4
Xe
ông bác sĩ về tới nhà thì thành phố đã lên đèn. Dưới ánh sáng chói lòa
của bóng điện, cảnh vật trở nên lộng lẫy khác thường. Tôi chưa quen với
ánh sáng điện nên cứ hấp him cặp mắt mà nhìn mọi sự. Tất cả đều làm tôi
bỡ ngỡ khiến tôi trở nên rụt rè sợ hãi.
Nhà
ông bác sĩ không rộng lớn lắm, nhưng sang trọng, ngoài có cổng sắt đóng
kín và có chỗ cất xe ở bên trong. Khi xe đậu trước cửa phòng khách cho
bà bác sĩ xuống, bà mở cửa xe bảo tôi :
- Xuống đi, Cộc !
Người
em gái của thầy giáo về đến nhà là trở lại địa vị của bà bác sĩ giầu
có. Giọng bà nghe kiêu căng, hách dịch khác lúc nói chuyện với thầy tôi.
Tôi co rúm người trên xe chưa dám xuống thì bà đã gọi :
- Vú già đâu ?
Một người đàn bà đứng tuổi, mặc áo cánh trắng chạy đến. Bà bác sĩ nói :
-
Vú cho con chó này xuống. Nó khôn lắm không cắn đâu mà sợ. Dẫn nó xuống
bếp, xem nó có đói thì cho nó ăn. Từ nay tôi giao con Cộc này cho vú
chăm nom đấy.
- Thưa bà, tên nó là Cộc ?
- Phải !
Vú già nắm lấy gáy tôi, miệng dỗ dành :
- Khôn nhé Cộc ! Xuống bếp tao cho ăn.
Tôi
lết hai chân sau để vú lôi đi. Giá tôi được ở lại với bà bác sĩ có lẽ
tôi còn yên tâm hơn nhiều. Người vú già này, được lệnh chăm nom tôi đã
tỏ ý bất nhẫn ngay tự lúc đầu. Trong lúc lôi tôi xuống bếp, và biết bà
bác sĩ đã quay trở vào không để ý đến tôi nữa, bàn tay vú đã xiết mạnh
trên da gáy của tôi. Đau quá tôi vùng vằng, thì bị ngay vú rút guốc ra
quật phủ đầu một cú vào mông tưởng đến bại cẳng.
Tôi
ác cảm ngay với vú từ đó. Nhưng hôm đầu, còn bỡ ngỡ sợ sệt, tôi đành
chịu. Chiều ấy tôi nhịn đói, đứng ngẩn ngơ một lát, thừa lúc vú già
không để ý, tôi lẩn vào một chỗ kín nằm ẩn. Tôi mong ngủ đi một giấc
nhưng cả đêm hôm ấy tôi không tài nào chợp được mắt, luôn luôn tôi giật
mình vì những tiếng động lạ. Càng về khuya, tiếng xe cộ chạy nghe càng
rõ.
Sau
này quen đi, và phân biệt ra từng thứ động âm của thành phố tôi mới yên
bụng. Hôm đầu nghe tiếng nổ bành bạch vang động trong đêm khuya do động
cơ của các thứ xe gắn máy phát ra tôi chẳng còn hồn vía nào cả. Nằm
khoanh tròn run rẩy một chỗ, tôi nhớ đến miền quê tôi sinh trưởng, tới
nếp trường với các anh học trò dễ mến, và tới thầy giáo đáng kính của
tôi. Tôi tiếc sự sống thanh nhàn ở đó, và muốn quay trở về.
Tôi
mon men tìm lối ra cổng. Nhưng chiếc cổng sắt nhà ông bác sĩ đã khép
kín, khoảng cách của những chấn song sắt chỉ vừa lọt cái mõm của tôi,
không thể lách cả mình ra được. Tôi thử tìm cách chui lòn phía dưới, cố
dùng hai chân trước đào một lỗ hổng. Nền đất láng xi măng, móng tôi cào
xuống chỉ thêm đau buốt chẳng ăn thua gì. Tôi đành quay vào vừa mệt mỏi
vừa thất vọng.
Lúc
chiều không ăn, bây giờ bụng tôi cồn cào vì đói. Tôi đi tìm ăn, nhưng
cửa bếp đã đóng kín. Nhà thành phố ít khi mở cửa khi người ta ngủ, trừ
một vài cửa sổ có chấn song sắt phía trên lầu. Quanh quẩn ngoài sân
chẳng tìm ra thức gì ăn tôi đành tới chậu nước rửa uống tạm một hơi cho
đỡ khô cổ. Rồi chui nằm dưới gầm xe chập chờn trong một giấc ngủ đầy
mộng mị.
Sáng hôm sau, tôi bừng mắt tỉnh dậy khi nghe tiếng gọi :
- Ếu Cộc ! Ếu Cộc !
Tôi nhảy bổ ra, chạm ngay cẳng vú già. Vú lầu bầu :
- Con quái ! Tao tìm mày hết hơi. Mau lên bà chủ gọi.
Bà
chủ kêu tôi thật. Tôi cũng mong được gặp bà chủ, vì ít ra ở bên bà tôi
còn có chút an ủi. Dù sao bà cũng là người có liên hệ tình nghĩa với
thầy giáo tôi. Chính bà tỏ ý ưa thích tôi và nài xin cho tôi về ở với
bà. Tôi lần theo hơi bà và gặp bà ở phòng ăn. Chà, cái phòng ăn sang
trọng, thơm tho quá. Mùi thức ăn bốc hơi ngào ngạt làm tôi rỏ rãi. Thấy
tôi, bà chủ vẫy :
- Cộc ! Lại đây.
Bà bắt tôi chào, rồi thích thú gọi :
- Vú già !
- Dạ.
- Vú lại đây mà xem này ! Cộc, chào đi, Cộc !
Trước đôi mắt gườm gườm của vú già tôi ngồi im không nhúc nhích, dù bà chủ nhắc bảo đôi ba lần.
Tôi
nhìn bà với ý muốn nói : Tôi rất kính trọng bà, sẵn sàng tuân theo lời
bà, nhưng tôi không thể chào cái người vú già đáng ghét kia đã gây ác
cảm với tôi ngay tự buổi đầu. Để ngỏ ý ấy, tôi cố ve vẩy khấu đuôi ngắn
ngủn của tôi và tiến lại phủ phục dưới chân bà.
Không ngờ bà chủ bất mãn hất tôi ra, gắt :
- Tao bảo mày chào chứ tao có mượn mày liếm chân tao đâu ?
Cùng
lúc ấy tôi bỗng thấy một vật từ cao phóng xuống cào cắn trên lưng tôi
khiến tôi đau nhói lăn lộn đi mất mấy vòng. Định thần lại, tôi mới biết
đứa vừa tấn công tôi là một gã mèo tam thể khá lớn. Giống mèo giả hình
và giống chó thô lỗ chúng tôi ít khi thân thiện được với nhau. Thừa dịp
tôi mới chân ướt chân ráo tới, hắn đã đánh phủ đầu tôi trước. À, gớm
thật, quân này đểu ! Tôi phải nhay cho hắn một trận, để hắn biết tay
tôi, mà chừa cái thói đánh lén đi.
Tôi
nhảy đến và một trận quần thảo xảy ra. Gã mèo cũng vào tay cứng cựa
toàn dùng những miếng hiểm độc phản công. Luôn luôn gã chụm bốn chân chờ
tôi xông đến mới phóng lên cao đánh xuống. Gã tránh đòn cũng rất tài,
nên gã chưa hề hấn gì mà tôi đã bị cào sước mõm !
Thế mà bà chủ cuống cuồng lên, sợ tôi cắn chết gã. Bà kêu thất thanh :
- Vú già ! Kìa đuổi con Cộc đi, không nó cắn chết con Mi-nu bây giờ.
Vú già quay cán chổi quật tôi một cái nên thân, miệng quát :
- Xuống nhà ! Muốn chết hả ?
Tôi
thui thủi đi xuống, lần vào nhà xe, nằm thừ ra và chua chát thấy rằng, ở
nhà này tôi chẳng sung sướng gì. Chưa chi tôi đã có ác cảm với hai nhân
vật : vú già và gã mèo tam thể.
Vú già không muốn bận về tôi. Có tôi, tức là thêm việc cho vú.
Còn
gã mèo, gã sợ tôi chiếm mất ảnh hưởng của gã trong nhà này. Xưa nay gã
vẫn được bà chủ yêu quí, được bà đặt cho cái tên rất kêu là Mi-nu, và
thường được bà ôm ẵm vuốt ve. Lợi dụng sự hậu đãi của chủ, gã dám coi
mình như một con vật quan trọng, tự do nhảy lên bàn ăn, và thản nhiên
leo lên ghế sa-lông nằm ngủ. Vú già thấy gã được bà chủ chiều chuộng đã
không dám động đến, còn nịnh bợ gã là chú Miu ! Chú Miu, lẽ tự nhiên
không thể sống chung hòa bình với tôi được. Và gã đã tỏ ra có ưu thế hơn
tôi.
Bà
chủ không ưa thích tôi lắm, điều ấy tôi rất buồn mà thú thật như vậy.
Bây giờ tôi mới hiểu rằng bà xin tôi về chỉ vì thích được xem cái trò
ngồi thẳng hai chân sau, hai chân trước chắp trên ngực khi bà hô : “Chào
đi !” Ngoài cái trò ấy – có thể giúp bà tiêu khiên và thỏa mãn tính
khoe khoang của bà với các bạn hữu – tôi chẳng còn gì đáng cho bà chú ý.
Ông
bác sĩ không mấy khi có nhà. Ông chẳng màng đến tôi vì còn bận biết bao
công việc. Ngày ông bận đi bệnh viện. Tối ông bận đưa bà đi chơi. Ông
đem tôi về cũng chỉ vì muốn chiều một ý thích của vợ.
Như
vậy, ở nhà này liệu tôi có thể giúp ích được việc gì ? Tôi nghĩ đến khả
năng chuyên môn của loài chúng tôi : canh gác nhà cửa cho chủ. Nhưng ở
thành phố, nhất là những nhà sang trọng như nhà ông bác sĩ, công việc ấy
không cần thiết. Chiếc cổng sắt luôn luôn đóng kín. Ai muốn vào phải
đứng bên ngoài bấm chuông. Đêm hôm cũng chẳng sợ gì trộm đạo. Nếu có
nuôi chó, thì cũng chỉ làm cảnh mà thôi. Giống chó nuôi làm cảnh phải có
tài nịnh bợ. Mà cái trò mơn trớn chủ thì ở nhà này gã mèo đã tranh phần
rồi.
Tự
xét thấy mình vô dụng, tôi nghĩ đến kế yên thân. Tôi định bụng từ nay
cứ việc ăn no ngủ kỹ, tìm một chỗ kín đáo khoanh tròn người lại cho đỡ
vướng.
Nhưng
cuộc đời, dù là đời chó, cũng không thể chỉ có ăn với ngủ. Ăn chán rồi
nằm, tôi đâm ra bồn chồn vớ vẩn. Tôi nhớ đến đời sống phóng khoáng ở nhà
quê. Ở đấy chủ nuôi tôi, dù nghiêm khắc nhưng cũng đã thương tôi thật
tình. Các anh trò nhỏ có thiện cảm với tôi, và những buổi vui đùa bên họ
làm sao quên được. Tôi muốn trở về. Tôi nhớ thầy giáo với các anh trò
nhỏ vô cùng !
Tôi
rắp tâm tìm dịp để trốn. Ra khỏi nơi đây tôi sẽ phóng thẳng một mạch
không cần ngoái cổ lại. Để ý, tôi biết chiếc cổng sắt nhà ông bác sĩ
thường được mở ra vào những lúc nào. Ban ngày không thiếu gì dịp. Nhưng
thuận tiện nhứt có lẽ về đêm. Ông bà bác sĩ sau bữa cơm tối hay đi chơi
tới quá khuya mới về. Biết thế nên hôm định trốn tôi nằm chực sẵn ở
cổng, chờ xe ông bà chủ chạy ra tôi cũng lỏn ra theo.
*
Trời
tối nên vú già không hay biết gì hết. Chiếc xe vừa ra lọt, vú đã đóng
cổng quay vào. Tôi nép mình ngoài bờ tường nhìn ngơ ngác. Chiếc xe ông
bà chủ lướt nhanh, ánh đèn đỏ phía sau xe chấp chới trên mặt đường rồi
mất hút đằng đầu phố.
Tôi
cũng men theo lối ấy. Vừa đi, tôi vừa đánh hơi tìm phương hướng và để
đánh dấu quãng đã đi qua, cứ mỗi cột đèn tôi đều đứng lại, ghếch chân
tiểu vào đó một chút. Nhưng tới đầu phố, các cột đèn bỏ đường thẳng vây
tròn quanh một bồn bông rồi chia sang bốn năm ngả. Tôi chẳng còn biết
lối nào nên theo. Vừa toan băng qua một đường ngang, tôi bỗng hoảng hồn
nghe “két” một tiếng và người tôi văng hắt trở lại. Chỉ suýt nữa tôi bị
một chiếc xe cán phải, nếu nó hãm không kịp. Cũng may tôi mới đụng vào
chiếc cản phía đầu mũi nên chỉ bị một phen thất đảm. Tôi cắm cổ chạy trở
về. Tới cổng nhà, tôi ngồi lại để thở, chờ cho đỡ run.
Rồi tôi đổi hướng, lần về cuối phố.
Tôi
lại ngẩn ngơ trước một ngã ba. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng đường thành
phố chia ra nhiều ngõ ngách không như ở nhà quê, thẳng băng một chiều.
Tôi đâm ra phân vân, bối rối không biết làm cách nào tìm được lối về với
thầy tôi ! Tuy vậy tôi vẫn chưa nản. Đứng nghiêng ngó hồi lâu tôi chợt
thấy có bóng chó thấp thoáng trong một ngõ tối. Tôi đuổi theo, bắt kịp
bóng ấy dưới chân cột đèn. Đó là một ả chó cái mũm mĩm, khấu đuôi chổng
ngược ve vẩy như một bông lau. Cái đuôi ấy cụp lại khi tôi đến gần và
mắt ả nhìn tôi ra vẻ ngạc nhiên. Tôi vồn vã :
- Chào bác !
Ả không chào lại, chỉ ngửi quanh người tôi rồi nheo mũi quay đi.
Tôi lẵng đẵng theo :
- Này, bác đi đâu đấy ? Cho tôi hỏi thăm một chút được không ?
Ả ngúng nguẩy cái đuôi :
- Hỏi gì ?
- Lối này có đi ra thành phố được không bác nhỉ ?
Ả lại khủng khỉnh đáp :
- Không biết.
Đến một đống rác, ả chợt ngừng lại bảo tôi :
- Này, khôn hồn thì chuồn đi. Thằng Xồm kia rồi !
Tôi chưa kịp hiểu gì, thì một bóng chó vạm vỡ xồ ra. Mặt gã ngắn ngủn, mõm vuông và đặc biệt có những sợi lông đen che rũ xuống cằm. Vừa toan cất nhời chào, hỏi thăm đường, tôi đã bị gã đả ngay cho một miếng. Bị vố thất thần, tôi ngã bổ chửng. Nhưng tôi quật mình lại được ngay. Tôi gầm gừ nhìn gã. Gã cũng nhe nanh nhìn tôi. Thoạt đầu tôi đã có ý bỏ chạy, tránh sự gây lộn vô cớ. Nhưng quay lại, tôi thấy ả kia đang ngồi chồm hổm dưới cột đèn. Hình như ả ngồi đó chờ xem cuộc tranh tài giữa hai đứa chúng tôi. Quả nhiên cuộc cắn lộn không thể tránh. Chúng tôi quần nhau một trận nên thân. Gã xồm coi bộ gió hung hăng thế, nhưng sức lực chẳng dẻo dai bằng tôi được. Mới có một chập hắn đã thở hổn hển, bị tôi vật ngửa ra, nhay cho mấy miếng nên thân. Gã lùi dần, ngã xuống một đường rãnh gần đấy, lấm bê bết và bỏ chạy. Thắng gã, tôi cũng bị đau. Còn đang tập tễnh, ả kia đã chạy lại xun xoe :
- Có sao không ?
Tôi vênh mõm huênh hoang :
- Chẳng mùi gì. Tôi coi hắn bằng cái muỗi tép !
Ả có vẻ phục tôi ghê gớm, liếm vào một vết sước ở lưng tôi bảo :
- Thằng ấy dữ lắm. Thế nào nó cũng trả thù. Tôi ngán nó quá.
Tôi ngần ngại hỏi :
- Nhưng tại sao tự nhiên nó lại đả tôi nhỉ ?
- Tại nó thấy đi với tôi đấy !
Tôi ngớ ra nhìn ả, và tôi cũng chợt hiểu. Đuôi ả phe phẩy :
- Thôi về đi, không nó kéo cả bọn ra bây giờ.
Tôi đành quay trở lại. Tới cổng sắt nhà ông bác sĩ tôi dừng lại. Ả hỏi :
- Ở đây à ? Chắc mới đến phải không ?
- Vâng.
- Đâu thế ?
- Dưới quê lên.
- Hèn nào ! Tên đằng ý là gì nhỉ ?
- Người ta gọi tôi là Cộc ! Thế còn bác tên gì ?
- Loulou ! Nhưng đừng gọi tôi là bác nữa nhé.
- Tại sao ?
- Nghe nó quê mùa thế nào ấy.
Tôi ngượng ngồi im. Tôi thấy mình quê mùa thật bên cạnh ả Loulou đỏng đảnh này. Ả tiếp :
- Gọi bằng “đằng ý ơi” nghe hay hơn, không có thì cứ gọi là Loulou thôi. Loulou là tên tây của người ta đấy !
- Thế à ?
- Ừ. Nhưng này, đằng ý có muốn đi chơi nữa không ?
- Đi đâu bây giờ ? Nhỡ lại gặp bọn thằng Xồm thì sao ?
- Ừ nhỉ ! Thôi để tối mai vậy. Loulou sẽ đưa đằng ý đến nhập bọn với tụi thằng Bob.
- Cũng lại tên tây à ?
- Ừ. Bob, Toto và Mimi.
- Bọn nào thế ?
- À, bọn ở ngõ trên. Hách lắm ! Đằng ý chẳng còn sợ gì bọn thằng Xồm nữa.
- Thế…. đằng ý cũng ở phe này à ?
- Loulou quen cả hai phe, nhưng bây giờ đằng ý về phe nào, tớ theo phe ấy. Nhớ tối mai đấy nhé.
Ả chào rồi quay đi. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo cái đuôi như bông lau và quên hẳn chuyện tìm đường trốn về với thầy giáo.
_________________________________________________________