Nhìn
những chùm bông đỏ ối của cây điệp trước nhà, tôi lại nhớ đến kỷ niệm
khá buồn cười của cuối năm Đệ Thất trường Trung học bán công Võ Tánh.
Năm
ấy theo thông lệ, còn nửa tháng đến ngày bãi trường, lớp nào lớp nấy
đều bồn chồn lo lắng. Thôi thì hết bàn tán đến hoạch định chương trình
này nọ lung tung. Mấy anh bạn tôi ráo riết kêu gọi đóng tiền.
Ấy! Có tiền rồi thì cái gì lại chẳng xuôi chèo mát mái. Các bạn tôi người nào cũng náo nức nên tham gia rụp rụp.
Tinh
thần "xung phong tích cực" ấy đã khiến cho "ủy ban tổ chức" của chúng
tôi phải hoạt động hết mình để cố gắng làm sao không thua kém lớp Đệ Lục
toàn là những tay có "tinh thần tích cực", họ làm coi xôm quá xá! Nào
chặt cây đủng đỉnh, dừa nước, bông nho treo la liệt từ cửa vào trong
lớp, nhưng đó chỉ mới là dự tính của họ mà thôi.
Thâu
được đầy đủ tiền bạc rồi chúng tôi họp lại để bàn chuyện phân công. Anh
Dung đảm nhiệm trưởng ban trang hoàng lớp học. Mượn chị Loan em của anh
phụ lớp mua bánh trái hộ. Anh Trương lo đôn đốc vệ sinh và trật tự. Anh
Lễ cùng một số khác lo phần đãi đằng. Mọi chuyện đều suôn sẻ, duy chỉ
còn cử người soạn chúc từ tạm biệt các giáo sư và các bạn thì chưa ngả
về ai. Sở dĩ có chuyện như vậy là vì không ai can đảm nhận lãnh cái
trong trách ấy cả.
Buổi họp hôm ấy cực kỳ sôi nổi nhằm giải tỏa vấn đề trên.
Anh Bi dõng dạc bảo:
- Theo tôi thấy thì anh Mỹ phải kiêm luôn việc này.
Tôi bảo:
- Không được! Đành rằng tôi khá về Pháp-văn thật, nhưng tôi còn phải lo nhiều việc khác.
Mấy anh có mặt nhao nhao phản đối:
- Việc gì? "Chị" chưa lãnh việc gì kia mà! "Chị" nên đặt thanh danh lớp mình lên mới được.
Tôi đỏ mặt khi các anh kêu tôi là "chị", vì lớp Đệ Thất B có chị Mỹ trùng tên với tôi nên các anh kêu tôi như thế.
Sau một hồi bàn cãi, biết không thể từ chối, tôi đành phải ưng thuận.
Suốt mấy ngày tôi nghĩ nát óc. Trời ơi! Soạn một bài chúc từ bằng Pháp-văn nào có dễ dàng gì đâu.
Thật là khó! Cha chả là khó!
Mỗi
lần ngồi trước trang giấy trắng, tôi không biết nhập đề làm sao cho
hay, cho cảm động. Tôi viết rồi bôi, rồi xóa hàng mấy chục tờ liên tiếp.
Tôi bèn cầu cứu với anh tôi nhờ anh dàn xếp dùm, nhưng mèn ơi, cái anh
sao mà ác quá, đã không gà dùm lại còn nói:
-
Ái chà! Tụi bây quá xá trời đất rồi. Sao không chịu đặt bằng tiếng
Việt-Nam có dễ dàng hơn không. Mình là người Việt chớ có phải là dân
Gô-loa đâu mà bày đặt chớ. Thôi, tao không làm đâu.
Anh tôi nói cũng có lý lắm đấy chớ! Nhưng tôi không nghe. Tôi chạy lại nhờ Ba tôi, nhưng người phì cười bảo:
- Ba làm sao được. Anh con nói phải lắm, mình người Việt-Nam nên dùng chữ Việt hay hơn.
Cùng
đường, tôi bỗng nảy ra một sáng kiến... Tôi cóp nhặt những đoạn văn
trong sách Pháp kết lại làm thành một bài chúc từ, mà khi đọc lên chắc
chắn toàn thể lớp học phải phục lắm.
Thực
hành ý định ấy, tôi rị mọ đọc chép hơn mấy ngày trời mới thành công
được. Tôi chép lại vào giấy trắng cẩn thận và tuyệt đối giữ bí mật không
cho ai xem trước cả. Tôi muốn dành một sự bất ngờ mà lị.
Ngày bãi trường đã đến. Quang cảnh lớp nào cũng như lớp nào đều rộn rịp khác thường.
Tới
giờ khai mạc. Mấy giáo sư ngồi nghiêm trang chờ đợi. Những lớp bên cạnh
đã bắt đầu lên tiếng. Cái giọng anh đại diện lớp Đệ lục sang sảng. Ủa!
Sao vậy kìa! Bên ấy sao lại đọc bài diễn văn tiếng Việt. Ái chà, đây rồi
đố khỏi bên chúng tôi bị cười cho mà xem...
Tôi
trịnh trọng mờ bài chúc từ ra đọc. Vừa đọc qua đoạn giáo đầu cả lớp
bỗng túa lên cười ngặt nghẽo. Ngơ ngác tôi không hiểu gì cả. Tuy nhiên
tôi vẫn làm gan đọc tiếp. Nhưng càng đọc tới, càng làm cho cả lớp cười
rần rần thêm.
Một vài tiếng xì xầm:
- Ủa, ở Việt-Nam sao lại đi nghỉ mát ở Provence?
- Bộ nó điên sao chớ. Cái gì mà lại đem vua Charlemagne vô đây chi vậy?
Những
lời ấy lọt vào tai tôi. Mặt tôi nóng bừng, lưỡi líu lại không đọc được
nữa. Tôi vùng bỏ chạy một mạch về nhà. Sở dĩ tôi phải gánh chịu cái hậu
quả ấy là vì tôi quên sửa lại tên tỉnh và người phù hợp với Việt-Nam và
tôi chắp nối không được liên tục.
Phải chi tôi soạn bằng tiếng Việt thì bài chúc từ đâu có đến nỗi sang đàng như vậy... nghĩ cũng tức cười!!
NGUYỄN KIM HOÀN MỸ
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 10, ra ngày 25-10-1963)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.