Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

KHO TÀNG BÍ MẬT


KHO TÀNG BÍ MẬT


Ba đứa trẻ thuộc gia đình họ Tần – đứa chị tên là Bảo Chi và hai em trai là Bảo Vi và Bảo Thi đang ngồi chơi với nhau trên sân cỏ cạnh một hàng rào tre xanh tươi, rậm rạp, ngăn cách nhà ông bà nội chúng và nhà của một người láng giềng – nhà của họ Tô.

Các gia nhân nhà họ Tần thường gọi hàng rào đó là “hàng rào thù nghịch”. Vì từ trước, hai gia đình họ Tần và họ Tô vẫn thân thiện với nhau theo kiểu “bà con xa lấy láng giềng làm gần”, nhưng cách đây vài năm, gia đình hai họ đó có chuyện xích mích với nhau, nên để khỏi có sự qua lại, người ta đã trồng một hàng rào tre. Và kể từ đó, hai gia đình không nói với nhau một lời nào.

Sát cạnh hàng rào, có một ngôi nhà nhỏ, xây cất theo kiểu một nhà kho chứa nông cụ ở thôn quê, mà bà nội vừa cho bọn trẻ làm nơi chơi đùa trong thời gian nghỉ hè.

Trong khi đang ngồi bàn bạc với nhau về những trò chơi sẽ tổ chức vào ngày mai, thì Bảo Vi chỉ tay về phía hàng rào tre nói:

- Chơi gì thì chơi, nhưng tụi mình không được trèo qua hàng rào kia. Bà nội nói vậy!

Ngừng một lát, nó lại thở dài tiếp:

- Xích mích với láng giềng là một điều đáng buồn thật! Phải chi không có hàng rào này thì tụi mình tha hồ tung tăng, chạy nhảy nhỉ?

Bảo Chi lẩm bẩm:

- Kỳ thật! Bà nội còn cấm chị em mình bén mảng lại gần hàng rào nữa cơ!

Bảo Thi nắm tay chị lay mạnh:

- Chị! Chị thấy không? Có một cành ổi đang bổ qua phía nhà mình đó! Có mấy trái thật to nữa kìa!

Bảo Vi xúi chị:

- Chị lại hái cho em đi!

- Không, hái cho em cơ! Em thấy trước mà!

Bảo chi khoát tay:

- Ừ! Thì chị hái cho cả hai đứa!

Bảo Chi vội đưa mắt nhìn quanh xem thử có người lớn nào lảng vảng gần đó không. Khi đã yên chí rồi, cô bé mới tiến về phía hàng rào tre đưa tay vin cành ổi xuống để hái. Trong khi đang lúi húi bứt trái ổi ngoài cùng thì bỗng nó giật mình vì vừa chợt thấy hàng rào đang lay mạnh hình như có ai đang trèo từ phía bên kia qua thì phải. Bảo Chi đang ngạc nhiên, định kêu hai em lại coi thì thấy một cái đầu ló ra và tiếp theo là giọng con trai ồ ồ lên tiếng:

- Tôi nghe tiếng các bạn nói chuyện ngoài nầy, vì thế tôi muốn ra xin nhập bọn để tổ chức trò chơi cho vui. Tôi biết nhiều trò chơi thú vị lắm nhưng khổ một nỗi là không có ai cùng chơi cả!

Sau đó, thằng con trai lạ mặt nhìn vào mấy chỗ trầy xước trên cánh tay suýt soa:

- Hàng rào tre nhiều gai quá! Đã tìm chỗ thưa rồi, thế mà…

Bảo Chi lên tiếng:

- Thế ra anh không có em út nào cả hả?

- Tôi là con út trong gia đình! Các anh chị tôi đều được gởi đi học xa nhà cả! Đến bạn bè cũng chả có, vì nhà tôi coi như nằm ngoài biển, trước mặt nhà là một giòng sông, sau lưng lại bị kẹt cái hàng rào tre nầy rồi! Chỉ phía đầu nhà có lối ra vào thì chẳng thấy nhà nào có trẻ con đồng trang lứa với mình cả!

Sau đó, nó vội lách mình ra thêm một chút nữa rồi nói:

- Tôi là Đề, Tô Đề!

Bảo Chi nhanh nhẩu tiếp lời:

- Còn tôi là Bảo Chi.

Rồi hướng về hai đứa kia, cô bé nói:

- Còn đây là hai em tôi : Bảo Vi và Bảo Thi! Chúng tôi sẽ ở đây suốt kỳ hè. Bà nội chúng tôi đã cho phép dùng ngôi nhà kho kia để chơi đùa. Hôm nào rảnh, mời anh qua chơi cho vui nhé!

- Còn gì quí bằng! Tôi chỉ mong có vậy!

Bảo Vi tươi cười:

- Anh có thể qua giúp chúng tôi dọn dẹp nhà kho được không? Trong đó, có nhiều thứ lắm! Đặc biệt có cái rương của người thủy thủ dùng dưới tàu, cũ rồi, nhưng chùi sạch để nằm thì tốt vì nó lớn lắm! Nó là của cậu Tần Gia đó! Trước đây, cậu là một thuyền trưởng. Trong rương chắc có cất nhiều đồ vật đẹp lắm. Em thích mở nó ra coi chơi mà nắp rương đóng kỹ quá!

Cậu bé đang ba hoa thì bỗng có một vài tiếng ho khàn khàn nổi lên cắt ngang câu chuyện và tiếp theo là những tiếng mắng:

- Đề! Xuống ngay con! Con dám rúc hàng rào qua bên đó hả? Gia đình ta không chơi với gia đình họ Tần đâu con! Cả khách khứa họ cũng vậy nữa!

Nghe vậy, mặt thằng Đề mất hẳn vẻ tươi tắn, trong khi Bảo Chi cũng tức giận đỏ mặt lên. Nhưng thằng Đề cũng gắng gượng chống chế:

- Thưa ông nội, con chỉ…

- Không thưa thốt gì cả! Tao bảo xuống là xuống! Không có tình bạn, không thăm viếng gì giữa hai gia đình nầy cả! Con nghe rõ chưa?

Thằng Đề nhỏ nhẹ:

- Dạ!

Và nó vội tụt xuống, không quên đưa mắt nhìn ba người bạn vừa mới làm quen với một vẻ mặt lưu luyến trông đến tội nghiệp…

Bảo Chi cũng quyến luyến không kém, cô bé đưa tay vẫy vẫy…

Thằng Đề miễn cưỡng nhảy xuống đất, lấy tay vẹt mấy cành tre, lủi thủi đi vào. Bảo Chi thoáng nghe nó càu nhàu như chống lại một quyết định nghịch ý. Nó còn ngoái cổ lại nhìn với một cặp mắt tinh nghịch và cô bé biết hắn vừa nảy ra một ý định gì đó… chắc là định sẽ dùng dao phát quang một lỗ hổng để rúc qua rúc lại cho dễ dàng!

*

Một tuần lễ trôi qua…

Hôm nay, nhân ngày nắng ráo, ba chị em Bảo Chi định lau chùi ngôi nhà “riêng” của chúng. Trước hết, chúng hì hục khiêng cái rương của cậu Gia ra ở giữa nhà rồi lấy giẻ ướt lau xung quanh thật sạch. Sau đó, chúng dùng mấy que sắt cạy nắp rương ra. Vừa mới lôi mấy con sò biển ra để giữa sàn nhà, và hai thằng bé đang tranh nhau đòi làm của riêng thì chợt Bảo Chi thấy một bức địa đồ. Đúng hơn là một bức họa đồ. Lúc đầu thì cô bé cho đó là đồ nghề đi biển của cậu Gia. Nhưng khi xem qua thì cô bé thấy hồi hộp quá sức! Cô lẩm bẩm:

- Lẽ nào? Lẽ nào cậu Gia lại cất giấu ở xó xỉnh nầy sao?

Cả ba chị em châu đầu vào xem bức họa đồ trải ra giữa sàn nhà.

Bức họa đồ trông đã cũ kỹ lắm. Màu giấy đã vàng khè, có lẽ vì bị ngấm nước biển. Lốm đốm đây đó là những vết mực có chỗ hình như đã trở màu, nhòe nhoẹt tạo nên một màu sắc trông rất buồn cười! Điều mà bọn trẻ lấy làm khó hiểu là trong một góc có vẽ một chiếc sọ người, phía dưới có hai chiếc xương bắt chéo nhau kèm theo những hàng chữ viết nguệch ngoạc cạnh mũi tên chỉ phương hướng! Bảo Chi lẩm nhẩm:

“MỘT KHO TÀNG BÍ MẬT NẰM CÁCH CÂY SỒI CỔ THỤ VỀ PHÍA NAM 10 THƯỚC VÀ VỀ PHÍA TÂY 20 THƯỚC, TÍNH TỪ LẠCH NƯỚC NGỌT THÌ KHO TÀNG CÁCH ĐỘ MỘT PHẦN TƯ DẶM”. Đường nét giòng chữ ghi một cách sơ sài. Ngoài ra, còn có những nét mờ mờ kẻ ngang, kẻ dọc, trông chẳng khác gì những đường kinh tuyến, vĩ tuyến. Bên cạnh đó, bức họa đồ còn vẽ một đường màu đỏ hơi đậm có lẽ chỉ vị trí cây sối trên khoảng đất rộng mênh mông. Sau khi mải mê quan sát, Bảo Chi tằng hắng lên giọng:

- Tốt lắm! Đây chắc là một họa đồ của một tên hải tặc nào đó mà cậu Gia đã thủ được trong một chuyến đi biển chứ gì? Bảo Vi, đố em biết ai viết những hàng ghi chú này?

Bảo Vi vội quay bức họa đồ về phía mình cho thuận chiều, chăm chú đọc những ghi chú viết bằng bút chì đã mờ nét, đoạn nhìn chị:

- Em nghĩ là chính cậu Gia viết những hàng chữ này!

- Lấy gì chứng minh nào?

- Chị nhìn đây! Mấy chữ T.G. ký ở phía dưới đó không phải của cậu Gia thì còn ai vào đó nữa chứ!

Bảo Chi gật gù tỏ vẻ đồng ý. Cô bé vội cầm lấy tờ họa đồ và đọc to những chữ cuối cùng, rồi góp ý:

- Chị thấy em có lý đấy!

Ngẫm nghĩ một lát nó lại tiếp:

- Bức họa đồ nầy chỉ một địa điểm gần đường biên giữa bờ sông và đồn điền của ông Tô Đình!

Bảo Vi ngẩng đầu lên nhìn chị, ngạc nhiên:

- Tại sao chị lại cả quyết thế?

- Có gì đâu! Em không thấy trong họa đồ có nói đến “lạch nước ngọt” hay sao? Nó chính là chi lưu của con sông chạy dọc theo đồn điền ông Tô Đình đó.

Bảo Vi gật đầu:

- Ừ nhỉ! Thế còn mấy đường ngang, đường dọc nầy là gì?

Bảo Chi lắc đầu:

- Mấy đường đó thì chị xin chịu, chả hiểu sao mà nói cả!

Cả ba chị em cùng nhìn nhau, sáu con mắt cùng mở to…

Bảo Thi hỏi chị:

- Em phân vân chưa hiểu tại sao cậu Gia không dùng họa đồ nầy để đi tìm kho tàng bí mật?

Bảo Chi có vẻ thành thạo:

- Biết đâu cậu Gia đã chẳng đi tìm nhưng vì gặp trở ngại nào đó nên đành bỏ cuộc! Có thể cậu mình đã chết trước khi có ý định thám hiểm theo sự chỉ dẫn của họa đồ! Cũng có thể trở ngại là vì ông Tô Đình! Chị vừa mới nói cho em biết đó, kho tàng bí mật này hiện nằm trong đất đai của ông ta mà gia đình cậu với gia đình của bên kia vốn có thù hằn với nhau từ mấy năm rồi! Do đó, cậu Gia dù muốn cũng không thể được phép xâm phạm vào đất ông Tô Đình một cách ngang nhiên được!

Bảo Thi có vẻ thành thạo:

- Cậu Gia không thể đi tìm kho tàng này một cách ngang nhiên được, nhưng tại sao lại không mở một cuộc thám hiểm bí mật, như đi vào ban đêm chẳng hạn?

Bảo Chi thấy khó giải thích, nhưng cô bé cũng gắng gượng:

- Thì chị nói vậy, chứ thật ra muốn tổ chức một cuộc tìm kho tàng cũng phải tốn nhiều công phu lắm chứ đâu phải đơn giản gì!

Rồi cô bé thở dài, chán ngán:

- Bọn mình không biết gì trong quá khứ cả. Chỉ biết ngồi đoán mò thôi!

Bảo Vi nắm tay chị:

- Hay là đêm nay, đợi mọi người yên giấc cả rồi, chị em mình mở một cuộc thám hiểm xem sao nhỉ?

Bảo Thi can anh:

- Chị Bảo Chi vừa nói tổ chức một cuộc đi tìm kho tàng như vậy tốn nhiều công phu lắm. Vả lại, tụi mình tính chuyện bí mật, nhưng lỡ ông Tô Đình hay được thì có bề gì không?

Vốn bản tính tò mò, tuy hơi lo ngại, nhưng Bảo Chi cũng cổ võ ý kiến của em:

- Hồi nãy, chị nói cậu Gia không dám đi đào kho tàng vì nó nằm trong phần đất của nhà láng giềng. Tuy nhiên bây giờ, ba chị em mình hãy còn là trẻ con. Do đó, nếu bị bắt gặp thì chị tin là ông ta cũng chẳng làm ra to chuyện đâu! Điều đáng lo sợ là ông bà nội chúng ta cơ!

Bảo Vi khoát tay:

- Chị khỏi lo! Ba chị em mình thường nằm ngủ ở căn phòng cạnh hành lang xuống nhà bếp, trong khi ông bà nội lại ở trên lầu mà! Vả lại, em nghĩ là chúng mình chỉ vắng mặt một thời gian ngắn chứ không lâu lắc gì nên chả ai biết đâu! Đêm nay, bọn mình chỉ đi tìm cho ra địa điểm đã, rồi đánh dấu thật rõ ràng. Đêm mai lại tiếp tục công việc… Chị nghĩ sao?

- Cũng được!

Nghĩ rồi Bảo Chi cười lớn:

- Em thật cẩn thận! Chị thì đến đâu hay đó!

Bảo Vi thầm nghĩ:

- Tốt lắm! Đêm nay chắc sẽ có nhiều chuyện vui thú!

Nó lặng lẽ ngồi xuống trên sàn nhà đầy bụi với bức họa đồ trên đầu gối! Hai đứa kia thấy vậy cũng xúm lại… Chúng đang phác họa chương trình hành động. Sau khi bàn bạc với nhau một lúc, Bảo Vi búng tay tróc tróc, nói:

- Chúng ta cần phải có một cây đèn pin và ít lắm là hai cái xẻng!

Bảo Chi giật mình:

- Ừ nhỉ! Chị quên bẵng chuyện đó!

Đêm ấy, một đêm mùa hạ đẹp trời. Thật là một điều may mắn cho ba chị em Bảo Chi! Chúng náo nức đến nỗi ăn vội bữa cơm chiều cho xong chuyện. Sau đó, chúng phân chia nhau mỗi đứa đi lo một công việc. Và khi bóng đêm vừa buông xuống thì ba chị em đã lặng lẽ đi về phía nhà kho…

Từ phương Đông, mặt trăng to và tròn đã ló dạng! Trăng lên dần… Ánh trăng vằng vặc chảy qua cành cây kẽ lá, chiếu xuống mặt đất những hình thù đen ngòm trông thật kỳ quặc…

Khi đến ngôi nhà nhỏ, ba chị em Bảo Chi tần ngần đứng lại. Chúng cảm thấy hồi hộp xen lẫn đôi chút sợ hãi. Sau đó, Bảo Chi mạnh dạn trèo lên một cây đào cạnh hàng rào tre đưa mắt quan sát. Ngoài xa kia, trời tuy sáng nhờ ánh trăng và dù đã cố giương đôi mắt thật to để nhìn, cô bé vẫn không thấy gì, ngoài những bụi cây đen thui, mọc rải rác đó đây trên một khoảng đất rộng mênh mông! Do dự một lúc, Bảo Chi bèn tuột xuống chui qua phía bên kia hàng rào. Cô bé ngạc nhiên không hiểu người nào – chắc là thằng Đề – đã phát thành một lỗ hổng khá rộng vừa một người chui qua!

Lần lượt từng đứa rúc qua rồi yên lặng xúm nhau lại dưới chân hàng rào. Bảo Vi chỉ tay về phía cây sồi cành lá rườm rà đang đứng sừng sững in bóng đen lên nền trời trong xanh, nói nhỏ:

- Không hiểu một hay hai cây sồi mà trông thật to lớn quá!

Bảo Thi lẩm bẩm:

- 10 thước về phía Nam…

Chợt nó quay lại hỏi Bảo Chi:

- Chị có biết chắc, hướng nào là hướng Nam không?

Bảo Chi mỉm cười tự tin:

- Sao em “cù lần” quá vậy? Học Đệ Thất rồi mà không biết tìm phương hướng sao?

Bảo Thi bào chữa:

- Thì người ta nói đại để là phải dùng địa bàn, dùng mặt trời v.v…

- Em nhớ như vậy là khá rồi đấy! Này nhé! Ban ngày thì ta có thể dùng mặt trời để tìm phương hướng ; còn ban đêm thì thường người ta căn cứ vào sao Bắc đẩu. Nhưng đêm nay, chị đã cố tìm sao đó mà chả thấy đâu cả! Đành phải nhờ tạm mặt trăng vậy! Mặt trăng cũng mọc từ phương Đông. Và từ đó suy ra, mình có thể tìm ra các hướng khác chứ gì? Dĩ nhiên, địa bàn bao giờ cũng là một dụng cụ tìm phương hướng chính xác nhất!

Ngừng một lát, Bảo Chi lại tiếp:

- Thôi bỏ qua chuyện đó đi! Bàn bạc mãi mất cả thì giờ! Bây giờ, việc tìm phương hướng giao phần chị. Còn phần các em, thì khi đến vị trí rồi, các em nhớ đi kiếm một ít cành cây con để lát nữa đóng xuống làm dấu nhé?

- Dạ, vâng ạ!

Sau đó, ba chị em Bảo Chi lặng lẽ tiến bước về phía cây sồi…

Vừa đến nơi, Bảo  Vi và Bảo Thi vội bỏ cuốc xẻng xuống đất rồi chia nhau đi kiếm cành cây đem về bỏ trên đám cỏ xanh dưới bóng cây sồi, trong khi Bảo Chi đang lẩm nhẩm đếm bước. Trước hết, cô bé nhắm hướng rồi đếm 10 bước. Sau đó, nó quay về phía bên phải bước thêm 20 bước nữa. Chợt nó dừng lại ngẫm nghĩ một lúc rồi kêu hai em lại thì thầm:

- Các em có nhớ bức họa đồ ghi chú mấy thước về hướng nào không? Đứa nào nhớ rõ nói cho chị nghe đi! Suỵt! Đừng mở họa đồ ra nhé! Ánh đèn sẽ tiết lộ sự có mặt của bọn mình ngay!

Bảo Thi nhanh nhẩu:

- Em nhớ! Em thuộc lòng nó mà! Đây nhé : 10 thước về phía Nam! 20 thước về phía Tây!

Bảo Chi cám ơn em rồi lẩm nhẩm tính lại:

- Như vậy, mình phải đếm bước đôi vì bước chân mình ngắn quá chưa đủ một thước! Tính ra, mỗi bước đôi như vậy cũng xấp xỉ bằng một thước rồi.

Thế là cô bé lại cặm cụi đếm bước. Sau khi đã tính toán cẩn thận, Bảo Chi mới kêu hai em lại, chỉ xuống vùng đất chỗ nó đang đứng, nói:

- Chắc là chỗ nầy rồi đây! Thật là cũng may cho chị em mình, vùng đất nầy tương đối dễ đào vì có nhiều đất cát!

Bảo Chi đang định chạy lại lấy cuốc xẻng để đào thì chợt Bảo Vi đưa tay ngăn chị lại:

- Hồi chiều, em đã nói với chị là bọn mình chỉ nên đánh dấu vị trí kho tàng đã, đêm mai hẵng hay. Bây giờ, chị dùng cây đánh dấu đi!

Nhưng Bảo Chi trái lại, lòng đang náo nức tưởng chừng như đã tìm thấy kho tàng bí mật rồi nên bàn xuôi với em:

- Hồi chiều thì chị cũng nghĩ như em, nhưng bây giờ sẵn dịp nên đào kiếm luôn, sợ đêm mai bọn mình còn có cơ hội tốt như thế nầy nữa không? Đã liều thì liều luôn! Chị em mình cứ tiếp tục, may ra…

Hai đứa nghe chị nói cũng thấy xuôi tai nên vội chạy lại vác xẻng hì hục đào! Và chẳng bao lâu, ba chị em Bảo Chi đã đào được một hố khá sâu. Bảo Chi khôn ngoan hơn, sợ địa điểm có thể sai lệch đôi chút nên bảo hai em cố đào hố rộng ra độ nửa thước.

Khí trời về đêm tuy mát mẻ hơn ban ngày nhiều, nhưng cả ba mau thấm mệt, vì không quen làm việc nặng. Chả thế mà vừa mới đào được hơn chục nhát xẻng, Bảo Chi đã vội bỏ xẻng ngồi bệt xuống, đưa tay quệt mồ hôi trán, nói với các em:

- Nghỉ tay chút đã! Mệt quá! Còn phải đào sâu xuống nữa chứ, ít lắm cũng phải hơn hai thước may ra mới tìm được kho tàng!

Bảo Vi và Bảo Thi, ỷ mình con trai mạnh tay, vẫn tiếp tục đào, nhưng chỉ được một chốc, cũng vội chống xẻng đứng thở! Sau đó, cả ba lại hì hục đào bới. Bỗng, Bảo Vi nghe một tiếng “cạch” – hình như có vật kim khí chạm vào xẻng nó. Lập tức, nó vội nhảy xuống cầm lên một vật là lạ, lóng lánh dưới ánh trăng. Mừng quá, nó quên giữ ý, la lên:

- Trời! Vàng… vàng!

Bảo Chi và Bảo Thi cùng cúi nhìn xuống hố:

- Khẽ khẽ chứ! Vàng đâu? Vàng đâu?

Bảo Vi hốt thêm một nắm nữa đưa lên cho chị. Cô bé lấy tay khều đất vụn ra rồi chắc lưỡi:

- Ồ! Toàn là tiền vàng của bọn cướp!

Nhưng bỗng nó giật mình quay lại vì hình như đàng kia, trong bóng tối có một vật gì đang lay động! Cô bé cảm thấy hồi hộp, lo sợ thì thoảng nghe một giọng nói quen thuộc vang lên:

- Tôi đây! Đề đây! Có gì mà la ồn lên vậy?

Và từ phía một bụi rậm, Bảo Chi thấy một thân hình ốm o, mặc áo choàng đen ló ra, tiến về phía ba chị em cô. Cô tự hỏi:

- Giờ nầy thằng Đề tới đây làm gì nhỉ? Không biết nó sẽ có phản ứng gì khi thấy kho tằng bí mật nầy chăng?

Bảo Chi đang còn suy nghĩ, thì chợt thằng Đề lên tiếng:

- Ê! Tìm gì đó các bạn?

Ba chị em Bảo Chi cùng cảm thấy bối rối nhìn về phía thằng Đề đang đứng. Bảo Chi buộc phải xã giao:

- Đề có muốn chung phần không? Muốn thì cầm xẻng nhảy vào đây! Bọn nầy vừa khám phá ra một kho tàng bí mật! Lát nữa, bọn nầy sẽ kể cho cậu nghe, còn nhiều chuyện ly kỳ lắm!

Thằng Đề nhẹ chân bước tới. Đêm càng về khuya, khí trời càng lạnh, sương đổ xuống mỗi lúc một nhiều! Ánh trăng vằng vặc trông thật lạnh lùng! Trong cảnh thanh vắng nầy, vạn vật hình như đang triền miên trong giấc ngủ, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng gió thổi vi vu qua vùng đất mênh mông!

Bọn trẻ cũng cố sức giữ im lặng. Nhưng bỗng nhiên, Bảo Chi quên mọi đề phòng, cô bé la lên khi xúc lên một xẻng cát thấy lóng lánh nhiều đồng tiền vàng! Thằng Đề tỏ vẻ lo lắng:

- Đừng làm ồn chứ? Người ta biết thì nguy đó!

Nhưng đã quá muộn! Từ đàng xa, bọn trẻ đã nghe văng vẳng nhiều tiếng chó sủa! Bảo Chi vò đầu hối hận:

- Bực mình quá! Quên đi mất! Làm sao cho con chó kia câm miệng đi nhỉ?

Thằng Đề vội huýt gió nhè nhẹ và một con chó xù chạy tới nhảy chồm lên chân thằng bé! Bảo Vi kêu lên:

- Con chó đẹp quá nhỉ? Không biết ông nội anh có nghe nó sủa không?

Thằng Đề lo lắng:

- Có thể! Vì ông tỉnh ngủ lắm! Người già thường ít ngủ mà! Chắc ông sắp ra bây giờ!

Quả thật, thằng Đề vừa dứt lời, bọn trẻ đã thấy ánh đèn lập lòe từ phía những bụi cây đen ngòm đàng xa, đang chậm rãi tiến về phía chúng. Ánh đèn nhẩy lên nhẩy xuống theo bước chân đi trông như ánh ma trơi ngoài đồng vắng! Không ai bảo ai, cả bọn cùng thở dài sợ sệt:

- Nguy to rồi! Ông Đình đã tới kìa!

Bảo Chi muốn chạy trốn nhưng không kịp nữa! Cô vừa thoáng nghe một giọng nói khàn khàn, nghiêm nghị:

- Đêm khuya rồi, những ai còn làm gì đó?

Rồi ông hạ giọng:

- Phải có mầy đó không Đề? Mà hình như có bọn nào đang đứng với mầy đó?

Bảo Chi vội vã lên tiếng:

- Dạ, thưa cụ, tụi cháu thuộc gia đình bên kia ạ!

Cô bé vừa nói xong, lại tiến ra một bước nữa, tiếp lời:

- Dạ, tụi cháu đang đào một kho tàng bí mật ạ!

Ông già giật mình:

- Kho tàng bí mật?

- Dạ, đúng ạ!

Cô bé cố trả lời thật chậm rãi. Thật ra, nó cũng cảm thấy sợ sệt khi đứng đối diện với một ông già nổi tiếng là nghiêm khắc! Bây giờ, ông Tô Đình mới đưa cặp mắt nhìn sững vào mặt Bảo Chi! Bóng đêm lại càng làm tăng vẻ oai nghiêm to lớn của ông, trông chẳng khác gì một người khổng lồ. Lâu lắm, ông ta mới lập lại câu hỏi ban nãy:

- Mầy vừa nói gì? Kho tàng bí mật hả?

Vừa nói, ông vừa nhìn xuống hố rồi gật gù:

- À… à… Tao biết… tao biết…

Tuy vậy, giọng nói của ông nghe không có vẻ giận dữ lắm, nên bọn trẻ cũng cảm thấy yên tâm. Một lát sau, ông già chậm rãi nói tiếp:

- Tao giả như mầy không biết rằng mầy đang đào trên đất của tao. Tại sao?

Bây giờ, Bảo Chi mới cảm thấy sợ sệt, cô thầm nghĩ:

- Mình đang lâm vào thế kẹt! Biết làm sao cho ổn nhỉ?

Túng quá, cô bé đành nhỏ nhẹ thú thật:

- Dạ thưa, chúng cháu vì quá tò mò nên lỡ xâm phạm vào phần đất của cụ! Xin cụ bỏ qua cho ạ!

Ngừng một lát, cô bé lại tiếp tục nỉ non:

- Lại nữa, chị em tụi cháu nghĩ chắc cụ cũng cho phép tụi cháu thám hiểm một chút vì vùng đất nầy trống trơn, chưa có hoa màu gì cả!

Bảo Thi nhanh nhẩu cắt nghĩa thêm:

- Dạ thưa cụ, đầu đuôi là bà nội cho phép bọn cháu dùng ngôi nhà kho cạnh hàng rào tre để chơi đùa trong kỳ hè nầy ạ! Nhưng mãi đến hôm qua, chị em cháu mới bắt tay vào việc sửa soạn lại nhà cửa cho sạch sẽ, thì tình cờ bắt gặp một bức họa đồ trong chiếc rương của cậu Gia, mà tụi cháu phỏng đoán là của một tên hải tặc nào đó. Theo sự chỉ dẫn của họa đồ, tụi cháu đã khám phá ra cái hố chôn giấu kho tàng bí mật nầy!

Trong khi Bảo Thi đang kể lể thì Bảo Vi vội nhảy xuống hố bốc lên một nắm tiền vàng chìa ra và ông Tô Đình bấm đèn soi vào. Vì mắt kém, ông già phải ghé thật sát để nhìn đến nỗi, Bảo Chi nghe rõ từng nhịp thở của ông. Sau một lúc quan sát, ông ngẩng đầu lên lẩm bẩm:

- Một loại tiền Tây-Ban-Nha! Có thật tụi mầy đào từ đây lên không?

Bảo Chi lễ phép thưa:

- Dạ, thưa đúng ạ!

Và cô bé vội nói thêm:

- Em con còn tìm thấy nhiều hơn nữa cơ!

Nói rồi, nó chỉ tay về phía Bảo Vi trong lúc cậu nầy còn mải lom khom lượm tiền vàng còn lẫn trong đống đất cát.

Ông Tô Đình lẳng lặng tiến theo hướng tay cô bé, rồi bấm đèn soi vào. Ông không quên cầm một cành cây khều ra một ít đồng tiền để quan sát kỹ càng hơn. Chợt, Bảo Chi thấy ông lắc đầu:

- Đây không phải là loại tiền Tây-Ban-Nha! Một loại tiền của Anh quốc, còn loại kia là tiền của Nga!

Khi ông già ngẩng đầu lên, cô bé nhận thấy bộ mặt ông trở nên nghiêm khắc lẫn một chút hoài nghi:

- Thật là kỳ lạ! Loại tiền Anh này vừa mới được phát hành mà sao bọn cướp lại có được nhỉ?

Chợt ông đổi giọng xưng hô:

- Các con có thể cho ông coi lại một chút được không?

Thằng Đề vội ra dấu cho ba chị em Bảo Chi lui ra. Bảo Thi cúi xuống lượm một nắm tiền đưa lên nói:

- Anh Đề xem! Tiền vàng thật đấy chứ? Trông đã cũ lắm rồi, chắc có từ lâu, từ hồi bọn mình chưa được sinh ra đời kia nhỉ?

Ông Tô Đề tuy mải xem xét đồng tiền vàng nhưng hình như ông cũng chú ý đến câu nói vừa rồi, vì một lát sau, Bảo Chi thấy ông ta cầm một đồng tiền kêu chị em nó lại nói:

- Các đồng tiền nầy không cũ lắm đâu! Chúng vừa mới được phát hành độ một, hai năm thôi! Các con cứ chùi thật sạch một đồng tiền và đọc niên hiệu khắc trên đó thì rõ!

Óc tò mò của ông Tô Đình không cho phép ông bỏ qua việc này, ông phải tìm cho ra lẽ. Ông vội ghé tai nói nhỏ với Bảo Chi:

- Con có cầm theo bức họa đồ đó không?

- Dạ, thưa cụ có chứ!

- Con làm ơn đem cho ông coi một chút!

Trong khi ông Tô Đình đang cặm cụi xem xét họa đồ, thì Bảo Chi chăm chú theo dõi. Cô bé không hiểu tại sao nét mặt ông già, nhất là làn da trán cứ thay đổi hoài. Một lúc sau, ông kêu bọn trẻ lại giải thích:

- Có hai điều khó hiểu : thứ nhất là loại tiền Anh kia xem ra quá mới đối với bọn cướp; thứ hai, căn cứ vào nét mực thì họa đồ vừa mới được vẽ cách đây cũng không lâu lắm, hình như được sao lại từ một bản chính thì đúng hơn! Ông còn hồ nghi là bức họa đồ nầy được sao từ một cuốn sách trong thư viện của ông nữa cơ! Nhưng điều khó là làm sao biết được ai đã vẽ, vẽ từ lúc nào và tại sao nó lại nằm ở trong chiếc rương của cậu Gia? Không lẽ, người vẽ là ông Tần Gia? Ông nầy đã chết cách đây hơn hai năm rồi mà?

Ông Tô Đình vừa dứt lời, bọn trẻ, nhất là ba chị em Bảo Chi đã nhao nhao lên hỏi nhau, nhưng đứa nào cũng như đứa nào, chả ai biết hơn ai đâu, mà giải thích rành mạch được? Thế là chúng đang lâm vào ngõ bí! Nhiều câu hỏi tới tấp hiện ra trong trí óc non nớt của chúng mà không sao tìm ra được câu trả lời!

Trong bầu không khí yên lặng đó, bỗng thằng Đề lên tiếng:

- Dạ, thưa nội con biết!

Cả ba chị em Bảo Chi đều giật mình – như thể chúng bị kéo cùng một lúc bởi một sợi dây vô hình – nhìn chầm chập vào mặt thằng Đề! Bảo Chi nhăn mặt:

- Làm sao Đề biết được? Vì cậu đã vào trong nhà kho lần nào đâu? Vả lại chính tụi tôi là những người đầu tiên khám phá ra bức họa đồ và cùng nhau bàn định kế hoạch không hề có một người thứ tư nào biết!

Thằng Đề vẫn thủng thỉnh tiếp:

- Tôi biết chứ! Chắc Bảo Chi không quên hôm trước, nhân lúc trèo qua bên đó chơi, tôi đã nghe cô nói về cái rương của cậu Gia và hình như Bảo Thi còn nhờ tôi mở hộ nắp rương nữa cơ! Tôi nhập tâm chuyện ấy và có ý định sẽ tìm dịp để tạo nên một trò chơi trinh thám thú vị. Tôi thầm nghĩ là chỉ có trò chơi nầy mới có thể mời các bạn láng giềng qua nhà tôi một lần cho vui. Vì tôi tin chắc trí óc tò mò của các bạn thế nào cũng xui khiến các bạn, tìm cách đi thám hiểm một kho tàng bí mật chỉ cách xa nhà mình có mỗi một hàng rào tre thôi! Mục đích của tôi còn muốn đi xa hơn nữa nhưng chưa tiện nói thẳng ra. Với trò chơi nhỏ nầy, hy vọng tôi sẽ trở nên một người bạn thân của các bạn, dù tôi vẫn biết rằng, gia đình hai họ TÔ-TẦN đang có chuyện xích mích với nhau đến nỗi đã cắt đứt sợi dây ân tình vốn có từ trước!

Ngừng một lát để nuốt nước miếng, thằng Đề lại tiếp tục với một giọng trầm trầm:

- Những ngày tiếp theo, tôi suy nghĩ nhiều về dự tính đó, nhưng chưa tìm ra một trò chơi nào cả. Thế rồi, vào một chiều nọ, tôi nhớ ra ông nội tôi có một lô sách nói về bọn hải tặc, trong đó có một cuốn rất cũ không hiểu ông tôi thu thập từ đâu về. Tôi lại có một bộ sưu tập tiền vàng mà cha tôi đã làm quà biếu nhân ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 16 của tôi vừa rồi. Và chỉ cần hai món đó, tôi đã phác họa ra một trò chơi trinh thám thú vị. Suốt đêm hôm đó, tôi cặm cụi làm việc theo những điểm đã được vạch ra.

Thằng Đề đang vui vẻ kể thì một cơn ho đột nhiên kéo đến khiến nó phải tạm ngưng câu chuyện. Trong khi đó, mọi người, kể cả ông tô Đình đang nóng lòng theo dõi hồi kết cuộc:

- Trước tiên, tôi phải vẽ một bức họa đồ. Tôi lục lạo trong đống sách cũ của cha tôi lấy một cuốn rồi giở ra chon một tờ giấy trắng còn lành lặn. Tôi thấy hài lòng khi cầm nó trong tay vì trông tờ giấy có vẻ cũ kỹ lâu đời lắm và tôi bèn dùng nó để “can” lại một bức họa đồ trong một cuốn sách nói về bọn hải tặc. Dĩ nhiên, tôi đã vẽ thêm hướng chỉ vị trí kho tàng bí mật. Đồng thời, tôi đem tất cả bộ sưu tập tiền vàng chôn cẩn thận xuống đúng nơi vị trí đã ghi trên họa đồ!

Ngay tối hôm sau, đợi khi mọi người trong nhà đã ngon giấc, tôi liền rúc qua hàng rào và bí mật bỏ bức họa đồ vào trong cái rương của ông Tần Gia. Sở dĩ, tôi phải bỏ vào trong đó vì cốt sao cho các bạn lầm tưởng chắc là của một tên hải tặc nào đó trối lại cho người thân của nó đi tìm kiếm! Vì rương không khóa, nên mọi việc tiến hành trôi chảy như chương trình đã định. Mừng quá, tôi hí hửng ra về! Tuy nhiên, nét mực trong họa đồ hãy còn quá mới so với tờ giấy! Tôi đã sơ ý thật! Nhưng đó là một điều không thể tránh được vì thời gian quá cấp bách! Lại nữa, việc dùng bộ sưu tập tiền vàng của tôi cũng lâm vào tình trạng như trên. Ý tôi muốn là khi các bạn đào kho tàng bí mật nầy lên sẽ tìm thấy một số tiền vàng xưa cũ. Thế mà tôi đã chôn xen lẫn vào đó một loại tiền của Anh quốc vừa mới phát hành gần đây! Thật ra, tôi chỉ nhắm mục đích là tạo một trò chơi thú vị cho các bạn thôi!

Nói xong, thằng Đề quay lại phía ông Tô Đình, mỉm cười tiếp:

- Đối với ông nội, cháu xin chịu thua, phải không nội?

Ông tô Đình vui vẻ trả lời:

- Đối với các bạn cháu thì được, nhưng đối với ông thì cháu không thể qua mặt được đâu. Dù sao, ông cũng thầm phục trí óc trinh thám của cháu qua trò chơi nầy! ông cũng nhận thấy mục đích của sự phỉnh gạt nầy đã thành công lắm rồi!

Bảo Chi cũng cảm thấy phục thằng Đề sát đất:

- Sáng tác ra một trò chơi vừa thú vị vừa bổ ích như thế nầy, quả thật anh Đề là một học sinh có bộ óc sắc bén và tài tình thật!

Sau đó, cô bé vui vẻ:

- Thưa cụ, chị em cháu có ba người, trong khi anh Đề chỉ có một, nên anh ta muốn tìm cách kết thân với bọn cháu đó. Riêng cháu, cháu cũng cảm thấy vui mừng được có một người bạn thông minh như anh Đề! Phải không anh Đề nhỉ?

Thằng Đề như mở cờ trong bụng, vội gật đầu:

- Ở trường học, tôi cũng có nhiều bạn bè lắm! Nhưng trái lại về nhà, tôi không có lấy một người bạn nào gọi là xóm giềng cả! Nhiều lúc, tôi cảm thấy thật cô đơn, buồn chán, nhất là sau khi được thầy giáo cho học bài gì, tôi không nhớ đầu đề nhưng cũng thuộc vài đoạn như : “Chim có đàn cùng hót, tiếng hót mới hay. Ngựa có bạn cùng đua, nước đua mới mạnh…” gì gì nữa mà tôi quên mất rồi. Bây giờ, nếu được kết bạn với ba chị em Bảo Chi thì thật không có gì làm cho tôi sung sướng bằng! Hy vọng trong những ngày hè nầy, tôi sẽ có bạn cùng thả diều vào mỗi buổi chiều cho vui!

Ông Tô Đình nãy giờ vẫn đứng yên lặng, đến nỗi Bảo Chi cảm thấy hình như đang có một cái gì làm cho mạch máu ông căng thẳng! Thế rồi sau một cơn ho ngắn, ông lên tiếng hỏi Bảo Chi với một giọng cảm động:

- Ý con nói vậy có nghĩa là cháu nội ông cô độc?

Cô bé không do dự, đáp:

- Dạ, vâng ạ!

Họ lại nhìn nhau – một già, một trẻ – cái nhìn hàm chứa bao niềm cảm mến! Yên lặng bao trùm!

Một lát sau, ông Tô Đình lại lên tiếng, nhưng xem ra những lời nói của ông không ăn nhập gì với câu chuyện giữa ông và Bảo Chi vừa trao đổi ở trên:

- Thật sự, trước đây khi các cháu có lẽ chưa được sinh ra thì vùng nầy cũng có nhiều tên cướp biển thường lảng vảng đến. Chúng hay ghé thuyền dọc theo bờ biển và đôi khi còn cho các thuyền nhỏ vào tận các lạch sông để lấy nước ngọt. Vì thế, ông nghĩ rằng quanh quẩn đâu đây, thế nào cũng có cất giấu của cải ăn cướp được!

Bảo Vi vui vẻ:

- Chắc cụ biết nhiều về chuyện đó lắm, vì cháu vừa nghe anh Đề nói trong thư viện của cụ có nhiều pho sách nói về bọn hải tặc! Cháu ước mong sao một ngày nào đó, cụ cho cháu mượn một ít cuốn đọc giải trí cho vui!

Ông Tô Đình gật đầu nói:

- Gì chứ chuyện đó thì dễ lắm! Thế nào trong kỳ hè nầy, ông cũng cho các cháu mượn nhiều cuốn truyện trinh thám thật hay và bổ ích, tha hồ mà đọc! Nhưng hãy thư thả, để hôm nào ông bảo chị sen lau chùi thư viện và các kệ sách cho thật sạch đã nhé!

Bảo Chi thắc mắc:

- Cháu xin cám ơn cụ ạ! Nhưng cháu phân vân, sao cụ không thử mở một cuộc tìm tòi quanh đây, may ra khám phá ra được kho tàng nào của bọn cướp biển chăng?

Ông Tô Đình niềm nở trả lời:

- Để thủng thỉnh hẵng hay!

Bảo Thi hết vẻ sợ hãi, vội xen vào:

- Chắc kế hoạch tìm vàng của cụ sẽ ly kỳ lắm nhỉ? Nếu hôm nào cụ có ý định đó thì xin cho ba chị em cháu tham gia với! Cháu rất nóng lòng trông đợi đó!

- Thế nào cũng phải nhờ các cháu một tay chứ! Vì các cháu đã có kinh nghiệm sờ sờ kia kìa!

Sau ý kiến ngộ nghĩnh đó, cả mấy ông cháu cười đùa một cách vui vẻ! Một lúc sau, trong khi bọn trẻ còn vui vẻ trò chuyện thì ông Tô Đình lặng lẽ rút trong túi áo ra một chiếc khăn thêu thùa rất đẹp và còn mới toanh, từ từ xếp lại trao cho Bảo Chi, rồi ôn tồn nói:

- Con hãy mang chiếc khăn này về cho ông nội con và thưa với ông rằng : Đây là chiếc khăn của ông Tô Đình, người bạn láng giềng của ông nội, gởi ông để chỉ dấu từ này về sau, xin hai gia đình đi lại thân thiện với nhau như xưa nhé!

Bảo Chi cảm động, đưa tay run run đón nhận chiếc khăn, nhỏ nhẹ đáp:

- Dạ, cháu xin vâng ạ!

Và dưới ánh trăng huyền diệu, mấy ông cháu vui vẻ tạm chia tay nhau, trong lòng mỗi người tràn ngập một niềm hân hoan khó tả…


NGUYỄN HÒA GIANG            
Phóng tác theo cuốn Adventure Lands
Của Eleanor M. Johnson