Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

CHƯƠNG VII, VIII_THUNG LŨNG RẮN



CHƯƠNG VII


Dung và Bạch Liên bước vội vào nhà. Chị Năm, chị giúp việc đang tiếp chuyện ông Phát ngoài cửa trước. Giọng ông Phát cố ý nói nhỏ tiếng đang hỏi thăm chị Năm, và chị này chỉ trả lời cầm chừng trong khi dẫn ông ta vào phòng khách.

Bạch Liên nhắc chừng Dung :

- Chị nhớ lời bác dặn nhé… Đừng nói hở cho ai biết đấy. Thôi, tụi mình ra tiếp ông ấy đi.

Hai người gặp ông Phát ở phòng ngoài, nơi ông Quách Tiến dùng làm phòng đọc sách, soạn nhạc, và tiếp khách. Góc phòng có kê một bàn lớn, chỗ làm việc của ông Quách Tiến. Trên bàn, các giấy tờ được chặn dưới một cái chặn giấy thật đẹp, ép hình một con bướm sặc sỡ trong khối pha lê hình tròn. Ông Quách Tiến là một người rất ngăn nắp, và các giấy tờ của ông được sắp xếp thật thứ tự.

Ông Phát đứng tựa ngay đầu bàn, mắt nhìn lên bức họa treo trên tường. ông quay lại khi nghe dung và Bạch Liên bước vô phòng :

- Chào cô Dung ! – ông gật đầu chào Bạch Liên, tiếp : Tôi đang mải ngắm bức họa. Đẹp quá cô nhỉ. Chắc đây là bức thủ ấn họa của Tú duyên mà ông Quách Tiến đã nói với tôi…

Dung mỉm cười :

- Thưa ông, không phải ạ. Đây là bức tranh lụa của Vũ Kiệt, một tài năng mới của nhóm “Họa sĩ trẻ” Những bức của các nhà danh họa, bạn với cậu cháu treo ở chỗ tiếp khách và ngồi đọc sách kia ạ.

Ông Phát ngượng ngùng nói :

- Thế à ! Tôi… tôi không rành lắm.

Bạch Liên thấy dáng điệu của ông Phát có vẻ lúng túng. Cô nghi rằng ông ta đến chỗ bàn làm việc của ông Quách Tiến không mục đích để ngắm bức tranh. Hẳn phải có ý gì khác ? Tự nhiên Bạch Liên liếc nhìn lên bàn, và nàng nhận thấy có điều khác lạ.

Dung niềm nở mời :

- Xin mời ông ra phòng khách ngồi chơi ạ.

Nàng vượt lên, tiếp :

- Thưa ông, cậu tôi vừa mới đi khỏi.

Ông Phát đáp :

- Vâng, chị giúp việc có cho tôi hay.

Và ông thản nhiên ngồi xuống ghế. Trong lúc Dung loay hoay pha trà mời khách thì ông Phát ngắm các bức hoạ trên tường. Miệng ông trầm trồ khen ngợi nhưng mắt ông soi mói liếc nhìn mọi chỗ.

Dung đưa tách nước cho ông :

- Mời ông xơi nước ạ. Chắc ông ở trên mỏ xuống chơi mà sao lại không gặp cậu tôi nhỉ. Cậu tôi lên quận, và tiện thể sẽ ghé sang mỏ thăm các ông mà ?

- Uổng thật. Tôi tính gặp ông Quách Tiến để biết ý kiến của ông về một việc.

- Thưa, việc có quan trọng lắm không ạ ? Nếu có thể xin ông cho biết để khi cậu tôi về, tôi sẽ thưa lại.

Ông Phát ngập ngừng :

- Nguyên là… Chắc cô Dung cũng biết qua về tình thế hiện thời trong khu vực này chứ ?

Bạch Liên đưa mắt nhìn Dung, như để bảo nàng phải đề phòng. Nhưng Dung nhẹ nhàng đáp :

- Chắc ông muốn nói về vụ khám phá ở trên mỏ, phải không ạ ? Vâng, chúng tôi cũng được nghe tin đồn.

- Chính những tin đồn ấy sẽ có thể gây nên một cuộc xáo trộn đấy. Trên mỏ ông giám đốc đã thu xếp cho vợ con của các nhân viên rời lên Đà Lạt khi cần. Vì biết thế nên tôi nghĩ đến chị em cô ở đây, và có ý xuống xem ông Quách Tiến đã lo sửa soạn gì chưa ? Chắc cũng thu xếp xong rồi chứ nhỉ ?

Sợ Dung quá thật thà, vội tin những lời lẽ đầy nhân nghĩa của ông Phát, nên Bạch Liên vội đỡ lời bạn ;

- Tình hình đâu đã đến nỗi bi đát thế, thưa ông ?

Ông Phát quay về phía Bạch Liên :

- Dĩ nhiên, mình cũng mong như thế. Nhưng phải nên phòng xa chứ !

Bạch Liên hỏi tiếp :

- Thưa ông, đã có việc gì xảy ra chưa ? Nghĩa là tình hình có gì thay đổi khác trước không ạ ?

Bạch Liên cố ý len vào câu chuyện để buộc ông Phát nói với nàng hơn là với Dung. Có lẽ cũng biết thế nên ông ta nóng nảy nói :

- Tình thế biến chuyển rất nhanh chóng. Tôi chỉ muốn hỏi riêng cô Dung…

Bạch Liên cướp lời :

- … Là đã thu xếp rời bỏ nơi này phải không ạ ? Nếu vậy thì, thưa ông, chưa ! Chúng tôi chưa sửa soạn gì cả.

Ông Phát lừ mắt nhìn Bạch Liên;

- Cô nên biết là tôi hỏi cô Dung chứ không phải hỏi cô ! Cô hãy để cô Dung trả lời, vì cô ấy mới là chủ nhà. Việc quyết định là do cậu cháu cô ấy…

Dung vội dàn hòa :

- Thưa ông, em Liên nói đúng đấy ạ. Chúng tôi chưa sửa soạn gì cả.

- Thế ông Quách Tiến cũng chưa quyết định gì sao ?

Dung còn ngập ngừng, thì Bạch Liên đã lại xen vào :

- Bác Quách Tiến và bác Diệp đều cho là tình hình không có gì đáng lo cả. Vì dù sao thì việc này chỉ dính dáng đến sở mỏ thôi.

Ông Phát vẫn chưa chịu tin :

- Nếu cuộc âm mưu bùng nổ, thì sự xáo trộn sẽ ảnh hưởng cho khắp mọi người vùng này, chứ chẳng riêng gì ai. Tôi không hiểu một người nhiều kinh nghiệm như ông Quách Tiến…

Nhưng ông Phát buông lửng, bỏ dở câu định nói. Đột nhiên, ông quay sang hỏi Dung :

- Thế còn cậu Đàm, với cậu con ông Diệp đâu rồi ?

Dung nói lảng :

- Dạ, bọn họ đi chơi, chắc cũng sắp về. Thưa mời ông xơi nước, kẻo nguội ạ.

Ông Phát nhấp một chút lấy lệ, rồi đứng lên kiếu từ một cách vội vã ;

- Thôi chào các cô, tôi trở về quận có chút việc.

Dung tiễn ông ta ra tới bực cửa, rồi quay lại cự Bạch Liên :

- Liên bậy quá. Ông Phát có lòng tốt muốn giúp mình mà mình lại làm phật lòng người ta.

Bạch Liên lắc đầu :

- Em nghi lòng tốt của ông ấy quá. Ông đến chỗ bàn giấy của bác Quách Tiến làm gì ? Ngắm bức tranh à ? Không phải đâu ! Chị có để ý thấy con bướm chặn trên chồng giấy lật ngược không?

- Không ! Cậu tôi rất cẩn thận, và ông quý cái chặn giấy đó lắm. Nhưng…

- Như vậy thì không khi nào bác Quách Tiến lại để ngược cái chặn giấy ấy. Trừ khi là ông Phát, và chồng giấy đã bị ông ta lục lọi. Em có ý kiến này. Chị chờ em một phút…

Bạch Liên bước vội xuống sân sau, chạy lại chỗ mà hồi nãy chú B’Him và nàng đã thấy đám người ngựa phóng qua.

Dung ngơ ngác theo sau hỏi :

- Chuyện gì mà bỏ chạy ra đây thế Liên ?

- Em muốn biết ông Phát có trở lên quận như lời ông ấy nói không ? Có phải ông vừa nói với tụi mình là ông ấy lên quận có chút việc phải không chị ?

- Ừ. Ông ta nói như thế.

- Nhưng ông ta không lên quận, vì đứng đây chúng ta có thể nom thấy ông lên đấy hay không.

- Vậy ông ta đi đâu ?

- Thì em cũng đang muốn biết như chị. Nếu ông không thẳng đường lên quận, tất chỉ rẽ ngang sang con đường đưa tới cái buôn chị vừa nói đó.

Dung im lặng. Bạch Liên tiếp :

- Giả sử như ông Phát theo phe Hắc Xà, thì chính ông ta là người đã báo cho Hắc Xà biết vụ khám phá căn hầm bí mật dưới địa đạo ngôi đền thờ. Bởi vì ông ta là kỹ sư, là người của sở mỏ, nên ông biết hết mọi việc trên ấy. Hôm nay ông ta lại đột ngột xuống chơi ! Để làm gì ? Có phải chỉ để ngắm mấy bức tranh ? Hơn nữa chị nghĩ sao về cái chặn giấy trên bàn để ngược ? Rõ ràng là ông ta chỉ mượn cớ để dò xét, coi mình có ý định tản cư hay không ?

Dung ngạc nhiên hỏi :

- Để làm gì chứ ? Dù mình ở hay đi thì điều đó có liên quan gì tới ông ta hay Hắc Xà đâu ?

- Nếu họ âm mưu gây loạn ở đây, tất họ không muốn ai ra lọt khỏi khu vực này, để cấp báo với chính quyền chứ !

- Thế còn vợ con các kỹ sư trên mỏ thì sao ? Họ cũng đi mà !

- Chắc ông Phát đã bịa ra tin ấy để dò thái độ của mình. Biết đâu trong giờ phút này Hắc Xà đã án ngữ con đường đèo chắn lối ra vào thung lũng rồi !

Dung hoảng sợ :

- Nếu vậy thì nguy quá. Tôi mong cậu tôi và bác Diệp về nhà ngay cho rồi !

Bạch Liên thêm :

- Cả Tuấn và Đàm nữa !

Sau bữa điểm tâm trễ, mà hai người ăn một cách uể oải, Dung và Bạch Liên lại rủ nhau ra vườn. Mặt trời đã lên cao. Bầu trời thật trong sáng. Nhưng hai chị em có cảm tưởng như không khí nặng nề phủ trùm thung lũng. Thời gian tưởng như ngưng đọng. Mỗi giây phút kéo dài hàng thế kỷ.

Dung và Bạch Liên ngồi dưới bóng cây, cố gắng trò chuyện, đọc sách cho khuây, nhưng chẳng ai yên tâm được, cuối cùng Dung thở dài :

- Sốt ruột quá, chịu không nổi ! Cái bọn con trai thật dễ ghét. Nhè ngay hôm nay mà rủ nhau đi chơi. Thằng Đàm về đây tôi sẽ cho nó một trận ! Thôi mình thả bộ một tí cho đỡ cuồng chân đi Liên.

Hai người đứng lên theo con đường nhỏ lượn khúc dưới những tàng cây rậm lần về phía vách rào. Thơ thẩn một lúc, Dung lại nóng lòng giục về :

- Mình vào nhà thôi Liên ạ. Thử xem bọn con trai đã về chưa. Có khi cậu tôi và bác Diệp cũng…

Nhưng Dung vội im, vì Bạch Liên bỗng nắm lấy tay nàng. Liên vừa chợt nghe có tiếng động sột soạt của lá cây. Nàng kéo Dung nấp vào một bụi rậm thì thầm :

- Hình như có người đang rình mò đâu đây.

Cả hai nín thở, chờ đợi. Tiếng sột soạt mỗi lúc một rõ. Rồi một người rẽ lá chui ra, tiến lên mặt đường, cách bụi rậm hai người đang nấp chừng mươi bước.

Dung thốt kêu :

- Ủa, anh Phong !

Và nàng chạy lại phía anh ta, Phong có vẻ mệt nhọc, quần áo tơi tả, vết bầm tím hằn rõ trên mặt. Tuy vậy, vừa nhác thấy Dung, anh mỉm cười niềm nở :

- Chào cô Dung. May quá lại gặp cô ở đây !

Dung trách:

- Anh làm chúng tôi sợ hết hồn. Tại sao anh phải chui bờ chui bụi thế hả ? Tưởng anh mất tích đâu rồi chứ !

Nghe Dung nói, Phong ngẩn mặt sửng sốt :

- Ủa, Cô chưa biết gì cả à ? Té ra cô chưa được tin của tôi ? Hai cậu con trai cũng chưa nói gì với ông nhà sao ?

- Cậu tôi đi vắng. Ông lên quận rồi ghé chơi trên mỏ. Nhưng anh vừa nhắc đến Đàm và Tuấn phải không ? Anh có gặp họ à, anh Phong ?

- Dĩ nhiên là tôi có gặp. Lúc ấy khoảng 8 giờ sáng, tôi đang bị rắc rối với bọn Hắc Xà thì các cậu ấy đến giải thoát hộ kịp thời. Tôi có bảo các cậu ấy phải về nhà ngay, báo cho ông Quách Tiến biết những điều mà chính các cậu đã mục kích, và hẹn sẽ tới gặp ông sau. Tôi phải lẩn tránh không cho ai thấy mặt ở đây vì còn có việc phải đi nữa. Tôi muốn bày cho ông Quách Tiến lối thoát khỏi Thung lũng Rắn, vì… đường quốc lộ kẹt rồi…

Phong ngưng nói đưa tay xoa vết thương trên mặt, hỏi :

- Thế hai cậu ấy chưa về thật à ?

Thấy Dung lắc đầu, anh tiếp :

- Họ đã hứa chắc với tôi là sẽ trở về ngay và tôi đinh ninh giờ này họ đã có ở nhà rồi. Nếu họ chưa về thì chắc có chuyện rắc rối rồi đấy, cô Dung ạ. Họ dám bị bắt ở dọc đường lắm !

Dung tái mặt :

- Sao lại bị bắt và ai bắt họ ?

- Hắc Xà chứ còn ai vào đây nữa. Tôi không rõ ông Quách Tiến và cô hiểu biết tình hình ra sao. Thực ra thì vụ âm mưu nổi loạn này được ngấm ngầm tổ chức từ lâu. Vụ khám phá trên sở mỏ chỉ là một yếu tố được lợi dụng để châm ngòi cho thùng thuốc súng bùng nổ. Hắc Xà muốn chiếm trọn vùng này biến thành khu tự trị. Để khởi đầu, hắn đã án ngữ mọi ngả ra vào thung lũng và lập căn cứ ở một nơi hiểm yếu. Vì lẽ đó hắn không muốn ai thoát khỏi nơi đây. Hai cậu con trai kia nếu có bị bắt, cũng chỉ để ngăn ông Quách Tiến không đi được. Chúng bắt họ làm con tin đó.

Dung mở to mắt nhìn Phong. Những điều anh ta vừa nói quả là xác đáng. Nàng kêu lên :

- Trời ! Làm sao bây giờ ?

- Giá lúc này có ông Quách Tiến ở nhà thì hay biết mấy.

- Thử vào nhà xem may ra cậu tôi về rồi.

- Tôi phải lánh mặt nên sẽ ẩn ở phía đầu nhà. Nếu có thuốc hút cô làm ơn cho tôi một gói.

Ba người cùng rảo bước. Bạch Liên muốn xen vào câu chuyện mà chưa có dịp. Dung cũng không kịp giới thiệu nàng với Phong nữa.

- Anh về đây lần này có việc gì thế, anh Phong ? Dung hỏi. Cả nửa năm nay không thấy anh ghé chơi.

Phong nhỏ giọng :

- Tuy không tới thăm ông Quách Tiến và cô được, nhưng tôi vẫn có mặt ở đây. Có lẽ tôi nên cho cô biết điều này, -- để cô và ông Quách Tiến yên lòng – tôi là một nhân viên thuộc cục An ninh quốc gia hoạt động bí mật, nên hành tung cũng bí mật. Nhiệm vụ của tôi được giao phó chỉ có cấp trên của tôi biết. Cô không cần hiểu rõ thêm, chỉ biết rằng lần này có liên quan đến vụ Hắc Xà. Cô tin lời tôi nói chứ ?

- Dĩ nhiên là chúng tôi tin anh !

Đến đầu nhà, Phong ẩn vào một bụi rậm. Dung bảo Bạch Liên :

- Liên ở đây với anh ấy. Đợi vài phút chị ra liền.

Phong nhìn Bạch Liên :

- Tên cô là Liên à ?

- Vâng, Bạch Liên !

- Chắc cô là bà con với cậu thanh niên cùng đi với Đàm sáng nay.

- Dạ, anh ấy tên Tuấn và là con trai bác Diệp, bạn thân của bác Quách Tiến. Anh nghĩ Đàm và Tuấn có gặp điều gì nguy hiểm không ?

Phong nhún vai :

- Hai cậu trai đó cũng khá can đảm, nên không đáng lo cho họ lắm. Tôi đoán họ chỉ ẩn nấp tạm đâu đó thôi. Khỏi mất công tìm họ làm gì, vì tìm họ lúc này có khác gì tìm cây kim trong đống giạ ? Giả sử họ có bị Hắc Xà bắt giữ, thì cũng sẽ bình an vô sự. Điều cần thiết hiện giờ là cô và Dung phải can đảm, bình tĩnh để đối phó với hoàn cảnh. Chúng ta đang bị kẹt trong vòng vây của Hắc Xà đấy. Cô có rõ tình hình trên mỏ sáng nay ra sao không ?

Bạch Liên lắc đầu :

- Không, chúng tôi chưa được tin gì cả.

- Tôi cũng vậy, Nhưng theo tôi nghĩ, thì nếu ông Quách Tiến và ông Diệp đang ở trên ấy cả hai ông đều không thể trở về đây được nữa. Cô và Dung dám bị kẹt luôn ở đây giữa một trận giao tranh của quân Hắc Xà với lính quận và đoàn cảnh vệ trên mỏ. Nếu không có tiếp viện, Hắc Xà sẽ thắng thế và thừa dịp hắn sẽ làm cỏ hết từ trên xuống dưới. Chừng ấy thì cái trại này… Các cô tính sao đây ?

- Chúng tôi sẽ bỏ trại, chạy trốn vào rừng với chú B’Him.

Phong trầm ngâm nhìn Bạch Liên… Anh gật đầu nói :

- Quyết định như vậy, kể cũng khá đấy. Vì không còn cách nào hơn. Nhưng tôi chưa được yên tâm lắm. Tôi có ý kiến là…

Dung đã trở ra, mang theo một ly nước, một gói thuốc lá, và phong thư. Nàng hấp tấp nói :

- Cậu tôi vừa gửi mấy chữ, đưa tin là cậu và bác Diệp hiện ở trên mỏ, chưa dám về nhà ngay bây giờ. Hai ông chờ trời tối mới xuống, và dặn nếu có nghe súng nổ phải ở yên trong nhà không được ra ngoài.

Phong uống một hơi cạn ly nước, đoạn châm thuốc hút. Anh hỏi :

- Ai đem thư này xuống ?

- Một chú bé tên Đông, con của một cảnh vệ trên mỏ.

- Nó còn đó không ?

- Còn, chị Năm đang cho nó ăn. Tội nghiệp ! Thằng nhỏ phải chạy lủi trên các đường mòn để khỏi ai trông thấy, nên cũng mệt.

Phong đột ngột quyết định :

- Tốt lắm ! Ăn xong chú bé Đông sẽ trở lên mỏ ngay. Cô hãy viết mấy chữ báo cho ông Quách Tiến biết là cô và cô Liên đã rời khỏi trại lánh đi nơi khác rồi. Cả hai cô cùng đi với tôi.

Dung kinh ngạc nhìn Phong :

- Không thể được !

- Tôi hiểu tâm trạng cô lắm, cô Dung ạ. Cô không nỡ bỏ trại, bỏ mọi người mà đi được. Nhưng tình thế hiện thời không cho phép chúng ta trì hoãn hơn nữa. Hẳn ông Quách Tiến và ông Diệp đều cầu mong cho hai cô được bình yên vô sự. Tôi xin bảo đảm an toàn cho hai cô. Chỉ cần hai cô yên lòng theo tôi vượt khỏi thung lũng này là tôi có nơi chắc chắn để hai cô tạm trú.

Dung phân vân quay nhìn Bạch Liên. Suy nghĩ kỹ Bạch Liên đành gật đầu :

- Có lẽ chị nên nghe lời anh Phong. Tìm được chỗ trú ẩn an toàn rồi, anh Phong và em sẽ trở lại tìm bác Quách Tiến và bác Diệp. Với lại cũng còn phải nghe ngóng tin tức của Đàm và Tuấn nữa!

Phong gật đầu :

- Đúng thế !

Dung rên rỉ :

- Trời ! Chỉ riêng có mình tôi đi ẩn thôi sao ? Nếu thế cứ để tôi ở luôn đây cho rồi.

Dung chưa kịp nói hết câu thì một tiếng nổ vang trời làm nàng hoảng hốt.

- Cái gì vậy ? Phải tiếng sấm không ?

Phong bình tĩnh đáp :

- Không phải tiếng sấm. Mìn nổ đó cô ạ. Tôi chắc Hắc Xà đã cho nổ để bít lối con đường đèo, ngăn chận tiếp viện của ta và đồng thời cũng là hiệu lệnh tấn công của hắn. Tình thế khẩn cấp lắm rồi. Đừng bàn tán vô ích nữa. Cô vào nhà thu xếp ít xống áo, viết mấy chữ báo tin cho ông Quách Tiến rồi trở ra đây ngay. Chúng mình phải rời đây lập tức kẻo trễ mất !





CHƯƠNG VIII



Đàm và Tuấn kinh ngạc nhìn người đàn ông. Hắn đứng sừng sững, dáng cao gầy, nét rắn rỏi, đang nhếch mép cười thú vị. Hắn ném mẩu thuốc lá đi tiến lại phía Đàm và Tuấn.

Cùng lúc ấy ở phía cửa hang, lối vào “cấm thành” và các khe đá, thấp thoáng mấy bóng người tiến ra vây hãm Tuấn và Đàm vào giữa. Người đàn ông đến cách Tuấn Đàm chừng dăm bước thì đứng lại hất hàm hỏi :

- Hai cậu ở đâu ? Tới đây làm gì ?

Đàm mạnh dạn đáp :

- Tôi là con trai ông Quách Tiến, cùng với anh bạn ở Saigon đến đây chơi. Hai con ngựa của chúng tôi, các ông dẫn đi đâu rồi ?

Người đàn ông không trả lời câu hỏi của Đàm. Hắn nở rộng nụ cười :

- À, cậu là con ông Quách Tiến ? Ở cái trại dưới thung lũng kia phải không ?

Đàm gật :

- Vâng. Các ông làm ơn cho chúng tôi biết…

Người đàn ông cắt ngang :

- Các cậu không về nhà nữa, phải đi theo chúng tôi. Các cậu sẽ được đối xử tử tế. Nếu biết điều thì đừng tìm cách trốn, hiểu chưa ?

Giọng hắn đanh thép, lạnh lùng. Đàm sợ xanh mặt, nhưng cũng cố gắng cãi :

- Các ông lấy quyền gì mà bắt chúng tôi theo. Tôi nói cho ông biết…

Người đàn ông như không thèm nghe. Hắn tiến lên. Đàm xoay người toan bỏ chạy. Nhưng một người Thượng đứng gác phía sau đã nắm cứng lấy tay. Tuấn vừa định kháng cự thì người đàn ông đã vung tay tát vào mặt anh :

- Đứng im !

Bị một cái tát nảy đom đóm mắt, Tuấn căm giận hỏi :

- Các ông uy hiếp chúng tôi đi đâu ?

- Rồi sẽ biết. Nơi này ngoạn mục lắm. Các cậu ở lại với chúng tôi độ chừng một tuần, hai tuần hay lâu hơn nữa không chừng. Sau đó các cậu sẽ trở về bình yên. Nghe chưa ? Thôi đi.

Hắn ra lệnh bằng tiếng Thượng cho đồng bọn dẫn Tuấn Đàm đi. Ra khỏi cửa hang của “cấm thành” quẹo xuống một con dốc, Tuấn Đàm thấy hai con ngựa của mình đứng chung với mấy con ngựa khác.

Tất cả lên ngựa khởi hành, lầm lì không nói nửa lời.

Đoàn người ngựa bỏ đường mòn vượt lên triền sỏi đá mấp mô.

Độ nửa giờ chật vật cả bọn mới vượt sang triền núi bên kia, để xuống một thung lũng khác, nhỏ hơn thung lũng Rắn và cũng hoang vu cằn cỗi hơn. Toàn vùng lổn nhổn sỏi đá, với cỏ dại, xương rồng, và bụi gai khô héo.

Đàm và Tuấn đi quãng giữa, chưa dám nói gì với nhau. Thừa lúc vào một đường hẹp, Đàm cho ngựa kèm sát bên Tuấn hỏi nhỏ :

- Không hiểu họ đưa anh em mình đi đâu ?

Tuấn khẽ đáp :

- Chưa biết !

- Tại sao họ lại bắt mình nhỉ ?

Tuấn không hiểu vì sao nữa. Anh cũng băn khoăn như Đàm và tuy lo sợ nhưng lại vẫn nóng lòng muốn biết cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ này đưa mình tới đâu. Rồi đây, nếu không thấy hai đứa về, ông Quách Tiến, ông Diệp và Bạch Liên với chị Dung nữa… hẳn sẽ bối rối lắm.

Đột nhiên, trong cơn lo lắng, biết chắc mình đang bị bắt dẫn đến một nơi vô định, Tuấn bỗng thấy nhớ Bạch Liên ghê gớm. Hình ảnh Bạch Liên chợt hiện ra với cặp mắt, nụ cười, và cái nheo mũi tinh nghịch… Rồi đến Khôi, đến Việt, đến Dũng… tất cả những khuôn mặt bằng hữu đó thoáng hiện lên, thoạt như chê trách, riễu cợt, nhưng đồng thời lại như khuyến khích, thúc dục Tuấn phải hành động, phải tìm cách vượt qua cơn thử thách.

Tuấn thấy phấn khởi. Anh đưa mắt ghi nhận phương hướng, đường lối, chú ý từng bụi cây hốc đá, để phòng khi trốn thoát trở về. Anh hỏi Đàm ;

- Cậu biết sở mỏ ở phía nào không ? Nói nghe thôi đừng có chỉ trỏ.

- Phía tay phải. Cách chỗ mình đang đi độ mươi, mười hai cây số.

Im lặng một lát, Đàm thở dài :

- Tôi đã bắt đầu thấy kiến bò trong bụng rồi. Đói quá.

- Tụi mình vẫn còn dư thức ăn trong “sắc” buộc bên yên ngựa. Chừng nào chúng nghỉ lại, mình sẽ ăn. Cũng may sáng nay mình mang đi khá nhiều. Nhưng…

- Nhưng sao ?

Tuấn im. Đàm nháy mắt tiếp :

- Mình cứ để bọn họ cho ăn. Còn phần của mình nên giữ lại phòng khi… mình “chuồn” chứ gì ? Tôi hiểu ý anh rồi. Anh đã có kế gì chưa ?

- Chưa, còn phải nghe ngóng xem đã.

Đàm buồn rầu :

- Sợ họ còn đưa mình đi xa hàng chục cây số nữa. Không hiểu họ bắt tụi mình làm gì ? Có lẽ ở nhà đã xảy ra chuyện gì lộn xộn rồi cũng nên.

- Mình phải cố gắng tìm cách trở về mới được.

Cả hai lại im lặng, đầu óc rối bời những mưu toan.

Còn đang mải suy nghĩ chợt thấy một kỵ mã phóng tới. Hắn cho ngựa đứng rạt sang bên, nghiêm chào người đàn ông cao gầy và nói với nhau bằng tiếng Thượng.

Người mới đến đeo trên vai một khẩu súng trường, bao đạn quấn ngang lưng. Sau vài câu trao đổi hắn cho ngựa quay vào con đường cũ và biến dạng luôn.

Nhóm người áp giải Tuấn Đàm quặt sang bên trái rồi đổ xuống một con dốc mới.

Tiến thêm quãng nữa, đoàn người ngựa xuyên qua khe núi vào một khu lòng chảo khá rộng. Ở đấy có chừng mười hai túp lều dựng sơ sài dựa theo vách núi. Khoảng trống ở giữa có một đống lửa. Vài người đàn bà đang thổi nấu, trong khi những người đàn ông quây quần chung quanh kẻ nằm người ngồi vừa trò chuyện vừa hút thuốc. Họ đứng cả dậy khi đoàn người ngựa tiến vào, và chiếu cặp mắt tò mò nhìn Tuấn Đàm.

Hai cậu con trai được lệnh xuống ngựa. Một người Thượng tháo chiếc sắc buộc trên yên trao trả cho Tuấn, rồi dắt ngựa đem cột chung một chỗ với các con khác. Tuấn Đàm im lặng đứng giữa đám người hiếu kỳ đang ồn ào vây quanh. Người đàn ông cao gầy truyền những lệnh ngắn. Rồi hắn dõng dạc nói với các người hiện diện. Đàm ghé vào tai Tuấn thì thầm :

- Hắn bảo chúng mình là những tù nhân quan trọng, cần phải canh giữ cẩn thận.

Tuấn thắc mắc :

- Tại sao họ cho mình là quan trọng nhỉ ?

- Có lẽ chúng biết tụi mình đã giải thoát anh Phong, nên hắn liệt tụi mình vào hạng nguy hiểm.

Đàm nhìn Tuấn mỉm cười khi nói câu ấy. Tuấn mỉm cười với bạn. Và đám người Thượng vây quanh hai anh cũng toét miệng cười theo, đầy thiện cảm. Trong lốt người rừng rú, thân thể vạm vỡ sạm đen, và tuy trên người đeo đầy vũ khí, họ vẫn không có vẻ chiến binh hay đạo tặc. Cả hai hạng, họ không thuộc hạng nào hết. Họ chỉ là những con người chất phác, hiền lành, rời bỏ nương rẫy rừng sâu, nghe theo tiếng gọi của Hắc Xà, coi Hắc Xà như một thủ lãnh.

Nói với đám người đó xong, người đàn ông quay lại bảo Tuấn Đàm :

- Các cậu vào trú tạm trong lều. Nhớ đừng có lộn xộn mà toi mạng.

Lúc ấy mặt trời đã đứng bóng. Tuấn, Đàm đứng trước đống lửa, dưới ánh nắng bỏng rát nên mồ hôi tuôn ra rỏ giọt. Hai người được dẫn tới túp lều cuối dãy. Lều trống không, trên mặt đất có trải một manh cói ẩm mốc.Người đưa Tuấn, Đàm vào lều tác người bé nhỏ, mớ tóc khô cứng đã điểm bạc, trán thấp, da mặt nhăn nheo, và là người nhiều tuổi nhất bọn. Lão vừa đi vừa nói. Đàm cho Tuấn biết :

- Lão là người canh gác bọn mình. Lão nói mình đừng có trốn, vì nếu trốn lão bắt buộc phải bắn chết. Coi bộ lão cũng hiền lành, tốt bụng.

Trong lều khí nóng thật oi bức. Tuấn, Đàm xin ngồi ngoài cửa cho mát. Lão già bằng lòng, ôm súng ngồi cách đấy mấy bước, miệng phì phào điếu thuốc. Đàm nhìn về phía đống lửa xem bữa ăn trưa đã nấu xong chưa. Hai người đàn bà, một già một trẻ mải cười cợt với những người đàn ông, có vẻ không cần vội lắm.

Đàm càu nhàu :

- Đói hoa mắt lên rồi, không lo dọn cho người ta ăn, còn cứ đủng đỉnh cười cợt mãi ! Anh Tuấn, hình như trong sắc còn gói kẹo phải không ? Anh đưa tôi ăn đỡ vài cái đã.

Tuấn lục sắc lấy kẹo đưa Đàm, trầm giọng nói :

- Chúng mình phải tìm cách chuồn gấp mới được. Ở nhà chắc mọi người nóng lòng vì mình lắm, nhất là lại sắp có cuộc hỗn chiến xảy ra, không tài nào tránh khỏi. Nhất định bọn Hắc Xà đang mưu toan đánh cướp sở mỏ để chiếm lấy kho vàng. Mình phải làm sao trốn thoát nội đêm nay.

Đàm nói :

- Dĩ nhiên là phải trốn, nhưng trốn cách nào bây giờ ? Họ canh gác coi bộ chặt chẽ lắm !

- Phải rình cơ hội. Cậu thử tính xem từ đây về trại mình xa bao nhiêu cây số ?

Đàm suy nghĩ :

- Khoảng độ mười cây.

- Nếu vậy chúng ta có thể đi bộ được…

Tuấn chợt im vì vừa bắt gặp lão già đang chăm chú nhìn hai người như muốn đoán biết các anh nói gì với nhau. Nhưng không, lão chỉ nhìn gói kẹo trên tay Đàm với cặp mắt hau háu. Đàm lấy mấy chiếc chia cho lão, gương mặt lão sáng lên với nụ cười nở rộng. Cầm lấy chiếc kẹo lão hí hởn cám ơn.

Bữa cơm Đàm chờ đợi cũng được mang đến gồm hai tô cơm trộn bắp với một ít thịt rừng. Người đàn bà đưa cơm để lại bầu nước uống và nhoẻn miệng cười thiện cảm.

Đàm vừa ăn vừa gợi chuyện với lão gác, mong tìm hiểu tình thế, nhưng hỏi câu nào lão cũng chỉ lắc đầu cười. Chán nản Tuấn đành ăn cho xong bữa rồi vào lều, nằm lăn ra ngủ.

*

Vài giờ sau Tuấn Đàm thức giấc vì tiếng hò reo và tiếng vó ngưa khua rồn rập. Ngót hai chục kỵ mã đang tiến vào trại, dong theo mấy con ngựa thồ những bao nặng trên lưng. Người dẫn đầu đoàn kỵ mã nhảy xuống nói với người đàn ông cao gầy.

Toàn trại xôn xao, và trong tiếng nói cười huyên náo, họ tháo những bao súng, đạn chuyển vào trong các lều rộng nhất.

Tuấn thốt kêu :

- Kìa Đàm thấy không ? Hình như có cả một khẩu đại liên !

Đàm gật đầu, vẻ mặt lo ngại :

- Đúng rồi, thêm một khẩu nữa là hai !

- Hình như họ dùng nơi này làm căn cứ xuất phát thì phải. Khu lòng chảo này vừa kín đáo, hiểm trở rất thuận lợi cho một cuộc…

Tuấn cau mày tiếp :

- Cuộc âm mưu này không hẳn chỉ nhắm riêng vào vụ đánh cướp kho tàng trên mỏ thôi đâu !

Đàm bần thần đáp :

- Chưa biết họ còn dự tính gì nữa ? Tôi thấy run quá anh Tuấn ạ.

Người thờ ơ nhất trong cuộc náo động là lão già canh gác hai anh em Tuấn. Lão ngồi ngoài cửa lều thản nhiên hút thuốc.

Cảnh náo động lắng dần sau khi dỡ xong các bao nặng trên lưng ngựa. Nhưng toàn trại đều chuẩn bị sẵn sàng.

Chợt từ xa có tiếng nổ vang dội. Tiếng nổ rung chuyển lan rộng vào các vách núi… mà Bạch Liên, Dung và Phong đã nghe dưới thung lũng.

Tuấn, Đàm nhìn nhau ngơ ngác. Mọi người rõi mắt nhìn về phía Thung lũng Rắn. Tên chỉ huy – gã đàn ông cao gầy – ló đầu ra ngoài lều nói một câu làm mọi người hò reo ầm ỹ.

Đàm hỏi :

- Tiếng sấm hay tiếng bom nổ thế anh ?

Tuấn đáp :

- Không rõ tiếng gì. Nhưng dầu sao thì đây cũng là một tiếng nổ.

Và tiếng nổ này có thể là một hiệu lệnh. Cả trại huyên náo trở lại. Viên chỉ huy quát những lệnh ngắn, truyền cho thủ hạ sửa soạn súng đạn. Mấy con ngựa thồ được dắt đến, chở đại liên và hòm đạn. Ngựa chiến được thắng sẵn yên cương, có con chỉ dắt trên lưng một mảnh chăn rách. Hai người đàn bà cũng cấp tốc nấu thêm bữa cơm thứ hai, và không quên đem phần cho Tuấn, Đàm.

Người ngựa chuẩn bị sẵn sàng, chờ đợi một cuộc xuất quân. Mặt trời chìm dần, khuất sau rặng núi phía tây nhường cho hoàng hôn nhuốm màu mờ ảo.

Có tiếng hô vang vọng từ xa. Và lập tức, mọi người – kể cả viên chỉ huy – đứng nghiêm đưa mắt nhìn ra con đường mòn đi vào lòng chảo. Tiếng vó ngựa nghe rồn rập rồi từ khe núi phóng ra bốn kỵ mã. Họ ghì cương, xuống ngựa. Người đi đầu thong thả duyệt qua đoàn người ngựa đang đứng nghiêm chờ lệnh. Khi người ấy bước đến gần lều của Tuấn, Đàm, cả hai đều khẽ thốt:

- Hắc Xà !

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX, X