rắn, chúc đầu nó xuống và một chất nước trắng như sữa, từ từ chảy vào bình thủy tinh. Một lúc sau, màu trắng sữa đổi sang màu xam xám.
 
Con rắn, sau khi lấy hết nọc độc, họ bỏ vào một cái thùng lớn. Không hiểu rắn ở đâu mà nhiều thế. Hết giỏ này, người ta khiêng đến giỏ khác. Bình thủy tinh đã gần đầy nọc độc. Họ thay bình khác và cẩn thận đậy kín bình kia, đưa vào nhà.
 
Từ hàng rào nhìn vào chỗ họ đang làm việc chỉ cách 3, 4 thước, nên xem rất rõ. Tuấn say mê theo dõi cách thức họ làm, quên hẳn giờ khắc.
 
Tuấn thấy hai người khiêng ra một cái giỏ dài và nặng. Họ nói xầm xì với mấy người đang lấy nọc độc. Lập tức, cả bốn người cùng ngồi xuống. Họ cẩn thận tháo miệng giỏ và cùng thò tay vào lôi ra một con rắn dài độ 4, 5 thước. Đầu nó to, trên đầu có cái mồng đỏ như mồng gà, coi rất dễ sợ. Con rắn khá lớn, mỗi người phải giữ chặt một khúc bằng cả hai bàn tay. Họ hì hục nhấc bổng con rắn lên đem lại gần bàn…
 
Hình như con rắn biết người ta sẽ làm hại nó, nó liền quẫy mạnh một cái, vuột khỏi tay bốn người đang nắm giữ, phóng mình bay bổng về phía hàng rào. Thân mình nó rơi xuống nằm vắt ngang trên hàng rào thép !
 
Qua mấy giây sững sờ, mấy nhân viên mới hò nhau chạy vòng ra phía ngoài để chận bắt. Có người tưởng con rắn bị vướng trên hàng rào, vội đi kiếm cây sào khều nó xuống. Nhưng chỉ một phút sau, con rắn đã cựa quậy tụt xuống đường phía ngoài hàng rào, bò về phía công viên.
 
Từ lúc con rắn rơi xuống nằm vắt trên hàng rào, bọn trẻ sợ hãi bỏ chạy về công viên. Đứa sau xô đẩy đứa trước, khóc la chí choé. Tuấn cũng phóng chạy ngược về phía khác, thấy con rắn bò về phía công viên, cậu yên tâm bước lần theo sau nó.
 
Bỗng vài người còn lại ở trong sân kêu thét lên, vì con rắn phóng nhanh hơn, mà mấy nhân viên đi chận bắt chưa chạy ra tới nơi. Trước mặt con rắn, ba đứa trẻ đang chạy. Đứa cuối cùng là một bé gái độ 7, 8 tuổi, chỉ cách con rắn một quãng ngắn.
 
Nghe tiếng người kêu la, cô bé quày đầu lại, thấy con rắn sắp bò tới nơi, sợ quá, cố bé khuỵu hai chân, ngã xỉu trên mặt đường !
 
Trong giây phút thập phần nguy hiểm, Tuấn phóng mình chạy theo con rắn. Cậu chụp lấy đuôi nó, nhưng bị vuột. Cậu chụp lần thứ hai, nắm được đuôi. Cậu giật một cái thật mạnh, rồi cứ thế, cậu lôi con rắn xềnh xệch trở lui. Muốn cho chắc, cậu giật đuôi rắn thêm vài cái nữa rồi mới thả ra. Con rắn bị rãn xương sống, không bò được nữa, nhưng đầu nó cất cao, phun nước phè phè, trông rất dễ sợ !
 
Thấy Tuấn cứu được cô bé, người trong sân vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Và mấy nhân viên chạy ra chận con rắn cũng vừa tới. Họ chia nhau kẻ bồng em bé đi cứu cấp, người bắt rắn bỏ vào bao. Đoạn họ chạy đến vây quanh Tuấn, kẻ nắm tay, người vỗ vai, khen ngợi Tuấn rối rít. Tuấn ngơ ngác, không hiểu mô tê gì hết, chỉ nghe họ nói :
 
- Ả ra… ả ra… ả ra…
 
Một lát sau, có hai ông bà quý phái cũng chạy đến. Mấy người có mặt ở đó, tỏ vẻ cung kính hai ông bà lắm. Họ dãn ra để hai ông bà đứng giữa, và một người chỉ Tuấn, nói gì với hai ông bà một thôi dài. Ông bà vừa nghe xong, ôm chầm lấy Tuấn, nói rối rít. Và Tuấn cũng chỉ nghe mấy tiếng :
 
- Ả ra… ả ra… ả ra…
 
Thấy Tuấn ngơ ngác làm thinh, mọi người mới nhận ra cậu là một thanh niên lạ mặt, không phải là người bản xứ vì cách ăn mặc, vì màu da.
 
Bấy giờ, Tuấn mới bập bẹ bằng tiếng Anh :
 
- Cháu tên là Tuấn, người Việt Nam ở Sàigòn, cháu theo tàu buôn sang Bombay . Cháu nghe nói ở đây có bán thuốc trị rắn độc nên cháu đến mua.
 
Mọi người tỏ vẻ cảm phục Tuấn. Ông quý phái cầm lấy tay Tuấn dắt đi :
 
- Thôi, cháu về nhà ông một chút đã. Thuốc trị rắn, cháu muốn bao nhiêu cũng có !
 
*
 
Nhà hai ông bà ở phía trái công viên, trong một khu vườn có tường cao, biệt lập với các nhà chung quanh. Cửa cổng bằng sắt và có người gác. Nhà kiến trúc theo lối cổ Ấn Độ. Trong nhà, trưng bày nhiều đồ quý giá. Tuấn nghĩ thầm :
 
- Có lẽ ông bà này làm chức gì lớn lắm ?
 
Quả thật, khi vào trong phòng khách, ông quý phái ôn tồn mời Tuấn ngồi. Đoạn ông kể lai lịch cho Tuấn biết :
 
- Ông là Mô-ha-mét Ích-miên (Mohamed Ismael) tù trường cai quản hạt Marát này. Ông bà được 8 đứa con, trừ Xuy-dan (Suzanne), còn nhỏ, ở nhà với ông bà, bảy đứa lớn đều đi học xa. Cô bé Xuy-dan là con út, nên ông bà cưng lắm.
 
Ông đằng hắng rồi nói tiếp :
 
- Xuy-dan từ nhỏ đã bị yếu tim. Nếu hôm nay không có cháu cứu kịp thời, chắc nó sẽ chết vì sợ hãi !
 
Ông nhìn Tuấn đầy vẻ biết ơn :
 
- Thật ông bà mang ơn cháu rất nhiều !
 
Ông nói đến đây thì bà Ích-miên bồng Xuy-dan về đến cửa. Cô bé đã trở lại bình thường. Nó chạy a về phía ông. Ông giơ hai tay ôm choàng lấy con, hôn lấy hôn để. Rồi ông chỉ Tuấn, bảo con :
 
- Xuy-dan, con lại cám ơn anh đây đi. Anh đã cứu cho con khỏi rắn cắn đó !
 
Xuy-dan bước lại nắm lấy tay Tuấn, tỏ dấu biết ơn. Tuấn mỉm cười ôm lấy em, vuốt mái tóc em.
 
Đồng hồ treo trên tường điểm giờ. Tuấn giật mình nhìn lên, hốt hoảng kêu :
 
- Trời ! Mười giờ rồi !
 
Cậu vội vàng đừng dậy, nói với ông bà :
 
- Xin ông bà bán thuốc rắn cho cháu ngay, vì cháu phải trở về Bombay cho kịp trước giờ tàu nhổ neo đi Sàigòn !
 
Nghe vậy, ông Ích-miên cũng cuống lên. Ông bảo bà :
 
- Bà gọi tài xế lái xe đưa cậu Tuấn về Bombay , nhanh lên. Để tôi đi lấy thuốc cho cậu.
 
Bà Ích-miên bước lại ghé vào tai ông, nói nhỏ… ông gật đầu lia lịa. Bà vội vàng vào nhà trong. Chỉ một lát sau, có tiếng còi xe hơi trước cửa. Ông Ích-miên cầm 5 lọ thuốc đưa cho Tuấn :
 
- Cháu bỏ vào cặp đi, để ông đưa cháu lên Bombay . Dọc đường, ông sẽ chỉ cách dùng thuốc cho cháu.
 
Bà Ích-miên cũng xách một giỏ trái cây cho Tuấn bỏ vào xe. Thấy cha đi, cô bé Xuy-dan đòi đi theo. Ông cười bảo bà :
 
- Thôi mình cùng lên xe với con. Chúng ta đi chơi Bombay một hôm cũng chẳng sao !
 
Xe ra khỏi cổng, quẹo vào con đường lớn. Ông Ích-miên nói với tài xế :
 
- Chúng tôi cần đến Bombay gấp, anh cho xe chạy nhanh được chừng nào hay chừng ấy, nhưng nhớ cẩn thận nghe !
 
Người tài xế “dạ” một tiếng, rồi nhấn ga. Đường tốt, xe chạy như bay. Tuấn có vẻ sốt ruột. Ông Ích-miên cũng nhận thấy thế, nên ôn tồn bảo cậu :
 
- Cháu hãy bình tĩnh, đừng quá hốt hoảng. Nếu đến kịp trước khi tàu nhổ neo thì tốt. Bằng không, ông bà sẽ mua vé máy bay cho cháu về thẳng Sàigòn, cháu đừng lo !
 
Tuấn nghe ông hứa chắc thế, cảm thấy yên tâm hơn. Trên quãng đường gần ngàn cây số, Tuấn tỉ tê kể cho ông bà nghe hoàn cảnh gia đình cậu và nguyên do thúc đẩy cậu tới đây.
 
Ông Ích-miên cảm động, vỗ vai Tuấn :
 
- Cháu thật là đứa con có chí lớn, trời đất sẽ không phụ tấm lòng hiếu thảo của cháu đâu. Ông bà hy vọng cháu sẽ được như ý nguyện.
 
Xe đến hải cảng Bombay thì không còn thấy tàu Nam Hải đâu nữa. Hỏi thăm những người làm việc ở đây, họ cho biết tàu Nam Hải đã nhổ neo rời bến lúc 15 giờ 30. Ông Ích-miên quay lại an ủi Tuấn ;
 
- Thôi, lỡ dịp rồi, cháu đừng buồn. Bây giờ chúng ta đi ăn cơm, rồi cháu trở lại Marát chơi vài hôm đã. Sau đó, ông bà sẽ mua vé máy bay cho cháu về sàigòn cũng không muộn !
 
Tuấn đành phải nghe lời.



________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII