- Hỏng, hỏng. Cặp mắt phải
mơ màng, suy tư. Sao lại ranh mãnh, nghịch ngợm thế kia?
Tôi ngoan ngoãn khép bớt đôi
mi theo lời anh Duy, tiếng anh reo vui:
- Được rồi, khá lắm.
- Chậc, chậc. Lại không
xong. Em phải nghiêng người, tựa mình vào thân cây. Đầu hơi cúi xuống. Nhiều
quá, một tí thôi. Ngẩng lên nữa.
Câu khen chưa dứt, lời chê
anh tiếp liền theo. Tôi phì cười:
- Duy ơi, anh vẽ cảnh ngủ
gục hở?
Đưa tay lên miệng, anh ra vẻ
quan trọng:
- Suỵt, để yên anh vẽ.
Cố nhịn cười, tôi nhìn anh
loay hoay, cầm cọ này lên, bỏ cọ kia xuống, bận rộn, lăng xăng. Hết nhìn trời,
nhìn cảnh, anh lại hý hoáy vẽ. Nhưng, tội thay, vừa xoay qua cô mẫu, thuận
chân, anh hất tung lọ màu.
- Ấy chết – Tôi chạy đến. Áo
blouse trắng đầy màu của anh được dịp lem luốc thêm hơn – Tội nghiệp họa sĩ.
Thế là đổ mất màu xanh hy vọng… bức tranh hoàn thành.
- Chậc, chậc, phiền thật.
Nhưng chả sao, còn một tí. Ngồi lại anh vẽ nốt.
Lại mất thêm 30 phút sửa
cách ngồi của cô mẫu, anh gật gật đầu, hài lòng. Tay
mân mê cánh hoa dại, tóc tôi nhẹ tung trong gió. Đàng kia, Duy, anh tôi say mê
sử dụng đôi tay, nét cọ nhẹ nhàng, lướt nhanh. Mái tóc bồng bềnh của anh lệch
xuống che lấp vầng trán cao. Trời trong xanh. Vài đám mây trắng hờ hững bay
bay.
- Sao vẽ lâu thế anh Duy?
Hai tuần rồi chả xong gì cả.
- Có người bỏ hàng tháng,
hàng năm cho bức tranh. Còn anh, chỉ mới hai tuần.
- Nhưng đã xong đâu? Bức
tranh chỉ mấy nét.
Bỏ cọ xuống, anh đến ngồi
trên thảm cỏ cạnh tôi:
- Nghệ thuật ở mấy nét đó
đấy. Uyên biết, hội họa giống như văn chương : Khi ta ngắm một bức tranh cũng
như đọc một bài văn, nó có những nét chính mà tác giả muốn lồng vào. Em xem,
một bức tranh thủy mạc của Tàu, tay lão luyện chỉ cần vài nét chấm phá rất đơn
sơ nhưng vô cùng sắc sảo và đầy ý nghĩa. Tỉ như vẽ con thuyền trên sông, chỉ
cần một cánh buồm trên sóng nước mênh mông là đủ, không cần vẽ người chèo.
Tôi buộc miệng một cách ngây
thơ vô… số tội:
- Tại vẽ không giống hở anh?
- Nhã Uyên dốt thật, chả
biết nghệ thuật tí nào cả.
- Tội nghiệp nghệ thuật quá
anh Duy ạ. Vẽ không được, đổ thừa vì nghệ thuật là chu.
- Thế sao mỗi lần làm bánh
bông đường, em không gắn lên hàng trăm hoa mà chỉ một giỏ vài hoa thôi?
Tôi cãi:
- Ấy, chính em mới vì nghệ
thuật. Làm được, nhưng em sắp xếp cho đẹp.
- Trời ơi, trông mấy hoa
hồng của Uyên, nếu không có màu hồng thì đó là bắp cải. Thảm hại nhất là để cho
cào cào ăn te tua cả. Thảo nào, để ít hoa là phải.
Tôi giả bộ phụng phịu:
- Anh Duy nhớ nhá. Từ rày em
chả làm bánh, làm trái gì nữa.
Anh nghẻo đầu sang bên nhìn
tôi:
- Anh đùa mà. Trông Uyên
giận làm anh nhớ câu “Cá lưỡi câu sầu ai méo miệng, cá bãi trầu nhiều chuyện xệ
môi”.
Tôi phát mạnh vào vai anh.
Anh em cùng cười. Nắng lên cao, tôi giúp anh thu dọn sơn, cọ sửa soạn ra về.
Bức tranh cũng chỉ mấy nét.
- Anh Duy này, từ rày, mỗi
giờ của cô mẫu là 500 nhé. Có thế anh mới vẽ nhanh.
Tay sờ vào túi, anh lắc đầu áo não:
- Thế là hỏng. Tiền hết đánh
chết nghệ thuật.
Ba mẹ tôi chỉ hai người con.
Anh Minh Duy lớn hơn tôi những 6 tuổi. Chính khoảng cách xa khiến tôi thuở nhỏ
tôi buồn lòng không ít. Lúc tôi bắt đầu biết chơi trò thợ may, lấy lá thông kết
dính từng cánh Quỳnh Anh, biết chơi nhà chòi, hay lên đồi hái hoa về làm cô
hàng xén thì anh đã qua tuổi đó nên tôi đành thui thủi. Hiện nay, dù theo ngành
hóa, anh rất có khiếu và say mê hội họa. Nghiễm nhiên, tôi trở thành cô mẫu bất
đắc dĩ. Mấy hôm nay, ba mẹ về quê thăm ngoại. Vắng mẹ, tôi thủ vai đầu bếp. Chợ
vừa về, anh ra đón tận ngõ, mặt hớn hở:
- Uyên này, sáng nay rỗi, đi
vẽ tiếp nhé.
Tôi “giả vờ” nhăn mặt:
- Xuống mãi tận Đơn Dương,
xa quá.
- 30 cây số mà xa gì? Anh
phóng xe nửa giờ đến ngay.
Đưa cao giỏ lên, tôi lắc
đầu:
- Em còn phải làm bếp.
Thật sốt sắng anh đỡ lấy
giỏ:
- Dồn tất cả vào tủ lạnh.
Trưa ăn bánh mì.
Tôi càng lắc đầu:
- Chiều nay em học, không
nấu ăn được.
Anh hơi nhăn mặt:
- Chậc, chậc… khó quá… chả
lẽ… Thôi được, chiều anh làm bếp.
Mắt tôi sáng lên:
- Thật nhé?
- Ừ, thật. Vào sửa soạn
nhanh lên. Kẻo nắng lên cao.
Xách giỏ vào, anh lắc đầu
phàn nàn:
- Ăn với uống phiền thật.
Giá khỏi ăn vẫn sống sướng lắm Uyên nhỉ?
Tôi tán đồng:
- Vâng, hôm nào anh chế ra
loại thuốc bé xí, uống vào một viên mà đủ năng lượng cho cả ngày.
- Hoặc giảm thời gian ăn
uống bằng cách bao tử mình sẵn cái nắp ở bụng. Chỉ tốn khoảng 5 phút cho thức
ăn vào khóa lại rồi tự nó tiêu hóa. Còn miệng để dành khi nào muốn ăn hãy sử
dụng.
Chúng tôi cùng cười, nghĩ
đến ngày thanh toán được thời gian vô ích dùng cho việc… ăn.
*
Mở tập toán ra, tôi chăm
chú:
- Cho 2 mặt phẳng P và Q cắt
nhau theo giao tuyến delta.
- Uyên ơi, nấu mấy lon gạo?
- Chỉ anh Duy với em, lon
rưỡi là đủ.
Trả lời xong, tôi bắt đầu vẽ
rồi đọc tiếp:
- Trên P lấy đường thằng D.
- Cho bao nhiêu nước hở
Uyên? – Tiếng anh Duy lúng túng hỏi.
- Hai lon phần tư.
Tôi chợt nhớ đến đôi mắt lay
láy, tròn xoe, nể phục của chị Liễu
Nhu khi nghe anh quảng cáo tài
“nội trợ” của mình.
- Mấy cô ngày nay dở quá,
nấu bữa cơm chẳng xong. Tôi mà làm ư? Ngon phải biết.
Nghe tiếng tôi cười, anh
hỏi:
- Gì mà vui thế Uyên?
- Em nhớ đến tài làm bếp của
anh. Giá bây giờ, chị Nhu đến xem anh biểu diễn.
- Đừng cười, để xem anh trổ
tài có ngon gấp 10 lần Uyên nấu không cho biết.
Hý hoáy vừa xong bài toán,
tiếng anh từ bếp vọng lên thất thanh:
- Uyên ơi, xuống đây xem,
nhanh lên.
Tôi hốt hoảng chạy xuống.
Anh Duy lăng xăng, luống cuống, đưa tay phân bua:
- Anh định xào thịt nấu
canh, vừa cho mỡ vào, chả hiểu sao nó nổ và văng khủng khiếp.
- Anh Duy đậy nắp lại, chờ
tí là hết.
Từ ngày theo học ngành hóa,
bất cứ một hiện tượng muối mặn, đường ngọt nào anh cũng đem hóa ra giải thích.
Nhại hệt luận điệu của anh, tôi:
- Chả có gì lạ cả anh Duy ạ.
Chẳng qua, lúc nồi còn ướt, anh cho mỡ vào. Nước có đầu ái thủy. Mỡ là lipid có
đầu kỵ thủy. Bình thường, hai đầu đẩy nhau nhẹ thôi. Bây giờ, anh để lên bếp,
dưới tác dụng của nhiệt, phản ứng đẩy mạnh mẽ nên bắn tung tóe lên. Đây là hiện
tượng hóa học thuần túy đó mà.
- Ừ nhỉ, đầu kỵ thủy và đầu
ái thủy đẩy nhau. Đúng rồi.
Nhìn anh thật… ngây thơ đứng
lẩm bẩm dò bài, tôi suýt phì cười. Nhưng, nụ cười chưa kịp nở đã vụt tắt như
sao đổi ngôi khi nhìn quanh : thau, rổ, bát, đĩa, nồi, niêu anh trưng bày còn
hơn tiệm tạp hóa. Anh là đầu bếp thì chị sen dọn dẹp không ai khác hơn là tôi.
Chế ngự xong nồi canh, anh cười tươi như… hoa huệ:
- Chỉ đậy nắp tí tẹo thế
thôi mà lúc nãy, quýnh quáng anh chẳng nghĩ ra.
- Phải chi biết vẽ, em sẽ
ghi lại tất cả điệu bộ của anh lúc nãy. Lúng ta, lúng túng, loay hoay như… gà
nhảy ổ. Nhất là lồng vào cảnh bày biện tứ giăng như thế này.
Gặp ngay sở trường, anh:
- À! Giá màu xanh không đổ,
bức tranh sẽ khá hơn. Cảnh ở đấy xinh quá. Nhất là…
Tôi vội vã chạy lên, kẻo anh
giảng sang nghệ thuật thì buổi cơm chẳng mong hoàn tất. Vừa ngồi vào bàn, tôi
chợt nhớ đến phương pháp tâm lý “quan sát phản ứng” mà anh thường áp dụng. Lập
tức, tôi chạy ra cổng bấm chuông, rồi, nhanh như con sóc, tôi phóng xuống bếp:
- Anh Duy ơi, chị Nhu đến.
Răng mà chị Nhu hay rứa hỉ? Giá nhắc tiền mà được rứa.
Để trêu anh, tôi còn nhại cả
giọng Huế của chị. Thoạt nghe, anh Duy như bị điện giật:
- Chết rồi. Nói anh không có
ở nhà.
- Răng được? Em đã mở cổng
cho chị rồi.
Dáng khổ sở, miệng anh lắp
bắp:
- Anh… ăn mặc thế này… Thấy
anh làm bếp Nhu cười chết.
Nhìn anh, tôi không thể nhịn
cười : Khuy áo pyjama lệch lạc. Tay áo bên xắn
cao, bên hạ thấp. Mồ hôi nhỏ giọt từ đầu xuống hai bên má khiến mái tóc trước
kia bềnh bồng, nghệ sĩ bao nhiêu, nay lại xác xơ như… gà mắc mưa.
- Tội cho anh tôi quá. Chị Nhu
biết tài nghệ vén khéo, nữ… cong nam quẹo của anh nên chị ấy không dám đến
thưởng thức đâu. Đừng lo. Em đùa tí mà.
Thở hơi ra thật mạnh, anh
cười tươi:
- Khỉ nhé, nếu tay không
bẩn, anh kí cho cô một cái đau điếng cho chừa tội đùa… không thông báo trước.
Hai anh em cùng cười. Có vẻ
hứng khởi vì thoát cơn “nguy”, anh lại méo sẹo nghề nghiệp, đem sinh hóa ra áp
dụng vào gia chánh:
- Uyên biết không, anh cho
muối vào canh ngay từ đầu. Như thế, nhờ hiện tượng salting-in sẽ hòa tan
protéin e từ thịt. Chốc nữa Uyên xem, canh ngọt phải biết.
Gặp đúng đề tài, anh giảng
thao thao:
- Hơn nữa, trong canh có mỡ
là lipid. Khi quậy nhiều, lipid bị nhủ tương nên nước mới đục. Nãy giờ, anh
giảm quậy đến mức tối đa. Để xem, nước canh sẽ trong leo lẻo như…
- Sữa tươi.
Nhìn đôi mắt thán phục của
tôi, anh không ngờ món canh được ví von như thế. Cụt hứng, mắt anh tròn xoe,
miệng cười tươi lả lướt quẹo cua 90 độ. Thấy “lá úa chiều thu” tôi thương tình
an ủi:
- Tuy nhiên, trên lý thuyết,
bữa cơm có nhiều triển vọng hứa hẹn lắm.
Sau hơn hai giờ sửa soạn
buổi ăn, anh Duy hớn hở gọi:
- Uyên ơi, xuống hộ anh dọn
cơm.
- Vâng, em xuống ngay.
Tôi vui lây, có bao giờ ba
mẹ ở nhà mà anh làm được việc thế này đâu. Dọn xong bát đĩa lên bàn, tôi phát
giác ra một việc thật não nùng:
- Anh Duy ơi, xem nồi cơm
này. Anh chỉ cắm điện mà quên bật đèn.
- Thật à? Vậy là tổ trác anh
rồi. Chỉ tại làm bếp mà quên cúng ông táo.
Để giết thì giờ, anh kể lại
chuyện ngày anh còn bé, chuyện anh đi học vẽ, cầu gãy, anh rơi tòm xuống suối,
chuyện anh đi tìm lan rừng… Những mẩu chuyện này tôi đã nghe đi, nghe lại nhiều
lần. Song, mỗi lần kể, anh thêm một tí đường, tiêu, muối, ớt vào khiến tôi vẫn
say mê, thích thú.
Mãi 9 giờ tối, chúng tôi mới
có buổi ăn chiều.
- Ấy, chà, chà. Chẳng hay
phương pháp “nấu canh khéo” đã bị anh “gởi gió cho mây ngàn bay” rồi chăng?
Anh cười khỏa lấp:
- Chả hiểu sao. Anh ít khuấy
đến mức tối đa. Sao cho nước canh khỏi đục Uyên nhỉ?
Tôi hãnh diện:
- Thế mới biết, anh hơn em
mọi phương diện, nhưng điểm này, anh phải hàng 2 tay lẫn 2 chân. Anh Duy chỉ
giỏi về lý thuyết, song kinh nghiệm thực tế thì chả có tí nào. Lúc canh sôi,
anh để lửa quá nhiều nên nó sôi nhào đục nước. Lẽ ra, anh phải vặn lửa riu riu
thôi.
Anh cười, trong ánh mắt đã
có sự qui hàng, thán phục, song anh vẫn ngụy biện:
- Theo ý anh, bày chuyện
khéo léo, nước trong, nước đục làm gì cho mệt. Nước càng đục, càng ngọt vì có
nhiều chất hòa tan phải không?
Thật ra, canh anh nấu ngọt
như… nước ốc.
- Lẽ ra, anh Duy học luật
đúng hơn.
Anh gật gù:
- Ừ. Anh đã định thế. Nhưng
không hiểu gió thổi mây bay thế nào lại rơi qua ngành này.
Tạm thông qua món canh, tôi
cho đũa vào đĩa sườn ram. Đúng 1 giây sau, mắt tôi tròn xoe nhìn anh không
chớp:
- Trời! Chè… thịt. Sườn ram
gì mà ngọt như đường ngào… mật ấy.
Vừa lúc, anh nhăn mặt khi
cắn trái đậu xào:
- Hỏng rồi. Vì nấu 2 lò cùng
lúc nên anh cho cả nước mắm ram sườn vào đậu xào. Nhờ đãng trí bác học nên bây
giờ có món chè thịt và đậu kho.
Bây giờ, chính là lúc tôi ao
ước mãnh liệt : giá bao tử thông ra bụng để khỏi hành hạ vị giác của mình. Tôi
“khen” anh một phát:
- Lần đầu tiên anh hoàn
thành mộng ước. Anh vừa trở nên một nhà phát minh đại tài, một thiên tai… huyền
của đất nước.
Anh dở cười, dở khóc trước
công trình “vĩ đại” chiều nay. Bắt tay làm loa, tôi quảng cáo:
- Xin trân trọng nghiêng
mình một góc 45 độ. Đây, đầu bếp đại tài, vừa phát minh ra nhiều món ăn tuyệt…
mạng, ấy không, tuyệt vời. Ai có đám tiệc, đám cưới, sinh nhật… xin đặt tại
đây. Chú ý : Phải báo trước một… năm để đầu bếp kịp giờ sửa soạn. Ấy chà, em
phải vẽ bảng quảng cáo để hôm nào chị Nhu đến xem.
Trúng ngay yếu điểm, anh
xuống nước năn nỉ thật tội… lỗi:
- Đừng hại anh. Cho anh điều
đình. Một chầu ciné nha.
- Không được. – Tôi lắc đầu.
- Quyển Trong gia đình. –
Anh nhăn nhó.
- Cũng không được nốt.
Sợ già néo đứt dây, tôi
cười:
- Chỉ cần anh dọn dẹp bếp
cho sạch hệt lúc anh chưa… bày và rửa chén tối nay.
- Đúng là bá nghệ trần thân.
Hội họa, Gia chánh, các mi có biết cho ta?
Có lẽ từ đây về sau, tôi nấu
ăn có… thế nào đi nữa. anh vẫn không một tiếng khen chê vì làm bếp là cả nghệ
thuật và kinh nghiệm dành riêng cho phái yếu. Tuy vậy, với hội họa, anh vẫn
không bỏ được. Sau khi xong “công tác vệ sinh”, anh bảo:
- Tuần sau đi vẽ nữa Uyên
nhé. Cảnh ở đó xinh quá. Nhất là…
Tiếng anh đưa tôi về cảnh
vật êm đềm ban sáng. Mái chùa cong vút trên đồi ẩn hiện sau những gốc thông
già. Từng cụm hoa mầu tim tím soi mình xuống dòng suối trong mát. Nền trời xanh
ngắt, đám mây trắng bềnh bồng trôi. Thoảng bên tai, tôi còn nghe đâu đây tiếng
gió vi vu, tiếng thông xào xạc hòa cùng tiếng suối róc rách tạo nên nhạc điệu
thiên nhiên reo vui, bất tận…
HỒNG QUÂN