Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

THOÁT HIỂM - Ái Thơ



Bầu trời xám xịt, buồn u ám với những đám mây giăng thật thấp. Gió thổi từng cơn giá buốt. Từng hạt mưa bụi lất phất rơi. Vạn vật như não nề trong khung trời ảm đạm.

Tuân kéo cao cổ áo, so vai. Lạnh thật chứ phải chơi! Giá biết 2 giờ Việt văn này giáo sư nghỉ, mình ở nhà có phải thú hơn! Tuân thầm nghĩ. Trong lớp, lũ bạn đã kéo nhau xuống sân chơi hết cả rồi, chỉ còn mấy đứa đang tụ họp ở bàn cuối. Tuân lôi ra tập giấy nháp, ngồi suy nghĩ. Khung cảnh này mà làm thơ mới tuyệt! Thơ Xuân nữa chứ lỵ! Năm nay mình phải có mặt trong giai phẩm Xuân của nhà trường mới được!

Tuân cố nhớ lại. Nào lục bát, song thất lục bát, rồi đường luật với luật bằng, luật trắc… Hồn thơ lai láng, thế mà Tuân chẳng bằng lòng với 2 câu thơ đầu tiên của mình tí nào! Ý có vẻ sáo, lời gượng ép! Xóa rồi lại xóa, Tuân ngồi trầm ngâm…

- Ê! Làm gì ngồi thẫn thờ đó mậy?

Một bàn tay đập mạnh vào bờ vai, Tuân giật mình quay lại.

Sơn, thằng bạn cuối lớp đã đứng cạnh Tuân bao giờ.

Tuân cười mỉm:

- Tao định làm thơ chơi! Trời này tự nhiên làm tao nảy ý thơ, thế mà nặn óc mãi chưa xong!

- Thế à? Xuống đây chơi với tụi tao tí đã nào!

Miệng nói, tay Sơn lôi bạn đứng lên, kéo về phía sau lớp học. Sơn bô bô:

- Ê! Tụi bây! Thằng Tuân muốn làm thơ này tụi bây. Đứa nào đang hút thuốc đó? Cho nó rít thử một hơi, cho nó thêm hứng đi!

Tuân cười, lắc đầu:

- Thôi tụi mày! Tao đâu biết hút thuốc mà mời!

Sơn chế nhạo:

- Mày quê quá! Văn nhân, thi sĩ muốn có hứng người ta phải hút thuốc, mày không nghe à? Hút thử coi thì biết.

Thằng Hải đang ngồi lim dim như một triết nhân, cũng mở mắt nhìn Tuân:

- Ông chú tao, thi sĩ H.H. nổi tiếng đấy, ổng vẫn nói “phi hút thuốc, bất thành văn” đấy!

Nó vừa nói vừa gật gà, gật gù ra chiều khoái chí.

Thằng Hà cũng góp lời qua hơi thuốc:

- Mày xem! Trời lạnh thế này! Rít một hơi thuốc thế này! Khói mờ lãng đãng! Ôi! Khoái!

Tuân bật cười:

- Nghe tụi bây nói, tao cũng muốn thử. Đâu, đứa nào có thuốc, đưa tao “làm” thử một điếu coi.

Sơn biểu đồng tình:

- Ừ. Vậy mới là đàn ông con trai chứ. Nhưng mà tụi tao hút “tài tử” mà! Làm gì có nhiều!

Sơn rút điếu thuốc trên môi Hà, đưa cho Tuân:

- Này! Mày rít thử một hơi, coi tụi tao nói có đúng không nào?

Tuân đưa điếu thuốc đầu lọc cháy dở dang cài lên miệng, rít một hơi. Khói thuốc thơm mùi bạc hà với chút hăng nồng quyện trong không khí. Tuân bỗng nghe sảng khoái không cùng, hồn nhẹ lâng lâng và thầm công nhận lời bạn nói là đúng. Tuân rít thêm một hơi.

Sơn lấy lại điếu thuốc trên tay bạn:

- Sao? Thấy thế nào? Tao nói có đúng không? Bây giờ tới phiên tao.

Nó ngồi xuống ghế, chân gác lên mặt bàn phía trước, rít một hơi dài…

Hôm sau, giờ chơi thứ nhì, lũ bạn Tuân lại kéo xuống cuối lớp hút thuốc. Mấy đứa, chuyền nhau điếu thuốc, trầm ngâm trong niềm sảng khoái như những triết nhân.

*
 
Chiều chúa nhật, trời quang đãng, gió nhẹ hây hây. Tuân cố hoàn thành bài thơ đầu tay của mình. Tuân ngồi chống cằm, nhìn qua cửa sổ. Một làn gió ùa đến, Tuân chợt nghe lành lạnh, ớn cả hai bên xương sống.

Tuân nghe người bỗng dưng mệt mỏi, uể oải. Người buồn buồn, lợm giọng, tay chân rã rời. Buông viết, Tuân mệt nhọc ngã vật lên giường. Như người thiếu ngủ lâu ngày, Tuân ngáp dài, ngáp như chư bao giờ được ngáp. Người lành lạnh và nhớp nháp mồ hôi, Tuân chợt nhớ đến lớp học, mấy thằng bạn và điếu thuốc thơm. À! Giá có một điếu thuốc giờ này nhỉ! Tuân dật dờ, nôn nao trong ảo giác được hít thở mùi hăng nồng của điếu thuốc và thiếp đi…

Tuân tỉnh dậy trong cảm giác rã rời. Đầu nằng nặng, Tuân hé mắt, một bóng người đang ngồi cạnh giường!

Mẹ Tuân mừng rỡ, sờ trán con:

- A! Con đã tỉnh! Làm nãy giờ ba mẹ sợ quá! Mẹ vào kêu con ăn cơm mà lay mãi không tỉnh! Con nghe trong người thế nào? Người chẳng thấy nóng mà lại mê man! Hay con muốn cảm rồi đây! Để mẹ cạo gió rồi con dậy ăn chén cháo, uống viên thuốc cảm xem sao!

Nét lo lắng, thương yêu của mẹ khiến Tuân cảm động:

- Dạ! Con nghe hơi ớn lạnh.

- Thôi! Đúng rồi! Con muốn cảm đấy!

Ăn tô cháo, uống xong viên thuốc, Tuân nghe hơi dễ chịu. Mẹ cẩn thận đắp chăn cho Tuân, dặn dò:

- Con nằm cho khỏe, con nhé. Chiều mai nếu còn mệt, mẹ nhờ ba xin phép cho con nghỉ một buổi.

Đến cửa phòng, mẹ còn quay lại sau khi cẩn thận bật chiếc đèn đêm.

- A! Con cũng đừng viết lách, làm thơ chi nữa nhé. Người đang yếu đấy con…

Nghĩ mà thương ba, thương mẹ! Lúc nào cũng lo lắng cho con! Tình mẹ bộc lộ! Tình cha thâm trầm! Mình phải cố gắng học hành cho ba mẹ vui lòng mới được!

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Hai câu ca dao trên mới đúng làm sao.

Tiếng mưa đổ sầm sập trên mái nhà làm Tuân tỉnh giấc. Chiếc đồng hồ trên bàn con chỉ số 12. Gần 12 giờ khuya rồi! Nhưng sao ngoài phòng khách vẫn còn ánh đèn hắt vào? Tuân hơi lảo đảo ngồi lên, lần ra cửa phòng.

Dáng mẹ gầy gò, đang còm lưng ngồi đan áo. Đôi tay thoăn thoắt nhẹ đưa! Và ba Tuân nữa! Ông đang chăm chú trên chiếc máy đánh chữ! Trời mưa to đến nỗi át cả tiếng máy!

Chợt ba Tuân ngừng tay, liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tay, quay sang nói gì với mẹ. Mẹ cũng dừng tay, ngẩng đầu. Tuân cố lắng nghe. Tiếng ba mẹ lẫn trong tiếng mưa, tiếng gió:

- Thôi, 12 giờ rồi đấy! Nghỉ thôi bà! À! Thằng Tuân sao rồi?

- Nó cảm ông ạ! Ban nãy tôi cho nó ăn cháo, uống thuốc. Nó ngủ rồi. Coi bộ không sao.

- Vậy à! Thôi, đi nghỉ thôi.

Ba Tuân gỡ mắt kiếng đặt xuống bàn. Mẹ Tuân cũng vui vẻ đứng lên:

- Tôi cũng mừng. Tưởng ông với tôi mới kiếm được việc làm thêm mà con lại đau chứ!

Ba vươn vai, xỏ chân vào đôi dép.

Tuân nhảy vội lên giường, trùm chăn xong thì tiếng dép lẹp kẹp cửa mẹ cũng vừa đến.

Bàn tay mát rượi của mẹ nhẹ nhàng đặt lên trán Tuân, một góc chăn lệch được kéo thẳng và mẹ lại nhẹ nhàng trở ra…



Chiều thứ hai, giờ chơi, Sơn kéo vai bạn:

- Xuống đây, tụi tao nói mày nghe cái này!

Hà nhìn Tuân, soi bói:

- Sao? Coi mày bữa nay có vẻ mệt vậy? Bịnh hả?

Tuân thú nhận:

- Ừ! Hình như tao bị cảm hay sao ấy! Chiều hôm qua tao nghe khó chịu trong mình, tưởng hôm nay không đi học được đấy chứ!

Sơn cười nụ:

- Rồi! Nó “chịu” rồi đó tụi bây.

Tuân ngạc nhiên:

- “Chịu” gì?

Hà cười thú vị:

- “Thuốc lá” chứ gì mậy? Mầy ở nhà có thấy “nhớ” thuốc hôn?

Tuân ngẫm nghĩ và thú nhận:

- Ờ nhỉ! Tao cũng nghe thèm thèm mày ạ! Đâu, cho tao rít một hơi coi.

Hà dài giọng:

- Cho mày hút ba bốn bữa rồi mày! Cho hoài vậy?

Sơn dà xếp:

- Thôi, cho nó hút đỡ bữa nay nữa đi. Mai mày đem tiền theo mua “bao” tụi này lại một bữa, nghe?

Tuân cười dễ dãi:

- Mai tao xin ba tao vài điếu cũng được. Trong gói thuốc trên bàn, ba tao có khối ra!

Hà rùn vai:

- Ba mày có hả? Sức mấy!

Tuân lại cười:

- Ba tao lâu lâu mới hút một lần cho đỡ ghiền, nhưng cũng có, ba tao bảo tiết kiệm dần đấy!

Sơn nhíu mày qua làn khói thuốc:

- Rồi ổng “đong thóc” ở đâu?

- “Thóc” gì?

- Thằng cù lần quá mày! Vậy sao mày biết ổng ghiền? Mà ghiền cái gì?

- Thì Ruby chứ gì mậy!

Hà chế nhạo:

- Mày về xin ba mày điếu thuốc, hút coi giống của tụi tao hôn? “Thóc” đây này, “em” ơi!

Hà vừa cười, vừa rút dưới gấu quần một gói ny lông nhỏ xíu chứa chất bột trăng trắng. Nó dí gói ny lông vào mặt Tuân:

- Nè! Coi cho rõ!

Tuân sững sờ buông rơi điếu thuốc đang cầm nơi tay. Tuân há hốc mồm:

- Trời! Cái gì vậy? Bạch phiến hả?

Tuân cứ lắp bắp mà chân tay rụng rời. Một cảm giác sợ hãi xâm chiếm khiến toàn thân Tuân lạnh toát.

Sơn cười đắc thắng, cúi gập người lượm điếu thuốc:

- Sao? Mày thấy “nó” xứng danh hôn? 500đ một gói đó mày. Mai tới phiên mày “chi địa” nghe. Nhớ đem tiền theo, không thì chết cả lũ đó! Hôm qua mày bệnh hoạn gì! Mày “nhớ” nó đó.

Tai Tuân ù đi, trời đất quanh Tuân trong phút chốc bỗng như quay cuồng, đảo lộn! Trời ơi! Mình là một thằng ghiền! Ghiền ma túy! Lũ bạn tai ác và tàn nhẫn!

Hà nhìn Tuân, mắt sâu sắc:

- Nhớ đó mày! Tụi tao chờ mày ở cổng đó! Không có, nó vật cho thì khổ hơn hôm qua nữa đó.

Tuân chợt rùng mình, nhớ đến chiếc đầu lâu trên khung ảnh máy thu hình. Rồi hình ảnh cần cù của cha mẹ và bầy em Tuân hiện ra như trách móc…
Thu hết can đảm của thằng con trai 17, tối hôm đó Tuân ngồi trước mặt cha như kẻ tội phạm trước mặt quan tòa, Tuân thú thật mọi chuyện.

Vẻ đau khổ pha chút giận dữ, cha Tuân nghiêm khắc nhìn con:

- Sao mày dại dột thế? Hở con? Nhưng cũng may là mày biết thương tao với mẹ mày! Thôi được. Sáng mai, tao xin nghỉ một bữa, mày cũng xin nghỉ học chừng tuần lễ, đến bác Hiệp. Bao lâu nay nghe người ta nói hoài chứ không đâu! Thằng dại dột thì thôi! Thật khổ con ơi… Hừ!



Hành lang bệnh viện N.V.H. dài hun hút, gạch men sạch bóng. Bên trong, từng đầu giường kê theo thứ tự, với những hàng số to, rồi nét sơn màu trắng.

Những con bệnh gầy còm, xanh mướt như tàu lá, kẻ nằm, người ngồi dáng suy nhược như những kẻ bệnh hoạn lâu ngày. Mắt người nào cũng sâu, tay chân gầy guộc với những cọng gân xanh. Người nào nhìn thấy bác sĩ Hiệp đi ngang cũng gật đầu cúi chào. Nụ cười luôn thoáng nở trên môi, bác sĩ Hiệp chậm rãi đi bên cạnh Tuân, thỉnh thoảng gật đầu đáp lễ bệnh nhân, giọng êm dịu:

- Cháu thấy đó. Họ là những người ghiền nặng đấy! Cần sa, bạch phiến, hút, hít, choác… đủ cả. Bác rất mừng khi cháu biết thú nhận với bố cháu kịp thời! Không biết bao nhiêu thanh thiếu niên cỡ như cháu phải hỏng cả một đời chỉ vì lỡ vương mang mà không đủ can đảm thú nhận. Trộm cướp, tù tội từ ma túy mà phát sinh cháu ạ! Sinh lực sẽ dần dần mất hết… Như trường hợp của cháu, thật là may mắn! Chữa trị cũng dễ dàng hơn nhiều. Chữa trị thì dễ, nhưng mà đừng trở lại con đường cũ mới là việc khó! Người chữa trị cần phải có nhiều ý chí và nghị lực. Bác mong và tin rằng cháu sẽ làm được…

Tuân như một tín đồ ngoan đạo, lặng yên nghe từng lời nói của vị bác sĩ khả kính.

Hơn một tuần lễ trong bệnh viện, Tuân hết còn nghe cảm giác buồn nôn, vật vã của mấy ngày đầu. Cơm ăn Tuân nghe ngon miệng và nhìn đời với đôi mắt toàn một màu hồng.

Chứng kiến nhiều lần cảnh vật vã đến khốn khổ tột cùng của những “đồng nghiệp”, những cơn ngáp trẹo hàm, vã mồ hôi như tắm, bò lết cả trên nền gạch, nôn mửa, Tuân thầm kinh hoàng trước tác dụng độc hại và khủng khiếp của ma túy!

Còn 3 hôm nữa, Tuân sẽ được xuất viện để trở lại cuộc sống của một học sinh bình thường và khỏe mạnh.

Cả tuần lễ chịu đựng với những khó chịu và khổ sở vì thể xác bị hành hạ qua cơn ghiền, hôm nay Tuân chợt nhớ tới lũ bạn trong lớp.

Chẳng biết chúng đã đi tới đâu rồi?! Ngày mấy điếu? Chả hiểu chúng đã ăn cắp đến đồ đạc trong nhà chưa?!

Như một kẻ chết hụt vừa được cứu sống, Tuân chợt nghe cảm thương những người bạn lỡ bước sa chân của mình! Trời ơi! Phải làm sao báo cho gia đình chúng?

Tuân nôn nao chờ ba đến, chưa bao giờ nôn nao đến như thế! Mong trưa nay ba ghé thăm để Tuân báo tin mừng sắp được xuất viện và nhất là nhờ ba đến trường tiếp xúc với ban giám đốc để thông báo càng sớm càng tốt cho gia đình của mấy đứa bạn Tuân…

Ngoài kia, những tia nắng đầu ngày đang nhảy múa trên thảm cỏ xanh còn lóng lánh sương đêm và mấy con chim nhỏ ríu rít, ríu rít rồi chắp cánh tung bay lên bầu trời xanh màu ngọc bích.


ÁI THƠ       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 115, ra ngày 30-11-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com