Các em thân mến,
Tuần vừa qua, chúng ta nói chuyện với nhau về "làm ơn mắc oán".
Đổng
Trác được ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi cứu mạng, đã không
cảm ơn lại còn hất hủi, sai quân đuổi ra khỏi trại người ân của mình,
chỉ vì lòng tự ái, không dám nhìn nhận tài năng của ba kẻ không chức
tước, địa vị, lại hơn mình.
Cũng trong thời Tam quốc bên Tàu, Viên Thiệu, minh chủ các chư hầu chống Đổng Trác cũng có thái độ vô ơn như trên.
Trong
khi các chư hầu đang họp nhau để bàn kế đánh Đổng Trác, Đổng Trác đã
sai Huê Hùng đến khiêu khích trước trại của Viên Thiệu. Viên Thiệu sai
tướng nào ra đương cự cũng đều bị Huê Hùng giết cả, không còn ai dám ra
đánh nữa.
Viên
Thiệu khi ấy lấy làm bối rối. Quan Công lúc đó còn là tên vác cung,
không ai biết tên tuổi, xin ra trận. Viên Thiệu thấy chỉ là tên cung thủ
hèn hạ, sợ địch quân cười mình hết tướng, cho đuổi ra ngoài. May nhờ có
Tào Tháo phân giải hơn thiệt, Viên Thiệu mới bằng lòng.
Tào Tháo sai đem một chén rượu nóng đãi Quan Công trước khi xuất trận.
Quan Công xin để chén rượu ở đấy, đợi đánh thắng rồi sẽ uống cũng không muộn.
Quan
Công nói xong, liền phóng lên ngựa ra đánh với giặc chỉ trong chốc lát
đã chém được Huê Hùng và đem đầu về, chén rượu còn âm ấm.
Viên
Thiệu cũng như Đổng Trác ở chuyện trước đã không mang ơn Quan Công, lại
còn tỏ vẻ không bằng lòng và cho đuổi ba anh em Lưu Bị, Quan Công,
Trương Phi ra ngoài, vì lẽ Viên Thiệu tự thấy mình là minh chủ của các
chư hầu mà không có tướng chống lại được Huê Hùng, lại phải nhờ đến tên
bắn cung tầm thường.
Viên Thiệu nói cho đỡ ngượng với chư hầu:
- Hai tướng Nhan Lương và Văn Xú của ta mà có ở đây thì dù hàng ngàn đứa như Huê Hùng cũng không đáng kể.
Nhưng Nhan Lương và Văn Xú có giỏi gì đâu, sau này đều bị Quan Công giết chết.
Trong quyển Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký cũng có chuyện làm ơn mắc oán.
Một
con beo đi dạo chơi bị chó sói rượt nà. Trong cơn nguy nan, may gặp một
ông già bèn van xin ông cụ cứu giùm. Động lòng trắc ẩn, ông cụ bảo con
beo chun vô cái đãy của ông để ông vác mà đi. Chó sói chạy đến, không
thấy con beo đâu cả, hỏi thăm ông già, ông già trả lời không thấy beo
chạy ngả này. Chó sói bỏ đi.
Đợi
chó sói đi xa, ông già bèn mở đãy thả con beo ra. Con beo lúc ấy hết sợ
nên bắt đầu thấy đói, đòi ăn thịt ông già. Ông già ngạc nhiên hỏi: Tao
làm ơn cứu mày khỏi bị chó sói ăn; sao bây giờ mày lại đòi ăn thịt tao?
Con beo trả lời: Ông cứu gì tôi. Ông bỏ tôi vô trong đãy ngộp muốn
chết. Tôi bây giờ đói quá, phải ăn mới được. Ông già dỗ dành: Thôi chúng
mình đi hỏi ý kiến những kẻ xung quanh xem nếu mày có lý, tao bằng lòng
để cho mày ăn.
Gặp
một cây cổ thụ, con beo liền hỏi phải quấy. Cây to trả lời: Con người
là giống bất nhân, ăn thịt nó đi cho rồi. Chúng tôi đã bao lần giúp
chúng nó làm nên cửa nhà, vậy mà chúng nó nỡ lòng nào lấy búa, rìu chặt,
chém chúng tôi hoài, ăn thịt nó đi! Nghe qua con beo liền xốc đến định
ăn thịt ông già: Ông còn bào chữa gì nữa? Ông già trả lời: Cây cối là
vật vô tri, vô giác, không biết gì, hơi đâu mà nghe.
Họ
bèn dắt nhau đi và gặp một bầy trâu già. Nghe con beo hỏi, trâu già
liền nói: Con người thật bạc bẽo. Chúng tôi làm tôi mọi cho họ suốt đời,
nào cày, nào bừa để họ gặt được lúa gạo ăn no ấm. Thế mà khi chúng tôi
chết rồi, chúng tôi cũng không được yên thây. Họ phân xác chúng tôi ra,
lấy thịt đem bán, lấy xương làm lược, lấy da chúng tôi bịt trống, đóng
giày, đóng dép. Thật là bọn vô ơn, ăn thịt nó đi là phải. Con beo khoái
chí đòi ăn, ông già năn nỉ: Lời nói của bọn súc vật hơi đâu mà tin. Mày
hãy để tao hỏi ý kiến một lần nữa, nếu họ tán thành lý lẽ mày, tao vui
lòng để mày ăn thịt tao.
Đi
một đoạn đường xa, họ gặp một người con trai đi bên đường. Anh này bảo
con beo thuật lại rõ ràng từ đầu câu chuyện. Nghe xong, người con trai
bảo con beo: Hồi lúc nãy làm sao mày chui vào được trong đãy ông cụ, mày
chui vô lại cho tao xem thử. Con beo nghe nói chui vô đãy. Người con
trai cột miệng đãy lại, hét to lên: Con beo này, người ta cứu mày mà mày
lại vô ơn, tội đáng chết. Nói xong, anh ta bẻ cây đập chết con beo.
Các em thân mến,
Trên đây là những trường hợp đặc biệt làm ơn mắc oán, mà kẻ vô ơn cuối cùng rồi cũng bị hại.
Chúng
tôi xin nhắc lại lời khuyên các em nên xem việc cứu giúp như bổn phận
của một con người, rồi thôi. Đôi khi chúng ta cũng gặp vài kẻ vô ơn,
nhưng không vì vậy mà chúng ta lại nỡ lòng thờ ơ với người hoạn nạn,
phải không các em.
Thân mến chào các em
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 59, ra ngày 8-10-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.