Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

LỜI CA BUỔI SÁNG - Mộng Du

 
 
Bé hát êm đềm bên sân vắng
Nghe lời ca ngọt đượm môi thơm
Khoảng sân lung linh thêu hoa nắng
Bên cành thúy cúc bướm chập chờn

Bé hát ru loài chim ngủ say
Trong khóm cây xanh - giấc mộng dài
Câu hát hồn nhiên bờ môi nhỏ
Cũng làm ngơ ngẩn vạt nắng mai.

Lời bé ngọt ngào bài ca xinh
Ngây thơ trong tuổi bé yên bình
Đôi môi hé nở muôn nhạc khúc
Dìu hồn hoa cỏ cõi vô cùng.

Buổi sáng lặng nghe lời bé hát
Bên vuông sân mướt nắng tơ vàng
Nghe thoảng qua hồn cơn gió mát
Như lời ca bé ngọt dư vang...

                                        MỘNG DU
                                   (bút nhóm QHVN)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 110, ra ngày 7-10-1973)



Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

CÁ RÔ VÀ CON LƯƠN - Quốc Bảo

 
 
Ao cá nọ giữa trời nắng gắt
Một con Rô dạo mát quanh bờ
No mồi thích chí nhởn nhơ
Bơi vào bờ cỏ, bất ngờ gặp Lươn

Mắt ti hí, lươn trườn mình tới
Miệng mỉm cười chào hỏi véo von
Rồi bàn việc nước việc non
Trề môi Lươn bảo: - "Ao con nước tù!

Họ cá Rô chẳng ngu chẳng dốt
Mà bao năm bị nhốt trong Ao
Bác ơi nghĩ lại xem nào
Bùn dơ, cỏ thối, bờ ao vây tròn

Sao nỡ để cháu con khổ cực
Chịu đời đời tù ngục âu lo?
Chẳng thà thiếu món mồi to
Còn hơn thiếu chữ tự do suốt đời!

Xin bác hãy theo tôi mau chóng
Tìm con đường giải phóng cá Rô
Bên kia có một cái hồ
Rộng thênh thang lại mồi to sẵn sàng

Thật là cảnh thiên đàng hạ giới
Nếu không tin bác tới cho tường
Nơi đây có sẵn cái mương
Tôi xin bơi trước dẫn đường bác qua

Nghe Lươn nói, Rô ta thích chí
Vội vàng theo chẳng nghĩ thấp cao
Bỏ quê hương, bỏ đồng bào
Bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ Ao... sang Hồ!

Bơi một lúc bỗng Rô chợt thấy
Một cái lờ đặt bẫy ngang mương
Ngại ngùng Rô mới hỏi Lươn
- "Bác ơi! Ai đặt giữa đường cái chi?"

Lươn rằng: - "Chẳng có gì đáng sợ
Hãy bơi mau, Hồ ở kia rồi!
Yên lòng Bác hãy theo tôi
Qua màn tre ấy là đời tự do!"

Rô không còn đắn đo sợ hãi
Theo đuôi lươn chúc đại vô lờ
Than ôi! Một phút dại khờ,
Thế là Rô bị mắc lừa con Lươn!

Vụt mốt cái Lươn trườn đi mất
Rô trong lờ hết đất bơi ra
Khóc than đỏ mắt chi mà
Nghe lời phỉnh nịnh để sa vào tù

Bấy giờ mới biết mình ngu!...

                                        QUỐC BẢO

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 14, ra ngày 14-11-1971)




Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

TUỔI THƠ THẬT ĐÁNG QUÍ - Nguyễn Hùng Trương

 

 Các em mến,

Vừa đây, có vài em viết thư cho chúng tôi ước ao làm người lớn. Làm người lớn sướng lắm chứ, nào được mọi thứ tự do như tự do muốn làm gì thì làm khỏi phải cha mẹ la rầy, ngăn cấm, nhất là tự do tiêu tiền. Làm chủ nhiệm, chủ bút sướng ghê!

Không đâu các em. Tuổi thơ mơ mộng của các em là thời đẹp nhất trong đời người. Các em được tự do nô đùa, không phải nghĩ đến cuộc sinh sống, các em được sống trong tình thương, trong sự trìu mến của mọi người, nhất là của gia đình. Người lớn không có mọi thứ tự do như các em tưởng đâu và trước khi được tự do tiêu tiền, người lớn cần phải làm việc nhiều, vất vả nhiều.

Tuổi thơ là tuổi đáng mến. Tương lai đầy huy hoàng đang chờ đợi các em. Khoa học mỗi ngày mỗi tiến bộ sẽ giúp ích cho các em nhiều hơn. Các em sẽ được hưởng các tiện nghi mà người lớn chúng tôi không còn thì giờ để nhìn thấy. Những ngày sắp tới, biết bao sự phát minh, tìm tòi sẽ làm cho đời sống các em được sung sướng hơn, chẳng hạn các em sẽ được du lịch khắp các nước dễ dàng như các em hiện giờ đi chợ hay đi học vậy. Các em sẽ ít bịnh tật hơn, sống lâu hơn, nếu có bịnh các em chỉ cần ngậm một viên thuốc ngọt như cục kẹo là khỏi ngay.

Vả lại, các em ngày nay thông minh hơn và lanh lợi hơn các trẻ đồng tuổi cách đây hai ba mươi năm.

Khổng Tử khi xưa cũng công nhận kẻ sinh sau thật đáng sợ.

Một hôm ngài đi dạo cùng học trò, gặp một đứa bé lấy gạch vụn xây thành cản lối đi. Ngài bảo: Cháu tránh chỗ cho xe ta qua. Đứa bé đáp: Từ xưa đến nay, xe phải tránh thành, chớ thành nào lại tránh xe. Khổng Tử nói: Cháu còn trẻ, sao ăn nói quỷ quyệt thế? Cậu bé lại đáp: Con thỏ sinh ra ba ngày biết chạy, con cá ba ngày biết lội, con người ba tuổi thì có trí khôn, sao ngài lại cho cháu là xảo trá? Khổng Tử hỏi: Hiện giờ cháu ở đâu , cháu tên gì? Cậu bé trả lời: Cháu ở nơi quê mùa, cháu tên Thác, họ Hạng. Khổng Tử liền mời: Vậy ta muốn cùng cháu đi dạo quanh nơi đây, cháu bằng lòng không? Hạng Thác thưa: Nhà cháu còn cha nghiêm cần phải thờ, có mẹ hiền cần phải nuôi, có anh lành cần phải theo, các em nhỏ cần phải dạy, có thầy sáng cần phải học, có rảnh đâu mà đi chơi rong với ngài. Khổng Tử lại tiếp: Vậy, trên xe ta có sẵn bàn cờ, ta cùng cháu đánh chơi vài bàn cho vui. Đứa bé đáp: Thưa ngài, vua ham cờ bạc thì nước loạn, chư hầu ham cờ bạc thì việc chính bế tắc, sĩ nho ham cờ bạc thì bỏ luống việc học, kẻ làm ruộng ham cờ bạc thì bỏ buổi cày... Thác này thật chẳng dám vâng lời ngài. Khổng Tử bèn nói: Ta muốn cùng cháu bàn việc bình thiên hạ, cháu vui lòng chăng? Hạng Thác lại đáp: Thiên hạ làm sao bình được mà ngài khéo hỏi: hoặc vì có núi cao, hoặc vì có biển rộng, hoặc vì có giai cấp ; bình núi cao thì chim chóc còn chỗ đâu mà ở, bình sông biển thì tôm cá chết hết còn gì, dứt hết giai cấp thì lấy ai chỉ huy, lấy ai sai khiến? Khổng Tử thấy cậu bé giỏi quá, bèn hỏi thêm nhiều câu khó khăn gấp mấy mươi lần, cậu bé đều trả lời trôi chảy cả. Ông định lên xe đi, cậu bé nói: Nãy giờ, ngài hỏi cháu bất cứ câu nào, cháu cũng trả lời đầy đủ. Giờ đây, xin ngài cho cháu hỏi lại ngài vài điều cho rộng điều hiểu biết. Cháu nhờ ngài giải thích giùm cháu con ngỗng, con vịt nhờ đâu mà nổi được, chim hồng chim nhạn nhờ đâu mà kêu được, cây tùng cây bá nhờ đâu mà xanh tươi suốt bốn mùa? Khổng Tử đáp: Ngỗng vịt nổi được là nhờ chân vuông, hồng nhạn kêu được là nhờ cổ dài, tùng bá xanh tươi luôn là nhờ ruột chắc. Cậu bé có vẻ không thỏa mãn nói: Cháu sợ không phải vậy đâu. Cá tôm đâu có chân vuông, sao cũng nổi, con muỗi nào có cổ dài, sao vẫn kêu, giống tre và trúc rỗng ruột sao vẫn xanh tươi luôn? Thôi, xin ngài cho biết trên trời có mấy ngôi sao? Khổng Tử liền nói: Chúng ta hãy bàn việc dưới đất cho dễ cháu à! Cậu bé hỏi ngay: Được! Cháu xin hỏi ngài dưới đất có bao nhiêu nhà? Khổng Tử không trả lời lại nói: Đấy là chuyện xa vời, cháu hỏi việc trước mắt đây thôi. Cậu bé đồng ý: Vâng, vậy lông mày có mấy sợi? Khổng Tử ngán quá, lật đật bước lên xe, nói với học trò: Hậu sinh khả úy.

Các em thân mến,

Các em nên tự hào đã sanh sau đẻ muộn. Bao nhiêu người, từ thượng cổ đến ngày nay, đều làm việc cho các cháu được sung sướng.

Vậy các em hãy cố gắng học hành, vâng lời cha mẹ cùng thầy dạy, ráng trở nên người hữu dụng, tương lai tốt đẹp đang chờ đón các em.


Thân mến,                   
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 11, ra ngày 24-10-1971)



Thứ Năm, 24 tháng 10, 2024

CHO MÙA THU TUỔI THƠ - Dương Đức

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Một chút gió Thu về mơn trên lá
Một chút buồn hiu hắt vắt trong cây
Nghe mùa Thu trở lại nội trong ngày
Em khẽ hát mùa Thu mau trở lại

Kìa nắng Thu dịu mềm trăng trắng trải
Buổi mai hồng khóm cỏ óng như tơ
Có sương vàng điểm giọt lối mong chờ
Nghe những bóng chim về lo líu dậy

Em hát vang trong bình minh run rẩy
Lá mùa Thu xanh đẹp biết bao giờ
Hoa mỉm cười phô nhẹ cánh nhung tơ
Trên lối đường ngày Thu về rộn rã

Em hát trong mùa Thu vàng lạ
Bàn tay thon ấp nhẹ nỗi vui mừng
Vở học trò mới quá, ngửi thơm hương
Trong buổi sáng tự trường hoen chút nắng

Khi lũ chim trong vườn cây rỉa cánh
Cậu học trò cặp vở ngước lên trông
Một con thuyền nhè nhẹ lướt trên giòng
Và có chút tơ trời trắng muốt.

Lá xanh ngoan bỗng ngả vàng lũ lượt
Vài đài hoa nở đẹp rụng bên bờ
Rồi lá vàng xây đắp lối ươm mơ
Đón những bước chân về vui rộn rã

Em đã hay mùa Thu tàn tạ
Vành môi tươi, thơm chút nắng ban chiều
Cỏ bên đường ngủ lạnh, gió hiu hiu
Trăng vừa mới hiện trong màu thơ ấu

Có tiếng cười vỡ tan bên hàng giậu
Đám cộ đèn đông quá, lúc lân về
Trống rập rình nghe thoảng tự đêm khuya
Em khẽ hát trong niềm mơ vĩnh biệt

Em khẽ ca gọi mùa Thu thắm thiết
Em vẫn yêu, vẫn ghét, vẫn mong hoài.
Sớm mai hồng gió lướt lạnh đôi tay
Cỏ vẫn mướt trên lối về Thu mới.

Trong vườn cây xác xao lời cứu rỗi
Một loài chim xoải nhẹ cánh bay rồi
Em đi về khe khẽ hát Thu ơi...

                                       DƯƠNG ĐỨC
                                      (Phan Thiết 72)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 35, ra ngày 5-10-1972)



Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

BÀI CHÚC TỪ BÁO HẠI - Nguyễn Kim Hoàn Mỹ

 
Nhìn những chùm bông đỏ ối của cây điệp trước nhà, tôi lại nhớ đến kỷ niệm khá buồn cười của cuối năm Đệ Thất trường Trung học bán công Võ Tánh.

Năm ấy theo thông lệ, còn nửa tháng đến ngày bãi trường, lớp nào lớp nấy đều bồn chồn lo lắng. Thôi thì hết bàn tán đến hoạch định chương trình này nọ lung tung. Mấy anh bạn tôi ráo riết kêu gọi đóng tiền.

Ấy! Có tiền rồi thì cái gì lại chẳng xuôi chèo mát mái. Các bạn tôi người nào cũng náo nức nên tham gia rụp rụp.

Tinh thần "xung phong tích cực" ấy đã khiến cho "ủy ban tổ chức" của chúng tôi phải hoạt động hết mình để cố gắng làm sao không thua kém lớp Đệ Lục toàn là những tay có "tinh thần tích cực", họ làm coi xôm quá xá! Nào chặt cây đủng đỉnh, dừa nước, bông nho treo la liệt từ cửa vào trong lớp, nhưng đó chỉ mới là dự tính của họ mà thôi.

Thâu được đầy đủ tiền bạc rồi chúng tôi họp lại để bàn chuyện phân công. Anh Dung đảm nhiệm trưởng ban trang hoàng lớp học. Mượn chị Loan em của anh phụ lớp mua bánh trái hộ. Anh Trương lo đôn đốc vệ sinh và trật tự. Anh Lễ cùng một số khác lo phần đãi đằng. Mọi chuyện đều suôn sẻ, duy chỉ còn cử người soạn chúc từ tạm biệt các giáo sư và các bạn thì chưa ngả về ai. Sở dĩ có chuyện như vậy là vì không ai can đảm nhận lãnh cái trong trách ấy cả.

Buổi họp hôm ấy cực kỳ sôi nổi nhằm giải tỏa vấn đề trên.

Anh Bi dõng dạc bảo:

- Theo tôi thấy thì anh Mỹ phải kiêm luôn việc này.

Tôi bảo:

- Không được! Đành rằng tôi khá về Pháp-văn thật, nhưng tôi còn phải lo nhiều việc khác.

Mấy anh có mặt nhao nhao phản đối:

- Việc gì? "Chị" chưa lãnh việc gì kia mà! "Chị" nên đặt thanh danh lớp mình lên mới được.

Tôi đỏ mặt khi các anh kêu tôi là "chị", vì lớp Đệ Thất B có chị Mỹ trùng tên với tôi nên các anh kêu tôi như thế.

Sau một hồi bàn cãi, biết không thể từ chối, tôi đành phải ưng thuận.

Suốt mấy ngày tôi nghĩ nát óc. Trời ơi! Soạn một bài chúc từ bằng Pháp-văn nào có dễ dàng gì đâu.

Thật là khó! Cha chả là khó!

Mỗi lần ngồi trước trang giấy trắng, tôi không biết nhập đề làm sao cho hay, cho cảm động. Tôi viết rồi bôi, rồi xóa hàng mấy chục tờ liên tiếp. Tôi bèn cầu cứu với anh tôi nhờ anh dàn xếp dùm, nhưng mèn ơi, cái anh sao mà ác quá, đã không gà dùm lại còn nói:

- Ái chà! Tụi bây quá xá trời đất rồi. Sao không chịu đặt bằng tiếng Việt-Nam có dễ dàng hơn không. Mình là người Việt chớ có phải là dân Gô-loa đâu mà bày đặt chớ. Thôi, tao không làm đâu.

Anh tôi nói cũng có lý lắm đấy chớ! Nhưng tôi không nghe. Tôi chạy lại nhờ Ba tôi, nhưng người phì cười bảo:

- Ba làm sao được. Anh con nói phải lắm, mình người Việt-Nam nên dùng chữ Việt hay hơn.

Cùng đường, tôi bỗng nảy ra một sáng kiến... Tôi cóp nhặt những đoạn văn trong sách Pháp kết lại làm thành một bài chúc từ, mà khi đọc lên chắc chắn toàn thể lớp học phải phục lắm.

Thực hành ý định ấy, tôi rị mọ đọc chép hơn mấy ngày trời mới thành công được. Tôi chép lại vào giấy trắng cẩn thận và tuyệt đối giữ bí mật không cho ai xem trước cả. Tôi muốn dành một sự bất ngờ mà lị.

Ngày bãi trường đã đến. Quang cảnh lớp nào cũng như lớp nào đều rộn rịp khác thường.

Tới giờ khai mạc. Mấy giáo sư ngồi nghiêm trang chờ đợi. Những lớp bên cạnh đã bắt đầu lên tiếng. Cái giọng anh đại diện lớp Đệ lục sang sảng. Ủa! Sao vậy kìa! Bên ấy sao lại đọc bài diễn văn tiếng Việt. Ái chà, đây rồi đố khỏi bên chúng tôi bị cười cho mà xem...

Tôi trịnh trọng mờ bài chúc từ ra đọc. Vừa đọc qua đoạn giáo đầu cả lớp bỗng túa lên cười ngặt nghẽo. Ngơ ngác tôi không hiểu gì cả. Tuy nhiên tôi vẫn làm gan đọc tiếp. Nhưng càng đọc tới, càng làm cho cả lớp cười rần rần thêm.
 

Một vài tiếng xì xầm:

- Ủa, ở Việt-Nam sao lại đi nghỉ mát ở Provence?

- Bộ nó điên sao chớ. Cái gì mà lại đem vua Charlemagne vô đây chi vậy?

Những lời ấy lọt vào tai tôi. Mặt tôi nóng bừng, lưỡi líu lại không đọc được nữa. Tôi vùng bỏ chạy một mạch về nhà. Sở dĩ tôi phải gánh chịu cái hậu quả ấy là vì tôi quên sửa lại tên tỉnh và người phù hợp với Việt-Nam và tôi chắp nối không được liên tục.

Phải chi tôi soạn bằng tiếng Việt thì bài chúc từ đâu có đến nỗi sang đàng như vậy... nghĩ cũng tức cười!!


NGUYỄN KIM HOÀN MỸ    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 10, ra ngày 25-10-1963)

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

KHAI GIẢNG LÚC TÀN THU - Lá Đa Sầu

 
 
Còn vài hôm nữa em đi học trở lại rồi đó Tưởng. Trường của em học có những cái đặc biệt như chiếc áo dài em mặc đi học vậy đó. Nó màu xanh trời thay vì trắng. Và em nghỉ hè vào đầu mùa thu, đi học lúc cuối thu. Nói cho văn chương thì em sẽ khai giảng vào những buổi tàn thu. Trời cao nguyên bắt đầu lành lạnh. Em sẽ khoác áo len màu xám. Đường đến trường có những cỗ xe già nua cũ kỹ, có những vó khua lộc cộc buồn rầu. Hôm nào lười em hay leo đại lên một chiếc xe ngựa nào đó, đến trường ; em thích đưa tay ra hứng những chiếc lá phượng li ti rơi rớt vào lòng đường một cách nhỏ nhoi tội nghiệp, bỏ chúng vào lòng vở. À! Từ hôm nay sẽ không viết thư cho anh đều ngày một lá được đâu. Bận học chứ, năm nay toán khó quá, rắc rối lại thêm lẩm cẩm mà. Viết cho anh hoài em sẽ dốt toán. Nếu có anh em chả lo vì có thể nhờ anh giải hộ. Nhưng bây giờ em phải hì hục một mình, làm cả ngày có khi không ra em chỉ có nước khóc. Thế là anh đang cười em rồi đó, phải không? Đừng có cười, biết anh giỏi toán lắm rồi. Sao mấy hôm rồi chẳng có được cho người ta cái thư nào hết vậy? Đừng hòng em đi gởi cho cái thư hỏa tốc nếu không viết đều cho em. Ngày nào nó cũng nhịn mất mười đồng ăn sáng đi bỏ cho anh lá thư. Thỉnh thoảng còn bắt nạt em đòi hỏa tốc. Tưởng ơi! Bây giờ em gầy bằng cỡ cây tăm, sáng nhịn ăn hoài lấy đâu mà mập. Còn làm bộ nhân đạo bảo thôi, thôi! em đừng hỏa tốc nữa, thật dễ ghét cho anh. Đọc thư trước của anh gặp mấy câu "thôi thôi..." em buồn cười quá! Nói vậy chứ người ta vẫn tà tà dụ khị mấy đứa em ăn "ké" như điên, anh đừng lo. Bây giờ em chỉ sợ không rảnh viết đó thôi. Suốt ba tháng hè em đi mòn con đường T.N. Ít ra cũng vài phân. Đi bỏ thư cho anh đó mà. Mưa nắng gì em cũng có mặt trên T.N. ngày một lần, đều đặn hơn uống thuốc. Độ này tim em yếu lại rồi Tưởng ơi! Nó nhảy Tango trong lồng ngực em! Có hôm đang làm bài em chợt lảo đảo thở chả ra hơi anh ạ! Giá em được qua Đà lạt học, và nhất là khỏi học toán chắc em khá hơn. Mấy bài tón nào vật lý, toán đại lẫn hình đều dễ ghét ngang nhau. Hôm nọ thầy Đ. ở trường thấy trên trang vở đầu tiên của em có đề: Nêu ai hỏi tôi tại sao em đi học và đi học để làm gì? Tôi sẽ trả lời: bởi hai lý do: Vật chất: Trả ơn đời. Tinh thần: Quên đời.
 
Thầy Đ. nhìn em đôi mắt lạ lùng và giờ toán nào cũng "chiếu tướng" em quá trời: Cứ xách đầu em lên bảng. May mắn cho em (chắc nhờ anh khấn vái, cầu trời phù hộ cho em đó, cám ơn "lòng tốt" của anh), chưa làm sai lần nào nên lãnh điểm ngon như ăn kẹo dừa. À, em quên mất độ này em hay ăn kẹo dừa ghê, ghiền ghiền nó rồi, ăn kẹo nhớ anh lắm! Sời ơi! Đừng nhân cơ hội viết cho người ta: "Cho anh hút thuốc... lén nhé, mỗi lần hút thuốc anh nhớ Đán nhiều lắm bé ơi!". Không! Không! Đừng có ham, hút thuốc khác ăn kẹo, cấm hút thuốc. Anh ơi! Sáng nay nhỏ H. mới cho Đàn đóa hoa hồng, đóa hoa đẹp quá, mới nở hé thôi, em bỏ luôn vào thư gởi cho anh nghe. Em nhớ dạo nọ anh bảo thích hoa hồng nhung lắm phải không. Nếu lớn em mong sẽ thiết lập được một hiệu hàng hoa. Bán đủ các loại hoa, và đặc biệt ai mua hoa hồng tặng người yêu em sẽ cho không. Bán hoa chắc thú lắm hả anh? Eo ơi! Em chóng mặt quá! Chắc tại nãy giờ viết dưới ánh đèn... cầy. Cúp điện từ sáng đó anh, bây giờ phải dẹp thư vào không viết nữa đâu. Bác sĩ bảo coi chừng cận nặng lên phải đeo kính thì khổ lắm, bây giờ vừa một độ rồi đó nghe...
 
Lá thư tới đây bỗng dừng ngang. Nàng gởi tôi đóa hoa hồng cháy mất vài cánh và cái lá. Một lá thư dở nàng lăng quăng vẽ mấy cô hippy đeo kính cận thực dễ thương (giống nàng), cô bé bảo lỡ tay ngã cây đèn cầy cháy queo cả lá hồng và xém cháy thư, phía dưới là hình cô nàng le lưỡi dài ra, cổ rụt lại, tự nhiên tôi thấy thương quá, muốn bay về với nàng...
 
 
LÁ ĐA SẦU      

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 35, ra ngày 5-10-1972)


Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

THÍCH HỢP VỚI HOÀN CẢNH - Đỗ Phương Khanh

 

 Thư của em Đ.T.M.C. Biên Hòa.

... Trong SM số 52 chị trả lời cho N. ở Gò Công có đoạn : Nếu hắn nói chuyện văng nước miếng vào mình, thì em nên đứng ra xa và tự nhủ: "Còn hơn hắn văng tục  với mình". Thưa chị, chúng em có thể thêm, chẳng hạn như "Bạn nói tục với mình còn hơn hắn đánh mình" và "bạn đánh mình còn hơn hắn v.v..." Như vậy có phải chúng ta chấp nhận sự xấu.
 
Trả lời:

Chị rất vui lòng thấy em đọc và suy nghĩ kỹ càng. Chị càng vui thêm ở chỗ sau khi suy luận, em gửi thư tới bầy tỏ quan điểm của em, như thế mới có thể bàn rộng để hiểu rõ và đả phá cái quan niệm ù lì của phần đông chúng ta, cái quan niệm "mười rằm cũng ừ, mười tư cũng gật", không có ý kiến với bất cứ vấn đề gì.

Sự nhường nhịn hay dễ tính, chỉ có thể dừng ở mức vừa phải. Phần nhiều những bất đồng ý kiến đưa tới chiến tranh cũng là vì người ta không dừng lại ở mức vừa phải, mỗi người đều quyết liệt đạt bằng được ước muốn của mình theo ý mình. Chị khuyên em N. nên thích hợp với hoàn cảnh là vì sự hút thuốc cũng không có gì là quá đáng lắm, chứ nếu cứ suy luận kiểu em thì tới khi bạn giết người mình cũng chấp nhận hay sao. Nhớ rằng chỉ chấp nhận những cái gì tương đối có thể chấp nhận, bằng thái độ hòa đồng, để mình khỏi bực bội, và bạn khỏi bị khó chịu vì mất tự do. Nhưng phải giới hạn trong mức vừa phải, không vượt quá sức chịu đựng của sự hòa nhã, em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 62, ra ngày 29-10-1972)


Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

MARRY! VÔ ĐI CON, VÔ ĐI! - Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch

 

Cứ mỗi năm chúng ta lại có được thêm một mớ hồi ký và niềm vui. Chuyện tôi sắp kể đây là một chuyện vui, rất đặc biệt của tôi hồi năm ngoái, chuyện một cuộc khởi hành mới trong đời người, chuyện một thiếu nữ cài một vòng hoa trên mái tóc nâu để về nhà chồng. Tên thực của em đó không phải là Mary, tôi đã lựa tên đó vì thấy nó rất hợp.

Tôi nhớ chừng rằng đã gặp em mấy lần đầu cách đây mười bốn năm, vì lúc đó em tám tuổi.

Một buổi sáng nọ tôi nhận được một bức thư nói về một em bé bị mọi người bỏ quên, nhờ vậy mà tôi được biết em. Lúc đó em ở trong một viện nuôi các trẻ mà cha mẹ đem lại gởi tạm vì không săn sóc được. Các trẻ đó chỉ ở trong viện một thời gian thôi, nhưng riêng em Mary thì ở lại lâu. Người ta bảo các giấy tờ về em đã thất lạc mấy năm trước từ khi em được đưa vào viện. 

Không ai biết cha mẹ em là ai, em sanh ngày nào ở đâu, nhưng em có vài nét phương đông. Em không nói, vậy chắc là trì độn. Người viết thư hỏi tôi có thể lãnh em trong cơ quan nhận nghĩa tử mà tôi đã tiếp tay thành lập mấy năm trước không [1].

Bức thư không có gì đặc biệt trừ điểm này: đứa nhỏ đó không nói, nó trì độn. Tôi đáp rằng rất tiếc cơ quan của tôi là một cơ quan nghĩa tử [2] không giúp gì được nhiều cho em Mary, nhưng nếu tôi kiếm được một nơi nào nhận những trẻ như vậy thì tôi sẽ giới thiệu. Rồi tôi ráng quên em nhỏ đó mà mọi người đã bỏ quên nó.

Nhưng nửa đêm hôm đó tôi bỗng tỉnh dậy, và tôi hiểu ngay vì đâu một câu hỏi lởn vởn trong đầu óc tôi làm tôi thức giấc. Có thực là em Mary trì độn không? Tôi chưa thấy em. Nhân viên trong cơ quan đó có lòng tốt cả đấy nhưng họ bận việc quá, có lẽ chưa dò xét kỹ cá tính của em nhỏ đó chăng? Việc đó mình phải làm mới được. Tôi bèn dậy viết một bức thư ngỏ ý muốn gặp em Mary và xin người ta cho tôi giữ em vài tháng.

Ít bữa sau, một bà đã đứng tuổi, vẻ hiền từ, dắt một em gái lại kiếm tôi. Em nhỏ nhắn yếu ớt, cầm một chiếc "xắc" đỏ, thứ rẻ tiền, nhưng còn mới.

Tôi bảo em:

- Mary, vô đi con, vô đi !

Mary đứng yên trong khi bà đó cởi áo ngoài, lột nón cho em. Em không ngước mắt lên mà cứ đứng đợi, tay nắm chặt cái xắc đó, cho tới khi bà đó đẩy nhẹ để em ngồi xuống một chiếc ghế dựa. Bà ta nói với tôi:

- Nó như vậy đấy. Không bao giờ nhúc nhích, mà cũng không bao giờ nói một tiếng.

- Bà có điều gì cho tôi biết thêm về em không?

- Không. Nó như vậy đấy. Nếu không bị thúc đẩy thì nó không làm gì cả. Thế thôi.

Quả thực là em Mary không làm gì hết. Em ngồi yên mặt cúi xuống, có vẻ không nhận ra mình ở đâu nữa.

Bà nọ đứng dậy cáo biệt:

- Nếu có điều chi khó khăn, xin bà cho tôi hay.

- Chắc không có gì khó khăn đâu.

Đó câu chuyện bắt đầu như vậy. Rồi mấy tuần kế đó ra sao? Chúng tôi cứ nói chuyện với Mary, coi em như là biết nói vậy. Cũng may, trong lẫm có mấy con mèo con mới sanh và lần đầu tiên tôi thấy em cười khi chơi với chúng. Tôi để em tự do đi đi lại trong nhà tùy ý, và em tập đánh du dưới cây dẻ cổ thụ. Đi đâu em cũng kè kè ôm cái xắc đỏ, không rời một phút. Sau cùng một hôm em để nó ở trên lầu. Chúng tôi mừng, một tia hy vọng lóe ra rồi đây. Mấy ngày sau cũng vui nữa. Em chạy trên bãi cỏ. Em hết sợ bò cái và có khách tới thì em không trốn nữa vì biết rằng người ta lại không phải để bắt em đem đi.

Sau cùng, hết một tháng thì em bắt đầu nói. Chỉ để xin những vật mà em muốn: một trái cam, một con búp bê, một cái áo đẹp. Hết hai tháng, em đã nói chuyện rồi và chúng tôi quyết định cho em đi học. Chúng tôi tìm được một cô giáo có tinh thần hiểu biết, cô hứa không ép em tập đọc ngay. Trong một thời gian cô để mặc cho Mary ngồi ngó các em khác. Và Mary tập chơi trước khi tập đọc. Sau sáu tháng, thái độ của em làm cho tôi vững bụng. Tôi dắt em lại một nhà tâm lý học để ông kỹ lưỡng trắc nghiệm em. Trắc nghiệm xong ông bảo tôi:

- Không có gì đáng ngại cả. Em đó hoàn toàn bình thường, chỉ bị một xúc động tinh thần thôi.

Có thể nói, em như mất hồn. Bây giờ em đương tự tìm lại em đây. Em phải tự tìm thấy được em đã rồi người khác mới tìm ra được em.

Tới lúc chúng tôi không thể nuôi em làm con nuôi được nữa vì chúng tôi già quá rồi, không thể làm cha mẹ em được. Nhưng tôi không thể đành lòng cho em đi đâu xa quá thị trấn bên cạnh. Tôi bảo em:

- Con phải có ba và má trẻ. Còn vợ chồng tôi thì sẽ là ông bà của con. 

Một cặp vợ chồng trẻ nọ muốn nuôi em. Em làm quen với gia đình đó gồm hai đứa trẻ nữa và chịu lại đó ở. Lúc đó em đã hoàn toàn an tâm rồi. Nhưng buổi sáng cuối cùng, khi chia tay, vài giọt lệ lấp lánh trên hàng lông mi đen của em. Tôi làm bộ như không thấy, bảo em:

- Ngày mai con lại đây tắm với ông bà nhé.

Viễn cảnh đó làm em mỉm cười vì em mới tập lội được ít bữa.

Rồi mấy năm sau ra sao? Chúng tôi mừng rằng càng ngày chúng tôi càng hóa ra không cần thiết cho em nữa, như vậy là em đã vui với gia đình ba má nuôi. Thỉnh thoảng ba má em lại nhờ tôi chỉ bảo. Em tới nhà tôi lần nào là chạy ngay vô lẫm kiếm xem có mèo không.

Ba má em bảo:

- Cũng có nhiều lúc khó khăn. Cháu bình thường đấy, nhưng phải gắng sức lắm mới học được. Không biết rồi cháu sẽ học được tới đâu.

Nhưng mỗi ngày em một diễm lệ lên. Những mái tóc nâu bao khuôn mặt của em. Cặp mắt em hồi trước rầu rầu, lờ đờ có vẻ như nhìn mà không thấy, thì bây giờ sáng ngời, sắc sảo. Bóng dáng em thanh nhã, em có một cái duyên say đắm. Tôi đoán rằng Jonathan bắt đầu để ý tới em hồi ở Trung học. Em Jonathan lớn con, thông minh, mê khoa học và toán. Ba má nuôi em Mary và tôi đều lo ngại. Tôi dặn ông bà đó:

- Đừng để cho Mary mê thiếu niên đó. Cả hai còn trẻ quá. Tôi không muốn cho nó khổ. Với lại cha mẹ cậu nọ có chịu nhận Mary không? Làm sao cho ông bà ấy biết được Mary thực sự ra sao? Chỉ có thể cho họ biết hiện lúc này đây nó ra sao thôi.

Ba má Mary là những người thận trọng, coi chừng không cho Jonathan gặp Mary thường quá. Với lại Mary cũng rất bận việc: học may vá, làm bếp. Nghỉ hè, theo cha mẹ đi nghỉ mát, và gặp những thiếu niên khác. Hết Trung học, em lên lớp Dự bị Đại học. 

Sau cùng chúng tôi thấy rằng chúng tôi đã lo ngại hão. Cứ sau mỗi lần xa nhau, hai trẻ lại tìm kiếm nhau. Jonathan, thi cử nhân, đậu cao, được học bổng để chuẩn bị thi tiến sĩ. Từ hai năm rồi, Mary đã đi làm và hãng rất thỏa mãn về công việc của em. Tới lúc bọn trẻ lãnh lấy trách nhiệm. Tôi còn nhớ lần chúng lại thăm tôi. Tối đó là tối mùa đông, trước ngày Noel. Tuyết đổ. Tôi đương ngồi trước lò sưởi, đương nghe một khúc hòa tấu của Brahms. Họ nắm tay nhau, bước vào, má đỏ ửng vì lạnh.

Jonathan bảo:

- Chúng con sắp cưới nhau. 

Chúng tôi ngồi nói chuyện cho tới khi củi cháy hết, chỉ còn than. Jonathan tặng Mary một chiếc nhẫn làm quà Noel. Kế đó tôi ra nước ngoài trong vài tháng rồi về ngay để kịp dự đám cưới mà tôi không muốn bỏ lỡ vì bất kỳ một lý do gì. Lễ cưới cử hành một buổi chiều đẹp tháng sáu, trong một giáo đường nhỏ, nơi trước kia Mary đã được rửa tội. Người ta dành cho tôi một ghế ở hàng đầu. Bản hành khúc vang lên. Chúng tôi đứng dậy. Chú rể đứng đợi với cậu phù rể, nghĩa huynh của Mary.

Tôi quay lại. Đi đầu là bốn cô phù đâu (cô thứ nhất là nghĩa tỉ của Mary) bận áo bằng hàng mỏng màu xanh vỏ trái táo. Rồi tới Mary bận áo sa tanh trắng, chiếc "voan" bằng ren, tay cầm một bó hoa, khoác tay cha tiến tới, mặt tươi rói và diễm lệ. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn rưng rưng nước mắt như hôm đó. Không phải khóc vì đa cảm, vì phải xa cháu đâu. Mà khóc vì vui; thế là tôi đã thỏa nguyện. Tôi nhớ lại nét mặt em nhỏ khi người ta dắt lại cho tôi, em nhỏ làm cho người ta tuyệt vọng đó thì bây giờ đây, nhờ tình thương và lòng tin đã biến đổi hẳn rồi.

Còn một chi tiết nữa làm cho ngày vui đó hoàn toàn. Khi làm lễ xong rồi, khi Mary đã thành vợ của Jonathan, và cùng nhau vui vẻ lanh lẹn bước ra khỏi giáo đường rồi, bà mẹ chồng Mary bước qua gian giữa giáo đường, tiến lại gần tôi, nắm lấy tay tôi bảo:

- Tôi muốn thưa với cụ rằng vợ chồng tôi lấy làm vinh dự được cháu Mary về làm dâu. Chúng tôi đều mến cháu.

Bây giờ thì Mary biết mình là ai rồi. Và chúng tôi cũng biết nữa.
 
 
Pearl Buck 
     
_____
[1] Tác giả, nữ sĩ Pearl Buck, được giải thưởng văn chương Nobel và giải Pulitzer, đã tận tụy cứu giúp các trẻ mồ côi, tàn tật. Bà nuôi chín người con nuôi. Năm 1949 lại thành lập một nhà tiếp nhận các trẻ mồ côi lai Mỹ Á. Gần đây bà lập thêm một hội thiện gọi là Fondation Pearl Buck (hộp thư 2.137, Philadelphie, Pennsylvanie, 19.103) để cứu vớt những con hoang của quân nhân Mỹ bị bỏ rơi bơ vơ ở nước ngoài.

[2] Cơ quan nuôi các trẻ bơ vơ, gia đình nào muốn nuôi con nuôi thì lại đó tìm lựa.


Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

LẠI NÓI CHUYỆN LÀM ƠN MẮC OÁN - Nguyễn Hùng Trương

 

Các em thân mến,

Tuần vừa qua, chúng ta nói chuyện với nhau về "làm ơn mắc oán".

Đổng Trác được ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi cứu mạng, đã không cảm ơn lại còn hất hủi, sai quân đuổi ra khỏi trại người ân của mình, chỉ vì lòng tự ái, không dám nhìn nhận tài năng của ba kẻ không chức tước, địa vị, lại hơn mình.

Cũng trong thời Tam quốc bên Tàu, Viên Thiệu, minh chủ các chư hầu chống Đổng Trác cũng có thái độ vô ơn như trên.

Trong khi các chư hầu đang họp nhau để bàn kế đánh Đổng Trác, Đổng Trác đã sai Huê Hùng đến khiêu khích trước trại của Viên Thiệu. Viên Thiệu sai tướng nào ra đương cự cũng đều bị Huê Hùng giết cả, không còn ai dám ra đánh nữa.

Viên Thiệu khi ấy lấy làm bối rối. Quan Công lúc đó còn là tên vác cung, không ai biết tên tuổi, xin ra trận. Viên Thiệu thấy chỉ là tên cung thủ hèn hạ, sợ địch quân cười mình hết tướng, cho đuổi ra ngoài. May nhờ có Tào Tháo phân giải hơn thiệt, Viên Thiệu mới bằng lòng.

Tào Tháo sai đem một chén rượu nóng đãi Quan Công trước khi xuất trận.

Quan Công xin để chén rượu ở đấy, đợi đánh thắng rồi sẽ uống cũng không muộn.

Quan Công nói xong, liền phóng lên ngựa ra đánh với giặc chỉ trong chốc lát đã chém được Huê Hùng và đem đầu về, chén rượu còn âm ấm.

Viên Thiệu cũng như Đổng Trác ở chuyện trước đã không mang ơn Quan Công, lại còn tỏ vẻ không bằng lòng và cho đuổi ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi ra ngoài, vì lẽ Viên Thiệu tự thấy mình là minh chủ của các chư hầu mà không có tướng chống lại được Huê Hùng, lại phải nhờ đến tên bắn cung tầm thường.

Viên Thiệu nói cho đỡ ngượng với chư hầu:

- Hai tướng Nhan Lương và Văn Xú của ta mà có ở đây thì dù hàng ngàn đứa như Huê Hùng cũng không đáng kể.

Nhưng Nhan Lương và Văn Xú có giỏi gì đâu, sau này đều bị Quan Công giết chết.

Trong quyển Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký cũng có chuyện làm ơn mắc oán.

Một con beo đi dạo chơi bị chó sói rượt nà. Trong cơn nguy nan, may gặp một ông già bèn van xin ông cụ cứu giùm. Động lòng trắc ẩn, ông cụ bảo con beo chun vô cái đãy của ông để ông vác mà đi. Chó sói chạy đến, không thấy con beo đâu cả, hỏi thăm ông già, ông già trả lời không thấy beo chạy ngả này. Chó sói bỏ đi.

Đợi chó sói đi xa, ông già bèn mở đãy thả con beo ra. Con beo lúc ấy hết sợ nên bắt đầu thấy đói, đòi ăn thịt ông già. Ông già ngạc nhiên hỏi: Tao làm ơn cứu mày khỏi bị chó sói ăn; sao bây giờ mày lại đòi ăn thịt tao? Con beo trả lời: Ông cứu gì tôi. Ông bỏ tôi vô trong đãy  ngộp muốn chết. Tôi bây giờ đói quá, phải ăn mới được. Ông già dỗ dành: Thôi chúng mình đi hỏi ý kiến những kẻ xung quanh xem nếu mày có lý, tao bằng lòng để cho mày ăn.

Gặp một cây cổ thụ, con beo liền hỏi phải quấy. Cây to trả lời: Con người là giống bất nhân, ăn thịt nó đi cho rồi. Chúng tôi đã bao lần giúp chúng nó làm nên cửa nhà, vậy mà chúng nó nỡ lòng nào lấy búa, rìu chặt, chém chúng tôi hoài, ăn thịt nó đi! Nghe qua con beo liền xốc đến định ăn thịt ông già: Ông còn bào chữa gì nữa? Ông già trả lời: Cây cối là vật vô tri, vô giác, không biết gì, hơi đâu mà nghe.

Họ bèn dắt nhau đi và gặp một bầy trâu già. Nghe con beo hỏi, trâu già liền nói: Con người thật bạc bẽo. Chúng tôi làm tôi mọi cho họ suốt đời, nào cày, nào bừa để họ gặt được lúa gạo ăn no ấm. Thế mà khi chúng tôi chết rồi, chúng tôi cũng không được yên thây. Họ phân xác chúng tôi ra, lấy thịt đem bán, lấy xương làm lược, lấy da chúng tôi bịt trống, đóng giày, đóng dép. Thật là bọn vô ơn, ăn thịt nó đi là phải. Con beo khoái chí đòi  ăn, ông già năn nỉ: Lời nói của bọn súc vật hơi đâu mà tin. Mày hãy để tao hỏi ý kiến một lần nữa, nếu họ tán thành lý lẽ mày, tao vui lòng để mày ăn thịt tao.

Đi một đoạn đường xa, họ gặp một người con trai đi bên đường. Anh này bảo con beo thuật lại rõ ràng từ đầu câu chuyện. Nghe xong, người con trai bảo con beo: Hồi lúc nãy làm sao mày chui vào được trong đãy ông cụ, mày chui vô lại cho tao xem thử. Con beo nghe nói chui vô đãy. Người con trai cột miệng đãy lại, hét to lên: Con beo này, người ta cứu mày mà mày lại vô ơn, tội đáng chết. Nói xong, anh ta bẻ cây đập chết con beo.

Các em thân mến,

Trên đây là những trường hợp đặc biệt làm ơn mắc oán, mà kẻ vô ơn cuối cùng rồi cũng bị hại.

Chúng tôi xin nhắc lại lời khuyên các em nên xem việc cứu giúp như bổn phận của một con người, rồi thôi. Đôi khi chúng ta cũng gặp vài kẻ vô ơn, nhưng không vì vậy mà chúng ta lại nỡ lòng thờ ơ với người hoạn nạn, phải không các em.


Thân mến chào các em           
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 59, ra ngày 8-10-1972)



Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

CHIM MÙA NGÀN XƯA - Trường Thy Dzạ Vũ

 
 
Đồi hoang nghe như vùng trời đổ nắng
Đàn nai trở về quán lá mù sương
Loài hoa miên man những ngón tay buồn
Mắt ngọc triền xanh thêm dài vũ trụ.
 
Phiến đá trơ vơ lưng chừng giấc ngủ
Ước muốn suy tư lên vỏ cây sầu
Chim rừng vỗ cánh bốn mùa lao xao
Dòng suối ưu phiền chảy qua lối cát.
 
Gió nghỉ trên cao xuôi nguồn nước mát
Mưa lá thiết tha, gà gáy muộn phiền
Chập chùng ngàn thông reo tuổi bình yên
Cỏ non dấu hạ xa vời biển nhớ.
 
Ngút lời ca dao mỏi mòn phố chợ
Trái mộng rừng thiêng nuối tiếc mông mênh
Thôn xưa bản nghèo mây khói lênh đênh
Chim sâu vỗ cánh về mùa nhân ái.
 
                               TRƯỜNG-THY-DZẠ-VŨ
                                   (Văn nghệ Mây Trời Việt)
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 78, ra ngày 1-10-1967)



Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

NHỮNG GIỜ HỌC CŨ - Lê Đăng Khoa

 

 Năm học lớp "7" của chúng tôi quả là một năm học đến nay tôi vẫn còn luyến tiếc. Mỗi lần đi ngang qua lớp cũ, tôi vẫn nghe một chút gì vừa thân mật, vừa quyến rũ... Những tình cảm đó dâng lên trong lòng tôi một cách nhẹ nhàng, nhưng vô cùng sậu đậm.

Lớp "7", một lớp những thằng con trai "nghịch như khỉ" đã bắt đầu quen với không khí của bậc trung học. Chúng tôi là con trai nên đứa nào cũng "lém đặc ruột". Đầu năm chúng tôi hãy còn ngán oai của các thầy. Chúng tôi chỉ tấn công phòng học, vì "hắn" không bao giờ "mét" thầy hay phản đối thủ phạm. Những câu châm ngôn treo trên tường đã bị sửa chữa, thêm thắt vào. Những câu: "Nhân chi sơ, tánh bổn quạu", "Người lịch sự bỏ rác vào túi kẻ khác" được thay chỗ cho "Nhân chi sơ, tánh bổn thiện", "Người lịch sự bỏ rác vào túi"...

Dần dần chúng tôi đặt "danh hiệu" cho nhau, tùy theo đặc điểm của mỗi đứa. Riêng tôi, thay vì Vũ Hùng như tên ba má tôi đặt khi tôi vừa khóc chào đời ; tụi "quỉ" đã không xin phép tôi, cũng chẳng nấu chè, dám đổi tên tôi lại là "Vũ Mùng"! Cả thằng Thơ bạn tôi cũng bị gọi là "Thỏ"...

Chỉ cần nhìn vào ban đại diện của lớp tôi, những ai "yếu bóng vía" cũng đủ run rồi! Minh "lực sĩ", trưởng ban thể thao, một học sinh "phẻ mạnh" phơi bày một thân hình lực lưỡng như... cây tăm. Hưng "Việt gốc than", trưởng ban sạch sẽ. Tư Nịnh (tên thật của hắn là Ninh) trưởng ban trật tự. Tay này đã nổi danh với nhiệm vụ của hắn! Đến nỗi, có lần thầy "khen":

- Ninh ơi! Em sao giống chinh phụ quá! Suốt giờ thầy thấy em lải nhải hoài.

Tệ hại nhất là trưởng ban văn nghệ, "Vũ Mùng" tôi, Tụi "quỉ" đã bầu cho tôi vì chúng bảo rằng: "nội cái tên của mầy không, đủ ăn tiền rồi!". Toán viên của tôi cũng toàn là những "ca sởi" ; họ chỉ biết "hét" chứ không biết hát. Ban văn nghệ của tôi chỉ "ruột" mỗi một bài "Quốc ca".

Chúng tôi lúc đó thật là trẻ con và vô ý thức về hành động của mình. Những giờ tan học năm, bẩy đứa kéo nhau đi một vòng phố, tình cờ gặp ông thầy già dạy Công dân. Chúng tôi đã cười và chỉ cho nhau:

- "Ông ngoại" kìa tụi bây ơi!...

Khi thầy nghe được và nhìn chúng tôi, cả bọn lại ù chạy đường khác để tránh mặt thầy. Thầy đã nói một câu mà đến sau này chúng tôi mới đủ trí khôn, để nhận thấy mình quá lỗi:

- Mấy con đi gặp thầy phải chào, thưa. Làm gì chỉ chỏ nhau cười vậy? Mai mốt thầy chết, đám ma đi ngang chỗ mấy con đứng. Mấy con dám vỗ tay reo: "Đám ma ông ngoại kìa tụi bây ơi!" lắm phải không?...

Giọng nói khàn khàn, buồn bã của thầy đến giờ như vẫn còn vang bên tai tôi. Lời nói của bậc thầy đáng kính, vị tha biết bao!... Thầy trò chúng tôi đã sống trong những giờ học vui nhộn và thân mật. Lòng thương yêu tha thứ cho học trò của những thầy tôi, sự liến thoắng của chúng tôi đã làm chúng tôi mong năm học không có ngày nghỉ...

Những giờ học Việt văn vui nhộn với thầy B. Thầy giảng bài thật hay. Thơ thường khều tôi, chỉ cho tôi nhìn vẻ mặt say mê của anh bạn "Giám sún". Giám đang há "mồm", mắt nhìn chăm chăm thầy. Thơ hay bảo nhỏ với tôi: "Nó muốn "ăn tươi nuốt sống" thầy sao! Để tao nhử cho nó gáy!". Thơ bứt tóc ngoáy vào mũi "con dế" Giám. Những lần như thế Giám đập tay Thơ kêu "chát" và phùng miệng:

- Đồ "chằn ăn, trăn quấn"! Chơi vậy sao ta?...

Tôi và Thơ lại có dịp cười khúc khích. Giám đã chơi xỏ Thơ để rửa hận. Trong giờ Việt văn, có lần Giám đã nhắc nhở:

- Xưa nay đều trọng người chân thọt.
Ai nấy nào ưa kẻ mắt đui.

Thơ vì quá tin bạn, nên đã được thầy B khen: "- Hay!" thật to và thân ái tặng cho hai quả trứng ngỗng - về tội bỡn cợt trong giờ học. Thơ cũng không bỏ qua cơ hội nào để phá lại Giám. Giám rất dở Pháp văn. Trong giờ Pháp văn Giám cúi gầm vào tập không dám ngước lên sợ thầy "xỉ" mặt. Hắn đã từng thú nhận: "Tới giờ Pháp văn là tao muốn cúm". Mỗi lần cây bút của thầy N rà trên mặt sổ khuyên điểm, muôn lần như một Giám lảm nhảm:

- Ý trời! Xích lên một chút thầy... xuống một chút thầy... chắc ổng "pháo kích" ngay tao quá Hùng ơi!

Có lần Giám bị gọi, thầy cấm không cho ai nhắc. Mặt của hắn tái xanh một cách đáng thương. Khi được hỏi: "- Hình dạng của trái đất như thế nào, vuông, tròn hay dài? Giám ấm ớ, thầy đã nói cho hắn vuốt đuôi:

- La terre est car...

Giám đã nhanh nhẩu tiếp:

- La te e ca rê (La terre est carrée) (Trái đất thì vuông).

Giám đã bị thầy "rê" lên đầu cái "cốc" âu yếm. Cả lớp cười đến đau bụng...

Những giờ toán của lớp tôi cũng không bao giờ khô khan hay chán nản. Thầy K dạy Toán là một huynh trưởng hướng đạo cởi mở. Thầy đã thân mật nói với chúng tôi:

- Thầy đã từng đi nhiều chỗ, bất cứ trò chơi nào thầy cũng biết hết!

Có tiếng hỏi to của "Hưng tồ":

- Thầy biết binh xập xám không thầy?

Thầy đưa cây thước dài giá giá trên không và hỏi: - "Em nào muốn binh xập xám? Lên đây thầy binh cho". Rồi thầy trò chúng tôi cùng cười...

Biết bao kỷ niệm được pha trộn bằng lòng vị tha, cởi mở của những bậc thầy với sự vô tư, nghịch ngợm của tuổi học trò trôi qua theo thời gian. Đến cuối năm học, chúng tôi đã tổ chức buổi liên hoan, dưới sự chứng kiến của các thầy.

Chúng tôi toàn là con trai đã rủ nhau đi chợ từ sáng sớm. Cả lớp loay hoay trang hoàng phòng học, đến hai giờ chiều mới xong. Ban tổ chức lăng xăng mời các thầy kèm câu: - "Lớp em có chương trình văn nghệ hấp dẫn lắm thầy!"

Nhưng sự thật lớp chúng tôi có chương trình nào đâu! Tụi quỉ chỉ mới cho tôi hay hôm trước. Toán viên của tôi chưa tập dượt bài, bản nào hết. Nhất là ban văn nghệ hạng nặng của tôi thì kỳ này chắc các thầy phải "ớn" rồi...

Trong tiệc, chúng tôi chỉ biết trám vào chương trình bằng cách kể chuyện vui. Cả lớp nhao nhao đòi nghe nhạc. Tôi đã phải năn nỉ hết hơi, các toán viên mới chịu hợp ca.

- Vui là vui là vui chúng mình vui nhiều... Vui là vui là vui chúng mình quá vui.

- "Đến lượt trưởng ban văn nghệ phải hát, để chuộc tội cho các toán viên làm lùng bùng lỗ tai của các bạn đi..." Thầy S ra lệnh ; kẹt lắm "Vũ Mùng" tôi mới vò đầu gãi tai lên bục trình diễn. Với sự vỗ tay vỡ lớp và nụ cười thương hại của các thầy. Tụi bạn cứ réo lên:

- Múa đi! Vũ mùng đi!

Thầy K bảo cả lớp im lặng rồi tôi mới ồm ồm: - "Thưa thầy và các bạn, Hùng xin trình bày bản Duyên số..."

Tiếng la hét lại nổi lên:

- Thôi, xuống, xuống!

- Kệ, hát đi, hát đi!

Thầy N bảo:

- Cả lớp im lặng nghe Hùng hát đây.

Tôi "hét" lớn: - "Tối qua có người... em buồn em "hóc" biết bao nhiêu..." Tiếng đập bàn, rồi vỏ quít, hạt dưa bay lên chỗ tôi đứng tới tấp. Tụi quỉ lớp tôi đứa nào cũng thẳng tay chọi. Tôi chạy nhanh về bàn. Tiếng thằng Giám "sún" oang oang:

- "Xe la phề mi ne" (C'est la féminin).

Các thầy nhìn nhau cười:

- Tụi nó thiệt, hết nói nổi...

Không khí buổi tiệc liên hoan cuối năm như còn phảng phất đâu đây. Tôi nghe mơ hồ trong trí não tiếng đập bàn, tiếng reo cười, tiếng huýt sáo...

- Làm gì đứng đây vậy ông tướng? Sắp đến giờ học rồi!

Tiếng thằng Thơ làm tôi giật mình:

- Thơ! Mầy còn nhớ ngày liên hoan cuối năm lớp 7 của tụi mình không?

- Ờ! Vui quá hé mậy?

Thơ véo mạnh vào tai tôi: - "Có thuộc bài không? Một lát thầy Q trả bài hết lớp đó nghe! Mơ mộng hoài đi ông!"

- Thuộc chớ sao không.

- Tao với mầy bữa nay bị kêu dọn bài là cái chắc!

- Tại mầy đọc trước.

- Ai biểu mầy hỏi tao thuộc bài không. Tao mới đọc.

Hai đứa xách tập chạy về lớp học, miệng "kình" nhau nói: - "Tại mầy..."

Tạm biệt 7 "A3". Hẹn sẽ lại thăm "mi" thường...


LÊ ĐĂNG KHOA      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 97, ra ngày 8-7-1973)


Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

RU GIẤC HỒNG XƯA - Thụy Đỗ

  

Ba đi thẳng không quay lại, tiếng giầy gõ khô khan trên sàn gạch bông. Annie cúi mặt xống đất, ba đi rồi, lại thêm một buổi sáng hắt hiu buồn tênh trong gian nhà mênh mông này. Xuyên qua khung cửa sổ nắng vàng trên những ngọn cây, lũ chim nhỏ nhẩy nhót tìm mồi trong nắng sớm. Bông Ngọc Lan nằm trơ vơ trên bàn, nó đã bắt đầu cò mầu vàng héo úa.

Chị bếp đang dọn dẹp bàn ăn, ly sữa của Annie còn quá nữa, chị bếp nhìn cô bé:

- Hôm nay cô không chịu ăn uống gì cả.

Annie mỉm cười dịu dàng với chị, chị bếp trách móc:

- Ông buồn đó, cô Annie à.

Cô bé lững thững bước lại gần cửa sổ tì tay vào cằm, cô bé mơ màng nhìn ra khu vườn rộng. Nhìn từ xa cây Ngọc Lan chỉ thấy toàn lá xanh, những bụi Cúc vàng ẻo lả mềm theo chiều gió. Ba vẫn bảo hoa Cúc đẹp nhất vào mùa Thu, Annie yêu hoa Cúc như ba yêu vậy.

- Chị bếp à?

- Gì vậy cô Annie?

Giọng nói của Annie mơ mộng:

- Chị có bao giờ thấy hoàng hậu chưa hở chị?

Chị bếp ngừng tay thu dọn, chị nhìn vào mắt cô bé:

- Làm gì có hoàng hậu mà nhìn cô.

- Ba nói có mà chị.

Chị bếp phân vân:

- Tôi không biết cô à, chắc ba đi nhiều nơi nên có gặp hoàng hậu.

Annie quay người lại, hai tay cô bé áp vào má, mắt tròn xoe:

- Ba nói tóc hoàng hậu vàng như tóc em vậy đó.

- Ba có kể cho cô nghe chuyện hoàng hậu không? 

Nét mặt Annie ỉu xìu:

- Ba không kể, hồi nãy em nhắc đến ba liền bỏ đi làm.

Chị bếp ái ngại nhìn Annie, chị biết tại vì sao rồi. Chị giúp việc cho ba từ ngày Annie bé tí chưa đầy ba tuổi, gần sáu năm qua chưa hề có một bà chủ trong gia đình. Annie lớn lên trong một thế giới cách biệt và đơn lẻ. Mọi người chung quanh vùng đều biết câu chuyện của gia đình Annie. Mẹ cô bé, một người phụ nữ Pháp đã trở về nước sau khi chung sống với ba Annie được năm năm. Annie là đứa con duy nhất của cặp vợ chồng Việt Pháp ấy. Ba cô bé rất giàu, Annie có giáo sư riêng dạy học trong biệt thự, cô bé chưa hề đặt chân đến một trường học nào. Từ nhỏ cho đến lớn Annie không có lấy một người bạn. Con mèo Ly Na, con chó Bi Bi và một lô búp bế, gấu bông không đủ làm vui cho cô bé. Annie yêu hoa cỏ, cô bé thông minh vả trong trắng như một thiên thần.

Chị bếp an ủi Annie:

- Mai mốt lớn cô sẽ biết hoàng hậu mà.

- Thật không chị?

- Thật mà.

Annie ngậm ngón tay trỏ vào mồm:

- Chừng nào?

- Chừng nào Annie bằng ba đó.

Cô bé xịu mặt:

- Trời ơi, lâu quá.

- Lâu gì đâu.

- Annie muốn biết ngay bây giờ cơ.

Chị bếp bưng chén đĩa đi:

- Tôi phải đi dọn rửa cô Annie ạ. Nắng đẹp quá cô không ra vườn chơi à, hôm nay mới có nhiều hoa nở đẹp lắm.

- Annie thích nghe chuyện hoàng hậu cơ.

Nhưng chị bếp đã khuất sau cánh cửa, cô bé buồn hiu nhìn lọ hoa hồng nằm trơ trọi trên mặt bàn, ô hay, chả có ai muốn kể chuyện cho cô bé nghe hết. Con Bibi từ đâu chạy vào dụi mõm vào chân cô bé, bộ lông xù trắng nõn của nó cọ cọ vào làn da mịn buồn buồn, Annie cúi xuống bồng con vật lên tay:

- Ngoan nào, Bibi, sáng giờ mi trốn ở đâu đấy hở?

Bibi gừ gừ khẽ trong cổ họng, dụi đầu vào tay cô bé, Annie vuốt lưng nó:

- Hư nào, lại sắp sửa làm nũng đấy. Mi ăn sáng chưa hở Bibi?

Con Bibi nằm yên trong đôi tay cô bé, nó làm bộ nhắm mắt lại, Annie buồn cười, cô bé xoa nhẹ chiếc mõm đen tròn trịa của nó vờ gắt:

- Ta quăng mi xuống đất bây giờ, nghe.

Trên nóc tủ con mèo Ly na ngẩng đầu kêu meo meo, nó giương cặp mắt xanh biếc nhìn Annie, Ly na ghen với Bibi đấy. Annie đến gần đặt Bibi cạnh nó:

- Làm bạn với nhau đi hai đứa.

Nhưng con mèo Ly na quai ác đã giơ vuốt cào Bibi một cái thật mạnh rồi phóng mình xuống sàn nhà, Bibi kêu rầm rĩ, Annie nhăn mặt, cô bé chạy theo bắt Ly na lại, con mèo lẩn nhanh qua các chướng ngại vật vừa chạy vừa kêu meo meo.

Trên nóc tủ cao, Bibi hoảng sợ sủa om sòm, tiếng chó kêu mới thật là ngộ nghĩnh; Annie bỏ rơi con mèo Ly na, cô bé quay lại bồng con Bibi xuống:

- Bibi sợ lắm hở?

Nằm trong đôi tay cô chủ bé nhỏ Bibi ngoan ngoãn nép đầu xuống và thôi kêu la, bộ lông nó run nhè nhẹ.

- Mình ra vườn chơi nghe Bibi.

Chiếc áo hồng lướt thướt trên nền gạch, Annie chậm rãi đi ra con đường có những viên sỏi trắng ngà. Con mèo Ly na đủng đỉnh theo sau. Gió đùa những sợi tóc vàng quấn quít bên nhau, Annie cắn nhẹ một lọn tóc bay ngang mặt, cô bé ngửi thấy mùi hoa thơm ngát trong không gian.

Nắng hồng ơi là hồng, trời hôm nay thật đẹp.

*

Sương chiều đã bắt đầu lan nhẹ trong vườn, hương ngọc lan thơm nồng nàn, mặt trời đã lặn từ lâu chỉ còn xa xa một chút sáng mờ lẫn trong vòm mây. Trên không lũ chim chiều tung đôi cánh bé nhỏ từng đàn rủ nhau về tổ, không gian yên tịnh đến lạnh lùng.

Vai áo đã hơi ẩm nhưng Annie chưa muốn vào nhà, cô bé đăm đăm cúi xuống những ngón chân nhỏ nhắn của mình thật lâu. Côn trùng đã bắt đầu kêu nho nhỏ chung quanh, mùa hè đã qua, không còn tiếng ve sầu rên rỉ mỗi lúc đêm buông. Những con dế sửa soạn chui ra khỏi hang đi du ngoạn, chúng xòe cánh, vểnh râu gáy từng hồi dài ròn rã, réc... réc... Đàn muỗi cũng tha hồ múa lượn trên không trong lúc những con cóc, ễnh ương há mồm báo tin một trận mưa sắp đổ xuống. Mà không cần có chúng kêu gọi nữa, Dalat vào tháng này mưa dầm liên miên, lâu lâu mới có được một ngày nắng ấm. Cỏ xanh lên nhanh hơn bao giờ hết và những đồi thông ngăn ngắt lá xanh. Trời lúc nào cũng âm u như sáu bẩy giờ tối, lá cây rụng tơi bời trong vườn trên các lối đi, hoa ngọc lan tan tác đầy đất thơm nồng. Không biết đã mấy giờ rồi, có lẽ trong nhà đang sửa soạn bữa cơm chiều. Annie ngước mắt nhìn qua những ô cửa sáng chói ánh đèn. Cô bé nghĩ đến bữa ăn có mặt một người thứ ba đã cướp mất đi ít nhiều trìu mến của ba đối với cô bé.

Người đàn bà đến với gia đình đã làm thay đổi cả nếp sống. Những bữa ăn kéo dài với một nỗi ngượng ngùng. Annie bắt đầu cảm thấy cô độc và khổ sở. Ba vẫn thế nhưng Annie thấy dường như ba thay đổi lạ lùng. Annie ao ước được gặp bà hoàng hậu tóc vàng mà ba có lần kể chuyện. Rằng bà giống Annie từng nét, bà đẹp và ba quen biết bà nhiều lắm. Huyền thoại vây phủ Annie làm cô bé mơ mộng thật nhiều.

Chỉ một tuần trước ba cưới một bà hoàng hậu mới (ba bảo thế) cho Annie. Cô bé ngỡ ngàng và thất vọng xiết bao trước người đàn bà khác lạ hẳn với câu chuyện ba kể. Thì không hẳn là bà hoàng nào cũng như bà hoàng nào nhưng tại sao ba không tìm cho Annie một bà hoàng tóc vàng như ba vẫn kể.

Annie buồn lắm, cô bé thèm những buổi chiều cùng ba dạo chơi trong vườn, ba kể chuyện nàng tiên nở từ nụ hoa ra hay lạ lùng, giọng ba ấm áp ngọt ngào như ru ngủ cả những sáng tinh mơ hai cha con ra vườn thăm những nụ hoa vừa hé nở, cả những buổi chiều đi đếm lá cây xanh. Lá thì nhiều nên chẳng bao giờ Annie đếm hết, cô bé tẩn mẩn nhặt những xác lá khô xem xét, ở cái gì cô bé cũng tìm một vẻ đẹp thiên nhiên bình dị. Bây giờ Annie dường như thừa thãi trong vai trò bộ ba, Annie nhỏ quá để hiểu ba, săn sóc cho ba, cô bé cô độc và thèm có bạn lạ lùng. Trong biệt thự rộng lớn này chỉ có ba và những người giúp việc không còn ai là người chơi với Annie cả.

Trời lại lấm tấm đổ những hạt mưa buốt lạnh xuống đôi vai nhỏ của Annie. Trong đôi mắt của cô bé nhòe nhoẹt nước, không hiểu nước mưa hay nước mắt nữa. Cô bé úp mặt vào đầu gối, đôi tay ôm lấy đầu trong một dáng nhẫn nhục đáng thương.

Trời dần dần tối đen, chẳng ai nhớ đến cô bé quạnh hiu trong góc vườn. Những ô cửa kính của biệt thự như càng sáng chói, ấm áp thêm sau những tấm màn mỏng. Mưa bụi phơi phới rơi không ngừng, chiếc áo của Annie bắt đầu ẩm ướt, cô bé lạnh run.

Annie đưa tay vuốt những dòng nước chẩy trên mặt, cô bé uể oải đứng dậy. Con đường trải sỏi nằm trơ dưới mưa, cô bé băng qua lớp cỏ mềm ướt sũng, cô bé không muốn vào nhà, bầu không khí đó không còn là của riêng Annie với ba nữa, tất cả đã đổi thay.

Những bước chân không chủ định đưa cô bé ra đến cổng sắt của biệt thự. Annie ít khi đặt chân ra đến ranh giới ngăn cách cô bé với khung cảnh bên ngoài. Bàn tay nhỏ nhắn của Annie e dè vuốt những chuỗi hạt mưa trên vòng sắt uốn cong. Sau lưng cô bé biệt thự nằm im lìm. Những ngón tay ngập ngừng run trên then cài ngang cổng, cô bé vuốt ve thanh sắt tròn trịa rồi từ từ kéo ra. Tay cô bé đỏ lên vì then cài chặt quá.

Cánh cửa khẽ hé ra vừa đủ một người đi, Annie băn khoăn tựa lưng vào cửa, người cô bé lọt vào giữa khe hở của hai cánh cổng. Những hàng cây bên đường in bóng thật đậm lên nền trời. Sao đã nhấp nháy qua những vòm lá cây và gió vẫn lướt nhẹ cuốn theo những hạt mưa lạnh buốt. Bóng tối hoàn toàn ngự trị khắp nơi.

Đột nhiên, giữa không khí yên tịnh đó Annie thoảng nghe một giọng hát líu lo. Tiếng hát vẳng từ xa lại nghe loáng thoáng tiếng được tiếng không thật mơ hồ và dịu dàng. Annie mở to mắt tìm kiếm, cô bé chả thấy gì trong bóng đêm cả. Tiếng hát chợt im bặt một lát rồi lại mơ hồ bay đến tai Annie, cô bé tưởng tượng ngay một tiên nữ đang hát trên đồi. Tuyệt diệu quá. Annie từ từ bước hẳn ra khỏi cổng, cô bé men theo con đường mòn ngoằn ngoèo chạy dài trước mặt. Tiếng hát ngân nga như ru cô bé hãy yên lòng. Annie mải miết đi tới, cô bé vất vả leo lên những mỏm đất trơn trợt ướt nước, gai và cành khô làm chân cô bé bỏng rớm, cả chiếc áo dài lướt thướt cũng bị móc rách nhiều chỗ, cô bé suýt ngã mấy lần.

Bây giờ trước mắt cô bé là một vùng hoa mông mênh, trời không còn mưa nữa, dưới ánh trăng non xanh mờ những bông hoa dịu dàng ngả theo chiều gió. Annie nhìn thấy những đóa hồng nhung đỏ thắm, những cành huệ trắng ngần, những đóa cúc tím nhạt hay vàng tươi tỏa hương thơm ngát. Rồi thì, Tử la lan, Uất kim hương, cẩm chướng, hồng bạch, đổng thảo tím, Linh lan với những chuông nhỏ trắng xinh nở tung trước gió. Hương thơm của trăm nghìn bông hoa nồng nàn trong đêm vắng. Annie đứng ngây người ra nhìn, cô bé không tin vào đôi mắt mình nữa.

Trong gió lộng âm thanh tiếng hát vẫn dịu dàng bên tai, Annie hồi hộp nghe, cô bé run rẩy bước vào vùng đất của hoa. Cỏ xanh mướt như nhung dưới cah6n cô bé, những thân uất kim hương mập mạp thẳng băng như nghiêng mình lúc cô bé bước qua, các bông hoa dường như mỉm cười. Chung quanh Annie tràn ngập hoa, mỗi bước chân của cô bé bước tới là những thân hoa tự động rẽ sang hai bên nhường lối.

Dưới ánh trăng non một bông hồng nhung thật lớn đang nở thắm tươi, Annie ngây ngất ngửi mùi hoa hồng thoảng trong gió. Đóa hồng thật lớn, lớn hơn cả đôi bàn tay cô bé chụm lại, và, hình như thế, trong lòng hoa phát ra những tiếng hát dịu dàng. Annie tiến đến  gần để nhìn cho rõ.

Nép trong những cánh hồng phớt mịn như nhung là một cô bé, ô, cô bé nhỏ xíu như ngón tay. Bộ y phục trên người lóng lánh như sao và đôi cánh trắng mỏng manh như sương tuyết rung nhè nhẹ trên đôi vai nhỏ. Tiếng hát im bặt rồi một giọng nói nhỏ nhẹ êm dịu vang lên:

- Chào Annie.

Annie nghiêng đầu bỡ ngỡ, đôi môi run của cô bé mấp máy rất nhẹ:

- Ô...

Cô bé trong đóa hoa hồng mỉm cười thật xinh:

- Chào Annie, Annie có thấy vườn của tôi thật xinh không? Lần đầu tiên Annie đến thăm đấy nhỉ.

Annie ngơ ngẩn đứng im một lát, cô bé rụt rè:

- Chị... cô là ai vậy?

Cô bé Hồng nhung cười dịu dàng:

- Annie quên rồi sao, ba kể cho Annie nghe chuyện của tôi hoài mà. Tôi nở ra từ một đóa hồng, sống với hoa hồng. Một hoàng tử tặng tôi đôi cánh và loài hoa tôn tôi làm nữ vương.

Đôi mắt Annie có những tia lóng lánh:

- Ô, nếu vậy chuyện ba kể có thật hay sao?

- Thật chứ, Annie, Annie có muốn đi thăm vương quốc của tôi không?

Annie ngước mắt nhìn những bông hoa mờ ảo, cô bé đáp nhẹ:

- Ô, muốn chứ, nữ vương.

- Đừng gọi thế, Annie, các bông hoa thường thân ái gọi tôi là Trầm hương.

Annie nhắc lại:

- Trầm hương?

- Phải đó.

Và cô bé Trầm hương chớp cánh bay nhẹ lên không gian.

- Nào đi, Annie à, tôi sẽ đưa Annie đi thăm xứ sở của tôi.

Annie thèm muốn nhìn đôi cánh mỏng:

- Trầm hương có đôi cánh đẹp quá.

- Thật ư? Nhờ đôi cánh này mà tôi có thể quan sát và cai trị thần dân của tôi dễ dàng. Ô, nếu Annie nhỏ như tôi, tôi sẽ tặng Annie một đôi cánh, nhưng Annie lại lớn quá.

Annie chớp mắt thất vọng:

- Annie muốn nhỏ lại như Trầm hương.

Cô bé nữ vương cười nụ:

- Nếu Annie nhỏ lại như tôi không bao giờ Annie có thể trở lại thế giới loài người được nữa cả. Annie sẽ cùng tôi ngự trị trên vương quốc này, sẽ được tôn sùng kính nể, và bù lại, Annie không có ba, Annie sẽ xa rời ba và mọi người vĩnh viễn.

Đôi mắt to của Annie bỗng u tối lại:

- Thật thế sao?

- Đúng vậy, Annie! Annie muốn chọn bên nào tùy ý.

Annie cúi đầu:

- Ba không thương Annie nữa...

Cô bé Trầm hương tung cánh bay về trước mặt.

- Nào đi thăm lâu đài của tôi đi Annie.

Trông Trầm hương xinh như một món đồ chơi bằng thủy tinh nhiều mầu dưới ánh trăng. Bộ áo dài lấp lánh ngời sáng. Annie đi theo Trầm Hương qua nhiều loài hoa thật lạ và thật đẹp. Hoa Đổng thảo tím, Tử đinh hương, Phong Lan mọc chen chúc cạnh vô số hoa cúc. Tất cả các loài cúc đều có mặt ở đây. Từ loại cúc bé xíu như khuy áo mảnh mai mầu hồng nhạt đến những bông cúc Đại đóa vàng tươi lớn bằng miệng bát. Cả những đóa cúc xanh mỏng cánh như giấy hay cúc đỏ thẫm như mầu hoa mào gà. Hoa mặt trời xanh phớt nghiêng mình thủ thỉ cùng những bông Thược dược tía hay trắng. Annie thấy cả những bông phù dung tươi tắn hơn bao giờ. Mầu sắc của vô số bông hoa lẫn lộn làm Annie choáng mắt - Annie nâng niu một đóa cúc tím hỏi Trầm Hương:

- Những đóa hoa này có chết không?

- Ồ, không - Nữ vương của loài hoa trả lời với một nụ cười - Chúng tồn tại mãi với thời gian, ở đây không có sự già nua và chết chóc - Annie xem, tất cả hoa của các mùa đều nở, đều sống và không bao giờ tàn.

Annie thốt lên một tiếng kêu ao ước:

- Tuyệt diệu quá - cô bé buồn rầu - những bông hoa trong vườn Annie đều phải héo tàn. Làm thế nào cho chúng tồn tại được?

- Chúng không thể nào tồn tại được đâu Annie ạ. Vì thế giới của Annie sống không phải là một thế giới hoàn hảo. Sự sinh và sự hủy diệt kế tiếp nhau theo một định luật có sẵn từ xưa.

Trầm hương đáp xuống một bông hoa nhỏ mầu vàng nhạt thật xinh:

Chúng ta hãy tạm nghỉ chân giây lát.

Annie băn khoăn mở rộng đôi mắt:

- Ba kể rằng Trầm hương nở ra từ một nụ hoa hồng trong vườn của loài người.

- Ba kể đúng đó Annie à, nhưng nụ hồng nở ra tôi do một bàn tay huyền bí tạo nên. Và bây giờ tôi không còn là của loài người nữa. Tôi là chúa tể của loài ha, Annie có muốn ở đây cùng với tôi không, sẽ không bao giờ Annie thấy khổ sở cả.

- Nhưng Annie sẽ mất ba.

- Dĩ nhiên, Annie ạ.

Cô bé Trầm hương lại tiếp tục bay:

- Nào, chúng ta tiếp tục lên đường, sắp đến nơi rồi Annie à.

Chỉ trong giây lát Annie đã thấy trước mắt xuất hiện nhiều bông hồng tươi thắm. Toàn là những bông hồng nhung, không có một loài hoa nào khác. Cô bé Trầm hương giải thích:

- Nơi đây thuộc phạm vi cung cấm của tôi, không một loài hoa nào khác được phép mọc ở đây cả.

Trần hương đưa Annie đến trước một đóa hồng thật lớn, đẹp rực rỡ:

- Lâu đài của tôi đấy.

Trong lòng đóa hồng, một lâu đài kiến trúc xin xắn toàn bằng cánh và nhụy hồng xinh. Đó là một lâu đài mà trông xa y hệt như đóa hồng còn kín nụ. Annie buột miệng:

- Đẹp tuyệt.

Cô bé Trầm hương vui vẻ:

- Không ai có thể vào lâu đài của tôi được cả.

Và cô bé bay vào một khung cửa nhỏ, khi trở ra tay cô bé có mang một chén nhỏ bằng cánh hồng chứa một hạt sương trong veo:

- Đây là kết tinh của hoa hồng, Annie uống thử xem.

Chiếc chén nhỏ chưa bằng móng tay Annie, từ trong lòng chén một mùi hương ngào ngạt tỏa. Annie ngậm luôn chén hoa hồng vào miệng và cảm thấy mùi hương len vào từng thớ thịt, cô bé ngây ngất không nói được tiếng nào. Trầm hương thủ thỉ:

- Annie có muốn ở đây hoài không?

Annie cúi đầu suy nghĩ, cô bé nói sang chuyện khác:

- Trầm hương này!

- Gì?

- Trong vườn của Annie có một nụ hồng nhung sắp nở, không biết nó có thể nở ra một nàng công chúa nào như Trầm hương không nhỉ.

Trầm hương cười nhẹ nhàng:

- Có thể lắm chứ.

Giọng nói của Annie đầy hy vọng:

- Annie thật mong như thế.

Cô bé bỗng buồn rầu cúi mặt, tay vò nếp áo. Trầm hương ngạc nhiên:

- Ồ, chuyện gì thế nhỉ?

Annie nói rất buồn:

- Ba cũng có kể cho Annie nghe chuyện bà hoàng hậu tóc vàng nữa.

- Rồi sao hở Annie?

- Annie không gặp bà hoàng hậu như gặp Trầm Hương.

Tà áo lóng lánh của cô bé nữ vương khẽ rung động nhẹ:

- Ồ...

- Annie muốn gặp bà hoàng hậu đó, bà có thật không Trầm hương?

Giọng nói của Trầm hương ngọt dịu:

- Có chứ.

- Bà ở đâu nhỉ?

- Gần đây thôi.

- Chỗ nào đâu, Trầm hương?

- Nữ vương của loài hoa chỉ tay về sau lưng Annie.

- Kìa, sau lưng Annie đó, phía đỉnh núi cao.

Annie quay lại nhìn, cô bé chỉ thấy sương mù giăng đầy trước mắt, Annie kêu lên:

- Ô, Annie không thấy gì hết cả.

Cô bé quay mặt tìm Trầm hương, nhưng nữ vương của loài hoa đã biến mất, cả cánh đồng hoa cũng mất tăm. Chung quanh cô bé mờ mịt khói sương trắng xóa. Annie ngơ ngác, cô bé sợ hãi thét lên:

- Trầm hương... Trầm hương...

Chỉ có tiếng gió thổi vèo qua lạnh lùng trả lời cô bé, Annie thấy hoa mắt, cô bé run sợ lảo đảo muốn ngất xỉu trong làn sương trắng...

*

Mưa bụi đã ngưng từ lúc nào, Annie vẫn ngồi dựa vào gốc cây, đôi mắt nhắm nghiền, cô bé thở yếu ớt. Sương xuống thật nhiều trong vườn, bầu trời lấp lánh sao. Mấy giọt nước từ trên vòm cây cao nhỏ xuống mặt cô bé. Annie khẽ hé mi, cô bé bàng hoàng nhìn chung quanh. Có tiếng chân vội vã bước bên cạnh Annie, một bàn tay nâng cô bé dậy:

- Ồ, Annie, con ngủ ngoài vườn, mưa ướt hết cả rồi.

Annie khép mi mắt lại, ba, cô bé nghĩ thế và mệt mỏi tựa đầu vào tay ba không nói. Giọng ba lo lắng:

- Con muốn đau rồi, Annie, sao lại ra vườn ngồi thế này, người con lạnh toát. Ba cứ ngỡ con đang ở trong phòng riêng, ba tìm con nãy giờ để vào ăn cơm, tối quá rồi.

Annie nói mơ màng:

- Ba, con gặp nàng công chúa trong nụ hoa hồng, công chúa xinh lắm.

Ba mỉm cười với cô bé:

- Thế à, con gái ba lại nằm mơ rồi, thế công chúa có nói gì với con không?

Giọng Annie hậm hực:

- Ba, công chúa biết hoàng hậu tóc vàng, công chúa không cho con gặp.

Vầng trán ba nhíu lại, ba bồng cô bé đứng lên:

- Con đau rồi, để ba đưa con vào nhà. Con ngủ một giấc, ngày mai nụ hồng nhung của con sẽ nở đẹp lắm.

Mái tóc tơ vàng óng của Annie xõa trên vai ba, mắt cô bé nhắm nghiền. Sỏi dưới chân ba kêu lạo xạo, những ô cửa của biệt thự vẫn sáng chói. Trong tay ba Annie mềm nhũn, lạnh như một viên đá. Hình như cô bé lại đi vào giấc mơ một lần nữa.


THỤY ĐỖ        
(Cô bé tóc vàng)   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 187, ra ngày 15-10-1972)