CHƯƠNG IV
Sáng hôm sau, hai cha con tức tốc về Châu Đốc bằng xe đò, chuyến 5 giờ, trời hãy còn tờ mờ.
Con
đường từ Sàigòn về Châu Đốc trong những năm ly loạn này là cả một đe
dọa cho hành khách. Tin tức trên mặt báo không ngày nào là không có
những chuyến xe bị mìn đặt trên những quốc lộ, tỉnh lộ, nổ tung. Tự
nhiên, tôi đâm lo. Tôi nghĩ đến những người chết không toàn thây, mất
đầu, mất tay, mất chân, như người con trai con bà hàng xóm đi lính được
nửa năm thì tử trận, lãnh về chôn chỉ lãnh cái bọc ni-lông, bọc trong đó
nắm xương cháy đen và mớ đất. Tuy vậy, trí óc non nớt của tôi vẫn chưa
hiểu chiến tranh là gì.
Dọc
đường có rất nhiều xe nhà binh xuôi ngược, những chiếc xe bọc sắt kêu
inh tai, tung bụi mù mịt cả một quãng đường và cả những người lính cổi
trần, đội nón sắt ngồi bên khẩu súng có nòng nhiều lỗ.
Hai
bên đường là đồng ruộng trống vắng, tôi có cảm tưởng mọi sinh hoạt
chung quanh đều ngưng lại, chỉ có chiếc xe là cử động, dằn xóc với tốc
độ và ổ gà.
Anh
Cả tôi chắc chắn là vĩnh viễn không còn thấy những thứ ấy trên đời này,
tôi nghĩ, chết là một giấc ngủ dài và nếu đúng là một giấc ngủ thì chết
hẳn phải sướng, khỏi mệt óc, mệt xác. Nhưng hãy cho tôi chết như anh Cả
tôi, xin Thượng đế hãy phù hộ cho cha con tôi được bình yên trong
chuyến đi này. Tôi cầu nguyện vì quá sợ hãi. Tôi nhìn dáng ngồi ủ rũ,
mỏi mệt của cha tôi, một lần nữa linh tính lại cho tôi biết sắp có tai
hoạ. Mà thật, Xe vừa rời khỏi Phú Lâm chừng năm, sáu cây số thì dừng lại
vì gặp mô đất đắp chận giữa đường.
- Chết rồi, đường này đi sớm thường bị vậy đó !
Mọi người trên xe nhao nhao. Một vài người trên xe bảo người tài xế hãy quay xe trở về Sàigòn.
- Bà con yên chí, không sao đâu. Người lơ xe ra vẻ thành thạo. Đợi lính mình tới dò mìn rồi bang ụ đất ra là xong.
Nhưng
hắn vừa nói hết câu thì bỗng có một tốp người vận quần áo bà ba đen, kẻ
cầm súng, kẻ cầm dao từ hai bên đường xông tới, có lẽ họ nằm núp bên lề
đường từ lâu.
-
Mời đồng bào xuống xe ! Một người trong bọn vận quần áo bà ba đen ấy,
dắt súng lục lủng lẳng bên lưng, vừa đi vòng quanh chiếc xe, vừa nói.
Thế là ai nấy đều nghe lời răm rắp.
Tôi hỏi cha tôi :
- Họ bảo xuống xe làm gì vậy cha ?
Cha tôi lườm tôi mà mặt tái xanh :
- Suỵt !
Tôi
lờ mờ hiểu là đã gặp cướp. Tôi nhìn mọi người không ai còn bộ tịch
chững chạc, tất cả lom khom, co rúm một cách thảm hại như những con Tôm
rim trong dĩa sứ.
-
Đồng bào hãy đi theo chúng tôi. Ai bất tuân bắn ngay ! Người đeo súng
lục lại lên tiếng và lẽ dĩ nhiên, chẳng ai dám bất tuân lệnh ấy cả. À,
còn chú bé này… Người ấy quay lại nhìn tôi, thoáng chau mày. Chú ở lại
đây đi. Đừng đi theo. Xa lắm. Chốc nữa họ sẽ ra với chú.
- Dạ con tôi đó. Cha tôi nói. Xa thì tôi cõng…
- Thì nó ngồi đây chờ cũng rứa. Có sao.
- Thôi con leo lên xe đi ! Cha tôi bảo sau một lúc ngần ngừ và cố nén tiếng thở dài.
Sự
việc xảy ra kỳ lạ quá làm tôi luống cuống, không còn một phản ứng mạnh
nào. Tôi gật đầu, nhìn theo cha tôi và trong lòng thì run sợ đến nỗi
định nói : “Lỡ họ bắt cha luôn rồi làm sao ?” vẫn không nói được.
Bây
giờ, tôi mới nhận ra chỉ có tôi là đứa trẻ độc nhất trong đám hành
khách – Tất cả đang băng đồng hướng về một xóm gần đó – Nhưng không
biết trong đó chứa đựng những bí mật gì và tại sao người ta lại bắt hành
khách lớn tuổi. Ý nghĩ cho bọn người đó là cướp không còn trong tôi
nữa. Nhất định họ là giặc, tôi gào lên : “Cha ! Cha !” và hình như ông
có ngoái nhìn lại. Lúc đó chắc ánh mắt ông tuyệt vọng ; còn tôi thì òa
khóc. Tôi khóc mãi cho đến khi có lính mình tới hỏi và tôi khai không
thiếu một chi tiết nào. Cuối cùng họ đưa tôi về Hội Dục Anh để chờ thân
nhân tới lãnh mặc dù tôi đã khẩn khoản xin họ cho về Châu Đốc để gặp mẹ
tôi.
Ở
Hội Dục Anh, tôi gặp nhiều đứa bé trang lứa, nhỏ hoặc lớn tuổi hơn tôi
chút đỉnh, phần đông bị đi lạc được gởi tới cũng đợi thân nhân lãnh về,
nhưng có nhiều đứa đợi mãi vẫn không thấy ai đến.
Bây
giờ tôi lại hiểu thêm rằng hàng ngày trên Radio vẫn có tin trẻ lạc và
tin tức đó phần nhiều liên quan với những đứa trẻ ấy. Tuy nhiên, điều
tôi thắc mắc mãi là tại sao chúng nó có thể đi lạc. Tôi lân la làm bạn
một vài đứa để được thỏa mãn thắc mắc này thì mỗi đứa cho biết mỗi hoàn
cảnh và hoàn cảnh nào hình như cũng có những nguyên nhân sâu xa có từ
ảnh hưởng chiến tranh.
Một
đứa kể cho tôi nghe chuyện nó đi lạc thế này : Ba nó lên Sàigòn nói là
để kiếm công ăn, sở làm, nhưng đi đã ba tháng rồi mà không thấy về, cũng
không có tin tức gì cả. Hỏi thăm ra, có người nói ông đã có vợ bé ; má
hắn bán tín bán nghi, nhưng cuối cùng không thể chịu đựng nổi những đau
khổ đành phải lên Sàigòn tìm ông như tìm bóng chim, tăm cá. Thế rồi một
hôm, hôm đó cũng là hôm nó đi lạc, mẹ hắn bắt gặp cha hắn đèo một cô gái
trên xe gắn máy, và vội vã kêu tắc xi đuổi theo, quên cả hắn. Nói đến
đây, hắn khóc hu hu…
Một
đứa khác lại kể một chuyện khác về hắn, giọng rành rõi như người lớn :
Tao thì chẳng đi lạc bao giờ. Hắn thầm thì. Tao cũng chẳng có cha mẹ,
sống lông bông đầu đường xó chợ, muốn có tiền thì đi móc túi. Nhưng mấy
lúc nay, bị đau luôn nên đành giả vờ là đi lạc để Cảnh sát gởi tao về
đây. Dù sao thì ở đây cũng hơn ở vỉa hè, thêm vào đấy có người săn sóc
thuốc thang cho mình. Hắn cười hì hì…
Hoàn
cảnh mỗi đứa mỗi khác, tôi nghĩ, nhưng đứa nào cũng đáng thương. Chuyện
thằng có người cha theo vợ bé làm tôi liên tưởng đến những ngày cha tôi
suýt bỏ mẹ tôi để lấy con gái ông thợ hớt tóc ở dưới Châu đốc. Những
ngày ấy, cha tôi hầu như không biết đến gia đình là gì nữa. Suốt ngày
ông lầm lì và đi vắng thất thường. Mẹ tôi gạn hỏi, ông cau có trả lời là
do công việc làm ăn. Lúc ấy, bỗng tôi đâm bệnh nặng, có lẽ là tôi đã bị
trúng gió vào lúc nửa đêm. May là đêm ấy có ông ở nhà. Nhưng ông chỉ
săn sóc qua loa, cho tôi uống thuốc rồi ngủ, chứ không như mấy lúc, mỗi
lần tôi bệnh xuống là ông thức trắng đêm canh chừng từng nhiệt độ tăng
giảm trong người tôi. Ấy vậy mà mẹ tôi cũng không dám nói gì. Sự có mặt
của bà trong nhà lúc nào cũng khiêm nhường đóng vai phụ trong một cuốn
phim dài do cha tôi đạo diễn, đó là cuốn phim sinh hoạt gia đình. Chẳng
bao giờ mẹ tôi có một ý kiến gì phản đối về những quyết định của cha
tôi, nên khi tôi bệnh nặng quá, phải đem vào bệnh viện mẹ tôi cũng không
được đi theo săn sóc, chỉ ở nhà lo nấu cơm, nấu cháo gởi vào cho tôi và
cha tôi. Lần bệnh ấy, tôi tưởng không còn hy vọng gì cứu sống được, bởi
vì cơn sốt làm tôi lên cơn kinh phong vào buổi chiều. Đó là buổi chiều
sau đêm tôi phát bệnh, và cha tôi lại không có ở nhà, mẹ tôi luýnh
quýnh, trông thật thảm hại, chưa gì nước mắt bà đã ứa ra, miệng mếu
xệch, run run gọi tôi : “Con !
Con ! Trời ơi, sao con tôi thế này ?” rồi nhờ ông Cốm kêu xe chở tôi
đến bác sĩ làm như ông Cốm là bà con ruột thịt không bằng. Tôi cứ thắc
mắc mãi là tại sao bà không đi với tôi. Sau này rõ ra là bà sợ đi bỏ
nhà, cha tôi biết được sẽ rầy. Bà sợ cha tôi đến như vậy đó. Nhưng rồi
bà vẫn bị cha tôi rầy vì khi về đến nhà, nghe nhờ ông Cốm đưa tôi đi bác
sĩ là ông đã hét vang lên : Con mình, mình không lo để hàng xóm lo là
nghĩa làm sao ? Và như thế mẹ tôi cũng không biết phải làm thế nào mới
vừa lòng ông được. Tôi nghĩ rằng nếu tôi không bệnh thì có lẽ khó mà ông
bỏ người con gái con ông thợ hớt tóc vì bệnh của tôi mỗi ngày mỗi thêm
biến chứng nguy kịch và có lẽ ông đã nghĩ nếu tôi chết là lỗi do ông
không lo săn sóc tôi ngay từ
lúc bệnh mới phát. Trông ông, ánh mắt như tránh cái nhìn yếu ớt của tôi
và ông buồn buồn như đang bị những ân hận ray rứt, giày vò. Ông trải
giấy báo trong căn phòng tôi nằm ở bệnh viện nhưng ông chỉ ngồi chứ
không dám đặt lưng xuống nghỉ. Mỗi lần tôi tỉnh dậy đều có mặt ông bên
cạnh. Tôi cũng biết là ông đang cố ngăn những giòng nước mắt, ông sợ tôi
chết không biết lúc nào. Người chung quanh thấy ông bơ phờ đều ái ngại
vì ở trong bệnh viện đó chẳng có người nuôi bệnh nào là đàn ông. Ngược
lại, ông không cần biết đến điều đó. Ông chỉ biết có tôi và bác sĩ, y tá
săn sóc tôi. Ông luôn luôn cố tạo mối thiện cảm và lòng biết ơn với tất
cả nhân viên trong bệnh viện. Chắc ông có ý nghĩ làm như thế, người ta
sẽ tận tình
chữa trị bệnh cho tôi hơn. Nhưng khổ nỗi, bệnh của tôi là thứ bệnh kỳ
quặc. Tôi bị tiêu chảy liên miên. Bác sĩ bảo là tôi sốt xuất huyết đã
qua thời kỳ trầm trọng. Cứ ba hoặc năm phút, tôi lại bị tiêu chảy một
lần, cha tôi phải thay quần và chùi rửa cho tôi. Thường ngày, ông là một
người rất kỹ lưỡng, sạch sẽ, thế mà những lúc ấy chẳng thấy ông tỏ ra
gìn giữ vệ sinh gì cả, cúi xuống ngửi phân và lấy cây bươi ra xem có
những gì khác lạ để khai với bác sĩ. Thật chưa có bao giờ tôi thấy ông
lo lắng, khổ sở như vậy.
Nếu
bảo rằng hoàn cảnh đã tạo nên điều kiện là đúng thì chính tôi bệnh nặng
là một dịp kéo cha tôi trở về ý thức trách nhiệm và bổn phận với gia
đình.
Người
con gái, con ông thợ hớt tóc, có lẽ bực tức về việc cha tôi đột ngột
không lui tới thăm nàng nên đánh liều tìm đến nhà tôi, gặp mẹ tôi khai
hết sự thật giữa nàng và cha tôi có gian díu với nhau. Nghe tin này, mẹ
tôi run rẩy như con vật bị thương, mặt tái xanh nhưng vẫn cố giữ can đảm
để khỏi phải khóc trước người con gái nhỏ tuổi ấy. Bây giờ, tôi đã hết
bệnh rồi – Ông xoa đầu tôi, nhưng lại nói như nói với mẹ tôi :
- Chẳng ai bằng con tôi cả, phải không con ?
Tuy nhiên, dù vậy, uy tín của ông cũng đã giảm sút một phần lớn trong gia đình.
Tôi
nhớ lại những ngày qua ấy, lòng đã buồn lại càng buồn hơn, nước mắt
chảy dài trên má và bỗng một ý nghĩ táo bạo đến với tôi : Phải trốn khỏi
nơi này để về gấp với mẹ ! Chắc giờ này bà đang trông cha tôi, đang
trông tôi. Và tôi thực hiện : suốt đêm không ngủ, nằm trong bóng tối cố
vểnh tai để nghe động tĩnh chung quanh, chờ mọi người yên giấc, tôi len
lén thoát ra cửa và chui qua rào, thực mạo hiểm. Có lẽ suốt đời tôi khó
mà quên cái giây phút căng thẳng thần kinh đến tột độ ấy, nhưng khi đã
rời Viện Dục Anh tôi lại lo sợ hơn. Tôi bắt đầu ân hận đã làm một việc
điên rồ và băn khoăn không biết làm cách nào để có tiền đi xe, có tiền
ăn dọc
đường. Trí óc của tôi moi móc lung tung vẫn không thấy một giải pháp
thoả đáng nào cho tình trạng ấy cả. Chưa bao giờ tôi tuyệt vọng đế thế,
tuy nhiên, như một kẻ phóng lao phải theo lao, không thể lùi thì phải
tiến, tôi cắm đầu chạy về phía phố xá có ánh đèn với hy vọng may ra gặp
người tốt bụng tôi sẽ kể hết hoàn cảnh bi đát của tôi để họ thương mà
giúp đỡ. Tôi cũng biết rằng như thế chẳng khác nào những người ăn xin vì
lỡ độ đường và tôi tìm vào một tiệm ăn vì tin ở đó chỉ có những thực
khách mới có đủ thì giờ ngồi nghe tôi trình bày nỗi thống khổ mà tôi
đang gặp.
Tôi lẩm bẩm :
-
Nơi đây được rồi ! Tôi ngước nhìn tấm bảng treo trước một cửa hiệu với
những chữ “Đồng Tháp” rồi do dự một vài phút mới rụt rè bước vào.
Lúc
ấy, tiệm ăn vắng khách, chỉ có một người đàn ông chắc là chủ quán, mập ú
ù ngồi trong quầy rượu, đang kê mũi vào một tờ báo và ngủ gục.
-
Phải ông chủ đó không ? Tôi cố đi mạnh chân và lên tiếng hỏi để khỏi ai
nghi ngờ đã lén vào, nhưng người đàn ông vẫn ngáy đều đều như nằm trên
giường.
-
Gớm, ngủ gì mà ngon thế… Tôi lại lên tiếng một lần nữa và thấy cần phải
làm như thế mới chứng tỏ được tôi là người ngay chứ không phải kẻ gian
rồi dợm bước định trở ra.
-
Dạ ! Dạ ! Bỗng có tiếng đàn bà ở phía sau tiệm ăn vọng tới. Tôi hoảng
hốt. Bà chủ tiệm lên thấy mình chắc là chửi om sòm, tôi nghĩ và muốn
chuồn thật lẹ nhưng chưa kịp chuồn thì bà ta đã hiện ra ở khung cửa.
- Trời ! Cậu Lênh Đênh !
- Á, bà An ! Tôi mừng quá, kêu to, chạy sà vào vòng tay bà.
- Cậu đi đâu một mình khuya khoắt thế này ?
-
Chớ bà về đây bao giờ ? Tôi không trả lời câu hỏi của bà già An mà chỉ
hỏi lại vì tôi quá ngạc nhiên. Bà về đây lâu chưa ? Sao không ghé thăm
nhà tôi ? Tôi hỏi lung tung rồi bệu bạo. Bà ơi, cha tôi bị giặc bắt rồi…
- Hả, hả ? Cậu nói sao ? Bà An sửng sốt, chụp vai tôi như muốn hối tôi phải khai cho ra mọi lẽ. Còn bà ? Còn cậu Giác ?
Lúc ấy, không cầm giữ được nước mắt, tôi khóc òa lên, vừa khóc vừa kể lể tất cả những biến cố dồn dập đã đến với gia đình tôi.
Bây giờ, người đàn ông ngủ gục ở quầy rượu, nghe ồn ào mới cựa mình thức dậy.
- Đứa nhỏ nào thế ? Ông cau mày khó chịu.
- Cậu Lênh đênh đây mà ! Bà An giải thích.
- A… Cậu Lênh đênh ! Nét mặt ông rạng rỡ ra ngay.
Bà An giới thiệu :
- Ổng dó ! Ý bà muốn nói chồng của bà đó.
-
Hân hạnh ! Tôi bắt chước hai tiếng cha tôi đã nói sau những lời giới
thiệu, nhưng trong óc đang liên tưởng đến những mối tương quan giữa cái
tên bảy Bụng với cái bụng như thùng nước lèo của chồng bà An.
- Thế thì chắc cậu chưa ăn cơm ? Ông Bảy bụng bắt đầu săn sóc tôi.
- Vâng, tôi chưa ăn gì cả. Tôi chùi nước mắt và ngượng ngùng khi đã thú thật điều ấy.
- Trời, tội chưa ? Bà An lật đật chạy xuống bếp. Ông Bảy bụng dìu tôi lại ghế ngồi :
-
Vợ chồng tôi định tìm đến thăm ông già, bà già cậu và mấy cậu, ông nói,
nhưng vợ tôi lại quên số nhà cậu, quên tên đường… Bà ấy mà có nhớ cái
gì. Tôi tức quá, cự nự.Bà ấy bảo tại hồi đó lên ở chưa được một tháng
thì bệnh rồi phải về quê ngay nên có biết gì đâu. Đúng là cù lần…
-
Còn ông, sao không giỏi kiếm nhà ổng bả đi ? Lúc ấy bà An cũng vừa bưng
cơm lên cho tôi, nghe ông Bảy Bụng chê bà nên bà kiếm cách hỏi vặn.
- Thì… thì…
- Thì sao ?
- Thì trước sau gì tôi cũng kiếm ra.
-
Xí, còn lâu ! Bà An trề môi, ra cái điều không tin ông Bảy Bụng có thể
làm cái việc, mà theo bà, quá khó khăn ấy, rồi quay lại tôi : Kìa, mời
cậu ăn đi chứ ! Bà bới cơm ra chén và tôi bắt đầu ăn không một chút ngại
ngùng.
Tôi vừa ăn vừa kể tiếp những chuyện của gia đình tôi trong những ngày bà An đã đi rồi.
Tôi hỏi bà An bây giờ có thể giúp tôi về Châu Đốc để gặp mẹ tôi không ?
Bà gật đầu :
-
Được chứ ! Cậu không bảo tôi cũng phải giúp. Để mai tôi với cậu cùng
đi. Nhân thể cũng là để về tiễn đưa linh hồn cậu Cả. Thật tôi không ngờ
người hiền lành như cậu ấy… Rồi bà sụt sùi.
- Phải đấy, bà phải đi mới được ! Ông Bảy bụng góp vào.
Thế là, sáng sớm hôm sau, bà An và tôi về Châu Đốc, nhưng về đến nơi thì đám táng anh Cả tôi đã cử hành, xong xuôi rồi.
Mẹ tôi vừa thấy tôi ở ngõ đã chạy ùa ra ôm cứng tôi vào lòng với đôi tay run rẩy :
- Con, con ! Sao con về được đây ? Mẹ nghe nói cha con – con bị bắt cả rồi…
- Ai ? Ai nói mà mẹ biết ?
- Mấy người đi xe sau chứ ai ? Còn cha con đâu ?
Chắc
là mẹ tôi tưởng cha tôi cũng được thoát nạn, nhưng chỉ mới nghe hỏi vậy
là tôi đã khóc rống nên bà An phải giải thích mọi chuyện. Còn anh Giác
chẳng cần nghe gì cả mà đã nức nở rồi.
Anh Giác kêu : Cha ơi, cha hỡi ! Làm như cha tôi đã chết không bằng.
Sau
đó, mẹ tôi lại lâm bệnh nặng, bà đã bệnh vì quá đau khổ, tôi với anh
Giác phải lo săn sóc bà vì bà An ở lại được ít hôm đã trở về Sàigòn, sợ
ông Bảy Bụng trông.
Mẹ
tôi bệnh như thế cả tháng mới mạnh, nhưng vừa mới mạnh thì Châu Đốc bị
nạn lụt, nước mỗi ngày mỗi dâng cao, chúng tôi phải rời khu nhà thờ –
Lúc ấy chúng tôi được ông cha đạo cho ở trong kho chứa đồ khu nhà thờ –
Chúng tôi đi bằng ghe. Đó là cái ghe của người đánh cá trên sông nên
quá nhỏ mà người chạy lụt thì quá đông thành thử chạy được một quãng thì
chìm. Thực là họa vô đơn chí. Tôi bấy giờ chỉ vừa thấy chiếc ghe tròng
trành là đã bị nước phủ lên đầu, định chụp lấy tay mẹ nhưng không kịp
nữa, không còn biết gì nữa. Tôi muốn kêu mẹ tôi, kêu anh Giác nhưng
không thể nào ngoi đầu lên được. Lồng ngực tôi như muốn vỡ ra vì nước
chảy
tràn vào mũi mỗi lúc một nhiều và hiểu là khó mà thoát chết dù vẫn hy
vọng có người tới cứu, dù cố gắng ngậm miệng để khỏi bị uống nước. Tôi
cũng nhớ là hình như trong giây phút thập phần tử nhứt phần sanh ấy bỗng
những chuyện nhỏ nhất xảy ra trong gia đình tôi hiển hiện trước mắt với
khung cảnh nhà máy, ngôi nhà ở Nancy cùng nhiều khuôn mặt thân yêu :
cha tôi, mẹ tôi, anh Cả, anh Giác, bà An, ông Bảy Bụng, ông Cốm, thằng
Cu Nghé, con Két, chú ba Tiết… Và sau cùng là bóng tối dày đặc, nhầy
nhụa, lạnh lẽo…
_____________________________________________________