Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

CHÙM BÓNG HY VỌNG - Nguyễn thị Mỹ Thanh



1
 
Ra khỏi nhà, Thụy cắm đầu chạy nhanh. Đôi dép cao su cũ đã lủng một lỗ to từ lâu, làm đá sỏi dưới đường đâm vào chân Thụy đau điếng. Nắng buổi trưa gay gắt chiếu thẳng vào mái tóc để trần của nó. Đầu nó nóng ran, mồ hôi chảy giọt trên trán, trên cổ và ướt đẫm lưng áo nó.
 
- Trễ học rồi! Thụy lẩm bẩm. Trưa hôm nay hơn hai giờ Thụy mới bắt đầu đi học. Mẹ Thụy đau, Thụy phải lo cơm nước, giặt giũ và dỗ đứa em nhỏ ngủ. Nhà nó nghèo. Mỗi tháng mẹ nó thắt lưng buộc bụng lo cho nó hai trăm đồng đóng tiền học. Đôi khi Thụy muốn nói với mẹ rằng nó không đi học nữa, nó sẽ đi bán báo hay đánh giày như bọn trẻ nhà nghèo trong xóm.
 
Nhưng đâu phải là Thụy không thích đi học. Thụy khao khát được học hành đầy đủ như các bạn. Đối với nó, thiên đường của cuộc đời là đây: trường học. Yêu làm sao mái trường nhỏ bé vang vang tiếng đọc bài của học trò, êm êm lời khuyên răn của cô giáo. Yêu làm sao những đứa bạn học nghèo mà thân thiết, thương yêu nhau. Thụy thương cô giáo nó lắm, thương dáng hình gầy còm và gương mặt đầy vẻ hiền dịu của cô. Trông cô nó có một vẻ gì như là chịu đựng. Mỗi buổi trưa Thụy thấy cô đạp chiếc xe cũ kỹ đến trường dạy học. Vào lớp, cô không hề đánh mắng một đứa nào, nhưng lớp học thì luôn luôn im phăng phắc. Không đứa nào dám nô giỡn hay nói chuyện. Vì chúng thương cô giáo, chúng mến cô giáo, chúng không muốn cô buồn. Cô thật là một nhà giáo có lương tâm, hy sinh vì học trò, quên mình vì học trò. Thụy thương cô, thương đôi bàn tay đầy phấn, thương đôi mắt nhiều lúc thâm quầng vì thức đêm chấm bài. Chỉ có cô mới là bà tiên Hạnh Phúc an ủi Thụy, xoa dịu giùm Thụy nỗi buồn con nhà nghèo. Vì thế cứ tưởng tượng một ngày nào đó, nếu phải vì một lý do ngoài ý muốn mà Thụy phải xa cô, không còn cuộn mình trong sự dìu dắt yêu thương của cô nữa, thì Thụy sẽ buồn đến bao nhiêu? Thụy sẽ khóc đến thế nào?
 
Nhưng mà hôm nay, điều lo sợ của Thụy chực biến thành sự thật. Có lẽ Thụy phải xa cô, xa bạn, xa mái trường thân yêu. Mẹ nó đau liệt giường không đi bán được cả tuần nay. Tiền không có, gạo ăn thì cạn. Chỉ trong một hai ngày nữa mẹ con Thụy sẽ đói, và – đầu tháng đã đến rồi đây – Thụy sẽ không có tiền đóng học phí. Nó sẽ…, Thụy không muốn nghĩ tiếp nữa. Nước mắt nó ứa ra. Nó nghe cổ họng nghẹn lại như bị ai hiếp đáp.
 
Cổng trường nghèo hiện ra trước mắt Thụy. Sân vắng vẻ im lìm. Tim Thụy đập mạnh. Nó rảo bước vào trường. Trước lớp nó, chiếc xe đạp cũ của cô giáo vẫn dựng dựa vào tường, nhẫn nhục cô đơn. Hình ảnh này xoáy vào mắt Thụy, và nó tưởng như đó là hình ảnh kỷ niệm sau cùng.
 
Bạn bè trong lớp đang chăm chú làm toán. Thụy vào lớp, đến bên cô giáo vòng tay thưa:
 
- Thưa cô, con đến trễ ạ!
 
Cô giáo cúi nhìn Thụy, cười hiền hòa:
 
- Ừ, mau về chỗ làm bài đi Thụy!
 
Lời êm dịu của cô càng làm Thụy nghẹn ngào thêm. Nó lặng lẽ về chỗ ngồi. Nó giở tập ra, chép toán làm. Những con số một, hai, ba…, những dấu nhân, chia, cộng, trừ… đảo lộn trước mắt nó. Bài toán không làm hứng khởi được nó. Nước mắt lưng tròng, nó gục đầu xuống, tay ôm mặt.


2

Kể xong câu chuyện, Thụy kéo tay áo chùi nước mắt. Thằng Sơn thở dài. Hai đứa yên lặng. Một lát sau Thụy lẩm bẩm:
 
- Chắc tao nghỉ học quá mày ơi!
 
Thằng Sơn vẫn yên lặng như đang nghĩ ngợi. Thụy nói:
 
- Phải chi… phải chi tao có việc làm… đi bán báo, đánh giầy… hay làm bất cứ việc gì, tao khỏi bị nghỉ học, mày há!
 
Thằng Sơn vỗ tay đánh “đốp” một cái, la lên:
 
- Đúng rồi, mày đi bán đi!
 
Thụy trố mắt:
 
- Mày bảo sao?
 
- Đi bán. Tao chỉ cho mày công việc. Đi bán, mày mới có thêm tiền giúp mẹ mày với lại đi học.
 
Thụy thắc mắc:
 
- Thế mày chỉ cho tao xem bán cái gì? Tao có quen ai đâu? Tao cũng chả có tiền nữa.
 
Thằng Sơn ghé tai Thụy, làm ra vẻ quan trọng:
 
- Bán bong bóng.
 
- Hở? Bong bóng? – Thụy reo lên vui mừng – Mày giúp tao hở?
 
- Ừ! Tao cũng đi bán bong bóng để kiếm tiến giúp bố tao.
 
- Mỗi ngày mày lời bao nhiêu?
 
- Bằng số tiền mua bong bóng. Mua mỗi trái một đồng thôi, rồi bơm lên, bán hai đồng.
 
Thụy thích thú:
 
- Sướng quá nhỉ!
 
- Ừ, mày chỉ việc bán mười ngày thôi là có đủ tiền đóng cho trường.
 
- Thật hở mày? Sướng quá! Nhưng – nét mặt Thụy bỗng cau lại – hiện giờ tao đâu có tiền để làm vốn.
 
- Mày khỏi lo. Tao giúp mày ngày đầu. Mày trả cho tao sau cũng được.
 
Thụy nghẹn ngào ứa nước mắt nhìn bạn:
 
- Mày… mày tốt quá, Sơn ạ.
 
Thằng Sơn đấm vào lưng bạn một cái “thịch” rồi chẳng nói gì nó lôi Thụy đứng dậy. Tiếng chuông reo vào học vang lên. Bọn trẻ lần lượt đến sắp hàng vào lớp.
 
Trời vẫn nắng gay gắt...


3

Thụy đút tay trái vào túi quần. Những tờ giấy bạc cồm cộm! Nó thấy vui làm sao! Chỉ lát nữa đây, một lát nữa thôi, nó sẽ có đủ hai trăm đồng để đóng tiền học. Thụy ngước mặt nhìn lên, chùm bong bóng đủ mầu trên tay nó trông như những trái nho mọng nước thật lớn. Thụy nghe tim rạo rực. Nó đưa mắt nhìn con đường dẫn vào xóm mà nó đến bán bong bóng. Ở đó, có những đứa trẻ dễ thương đang đợi nó. Tuy mới đi bán bóng hơn một tuần thôi nhưng Thụy hiểu gần hết tính tình của bọn trẻ. Nhất là thằng bé con ông công chức hạng trung kia, mỗi sáng khi Thụy còn đi từ đầu ngõ, hu‎ýt còi, là cơ hồ bên tai đã nghe tiếng la hét mừng rỡ của thằng bé rồi. Không sáng nào mà mẹ nó không mua bong bóng cho nó. Hễ lơ đi là nó giận hờn khóc vang lên, thế là mẹ nó phải gọi Thụy trở lui lại mà mua. Mãi rồi Thụy đến quen tai với tiếng hát bập bẹ của thằng bé “Bong bóng, bong bóng… màu… xanh… màu… vàng…”. Và nó nghĩ rằng nó sẽ đi bán bóng luôn để có tiền giúp mẹ. Sung sướng quá, Thụy lại cho tay vào túi mân mê những tờ giấy bạc. Trái hy vọng của Thụy sắp chín. Chỉ đợi một lát nữa thôi, khi chùm bong bóng trên tay bán hết, tiền đủ để đi học, thì Thụy sẽ với tay, hái trái hy vọng của mình xuống, mơn man… Thụy hình dung nét mặt thằng bé con dễ thương. Nó cười với Thụy, hàm răng sữa trắng tinh. Thụy hình dung nét mặt của mẹ, của em. Mẹ Thụy cười, nếp nhăn trên trán sâu hơn, nhưng niềm vui thì nằm trong đôi mắt. Em Thụy cũng cười, vẻ buồn tuổi nhỏ nhà nghèo biến đâu mất, chỉ còn lại vẻ hân hoan vì chút nữa đây Thụy sẽ có quà cho em. Thụy hình dung nét mặt của thằng Sơn. Thằng Sơn cười, hàm răng nham nhở, nhưng gương mặt nó thì dễ yêu lắm. Rồi Thụy lại hình dung nét mặt của cô giáo. Cô giáo cũng cười. Nụ cười của cô đầy vẻ hiền dịu, bao dung. Thụy nghe văng vẳng bên tai lời cô âu yếm “Rán học nghe con!”. Thụy thấy lòng lâng lâng. Cô ơi chẳng bao giờ con xa cô!!!
 
Thụy nắm chặt chùm bong bóng, trông xe để băng qua đường. Nó bỗng thót người vì một bàn tay cứng ngắc đập lên vai nó. Thụy quay lại. Một thằng to lớn khoảng mười sáu tuổi, mặc áo ca-rô, đang nhìn nó với vẻ hung tợn. Thụy chẳng hiểu gì hết. Tên nọ hất hàm:
 
- Mày tên gì ranh con?
 
- Anh là ai? – Thụy cau mày.
 
Thằng to lớn cười hô hố:
 
- Anh Hai Vòng Thép.
 
- Tôi chưa có quen anh.
 
- Thì bây giờ mày quen đi.
 
Vừa nói hắn vừa bước tới, xoa đầu Thụy một cách xấc xược. Thụy thấy lo ngại trong lòng, không biết hắn định làm gì. Nó thấp giọng:
 
- Anh muốn gì tôi?
 
Tên to lớn chẳng trả lời, búng tay “tách” một cái. Từ trong hẻm, một thằng bé bằng cỡ tuổi Thụy phóng ra, đứng trước mặt hai đứa. Hai Vòng thép hỏi nó:
 
- Phải thằng ranh này không?
 
- Đúng rồi anh Hai. Chính nó, nó giành mối của em.
 
Thụy ngạc nhiên vô cùng. Nó chưa hề thấy mặt hai tên này, thế mà thằng nhỏ đổ cho nó là giành mối. Nó giành mối? Nó giành cái gì? Thụy nóng mặt:
 
- Tôi giành cái gì của mấy người cơ chứ?
 
Hai Vòng Thép lại hất hàm. Thằng nhỏ bảo:
 
- Mày không biết hở? Mày đã giành mấy người mua bong bóng của tao chứ còn gì nữa? Hơn tuần nay tao không bán được trái bóng nào, tại mày cả. Mày ở đâu lại cướp khách của tao, thằng kia?
 
Thụy còn phân vân thì thằng nhỏ lại tiếp:
 
- Tao đi bán sớm nhưng họ không thèm mua. Họ mắng tao là cộc cằn, hỗn láo, bán mắc, không cho lựa. Họ đợi cái mặt mày đến mới mua. Mày là con nhà ai? Sao mày chơi trò ăn cướp, hả mày?
 
Hai Vòng Thép lạnh lùng hỏi thằng nhỏ:
 
- Mấy ngày nay lỗ bao nhiêu, Tí?
 
- Dạ gần hai trăm, anh Hai.
 
Thụy hoảng hốt lùi lại một bước. Nó muốn la lên nhưng đường hẻm này nhỏ, vắng ngắt. Hai Vòng Thép đặt tay lên vai Thụy, nói như truyền lệnh:
 
- Đền thiệt hại cho nó, mày!
 
Thụy kinh sợ đưa tay bấu chặt túi quần, những tờ giấy bạc vẫn còn nằm yên trong đó. Hai Vòng Thép cười ha hả:
 
- Thằng này non. Tí, mày “tước” của nó thôi chứ đừng làm dữ nghen!
 
Thằng nhỏ bước đến, giật tay Thụy ra. Thụy muốn hét to lên nhưng Hai Vòng Thép nhanh tay bịt chặt mồm Thụy. Một tay trái của Thụy không cự nổi hai tay của thằng nhỏ vì tay mặt của nó còn phải nắm chặt chùm bong bóng. Thằng nhỏ móc tay vào túi quần Thụy, lôi tiền ra. Thụy nghe tim mình nhói lên, đau đớn. Miệng nó la không được. Nước mắt nó ứa ra. Xấp bạc của nó nằm gọn lỏn trong tay thằng nhỏ. Hai tên du đãng nhìn nhau cười khoái chí. Hai Vòng Thép thôi bịt miệng Thụy, hăm dọa:
 
- Thôi, tha cho mày đó! Đi tìm xóm khác mà bán nghe chưa!
 
Hai đứa quay lưng đi. Thằng nhỏ còn khiêu khích Thụy bằng cách đếm tiền to lên. Thụy nghe uất ức chưa từng thấy. Bên tai nó chợt vang lên lời cô giáo giảng bài: “Đừng hèn nhát! Đừng hèn nhát khi bị hiếp đáp!”. Nó thấy mặt nó nóng bừng lên. Phải, thằng du côn đã cướp trọn số tiền cực khổ của nó. Nó đứng yên chịu sao? Thụy phóng theo đá mạnh vào lưng thằng nhỏ, không do dự suy tính. Thằng nhỏ la “hự” một tiếng, té xuống đất. Hai Vòng Thép quay lại, tát tai Thụy một cái. Thụy như điên tiết, nó đấm lia lịa vào bụng Hai Vòng Thép, bất kể lợi hại. Tay phải nó vẫn nắm chặt chùm bong bóng nhưng nó vẫn cứ đấm. Những trái bong bóng đủ màu vướng ngang mặt Thụy. Nó thấy màu bong bóng hoa lên. Nó không nhìn được gì nữa hết.
 
Thằng nhỏ chợt ôm bụng Thụy quật xuống. Hai Vòng Thép sẵn trớn đá Thụy một cái. Thụy xây xẩm mặt mày. Nó mơ hồ cảm thấy chùm bong bóng không còn ở trên tay nó nữa mà đã vuột ra mất. Nó mơ hồ nghe tiếng hai thằng du côn bảo nhau chạy đi.
 
Thụy như mất thần trong một phút. Nó ngồi dậy, cố nhướng mắt nhìn lên. Chùm bong bóng của nó kia! Chùm bong bóng đã rời bàn tay nó, bay bổng lên không. Màu đỏ, màu xanh, màu vàng, màu trắng… quay tròn trong gió. Những trái bóng mọng đầy hy vọng của Thụy đang từ từ bay lên, không ở lại với Thụy. Niềm mơ ước nhỏ bé của Thụy trong phút chốc bị đập vỡ tan tành không chút xót thương. Trái hy vọng của Thụy gần chín, Thụy chưa hái được đã bị cướp mất rồi. Thụy vẫn ngước nhìn lên. Chùm bong bóng bay cao xa dần… xa dần… Chưa bao giờ Thụy thấy mình bị chà đạp cùng cực như lúc này. Nó nhìn vào ngõ xóm mà đáng lẽ nó phải vào từ lúc nãy. Gương mặt thằng bé dễ thương hiện ra, mếu máo đòi bong bóng. Gương mặt mẹ nó, em nó hiện ra, đợi chờ niềm vui. Gương mặt thằng Sơn, gương mặt bạn bè. Gương mặt của cô giáo…. Cô đâu biết Thụy khốn khổ như thế này. Cô ơi! Cô ơi!... Thụy không khóc nổi. Uất hận ứ đầy trên mặt nó. Nó muốn òa khóc lên, nhưng cổ họng của nó nghẹn cứng.


4

Thụy đã đứng thật lâu rồi ở đây – trước cổng trường. Chỉ mới mười hai giờ rưỡi trưa thôi. Cổng trường còn khép kín. Lớp học còn đóng cửa và những âm thanh học trò chưa vang lên. Nắng trưa gay gắt đổ xuống mái tóc Thụy nóng ran. Thụy tự hỏi không biết nó đến đây đứng để làm gì. Còn gì nữa đâu! Hy vọng đã tan biến. Nó nhớ lại chuyện xảy ra hồi sáng, rồi nhớ đến bữa cơm trưa nay. Mẹ nó khóc rấm rứt khi nghe nó kể chuyện bị hiếp đáp ngoài đường. Em nó nhìn nó ngơ ngác. Bữa cơm nuốt không trôi. Mẹ nó tỉ tê:
 
- Rồi làm sao có tiền đóng đây con ơi?
 
Thụy bỏ đi ra đường. Trong tay không tập vở, Thụy đã đi lang thang và nó đến trước cổng trường. Thụy không biết mình phải làm gì đây. Không có tiền đóng học phí, Thụy sẽ phải nghỉ học. Thụy đứng mãi như vậy cho đến khi lác đác có vài đứa học trò bắt đầu xuất hiện. Và kìa, Sơn đã đến. Cái miệng liến thoắng của Sơn không yên khi gặp Thụy:
 
- Thụy! Làm bài chưa? Hôm nay đến phiên mày lên bảng đó nghe!
 
Thụy không đáp. Sơn ngạc nhiên hỏi tiếp:
 
- Có chuyện gì vậy? Cặp vở của mày đâu?
 
Đôi mắt Thụy đỏ lên. Thụy không dám khóc, cắn chặt môi. Sơn hỏi dồn dập làm Thụy không giấu được, kể hết chuyện cho bạn nghe. Mặt Sơn nghệt ra. Thụy gục mặt uất nghẹn…
 
- Thụy à!
 
Tiếng gọi sao mà êm ái cất lên sau lưng Thụy. Nó đứng lên, nhìn lại. Cô giáo! Cô đứng bên chiếc xe đạp cũ của cô. Cô lại cười với Thụy. Ôi nụ cười sao mà thân mến quá! Thụy muốn ôm lấy cô mà khóc và nói lời giã từ. Thụy sắp xa cô. Nhất định là phải xa cô. Thụy cúi đầu chào cô:
 
- Thưa cô mới đến ạ!
 
- Không Cô lắc đầu – Cô đến lâu rồi. Cô nghe Thụy kể chuyện cho Sơn hết cả rồi. Thụy đáng thương lắm
 
- Thưa cô, con…
 
- Sao Thụy không nói cho cô nghe? Thụy mà nghỉ học thì sau này Thụy sẽ khổ hơn bây giờ.
 
- Nhưng, thưa cô…
 
- Không, Thụy ạ! Cô sẽ nói với bà Đốc giúp Thụy. Nếu cần, cô có thể dành một phần trong tiền lương của cô để lo cho Thụy được học. Thụy tin cô đi, nhé! Rán học nghe Thụy!
 
Cô lại nở nụ cười phúc hậu và thương yêu của bà tiên Hạnh Phúc mà Thụy hằng mơ. Thụy nghẹn cả cổ họng không nói được lời nào. Thằng Sơn nhảy cỡn lên vui mừng. Hy vọng lại đầy tràn trong hồn Thụy. Mơ hồ, nó cảm thấy niềm hy vọng đó đang nằm trong một trái bong bóng – một trái bóng không hề vỡ và trái bóng hy vọng đó đang được thổi lên căng dần, căng dần…
 

Nguyễn Thị Mỹ Thanh

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 91, ra ngày 15-5-1968)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com