Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

CHƯƠNG 5_ĐƯỜNG VÀO HANG CỌP



5


Từ đấy, tối nào tôi cũng lẻn ra đi chơi với con Loulou. Tôi theo nó nhập vào bọn ở ngõ trên, và trở thành một tay du đãng có hạng.
 
Hôm ra mắt anh em, tôi gặp bọn họ đang tụ tập trên một mảnh đất trống. Khoảng đất này chẳng hiểu vì lý do nào mà người ta còn để hoang, chưa chịu cất nhà, chỉ rào rậu sơ sài chung quanh. Các mãnh chó liền lấy đó làm nơi hò hẹn.
 
Loulou dẫn tôi đến giới thiệu với cả bọn :
 
- Đây là anh Cộc, mới đến khu này và cũng vừa chơi nhau với thằng Xồm. Anh Cộc đả nó một trận chạy có cờ đấy !
 
Nghe Loulou giới thiệu như thế, bọn họ, tất cả có ba mống, liền vây quanh lấy tôi. Một gã cao nhất mà Loulou giới thiệu với tôi là Bob cất giọng lừng khừng hỏi :
 
- Có đúng thế không, chú mày ?
 
Bob là một gã lai giống, cẳng cao lêu đêu và giọng sủa nghe ồm ồm. Cổ hắn có đeo một vòng da, dáng điệu rõ ra vẻ một tay anh chị. Gã vừa hỏi xong đột nhiên đưa mõm độp tôi một miếng. Tôi tránh được ngay. Nhưng tránh khỏi gã, tôi đụng luôn phải mãnh chó thứ hai : gã Toto.
 
Cả hai tìm cách áp đảo tôi ở hai bên trong lúc mống chó thứ ba, ả Mimi ngồi nhìn thích thú bên cạnh con Loulou. Tôi hiểu ngay đây là cuộc thử sức và đã kinh nghiệm về trận ẩu đả với tên Xồm, tôi giữ thế thủ ngay. Không thể để họ tấn công vào hai bên sườn, tôi nhảy vọt về phía trước, rồi quay lại đối diện với họ. Rồi tôi đánh bên phải, đỡ bên trái lung tung một hồi. Hai gã tấn công tôi bỗng dừng lại, ve vẩy đuôi :
 
- À, khá lắm. Người anh em khá lắm ! Vào tay chiến cừ đấy. Người anh em có thể nhập bọn với cánh này được. Đồng ý không ?
 
- Đồng ý ! Đồng ý !
 
- Chúng ta sẽ chống nhau với bọn thằng Xồm không cho chúng nó bén mảng tới khu này…
 
- Đồng ý ! Đồng ý !
 
- Và chúng ta sẽ sang hẳn đất chúng nó gây chiến…
 
- Đồng ý ! Hoan hô !
 
Tôi chẳng tỏ thái độ gì. Thực ra thì con Loulou đã đồng ý, hoan hô thay tôi. Tôi bị nó lôi cuốn, chiếc đuôi bông lau của nó ngả về phía nào tôi theo phía ấy.
 
Cứ tối đến, cái đuôi ấy phất phới ngoài cổng nhà ông bác sĩ, chờ tôi lẻn ra là cắm cổ chạy thẳng một mạch đến khu đất hoang. Chúng tôi nhập bọn đùa rỡn ở đấy, rồi chờ cho sự sinh hoạt của thành phố dịu bớt, đường phố thưa vắng bóng người là chúng tôi kéo nhau ra, lang thang các ngả, hoặc săn đuổi cắn lộn với phe khu dưới.
 
Có lần chúng tôi kéo nhau xuống hẳn chỗ bãi rác là nơi tụ tập của bọn thằng Xồm cắn lộn. Có khi lại dụ chúng lọt vào khu mình để tấn công.
 
Thường thường các mãnh chó đực chúng tôi hay nấp một chỗ vắng, để hai ả Mimi và Loulou đi vơ vẩn dụ địch. Vô phúc anh nào lớ ngớ đuổi theo là chúng tôi nhảy ra nhay cho một trận bở vía. Chúng tôi ham mê cắn lộn, và huênh hoang tự đắc, tưởng chừng như ngoài việc cắn lộn ấy ra chẳng còn gì đáng vui nữa !
 
Một đêm, chúng tôi kéo nhau vào khu thằng Xồm. Chẳng may lại đúng vào đêm người ta đã họp nhau trừng phạt chúng tôi. Bị mất ngủ nhiều lần vì sự phá phách, cắn lộn ầm ĩ của chúng tôi rồi, người ta không thể nhẫn nại mãi nữa. Bởi vậy giữa lúc cả hai phe đương say mê hăng hái ẩu đả thì người ta, ở các nhà, lặng lẽ mở cửa ra đi, mang theo gậy gộc và quây lại thành một vòng vây. Khi chúng tôi biết được, buông nhau ra bỏ chạy thì những đầu gậy đã tới tấp thi nhau quật xuống. Tiếng gậy đập hụt xuống mặt đường chan chát hòa lẫn với tiếng ăng ẳng của những đứa bị trúng đòn. Bị vây trong trận đòn hội chợ ấy tôi mê người lên chạy thục mạng, cũng may tôi thoát được mà không hề hấn gì. Riêng mãnh Bob bị phang què cẳng. Còn mãnh Toto thì rách mất một tai.
 
*
 
Sau trận đòn ấy chúng tôi tởn mất một dạo, không dám nho nhoe nữa. Phần vì hai tướng Bob và Toto bị đánh đến mang thương tích phải chờ cho lành. Phần tôi cũng lấy làm hối. Hôm vây đánh chúng tôi, người ta vừa quật vừa la :
 
- Đánh chết cái giống chó hoang nầy đi.



May mà tôi không bị đập chết hôm ấy. Nhưng cái tiếng chó hoang thì tôi đã bị người ta gán cho rồi ! Chó hoang ! Chao ôi, không có gì nhục nhã cho bằng. Tôi, đứa con thứ tư của một giòng giống tốt, mang danh là “con Cộc của Thầy giáo” và hiện thời được nuôi nấng trong một nhà thế giá mà bị coi là chó hoang sao ? Bởi vậy, tôi đã định bụng thôi từ nay không ra đám đất hoang vu tụ tập lếu láo nữa. Bụng tuy muốn thế, song chỉ được vài hôm, nhìn thấy cái đuôi phất phới của con Loulou ngoe nguẩy ngoài cổng sắt, tôi lại lẻn ra theo nó. Nó cho biết tin tức về mấy đứa kia. Chưa đứa nào dám ló dạng khỏi nhà.
 
Còn Loulou, nó bị đói vì chủ phạt không cho ăn. Đêm bị vây đánh, nó sợ quá chạy thẳng về nhà cào cửa sồn sột. Ông chủ phải thân hành ra mở và biết nó đi chơi đêm về, ông đá cho nó một cái nên thân. Hôm sau nó bị nhốt ngay từ chiều. Nhưng quen thân rồi, nó chịu không nổi cứ kêu rít và cào cửa đòi ra làm mọi người trong nhà mất ngủ. Bực quá người ta đánh cho nó một trận lê lết, rồi bắt nhịn ăn, bảo rằng :
 
- Con này cơm no rửng mỡ, hư thân mất rồi. Cứ cho nó nhịn đi vài bữa xem sao !
 
Bị đói, nó nằm so một chỗ, rồi thừa dịp không ai để ý lẻn đến tìm tôi. Nó bảo :
 
- Đói quá anh Cộc ạ. Anh đưa tôi đi ăn đi.
 
Tôi ngẩn ra nhìn nó :
 
- Đi đâu bây giờ ?
 
- Thì cứ đi, rồi kiếm !
 
Nó đưa tôi tới các thùng rác.



Ở thành phố mỗi nhà thường có một chiếc thùng chứa mọi thứ thừa thãi. Cứ tối đến người ta đem để sẵn ngoài lề đường chờ sáng hôm sau có xe rác tới dọn.
 
Con Louou ẩy đổ xuống một thùng. Rác bẩn đủ thứ vãi ra tung tóe. Nó vục mõm vào tìm bới. Toàn những cuộng rau già với ít vỏ trái cây không thể nào nhá được. tôi hiểu ngay cách tìm ăn của nó. Tuy không đói nhưng vì con Loulou, tôi cũng lần lượt bới từng thùng rác. Dưới ánh đèn khuya trên mặt đường thanh vắng, chỉ thỉnh thoảng mới có vài người qua lại, và ít xe cộ lướt nhanh, hai chúng tôi đúng như hai bóng chó đói đi hoang.
 
Ở những thùng rác chẳng có gì béo bở, chúng tôi lần mò đi mãi. Tới một cái chợ, đánh hơi có mùi thức ăn, chúng tôi lần vào. Trong khi con Loulou ra liếm những mảnh lá gói bánh, tôi sục sạo vào trong quán chợ, bắt gặp mấy bóng chó khác cũng đang đánh hơi tìm kiếm. Đó là những bóng chó gầy guộc, bộ lông sơ sác có chỗ rụng cả đám, trơ lằn da xám nhăn nheo. Thấy tôi họ hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cũng chẳng cần để ý. Họ còn phải lo cho cái bụng xẹp lép của họ. Quanh quẩn một lát tôi thấy họ châu vào nhau gầm gừ. Chắc họ đang định tranh cướp món gì đây. Tôi nhảy lại, sủa hực lên. Họ tránh rạt ra để lộ một khúc xương lớn còn dính ít thịt ôi ở hai đầu. Tôi xông vào đánh đuổi họ đi. Thấy tôi khỏe mạnh vạm vỡ, họ không dám chống cự chỉ gằm ghè rồi lảng. Tôi cướp lấy khúc xương tha lại cho con Loulou.
 
Đêm ấy, mải đi kiếm ăn, tôi quên cả thời khắc. Khi về tới nhà, xe ông bác sĩ đã nằm gọn trong sân. Và hai cánh cổng cũng đã khóa chặt. Tôi không dám cào cổng cũng không dám kêu, vì dù có đánh tiếng chưa chắc gì vú già ngủ phía nhà trong đã nghe thấy. Con Loulou cũng không dám về. Nó ở lại bên tôi nằm gậm lục cục cả đêm.
 
Sáng hôm sau khi vú già ra quét cổng vú gặp tôi nằm mẹp ở đấy. Khúc xương con Loulou còn bỏ lại bên cạnh. Vú sửng sốt nhìn tôi rồi giơ cán chổi lên :
 
- Con quái ! ra mày lẻn nhà đi cả đêm qua ?
 
Tôi kịp tránh được một cán chổi, rồi hoảng hốt chui tọt vào trong. Tôi lủi vào nhà xe định trốn. Chẳng may, vì cuống quá tôi đâm vào chân ông bác sĩ, giữa lúc ông đứng mở cửa xe. Cúi nhìn, ông kêu ầm lên. Hai ống quần ông bị người tôi quệt vào lấm bê bết. Thì ra đêm qua vì bới các thùng rác người tôi lấm bẩn như mới dưới cống chui lên. Ông quát :
 
- Vú già…
 
- Dạ !
 
- Sao vú để con Cộc bẩn thỉu thế này ?
 
- Bẩm ông, nó đi cả đêm mới về đấy ạ.
 
Ông bác sĩ trợn ngược mắt :
 
- Hả ? Nó đi cả đêm mà vú không hay biết gì cả !
 
Ông đùng đùng chạy lên nhà. Có tiếng ông cằn nhằn trong phòng ngủ. Rồi bà bác sĩ ló đầu ra :
 
- Vú già !
 
- Dạ ?
 
- Vú trông nom nhà cửa thế à ? Cổng ngõ vú đóng làm sao mà con Cộc đi hoang cả đêm ?
 
- Dạ… thưa…
 
- Còn “thưa dạ” cái nỗi gì. Lôi con Cộc ra tắm rửa cho nó đi !
 
- Dạ !
 
- Và đánh cho nó một trận !
 
Tôi bị một trận đòn thù – vâng, đúng là một trận đòn thù – vì chưa bao giờ vú già uất hận như sáng hôm ấy. Bị cả hai ông bà chủ mắng như tưới nước vào mặt vú nện cho tôi một trận bò lê bò càng. Tôi không dám kêu, chỉ rít lên đau đớn dưới những lằn roi. Bởi kêu nữa vú sẽ dận đầu tôi xuống nước, và còn đánh mạnh hơn.
 
Vú lại cất phần cơm, bắt tôi nhịn đói luôn. Hình phạt ấy tuy âm thầm mà thật ác nghiệt. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là đói và cái đói nó hành hạ ruột gan ra sao. Bực hơn nữa trong lúc tôi phải nhịn ăn thì con Miu ngồi tận trên cao lại nhởn nhơ với đĩa cơm đầy ắp thịt cá. Nó ăn nhỏ nhẻ, chậm chạp, và nhìn tôi rỏ rãi ở phía dưới với đôi mắt khinh khỉnh. Vú già còn nhiếc thêm :
 
- Cho mày biết thân ! Cứ đói lả ra là hết phè phỡn.
 
Và vú dậm chân :
 
- Cút sang nhà xe mà nằm.
 
Tôi lủi thủi đi ra lòng đầy uất hận. Nằm bên nhà xe tôi ấm ức tính chuyện bỏ đi. Lần này thì tôi đi thật. Không ai thiết tôi, tôi cũng chẳng cần ai cả.
 
Ngay tối hôm ấy tôi lại lẻn cổng chuồn ra. Lần này vú già đã để ý nên trông thấy. Vú đuổi theo tôi, kêu :
 
- Cộc. Về ngay !
 
Nhưng tôi ngoái cổ lại đợp cho vú một miếng vào tay rồi chạy thẳng. Con Loulou đã đợi tôi ở đầu phố. Tôi cho nó biết ý định của tôi. Nó tán thành ngay, và cũng bỏ nhà theo tôi luôn. Chúng tôi lần vào khu đất hoang nghe ngóng, chờ đợi bọn thằng Bob. Vẫn chưa có mãnh nào ra đây. Có lẽ vết thương của chúng nó chưa lành, hoặc bị chủ nuôi nhốt lại.
 
Tôi bàn với con Loulou lấy ngay chỗ đất hoang này làm nơi trú ngụ. Còn ăn, chúng tôi đến chầu ở các tiệm cao lầu kiếm những miếng ăn thừa người ta vứt ra, hoặc vào chợ nhặt nhạnh cũng đủ đỡ lòng. Cùng lắm thì đã có các thùng rác ! Chúng tôi sống nhởn nhơ phóng túng như thế mới được vài ngày, thì xảy ra một việc bất ngờ : tôi bị bắt !
 
*
 
Buổi sáng hôm ấy, một thầy Cảnh binh dẫn hai người cầm thòng lọng vào tảo thanh khu chúng tôi ở. Qua khoảng đất trống, thấy bóng chúng tôi, họ ập vào. Con Loulou nhỏ người chui lọt ra được một lỗ rào gần nhất chạy thoát. Tôi lúng túng bị một chiếc thòng lọng thít chặt vào cổ rồi bị lôi đi, ném vào một chiếc xe đậu sẵn gần đó. Trong xe, đã có mấy mống bị nhốt. Tôi nhận ra có cả thằng Xồm ủ rũ ngồi bên. Thêm vài mống nữa thì đầy, người ta đẩy xe đi. May thay chiếc xe lọc cọc lăn qua cửa nhà ông bác sĩ, đúng lúc vú già ra lấy thùng rác. Thấy chiếc xe bắt chó đi ngang, vú tò mò đứng lại nhòm. Tôi kêu lên đánh tiếng cho vú biết. Thấy tôi, vú hoảng hốt giơ hai tay lên trời :
 
- Con Cộc ! Con Cộc bị bắt rồi bà ơi !



Tôi chỉ nghe có thế. Chiếc xe vẫn lọc cọc đưa chúng tôi về trại giam. Trước khi bị nhốt vào trại, mỗi đứa chúng tôi đều được khám nghiệm cẩn thận và buộc vào cổ một biển số.
 
Ở đây chúng tôi cũng được ăn uống tử tế nhưng chẳng có mãnh nào muốn ăn. Lo sợ đã làm chúng tôi quên đói, vì khi vào đây chúng tôi mới được biết rằng : Sau hai ngày, nếu những chó bị bắt không có ai tới nhận, sẽ bị kể vào loại chó hoang vô chủ, và sẽ được đưa vào sở thú cho cọp ăn thịt. Khi được biết điều ấy tôi không đứng vững nữa. Các tướng bị bắt vào đây cũng như tôi đều phục vị một chỗ, giương đôi mắt lờ đờ nhìn ra ngoài. Thỉnh thoảng có vài mãnh chó được chủ nuôi đến nhận lãnh ra, nhảy cẫng lên vì mừng. Tôi mong mỏi được thấy bà bác sĩ hay vú già đến giải thoát cho tôi. Nhưng hy vọng mong manh ấy chỉ làm cho tôi thêm thất vọng. Đã gần qua hai ngày tôi vẫn nằm rũ trong trại giam. Ánh nắng tan dần ngoài cửa trại. Rồi bóng tối tràn đến phủ trùm trên trại giam như chôn vùi tôi đi.
 
*
 
Sáng hôm sau, các mống chó còn lại được lôi ra, ném lên xe. Người phụ trách đưa chúng tôi đi thản nhiên nói :
 
- Đi vào sở thú thôi, các con ơi ! Chúng con đến ngày tận số rồi, nên vào đó để chúa sơn lâm hóa kiếp cho !
 
Chuyến xe cuối cùng đưa chúng tôi tới miệng tử thần thực là buồn thảm. Nằm trên xe nghe tiếng vòng bánh lăn lộc cộc trên đường mà lòng tôi se thắt. Tôi nhắm nghiền hai mắt lại và những hình ảnh cuộc đời tôi hiện ra rõ rệt. Tôi nhớ đến một thôn trang xanh mát bóng cây. Nơi đó tôi đã sống những ngày êm đẹp bên cạnh cha mẹ, anh em. Tôi nhớ đến chị Bông con, đến anh Vá, anh Vằn và con em Cún. Tôi nhớ đến thầy giáo và các anh học trò nhỏ của tôi. Rồi thì quãng đời hư đốn ở tỉnh thành – vâng quả là hư đốn, – bây giờ tỉnh ra thì đã muộn rồi, dù có hối hận hay than trách cũng không kịp nữa!
 
Chiếc xe đã vào cửa thảo cầm viên. Một tiếng à-uôm vang động khu vườn, làm chúng tôi ngã chúi vào nhau.
 
Thấy xe chúng tôi đến, chúa sơn lâm vươn vai đứng dậy, lượn quanh các hàng song sắt có vẻ như sốt ruột.
 
À-Uôm !
 
Chúng tôi hầu như đã tiêu hết sinh khí không còn đủ sức run rẩy nữa. Người tôi rũ liệt, mềm oặt như mớ thịt mềm, đến nỗi khi bị một cánh tay thò vào túm cổ lôi ra, tôi tưởng như tôi đã chết rồi !
 
Bỗng một chiếc xe hơi xịch đến, và có tiếng nói cấp bách :
 
- Ấy ông ơi ! Khoan đã !
 
Tôi nhận ra giọng nói của bà bác sĩ. Bà chỉ vào tôi :
 
- Con chó này của tôi. Tôi đến lĩnh nó về. Có giấy đây !



Bà chìa ra một tấm giấy trắng, có ghi chữ và đóng dấu đỏ.
 
Tôi được hạ xuống, đặt dưới chân bà bác sĩ. Tôi hồi lại dần dần và khi bà mở cửa xe hơi tôi cuống cuồng nhảy vội ngay lên.
 
*
 
Câu chuyện của tôi kể đến đây là chấm dứt. Tôi chẳng còn gì đáng thuật lại nữa, bởi vì sau chuyến chết hụt vừa rồi tôi cạch đến già. Con đường đi vào miệng cọp không xa xôi gì, và thực tình tôi chẳng muốn phải trở lại con đường ấy nữa. Miệng cọp đỏ lòm với những răng nanh nhọn hoắt hả ra như một vực thẳm. Rơi vào đó là tiêu mất xác.
 
Về được đến nhà, hoàn hồn rồi mới thấy phúc mình quả hãy còn lớn. Đến trưa, ông bác sĩ ở bệnh viện về. Thấy tôi nằm mọp ở nhà xe, ông hỏi vú già :
 
- Con Cộc được về rồi à ?
 
- Bẩm ông, bà con mới lãnh nó về sáng nay. Xuýt nữa thì nó bị chôn vào bụng cọp. Người ta đã đưa nó vào sở thú…
 
Nghe vú già nhắc lại tôi thấy còn sởn lông. Ông bác sỉ nhìn tôi bảo :
 
- Mày hư quá Cộc ạ. Không có tao xin cho thì mày chết rồi !
 
Lúc ấy tôi mới biết phúc tinh của tôi là ông bác sĩ. Tôi lết lại chân ông, rít lên khe khẽ tỏ vẻ biết ơn.
 
Ông vỗ trên đầu tôi cười :
 
- Từ nay thì chừa nhé !
 
Quay lại, ông còn dặn vú già :
 
- Vú coi chừng nó cẩn thận đấy. Bà không bằng lòng nuôi nó nữa. Để chúa nhật tôi đưa trả nó về cho ông Giáo !
 
Nghe nói, tôi mừng quá. Tôi sẽ được về với thầy tôi, với các anh học trò nhỏ ngoan ngoãn ! Chắc thế nào khi nghe biết truyện này, thầy tôi cũng nhân đó mà rút ra được nhiều lời khuyên dạy cho đám học trò nhỏ. Riêng tôi ngay từ bữa ấy có cần đến ai phải canh chừng nữa đâu ? Dù bọn thằng Bob có đến rủ rê, chiếc đuôi bông lau của con Loulou có ve vẩy ngoài cổng tôi cũng dửng dưng quay vào.
 
Chao ôi ! Giá chúng nó biết được như tôi. Giá chúng nó hiểu rõ số phận của những con chó hoang hư đốn sẽ thế nào nhỉ !
 
Con đường đưa tới miệng cọp có xa lắm đâu ?
 
 
HÀ CHÂU    
1962