Nhanh đến nỗi tôi không kịp có thì giờ để ngắm xem căn
nhà nó ra thế nào. Tôi vừa qua bậc thềm thì cánh cổng nặng nề đóng sập lại
ngay. Và tôi nghe tiếng động bánh của xe lăn đi vọng lại tai tôi rất yếu ớt.
Trong nhà tối đen như mực. Ông Đại tá lần mò kiếm quẹt
và ông ta lẩm bẩm những gì tôi nghe không rõ. Bỗng nhiên, ở đầu hành lang bên
kia, một cánh cửa mở ra và một luồng ánh sáng vàng xuất hiện, hướng về phía chúng
tôi. Ánh sáng lớn dần lên và một người đàn bà bước ra tay cầm ngọn đèn. Bà ta
nghiêng đầu về phía trước, chăm chú nhìn chúng tôi. Tôi có thể nhận thấy là bà
ta đẹp, và ánh sáng ngọn đèn làm bộ áo đen bà ta mặc bóng lên khiến tôi biết rằng
đó là thứ hàng đắt tiền. Bà ta nói vài câu tiếng ngoại quốc, như là để hỏi gì,
và khi ông kia trả lời một cách khó chịu, bà ta giật nẩy mình lên làm ngọn đèn
suýt rớt ra khỏi tay. Ông Đại tá tiến tới gần thì thào vào tai bà ta mấy câu và
đẩy bà ta trở vào căn phòng lúc nãy. Sau đó ông cầm lấy ngọn đèn và bước lại phía
tôi, mở một cái cửa khác và nói:
- Ông có thể vui lòng chờ tôi ít phút tại đây được không?
Đó là một căn phòng nhỏ dễ thương, đồ đạc giản dị, có
một cái bàn tròn ở giữa và nhiều sách tiếng Đức rải rác trên tấm thảm. Đại tá
Linh Sa đặt ngọn đèn trên một cây đèn cạnh cửa và bảo tôi, trước khi ra:
- Chỉ một phút thôi, ông vui lòng nhé!
Tôi nhìn những cuốn sách, và dầu không biết tiếng Đức,
tôi cũng hiểu rằng hai cuốn trong số đó nói về khoa học, và những cuốn khác là
những tập thơ. Tôi đi ra cửa sổ, mong thấy cảnh đồng quê, nhưng cánh cửa bằng gỗ
sồi đã đóng kỹ, gài then sắt. Căn nhà hoàn toàn yên lặng. Trong hành lang có một
cái đồng hồ treo tường cũ kêu tích tắc, còn ngoài ra tất cả đều im lìm như chết.
Tôi cảm thấy hơi rờn rợn.
Tôi tự hỏi không hiểu mấy người Đức này là ai, họ làm
gì, và tại sao họ lại sống trong khu vực hẻo lánh này và nơi này là ở đâu. Tôi ở
xa làng Y Phong hai mươi cây số, tôi chỉ biết có thế nhưng về hướng nào? Bắc,
nam, tây hay là đông? Tôi chẳng biết được. Rất có thể là có một thành phố nào đó
ở gần ngay đây, vì làng Y Phong đâu có hẻo lánh đến thế. Chỉ có một điều chắc
chắn là tôi đang ở giữa vùng quê. Tôi vừa đi quanh phòng vừa huýt sáo để giữ bình
tĩnh, và tôi cảm thấy được an ủi khi nghĩ là mình sắp kiếm được năm chục đồng vàng.
Bỗng nhiên, cánh cửa phòng chầm chậm mở ra, không gây
một tiếng động nào. Người đàn bà lúc nãy đứng ở ngưỡng cửa, thân mình in rõ ràng
trên nền đen của hành lang. Ngọn đèn soi tỏ vẻ mặt xinh đẹp của bà ta. Tôi nhận
thấy ngay là bà ta có vẻ đang điên lên vì sợ và máu tôi như muốn đông lại. Bà
ta run run giơ một ngón tay ra hiệu cho tôi đừng nói gì cả, rồi bà ta vừa thì
thào với tôi, bằng một thứ tiếng Anh dở tệ, vừa nhìn ra sau lưng như một con ngựa
khiếp hãi.
Bà ta cố gắng bình tĩnh để nói:
- Tôi mà ở địa vị của ông thì tôi đi ngay! Tôi đi
ngay! Tôi không ở lại đây đâu! Không có gì tốt đẹp cho ông đâu!
Tôi nói với bà ta:
- Nhưng, thưa bà, tôi chưa làm công việc mà người ta
nhờ tôi khi kiếm tới đây. Tôi không muốn đi trước khi trông thấy cái máy đó.
Bà ta cứ nói:
- Không nên ở lại đợi đâu! Ông có thể qua khỏi cửa đi
: không ai ngăn cản ông đâu.
Khi bà ta thấy tôi mỉm cười và lắc đầu, bà ta không
giữ được nữa. Bà ta bước tới trước và xoắn hai tay vào nhau, lẩm nhẩm:
- Trời ơi! Đi ngay đi trước khi quá trễ!
Nhưng tôi vốn tính bướng bỉnh, và càng gặp trở ngại
chừng nào tôi càng cố gắng tiến tới. Tôi nghĩ tới lời hứa trả năm chục đồng vàng,
và quãng đường lạnh lẽo phải đi đêm nay, nếu tôi ra bây giờ… Chả lẽ tôi lại bỏ
cuộc trước khi được trả tiền? Ai có thể nói chắc là bà ta không loạn trí? Tôi đứng
thẳng người, và trả lời bà ta là tôi muốn ở lại. Bà ta vừa định nói với tôi nữa,
thì một cánh cửa đóng sập ngay phía trên đầu chúng tôi, và có nhiều tiếng chân
người đi xuống thang gác. Bà ta nghe ngóng, đưa hai tay lên trời biểu lộ sự tuyệt
vọng, rồi chạy trốn, cũng lặng lẽ và bất ngờ như khi bà ta vào.
Những người mới tới là Đại tá Linh Sa và một người đàn
ông mập lùn, có bộ râu quai nón xoăn tít trên cái cằm chảy xệ của ông ta. Ông
ta được giới thiệu tên là Phát. Ông Đại tá nói:
- Đây là người thư ký và cộng tác của tôi. Ủa, tôi tưởng
mình đã đóng cửa này lúc nãy lại rồi kia mà?
- Không, chính tôi mở ra đấy, tại vì tôi thấy trong căn
phòng hơi có mùi ẩm mốc.
_________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VI
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 88, ra ngày 6-5-1973)